Sau khi về, ông nội gọi tất cả mọi người trong nhà tới nói chuyện rất lâu. Tôi nghe câu được câu mất vì không hiểu nhiều lắm. Đại khái ông bảo ba từ mai bán tống bán tháo hết mọi thứ liên quan đến ghe tàu thuyền thúng đi, và gia quyến tử tôn một nhà Nguyễn Đại từ nay cũng đừng hòng nghĩ tới chuyện ra biển. Mọi người nghe ông nói mà á khẩu, chẳng thể tiếp nhận những gì mới vừa nghe. Không một ai hiểu sao đang yên lành ông nội lại đem hất đổ sản nghiệp tích lũy nhiều năm của cả gia đình xuống sông xuống biển. Lẽ nào là có liên quan đến chuyện con ghẹ mặt người lúc sáng?
Ba tôi ấp úng định hỏi thì ông nội lớn tiếng quát muốn sống phải nhất nhất làm theo, thế là không ai dám hó hé gì nữa. Sáng hôm sau, ông nội xuống phường Đức Nghĩa mời về một lão thầy cúng, lại theo lời lão này tới một tiệm hàng mã trong chợ đặt làm năm con tàu cá bằng giấy hệt như ở nhà với kích thước thu nhỏ. Cả nhà đôn đáo chuẩn bị đến gần trưa, mọi vật cúng tế bày cả ra chiếc bàn đá dài gần một thước đặt trên sân thượng. Khi đó tuổi nhỏ, đầu óc tôi vẫn còn non nớt không hiểu mọi người trong nhà đang làm cái gì, nhưng bẩm sinh đã mang trí nhớ hình ảnh chỉ cần nhìn thấy thì không thể nào quên, nên những gì xảy ra hôm đó đến nay tôi vẫn còn nhớ như in.
Trước mắt tôi lúc ấy là tiền giấy vàng mã, bánh cốm trái cây, một con bê thui, hai con heo sữa quay, ba con gà tơ luộc, bốn nhành cây dương, hòe, tang, liễu, năm con tàu giấy. Chính giữa bàn đặt một lư hương bằng đá hoa cương, hai bên trái phải là hai nắm đất lớn một vàng một trắng. Chừng như tất cả mọi thứ xong xuôi, lão thầy cúng xua tất cả mọi người xuống dưới nhà hết, trên sân thượng chỉ giữ lại ông nội, ba và tôi. Tầng thượng nhà tôi ở lầu ba, đứng từ trên đấy có thể trông thấy biển từ đằng xa. Xung quanh hàng xóm hầu hết đều là nhà trệt và một trệt một lầu, nhà hai tầng còn ít hơn số ngón trên một bàn tay nên không nhiều người biết chuyện gì đang xảy ra để mà bàn tán.
Giữa trưa, mặt trời lên đến thiên đỉnh là lúc nắng gắt nhất, lão thầy cúng gật gù lẩm nhẩm: “Ừm, chính ngọ!” rồi bắt đầu thắp nhang đốt bùa, lắc lư cúng bái, miệng rầm rì những câu đạo chú.
Nhiều năm sau này khi tôi kể lại chuyện cũ, Tri Thế Nam cho rằng hôm đó chính ngọ dương khí cực thịnh, dâng cúng bê con, heo sữa, gà tơ vì chúng đang độ lớn, sinh khí rất vượng, lại là chủng vật sống trên đất bằng. Bốn cây dương, hòe, tang, liễu là tứ âm trầm mộc dùng để yểm linh. Bàn cúng bằng đá cẩm thạch, lư hương bằng đá hoa cương, hai bên tả hữu bố trí hai nắm đất một vàng một trắng là cách cục lưỡng thổ thành sơn chuyên dùng để áp chế thủy khí. Sau cùng Tri Thế Nam để lại một thắc mắc: “Thỉnh thần dễ, tiễn thần khó, huống hồ đây là nghi thức yểm thần, một buổi cúng kính tạ tội sao lại ra thế này?”
Trở lại hôm đó, khi lão thầy cúng vừa đốt cháy năm con tàu giấy thì dùng một cây bút lông kiểu xưa vẽ nhiều đường nét vào không khí. Tôi trông điệu bộ múa may của lão rất quen, nhưng nghĩ mãi không ra là đang vẽ gì. Đoạn lão hòa tan đám tro của năm con tàu vào nước đưa cho ông nội uống. Rồi lão lại chỉ tay vào tôi và nói: “Trừ khi tát cạn biển đông, hoặc thằng nhỏ này dầm mình trên biển mà vẫn bình an còn nhược bằng không, Lộ Bàng Thổ đã không khắc được Đại Hải Thủy thì đời này cả nhà ông chỉ có nước làm con vịt cạn.”
Hết thảy xong xuôi, lão thầy cúng ngồi bệt xuống đất thở phì phò, uống một hơi hết hai ấm trà, còn hỏi thêm một câu bán hết ghe thuyền rồi nhà này tính làm cái gì kiếm sống. Ông nội tôi còn đang trầm ngâm thì lão thầy cúng nói luôn muốn làm gì cũng tránh sông tránh biển ra, hoặc đi buôn đất đai hay đá quý mới dễ sinh tài. Tới khi ra về, lão vỗ vỗ lên vai ông nội tôi, nhìn ông một hồi rồi gập người bái tạ, thở dài rời đi.
Tới buổi đêm, ông nội lại gọi ba mẹ tôi vào buồng riêng nói chuyện rất lâu. Tôi ăn cơm xong mà không biết sao bụng dạ cứ thấy bồn chồn, bèn đi lên lầu nhìn quanh quất. Đi mãi cũng lên tới tầng thượng, nhìn ra ban công chỉ thấy gió dịu nhẹ lay động tấm rèm vải, bên ngoài vầng trăng tròn lẳng treo cao trên trời, tỏa ánh sáng lành lạnh xuống mặt biển đang rì rào vỗ sóng vào bờ. Vậy mà trên cái dải sáng lấp lánh của mặt nước đang phản chiếu ánh trăng, tôi thấy một đầu người chầm chậm nhô lên, mái tóc ướt sũng dính bết vào hai hốc mắt đen ngòm. Tôi cứ thế đứng ở tầng thượng nhìn trân trối vào cái đầu người bất động giữa sóng biển nhấp nhô. Rồi khi mắt tôi tối sầm lại, bàn tay ai đó từ đằng sau bất ngờ che mặt mà lôi cả người mình vào bên trong. Hóa ra đó là ông nội, khi ấy vừa lúc đồng hồ điểm chuông mười hai giờ đêm, tôi mới ngớ người nhận ra mình đã đứng một chỗ gần bốn tiếng đồng hồ. Vậy mà tôi không hề thấy lâu hay mỏi chân, cứ như vừa rồi thời gian đã bỏ qua tôi vậy.
Ông nội lay hai vai thằng cháu, nhỏ giọng hỏi: “Chính Đạo, nãy giờ con nhìn cái gì?” Chẳng hiểu sao lúc đó tôi lại chỉ ú ớ rồi tắt tiếng, mồm miệng há ra ngáp vào nhưng không nói nổi thành lời, chỉ biết giơ tay chỉ ra ngoài biển. Ông nội nhấc bổng tôi mang vào buồng trong, cứ thế ông ôm tôi suốt đêm.
Bình luận
Chưa có bình luận