Mạnh Đăng đỗ chiếc Air Blade đen của mình ở vị trí để xe trước cửa hiệu sách Minh Khôi, xuống xe, tắt máy, tháo và cất mũ bảo hiểm, bước lên mấy bậc thềm và đẩy cánh cửa kính bóng loáng rồi bước vào. Cái nóng hầm hập của một buổi trưa tháng Năm vừa bao trùm lấy anh chẳng mấy chốc đã ỉu xìu, xụi lơ và cuối cùng đầu hàng trước bầu không khí mát rượi của gió điều hòa trong hiệu sách. Khung cảnh bên trong hiệu sách rộng khoảng một trăm năm mươi mét vuông cũng hiện ra rõ mồn một ngay trước mắt anh. Bốn dãy kệ sách cao xấp xỉ hai mét xếp thẳng hàng dọc theo chiều dài cửa hiệu bày hàng trăm cuốn sách theo các chủ đề ghi sẵn trên bảng: sách kỹ năng, sách kinh tế, sách khoa học công nghệ, sách chính trị - pháp luật, từ điển… Sát hai bên tường là hai kệ sách gần chạm trần nhà cao khoảng bốn mét xếp các cuốn sách văn học, sách truyện thiếu nhi, sách giáo khoa. Bên trái ngay gần cửa ra vào là bàn thu ngân với một máy tính để bàn và một máy in hóa đơn. Hơi chếch sang phải cửa là một chiếc kệ nho nhỏ bày những món đồ văn phòng phẩm như bút chì, bút bi, bút máy, tẩy, kẹp sách, keo dán… Hiệu sách chỉ có một tầng nên vừa bước vào và nhìn lướt qua đã có thể biết sơ sơ nó bán những gì.
Vì gần như ngày nào cũng tới đây nên Mạnh Đăng chẳng hề lạ lẫm với cách bài trí trong hiệu sách. Thậm chí, ở đây lâu dần, anh còn biết được vị trí của từng đầu sách hay từng món đồ văn phòng phẩm.
Mạnh Đăng là nhân viên làm thêm ở hiệu sách kể từ ngày hiệu sách chính thức mở cửa, đến nay đã được hai năm. Tại sao một anh chàng khi đó mới chỉ mười chín tuổi như anh lại đồng hành cùng hiệu sách thế này kể từ khi nó mới khai trương? Lý do rất đơn giản, vì đây là hiệu sách của anh trai và chị dâu anh.
Đang giữa trưa, hiệu sách gần như vắng tanh, thậm chí ngay cả nhân viên ở bàn thu ngân cũng chẳng thấy bóng dáng đâu.
Nhìn lướt qua mọi thứ bên trong một lát, Mạnh Đăng bèn trông thấy một chàng trai cao khoảng một mét bảy lăm với mái tóc đen cắt ngắn, mặc chiếc áo phông trắng đồng phục và quần bò đi lên từ phía cuối hiệu sách. Hẳn là anh chàng vừa đi vệ sinh về.
“Đến rồi à?” Trông thấy Mạnh Đăng, chàng trai kia hồ hởi đánh tiếng, rảo bước đi tới.
“Mày bảo đến sớm thay ca để mày về đi thi còn gì?” Mạnh Đăng cáu kỉnh nhìn bạn.
“Mày có hiểu cái gì gọi là câu hỏi tu từ không? Tao hỏi không phải để mày trả lời, mà để bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên của tao khi thấy mày đến.” Minh Đạt cười khì đáp lại.
“Thôi bớt văn vẻ đi cha nội. Về đi thi đi chứ còn gì.”
“Không phải đuổi, ‘cha nội’ đây sẽ tự lượn nghe con.”
Mạnh Đăng đá cho ông bạn một cú, nhưng lại bị ông bạn lanh lẹ tránh được.
Nhìn ông bạn mình cười đắc ý như thể mới chơi thắng một trận game, Mạnh Đăng lắc đầu, đến tủ cất ba lô rồi ra ngoài, ngồi vào bàn thu ngân.
Khi anh vào vị trí, Minh Đạt cũng đã lấy đồ xong và chuẩn bị ra về.
“Thi cho tốt đấy, đừng làm tao mất mặt.” Mạnh Đăng nhắn nhủ.
“May cho mày là tao đang vội, không thì cứ liệu cái thần hồn.”
“Ông đây lại sợ mày quá cơ.”
“Thôi không lằng nhằng với mày nữa, đi đây.”
“Ờ.”
Nhìn bóng dáng ông bạn biến mất, Mạnh Đăng mỉm cười.
Mạnh Đăng và Minh Đạt là bạn thân từ tấm bé, hai người “dính lấy nhau” suốt từ hồi mẫu giáo đến tận hết cấp ba. Lên đại học, hai bọn anh mới tách nhau ra, Mạnh Đăng học Kỹ thuật Điện, còn Minh Đạt học Thiết kế đồ họa, tất nhiên vì hai chuyên ngành này hơi lạc quẻ với nhau nên mỗi người học riêng một trường, không còn dính nhau như sam nữa.
Lý giải cho sự thân thiết giữa mình và Minh Đạt, Mạnh Đăng thấy nó là sự kết hợp của ba yếu tố kinh điển: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. “Thiên thời” là bởi từ hồi bé tí hai người đã quen biết nhau. “Địa lợi” ở chỗ nhà hai người nằm trong cùng một con ngõ. Còn “nhân hòa” thì là do hai người cực kỳ hợp tính, nhất là trong khoản “nói xấu” anh trai, chị gái mình. Ờ thì, anh trai Mạnh Đăng là Mạnh Khôi, còn chị gái Minh Đạt là Nguyệt Minh, ông anh bà chị này cũng là bạn thân từ nhỏ, sau này yêu nhau và đã kết hôn, tức Nguyệt Minh là chị dâu của Mạnh Đăng, còn Mạnh Khôi là anh rể của Minh Đạt. Ừm, hai người đó cũng chính là chủ của hiệu sách này.
Giống như Mạnh Đăng, Minh Đạt cũng làm nhân viên ở hiệu sách kể từ khi nó khai trương. Đơn giản là vì hiệu sách “của nhà trồng được”, đương nhiên phải tận dụng mọi nhân lực trong nhà đến làm việc cho nó rồi.
Nói thì nói vậy, nhưng cả Mạnh Đăng và Minh Đạt đều vui vẻ làm công việc nhân viên hiệu sách này. Nó không quá vất vả, lại gần nhà, không phải lo chuyện bị lừa đảo, bị bóc lột sức lao động mà lại kiếm được một khoản tiền đủ dùng cho hai cậu sinh viên chưa quá chững chạc song cũng chẳng còn non nớt như bọn anh.
Hôm nay, Minh Đạt làm ca 1, Mạnh Đăng làm ca 2. Hiệu sách mở cửa từ bảy rưỡi sáng đến chín rưỡi tối nên ca 1 từ bảy rưỡi sáng đến hai rưỡi chiều, ca 2 từ hai rưỡi chiều đến chín rưỡi tối. Nhưng do hôm nay Minh Đạt phải đi thi nên nhờ Mạnh Đăng đến sớm thay ca. Thông thường, mỗi ca có hai nhân viên trông, song chị Nga làm ca sáng nay bị ốm nên xin nghỉ. Thế là bây giờ, hiệu sách chỉ do một mình Mạnh Đăng lo liệu.
Thực ra, trong hiệu sách còn có một nhân viên “đặc biệt” nữa là chị Lan. Sở dĩ chị ấy “đặc biệt”, là vì chị ấy chỉ kiêm chức vụ kế toán, chuyên lo liệu khâu nhập hàng, kiểm soát hàng và tất nhiên là tính toán lương cho nhân viên. Chị chỉ xuất hiện khi hiệu sách cần nhập hàng mới về, thi thoảng tới giúp đỡ khi có nhân viên đến lịch nghỉ hoặc vào những hôm lễ tết khách khứa tới quá đông. Bởi thế, Mạnh Đăng tự thấy chị ấy chính là người đặc biệt nhất ở đây. Sáng nay, chị Lan cũng đến giúp đỡ Minh Đạt, nhưng vì có việc bận nên chị đã ra về từ lúc mười một rưỡi. Có nghĩa là, từ giờ cho đến hai rưỡi chiều là thời điểm bắt đầu ca 2, Mạnh Đăng sẽ trông hiệu sách một mình.
Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, Mạnh Đăng bỗng nhác thấy trên chiếc bàn gần đó có một cuốn sách. Chắc là sách khách định mua nhưng cuối cùng đổi ý nên bỏ lại đây mà. Nghĩ vậy, Mạnh Đăng đứng dậy, đến chỗ cuốn sách, cầm nó lên. Cuốn sách có bìa vẽ một rừng cây u tối bị phủ lớp sương mờ mờ, trên đó dòng chữ tên sách “Bàn tay máu” màu đỏ rừng rực được vẽ giống như những giọt máu đang chảy xuống trở nên nổi bần bật.
Nhìn cuốn sách này, Mạnh Đăng khẽ nhíu mày. Anh chưa thấy cuốn Bàn tay máu này trong hiệu sách bao giờ. Là nhân viên của hiệu sách, nếu gặp tình trạng cuốn sách nào bị để nhầm chỗ, bọn anh còn phải đi sắp xếp lại. Bởi thế, Mạnh Đăng có thể khẳng định mình thậm chí còn biết rõ vị trí của từng đầu sách. Anh thật sự chưa thấy sự hiện diện của cuốn sách này ở đây một lần nào.
Để xác nhận cho chắc chắn, Mạnh Đăng ngồi lại vào bàn thu ngân rồi gõ tên sách để kiểm tra trên hệ thống. Không tìm thấy đầu sách này. Quả nhiên là vậy.
Có lẽ là sách do khách để quên rồi.
Nhưng khoan đã, hiệu sách có quy định khách vào mua phải để đồ trong chiếc tủ sắt đặt bên ngoài cửa, sao lại có khách nào mang sách của mình vào trong và còn để quên cho được? Hay là trong lúc thanh toán, khách mang túi của mình vào và bỏ quên sách?
Anh đoán vậy cũng có cơ sở thôi. Trong hiệu sách thỉnh thoảng xảy ra tình trạng là khi thanh toán, khách hàng không có đủ tiền mặt trong người nên ra ngoài tủ lấy thẻ ngân hàng hoặc ví. Thường thì những lúc như thế, vì ngại khóa tủ rồi sau đó lại phải mở khóa ra lấy đồ một lần nữa, khách hàng sẽ cầm luôn túi đồ vào trong thanh toán nốt, nên việc người ta bỏ quên đồ cũng là chuyện không có gì quá bất ngờ.
Nghĩ vậy, Mạnh Đăng bèn thấy hơi đau đầu về việc làm cách nào để trả lại sách cho chủ nhân của nó. Liệu có cần dán thông báo ở ngoài cửa không, hay là chờ khách tự nhận ra đã để quên đồ rồi đến tìm lại sách? Chỉ sợ chủ nhân cuốn sách còn không nhớ mình đã bỏ quên đồ ở đâu thôi…
Đầu óc anh đang mải mê nghĩ ngợi, còn bàn tay anh cũng táy máy cầm sách lên xem. Sau đó, Mạnh Đăng bỗng phát hiện ra điều bất thường.
Vì làm trong hiệu sách đã lâu, cộng thêm việc có một bà chị dâu làm biên tập viên ở một công ty sách tư nhân, Mạnh Đăng cũng biết một vài quy định trong ngành xuất bản. Ngoài bìa sách bắt buộc phải có tên sách, tên tác giả, tên dịch giả (đối với tác phẩm dịch), logo của nhà xuất bản, mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách (International Standard Book Number - ISBN) và giá bìa. Ngoài bìa cuốn Bàn tay máu này chỉ có tên sách, tên tác giả là Hạ Nhu Khê, không thấy tên dịch giả nên chắc không phải là sách dịch (mặc dù tên tác giả khá giống tên của người Trung Quốc), nhưng tuyệt nhiên không có logo của nhà xuất bản. Để chắc chắn hơn, Mạnh Đăng tra tên sách trên hệ thống của Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng không ra kết quả nào, tìm kiếm trên mạng theo tên sách và tên tác giả cũng không thu hoạch được gì. Một cuốn sách của một tác giả vô danh chưa được đăng ký xuất bản, lại không có logo nhà xuất bản thì sao có thể phát hành? Chẳng lẽ đây là… sách lậu?
Ôm thắc mắc đó, Mạnh Đăng giở sách ra xem.
Một bức hình kẹp giữa sách rơi xuống, vì trọng lượng vốn không nặng nên vẽ một đường uốn lượn giữa không trung trước khi chính thức tiếp xúc với mặt đất.
Mạnh Đăng cúi người xuống nhặt lên, lật tấm hình lại, bèn thấy trên đó là cảnh một rừng cây chìm trong sương mờ giống như ngoài bìa sách.
Nhưng khác ở chỗ, trên tấm hình này không có tên sách, thay vào đó là một dòng chữ cũng nhuốm màu đỏ rực khiến người ta nhìn mà thấy chói mắt: Có người đang lặng lẽ dõi theo bạn, hãy cẩn thận!
Bình luận
Chưa có bình luận