Chương 5 - Rồng rơi xuống. Rắn bay lên



Hạn hán kéo dài đến cuối năm thì sự lạ xảy ra. Nguyên do trong thành có một vị thầy học đức độ nổi danh, phẩm vị đến Tam công đã từng dạy cho cả hoàng đế. Nhưng hiềm nỗi quan trường hiểm ác, trong triều trung lương thì ít cẩu quan thì nhiều, vị ấy tâm tàn ý lạnh cương quyết cáo lão hồi hương, trở thành tiên sinh dạy học trong vùng. Lớp học của tiên sinh thu hút rất đông học trò tìm tới, trong đó có một người thư sinh lạ lùng. Thư sinh học một biết mười, lại khiêm nhường lễ phép nên rất được lòng thầy học.

Một hôm thư sinh đến trễ, trong lúc vội vã không cẩn thận trên đầu còn vương mấy sợi rong. Thầy học nhìn thấy, biết thư sinh này là con cháu thủy tộc, sau giờ học bèn vời lại hỏi han xem có cách nào giúp người dân thoát nạn hạn hán này không. Thư sinh im lặng hồi lâu, sau cùng gập người bái tạ, thưa rằng: “Lời thầy dạy học sinh nguyện xin theo, âu cũng là đức của kẻ đọc sách thánh hiền. Nhưng vì phạm thiên điều tất bị thiên khiển, mai này mong thầy thu xếp hậu sự giúp học sinh.” Nói rồi thư sinh cầm cành phan nhúng vào nghiên mực mà vẩy lên trời, tức thì mây xám hóa mây đen, gió lạnh kéo đến, sấm chớp đì đoàng, mực vẩy đến đâu bầu trời đổ mưa đến đấy. Mưa lớn kéo dài ba ngày đêm mới hết, sông ngòi ao hồ trong thành ngoài thành đầy ắp nước trở lại.

Hôm sau, người gác mồ mả chạy vào giữa chợ la toáng lên cái gò đất có quan tài tơ máu đã bị sét đánh cháy đen, dân chúng kéo đến xem thì thấy bên trong quan quách có hai cỗ thi thể xác mẹ ôm xác con giờ đã thành than mụi. Lại nói ở trong thành, vị thầy học cũng hay tin khúc sông ngoài trấn có rồng từ trên trời rơi xuống, tất tả chạy đến thì thấy một con giao long vảy trắng đang chìm nổi giữa dòng nước. Trên thân ngoài những chỗ cháy đen như bị sét đánh thì dọc thân từ đầu xuống đuôi đã rách toạc ra, râu rồng cũng bị cắt mất. Tiên sinh đau lòng khóc thương biết đấy là học trò của mình vì giúp dân mà phạm luật trời, bèn cùng mọi người đưa xác lên an táng nghiêm cẩn, từ đó lập đền thờ hương hỏa rất thịnh.

Đoạn kết của câu chuyện không biết là do ông nội kể mập mờ hay do tôi đã gà gật buồn ngủ mà chỉ có thể nhớ được đại khái một cách qua loa. Con đại xà sau khi nhai nuốt gân rồng thì bộc phát thần lực bắt đầu độ kiếp. Nó bơi từ đầm nước trong rừng xuống đến trường giang, trên đường tẩu thủy ra tới đông hải đã khiến sinh linh đồ thán. Mỗi lần nó cuộn mình phóng một quãng xa trong nước khiến hàng đợt sóng triều cao như hồng thủy ập vào thành trấn làng mạc lân cận, mà sấm chớp trên trời giáng xuống càng kích phát nó trở nên hung bạo hơn, quẫy đạp càng mạnh. Đến khi ra tới cửa biển, dưới tình huống thiên nhân cộng nộ người trời căm phẫn, con đại xà vậy mà thoát thai hoán cốt thành công, nó gầm một tiếng vang vọng bốn phương rồi hóa thành giao long bay thẳng lên trời.

Sau cùng, một nhà ba người ngư phu chèo thuyền đi rất xa, xuôi về phương nam, trong khoang thuyền là tấm lưới cá đã thấm máu giao long. Mà theo lời đại xà lưới tẩm máu rồng một khi đã thả xuống biển thì sinh linh thủy tộc không cách nào quẫy thoát, kéo lên ắt có thu hoạch lớn. Gia đình họ về sau sống rất no đủ, xem như nhân họa đắc phúc ứng với giao ước đại xà năm xưa.

Từ lúc hết chuyện cho tới khi mơ màng ngủ mất, tôi còn nghe loáng thoáng ông nội thì thầm mấy câu “Ông thương mấy đứa mày nhứt”, “Ở nhà phải nghe lời ba mẹ, lo mà học hành”, “Học giỏi rồi làm ông này bà kia, không được đi biển đánh cá bắt cua.” Mà câu cuối là tôi nhớ nhất, như ông đang nói với tôi mà cũng nói cho chính bản thân mình, “Dưỡng khí hạo nhiên, quỷ thần phủ phục.”

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout