Chương 2: Quật Mộ


Canh tư, vầng trăng khuyết lơ lửng giữa trời, ánh sáng nhợt nhạt trải dài trên từng mái lá rêu phong. Làng Cổ Lũng im lìm, nơi biệt phủ của thầy Phủ Vân, chỉ có gió len qua tán cây du già[1] trước cổng, phát ra những tiếng rền rĩ như ai đó khóc than.

Phủ Vân bước xuống kiệu. Gia đinh nối đuôi theo sau, tay vẫn nắm chặt chuôi dao bạc, ánh mắt dán vào bóng tối. Dưới ánh sáng leo lét của hai ngọn đèn lồng, hiện rõ bóng một người quỳ rạp dưới đất, đầu cúi gầm, áo vải thô nhuộm đầy máu đen khô cứng.

“Là kẻ nào?” Phủ Vân dừng bước, quát to.

Gia đinh và vài gã gia nhân vội vàng bước tới, cẩn thận xem xét rồi lật vai kẻ nọ. Đám người lập tức nhận ra đó là một thầy bói già trong vùng, từng tự xưng là biết xem quẻ âm trạch[2]. Lúc này, mặt mũi gã trắng bệch, hai mắt trợn ngược, miệng há hốc như muốn kêu mà chẳng kịp. 

“Chết cứng rồi ạ…” gia đinh nói khẽ, giọng run rẩy.

Phủ Vân đã tiến lại gần, cúi xuống quan sát. Trong tay lão thấy bói còn đang siết chặt một dải lụa đỏ đã rách toạc. Đó là vạt áo của một người nữ, đường kim mũi chỉ còn mới tinh. Ông lật lên, mặt trong dính một vệt máu thẫm, loang thành hình vầng trăng khuyết.

“Tang môn, lại là dấu hiệu của tang môn…” ông khẽ nhíu mày, lẩm bẩm.

Đúng lúc này, từ bên trong phủ, một tiểu tỳ thất thểu chạy ra, mặt tái mét như tro, vừa gặp ông đã ngã quỵ:

“Bẩm… bà thiếp… bà thiếp đã đi rồi…”

Đám gia nhân xôn xao, riêng Phủ Vân thì đứng như chết lặng. Tay ông giấu dưới vạt áo, từng đốt ngón tay đã siết chặt đến tái trắng, móng tay đâm sâu vào thịt làm máu rịn ra từng giọt. Hơi thở nghẹn lại nơi cổ họng, như có thứ gì đó chắn ngang. Đôi mắt Phủ Vân ráo hoảnh, nhưng dưới đáy là một tầng sương mù đặc quánh, nặng trĩu. Cuối cùng, ông cất giọng khàn khàn:

“Chặt cái đầu của hắn rồi đem cái thây treo lên cây du già!”

Gia đinh nghe mà rợn người, nhưng không dám trái lệnh, quát tháo bảo đám gia nhân thực hiện. Ít lâu sau, cái xác không đầu đã bị treo lơ lửng, dây thừng cọ vào da thịt, máu đen chảy tong tỏng xuống đất, hoà vào rễ cây.

Phủ Vân không ngoái đầu, lẳng lặng bước vào nhà trong. Bên trong linh đường, hương trầm nghi ngút, tỏa ra một làn sương mờ ảo, như có một thứ gì đó khuất lấp. Thân xác Lê Dung, người thiếp mà Phủ Vân thương yêu nhất được đặt trên chiếc giường gụ, quanh mình phủ lụa trắng. Mặt nàng an tĩnh như đang ngủ, nhưng trên trán lại lờ mờ vết tay bầm tím, từng ngón hằn sâu siết chặt như lúc còn sống.

Cái chết của Lê Dung thực sự khiến Phủ Vân bàng hoàng. Nàng được báo là bất ngờ tắt thở trong đêm, giữa trán hằn nguyên năm dấu ngón tay tím đen, như bị ai bóp mạnh. Hơi ấm trên cơ thể nàng vẫn chưa kịp tan hết. Nàng chết rất bất an.

Phủ Vân nhìn nàng, lòng chua xót. Nhớ lại những ngày tháng vất vả bên nàng, giờ đây chỉ còn lại tấm thân lạnh ngắt, vắng bóng hơi thở. 

Sau một hồi im lặng, Phủ Vân mới chậm rãi ra lệnh cho gia đinh phía sau, giọng trầm khàn:

“Đưa lễ vật lên!”

Một hòm gỗ được đặt giữa nhà. Gia đinh mở nắp, bên trong là một chiếc đầu lâu người, xương trắng bóng, hai hốc mắt sâu hút như vực thẳm. Trên trán khắc một chữ Hoạ (禍)[3] đã lồi lõm mòn vẹt. Đây là đầu lâu của kẻ gieo oán.

Phủ Vân nhẹ nhàng nhấc chiếc hòm lên, rồi đặt nó bên cạnh xác Lê Dung. 

Cầm bát máu gà mái già trên tay, ông chậm rãi vẽ một vòng tròn bao quanh thi thể Lê Dung và lễ vật. Vòng máu khép kín, đỏ sẫm dưới ánh nến, bốc lên làn hơi lạnh ngắt. 

Phủ Vân cắm bốn cây nến ở bốn phương đông, tây, nam, bắc. Ngọn lửa khi mới cháy lập lòe xanh nhợt, rồi bỗng đỏ rực lên khi ông bắt đầu lầm rầm niệm chú. Một làn gió lạnh không biết từ đâu tràn vào, làm tấm màn lụa tre nơi linh đường phập phồng.

Con gà mái già vừa bị cắt tiết từ nãy vẫn nằm bất động bên góc chiếu, bỗng rùng mình. Cặp mắt đục mờ của nó trợn trừng, cổ nghểnh cao, cái mỏ há ra, thở phì phò như bị ai bóp họng. Rồi như bị ai sai khiến, nó lồm cồm bật dậy, điên dại lao về phía ngọn nến bấc lớn nhất. Nó hít sâu một hơi khói nến, thân thể lại càng run bần bật, há mỏ khạc mạnh ra thứ gì đó đen ngòm. Một đám diều đặc quánh, lẫn bên trong là những sợi cỏ khô, tóc rối và cả những mảnh xương vụn nhỏ như xương cá. Thứ diều ấy rơi thẳng vào vòng máu, bốc lên mùi tanh tưởi nồng nặc.

Phủ Vân không rời mắt, tay lại bấm quyết, giọng niệm chú trầm đục hơn. Bên trong vòng máu, đám diều tự động rung chuyển, rồi trải ra như có một bàn tay vô hình gỡ rối. Một lúc sau, từ trong đám hỗn tạp ấy, len lỏi ra một sợi chỉ đỏ, hòa lẫn máu khô.

Phủ Vân ngừng niệm, nhanh nhẹn cúi người nhặt sợi chỉ đỏ, đặt vào lòng bàn tay, thì thầm một câu ngắn ngủi:

“Dẫn đường.”

[4]

Gia đinh lùi lại. Từ phía bức màn, một bóng đen chậm rãi tiến ra. Mặt y che kín, chỉ lộ đôi mắt dài và sâu, giọng trầm khàn:

“Vẫn chưa dứt nghiệp…”

Người này chính là vị pháp sư đồng môn cũ của Phủ Vân, tên là Huyền Dạ.

Phủ Vân ngước lên:

“Nàng chết bất an, lại ngay ngày âm khí vượng nhất. Vừa nãy ta dùng Đồng Nhãn, thấy oan hồn một phụ nhân dưới sông cùng đứa trẻ chết cứng trong lòng mẹ. Theo ta, tất thảy mọi chuyện đều bắt đầu từ ngôi mộ vô danh ngoài bãi sông Cả.”

Huyền Dạ cười khẽ:

“Ngươi định quật mộ?”

“Phải.”

“Một khi quật mộ, chẳng ai có thể quay đầu.”

Phủ Vân không đáp, chỉ siết chặt nắm tay.

“Âm Môn đã có dấu hiệu mở, ngôi mộ này gần đó, hẳn là có kẻ thông qua việc này muốn khai môn.”

Huyền Dạ trầm ngâm, nghiêng đầu nhìn về phía xa.

 “Ngôi mộ này, trước ta có xem qua, chẳng qua chỉ là một ngôi mộ vô danh được đặt gần trận pháp.” Rồi như ngộ ra được điều gì, hắn lại nói thêm, “âm môn thứ nhất, ngươi và ta là người trấn giữ. Nếu để nó mở ra sẽ dẫn đến tai họa.”

Phủ Vân không nói gì, gói theo Đồng Nhãn bước ra ngoài.

“Đi thôi.”

Huyền Dạ gật đầu, theo sát sau.

***

Đêm ấy, cây du già trước phủ vẫn lắc lư trong gió, đung đưa cái xác khô đã chảy sạch máu huyết ra ngoài.  

Trên đường đi, Phủ Vân lần nữa mở ra Đồng Nhãn. Con mắt bên trong long lanh ánh nước, phản chiếu một vầng trăng rách nát và bóng một ngôi mộ ngập nửa trong bùn lầy.

Bãi Sông Cả, trời chưa sáng, sương đêm còn phủ kín lên đất bùn lầy nhão. Vạt lau sậy cao quá đầu người, xào xạc dưới từng cơn gió lạnh thấu xương. Trên mặt sông, vầng trăng khuyết vặn vẹo in hằn , như con mắt một đứa trẻ chết yểu, không khép nổi.

Đoàn người đi quật mộ chỉ có bốn, Phủ Vân dẫn đầu, Huyền Dạ theo sau, thêm vào hai gã gia đinh lặng lẽ vác cuốc, trong tay còn kẹp theo mấy thanh kiếm gỗ và dây trói làm bằng tóc người.

“Đến rồi!” Huyền Dạ nói.

Trước mặt là một ụ đất cao, ngập một nửa trong nước, cỏ hoang mọc dày, rối bù như tóc người chết. Bên cạnh, cây du già đã mục ruỗng, những rễ cây trồi khỏi mặt đất, ngoằn ngoèo như bàn tay gầy guộc, chực chờ kéo những kẻ lỡ đường xuống đáy bùn. Trên ngọn cây, một con chim diều đen đúa đậu bất động, đôi mắt trắng dã mở trừng trừng, không chớp.

Phủ Vân đặt Đồng Nhãn xuống mặt đất, lẩm nhẩm thêm một đoạn chú ngữ, sau cùng quát hỏi:

“Người trong mộ là ai?”

Đồng Nhãn run lên rồi hé mở, con mắt bên trong phản chiếu hình ảnh mờ mịt. Trong làn khói, một khuôn mặt đàn ông xuất hiện, đôi mắt sâu thẳm, khóe miệng khẽ nhếch cười.

Huyền Dạ nhận ra:

“Gian thần xưa từng theo Mạc Thái Sinh. Một kẻ phản bội, đã hại chết biết bao nhiêu người. Sau bị tru di tam tộc.”

Phủ Vân cau mày:

“Kẻ này đáng lẽ không được lập mộ, chỉ có thây thối phơi đồng.”

“Có kẻ lén an táng.”

Huyền Dạ cúi xuống, tay bốc từng nắm đất, thấy bên dưới là vỏ trứng chim ác, những khúc xương chó và mảnh da trâu.

“Mộ trấn yểm,” y nói, “Luyện bùa huyết thực.” [5]

“Đào!” Sau một hồi suy ngẫm, Phủ Vân lạnh giọng.

Hai gia đinh run rẩy lĩnh mệnh, bắt đầu động cuốc. Đào sâu ba thước, cuốc chạm vào gỗ, phát ra âm thanh cồm cộp, vang vọng giữa màn đêm. Gia đinh hít sâu, lấy hết can đảm bới lớp đất bùn còn sót lại. 

Dưới ánh trăng lờ mờ, nắp quan tài dần hiện ra. Ván gỗ trắc sơn đỏ sậm, ấn chú loang lổ được viết bằng máu tươi nay đã đông đặc. Nhưng cái khiến tất cả kinh hãi chính là bàn tay cụt, lòng bàn tay bị đóng đinh xuyên qua, dính chặt vào nắp quan.

Đám gia đinh sợ hãi ngã ngồi ra đất. Huyền Dạ nhảy thẳng xuống hố sâu, thản nhiên dùng tay mạnh mẽ nhổ phăng cả hai bàn tay cụt ra khỏi nắp quan, đặt vào một cái hũ sành rồi chôn ngay bên cạnh.

“Quá cẩn thận…” y cười khẩy, “Bàn tay này để giữ vong hồn không thoát được.”

Phủ Vân đưa tay sờ nhẹ lên ván quan, ngón tay thấm ướt. Ông đưa lên mũi, mùi tanh hôi bốc lên như thịt thối.

“Quan tài này… không bị rữa.”

Huyền Dạ khẽ gật đầu, rồi từ tay áo rút ra một con dao bạc, thân dao khắc đầy phù văn tinh tế. Cả hai cùng thở sâu, đồng thanh niệm chú. Trên quan tài cắm đầy những chiếc đinh sắt đen sì. Mỗi chiếc đinh lớn bằng ngón tay út, đầu đã hoen gỉ, nhưng mũi vẫn cắm sâu vào lớp gỗ trắc dày như rễ cổ thụ.

“Mở đi!”

Huyền Dạ gật đầu, cắm dao bạc vào kẽ nắp quan, vừa nạy vừa xoáy sâu, lưỡi dao rít lên âm thanh ken két khô khốc. Cả hai dồn sức bẩy từng góc, rút từng cây đinh một. Mỗi lần một chiếc đinh bật ra, đều phát ra tiếng “cắc” khô khan như xương gãy.

Khi chiếc đinh cuối cùng được nhổ lên, nắp quan tài chợt rung khẽ. Một làn khí lạnh ùa ra, bao phủ khắp cả nấm mồ đã lâu năm chưa từng bị quấy nhiễu.

Phủ Vân và Huyền Dạ nhìn nhau một thoáng, rồi đồng loạt đẩy mạnh. Nắp quan nặng nề bật hé, một mùi tanh tưởi nồng nặc bốc lên, kéo theo làn hơi lạnh buốt thấu tận vào xương tủy.

Bên trong quan tài, là một cái xác không đầu và… một đứa trẻ.

Thân xác cả hai không rữa. Những vết sẹo do tra tấn còn vương lại trên da thịt gã gian thần. Những vết rạch lở loét, chằng chịt khắp cơ thể.

Đứa trẻ thì da nó trắng bệch, bọc sát xương, hai hốc mắt trống rỗng. Đầu ngửa ra sau, miệng há to. Tay chân bị trói bằng dây gai, xiết chặt đến mức muốn trộn lẫn vào da thịt. Giữa ngực là một hình bùa chú đỏ chói, nét vẽ mờ nhạt như sắp tan.

Phủ Vân lặng người.

“Đứa trẻ này…”

Huyền Dạ giọng nói trầm đục, ánh mắt càng thêm sắc lạnh:

“Đây không phải người giữ hồn[6]. Là vật tế.” 

Y cúi nhìn người bị trói trong quan, giọng chậm rãi:

“Là tà thuật. Đồng tử chuyển sinh. [7]Một linh hồn đứa trẻ thay thế cho người đã chết. Có kẻ muốn giữ vong hồn tên gian thần này lại.”

Ánh mắt Huyền Dạ quét qua khoảng trống dưới đáy quan, nơi lẽ ra phải có một cái quách[8] nhỏ bằng đồng đen.

“Thiếu quách chứa lục phủ ngũ tạng và cái đầu của kẻ này.”

Phủ Vân gật đầu, sắc mặt trở nên nghiêm trọng:

“Không có quách, tam hồn thất phách chẳng thể quy tụ đầy đủ. Thuật này vốn đã khó, nay lại thiếu sót... nếu thất bại, thứ sống dậy sẽ không còn là người, mà là nửa thi nửa quỷ, mất hết lý trí.”

Vừa dứt lời. “U oa… u oa…”

Tiếng khóc trẻ con đứt quãng, vọng từ khắp nơi, như đang có hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ cùng than khóc. Gia đinh cứng đờ, sợ hãi cắm mặt xuống đất, miệng lẩm bẩm niệm kinh.

Huyền Dạ nghiến răng, rút ra một lọ máu chó đen, vẽ gấp một vòng bùa hộ mệnh quanh quan tài.

“Có kẻ đang giải phong ấn,” y nói, giọng gấp gáp. 

Phủ Vân nhìn quanh một lượt. Giữa những khóm lau sậy rậm rạp, một bóng người lặng lẽ đứng đó, như thể đã quan sát từ lâu. Hắn khoác áo chùng trắng, dài quét đất, từng nếp vải loang lổ những vệt nâu sẫm như đã ngấm máu. 

Trên tay hắn, một chiếc đèn lồng đỏ lập lòe, nhưng bên trong không có nến. Ánh sáng le lói phát ra từ một vật còn đập… một quả tim người. Máu từ đó nhỏ từng giọt xuống bãi bùn, loang thành những vết đen nhầy nhụa.

“Kẻ giữ Huyết Đăng…” Huyền Dạ kinh ngạc, “Giáo phái Hồng Môn.”

Phủ Vân bước lên một bước, tay đặt trên chuôi kiếm gỗ mộc đàn, ánh mắt lạnh băng:

“Là ngươi thả nó ra?”

Kẻ kia cười khẽ, giọng như gió thổi trên đồng mồ:

“Người chết, sống lại. Người sống, xuống mồ. Âm dương đảo lộn, mở đường hoán kiếp.”

Trên tay gã, Huyết Đăng bừng sáng, ánh đỏ phủ tràn mặt đất, như có một biển máu ngập lên tới mắt cá chân. Đứa trẻ trong quan tài giãy mạnh, sợi dây gai quấn quanh thân căng lên từng thớ, rồi đứt tung thành những tiếng chát chúa.

Lại một luồng khí lạnh xộc ra từ lòng quan tài, rét buốt đến mức hơi thở Huyền Dạ ngưng tụ thành sương trắng. Đứa trẻ bật dậy, đôi mắt trắng dã, đầu ngoẹo hẳn sang một bên, cổ kêu răng rắc như sắp gãy rời. Móng tay dài như dao, ánh lên sắc xám lợt, thẳng tay chộp vào Phủ Vân.

Phủ Vân nghiêng người tránh thoát, ngay khoảnh khắc đó, ánh sáng đỏ rọi lên, Phủ Vân quát:

“Trận pháp đã khởi!”

Đất dưới chân rung lên từng hồi như trống trận. Những sợi chỉ đỏ vẽ thành pháp đồ[9] quanh quan tài bỗng nhiên phát sáng, từng ký tự cổ lấp lánh đỏ thẫm càng thêm rõ nét. Không khí nặng trịch, từng đợt sóng vô hình lan ra, ép cả không gian xuống thấp. Tai gia đinh ù đặc, lại như nghe thấy tiếng trống tang vọng từ cõi âm, theo nhịp nặng nề.

Một tiếng “rắc” vang lên dưới lòng đất, rồi từng rễ cây du già khô cong trồi khỏi bùn, quấn quanh chân quan tài, giữ chặt như xiềng xích.

Ở chính giữa pháp trận, Đồng Nhãn trong tay Phủ Vân bừng sáng, con mắt đen thẫm xoay tròn, chiếu thẳng một luồng sáng đỏ máu vào đỉnh đầu đứa trẻ.

Tiếng khóc trẻ con vang lên thảm thiết, vọng khắp cánh đồng lau sậy mịt mùng.

Không chút chậm trễ, Huyền Dạ ném một lá bùa, biến thành dây xích trói ngang lưng đứa trẻ. Phủ Vân vung kiếm, cắt phập qua tay nó, máu đen phun tóe.

Nhưng mỗi vết máu rơi xuống đất, lại mọc lên một bàn tay bùn lầy, kéo mấy người xuống sâu.

“Rút!” Huyền Dạ gầm lên.

Phủ Vân kết thủ ấn, hai ngón tay giữa giao nhau, lòng bàn tay úp lên Đồng Nhãn. Một tràng chú ngắn bật ra, trầm khàn như tiếng đồng gõ giữa đêm lạnh. Đồng Nhãn lần nữa khai mở, chỉ là lần này kéo theo của Phủ Vân một ngụm máu tươi. Đồng tử đen nhánh xoáy sâu như vực thẳm, xoay tròn mãnh liệt rồi bất ngờ bừng sáng từ bên trong. Một luồng hồng quang mỏng sắc như lưỡi kiếm phóng thẳng ra, xuyên qua màn đêm, chiếu thẳng về phương hướng Huyết Đăng Nhân, trực chỉ vào khuôn mặt.

“Á”

Tiếng gào xé rách im lặng. Kẻ áo trắng quặt người, lớp da trên mặt hắn cháy xém, nứt nẻ từng mảng, máu đen chảy thành vệt. Không kịp nghĩ ngợi, hắn quay lưng bỏ chạy, bóng áo quét một vệt mờ trong sương dày.

Bãi sông Cả vẫn còn chìm trong màu máu của Huyết Đăng. Dưới ánh trăng khuyết, mặt nước đỏ thẫm, lũ chim diều sà xuống, mổ vào bùn đất, tiếng kêu khàn khàn như gọi hồn không về. Đồng Nhãn đã nhắm lại, chỉ còn vẻ u ám, mịt mờ. Phủ Vân đứng giữa mưa phùn, áo choàng sũng nước, đưa tay lau máu huyết còn vương trên miệng, thở dốc.

Huyền Dạ lắc đầu, giọng thấm đẫm sự lo lắng:

“Chúng đã khởi sự rồi. Cửa Âm Môn thứ nhất mở, chẳng ai ngăn được.”

Phủ Vân nhìn về phía xa, nơi ánh lửa Huyết Đăng dần dần biến mất vào sương mù. Ông biết, trận này mới chỉ là khởi đầu. Nhưng với ông, cái giá phải trả… đã bắt đầu quá sớm.


——————


*Chú thích:


[1] Cây du: Cây du, thuộc chỉ Ulmus, được biết đến với khả năng chịu đựng khắc nghiệt và tuổi thọ cao, thường được trồng làm cây bóng mát nhờ tán lá rộng rợp bóng. Trong phong thủy, cây du được coi là biểu tượng của sự kiên cường và trường tồn, giúp gia đình bình an và thu hút tài lộc. Người xưa tin rằng trồng cây du trong nhà sẽ xua đuổi tà ma và mang lại sự thịnh vượng.

[2] Âm trạch: Âm trạch là một thuật ngữ trong phong thủy, chỉ nơi mồ mả của người chết. Theo tín ngưỡng dân gian, mộ phần không chỉ là nơi an nghỉ của người chết mà còn ảnh hưởng đến vận mệnh của người sống. Thầy bói trong truyện có khả năng xem quẻ âm trạch, tức là dựa vào mộ phần và âm khí để phán đoán những điều xảy ra liên quan đến linh hồn hoặc vận mệnh của gia đình.

[3] Hoạ (禍): Chữ “Hoạ” trong Hán tự có nghĩa là tai họa, bất hạnh. Trong trường hợp này, chữ “Hoạ” khắc lên đầu lâu nhằm ám chỉ rằng người này đã gây ra một tai họa lớn hoặc nghiệp chướng. Việc khắc chữ lên đầu lâu là một phần trong nghi lễ trấn yểm, nhằm giữ hoặc giam hãm linh hồn của người đã khuất.

[4] Nghi thức: Trong đoạn này, Phủ Vân thực hiện một nghi thức huyền thuật có liên quan đến việc sử dụng máu gà mái già, nến và bùa. Nghi thức này có mục đích gọi hồn, giải mã những bí ẩn quá khứ hoặc khám phá sự thật từ vong linh.

1. Máu gà mái già và vòng máu: Máu gà mái già được xem là linh vật có sức mạnh “thuần âm”, giúp kết nối với linh hồn và các thế lực vô hình. Khi Phủ Vân vẽ một vòng máu quanh thi thể Lê Dung và chiếc đầu lâu, vòng máu này không chỉ tạo ra một không gian linh thiêng mà còn là cách phong ấn, ngăn không cho linh hồn rời đi, đồng thời giúp triệu hồi hoặc giải thoát linh hồn.

2. Bốn cây nến và niệm chú: Việc đặt bốn cây nến ở bốn phương (Đông, Tây, Nam, Bắc) trong nghi thức huyền thuật có ý nghĩa thiết lập một không gian linh thiêng và điều khiển các thế lực vô hình. Lúc đầu, nến cháy xanh nhợt tượng trưng cho sự mơ hồ của thế giới âm dương, sau đó chuyển sang đỏ rực để báo hiệu việc thực thi phép thuật mạnh mẽ.

3. Con gà mái già và diều: Trong nghi thức này, con gà mái già bị tác động bởi khói nến và “khạc” ra diều, một vật dụng huyền bí chứa đựng các vật linh như tóc, xương vụn, ám chỉ linh hồn hoặc những mảnh vụn của những oan hồn chưa siêu thoát. Việc đưa các vật này vào vòng máu giúp kết nối linh hồn và nghi lễ, hỗ trợ việc giải thoát oan hồn hoặc khám phá sự thật bị che giấu. Là bói điều.

[5] Người giữ hồn: Trong truyện, “người giữ hồn” là một người có nhiệm vụ bảo vệ linh hồn của người chết, không để linh hồn bị quấy rối hoặc phải chịu nghiệp chướng. Tuy nhiên, trong tình huống này, đứa trẻ trong quan tài không phải là “người giữ hồn” mà là kết quả của một Thuật đồng tử chuyển sinh.

[6] Luyện bùa huyết thực: Luyện bùa huyết thực là một loại bùa chú sử dụng máu sống, thường là máu của động vật (gà mái già trong truyện), để thực hiện các nghi lễ mạnh mẽ. Phép bùa này có mục đích giữ linh hồn trong một mộ phần, hoặc yểm bùa lên các vật thể để kiểm soát hoặc giam hãm linh hồn. Đây là một nghi lễ tối tăm, có thể mang lại hậu quả khôn lường nếu không thực hiện đúng cách.

[7] Đồng tử chuyển sinh: “Đồng tử chuyển sinh” là một thuật huyền thuật trong đó linh hồn của người chết được chuyển vào cơ thể một đứa trẻ, tạo thành một hình thức tái sinh. Tuy nhiên, khi thực hiện không đầy đủ các bước thuật pháp, kết quả có thể là việc tạo ra một sinh vật không hoàn chỉnh, dẫn đến thất thại, không thể lường trước hậu quả.

[8] Quách: Quách là một vật dụng dùng để đựng nội tạng của người chết trong phong tục an táng. Theo truyền thống, các phần như lục phủ ngũ tạng sẽ được đặt trong một cái quách nhỏ để giữ phần hồn của người chết. Trong truyện, việc thiếu quách khiến cho linh hồn của tên gian thần không thể quy tụ đầy đủ, dẫn đến sự xuất hiện của một sinh vật bất ổn.

[9] Pháp đồ: Pháp đồ là biểu tượng hoặc sơ đồ được vẽ ra trong các nghi lễ huyền thuật. Nó có thể là một mạng lưới các ký tự hoặc hình vẽ, thường dùng để gọi hồn, bảo vệ hoặc phong ấn một thế lực vô hình. Pháp đồ trong truyện được dùng để tạo ra một pháp trận, giúp kiểm soát và định hướng các sức mạnh vô hình trong nghi lễ.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}