Sau một lúc thất thần để đắm chìm vào những tưởng tượng chẳng rõ liệu có thành sự thật hay không, Minh Đạt dè dặt hỏi Mạnh Đăng: “Rồi giờ mày tính sao?”
“Xem tình hình thế nào đã. Nếu vẫn tiếp tục mơ thì chắc phải đi gặp bác sĩ thôi. Còn về con bé kia, tao tính cứ cách xa nó ra thì hơn, không dây dưa thì cũng bớt lằng nhằng.”
“Ờ… Mà này, mày làm chung chỗ với nó liệu có ổn không? Hay là…”
Nghe đến đó, Mạnh Đăng đã hiểu thằng bạn nối khố hai mươi năm của mình muốn nói gì. “Điên à? Nó đâu làm gì tao mà mình lại nghĩ cách cho nó thôi việc.”
“Tao hỏi thế thôi, chứ tao cũng đâu muốn làm vậy, tao giới thiệu nó vào đây mà làm thế thì thất đức với nó quá.” Minh Đạt thở dài.
“Ừ. Nên là cứ kệ đi. Nếu nó làm việc không ra hồn thì sớm muộn ông Khôi bà Minh cũng cho nó nghỉ thôi.”
“Ờ.”
“Còn giấc mơ, có thể cũng không phải là tiên tri gì đâu. Tao cứ nghĩ ngợi về nó mãi có khi lại thành thần hồn nát thần tính, tự mình dọa mình. Với lại, sang tuần có lịch làm khác rồi, biết đâu nó làm chung ca với mày, thế là tao với nó cũng chẳng dính dáng nữa thì sao.”
“Trong tình hình này thì tao cũng mong là thế.” Nói đoạn, Minh Đạt thoáng trầm ngâm. “Nếu mày có vấn đề gì, mơ thấy gì nữa thì nhớ phải báo cho tao đấy.”
“Biết rồi.”
“Còn quyển sách này thì sao?”
“Chịu, cũng chẳng biết ai là chủ nhân để mà trả lại sách. Sáng nay trước lúc đi làm tao đã tranh thủ hỏi chị Minh rồi. Chị ấy bảo chưa thấy cuốn sách này bao giờ, cũng xác nhận với tao là một cuốn sách thế này thì không đủ điều kiện để phát hành trên thị trường, thậm chí trong ruột sách còn chẳng có trang xinhe[1], nếu có thì mình đã biết được tên người dàn trang, người biên tập, người vẽ bìa, nhà xuất bản cấp phép, đối tác liên kết… rồi. Từ việc sách không có trang xinhe có thể suy ra hai khả năng, một là người dàn trang là ‘tay mơ’ nên không biết ý nghĩa của trang xinhe, hai là vì vốn biết cuốn sách sẽ không được phát hành rộng rãi nên người ta cũng chẳng bận tâm đến trang xinhe hay những yếu tố bắt buộc phải có khác. Chị ấy còn phân tích thêm, sách không có trang xinhe nhưng ruột sách vẫn được dàn trang theo đúng mẫu chung của các cuốn sách trên thị trường: trang 1 là trang bìa lót để tên sách, trang 2 vốn là trang bản quyền để trắng, trang 3 là trang bìa giả, trang 4 để trắng, trang 5 bắt đầu nội dung, số trang ruột sách cũng chia hết cho 4 để tròn tay sách khi in, từ đó có thể thấy người dàn trang cũng có kiến thức chuyên môn chứ không phải ‘tay mơ’. Bên trong ruột thì chủ yếu là tranh minh họa, phần chữ không nhiều, có vẻ cũng do đây chỉ là một câu chuyện ngắn. Bên ngoài bìa cũng để giá kiểu cho vui, với mức giá bốn mươi tám nghìn được ghi ở bìa sau mà sách bìa cứng lại in màu tất cả các trang thế này, cuốn sách nếu có được phát hành thì chắc là để không có lãi. Nói chung, theo chị ấy phân tích thì khả năng cao đây chỉ là một cuốn sách được một ai đó dàn trang và in ra để trưng bày cho vui thôi.”
Minh Đạt gật gù ra chiều đồng ý. “Thế mày định làm gì với nó? Chờ chủ nhân cuốn sách đến hiệu sách hỏi à?”
Nghe ý kiến đó, Mạnh Đăng lắc đầu nguầy nguậy. “Thế thì có mà chờ đến Tết Tây có khi cũng chẳng được, chắc gì người ta đã nhớ ra mình để quên sách ở đâu.”
“Cũng đúng. Hay là tao cứ cầm về nghiên cứu xem có mơ giống mày không nhé?” Minh Đạt ướm hỏi.
“Dở hơi à? Lại còn muốn mơ thấy giấc mơ đó nữa hả?”
“Hì hì, nói đùa thôi mà, làm gì phải căng thế.”
“Mà thôi, mày muốn cầm thì cứ cầm luôn đi, chứ tao cũng chẳng muốn dính dáng đến nó nữa.”
“Thế cũng được.”
Mạnh Đăng còn chưa kịp nói gì thêm thì đã nghe thấy tiếng chị Nga vọng đến: “Hai cái thằng này đi đâu mà mất hút thế hả? Thằng Đạt ra trông nhanh lên, ngoài kia có mỗi bà Thanh kìa.” Chị Nga cùng Huệ Khanh vào lấy đồ đạc để tan làm, thấy hai anh chàng đứng thậm thụt bèn thuận miệng thúc giục.
Nghe thấy tiếng gọi oang oang vang lên bất chợt, Mạnh Đăng và Minh Đạt cũng giật nảy mình. Minh Đạt vội cất cuốn sách vào ba lô.
Huệ Khanh đến gần, thấy Minh Đạt vừa ló mặt sau khi đóng cánh cửa tủ lại thì đánh tiếng: “Anh đi làm mà lại chơi trò ẩn thân à?”
“Anh mày thích đấy thì sao?” Minh Đạt hất cằm hỏi lại.
“Sao trên trời đấy, lên đó mà hỏi chứ hỏi em làm gì?” Huệ Khanh cười đáp lời.
“Thôi anh mày không đấu võ mồm với mày nữa. Mày đi làm có gì thắc mắc thì cứ hỏi mọi người nhé, toàn người nhà với nhau cả, không phải câu nệ gì đâu.” Đoạn, Minh Đạt quay sang vỗ vai Mạnh Đăng. “Tối về nhắn tin nói chuyện tiếp nhé.”
Mạnh Đăng gật đầu. “Trong trường hợp mày về tắm rửa xong và không ngủ lăn quay như lợn luôn.”
“Cứ chờ đấy, tao sẽ thức cho mày xem, đừng có khinh tao.”
Mạnh Đăng cười lắc đầu nhìn Minh Đạt hậm hực ra ngoài, bỗng nghe thấy cô gái bên cạnh hỏi: “Anh và anh Đạt thân nhau nhỉ?”
Mạnh Đăng quay sang nhìn Huệ Khanh, gật đầu, “Ừm” một tiếng rồi tiếp tục lấy đồ của mình.
“Có người bạn thân thiết như thế thích nhỉ?”
Mạnh Đăng vẫn “Ừm”.
Thấy Mạnh Đăng không có ý định nói gì thêm, chị Nga cũng hơi bất ngờ. Bình thường Mạnh Đăng rất mau miệng, không mấy khi hời hợt, hờ hững với người đang trò chuyện cùng mình thế này. Chẳng hiểu thằng em bị làm sao, đang yên đang lành tự dưng tỏ ra “cool ngầu”, đã thế còn kiệm lời với một cô bé nhân viên mới, chị Nga chỉ đành “chữa cháy”: “Hai chúng nó chơi với nhau từ hồi cởi truồng ấy, sống chung ngõ mà, đi học cùng nhau từ bé đến hết cấp ba, giờ còn là thông gia nữa, thân cũng phải thôi.”
“Vâng.”
“Nói thì nói vậy thôi, chứ cũng hiếm có đôi bạn nào như thế mà. Như chị đây này, chị với con bạn cách nhà chị một nhà hồi bé cũng thân phết, mà lớn lên rồi cũng không thân mấy nữa, giờ gặp nhau chỉ chào hỏi dăm ba câu xã giao thôi. Kiểu lớn rồi lại khác ấy.”
Huệ Khanh gật đầu. “Vâng.”
“Em về trước đây.” Là tiếng Mạnh Đăng.
“Ừ, mai gặp nhé.” Chị Nga đáp lại.
Mạnh Đăng giơ tay lên vẫy với phía sau, rảo bước ra ngoài.
Huệ Khanh nhìn theo bóng dáng Mạnh Đăng đi về, ánh mắt có phần nghiền ngẫm.
oOo
Tối đó, Mạnh Đăng và Minh Đạt nhắn tin với nhau để phân tích về cuốn sách, song vẫn không có tiến triển gì mới. Thế là vẫn tiếp tục đi vào ngõ cụt trong việc tìm hiểu xem chủ nhân cuốn sách là ai.
Nhưng Mạnh Đăng không muốn nghĩ quá nhiều về nó nữa. Một là vì cuốn sách đã “khiến” anh mơ thấy giấc mơ kỳ lạ kia, hai là bởi nếu cuốn sách thật sự quan trọng thì chủ nhân cuốn sách sẽ tìm mọi cách lấy lại nó.
Cứ suy nghĩ miên man như thế, Mạnh Đăng tiến vào giấc ngủ sâu từ lúc nào chẳng hay.
Sáng hôm sau, từ sớm tinh mơ Mạnh Đăng đã nhận được tin nhắn hỏi thăm của Minh Đạt. Anh nhắn lại “Không mơ gì. Mày thì sao?” rồi tiếp tục trả lời “OK” sau khi thấy Minh Đạt nhắn “Tao cũng thế”. Sau đó, anh làm vệ sinh cá nhân rồi xuống tầng ăn chiếc bánh mỳ kẹp trứng bò khô mẹ đã mua và để sẵn. Xong xuôi, anh chào bố mẹ, anh trai chị dâu cũng đang chuẩn bị đến cơ quan và cậu cháu trai kháu khỉnh rồi phóng xe đi làm.
Tới hiệu sách, Mạnh Đăng thấy Huệ Khanh đã đứng ở ngoài. Hôm nay, cô không mặc lịch sự, đứng đắn như hôm qua nữa mà mặc đồng phục của hiệu sách. Hẳn là hôm qua Mạnh Khôi đã phát đồng phục cho cô. Đồng phục của hiệu sách là một chiếc áo phông màu trắng bên ngực trái có thêu hai chữ M và K được lồng vào nhau, phía dưới là dòng chữ “Hiệu sách Minh Khôi” in hoa nho nhỏ màu xanh lam, nếu không để ý kĩ thì mọi người sẽ nghĩ đây chỉ là một chiếc áo phông bình thường, mặc có cảm giác “thời trang”, bớt gò bó hơn những chiếc áo đồng phục có cổ ở những cửa hiệu khác. Có vẻ chiếc áo hơi dài và rộng so với Huệ Khanh nên cô sơ vin nó trong chiếc quần bò bó sát làm tôn lên đôi chân thon thả. Huệ Khanh để tóc đến chấm vai có cắt mái và còn đeo ba lô to sụ phía sau nên trong trang phục này, cô trông chỉ như một học sinh cấp ba. Nhưng kể ra thì anh có nhận định đó cũng dễ hiểu thôi, cô mới chỉ hai mươi tuổi, vẫn còn rất trẻ.
Đang suy nghĩ vẩn vơ, Mạnh Đăng đã nghe thấy cô chào: “Em chào anh ạ.”
Mạnh Đăng gật đầu. “Cứ nói chuyện bình thường thôi, không phải khách sáo thế đâu.”
Huệ Khanh nhìn khuôn mặt dù nói vậy nhưng vẫn hơi nhăn nhó của Mạnh Đăng, cười gượng. “Vâng.”
Chờ Mạnh Đăng mở cửa xong, hai người đi vào cất đồ đạc trong bầu không khí im lặng. Huệ Khanh toan lên tiếng cho bớt gượng gạo thì lại nhớ tới chuyện ngày hôm qua, cuối cùng đành từ bỏ ý định.
Mạnh Đăng cũng không nói gì, cất đồ xong bèn dặn Huệ Khanh lấy chổi để quét dọn, còn anh thì vào nhà vệ sinh lấy nước và chổi lau nhà.
Hai người lầm lũi làm việc, cho đến khi chị Nga bước thoăn thoắt vào, theo sau là tiếng “Xin cảm ơn” phát ra từ chiếc máy chấm công treo ngay gần cửa. “Xin lỗi hai đứa nhé, sáng nay con bé con nhà chị hơi quấy, dỗ mãi mới xong.”
Mạnh Đăng chống cây chổi chít, dừng động tác quét dọn, cười tiếp lời: “Cún nhà chị khó trông hơn thằng Cua nhà ông Khôi. Lần chị nhờ em trông nó một lúc mà em toát mồ hôi hột luôn ấy. Thằng Cua nhà ông Khôi chỉ cần dỗ bằng máy bay là xong, xử lý nhanh gọn lẹ luôn.”
“Ừ, con gái mà như nặc nô ấy.”
“Bé nhà chị mấy tuổi rồi ạ?” Huệ Khanh cười hỏi.
“Hai tuổi, hơn thằng Cua nhà Khôi Minh một tuổi. Bé tí mà đã nghịch như quỷ, không biết sau này thế nào đây.”
“Cũng chưa chắc đâu chị. Bố mẹ em bảo hồi bé em cũng nghịch lắm, mà tự dưng lớn lên thay tính đổi nết ấy.”
“Ừ cũng có thể, chị chỉ mong thế thôi. Ôi chết dở, để chị vào cất đồ rồi dọn dẹp cùng hai đứa.”
Ba người dọn dẹp xong thì bắt đầu ca làm. Hôm nay vẫn giống hôm qua, chị Nga làm thu ngân, còn Mạnh Đăng và Huệ Khanh sắp xếp đồ trong hiệu sách và trông khách. Suốt buổi sáng, Mạnh Đăng và Huệ Khanh chia nhau mỗi người trông một khu vực, cũng chẳng nói với nhau được mấy câu.
Đến trưa, Mạnh Đăng đi mua cơm, ba người chia nhau ra ăn để không lỡ việc trông khách. Giữa trưa nắng chang chang, hiệu sách vắng tanh, ba người cũng có thời gian nghỉ ngơi. Thấy Huệ Khanh ra ngoài nhận hàng đặt trên mạng rồi ôm chiếc hộp các tông khá cồng kềnh vào, chị Nga tò mò hỏi: “Gì đấy Khanh?”
“Đây là bộ keo epoxy. Đồ làm thủ công của em á chị.” Nói đoạn, cô cầm con dao rọc giấy để trên chiếc bàn bọc quà bên cạnh bàn thu ngân lên, rạch vào kẽ hộp đã được dán lại bằng băng dính trong.
“Bộ đó làm gì thế?”
“Nó là một bộ gồm có keo, khuôn, cốc đong, nguyên liệu… để làm dây chuyền, bông tai, móc khóa… dạng trong suốt. Như thế này này chị.” Huệ Khanh bóc hàng xong bèn mở hộp đồ ra cho chị Nga chiêm ngưỡng.
“Ôi giờ còn có thứ như thế này nữa hả?” Chị Nga háo hức nhìn vào mấy món đồ mới mẻ mà người phụ nữ ngoài ba mươi như chị được thấy lần đầu tiên trong đời.
Huệ Khanh gật đầu. “Vâng, keo epoxy này là một loại keo trong suốt có khả năng bám dính, chống thấm cao, mềm, dai, chịu lực và chịu nhiệt tốt nên được dùng để đúc mẫu hay tạo lớp phủ bảo vệ bề mặt. Bởi thế trong lĩnh vực làm đồ handmade, nó thường được dùng để dán những nguyên liệu trong như mica, kính hoặc làm lớp phủ trong suốt. Em thường dùng nó để làm móc khóa, còn bộ keo này em mua về thử nghiên cứu làm mấy món đồ trang sức xem sao.”
“Ơ nghe hay nhỉ?”
“Nếu chị thích thì em làm tặng chị một món nhé?”
“Có được không?”
“Được mà chị. Em cũng chỉ mới nghiên cứu ở mảng này, nếu đồ không đẹp chị đừng chê nhé.”
“Ui có đồ là chị vui rồi, chê sao được.”
Hai chị em họ tíu tít nói chuyện, khiến Mạnh Đăng không thể không chú ý. Anh nhìn qua bộ đồ nghề keo e-gì-đó mà Huệ Khanh nói, càng thấy nó thuộc phạm trù mà mình không thể hiểu được. Có lẽ đó là sự khác biệt giữa con trai và con gái. Con gái có thể nói luôn miệng về những thứ đồ thủ công, đồ làm đẹp, nói về anh diễn viên đẹp trai này, cô ca sĩ xinh gái nọ… mà con trai nghe xong chỉ thấy ù ù cạc cạc. Còn con trai có thể thao thao bất tuyệt về trò chơi điện tử, về công nghệ, về cầu thủ bóng đá này, cầu thủ bóng rổ nọ… mà con gái nghe xong cũng chỉ thấy lơ tơ mơ. Phạm trù mà cả con trai và con gái có thể nói chuyện được chắc chỉ có đồ ăn. À, đồ ăn cũng chưa chắc… Chẳng hạn như anh đây, nếu bảo anh phân biệt trà sữa trân châu đường đen 50% đường với 70% đường thì anh chịu chết, bởi với anh chúng đều ngọt lợ như nhau…
Vừa nghĩ ngợi linh tinh, Mạnh Đăng vừa đi đến kệ sách phía đối diện. Trên đó có một chiếc bút nước bị lạc bầy với chúng bạn hiện đang nằm bên này, anh phải giúp bọn chúng đoàn tụ với nhau. Nghĩ đến đây, Mạnh Đăng lại thấy mình như bị ám ảnh quá mức về sự ngăn nắp, hễ thấy thứ gì ở sai vị trí thì phải đặt nó về đúng chỗ cho bằng được. Có lẽ đây chính là hậu quả để lại khi làm việc ở hiệu sách trong một khoảng thời gian khá dài.
Lúc đi đến gần chỗ hai chị em kia đang đứng, chẳng hiểu thế nào mà Mạnh Đăng bỗng vấp chân, suýt thì ngã sấp mặt. May thay, anh đã lanh lẹ giơ tay ra túm lấy cánh tay của một trong hai chị em kia để kịp thời đứng vững. Sau giây phút chấp chới bên bờ vực của sự “quê một cục”, Mạnh Đăng còn chưa kịp vỗ ngực thở phào thì một tiếng “bộp” inh tai kéo theo đó là những tiếng loảng xoảng liên tiếp vang lên. Mạnh Đăng quay phắt sang nhìn, thấy người mà mình vừa túm phải là Huệ Khanh. Cô bị túm bất ngờ thì giật nảy mình rồi vô thức buông tay, bộ e-gì-đó kia cũng rơi cái bộp. Nào chai, nào lọ chất lỏng trong đó cũng rơi xuống vung vãi la liệt.
Khi loạt tiếng động kết thúc, Mạnh Đăng vội nhìn xuống nền nhà. Mấy thứ như cốc đong, khuôn… dường như được làm bằng nhựa dẻo nên rơi xuống cũng không sao. Còn thứ có vẻ quan trọng nhất trong bộ đồ nghề này là keo thì đã chảy lênh láng dưới nền đá hoa. Dòng chất lỏng đặc quánh của loại keo vốn trong suốt giờ đang nhuộm thứ phẩm màu đỏ chót, chúng vừa lan vừa quyện vào nhau, tạo ra một vũng chất lỏng sền sệt mà nếu quệt một chút bôi lên tay thì hẳn là sẽ chẳng khác nào vệt máu.
--------------------------------------
[1] Trang xinhe: trang ghi những thông tin cần thiết và bắt buộc của một cuốn sách được phép xuất bản, thường là trang cuối cùng của cuốn sách.
Bình luận
Chưa có bình luận