Độ một tuần sau, vài tốp thuyền còn hoạt động được ra khơi đánh bắt gần bờ, trong khi đa số vẫn còn neo lại tiếp tục sửa chữa. Khi ấy cả một vùng trời vẫn còn hôn ám, mưa lất phất rơi. Vì biển động nên hầu như thuyền nào khi kéo lưới lên cũng nhẹ bẫng, đành trắng tay đánh lái vào bờ. Nhưng một trong hai thuyền của nhà tôi chẳng biết thế nào lại trúng mẻ lưới to, mang về cơ man là những tôm cá mực còn giãy đành đạch, cua sò ốc hến nhiều vô kể. Chiếc thuyền chất đầy hải sản là của ông nội tôi ngày trước, chiếc còn lại thì ra về tay không. Sự quái lạ này khiến ba tôi rất cao hứng, trực tiếp lên thuyền phụ thợ dỡ lưới xuống bờ kè.
Trong số những người thương lái đến thu mua hải sản vừa lên có một người phụ nữ là mối quen, thường gọi là bà Sáu Lụa. Khi bà Sáu Lụa trả tiền cho ba tôi số mực ống và cua ghẹ mới lựa, đang nhặt nhạnh coi lại thì bà chợt hoảng hồn la lớn: “Trời đất ơi, ghẹ mặt người!” Đám đông xung quanh nghe thấy liền xúm lại nhìn.
Con ghẹ xanh trên tay bà Sáu Lụa không quá lớn, chỉ độ gang rưỡi nhưng kì dị là trên yếm nó lại có hình mặt người, nổi lên trên yếm rất tự nhiên chứ không phải bị dán hình hay vẽ mực. Có người tinh ý nhận ra đây là khuôn mặt của một người phụ nữ, vội quỳ sụp xuống bái lạy rồi bỏ chạy, vừa phóng vừa la lên ghe nhà ông Nguyễn Đại bắt lưới trúng yêu quái.
Trưa đó tôi mới đi học về, nghe bà con lối xóm đồn ầm cả lên cũng vội ba chân bốn cẳng chạy ra ra bãi cá, chưa tới nơi đã thấy từ xa là một đám đông hỗn loạn trên bờ biển, có kẻ khóc người cười, có ông thì chạy bà thì quỳ bái loạn xị cả lên. Cố lắm tôi mới chen vào được đám đông, thấy ba tôi đang tranh cãi gì đó với bà Sáu Lụa, con ghẹ mặt người thì giãy giụa trong cái thau nhỏ đựng đầy nước biển. Khi nó cố bò lên mép thau để rồi bất ngờ bị lật ngửa rơi xuống, tôi thấy rõ mồn một trên yếm nó là khuôn mặt một người phụ nữ cực kỳ xinh đẹp với đôi mắt xanh thẳm, đầu đội mũ lông trắng, thân mặc váy lam. Tôi đờ đẫn cả người, càng nhìn càng thấy như nàng ta đang khóc, một vẻ đẹp tuyệt sắc có phần cô liêu của hồng nhan họa thủy, khiến ai trông cũng phải nao lòng.
Lúc này bỗng có người hét lên: “Công chúa Hàm Hương!” Tôi quay lại nhìn thì thấy là một thằng nhóc gầy gò đen đúa cũng cỡ tuổi tôi đang chỉ tay vào con ghẹ xanh. Còn công chúa mà nó nói chính là công chúa Hàm Hương trong phim “Hoàn Châu Cách Cách” mà dạo đấy chiều nào cũng chiếu trên tivi.
Nó là Tri Thế Nam, bọn tôi tình cờ gặp nhau như thế.
Sau phát hiện động trời của thằng nhóc con, đám đông càng thêm hỗn loạn. Ai nấy lúc này đều hiểu vì sao mình đã thấy ngờ ngợ khi nhìn con ghẹ mặt người, hóa ra trông rất giống gương mặt nàng công chúa của bộ phim truyền hình đang nổi như cồn dạo gần đây. Thế là người ta lại kháo nhau con ghẹ này là hóa thân của công chúa thủy tề đang vân du tứ hải thì mắc vào lưới, mà mớ hải sản ghe thuyền nhà ông Nguyễn Đại bắt được là đám binh tôm tướng cá theo hầu.
Ba tôi muốn báo cho ông nội biết tin, nhưng từ tuần trước ông đã về Quảng cúng giỗ ông cố tổ. Gọi điện thoại bàn thì nhà cố ngoài đấy nói ông nội đã lên xe đò lúc sáng rồi, chắc chiều tối mới về tới Phan Thiết. Mà thời đó điện thoại di động còn chưa phổ biến nên ba tôi cũng hết cách.
Chuyện bà Sáu Lụa phát hiện con ghẹ xanh có yếm mặt người, hay thuyền nhà ông Nguyễn Đại kéo trúng công chúa thủy tề nhanh chóng đồn ra khắp nơi, náo loạn một vùng chài Phú Hài, thu hút rất đông những người tò mò tìm đến xem từ giữa trưa đến chạng vạng. Con ghẹ nằm trong thau nước bị chuyền qua đưa lại hết người này tới người khác, dù ba tôi có theo tới khuyên rằng nên thả nó về biển đi.
Bà Sáu Lụa ngồi trong nhà nói ra đám đông cứ để cho người ta coi đã đi, rồi tí bà thả chứ mắc gì ông lo. Tiền bà cũng trả rồi thì nó là của bà. Nhưng mà lần lữa thế này thì cũng có thể bà ta đang chờ có người trả giá cao để mua lại không chừng. Và có người đòi mua thật, nhưng chỉ trả độ hơn gần trăm nghìn đồng. Dạo ấy mười nghìn đồng đã là số tiền tương đối khi một tô phở chỉ có hai nghìn. Bà Sáu Lụa chê ít không bán, dần dà không ai trả thêm nữa. Bão vừa tan thì có mấy ai chịu bỏ ra nhiều tiền chỉ để mua một con ghẹ quái dị, không kiêng kỵ tâm linh mà dám ăn thì chắc gì vô miệng đã thấy ngon. Cứ thế cái thau nước đưa đẩy tới lui dưới ánh nhìn chòng chọc của thiên hạ hiếu kỳ, mà vẻ thiểu não của nàng công chúa trên yếm trông càng trơ trọi đến muộn sầu.
Đến chập tối, con ghẹ thế mà lại chết đi. Khi ông nội tôi về đến nhà, vừa hay tin đã vội buông hành lí, kêu ba lấy xe máy chở qua nhà bà Sáu Lụa, tôi cũng háo hức xin theo. Dọc đường ông nội nóng ruột trách ba sao không mua lại con ghẹ rồi thả đi, bao nhiêu tiền cũng phải trả chứ. Lúc tới nơi đám đông đã vãn hết, trong nhà bà Sáu Lụa đặt hương án nhang khói nghi ngút. Trên bàn thờ là bức họa vẽ lại khuôn mặt công chúa bằng mực tàu, còn con ghẹ chết thì bà Sáu Lụa phân bua rằng đã lấy ván gỗ đóng thành cái hòm nhỏ, bỏ xác đem thả trôi ngoài biển.
Một nhà ba người tôi đứng như trời trồng vì không ngờ sự lại ra thế này. Trước khi tới nơi tôi còn hí hửng nghĩ, sau khi ông nội mua lại con ghẹ sẽ ráng xin ông cho đem lên trường một ngày khoe với tụi bạn lấy le. Thế mà tất cả đã quá muộn, vẻ bàng hoàng hằn lên gương mặt già nua của ông nội. Trước khi ra về tôi còn ngoái đầu nhìn lên bàn thờ, công chúa đã được họa lại thành nét cười mỉm khuynh quốc khuynh thành, nhưng giữa khói hương lãng đãng tôi chỉ thấy một hồng nhan bạc phận đang oán hận nhìn ngược về tất cả mọi kẻ còn sống lúc này.
Bình luận
Chưa có bình luận