Chương 9: Dịch Bệnh.
Khi thiếu nữ lắc chiếc chuông, một vầng hào quang vàng nhạt tỏa ra trùm lên linh hồn Phạm Lịch. Yêu tà một khi bị ánh sáng ấy chiếu vào sẽ lập tức hiện nguyên hình, còn ác quỷ sẽ hóa thành cát bụi ngay tức khắc. Nhưng ả tập trung nhìn mãi mà vẫn không thấy linh hồn trước mặt xảy ra biến hóa gì. Trong lòng ả xuất hiện một dự cảm bất thường. Đúng vào lúc ả định thu tay, một tia sáng xanh xuyên qua ngực ả từ một góc độ không ngờ đến. Ả lập tức trợn mắt, thốt ra vài lời cuối cùng với vẻ mặt không thể tin:
“Sao có thể, tại sao, tại sao…?”
Phạm Lịch lồm cồm bò dậy, bình thản đáp:
“Chuông này có thể khắc chế mọi tà vật, nhưng ta lại không phải tà vật.”
Thiếu nữ hộc máu, chết không nhắm mắt. Phạm Lịch đi tới nhặt lấy chiếc chuông đồng bên cạnh thi thể, tiếp tục giật chiếc túi nhỏ bên hông ả xuống. Hắn thử bỏ chuông vào nhưng miệng túi quá nhỏ, làm cách nào cũng không cho vào được. Hắn chợt nảy ra một ý, trước tiên truyền linh khí vào túi rồi mới bỏ chuông vào. Quả như suy đoán, miệng túi phát ra một lực hút, chiếc chuông đồng trên tay hắn đã biến mất tăm.
Phạm Lịch cười thỏa mãn, định quay đầu bỏ đi nhưng rồi lại suy tư nhìn thi thể thiếu nữ, sau đó lấy một thứ ra từ chiếc túi. Hắn dựa theo cách cũ truyền linh khí vào lá bùa song không có tác dụng. Hồi tưởng lại cảnh chiến đấu lúc trước, hắn bèn thêm vào một bước nữa. Truyền linh khí vào lá bùa, niệm chú.
…
Khi Phạm Lịch trở lại bên cạnh Bình An thì đám người Phong Anh đã giải quyết xong tên thủ lĩnh của đám hắc y nhân. Phong Anh và tiên sinh cầm quạt mo đang kiểm kê số binh lính thương vong. Tổng cộng hai trăm ba mươi bảy binh lính và năm đệ tử của bang hội Trấn Hổ. Vừa nghe thấy con số này, Phong Anh đã giận dữ chất vấn:
“Rõ ràng mục tiêu của đám hắc y nhân là ông. Rất nhiều người đã phải bỏ mạng, ông không định giải thích gì sao?”
Tiên sinh thở dài nói:
“Tôi cũng không ngờ chúng ta lại bị mai phục khi gần đến đích như thế. Thực ra tôi không phải là quan thuộc huyện Chánh Bình. Tôi là thầy lang.”
Phong Anh nhíu mày nói:
“Thầy lang… dịch bệnh? Chẳng lẽ một nghìn binh lính ở đây vốn không phải viện binh mà nhiệm vụ của họ là bảo vệ ông?”
Tiên sinh vô cùng hổ thẹn, nhiều người đã chết vì ông như thế, trong lòng không tránh khỏi cảm giác tội lỗi. Nhưng ông biết mình vẫn còn nhiệm vụ cần phải thực hiện, lúc này tự trách vẫn còn quá sớm.
Phong Anh đạp ngã một loạt cây trúc, quay đầu bước đi không nói gì thêm. Trong góc nhìn của Phạm Lịch, ngoài giận dữ thì trong mắt gã còn chứa đầy sự nghi ngờ và khó hiểu. Hắn nhìn về phía Bình An đang loay hoay băng bó cho những người bị thương, lắc đầu, thở ra một hơi thật dài.
Sáng hôm sau, đoàn người tiếp tục lên đường. Lần này Phong Anh đích thân cưỡi ngựa tuần tra xung quanh, lệnh cho binh lính cảnh giác hết mức có thể.
Từ tối qua đến giờ Bình An không thèm nói với Phạm Lịch câu nào, có vẻ cậu vẫn còn giận dỗi trước thái độ vô tâm của hắn đối với sinh mạng. Tuy hiện tại hắn không phải người nhưng trước kia cũng đã từng, cậu thật sự không hiểu nổi lý do vì sao. Nhưng có một chuyện cậu không biết, Phạm Lịch là người đến từ thế giới khác nên khó lòng thương xót trước những kẻ không quen biết, huống hồ gì hắn không thể ra tay bừa bãi gây bại lộ thân phận, đến lúc đó sẽ có rắc rối to.
Đoàn người di chuyển liên tục cả ngày lẫn đêm, đập vào mắt là một dãy núi trùng điệp nối liền không dứt đâm thẳng vào mây xanh. Bên dưới chân núi là một khoảng đất trống rộng lớn, hàng loạt lều trại dựng san sát. Cuối cùng cũng đã đến nơi.
Đoàn người dừng chân cách doanh trại một dặm, một binh sĩ cưỡi ngựa mặc giáp chạy tới dõng dạc hô to:
“Người từ đâu đến, mau khai báo tên họ.”
Đoàn người của Phong Anh có treo cờ nước Thục An nhưng vẫn cần phải qua một bước xác nhận không phải kẻ địch giả mạo. Tiên sinh cầm một lá thư trên tay, từ tốn trả lời:
“Chúng tôi là người của quan huyện Chánh Bình, mời cậu giao lá thư này cho Tướng quân sẽ rõ.”
Binh sĩ nhận thư, kiểm tra sơ qua sau đó quay ngựa rời đi. Hai khắc sau, người nọ quay trở lại, vẻ nghiêm túc đã biến mất, thay vào đó là sự kích động. Gã lễ phép cúi chào vị tiên sinh cầm quạt mo, nói:
“Thì ra ngài là thần y Lương Văn Tùng, xin ngài hãy cùng tôi vào quân doanh, các binh sĩ sắp không chịu nổi nữa rồi.”
Ông Tùng gật đầu nói:
“Phiền cậu dẫn đường.”
Chỉ mình ông Tùng được vào quân doanh, những người còn lại buộc phải hạ trại bên ngoài. Sắc trời dần nhạt đi, hòn lửa đỏ rực biến mất sau dãy núi, chỉ để lại bóng đêm thăm thẳm. Tiên sinh vào đó được nửa ngày rồi, mọi người đoán có lẽ tối nay ông cũng không trở lại. Nghe nói tình hình dịch bệnh rất phức tạp, tính tới nay người chết đã vượt qua con số một nghìn.
Một đệ tử của Trấn Hổ bang ngồi bên đống lửa than thở:
“Hy vọng tiên sinh có thể khống chế được dịch bệnh, bằng không chẳng biết bao giờ chúng ta mới được trở về.”
Một người khác nói:
“Nghe nói dịch bệnh này do một nội gián của nước địch trà trộn vào doanh trại quân ta phát tán, muốn tìm được phương pháp chữa trị trong thời gian ngắn cũng không phải việc dễ dàng.”
Người lên tiếng đầu tiên nghe vậy thì lắc đầu phản bác:
“Thế là cậu không biết rồi. Tiên sinh từng là ngự y của Hoàng đế, sau lại vì tuổi già mà được cho về quê hương an dưỡng. Vì tài năng xuất chúng nên Hoàng đế đã ban cho ông tấm biển “Thần Y” treo trước nhà.”
Người nọ vẫn không phục, nói tiếp rằng:
“Dù sao Hoàng đế cũng là người bình thường, còn dịch bệnh này lại có thể ảnh hưởng đến cả người luyện võ.”
“Cái này…” Người đầu tiên lên tiếng không biết nói gì nữa, gã bèn quay sang Bình An nói:
“Cậu có ý kiến gì không?”
Bình An đang ngồi hơ tay trước đống lửa trại, chẳng hiểu sao lại bị lôi vào, cậu mang vẻ mặt chẳng hiểu gì hỏi lại:
“Cái gì? Mọi người đang nói gì vậy?”
Người nọ lặp lại một lần nữa, Bình An thẳng thắn đáp:
“Đương nhiên là tôi tin tưởng tiên sinh rồi.”
Người lên tiếng thứ hai nói mỉa:
“Cậu nói chuyện chắc nịch cứ như hiểu rõ tiên sinh nhỉ?”
Bình An không giận, nghĩ sao nói vậy.
“Chúng ta không nên tin tưởng ông ấy à? Không phải chúng ta đã phải hy sinh biết bao nhiêu người để bảo vệ ông ấy ư?”
Người nọ nghẹn họng, định nói thêm gì nữa thì nghe thấy giọng nói khó chịu của Phong Anh.
“Ồn ào cái gì? Yên lặng hết đi.”
Nơi ngược chiều sáng, có hai bóng người một cao một thấp đang đi về bên này. Ông Tùng được một binh sĩ hộ tống trở nên, trên mặt hiện rõ thần sắt mệt mỏi. Bình An là người đầu tiên chạy đến, sốt sắng hỏi:
“Tiên sinh, ông có cách nào trị dịch bệnh không?”
Ông Tùng nhìn cậu với ánh mắt hiền lành.
“Cách thì có đấy, nhưng mà…”
Thấy ông cứ ấp úng mãi, không chỉ Bình An mà đến Phong Anh cũng mất hết kiên nhẫn. Gã nói:
“Không có cách thì ông cứ nói thẳng ra đi, lằng nhằng làm gì.”
Ông Tùng lắc đầu, trầm ngâm nói:
“Binh sĩ bị nhiễm một loại dịch bệnh lạ lùng, nổi mụn thịt khắp người, bệnh ủ lâu mụn thịt sẽ vỡ ra, gây lở loét, mất máu mà chết.”
Nghe tới đây, mọi người trợn mắt, tưởng tượng đến cảnh người mình nổi đầy mụn thịt thôi cũng làm bọn họ sởn hết cả da gà da vịt. Ông Tùng nói tiếp:
“Theo lý chỉ cần xử lý tốt phần da thịt lở loét, cầm máu là được. Nhưng bệnh này lạ ở chỗ kỵ thuốc. Người bệnh chỉ cần tiếp xúc hoặc nuốt thứ gì liên quan đến thuốc là y như rằng bệnh sẽ nặng thêm.”
Phong Anh chau mày nói:
“Thế sao ông lại bảo là có cách?”
“Chỉ sợ không ai tin cách của ông già này. Tướng quân mới nghe già nói một nửa đã tức giận đến mức... đuổi già về đây này!”
Người xung quanh hai mặt nhìn nhau, càng nghe càng hồ đồ. Phong Anh vẫn là người lên tiếng hỏi cặn kẽ:
“Cách gì mà lại làm Tướng quân giận đến mức đuổi ông đi? Hay ông ăn nói quàng xiên chọc giận ngài ấy?”
Ông Tùng bày tỏ rằng mình hoàn toàn vô tội, nhưng lời tiếp theo của ông lại khiến mọi người trợn mắt, thiếu điều muốn đuổi ông đi lần nữa:
“Tôi chỉ kêu những binh sĩ bị bệnh ăn phân và uống nước tiểu ngựa mà thôi.”
Mọi người dùng ánh mắt nhìn kẻ điên ngó ông Tùng. Ông giơ quạt che mặt, tằng hắng hai tiếng. Đến ông cũng cảm thấy cách này vô lý, nhưng nó thật sự hữu hiệu, mọi người không chấp nhận được là chuyện trong dự liệu. Đúng lúc ấy, một giọng thiếu niên trong trẻo vang lên phá vỡ khoảnh khắc xấu hổ.
“Tôi cảm thấy tiên sinh nói vậy cũng có lý của ông ấy, sao mọi người không nghe ông nói rõ hơn?”
Mọi người đổ dồn ánh mắt vào Bình An, cậu lập tức đáp lại bằng một nụ cười hết sức ngây thơ. Cuối cùng, Phong Anh mới nói với ông Tùng rằng:
“Việc đã đến nước này, ông cứ thuật lại những điều đã nói với Tướng quân, nếu phương pháp này thật sự có hiệu quả thì chúng tôi sẽ tìm cách thuyết phục ngài ấy.”
“Trước tiên các cậu cứ nghe tôi kể một câu chuyện đã.” Thấy vẻ mặt như muốn ăn sống nuốt tươi của người xung quanh, ông vội giải thích: “Để các cậu dễ hình dung hơn ấy mà. Chuyện là, ở một nhà phú hộ nọ có cô tiểu thư xinh xắn lắm, nhưng suốt ngày cứ ru rú xó nhà. Người ngoài đồn rằng ông phú hộ thương con gái quá mức, sắp qua tuổi lấy chồng mà cứ giấu mãi. Nhưng thật chất nàng bị bệnh, bệnh nặng nữa là đằng khác. Suốt bao nhiêu năm, ông bà phú hộ gặp mặt thầy thuốc còn nhiều hơn gặp mặt con mình. Nàng đã uống biết bao nhiêu là thứ thuốc trên đời nhưng bệnh tình cứ nặng thêm chứ không chịu thuyên giảm.”
Một tên đệ tử khó hiểu hỏi:
“Bệnh nào mà uống thuốc mãi không khỏi, chẳng lẽ là bệnh nan y?”
Ông Tùng lắc đầu nói:
“Các cậu có nghe câu thịnh cực tất suy chưa? Mỗi ngày ông bà phú hộ đều cho con gái uống thuốc bổ, vậy thì thân thể nào mà chịu nổi.”
Mọi người ồ lên, đến lúc này mới hiểu ra. Cơ thể con người cũng giống như một quả bong bóng, sức căng có hạn, nếu càng thổi nhiều không khí vào thì chỉ càng khiến quả bóng nổ nhanh hơn mà thôi.
Một người khác hỏi:
“Nhưng chuyện này thì liên quan gì tới dịch bệnh ở đây?”
Ông Tùng nói:
“Nguyên lý hoạt động của dịch bệnh cũng y như vậy, nhưng ác liệt hơn tình huống của con gái ông phú hộ rất nhiều lần. Người bị nhiễm dịch ăn thức ăn tầm thường cũng giống như cô tiểu thư uống thuốc bổ, uống nước thôi cũng có thể khiến bệnh tình trầm trọng hơn.”
Mọi người liên tục chậc lưỡi. Nhịn ăn mấy ngày cũng không sao, chứ nhịn nước thì có thể chịu được mấy ngày kia chứ. Ban đầu họ nghe ông Tùng nói ra phương pháp trị bệnh thì chỉ thiếu điều muốn đánh ông, giờ lại thấy đúng là chỉ còn mỗi cách đó.
Phong Anh kết luận:
“Chuyện quan trọng vẫn là làm cách nào để Tướng quân tin tưởng.”
Một khoảng lặng kéo dài, đoàn người ngồi quanh đống lửa, ánh lửa vàng cam ánh lên gương mặt, càng làm sáng rõ những nếp nhăn trên vầng trán. Ít lâu sau, có người đưa ra ý kiến:
“Nếu Tướng quân không tin vậy thì chúng ta hãy làm cho ngài ấy tin tưởng.”
Mọi ánh mắt đổ dồn về phía Bình An, từ đầu đến cuối ánh mắt cậu vẫn trong sáng, không chứa bất cứ tạp chất gì.
Sáng hôm sau.
Bên trong căn lều rộng lớn, một người đàn ông cao to, khoác chiến giáp, mặt mày bặm trợn đang day day thái dương. Vành mắt người nọ thâm quầng, mày luôn luôn trong trạng thái nhíu chặt, cứ đi tới đi lui quanh lều như bị thần kinh. So với sự hoảng hốt rõ mồn một của ông ta thì thanh niên mặc áo vải đang ngồi thảnh thơi uống trà lại có vẻ vô cùng chói mắt.
Thanh niên đặt ly trà xuống bàn đánh cạch một tiếng, nói
“Tướng quân à, ngài đã đi qua đi lại trong lều suốt cả đêm rồi đó.”
Tướng quân như tỉnh khỏi cơn mộng, nói với thanh niên rằng:
“Số binh sĩ chết vì dịch bệnh đã lên đến hai nghìn. Chung, ngươi là quân sư của ta vậy mà chẳng có thái độ lo lắng chi hết là sao hử?”
Chung nhún vai đáp:
“Không phải đã có cách rồi à? Chỉ tại Tướng quân không dùng mà thôi.”
Không nhắc thì thôi, vừa nhắc là Tướng quân đã giận đến râu hùm vểnh lên trời.
“Mấy lời xàm xí của tên già đó mà ngươi cũng bảo ta tin? Bắt binh sĩ của ta ăn phân uống nước đái ngựa? Nể tình cái danh thần y mà Hoàng thượng ban cho lão, bằng không ta đã sai người chặt đầu lão rồi.”
Chung thở dài, giọng nói có phần bất đắc dĩ:
“Dù gì thì cái danh thần y đó cũng là thật. Tướng quân không nghe thì có cách nào tốt hơn ư? Biết đâu ngày mai giặc đánh tới nơi mà do Tướng quân cứng đầu nên dịch bệnh không được khống chế, đến khi đó…”
Tướng quân gấp đến dậm chân. Quân sĩ dưới trướng đều do đích thân ông huấn luyện, họ cùng ra chiến trường giết địch đâu chỉ ngày một ngày hai. Ông dám nhận không ai thương đám binh sĩ hơn người Tướng quân là ông, bắt bọn họ ăn phân khác nào làm nhục bọn họ. Đúng lúc này, hai người bỗng nghe thấy tiếng hô to bên ngoài lều trại.
“Thưa Tướng quân, Lương Văn Tùng xin được cầu kiến.”
Tướng quân định phất tay không tiếp nhưng miệng của Chung lại nhanh hơn:
“Mời ngài ấy vào đây.”
Cửa lều trại được vén lên, tấm lưng hơi còng của ông Tùng xuất hiện trong tầm mắt. Lý tướng quân chưa kịp chất vấn thì cửa lều lại bị xốc lên, hai binh dĩ khiêng một người nổi mụn thịt toàn thân bước vào.
Tướng quân nhăn mặt nói:
“Ông định giở trò gì nữa đây?”
Ông Tùng cười tươi roi rói.
“Già đến để chữa bệnh.”
Bình luận
Chưa có bình luận