Sớm mai, gió Chướng ngoài sông Cái tràn vô ớn lạnh. Tôi co ro trong cái áo ấm nồng nặc mùi dầu gió xanh, da gà da vịt cũng dựng đứng lên mấy lớp. Chắc tại tuổi già tới nhanh quá, chớ gió Tết cỡ chục năm dìa trước có nhằm nhò gì với tôi đâu. 


Tôi đứng trước hàng ba, vịn tay lên cây cột đỡ mái hiên mà ngó nghiêng ra ngoài đầu ngõ, mới tính hít một chút không khí của buổi sáng hăm chín Tết thì nghe tiếng quét sân rột rẹt bên nhà bển. 


“Con mẹ tư Ù lựu đạn này…” 


Tôi quen miệng chửi thầm trong bụng. Hổm nay gió thổi muốn tét con mắt, cái góc sân rụng đầy bông mai lá mận cộng thêm cỡ tấn bụi của mẻ đều dồn hết qua sân nhà tôi. Mỗi lần mẻ lùa cây chổi chà, là ta nói bụi nó bay lên ngập đầu, lỡ quên quên hít một cái mà thiếu điều muốn bể phổi. 


“Ê con mẹ già kia, mới mở mắt ra bộ tính muốn kiếm chuyện hay gì? Rác nhà bà sao bà hổng ăn dọng hết đi, mắc cái giống ôn gì lùa qua nhà tui hoài vậy?” Tôi đứng sát hàng rào bông bụp, nhón giò chửi qua bển. 


“Chị năm, chị đừng có hở cái là kêu tui con mẹ này, con mẹ nọ, nghe hổng lọt lỗ tai miếng nào hết á chị năm. Rác nhà tui, tui muốn quét đâu thì quét chớ mắc mớ gì tới chị?” 


Tư Ù để dựa cây chổi vô đầu gối, chống nạnh nói. Khắp cái xóm này ai mà hổng biết nhà con mẹ tư Ù bán thịt heo mắc vàng trời mây, đã vậy còn chuyên môn đi kiếm chuyện chằng gây, ai gặp cũng né chớ hổng riêng gì nhà tôi hết. Mà ngặt cái là nhà tôi nằm sát vách nhà mẻ, thành thử ra cứ ló mặt ra là thấy, ló mặt ra là muốn chửi liền. 


“Ê ê ê, đừng có nói chuyện kiểu đó nghe. Bà lùa qua đây gần hết phân nửa rồi còn nói giọng trời thần hả? Con Lụa nhà bà có con mẹ trời thần như vậy, biểu sao mà nó đeo theo hai thằng con trai tui hoài mà có đứa nào chịu đâu.” 


Nghe tôi nhắc tới con gái cưng của mẻ, mẻ liền quăng cây chổi xuống đất, chỉ thẳng mặt tôi: “Tự nhiên lôi con Lụa tui vô làm chi? Chị cứ chê cho cố vô đi, mơi mốt tui gả con Lụa qua Đài Loan rồi, để coi ai tiếc đứt ruột cho mà biết.”


Nói rồi, tư Ù đi thẳng vô trong nhà, để lại tôi đứng giữa hàng ba ôm cục tức bự chà bá. 


“Vụ gì mà mới sáng ra đã um sùm hết vậy bà?” Ông chồng tôi giờ mới từ trong buồng đi ra, tay ôm theo cái la-dô mà lèm bèm. 


Tôi bực bội trong mình, bước qua chỗ ổng ngồi, tính lấy bình trà đựng trong vỏ dừa đặng uống một miếng cho đỡ tức, ai dè trong bình hổng có miếng nước nào hết trơn hết trọi. Đương bực mình đủ thứ chuyện, cộng thêm ông chồng già cứ ngồi đó dò cái la-dô nghe rè rè muốn điếc lỗ tai, tôi dộng cái bình trà xuống bàn kêu một cái cạch, nói: “Nổi điên hong? Thằng con thì có bình trà cũng hổng thèm châm, thằng cha thì tối ngày ôm cái la-dô cứng ngắc , còn con mẹ hàng xóm á, con ghệ cũ của ông á thì ngày nào cũng chọc cho tui chửi.”


Thấy tôi hơi khó chịu, ổng mới dẹp cái la-dô qua một bên, giả bộ quánh trống lảng hỏi tôi chớ con “ghệ cũ” của ổng là ai. Tôi cười bật hơi thành tiếng, còn ai ngoài mẹ tư Ù bên bển nữa. Mà cũng hổng phải là ghệ cũ, nhém chút nữa là mẻ thành vợ hai của ổng luôn rồi còn gì. 


Nghĩ cũng thiệt là oan gia ngõ hẹp, tôi tên Sa, mẻ cũng tên Sa. Tôi lấy ông năm Hoàng rồi hai vợ chồng tôi ra riêng dìa đây ở, xong cái ít lâu sau mẻ cũng lấy ông Trường xóm tôi, cất nhà kế bên hông nhà tôi. Kể ra thì sợ người ta nói tôi ghen bậy ghen bạ nên thù dai, mà cái chuyện nó cũng qua được mấy chục năm rồi, già hết xí quách rồi chớ có còn trẻ trung gì nữa mà ghen với ghét. Tại hồi đó má chồng tôi khoái mẻ làm con dâu, tối ngày khen mẻ nết na hiền hậu, chớ chồng tôi thì ổng hổng có chịu ưng à nghen, bởi vậy nên lâu lâu tôi hay nhắc lại cho vui cửa vui nhà. 


“Hai bà cũng ngộ thiệt… khụ khụ… cái chuyện từ đời thuở nào rồi còn đem ra cự cho được.” Ổng vừa kéo dây tuya cái áo ấm, vừa ho cộc cạch nói. 


“Hổng cho tui nhắc chuyện xưa thì giờ tui lôi chuyện mới ra nói nè, ông coi đó, hăm chín Tết rồi, nhà người ta ai cũng mứt bánh lủ khủ, nhìn vô là biết Tết liền. Còn cái nhà này ta nói hả bàn thờ thì trống trơ trống quất, mai thì giờ mới nở được có mấy bông, Tết nhứt gì mà còn thua ngày thường nữa, để cho tui với ông ngồi đây như hai con khỉ già vậy đó.” 


Hồi má tôi bả còn sống, tầm này mọi năm là từ trong ra ngoài ngõ phải chuẩn bị tươm tất hết. Cỡ hăm bốn, hăm lăm Tết là bắt đầu rục rịch giặt mùng mền chiếu gối, ba bên bốn phía quanh nhà thì dọn sạch cỏ rác rồi đem đi đốt đàng hoàng. Rồi tới cỡ hăm sáu, hăm bảy là lo lau dọn bàn thờ ông bà, đàn bà con gái quỡn quỡn chút thì mần mứt dừa, mứt bí đặng đãi khách. Cái nào nhắm mần được thì mần hết đặng bữa hăm chín, ba mươi còn cúng kiến rước ông bà dìa ăn Tết. 


Hồi má còn sống, Tết nhứt là mấy chị em tôi đừng có hòng mà làm biếng, từ nhỏ tới lớn đều không ngớt công chuyện để mà làm. Nội cái chuyện tước lá mai thôi mà bả cũng dặn tới dặn lui hoài, năm nào gió Chướng mạnh thì mai nở sớm, cỡ lối mười bảy tới hai mươi tháng Chạp hẵng tước lá. Còn năm nào mà ít gió Chướng là mai nở trễ, bởi vậy mà canh cỡ mùng mười tới mười ba tháng Chạp là tước lá được rồi. 


Mà cái tánh tôi cũng y hệt như má vậy đó, thấy chuyện gì mần hổng tới nơi tới chốn là chịu hổng được. Khổ cái là tôi hổng có đứa con gái nào đặng nhờ mần công lên chuyện xuống, có được hai thằng đực rựa thì một thằng đi mần tuốt mị trên thành phố, một thằng ở nhà tước lá mai cũng hổng nên thân. 


“Tui thấy bà cũng bớt chằn ăn trăn quấn lợi đi, thằng Đông nó là đờn ông con trai thì mần sao cho bà ưng được. Nó cũng tối ngày lu bu coi cái vườn bưởi cho tui chớ có ở không đâu.”


“Ờ, thằng Đông là con trai cưng của ông, còn thằng Biển của tui là con ghẻ mà. Tội nghiệp thằng nhỏ đi mần quần quật quanh năm, hăm chín Tết còn chưa được dìa quê nữa.”


Kể cho nghe, hồi tôi mới có bầu thằng Biển, ổng cũng đi theo tàu biển của người ta, lần nào cũng đi biền biệt cả tháng mới dìa nhà. Tới chừng thằng Biển được 2 tuổi, tự nhiên bữa đó ổng ẵm dìa thằng nhỏ lạ hoắc, biểu là trên đường dìa ổng đi ngang qua cái miễu ở đầu xóm thì nghe tiếng con nít khóc, mới đầu ổng cũng tưởng là bị nhát, ai dè ma xui quỷ khiến làm sao mà ổng ghé vô miễu rồi thấy thằng nhỏ bị người ta đem bỏ, quýnh quá hổng biết tính sao nên ổng ẵm nó dìa rồi tính tiếp. Hồi đó vợ chồng tôi mới ra ở riêng nên đâu có dư giả gì, mà tại thấy nó tội quá nên cũng bấm bụng nhận nuôi. 


Thằng nhỏ đó là thằng Đông. Hổng hiểu sao mà càng lớn nó càng giống chồng tôi y hệt. Giống tới nỗi mấy người trong xóm biểu nó là con ruột của ổng chớ hổng phải con rơi con rớt của ai. Hai chục năm rồi, mỗi lần tôi hỏi ổng vụ của thằng Đông, ổng đều quánh trống lãng qua chuyện khác, bởi vậy mới có chuyện con ông con tôi. 


“Đó đó đó, mới nhắc cái độp là thằng con trai cưng của ông dìa rồi đó.” Tôi ngồi chéo nguẩy trên ghế, ngó ra thấy thằng Đông chạy chiếc xe dream của ổng vô tới sân.


“Nó mua đồ gì mà lủ khủ vậy cà?” Ổng hỏi.


Thằng Đông xách mấy bọc đồ ra để lên bàn chỗ tôi với ổng ngồi, còn mấy bọc đem xuống nhà sau. Lát sau, nó cầm theo một đống dĩa lên, chất bịch thèo lèo, bánh kẹo với mứt bí ra một dĩa, còn dĩa bự thì để xếp trái cây chưng lên bàn thờ. 


“Cầu - dừa - đủ - xài, cầu - sung - dừa - đủ - xài,…” 


Tôi ngồi đếm đi đếm lại coi có đủ mấy loại trái cây chưng Tết hay không. Gì chớ ba cái chuyện này hồi đó tôi khoái lắm, khoái cái cảnh đi ra vườn bẻ từng trái xoài hay trái dừa non, thiếu trái nào thì chạy qua xin nhà cô bác trong xóm là có liền. 


Xếp bánh mứt với trái cây xong xuôi, thằng Đông nó mới để gọn từng dĩa lên hai bên bàn thờ, ngước mặt lên nói:


“Ba má, bữa nay ba má dìa ăn Tết với anh em tụi con nghen.”


Thằng Đông hổng nói thì chút nữa tôi cũng quên là tôi với ổng đã đi được gần giáp năm rồi!


Từ hồi theo ông bà đi bán muối tới giờ, tôi thấy mọi thứ cũng y như cũ chớ hổng có gì khác. Thằng Biển với thằng Đông làm gì, nói gì tôi với ổng cũng biết hết, chỉ có cái là tụi nó hổng biết vợ chồng tôi vẫn còn lởn vởn quanh đây. Nói rước ông bà dìa ăn Tết cho đúng phong tục vậy chớ thiệt ra tôi với ổng có đi đâu đâu mà phải rước dìa, chắc tại còn lo cho con cho cháu nên chưa yên lòng mà đi được. Ngó lên nhìn hai cái hình thờ của tôi với ổng mà coi, ta nói nó rầu thúi ruột. Ai nói chết là hết đâu chớ?


“Đông ơi Đông, có nhà hông Đông?”


Đương ngồi ngó hình thờ của mình, tôi nghe ngoài sân có tiếng ai kêu văng vẳng, mới đầu còn tưởng đứa nào, ai dè là con Lụa - con gái vàng con gái ngọc của bà tư Ù. 


“Ơi, tui nè Lụa.” Thằng Đông mặt mày hớn hở chạy ra đón.


“Hồi hôm kia Đông mượn tui qua phụ nấu mấy món để rước ông bà đó, nay tui qua nè. Sẵn tui có mần được mớ mứt dừa, đem qua cho Đông với anh Biển một ít luôn.”


Con Lụa cầm bịch mứt dừa đưa cho thằng Đông, mà cái thứ đập vô mắt tôi hổng phải là bịch mứt mà là bộ vòng ximen mới cảo nó đeo trên tay. Tự nhiên nhớ tới lời con mẹ tư Ù nói hồi nãy, gì mà mơi mốt gả con Lụa qua Đài Loan thì trai nhà này tiếc đứt ruột, thiệt tình là tôi muốn đóng cửa rồi đuổi con Lụa dìa bển liền, mà ngặt cái là giờ có đuổi cũng hổng được, thôi thì cứ để vậy cho má nó tức chơi.


Chái bếp sau nhà qua mấy mùa mưa nắng cũng chỉ dính chút màu đen khói bếp, vậy mà tôi mới đi được có mấy tháng thì nó đã thành cái chuồng heo. Nhà còn có hai anh em, thằng Biển thì đi mần giáp năm mới dìa một lần, chỉ có mình thằng Đông mà nó bày ra được cỡ này, nồi niêu xoong chảo thì nấu không thèm chùi, đụng đâu quăng đó, nhện giăng đầy trên mái lá cũng để y nguyên. Thiệt là khổ hết biết.


Thấy con Lụa đứng đó dòm hoài, thằng Đông mới mắc cỡ gãi đầu: “Giờ mình mần cái gì trước đây Lụa?”


Con Lụa cười cười: “Ờ… bữa nay Đông tính nấu món gì cúng hai bác?”


Thằng Đông lấy đồ trong cái bọc bự để lên trên bộ ngựa, tôi ngó sơ qua thì thấy có thịt heo, hột vịt, khổ qua với lại một mớ cải mần dưa. Cái thằng này cũng ngộ, muốn mần dưa cải thì người ta mần sớm sớm đi, cỡ lối hăm sáu, hăm bảy là mần được rồi, để tới bữa nay mới mần thì sao mà cúng kịp. 


“Đông cũng mần dưa cải nữa hả, phải chi nói với tui sớm, tui đem qua cho mấy bẹ, Đông đỡ mần chi cho cực.”


“Tui cũng hổng có tính mần đâu, mà hồi sớm mơi đi vòng vòng trong chợ cái thấy người ta bán quá trời, tui mua dìa mần bậy nó đặng Tết nhứt cũng có mà ăn, sẵn mần nhiều nhiều chút cho anh Biển đem lên trển ăn luôn.” Thằng Đông vừa nói vừa đi tới đi lui kiếm cái gì hổng biết.


Nghe nhắc tới thằng Biển, mặt con Lụa tươi rói: “Ủa mà… chừng nào anh Biển mới dìa tới?” 


“Chắc cỡ trưa trưa là tới á Lụa. Mà chắc mình mần thịt kho rệu trước hen Lụa, tại kho nó lâu thấy mồ.”


Mèn đét ơi, ta nói Tết năm nào nó cũng chở tôi đi chợ mua đồ đạc chuẩn bị, vậy đó mà giờ nó đem dìa hai ký thịt heo thấy mà hết muốn ăn. Ai mần sao thì tôi hổng biết, chớ thịt kho rệu nhà tôi là phải lựa ba rọi ngon thiệt ngon, miếng thịt cầm lên phải chắc, phải dày với lớp thịt xen kẽ lớp mỡ. Thịt cắt ra thành từng miếng vuông vứt vừa ăn, rửa xong để cho ráo rồi đem đi ướp cho nó thấm. Tôi kho là kho toàn bộ bằng nước dừa, có thêm thì thêm dữ lắm là một chén nước lọc. Cứ tới lui chụm lửa liu riu cỡ chừng hai tiếng rưỡi, ba tiếng là thịt nó sắc xuống, nó ra được cái màu nâu nâu nhìn thấy là đói bụng liền. 


Thằng Đông mới chạy ra vườn bẻ mấy trái dừa xiêm, thì ở đây con Lụa cũng cạo rửa thịt xong xuôi. Tới cái đoạn ướp thịt, tự nhiên nó lén ngó bên nọ, dòm bên kia, rồi thò tay vô túi áo bà ba lấy ra một tờ giấy, vừa dòm tờ giấy vừa lấy gia vị ra để trước mặt. 


Tôi biểu ba của tụi nhỏ dòm giùm tôi coi trên đó ghi cái gì, cũng ráng banh mắt ra dòm dữ lắm mà ngặt cái là tôi hổng biết chữ.


“Để coi coi… gì mà gia vị có nước mắm, muối, đường, bột ngọt, tỏi với hành tím bằm nhuyễn,…” 


Ông Hoàng mới đọc tới đó là tôi đã giơ tay ra hiệu cho ổng dừng lại liền. Còn tưởng nó nấu ngon nấu dở ra làm sao, ai dè cũng tệ y như mẹ nó, đúng là mẹ nào con nấy. Tôi lại nhớ tới con mẹ tư Ù, năm nào đó mẻ cũng kho nồi thịt mà ta nói từ đầu tới cuối xóm ai cũng chết ngộp trong mùi khét. Mẻ nấu ăn tệ tới nỗi mà ông Trường rất ít khi ở nhà ăn cơm, toàn thấy qua nhà tôi ăn chực không hà. Tệ cỡ đó thì biểu sao con Lụa nó đảm đang chuyện bếp núc cho được.


“Bà cũng bớt khó khăn với con nhỏ đi, nó cũng có lòng qua đây phụ thằng Đông mà bà cứ cằn nhằn hoài.” Ổng cứ lèm bà lèm bèm bên tai tôi, tôi liếc ổng một cái, ngó ra cửa sau thì thấy thằng Đông hì hục xách vô cả buồng dừa.


Biết thằng Đông vô tới, con Lụa luýnh quýnh nhét tờ giấy trở vô trong túi áo, đưa tay lấy đại hũ muối trước mặt rồi bỏ vô thau thịt mấy muỗng. 


“Lụa, cái này ướp sao vậy Lụa? Mấy muỗng muối, rồi mấy muỗng đường?” Thằng Đông núp sau lưng con Lụa, hỏi.


“Ờ thì… cái này tui cũng nhắm chừng thôi hà, tui nêm tới chừng nào mà ông bà biểu dừng thì tui dừng.”


Con Lụa nó cười cười. Hổng biết nó có nhớ là nó đang mần cái gì hông nữa, tôi chỉ thấy nó đổ thêm gần nửa chai nước mắm vô thau thịt. Ông bà nào, tổ tiên nào biểu dừng hổng biết nữa, tôi đứng kế bên biểu nó dừng tới khàn cổ họng mà nó có nghe đâu. 


“Thiệt hả Lụa? Vậy mà đó giờ tui hổng biết. Để tui ráng coi Lụa nấu cho kỹ đặng năm tới tui mần mình ên được rồi.”


“Nhắm mần nổi hong à nghen. Hổng ấy Đông cưới vợ lẹ lẹ đi, để người ta còn phụ lo cơm nước cúng quải trong nhà.” 


“Lụa nói sao chớ… tui khờ muốn chết, ai mà thèm lấy.” Nói tới đây, mặt thằng Đông đỏ lét nhìn qua con Lụa, nó lại gãi đầu rồi né qua chỗ khác ngồi chặt dừa, lột vỏ trứng vịt.


Chà, cái điệu này là tôi nghi lắm à nghen! Bình thường nó cũng kiếm con Lụa hoài, có gì cũng nhắc Lụa ơi Lụa à, hổng lẽ nó khoái con gái bà tư Ù thiệt hả ta? Tôi khều khều ông năm, hỏi ổng coi ổng có thấy lạ giống tôi không, ổng nói thằng con trai cưng của ổng thương con Lụa cũng lâu rồi chớ đâu phải mới đây, tại đó giờ tôi hổng để ý nên mới thấy lạ. Trời, tưởng nó thương ai, chớ thương con Lụa thì cũng để đó thôi. Má con Lụa tối ngày đòi gả nó qua bên Đài Loan, thằng Đông làm gì có cửa, mà con Lụa cũng dễ gì chịu ưng một thằng nông dân như nó. 


Để cái nồi thịt sôi liu riu trên bếp, hai đứa tụi nó chuyển qua làm tiếp món khổ qua hầm. Con Lụa ngồi trên bộ ngựa bầm thịt kêu lạch cạch, còn thằng Đông ngồi kế bên phụ móc ruột khổ qua. Hồi nãy hổng có thằng Đông ở đây thì con Lụa nó còn lén lén coi công thức nấu, giờ thằng Đông ngồi một đống ở đó, lát nữa hổng biết nó nêm nếm sao nữa à nghen. Tôi thì tôi chỉ khoái nhứt là thịt kho rệu, còn ổng thì khoái món khổ qua hầm, có chừng đó món mà cũng mần hổng xong thì coi như năm nay tôi với ổng khỏi ăn Tết luôn. 


Cái nồi khổ qua hầm ngoài chuyện thiếu chả cá trộn chung với thịt dồn, rồi cái nước hầm bị nêm nếm từa lưa hột dưa, thì dòm sơ qua thấy cũng hổng tới nỗi nào. Thằng Đông còn nhớ cột thêm cọng hành ngang bụng trái khổ qua giống như hồi đó tôi hay làm nữa.


Tới cái khúc bưng nồi khổ qua xuống bếp, thằng Đông nó mới tài lanh tài lẹt giành bưng giùm con Lụa, bộ cũng tính lấy le với nhỏ hay sao á. Mà hổng ngờ nó bưng cái nồi đi được hai bước thì bị vướng đôi dép lào cắm đầu ra đằng trước, thấy vậy nên tôi cũng chìa tay ra đỡ, đỡ thì hổng trúng thiệt, mà hên cái là thằng Đông nó kịp lấy lại thăng bằng chớ không thôi là đi luôn nồi khổ qua rồi. 


“Trời phật, Đông có sao hong?” Con Lụa hết hồn hết vía hỏi.


“Hổng sao. Hên là hồi nãy có ông bà đỡ giùm, chớ nhém xíu nữa là tui với cái nồi này nằm dưới đất hết rồi.” 


Nó nói vậy hổng lẽ hồi nãy là nhờ tôi đỡ trúng thiệt hả ta? Chớ tôi thấy tôi cũng còng lưng cong cột sống dữ lắm à. Đó giờ ai cũng tin là ông bà cha mẹ chết rồi nhưng vẫn ở bên phù hộ con cháu, thì nay tới lượt tôi với ổng đi theo ông bà, cũng hổng có đi đâu mà chỉ lảng vảng quanh tụi nhỏ. Chắc là vậy rồi, chắc tôi với ổng phù hộ cho tụi nhỏ được mà.


“Đông ơi Đông, Đông ơi. Thằng này nó đi đâu mất tiêu rồi cà?” 


Đương nói tới cái chuyện phù hộ cho con thì tôi nghe như tiếng đứa nào kêu tên thằng Đông, mèn ơi, là thằng Biển con trai tôi chớ ai, riết rồi tới giọng nó mà tôi còn muốn quên nữa chớ. Tôi kéo ổng chạy lên nhà trên, thằng Đông với con Lụa cũng hớn hở chạy theo sau. 


Trước bàn thờ, thằng Biển xách trên tay giỏ quà bự tổ chảng ngó trước ngó sau, tôi mừng quá sấn tới tính sờ mặt nó mà không sao sờ được, chỉ biết nói với ba nó: “Mèn ơi, ông coi nè, con trai mình cấp này sao mà nó bảnh, nó ăn bận đẹp trai sáng sủa ghê hen ông.” 


Ở bên này, thằng Đông với con Lụa cũng đứa thì kêu anh hai, đứa thì hỏi anh Biển công chuyện trên trển có đỡ hông, sao lâu quá hổng thấy dìa quê chơi. Thằng Biển nó mới nói: “Ủa, nay có Lụa qua chơi nữa hả? Hai đứa mần cái gì dưới bếp mà anh kêu muốn rát cổ họng luôn vậy?”


“Dạ bữa nay em qua phụ Đông mần công chuyện, mà anh Biển dìa chơi tính chừng nào mới đi?” Con Lụa lấy ngón tay xắn xắn vạc áo bà ba, hỏi thằng Biển mà hổng dám dòm thẳng, cứ liếc đi đâu không hà. 


Thằng Biển cũng ậm ờ tính trả lời, mà tự nhiên nhớ ra cái gì đó, nó mới ngoái ra ngoài: “Ủa Diễm ơi, em đâu rồi Diễm? Đứng ngoài ngoải chi cho nắng, vô nhà đi em.”


Trước hàng rào bông bụp ngoài đầu ngõ, tôi thấy có chiếc xe hơi màu trắng đậu ngay đó, một đứa con gái đứng khoanh tay trước ngực, đợi thằng Biển kêu mới chịu đi vô. 


Ông nội mẹ ơi, con nhỏ nó mới đi lướt qua hàng bông bụp mà tôi thấy trong mình muốn bịnh liền. Con gái con đứa gì đâu mà cái đầu nhuộm vàng chấy, cái mỏ tô son đỏ chót như là mới bị ai quánh, mặc áo thì dài chừng cỡ gang tay, đã vậy còn hổng có quai áo, trên hở ngực, dưới thì hở rốn. Lướt xuống cái quần nó bận ta nói thiếu điều muốn ngắn tới háng, mang thêm đôi guốc cao cả tấc, tướng đi cà ẹo cà ẹo bước vô nhà. 


“Giới thiệu với hai đứa, đây là Diễm, bạn gái anh.” Thằng Biển ôm eo con nhỏ đó cứng ngắc, nói một câu mà làm tôi chới với mặt mày. Cha mẹ ơi, bộ ở trên thành phố thiếu con gái lắm hay sao mà nó phải quen mấy đứa như vậy chớ? 


“Đây là em trai anh hả? Còn đây… chắc là em dâu phải hông?” Con nhỏ lấy điếu thuốc ra chỉ chỉ rồi đút vô miệng, xong cái nó cầm hột quẹt lên đốt thuốc, hít một hơi dài, nhả khói bay ngập trời, “Nhà hổng có máy lạnh hả anh? Nực nội muốn chết vậy đó.”


Lúc này tôi chỉ biết ôm ngực thở hơi lên, vịn vô vai ông Hoàng: “Cái thằng… cái thằng trời đánh này, nó muốn làm tui tức chết mà.” 


Ổng vuốt vuốt lưng cho tôi nguôi giận: “Thì bà cũng chết rồi còn gì, chết nữa cũng có sao đâu.” 


“Ông… ông còn nói vậy được nữa hả? Ông coi nó đem cái thứ gì dìa nhà kìa, tưởng đâu là nó quen con cái nhà ai hiền lành nết na, chớ con này có khác gì mấy con nhỏ mắt xanh mỏ đỏ trong quán bia ôm hông?”


“Thì cũng tại bà chứ ai mà nói, bà chê con Lụa cho dữ vô, rồi bây giờ đó… ghệ thằng con trai cưng của bà phải cỡ này mới vừa lòng hả dạ bà chớ.” 


Hổng lẽ nào là do trời xui đất khiến? Là tại ông trời ổng biết tôi ghét của nào nên mới trao cho tôi của đó? Đúng là bình thường tôi có hay chê con Lụa thiệt, mà nói nào ngay, con Lụa tệ thì có tệ, chớ nó cũng biết lễ phép dạ thưa, biết kính trên nhường dưới đàng hoàng chớ hổng phải loại ăn chơi lêu lổng như con nhỏ này. Hổng biết nó cho thằng Biển ăn bùa mê thuốc lú gì, mà bây giờ thằng Biển nó đeo theo dính da. Thử thời mà đùng một cái con nhỏ đó bắt làm đám cưới coi, tôi với ổng có đội mồ sống dậy cũng dễ gì mà cản được. Sao cái số của tôi nó khổ dữ thần vậy hổng biết, khổ hồi còn sống thì hổng nói làm chi, đây chết rồi mà cũng còn khổ. 


“Thời buổi này mà cưng còn bận áo bà ba nữa hả? Nhìn quê một cục vậy đó. Cưng khoái mấy kiểu áo giống chị bận hông? Lát chị cho mấy cái bận chơi cho biết với người ta.” Con Diễm hút xong điếu thuốc rồi quăng thẳng ra ngoài sân, trề môi nói với con Lụa. Phải chi có cây chổi chà ở đây là nãy giờ tôi quét con nhỏ này đi tám chục kiếp rồi. Mụ nội cha nó, áo bà ba tôi bận từ nhỏ cho tới già mà nó dám mở miệng chê là quê mùa, chắc hồi xưa bà nội bà ngoại nó hổng có ai mặc hết à hen? 


“Ê, bộ hay đứa bây đang quen nhau hả?” Thằng Biển nhướng mày hỏi con Lụa. 


“Dạ hổng có. Anh chị ở lợi chơi, em dìa bển có công chuyện… chiều chiều có quỡn tui qua phụ Đông muối dưa cải nha Đông.” 


Nói rồi, con Lụa chạy cái vèo về bển. Từ hồi ghệ thằng Biển bước vô nhà, tôi để ý thấy con Lụa buồn thiu à, nó đứng một góc cúi mặt xuống êm ru chớ hổng dám ngước lên nhìn ai. Hình như thằng Đông thấy con Lụa buồn, nó cũng buồn theo. Thằng Đông cũng hông biết nói gì, chỉ kêu hai đứa kia ngồi nghỉ cho đỡ mệt, để nó xuống nhà sau dọn mâm cơm đặng cúng ba má.


Hồi đầu tôi con chê cái mâm cơm này chắc cũng hổng có gì, mà từ trên bàn thờ dòm xuống, thấy thằng Đông nó dọn ra cũng đầy đủ quá chừng nè, có thịt kho rệu, khổ qua hầm, dưa cải chưa kịp mần thì thằng Đông nó thay bằng củ kiệu với mớ tép bạc đất phơi khô mà hôm bữa nó đi tát được, còn có chả lạnh rồi bánh tét tùm lum tà la hết. 


Khi thằng Đông cầm nhang chuẩn bị vái cúng, thì thằng Biển đương mải mê đứng quạt với bóp vai cho con ghệ õng ẹo của nó. Dù bực mình dữ lắm nhưng tôi cũng tự dằn cơn tức xuống để còn nghe coi thằng Đông nó vái gì đặng biết đường mà phù hộ: “Nam Mô A Di Đà Phật! Bữa nay là hăm chín Tết, con có làm mâm cơm nhỏ cúng ba má, ba má dìa ăn cơm rồi sẵn ở lại ăn Tết với anh em tụi con nghen. Ba má nhớ phù hộ cho công chuyện mần ăn của anh hai thuận buồm xuôi gió, cho ảnh mạnh giỏi chớ đừng có ốm đau. Phù hộ cho con với cái vườn bưởi của ba mần ăn suôn sẻ, có đồng ra đồng vô. Con cảm ơn ba má nhiều.” 


Thằng Đông vái xong thì tới lượt thằng Biển với con lăng quăng kia. Con nhỏ đó đứng trước bàn thờ liếc tôi với ổng muốn lòi con mắt, liếc cho đã rồi cái nó cầm cây nhang cắm thẳng vô lư hương, ngoe nguẩy đi ra chớ hổng thèm nói gì. Còn thằng Biển cũng hổng khác gì, nó đứng trước bàn thờ ba má nó mà cái mặt lấm la lấm lét: “Ba má, ba má ráng phù hộ cho thằng Đông nghe lời con, cho nó chịu bán nhà với bán cái vườn bưởi của ba. Xong chuyến này con cúng cho ba má con heo quay bự thiệt bự.”


Trời đất thánh thần thiên địa ơi, cái thằng trời đánh này bữa nay nó bị ai nhập hả trời? Thằng Đông nó còn biết vái tôi với ổng phù hộ độ trì cho hai anh em, còn nó thì cầu cho thằng Đông chịu bán nhà bán đất. Người ta không nhà không cửa mới phải ở đầu đường xó chợ, đây nó có nhà cửa đàng hoàng thì muốn ra đường ở, sao mà tôi khổ dữ vậy nè trời. 


“Tui có nghe lộn hong vậy bà? Nó mới nói cái gì mà bán nhà bán đất? Hổng phải bà nói với tui là nó ở trên thành phố làm giám đốc… buôn bán nhà đất gì đó hả? Sao nói mần ăn được lắm mà?” Ông Hoàng ngó qua hỏi tôi, nghe nhắc tới vườn bưởi yêu quý của ổng là ổng phải nói liền.


“Bộ ông tưởng có mình ông muốn hỏi hả? Tui cũng muốn biết nó đương mần cái giống gì đây nè. Ê… đừng có nói là… 5 công đất ông chia cho nó, nó cũng bán hết rồi nghe?” 


Vợ chồng tôi ra riêng mấy chục năm nay, hồi đầu có được má ổng chia cho cái vườn bưởi với lại má tôi thì cho thêm mấy công đất đặng mần ruộng, gia tài được có nhiêu đó chớ hổng có dư giả gì. Cái năm mà ổng bịnh rề rề hoài, ổng có chia cho thằng Biển 5 công đất, còn thằng Đông thì được ổng cho cái vườn bưởi già với lại cho đứng tên căn nhà này. Nói nào ngay, cũng bởi cái chuyện ổng cho thằng con rơi của ổng đứng tên mà tới giờ tôi còn thấy tức. 


Tới hồi mà thằng Biển đòi lên Sài Gòn đi học, đi mần, vợ chồng tôi cũng chịu cho nó đi đặng biết đó biết đây với người ta. Mới hồi Tết năm ngoái, tôi nghe nói là nó mở công ty ở trển, rồi lên làm giám đốc gì đó, tôi mừng muốn chết. Hổng ngờ tôi với ổng mới đi chưa được bao lâu thì nó đòi bán nhà, có khi ở trển bể nợ nên nó bán 5 công đất kia rồi hổng chừng. Tự nhiên giờ tôi thấy hên là hồi xưa ổng giao nhà lại cho thằng Đông, ít ra mấy năm nay nó cũng lo chí thú mần ăn, lo thay ổng chăm bón cái vườn bưởi, chớ để cho thằng Biển đứng tên thì giờ này cái bàn thờ để tôi với ổng ngồi còn không có chớ đừng nói chi là cái nhà.


Năm nay hổng có ngày 30 Tết, thành thử ra bữa nay nhà ai cũng rần rần đón giao thừa. Cỡ 7 giờ tối, anh em thằng Biển ngồi ở cái bàn dài giữa nhà, vừa nhậu lai rai vừa bắt vô tuyến coi chương trình ca nhạc cuối năm. Nghĩ thấy mà nhớ cái Tết hồi mấy năm dìa trước, tôi với ổng mà còn sống thì giờ này vợ chồng con cái đã rủ nhau trải chiếu ngồi ngoài sân, hết canh nồi bánh tét rồi tới nướng bánh phồng nhai chóp chép. Tiếc là Tết này hổng giống Tết xưa, Tết của người già càng không giống Tết của tụi trẻ. 


“Năm nay anh hai dìa chơi được mấy bữa?” Thằng Đông rót rượu vô ly anh nó, hỏi.


“Ờ… công chuyện ở trển cũng lu bu quá, chắc chiều mơi anh đi luôn.” 


“Gì mà gấp vậy anh hai? Ngày mơi mới mùng 1 mà, ở lợi chơi với em mấy bữa nữa hổng được sao?” 


Thằng Biển lắc đầu, ngồi nhịp nhịp giò một hồi rồi nói tiếp: “Ờ mà chuyến này anh dìa, tính bàn với em một chuyện… thiệt ra là công ty anh đang có vụ làm ăn lớn lắm, nếu mà làm được thì sau này sẽ thu hút nhiều chủ đầu tư, mà anh đang kẹt tiền quá… em coi coi… hổng ấy mình bán nhà với cái vườn bưởi của ba được hông Đông?” 


Thằng Đông mới nghe qua cũng giựt mình chới với như tôi với ổng: “Sao vậy anh hai? Tự nhiên kêu em bán nhà bán đất là sao? Anh kẹt tiền thì hổng thằng từ từ mình kiếm cách giải quyết, chớ nhà với đất của ba má, sao em dám bán được.”


“Cấp này ở trển mần ăn khó khăn nên anh mới tính vậy, ba má cũng chết rồi, bán nhà xong thì em lên trển ở với anh, hai anh em mình cùng làm chớ có gì đâu mà em sợ.” Thằng Biển uống một hơi hết trơn ly rượu, nói mà không chịu nhìn thẳng mặt thằng Đông. Bữa nay nó còn dám nói câu “ba má chết rồi” nữa chớ, chắc nó chờ ngày ông bà già này chết lâu lắm rồi phải hông? 


“Ba má chết rồi thì còn mồ mả của ba má ở đây, đâu phải anh nói bỏ là bỏ được. Ở trển mần ăn khó khăn quá thì anh dìa đây mần với em, hai anh em mình mần ruộng giống ba má hồi xưa, có nhiêu ăn nhiêu, nha anh hai?”


Nghe thằng Đông nói tới đây mà tôi cảm động quá trời. Nào giờ tôi toàn kêu nó là con ghẻ, con rơi con rớt chớ hổng có thương nó như thằng Biển, vậy mà cuối cùng thằng con ghẻ như nó lại có hiếu, nó biết trông coi nhà cửa, mồ mả ông bà tổ tiên. Tôi thiệt là bậy hết sức bậy. Giờ tôi chỉ cầu Trời khẩn Phật cho thằng Biển nó biết quay đầu kịp lúc, nó chịu dìa quê lo mần ăn với em nó. 


Biết hổng dễ gì dụ được thằng Đông, thằng Biển nó mới thôi không hỏi vụ đó nữa mà chuyển qua chủ đề khác, giả bộ hỏi thăm người này người kia trong xóm. Còn cái con ghệ trời ơi đất hỡi của thằng Biển, sau khi tắm gần một chục lần trong ngày, nó lại õng ẹo tới ngồi ké bàn nhậu của hai anh em, quất một hơi hết mấy ly liền. Ăn nhậu cho đã xong cái nó đứng dậy đi te te ra ngoài sân, cặp mắt dáo dác dòm ngang dọc y như ăn trộm. Thấy vậy nên tôi với ổng mới chạy theo coi nó tính mần gì. 


Dưới gốc cây mai già còn chưa nở được mấy nụ, con nhỏ đứng gọi điện thoại cho ai mà hình như bên kia người ta hổng nghe máy. Nó sốt ruột gọi tới gọi lui mấy lần, tới chừng tính trở vô trong nhà thì bên kia gọi lại, con nhỏ mừng quýnh:


“Anh mần cái giống gì mà nãy giờ em gọi hoài hổng được vậy Chiến?” 


Loa điện thoại phát ra tiếng nhỏ nhỏ: “Má nó, hổng biết thằng chó nào chỉ điểm mà bây giờ vụ của tụi mình đang bị điều tra rồi. Loạng quạng là chuyến này khỏi ăn Tết như chơi.” 


“Cái gì?” Con nhỏ lo sợ la lớn, chợt nhớ ra anh em thằng Biển đương ngồi ở trong nhà nên nó che miệng lại, nói nhỏ, “Anh giỡn với em đó hả Chiến? Anh nói là ráng làm cho xong vụ này rồi tụi mình cưới mà, tự nhiên giờ bị điều tra là sao?” 


Cái gì mà làm xong vụ này rồi cưới? Hổng phải con Diễm nó là ghệ thằng Biển hả? Vậy còn cái thằng trong điện thoại là ai? Sao mà tụi nó đòi cưới nhau được?


“Em nghe anh nói nè, tụi nó chỉ mới bắt đầu nghi ngờ thôi, bây giờ em coi kiếm cách nào dụ hai thằng đó ký giấy bán đất, ký xong rồi chuồn lẹ về Sài Gòn, anh ở nhà chuẩn bị sẵn đồ đạc đợi em về là mình trốn liền.”


“Ngay… ngay trong đêm nay luôn hả?”


“Chứ không lẽ em đợi ăn xong 3 ngày Tết mới làm hả? Lẹ đi, anh đợi đó!” *tút tút tút*


Thôi rồi, bây giờ tôi với ổng mới biết là thằng Biển không chỉ ngu vừa, mà là nó ngu tàn canh gió lạnh, ngu âm trì địa ngục. Tôi nhớ thằng Biển từng kể với tôi là ở trển nó có hợp tác mần ăn với một thằng giám đốc nào đó cũng tên Chiến, rồi thằng đó có nhỏ em gái giỏi y chang, hình như cũng tên là Diễm. Vậy ra lâu nay nó bị người ta dụ mà hổng hay biết gì, dụ nó theo mần mấy cái dự án phi pháp, dụ nó rằng hai đứa nó là anh em nhưng thiệt ra là bồ bịch của nhau, dụ nó tới nỗi phải bán đất bán nhà, dụ luôn những người vô tội khác… 


“Giờ mình biết tính sao đây ông? Sao tui lo quá à.” Tôi kéo tay ổng, trái tim đã chết lâu ngày tự nhiên đập bịch bịch trong lồng ngực. 


“Bà hối quá tui cũng biết làm sao bây giờ. Giờ mình có nói gì thì tụi nó cũng hổng nghe, mà đụng tụi nó cũng hổng được.” 


“Chết… ch… ch… chết ời, con Diễm, con Diễm đâu?”


Nãy giờ lo tính chuyện với ổng, tới chừng tôi ngoái qua dòm thì hổng còn thấy con Diễm đứng đó nữa. Hai vợ chồng tôi tá hỏa chạy vô trong nhà, thấy con Diễm mới từ trong buồng đi ra, tay cầm theo chai rượu gì mà ông nhà tôi nói là rượu Tây, để một cái cạch lên bàn.


“Em có xách theo chai rượu từ thành phố về, gần tới giao thừa rồi, anh với chú út uống rượu này cho nó ngon.” Con Diễm cầm chai rượu rót lần lượt từ ly của thằng Biển cho tới ly của thằng Đông. Ngồi lai rai nguyên buổi tối, anh em tụi nó đứa nào cũng muốn xỉn hết rồi. 


Thằng Biển cầm ly rượu mà cái đầu gật lên gật xuống, con mắt thiếu điều nhướng muốn hết lên: “Mày thấy chị hai mày hiểu ý anh ghê chưa? Cụng ly cái cho chị hai mày vui coi.”


Biết chai rượu này hổng phải chỉ là rượu ngoại bình thường, tôi với ba của tụi nhỏ mới quýnh quáng ngăn không cho hai đứa nó uống. Tôi thì vỗ vai thằng Biển liên tục, còn ổng thì ở bên kia kéo thằng Đông, hai ông bà già vừa kéo vừa la mà hai đứa nhỏ cũng hổng thấy dấu hiệu gì. Hổng còn cách nào khác, tôi mới thử quơ tay đẩy trái xoài trên bàn thờ làm nó rớt xuống đất cái bịch. Mấy đứa nó cũng giựt mình hỏi sao khi không trái cây trên bàn thờ lại rớt. Hỏi thì hỏi cho có, rồi thằng Biển nó cũng đứng dậy lượm trái xoài lên, để vô trong dĩa y như cũ. 


Nhắm thấy cách này coi bộ cũng được, tôi mới biểu ông Hoàng tắt vô tuyến thử coi sao. Ổng nghe tôi ấn thử vô đồ mốt để trên bàn nhậu, vô tuyến đang chiếu tới khúc mấy ca sĩ hát bài “Mùa Xuân Ơi” thì tắt cái rụp, hai anh em thằng Biển còn giựt mình hơn hồi nãy nữa, khổ cái là tụi nó xỉn rồi nên hổng nghĩ gì nhiều, vô tuyến nó tự tắt thì chỉ cần bật lại là xong. 


Xà quần tới lui một hồi thì chạy trời cũng không khỏi nắng, thằng Biển với thằng Đông uống ực một hơi đã cạn ly rượu, vợ chồng tôi chỉ còn biết đứng đó nhìn nụ cười chiến thắng của con Diễm. Đợi hai thằng nó gục xuống bàn, con Diễm mới bắt đầu lộ nguyên hình, nó đi lục lọi phòng của thằng Biển, thằng Đông, nó cạy tủ quần áo rồi tới tủ thờ cũng hổng tha, nó bới tung nhà lên để kiếm tiền và giấy tờ nhà đất. Qua mấy bài nhạc Tết mà năm nào cũng nghe tới nỗi thuộc lòng, căn nhà nhỏ này đã bị con nhỏ đó quậy thành bãi rác. Tôi với ổng cũng đâu có đứng yên mà nhìn cho đặng, cũng lấy hết sức đẩy cái này cái kia xuống đất, có khi còn quăng trúng vô mình con Diễm, tính làm vậy đặng hù cho nó sợ mà nhỏ này nó lì lợm quá chừng, nó thấy đồ đạc rớt tùm lum thì cũng có sợ đó, nhưng ráng ngó lơ đặng kiếm được đồ nó muốn trước rồi tính sau. 


Rồi tự nhiên tôi nhớ ra dù tôi với ổng hổng làm gì được, thì bên nhà bển cũng còn có con Lụa, bởi vậy vợ chồng tôi mới ba chân bốn cẳng chạy qua đập cửa nhà bà tư Ù, mong cho bả kêu con Lụa qua cứu anh em tụi nó giùm. 


Tư Ù vừa mở cửa vừa la ó um sùm: “Ê, vợ chồng mấy người bộ ăn ở không quá hả? Mắc giống ôn gì nửa đêm nửa hôm còn đi phá làng phá xóm vậy?”


“Bà kêu con Lụa ra tui mượn chút coi tư Ù, nhà tui đương có chuyện gấp lắm.” Tôi chen lên trước ông chồng tôi, nói.


Tư Ù chống nạnh, trề môi ra trả lời: “Chị nghĩ làm sao, giờ này chồng con tui đương ngủ mà chị kêu dựng đầu dậy hả chị năm? Chị khùng nó cũng vừa phải thôi chớ, anh chị dìa bển ngủ giùm tui cái, gần tới giao thừa rồi, tui hổng có muốn cự lộn à nghen.”


Nói xong, bà tư Ù đóng cửa cái rầm, bỏ lại tôi với ổng đứng xớ rớ ngoài hàng ba. Ai biểu thường thường tôi với bả hay cự lộn làm chi, để tới chừng có chuyện muốn nhờ người ta cũng hổng thèm ngó ngàng gì. Bây giờ mà đi gõ cửa từng nhà trong xóm xin giúp đỡ, thì ở đây con Diễm nó bứng cái nhà tôi đi luôn cũng hổng chừng. 


“Tui biết là đó giờ chị với vợ tui hổng có hạp, mà hai thằng con tui lỡ bị bọn ác nó dụ bán hết nhà cửa, nó đương quậy banh chành cái nhà tui bển kìa chị tư. Nếu mà con Lụa hổng qua kịp thì tụi nó ra đường ở đó chị tư. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, chị ráng giúp giùm vợ chồng tui, tụi tui mang ơn chị suốt đời.” Ông chồng tôi ghé vô cái cửa lá sách, lựa lời nói với bà tư Ù. Hổng biết bả có nghe ổng nói gì không, mà đợi hoài đợi quỷ cũng thấy bả im re. 


Thấy vậy nên tôi với ổng mới chạy về bên bển ngóng tình hình thì lúc này con Diễm nó đã ôm được cái hộp đựng giấy tờ trên tay, cái mặt mừng hết biết. Vợ chồng tôi tính đóng cửa lại hổng cho nó đi, mà mới đụng vô cánh cửa là thấy xây xẩm mặt mày, trong mình mệt mỏi tới đứng cũng không vững. Khi con Diễm nó ôm đồ bước qua ngạch cửa, tôi ráng bật dậy tính túm cổ áo nó lại thì bị cơn chóng mặt giật ngược về đằng sau, té thẳng vô lòng của ông Hoàng. Kỳ cục thiệt, hổng lẽ nãy giờ tôi với ổng tốn nhiều sức với con nhỏ này quá nên mới bị vậy? Nói gì thì nói, tôi với ổng rồi kể cả bà tư Ù cũng chỉ là những linh hồn yếu ớt chớ có còn là người nữa đâu.


Vậy là tiêu rồi ông ơi, Biển ơi, Đông ơi!


“Chị Diễm, chị tính đi đâu đó?” 


Đúng lúc con Diễm mới bước xuống sân, thì con Lụa cũng lấp ló ngoài hàng rào bông bụp, hỏi.


Bị phát hiện, con Diễm nó víu giò lại, lắp bắp trả lời: “Ờ… chị… chị đi đây có công chuyện chút.”


“Khuya rồi, chị tính đi đâu sao hổng kêu anh Biển chở đi, chị mới dìa đây đâu có rành đường xá gì đâu.” 


Con Lụa nó nói thiệt lòng, còn con Diễm bởi có tật giựt mình nên nó mới nghe con Lụa hỏi có mấy câu là líu lưỡi lại liền. Nó hổng thèm trả lời con Lụa nữa, cứ vậy mà chạy thụt mạng ra ngoài xe. Thấy lạ nên con Lụa nó cũng nghi nghi, nó đuổi theo ra tới đầu ngõ thì con quỷ sống kia đã nổ máy chạy đi biệt dạng. 


Bây giờ mới thiệt sự là hết nè, Biển ơi, Đông ơi!


“Trời đất, Đông, anh Biển, hai người bị sao vậy nè? Sao nhà cửa đồ đạc tùm lum vậy nè?” 


Con Lụa nó bước vô nhà, mếu máo chạy tới kêu thằng Biển với thằng Đông, sợ tụi nó bị làm sao. Lát sau, hai anh em nó mới ngóc đầu dậy nổi, thằng nào thằng nấy mồ hôi mồ kê chảy ròng ròng như tắm. 


“Ủa… Lụa qua chơi hả?” Thằng Đông mới tỉnh dậy đã hỏi con Lụa, nó dụi mắt, lắc đầu mấy cái mới thấy nhà cửa bị quậy tanh bành, “Ủa, sao… sao nhà mình lại thành như vậy rồi anh hai?”


Hai anh em tụi nó hốt hoảng nhìn nhau rồi mắt nhắm mắt mở chạy đi coi coi có mất cái gì trong nhà không. Phải rồi, đồ đạc trong nhà thì còn y nguyên chớ hổng có mất, chỉ mất có cái nhà thôi. Tới hồi mà thằng Đông phát hiện giấy tờ nhà bị lấy hết, cộng thêm chuyện con Lụa kể là thấy con Diễm ôm theo đống giấy tờ bỏ đi giữa đêm, thằng Biển nó vẫn mù quáng hổng tin chuyện này là do con Diễm làm.


“Em đã nói là con nhỏ đó hổng phải dạng vừa gì, vậy mà anh hai hổng tin, giờ nó gom đồ đi hết rồi đó.” Thằng Đông sốt ruột nói.


“Tao đã nói là hổng phải Diễm làm rồi mà, tao quen nó bao lâu nay hổng lẽ tao hổng biết. Hay là mày hổng muốn bán nhà, nên mới bày ra cái trò này rồi đổ lên đầu Diễm? Mày cũng chỉ là con ghẻ của má tao thôi, cái nhà này là ổng bả thương tình mới bố thí cho mày ở, chớ mày tưởng mày ngon lắm sao mà còn làm giá?” Tại hồi nãy uống nhiều hơn thằng Đông, nên thằng Biển còn xỉn nhiều lắm, ai nói gì nó cũng bênh con Diễm chằm chằm, rồi còn lôi hết chuyện trên trời dưới đất ra nói. Cái thằng này đã ngu mà còn la làng, hổng phải tại nó đem cái thứ đó dìa nhà thì làm sao có chuyện cho được. 


“Tới nước này mà anh còn bênh nó được hả anh hai? Em nói ở đây có ba má làm chứng, em mà có làm gì hông phải thì cho trời đánh em đi.”


“Ờ, phải rồi, mày là con cưng của ổng bả mà sao ổng bả hổng phù hộ cho mày được. Mẹ nó, ổng với bả có thương tao đâu, có bao giờ phù hộ cho tao đâu, tao xin có chuyện nhỏ xíu mà cũng hổng làm cho tao được thì còn ba má cái con mẹ gì.”


Trời ơi, hổng ngờ thằng con trai mà tôi hết mực yêu thương lại nói ra được mấy câu như vậy. Thử hỏi có cha mẹ nào mà hổng muốn dành điều tốt đẹp nhứt cho con mình, có ai muốn để con mình thua thiệt với người ta đâu chớ. Nó đòi lên Sài Gòn học cho bằng bạn bằng bè, tôi với ổng cũng ráng mần lo cho nó ăn học. Học xong, nó đòi ở lại Sài Gòn lập nghiệp, dù thương con tới mấy tôi cũng bấm bụng nghe theo nó. Chuyện mần ăn của nó gặp khó khăn, vợ chồng tôi cũng lo chạy đầu này đầu kia mượn tiền cho nó trả nợ. Từ nhỏ cho tới lớn, thằng Biển nó muốn ngăn nào là được ngăn nấy, bây giờ hai ông bà già này chết rồi, nó còn muốn phù hộ cỡ nào nữa mới vừa lòng đây? 


“Anh muốn nói tui sao cũng được, chớ còn đụng tới ba má là tui hông có nhịn đâu à nghen.” Thằng Đông tức quá mới nhào tới túm cổ áo thằng Biển. Con Lụa đứng giữa cũng sợ anh em nó ẩu đả, nó quýnh quáng gỡ tay thằng Đông mà sức con gái làm hổng có lại. 


“Hông nhịn rồi mày tính làm gì? Bộ tính quánh tao hay gì? Ổng bả chết rồi chớ bộ còn sống đâu mà mày bày đặt nịnh nữa, chết rồi mà hổng phù hộ được cho con cháu thì là vô dụng chớ còn con mẹ gì…” 


*Bốp*


Bất thình lình, thằng Đông đục thẳng vô mặt thằng Biển một cái làm nó té cắm đầu xuống đất. Đó giờ tính thằng Đông nó hiền lành vui vẻ, ai mà có dè lần này nó làm thiệt. Tôi với ba nó chạy lại coi thằng Biển có sao không, thì đúng lúc này trên vô tuyến cũng chiếu tới đoạn bắn pháo bông đùng đùng, vậy là đã qua năm mới rồi. Khi mà người người nhà nhà đang sum họp đón năm mới, thì gia đình tôi lại ra nông nỗi này. Ông trời ơi, ông ngó xuống mà coi.


“Má nó, bữa nay mày dám quánh anh mày nữa hả thằng chó?”


Thằng Biển giận quá, tính chống tay dưới đất đặng đứng dậy đánh thằng Đông, mà tự nhiên tôi thấy nó cầm lên một tờ giấy cũ, bốn cạnh bị rách tả tơi, tay nó run run ngồi đọc từng chữ:


“Con tên là Biển, sanh ngày 14 tháng 9 năm 1989. Má con lỡ dại sanh con ra mà hổng nuôi con lớn được, cô bác thương tình có lụm được con thì nuôi giùm má con chớ đừng bỏ con nữa tội nghiệp. Má con con đội ơn cô bác.”


Ai lụm ai bỏ gì ở đây? Trời ơi, thằng Biển nó mới đọc cái gì vậy? Thằng Biển con tôi, sao khi không thành con của người ta rồi? Nó là đứa con tôi đứt ruột đẻ ra mà.


“Là sao vậy? Trong này ghi tên tao, ngày sanh tháng đẻ của tao… nghĩa là sao? Tao với mày đều hổng phải con ruột của ba má, hay chỉ có mình tao là hổng phải con ruột của ba má?” 


Hai mắt thằng Biển rưng rưng nhìn em nó, hình như thằng Đông cũng hổng tin, nó giựt lại tờ giấy trên tay thằng Biển, đọc đi đọc lại. Tôi cũng hỏi ông Hoàng về nguồn gốc của tờ giấy này, nhưng thay vì trả lời tôi, ổng chỉ biết đứng chết trân chớ hổng nói câu nào. 


“Thì ra tao là con lụm hả? Má tao bỏ tao từ hồi mới đẻ hả? Vậy mà hai mươi mấy năm nay tao cứ tưởng mình là con ruột của ổng bả… tao là con lụm, hổng phải con ruột của ổng bả… tao là con lụm…” 


Thằng Biển nó lồm cồm bò dậy, miệng thì cứ lẩm bẩm nói nó là con rơi con rớt. Nó đi liêu xiêu được vài bước tới ngạch cửa, rồi tự nhiên vừa la lớn vừa phóng thẳng ra ngoài đường. 


Thương con, tôi nghẹn ngào với tay theo kêu nó về: 


“Biển! Biển ơi!”


Tôi cứ kêu tên nó, kêu hoài, mà hình như ngoài tôi ra hổng có ai nghe được tiếng tôi kêu hết.


***


“Biển ơi!”


Tôi kêu lên hai tiếng “Biển ơi” rồi bất ngờ bật dậy, thấy mình sao mà đương nằm ở trong buồng chớ hổng phải ở trên nhà trước. Ngoài kia vẫn nghe văng vẳng bài nhạc Tết, tôi chạy tới vén tấm màn treo ngay cửa buồng, dòm ra sân thì thấy có mấy người ngồi trên chiếc chiếu nói chuyện rôm rả, kia là thằng Biển, thằng Đông, rồi kế bên còn có con Lụa với bà tư Ù đương ôm đứa nhỏ trong lòng.


Tôi nhích thêm mấy bước nữa tới gần bàn thờ, hít một hơi thiệt dài, ngó lên trên, dĩa trái cây với bánh kẹo chưng Tết vẫn còn nguyên ở đó, vậy mà ở phía trong cùng hổng có hình thờ của tôi mà chỉ còn lại tấm hình thờ của ổng nằm trơ trọi. Rồi cái hổng hiểu sao tự nhiên tôi chảy nước mắt. Té ra là tôi chưa chết. Té ra mấy cái chuyện động trời kia chỉ là tôi nằm chiêm bao thấy chớ hổng phải thiệt. 


“Má, má dậy rồi hả má? Dậy rồi thì má ra ngoải đón giao thừa với tụi con luôn nha má.”


Tôi lén chùi nước mắt, đi theo thằng Đông ra ngoài sân, mỗi bước đi là một mảng ký ức xưa cũ hiện lên trong đầu. 


Tôi nhớ hồi đó tôi với ổng cưới nhau cũng lâu lắm mà hổng có con, rồi má ổng mới bắt ổng bỏ tôi đi cưới vợ mới, ổng thương tôi nên mới cãi lại má rồi hai vợ chồng tôi dắt nhau ra ở riêng. Ra riêng được chừng mấy tháng thì ổng lụm dìa nhà một thằng nhỏ, má nó bỏ nó ngoài miễu, chỉ để lại tờ giấy ghi ngày sanh tháng đẻ và nói thằng nhỏ tên là Biển. Thằng Biển được 2 tuổi thì tôi cũng có bầu thằng Đông. 


Phải rồi, trong chiêm bao tôi thấy thằng Đông mới là con lụm, rồi cái gì mà thằng Đông càng lớn càng giống ổng nên tôi tưởng là ổng ngoại tình. Thêm chuyện thằng Đông thương con Lụa, còn con Lụa thì thương thẳng Biển nữa chớ. Thiệt tình là cho dù có phải anh em ruột hay không, thì hai đứa tụi nó vẫn luôn hoà thuận, hổng bao giờ thấy cự cãi chớ đừng nói là đánh nhau. Với lại, trong chiêm bao tôi thấy vợ chồng tôi với bà tư Ù rủ nhau đi bán muối, nhưng thiệt ra thì ông Hoàng chồng tôi với ông Trường chồng bà tư Ù đã mất cách đây 15 năm rồi, mất trong một lần đi theo tàu biển gặp bão lớn. Tất cả đều là chiêm bao, chỉ có hai bà già hễ gặp nhau thì cự lộn là đúng với sự thiệt. 


“Chị sui đó hả chị sui? Chị còn nhớ tui hong chị sui?” Bà tư Ù mới thấy tôi đã hỏi. 


Tôi ngồi xuống chiếc chiếu, kế thằng Biển, trả lời: “Con mẹ già này, mần sui với nhau được biết bi lâu rồi mà cũng còn khoái sốc bô hen.” 


Nghe được câu này của tôi, tư Ù với mấy đứa nhỏ ngồi cười khà khà. Thằng Biển nó nói từ hồi ba tụi nó mất tới giờ, hễ mà cứ tới mùa gió Chướng cuối năm là tôi lại bị lẫn, tối ngày cứ ngồi lủi thủi mình ên, có bữa còn tưởng tượng ra ổng ngồi kế bên rồi nói chuyện ngon lành, cũng giận hờn rồi chửi ổng y như thiệt. Tôi hay quên trước quên sau, lấy chuyện này đắp qua chuyện kia mà hổng có cái nào ăn nhập vô cái nào hết trơn hết trọi. 


“Coi bộ năm nay tui tỉnh sớm ha chị sui, còn kịp đón giao thừa với chị với mấy đứa nhỏ nữa.” Tôi cà rỡn nói.


Con Đào nó nhảy vô lòng tôi, nhét cho tôi miếng bánh phồng còn miệng nó thì nhai chóp chép: “Nội ăn bánh đi nội, nay con ngủ với nội nghe nội.” 


“Mèn ơi, chắc nay trời bão à nghen, hồi má mầy đẻ mầy tới giờ có thấy mầy đòi ngủ chung dí nội đâu.” Tôi nhéo một cái thiệt nhẹ lên má con Đào, từ nhỏ tới lớn nó đeo theo ba má nó dính da, tự nhiên bữa nay đòi ngủ với tôi mới lạ chớ. 


Nó ngậm ngậm miếng bánh phồng, rồi lấy miếng bánh còn dính nước miếng ướt nhẹp nhét tiếp vô miệng tôi: “Dạ tại con sắp có em rồi đó nội, ngủ chung với ba má con sợ đạp trúng em, nên giờ con ngủ với nội một bữa, ngủ với ngoại một bữa.”


Thằng Biển chạy qua phụ vợ nó chụm lửa nồi bánh tét, hai đứa nhìn nhau cười tủm tỉm. Vậy ra là tôi với tư Ù lại chuẩn bị có cháu ẵm bồng nữa rồi. Thấy vợ chồng thằng Biển với con Lụa hạnh phúc vậy tôi cũng mừng. Còn thằng Đông tới giờ vẫn lủi thủi mình ên, hổng biết tôi có còn sống tới ngày thấy nó lấy vợ không nữa. 


Hổng biết giờ này ba của tụi nhỏ có đương ngồi ở đây, có thấy tôi với tụi nhỏ hay không? 


Nhìn mọi người trong nhà ngồi quây quần bên nồi bánh tét sôi bập bùng, đâu đó văng vẳng bên tai tiếng pháo bông đón chào năm mới, một cơn gió lạnh thổi qua, cánh mai trước sân nhà bay theo gió đáp xuống vai áo tôi, lòng tôi lại bồi hồi nhớ cái Tết năm nào, nhớ câu ca dao mà ổng thường ngâm nga mỗi mùa gió Chướng: 


“Gió Chướng lao xao khúc sông nào, sông nấy

Xuồng em bơi giữa dòng, anh thấy anh thương.”


Vậy đó, ai rồi cũng phải già, phải chết, biết đâu chừng là ngày mai, ngày kia, cũng biết đâu chừng là ngay bây giờ. 


Tôi rồi cũng sẽ chết, nhưng chưa phải bây giờ.


Nên ông ráng chờ tôi thêm mấy năm nữa, đợi cho đứa cháu thứ hai của mình ra đời, đợi con Đào nó biết đọc chữ, rồi thằng Đông yên bề gia thất,… đợi thêm mấy mùa gió Chướng nữa rồi tôi xuống dưới đoàn tụ với ông. 


Nghe! 



[HẾT!]




Bình luận

  • avatar
    Sir Colchian
    Trong số các tác phẩm Hồn Việt, mình thấy phong vị Việt Nam trong truyện của bạn là đậm đà nhất. Cốt truyện hay, thực tế, nhân văn, nhiều tình tiết bất ngờ. Đọc xong, mình cảm thấy rất hài lòng. Chúc bạn sẽ có thêm nhiều tác phẩm đặc sắc nữa.
    • Generic placeholder image
      Mía
      Mình cảm ơn bạn đã đọc và để lại bình luận rất dễ thương cho truyện của mình nha. Trong tương lai, mình vẫn sẽ viết thêm nhiều tác phẩm mang đậm phong vị của nước Việt nữa. ^^
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}