Cánh đồng dâu tươi tốt nhìn đến tận cùng tầm mắt cũng chỉ thấy một màu xanh mướt bạt ngàn. Từng đợt sóng lá uyển chuyển nhấp nhô theo cơn gió mạnh ào ạt thổi từ dòng sông rộng. Trên con đường lớn cạnh bờ sông, những giàn tre phơi đầy lụa lãnh đen huyền nối tiếp nhau như suối tóc phiêu bồng của cô thiếu nữ vừa tròn mười sáu. Lãnh Mỹ A nức tiếng xa gần được nhuộm bằng trái mặc nưa bóng loáng, dày dặn nhưng mặc vào mềm rũ, mát lạnh là giấc mơ của biết bao phụ nữ, trở thành cầu nối cho tình yêu đôi lứa của vùng đồng bằng châu thổ Nam Giang: “Bên nàng mặc lãnh Mỹ A. Đưa đò sang chợ tưởng xa hóa gần”
Nghề tằm tang của làng Tân Huyên được hình thành sau khi Chúa Hoàng chạy loạn ngang qua. Quân Bắc Sơn đuổi gấp phía sau nhưng đoàn người lánh nạn có nhiều cung phi chân yếu tay mềm làm chậm bước tiến. Buổi tối ngự lại làng, Nguyên phi Tống Thụy Dao đã xin Chúa bỏ lại mình cùng các phi tần cung nữ để thuận bề mưu cầu đại nghiệp, không bị vướng bận bởi nhi nữ thường tình. Nguyên phi dạy dân trồng dâu nuôi tằm, được dân che chở nhưng không thoát được sự truy sát của phiến quân, đã tự vẫn để giữ tròn phẩm tiết. Người dân nhớ ơn lập đền thờ Nguyên phi. Sau khi giang sơn nối liền một cõi, Chúa Hoàng đã truy phong Nguyên phi là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, đồng thời chọn gấm lụa Tân Huyên làm cống phẩm tiến vua. Nguyên phi cũng được nhân dân suy tôn là “Bà Chúa Tằm Tang”, đời đời được cung phụng hương khói, ghi nhớ ân đức.
Ngoài gấm lụa, làng Tân Huyên còn nổi tiếng với dòng họ Hoàng thương duy nhất ở An Định thành, cũng giàu sang bậc nhất ở xứ Cửu Tỉnh.
Trần Thắng Trung, một người buôn lúa gạo ở Nông Nại đại phố, vì chiến tranh loạn lạc phải chạy giặc về quê vợ nơi đây. Gia đình ông sống trong cảnh nghèo túng, vì tài sản bị quân Bắc Sơn cướp phá. Thế nhưng, khi Chúa Hoàng ngang qua, ông vẫn dâng lên những đồng bạc tích góp cuối cùng để ủng hộ nghĩa quân, sau đó lại đứng ra lãnh đạo dân làng bảo vệ phi tần cung nữ. Nhưng mọi hành động phản kháng đều vô dụng. Một kẻ phản bội trong hàng ngũ chức sắc đã mật báo với phiến quân. Cuối cùng, ông và nhiều người khác bị xử trảm. Sáu mươi bảy đầu lâu bị treo ở đình làng cho đến khi da thịt thối rửa chỉ còn xương trắng để răn đe kẻ khác.
Người duy nhất thoát chết của nhà họ Trần là cô con gái thứ hai, Trần Ngọc Lan. Mấy ngày trước đêm xảy ra thảm sát, nàng đã mang tơ lụa xuống Hà Tiên để bán. Lúc nàng trở về thì quân Bắc Sơn đã rút khỏi làng. Nàng được xóm giềng che chở, đổi tên họ sống bằng thân phận khác và tiếp tục nghề buôn của gia đình. Lấy chữ “Thành” làm đầu, lấy chữ “Tín” làm gốc, trong vòng mười năm, thương hiệu Vạn Phát từ chỗ vô danh đã từng bước khẳng định tên mình ở những đại phố phồn thịnh bậc nhất như Minh Gia, Mang Khảm, Hội Phúc… Gấm lụa Tân Huyên cũng không ngừng theo thuyền buôn ngoại quốc đi khắp bốn biển. Lợi nhuận thu được, một phần đóng thuế cho triều đình Bắc Sơn, toàn bộ số tiền còn lại, cô gái trẻ đã bí mật quyên tặng cho Chúa Hoàng phục quốc.
Sau khi lên ngôi cửu ngũ, lúc ban thưởng công trạng, Chúa Hoàng đã phong cho Ngọc Lan danh hiệu “Hoàng thương” chuyên lo việc buôn bán với triều đình, cung cấp những vật phẩm mà hoàng cung cần dùng mỗi năm. Từ đây, ngoài truyền thống buôn lụa, Vạn Phát đã mở rộng việc kinh doanh ra nhiều lĩnh vực. Nhờ vào bản lĩnh, cũng dựa vào quyền thế, công việc làm ăn của họ Trần ngày càng phát đạt. Sau hai mươi ba năm đất nước thống nhất, Vạn Phát đã có hàng trăm cửa hiệu khắp các thành trấn trong Nam ngoài Bắc. Danh tiếng khó có người sánh kịp.
Năm năm trước, Ngọc Lan cùng chồng qua đời do bệnh đậu mùa, trước sau chỉ cách nhau mấy tháng. Danh hiệu “Hoàng thương” được Thánh thượng ân chuẩn cho con trai của nàng là Trần Thái Xuyên tiếp quản. Việc kinh doanh của Vạn Phát vẫn thuận buồm xuôi gió, vì Thái Xuyên từ nhỏ đã theo cha mẹ tiếp xúc thương nghiệp. Anh thông minh tài giỏi, cẩn thận nghiêm túc, đối nhân xử thế thông tình đạt lý, ôn hòa lễ nghĩa, đặc biệt rất yêu thương em gái, thay cha mẹ đã mất chăm sóc cô bé từ lúc lên năm. Cho nên, anh rất được mọi người kính phục tôn trọng, vẻ ngoài khôi ngô tuấn tú cũng làm nhiều thiếu nữ xiêu lòng, không ít danh gia vọng tộc muốn gả con gái cho anh, nhưng qua tuổi trưởng thành, người đàn ông hoàng kim vẫn độc thân.
Những lời đồn đoán bắt đầu lan truyền. Đàn ông không cờ bạc rượu chè, cũng không gần nữ sắc, càng không có ham mê đặc biệt, cuộc sống lành mạnh, đoan chính đến kinh ngạc, nếu không phải bậc tu hành, thì chắc chắn có bệnh khó nói. Nhưng người trong cuộc nghe chuyện thị phi cũng không phản ứng gì, im lặng trong mắt người ngoài chính là ngầm đồng ý. Dần dần, một đồn mười, mười đồn trăm, không ai dám nhắc chuyện hôn nhân với nhà họ Trần, thậm chí có người hảo tâm còn giới thiệu thầy lang nổi danh, hoặc tặng những phương thuốc gia truyền cho anh. Gặp chuyện này, anh cũng chỉ cười cảm ơn, không nổi giận cũng không xấu hổ, nên người ngoài càng tin là thật.
Bình luận
Chưa có bình luận