Nửa tháng sau, ông nội yếu dần rồi ngã bệnh liệt giường. Khi đưa vào viện, bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, còn thứ phát sang cả lá lách. Ba mẹ tôi nghe kết quả mà không tin nổi vì trước nay có bao giờ thấy ông bệnh hoạn gì đâu, dù tuổi cao nhưng lại ít khi bệnh vặt thì nói gì là ung thư. Hơn nữa bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối thường chịu những cơn đau khủng khiếp trong thời gian dài, đằng này mới nửa tháng trước ông nội vẫn còn ăn uống sinh hoạt bình thường. Bệnh viện hết cách, nhà tôi đành đưa ông nội về nhà, được dăm ba hôm thì ông rũ áo về trời.
Trước ngày mất, ông hay mê sảng và nói những điều lạ lùng. Khi thì thấy có những vị khách lạ lùng đứng đầy trong nhà, bảo mẹ tôi lấy ghế ra mời họ ngồi, khi lại chiêm bao thấy được ở nhà mới xây có bốn bề lộng gió. Mấy lúc tôi bưng cháo lên, ông nội kêu tôi ra cái ghế đầu giường ngồi với bà nội. Có hôm đi học về, tôi nghe thằng em kể ông nội vừa ói ra cả thau mực. Tôi không tin, vừa chạy lên đã thấy từ miệng ông trào ra thứ nước đen ngòm, còn rỉ ra cả mắt mũi và tai. Mặt ông quặn lại xám xịt, gân xanh chạy dọc dưới lớp nha nhăn nhúm như bị úng nước. Nhìn ông khổ sở như thế, tôi đứng chết trân, òa ra khóc.
Cuối cùng, ông nội mất vào một ngày trời trong gió nhẹ. Buổi sáng hôm đó ông bỗng nhiên tỉnh táo trở lại, ăn hết một tô cháo đầy, còn bảo tôi nghỉ học ở nhà nói chuyện với ông. Ba tôi buồn bã nói đó là hồi quang phản chiếu, ông sắp đi rồi. Khi tôi ngồi trong lòng ông nhìn ra ban công, biển rộng bao la phản chiếu ánh sáng như mành lưới bạc trùng điệp nhấp nhô theo cơn gió mằn mặn vị muối. Nhành hoa giấy trước ban công đung đưa trong tiếng rì rào của sóng, hai ông cháu người hỏi người đáp. Lúc thì tôi hỏi hồi nhỏ ông thích ăn gì nhất, lúc lại hỏi ông chơi quăng lon hay trốn tìm giỏi hơn. Dù nhanh dù chậm, ông đều trả lời cho bằng hết. Cứ thế, thời gian chậm rãi trôi từ sáng đến trưa.
Tôi chợt chỉ tay về phía đường chân trời: “Cái đường thẳng hàng ngoài biển kia nội, người ta chạy ra tới đó có bị rớt xuống không?” Lần này tôi đợi mãi không thấy ông trả lời nên cứ ngồi lặng thinh mà nhìn ra biển, hồi lâu sau thì nước mắt chảy dài.
Năm ấy ông nội hưởng thọ bảy mươi bảy tuổi, còn tôi vừa lên tám.
Thời gian sau, nhà tôi theo di ngôn của ông đã bán hết ghe thuyền cùng vật dụng liên quan đến việc đánh bắt hải sản. Của cải trong nhà tuy vẫn còn dư dả nhưng chỉ ngồi không ăn xài thì sông vàng núi bạc cũng lở, vì thế ba mẹ suy đi tính lại mới chuyển sang kinh doanh tạp hóa. Ban đầu có hơi chưa quen tay nên bán buôn ế ẩm, lại thêm có lời gần xa ác ý đồn đãi nhà Nguyễn Đại chọc giận thủy thần hại chết gia chủ, phải bỏ nghề gia truyền mà tìm kế khác sinh nhai. Nghe đâu phía nhà bà Sáu Lụa thì chẳng biết vì sao mà bức tranh vẽ công chúa thủy tề kia lại phai hết sắc mực, cứ như bị bốc hơi trở thành mành giấy trắng toát, sau đấy cả nhà bà dọn đi đâu từ đó không ai biết nữa.
Về sau, người ta thấy nhà tôi lấy hàng tốt từ Chợ Lớn trong Sài Gòn về, lại bán giá sỉ cho cả người mua lẻ nên họ bắt đầu tìm đến, tiệm tạp hóa thế mà lại làm ăn phát đạt. Tuy không được bằng nửa phần thu nhập so với hồi còn làm nghề biển nhưng bù lại ba tôi cũng không phải dong thuyền ra khơi, mẹ ở nhà cũng bớt lo lắng mỗi khi bão tới. Coi như bằng vào tiền lời ra vô mỗi tháng cũng dư sức cho hai anh em tôi đi học đầy đủ, không phải lo chuyện thiếu ăn thiếu mặc.
Bình luận
Chưa có bình luận