Có nhiều người viết thơ về ve sầu. Nhưng lạ một điều, thứ âm thanh nhức óc đinh tai đó bỗng dưng bị biến thành khúc ru ngủ, lời ngân nga dịu êm, thậm chí tiếng ve văng vẳng còn bị thi vị hóa thành một… bản tình ca! Nhưng tôi không nghe như cách người ta thường nghe, tôi không nghĩ những điều người ta thường nghĩ. Không phải một “biện pháp nói quá” bản thân, mà thực sự như vậy. Chẳng biết có cô nào, anh nào giống tôi không? Tôi có thói quen hay dừng lại để nghe một âm thanh gì đó từ thiên nhiên, như muốn “ăn tươi nuốt sống” âm thanh ấy, rốt cuộc cũng chỉ để hiểu âm thanh ấy là gì, linh hồn của nó trông ra sao. Quái hơn nữa, có khi tôi còn nhìn chằm chằm cảnh tượng người ta hôn nhau, ôm ấp nhau, chỉ để… hiểu được tình yêu là gì (mà rốt cuộc tôi có hiểu nỗi đâu, với tư cách là một con Đom Đóm đi lượm nhặt sự sống)! Hay lúc đứng trên lầu cao, tôi cứ nghĩ mãi nhảy xuống sẽ mang cảm giác gì, rồi nghĩ luyên thuyên về cái chết, phải chăng con người ta khi không còn lí do để sống không hẳn là lí do để chết đi… Quay lại với tiếng ve, bởi cái thực thể không thuộc về loài người trong tôi, nên đối với tôi, tiếng ve phải thực đầy nhức nhối trong tâm can, như đúng nghĩa với cái sự khô khốc của nó.

Mùa hè, một mùa mà người ta dường như không ai mong nó đến. Hè về hay hè đến? Miễn là nhắc đến hè là nhắc đến chia xa, nhất là đối với lũ học trò. Không chỉ đau thương, hè còn khắc khoải mùi nhiệt huyết, mỗi lần gặp hè là làm lòng người xao xác về hồi ức hăng say nồng nhiệt. Hè khiến con người ta nhận thức về một bản thể nhỏ nhoi lạc lối giữa sa mạc khô cằn. Và ở sa mạc ấy, không có phượng mơ màng, không có bằng lăng mộng mị, cũng chẳng thấy cảnh vui tươi của tuổi trẻ, chỉ có một giai âm cất lên: tiếng ve sầu ngân.

Tôi nghĩ về tiếng ve của nỗi nhớ con người. Ve cất tiếng thê thảm lắm, nó inh ỏi như lời than vãn, rên rỉ của ai đó. Hè đến, nhớ kỉ niệm buồn vui, nhớ kí ức rực rỡ giờ đây đã tàn lụi mà lòng cứ tương tư… Nỗi nhớ ấy, người ta nói, nó day dứt làm sao! Nỗi nhớ luôn là một điều gì đó làm gò bó trái tim, làm quặn lòng những gì đã chỉ còn là quá khứ. Nhạc sĩ Thanh Sơn viết về tiếng ve: “Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng”, nhưng sao tiếng ve buồn đến vậy? Bởi lẽ ve chỉ cất lời khi hè đến, mà khi hè đến là y như rằng có cảnh biệt ly, có những giọt nước mắt, mồ hôi sinh ra từ dòng máu đỏ tươi trong người. Tôi nhớ lắm câu ca của Lê Mộng Bảo: “Hè ơi mỗi năm ghi thêm lần nhớ”, mà cái oái oăm là hè không chỉ ghi trên mỗi cánh phượng, trên từng tia nắng oi bức, mà còn vất vưởng trong cái ra rả của ve. Người ta có thể quay mặt lánh đi nỗi nhớ khi nhìn thấy phượng, hay dễ tìm thấy một nơi trú nắng, chớ tiếng ve thì trốn đường nào đây? Thế là ve sầu ép ta đối diện với sầu ta! Ác ôn là vậy! Nên chỉ đành phải nghe, phải cảm nhận lại thôi, chẳng còn cách nào nữa. Ve buồn người có vui đâu bao giờ – Và rồi, tôi nghe ve kêu mà thoát hồn tựa lúc nào chẳng hay…

Với tiếng rên e e ấy, học trò cứ khóc sướt mướt khi sắp xa nhau, nhất là bọn cuối cấp, dù đã học chung lớp nhau tận mấy năm trời, qua được biết bao mùa hè rồi, mà cứ tới mùa hè này lại tự dưng xót lòng đến đáng sợ. Sợ sắp xa nhau! “Trong một gia đình, khi xa cách, họ sẽ nhớ về nhau. Lúc đó cả hai sẽ biết được bản thân mình yêu quý người kia biết dường nào” (tôi nhớ lời này trong bộ phim Clannad). Mà thật như vậy, mấy năm học chung nào có bao giờ nghĩ đến một ngày nào đó tự nhiên chẳng còn thể gặp nhau được nữa đâu, mà hè đến, chỉ mùa hè này thôi, mùa hè cuối cùng khép lại năm tháng học trò làm người ta nghĩ đến cái thực tại chắc chắn diễn ra ấy, thì có buồn không chứ! Rồi ve sầu đi tiếp vào trí óc những nam thanh nữ tú, đàn bà đàn ông. Làm gợi nỗi hoài vọng xa xưa xa lắc, gợi năm tháng tuổi thơ, mà ngẫm lại mới ngỡ mình đã sống được nửa đời người. Hỡi ôi! Thời gian bẽ bàng quá! Con người phải sống chậm đến mức nào để có thể tận hưởng thật thỏa mãn những niềm hạnh phúc đơn sơ kia? Ve sầu ngân lên một khúc tang ca cho những cảnh biệt ly, đầy bi ai, đầy ám ảnh, thống thiết. Nhưng nó không làm dịu lòng người, mà làm điên cuồng cả máu thịt, càng nghe càng nhức nhối, càng oán giận, càng muốn như tắt thở đi cho xong.

Cay đắng thay, khi hè gợi càng nhiều kỉ niệm, ve rên càng thăm thẳm, lòng người càng ưu hoài, và nỗi ưu hoài ảo vọng nhiều đến nỗi ta chợt nhận ra:

“Ôi! Bao nhiêu ảo tưởng của hồn ngây

Tôi phút bỗng như quên đời thê thảm”

(Tố Hữu)

Tôi chẳng muốn đá động gì tới tư tưởng, chỉ thấy cái lời này đúng lắm kia. Cuối cùng, bao kí ức ùa về thì nó cũng chỉ còn là kí ức. Quá khứ vẫn chỉ là quá khứ, con người vẫn chỉ là con người, con người thì vẫn phải đi tiếp tới tương lai. Bởi thế mà “Tôi phút bỗng như quên đời thê thảm”, quên rằng đã chẳng còn được chạm vào những xúc cảm xưa, điều tôi muốn cảm nhận lại, điều tôi muốn thay đổi, điều tôi muốn… muốn lắm nhưng… chỉ còn lại trong tôi là cả một bầu dĩ vãng. Tôi trách ve sầu ác, hè ác, cớ sao gợi lại chi nỗi buồn rồi để đó cho người tiếc nuối! Chưa thấy ai nói xấu ve bao giờ, hình như có mình tôi nghĩ ve như thế, nghĩ hè như thế. Càng nghĩ tôi càng oán ve, muốn xé toạc tiếng văng vẳng kia. Nhưng thôi rồi, tôi đã chìm hoàn toàn vào mộng tưởng. Trong đầu tôi giờ đầy ám ảnh, đầy bừng bừng đỏ nóng, như một trận đại hồng thủy máu đang chảy tràn trong tâm trí. Quả thật, sự gợi nhớ kí ức nó còn kinh hãi hơn cả việc coi một bộ phim kinh dị, nhất là những cuộn kí ức chẳng muốn nhớ.

Tiếng ve ngân lên không phải một khúc ca, mà là một ngọn lửa. Ngọn lửa mùa hè đỏ máu của trái tim: càng đốt cháy đi những kí ức, kí ức càng rạo rực. Phải rồi, tôi đã từng quên rất nhiều thứ, tôi đã viết lại trí óc chính mình. Nhưng làm thế nào mà hè kia có thể tái sinh lại hàng loạt quá khứ đau thương? Hay chăng tiếng ve đã khiến lòng tôi trỗi dậy để đi tìm cảm xúc thuở xa xưa? Xuân-Hạ-Thu-Đông, chỉ có mỗi mùa hè là khiến tôi bồn chồn mà buồn bã nhất, buồn ảo não nhưng nóng chảy, nó là cái gắt gỏng chói chang hơn nắng mùa xuân, ngột ngạt hơn khí trời mùa thu, mà lại đem tới nỗi lòng tê dại hơn mùa đông lạnh lẽo. Hè mang một ngọn lửa ác quỷ! Nó thiêu chết cả cõi lòng người ta, mà cũng có thể như người ta bán linh hồn cho nó để nó khơi gợi lại cảm xúc. Nhưng sau cùng, những gì còn lại, tiếp diễn mãi, là con người, là tiếng tang thương cho những biệt ly của người với người, của tình với tình, của tháng năm với tháng năm, của quá khứ và tương lai, của quên lãng và nhung nhớ, của lạc lối và bước tiếp…

Ám ảnh đến vậy, cháy máu đến vậy… Hóa ra tiếng ve đâu thơ đâu mộng đâu! Thế mà người vẫn cứ nghe ve kêu mỗi năm hè. Nghe và hưởng cho cùng tận cái “sầu” đúng nghĩa của nó, cái sầu của ve, cái sầu của một mùa hè, cái sầu của kỉ niệm… Con người luôn nhớ về kí ức, nên tồn tại một khát vọng trong bản thể được quay lại kí ức đó, dù biết sẽ nhói tim, nhưng vẫn cố chấp. Đó chính là con người, đó mới là linh hồn. Dẫu cho nhân vật Undertaker trong Black Butler đã thẳng thừng nói: “Những gì mang tên kí ức chỉ là phù du mà thôi”, ta vẫn cứ không đành để quá khứ qua đi. Tiếng ve làm sống dậy những điều ấy, sống dậy theo một niềm inh ỏi đinh tai, một nỗi niềm duy chỉ có ve sầu mới có thể mang đến – nỗi sầu hòa lẫn nỗi hờn và cắn rứt.

Luyên thuyên như thế chắc cũng đủ cho một buổi rảnh rỗi rồi. Nghĩ nhiều chỉ tổ khiến con người ta thêm nặng đầu. Huống chỉ một con Đom Đóm lại đi nói xấu con Ve như thể bị giành mất khách thơ thế kia. Kí ức sau cùng chẳng đáng để nhớ, và cũng chẳng đáng để quên. Giờ tôi chỉ muốn bật vài bài nhạc lên nhâm nhi cuộc đời trước tiếng ve sầu kia ấy, cho một mùa hè cứ tiếp tục bước đi…

14/05/2022



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}