Nếu không có tiếng gọi “Khanh ơi” tiếp tục cất lên từ bên ngoài, Mạnh Đăng nghĩ mình sẽ còn đứng hình thêm mấy giây nữa. Anh thả tay ra như phải bỏng, trả lại chiếc di động vào tay chủ nhân của nó. Sau đó, anh bối rối đưa tay còn lại lên gãi đầu gãi tai, bỗng cảm thấy vành tai mình đang có xu hướng nóng lên, không biết nếu soi gương nhìn thì có thấy được dấu hiệu bằng mắt của vành tai dường như đang “đỏ hóa” hay không.
Muốn làm Huệ Khanh không để ý tới pha va chạm vô tình vừa rồi, và cũng để bản thân mình phân tâm, anh vội nói: “Hình như có người gọi em kìa, ra xem đi.”
Không đợi cô có phản ứng gì thêm, anh cất vội túi giấy đựng hai chiếc móc khóa vào tủ rồi rảo bước xuống nhà vệ sinh ở góc dưới cùng, lấy chổi ra chuẩn bị dọn dẹp. Khi anh đi lên để quét dọn, người đến gọi Huệ Khanh đã bước ra khỏi hiệu sách, Mạnh Đăng chỉ có thể trông thấy người đó từ phía sau. Là một chàng trai. Cậu ta mặc áo phông xám, quần jeans, chân đi đôi giày thể thao đen, tóc đen ngắn chừng hai đến ba xăng-ti-mét, làn da không ngăm đen bằng anh nhưng cũng không được coi là trắng, cao khoảng trên mét bảy, nom dáng người, điệu bộ và cách ăn mặc thì hẳn là cũng còn trẻ, chắc khoảng ngoài hai mươi. Nghe giọng nói của cậu ta từ lúc nãy, Mạnh Đăng phán đoán rằng cậu ta không phải người quen của anh. Cũng không biết cậu ta có quan hệ gì với Huệ Khanh mà đến tận đây tìm cô. Có thể là họ hàng, bạn bè, hoặc biết đâu là… người yêu của cô cũng nên.
Nghĩ đến đây, Mạnh Đăng lắc mạnh đầu. Người ta có quan hệ gì với Huệ Khanh thì liên quan gì đến anh, tốn nơ-ron thần kinh suy nghĩ mà làm gì!
Để tránh xảy ra cảnh tượng lúng túng như vừa nãy, Mạnh Đăng cố không đến gần Huệ Khanh, mỗi người chia nhau dọn dẹp một khu vực, anh cũng không hỏi Huệ Khanh ai đã tới tìm cô dù rằng hạt mầm mang tên tò mò đang nhu nhú lên khỏi cõi lòng. Đến lúc hiệu sách về cơ bản đã sạch sẽ, sáng sủa, Mạnh Đăng mới sực nhớ ra một việc quan trọng bắt buộc phải thực hiện. Anh chẹp miệng, đến tủ đựng đồ lấy ví ra rồi bước tới trước mặt Huệ Khanh hiện đã yên vị trong quầy thu ngân.
“Của anh hết bao nhiêu tiền nhỉ?” Mạnh Đăng toan nói “Nãy vội quá anh quên trả”, song sực nhớ ra ban nãy anh “vội” điều gì, chẳng lẽ nói “Vội tránh mặt em cho khỏi lúng túng” chắc, nên anh giữ lại vế này trong vòm miệng, không bật ra ngoài.
“Như hôm trước em nói với anh thôi.”
“Tính cả chiếc móc khóa cuốn sách phiên bản thu nhỏ nữa đi.”
“Thôi, đó là quà tặng kèm miễn phí.”
“Khách mua có một món đồ mà được tặng thêm hẳn một món khác, thế thì chủ shop buôn với bán gì nữa.”
“Buôn bán kiểu của em nó thế.” Huệ Khanh mỉm cười. “Với lại khách vốn không đặt, mình tự làm thêm rồi bắt khách trả tiền cho món đồ làm thêm đó thì còn ra thể thống gì. Em không kinh doanh kiểu thất đức thế đâu. Em đã nói là quà tặng kèm miễn phí thì anh cứ nhận đi.”
Mạnh Đăng nghe Huệ Khanh nói vậy thì biết mình chẳng thể trả thêm tiền cho cô được, anh đành đưa cô số tiền mà hôm trước cô đã báo với anh rồi đi trông khách.
Buổi sáng cứ thế trôi qua êm đềm như vậy. Thực chất, đó là ở mặt ngoài, còn trong lòng Mạnh Đăng đã khẽ gợn sóng lăn tăn rồi. Thi thoảng lúc thảnh thơi không phải tư vấn hay giúp đỡ khách, tâm trí Mạnh Đăng lại vô thức trôi dạt đến khoảnh khắc bàn tay anh và bàn tay cô vô tình chạm nhau sáng nay. Mạnh Đăng đương nhiên từng nắm tay người khác. Hồi nhỏ anh được anh trai Mạnh Khôi nắm tay dắt đi mua bim bim; hồi mẫu giáo anh cũng từng nắm tay Minh Đạt khi hai bọn anh chụp ảnh tốt nghiệp; anh cũng từng được bố nắm tay vỗ về cổ vũ anh làm bài thi lên cấp ba cho tốt; và hiển nhiên, người mà anh nắm tay nhiều nhất là mẹ. Mẹ cũng là phụ nữ, bàn tay của mẹ không cứng rắn, xương xẩu như bàn tay của bố, cũng không ram ráp vết chai như bàn tay người anh trai từng lăn xả qua bao nhiêu trận bóng chuyền của anh, lại càng không gầy guộc như bàn tay Minh Đạt, nhưng bàn tay của mẹ vẫn hơi gờn gợn những nếp nhăn in hằn dấu vết của thời gian. Bàn tay Huệ Khanh… không giống thế. Dù chỉ là một cái chạm trong chớp mắt, nhưng Mạnh Đăng vẫn cảm nhận được sự mềm mại, láng mịn của bàn tay người con gái đang độ trẻ trung, xuân ngời.
Mày nghĩ gì cứ như thằng biến thái thế hả Đăng! Dừng lại!
Mạnh Đăng ra lệnh cho mình không được suy nghĩ linh tinh nữa, có mỗi cái chạm vô tình mà anh suy nghĩ vẩn vơ gì không biết. Chẳng lẽ vì thâm niên ế hai mươi mốt năm trời nên bây giờ dù chỉ tiếp xúc thoáng qua với con gái cũng khiến anh nhộn nhạo vậy à? Đừng có mất mặt vậy chứ! Người ta là con gái mà còn dửng dưng, không bận tâm kia kìa! Thôi thôi, dăm ba cái nắm tay ấy mà, bơ nó đi mà sống!
Đến giờ ăn trưa, Mạnh Đăng ra ngoài mua một suất miến trộn ngan, lại trầm mình dưới cái nắng hè gay gắt thêm mấy trăm mét tới một quán khác rồi mới trở về hiệu sách. Anh đặt lên trước quầy thu ngân một cốc chè thập cẩm rực rỡ nhiều màu sắc, nói với Huệ Khanh: “Ăn đi cho đỡ nóng.”
Huệ Khanh trợn mắt ngạc nhiên. “Ơ, em không nhờ anh mua mà nhỉ…” Nói đoạn, cô bỗng khựng lại, rồi nhướng mày. “Anh định trả thay cho chiếc móc khóa tặng kèm à?”
Tuy là câu hỏi, nhưng ngữ khí của Huệ Khanh đã chắc chắn đến chín mươi phần trăm. Mạnh Đăng cũng phải thầm khâm phục Huệ Khanh vì khả năng “đọc vị” tài tình của cô. Anh không ngần ngại thừa nhận: “Đã biết thế rồi thì cứ ăn đi.”
“Anh mua cốc chè này hết bao nhiêu? Em…”
“Em khỏi trả.” Mạnh Đăng tiếp lời cô, dù rằng ý mà anh nói hoàn toàn khác với những gì cô muốn truyền tải. “Dù gì cũng đã mua rồi, mình tự mua rồi lại bắt người ta trả tiền vì món mà mình tự mua, anh không làm chuyện thất đức thế đâu.”
Nghe đến đây, Huệ Khanh chỉ đành cười khổ. Cô nhận lấy cốc chè, cảm nhận được cái lạnh buốt từ những viên đá trong cốc dù đang truyền tới tay cô song vẫn không thể làm mát được trái tim bốc hơi nóng hầm hập đang đập thình thịch trong lồng ngực.
“Mà cốc chè này anh mua ở quán nào đấy?”
“Quán búp phê mười lăm.”
Huệ Khanh nhướng mày, ngạc nhiên hỏi: “Gần đây có quán đó nữa ạ? Sao em chưa thấy bao giờ?”
“Không, tên nó là ‘Quán chè tự chọn đồng giá mười lăm nghìn’, dù sao cũng đều là đồ tự chọn, anh tự đổi tên thành quán búp phê nghe cho sang.”
Huệ Khanh bật cười, nghe anh dặn nếu hôm nào nóng quá, cô có thể mua chè ở quán đó về ăn cho mát rồi nhìn anh xách suất miến trộn ngan thơm nức mùi hành phi và xì dầu rảo bước vào chỗ mà nhân viên ăn trưa.
oOo
Từ sau hôm đó, Mạnh Đăng vẫn lặng lẽ kéo dãn khoảng cách giữa mình và Huệ Khanh ra, dù rằng cũng không thành công cho lắm vì lần này anh không vạch rõ giới hạn bằng việc thể hiện ra mặt rằng mình “không ưa” cô giống như thuở ban đầu. Mà Mạnh Đăng cũng thiết nghĩ, cho dù anh có muốn vạch rõ giới hạn thì cũng hơi khó, bởi suy cho cùng một người mau miệng như anh muốn duy trì hình tượng lạnh lùng, “cool ngầu” cũng chẳng dễ dàng, nhất là khi đối tượng là một cô gái dễ chịu như Huệ Khanh. Đến giờ phút này, dù không muốn tự vả mình cho lắm, nhưng Mạnh Đăng phải công nhận là Huệ Khanh rất dễ chung đụng, không hề khó gần hay có tính cách quái gở như anh từng lo sợ. Chẳng biết từ lúc nào, anh và cô đã dễ dàng trò chuyện với nhau. Tất nhiên, anh không chủ tâm chia sẻ nhiều và sâu về mình, hầu đa chỉ là tán gẫu với cô vài ba chuyện tầm phào, hai người bảo là thân nhau thì chưa phải, nhưng cũng không xa cách như hồi đầu nữa. Đôi lúc Mạnh Đăng thầm nghĩ, nếu không có giấc mơ lạ lùng kia, có lẽ ngay từ đầu anh và cô đã có thể trở thành những người bạn đồng nghiệp vui vẻ với nhau rồi.
Còn về cái chạm tay bất ngờ ấy, sau khi tự nhủ với bản thân rằng mình có những cảm nhận như vậy chỉ vì rất hiếm khi (nếu không muốn nói là chưa từng) tiếp xúc kiểu đó với cô gái nào, Mạnh Đăng cũng chẳng còn tốn thời gian nghĩ tới nó nữa.
Còn anh chàng đến hiệu sách tìm Huệ Khanh, Mạnh Đăng cũng không hỏi cô rốt cuộc đó là ai. Đó không phải chuyện của anh, tốt nhất đừng nên tọc mạch thì hơn.
Hôm nay, Mạnh Đăng đang trông khách thì thấy cửa hiệu sách bị đẩy ra. Người bước vào là một chàng trai khoảng tầm tuổi anh, mặt mũi sáng sủa, diện mạo ưa nhìn. Sau khi bước vào, cậu ta ngó vào bàn thu ngân đầu tiên, không thấy người ngồi đó thì mới quay sang phải, lịch sự hỏi Mạnh Đăng: “Bạn ơi, cho mình hỏi bạn Khanh làm thu ngân đâu rồi ạ?”
“Bạn ấy đi vệ sinh rồi bạn. Bạn tìm bạn ấy có việc gì à?”
“Ừ, mình tìm bạn ấy có chút việc riêng ấy mà.”
Mạnh Đăng gật đầu. “Thế bạn chờ một chút, bạn ấy sắp ra bây giờ.”
Càng nhìn kĩ càng thấy chàng trai đối diện hơi quen như đã nhác thấy ở đâu đó rồi, Mạnh Đăng bèn ướm hỏi: “Không biết… bạn là gì của bạn Khanh nhỉ?”
Cậu chàng kia nghe câu hỏi thì nhìn chằm chằm vào Mạnh Đăng, có vẻ suy nghĩ điều gì rất lung, sau đó mới cười đáp: “À, mình là người quan trọng với bạn Khanh ấy mà, bạn ấy mà sống thiếu mình thì không được.”
Nghe giọng điệu thì có vẻ cậu ta nghiêm túc, song khuôn mặt lại thấp thoáng nét… cợt nhả, chẳng biết đang nói thật hay nói dối nữa. Cách diễn đạt của cậu ta cũng sến sẩm, lạ đời, cái gì mà “người quan trọng”, rồi thì “sống thiếu mình thì không được”? Đang diễn phim tình cảm sướt mướt thời tám hoánh đấy à? Là người yêu thì cứ nói thẳng toẹt ra là được, còn bày đặt thêm ẩn ý!
Đúng lúc này, Huệ Khanh đã ra khỏi nhà vệ sinh và đang tiến lên quầy thu ngân. Lúc trông thấy cậu chàng kia, Huệ Khanh nhướng mày, thắc mắc: “Anh đến đây làm gì?”
Chàng trai kia cười toe toét, đáp: “Đến chơi với em chứ làm gì hả bé cưng?”
Bình luận
Chưa có bình luận