Hôm nay, nhà họ Trần ở Tân Huyên đón tiếp khách quý. Thái Xuyên mấy ngày trước vừa từ Hội Phúc trở về. Công việc làm ăn khiến anh luôn bôn ba khắp nơi, đôi khi một năm chỉ về quê vào dịp Tết Nguyên Đán. Nhưng từ tháng trước nhận được lá thư thăm hỏi của Tổng trấn An Định thành, thay mặt Hoàng tôn Dương, anh biết mình không thể từ chối, càng hiểu mình sắp đối mặt chuyện gì. Quyết định đứng về phía ai trong cuộc chiến tranh đoạt vương quyền, một hoàng thương như anh không thể tránh khỏi. Nhưng quyết định có trung thành với một phía mãi mãi hay không, vẫn nằm trong tay anh. Không phải ngẫu nhiên mà người đời lại có từ “gian thương”.
Anh nghe người hầu báo tin khách đã đến, liền xếp sổ sách lại. Anh bước xuống sập gỗ lim, sửa sang lại khăn áo bằng gấm đen huyền, cất bước rời khỏi thư phòng. Tiếng guốc mộc đều đều gõ nhẹ lên nền gạch khắc hoa sen thể hiện thái độ người đi rất thong dong bình thản, không một chút vội vàng lo lắng.
Anh ra đến bến sông, người khách đã lên bờ. Chàng đang đứng chỗ cầu tàu. Gió thổi từ dòng sông rộng lay động tà áo dài màu lam thẫm của chàng thanh niên đã quá đôi mươi. Vải lụa lượn bay sinh động nhưng màu sắc lại trầm mặc lạnh lùng, giống như vẻ mặt chàng đang nhìn anh. Nụ cười hòa nhã trên môi, nhưng đôi mắt lại sâu thăm thẳm. Hình ảnh đối lặp ánh vào tâm trí khiến cho anh ngẩn ngơ một chút, rất nhanh lại trấn định. Anh mỉm cười, chấp tay chào, âm thầm quan sát chàng một lần nữa.
Người thanh niên nhìn qua rất bình thường. Khăn vành cùng màu lam thẫm với áo dài đều làm bằng vải bông, chẳng phải gấm vóc sang trọng dệt hoa văn, quần lá tọa màu trắng ngà đã cũ. Chiếc guốc trên chân bằng gỗ vong mộc mạc với tay nải bạc màu khiến cho chàng càng thêm quê mùa. Nhưng nhìn kỹ sẽ thấy vỏ bộc bình dị không thể che khuất phong thái của một nhân vật sinh ra từ dòng dõi thư hương. Sự thanh nhã lẫn cao ngạo của chàng cứ bàng bạc tỏa ra từ nụ cười ánh mắt.
Thái Xuyên biết, ba năm đã qua từ lần đầu tiên anh gặp chàng, và người thanh niên này vẫn không thay đổi. Nhưng Phan Duy Châu từ một học trò nghèo ngồi bán câu đối ở góc chợ Phúc Xuân năm nào, đã trở thành quân sư của Hoàng tôn Dương.
Anh mời chàng vào nhà, hai người vừa đi vừa thăm hỏi xã giao mấy câu. Đường xa, khách mệt, anh cũng không giữ lâu, nhanh chóng dẫn người vào phòng khách đã chuẩn bị từ trước. Tiệc tẩy trần tổ chức vào buổi tối, vẫn còn nhiều thời gian cho chàng nghỉ ngơi. Chờ người hầu mang trà bánh cùng nước ấm vào xong, anh đứng dậy ra ngoài, lại nghe chàng nói.
– Đợi một lát tôi chuẩn bị xong, làm phiền ông chủ Trần dẫn tôi đến Đền thờ thắp hương cho Cao Hoàng hậu và những vị nghĩa sĩ của làng.
Anh cười đồng ý. Quan chức nhất phẩm đi kinh lý vùng Nam Giang, dù có ngang qua Tân Huyên hay không đều phải đến thắp hương, huống chi là chàng. Cái lệ này không ghi thành phép, nhưng ai cũng tự tuân theo.
– Cậu Phan cứ tự nhiên, khi nào chuẩn bị xong thì nói với người hầu báo cho tôi biết. Với lại, cậu gọi tôi bằng tên Xuyên là được.
– Vậy tôi xin phép. Anh cũng gọi tôi bằng tên Châu là được. Cảm ơn anh giúp đỡ.
Chàng mỉm cười, nụ cười thản nhiên nhẹ hẫng như cơn gió mùa xuân năm nào. Anh thấy vậy có chút hoài niệm, gật đầu rời khỏi phòng.
Chưa đầy nửa canh giờ sau, Thái Xuyên gặp chàng đã chuẩn bị xong, đang ngồi trên sập gụ ở nhà chính chờ mình. Người thanh niên mặc lễ phục chỉnh tề, vẫn màu lam thẫm, nhưng bằng gấm mới tinh. Tóc được bới gọn gàng quấn trong khăn. Nét mỏi mệt đường xa đã tuyệt nhiên biến mất. Phong thái cao nhã đã hoàn toàn hiển lộ, không hổ là con trai cả của Bảng nhãn Phan Duy Tấn đang làm Quốc Tử Giám Đốc học. Nhưng đáng tiếc, mẹ của chàng xuất thân đào hát xướng ca vô loài, nên không thể trở thành chính thê, dù là người con dâu bước chân vào nhà họ Phan đầu tiên. Thế nên, chàng nổi danh tài hoa khắp Bắc thành cũng không thể tham gia khoa cử, càng không thể tiến thân quan trường. Vì vậy, chàng không được phụ huynh xem trọng, sau khi mẹ ruột qua đời liền rời nhà chạy đến Phúc Xuân, hy vọng có thể gặp Hoàng tôn Dương đang chiêu hiền đãi sĩ. May mắn, trời không phụ lòng người. Từ đây, Đốc học cũng cắt đứt quan hệ cha con với chàng.
Những chuyện này là lần thứ hai anh gặp chàng ở dinh Tổng trấn An Định thành mới biết. Không phải chàng nói, là anh cố tình tìm hiểu.
Thái Xuyên im lặng dẫn người đi đến Đền thờ. Bởi vì chuyến đi tương đối bí mật, thân phận chàng không được công khai, nên lúc dâng hương chỉ có hai người cùng một ông Từ. Đền thờ được triều đình xây dựng vô cùng xa hoa lộng lẫy. Mái ngói lưu ly, cột kèo chạm khắc, bao lam rồng phượng, sơn son thếp vàng. Chính điện là linh vị của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, trái phải thờ các phi tần cung nữ tự vẫn theo cùng các nghĩa sĩ. Mặc dù hài cốt Cao Hoàng hậu đã được chuyển về Thiên Thọ lăng, nếu Thánh thượng băng hà sẽ cùng hợp táng, nhưng nơi đây vẫn được xem là chốn linh thiêng.
Nắng chiều tàn úa đọng trên tà áo màu lam thẫm trong không gian u tịch, hương khói lượn lờ làm hình ảnh chàng thanh niên như chìm vào cõi ngoại thế hư vô, không nhiễm bụi trần. Thái Xuyên tự hỏi chàng thư sinh vô hại này làm sao có thể bất chấp thủ đoạn, nham hiểm lọc lừa hiến kế cho Hoàng tôn Dương giành ngôi tối thượng?
Hiện nay, hai phần ba thế lực quan viên triều đình đều nghiêng về phía Hoàng tử Kiên, con trai thứ tư của Thánh thượng, vốn là người tài giỏi hiếu thuận, quả quyết cứng rắn, sùng Nho học hợp lòng sĩ phu, không thích mở cửa giao du với Nam Dương, nhiều lần cực đoan cấm Đạo, ngăn cản thông thương. Còn Hoàng tôn Dương từ nhỏ đã cùng cha là Hoàng tử Đán, con trai duy nhất của Nguyên phi quá cố, sống ở Phú Lang Y làm con tin, hoàn thành một điều kiện trong hiệp ước cầu viện ngoại bang đánh quân Bắc Sơn của Chúa Hoàng. Cho nên, tư tưởng của Hoàng tôn Dương không còn truyền thống, mang nặng ảnh hưởng của học thuật Nam Dương, hào phóng tự do, không thích khuôn phép Nho gia, mong muốn cải cách sửa đổi rất nhiều chính sách luật lệ của triều đình.
Nhưng quan điểm của Hoàng tôn Dương không được lòng Thánh thượng. Có nghĩa là ngôi vị hoàng đế bảy phần mười đã nằm trong tay Hoàng tử Kiên.
Bình luận
Chưa có bình luận