Chương 4


Thông thường khi hẹn nhau với đám bạn, chúng nó sẽ tới muộn 10 hoặc 15 phút so với giờ hẹn, nhưng có vẻ anh không muốn làm mất lòng bạn mới lắm, nên đến gần 4 giờ anh đã có mặt ở cổng trường.

Tôi cũng nhanh nhẹn lấy xe đạp đến chỗ hẹn, chưa đến 5 phút tôi đã thấy anh đứng chờ ở trước cổng trường cùng chiếc xe mà anh hay đi. Anh mặc chiếc áo thun, đi giày bata trắng phối với quần short đen trông rực rỡ vô cùng.

Thấy tôi vừa dừng xe, anh đã ngạc nhiên hỏi: "Nhà cậu ở đây à?".

"Ừ". Tôi đáp. "Nhưng đây là nhà bà thôi, tối mình lại về".

Anh ngó sang phía tòa chung cư kia rồi nói: "Nhà mình ở trong cái chung cư kia kìa".

Gần vậy sao? Nhưng có lẽ lúc đi học về tôi không nhìn thấy anh đạp xe phía trước hay bắt gặp anh gần trường Hùng Vương là do anh đi đường khác, vì tôi thường thấy anh đạp xe chung với một đứa nữa, mà nếu đạp xe chung lại đi cùng đường với tôi thì kiểu gì tôi cũng bắt kịp vì đi chung với nhau bao giờ cũng đạp chậm hơn đi một mình.

Tôi ngạc nhiên hỏi: "Thế à? Lúc về cậu đi đường trường cấp một đúng không? Mình thấy đoạn đó tan học đông lắm nên toàn đi đường quảng trường thôi".

"Ừ". Anh giải thích: "Đáng ra mình cũng định đi đường đấy, nhưng trưa về phải nấu cơm nữa nên đi đường đấy vào chợ luôn".

Ra vậy, bảo sao anh luôn đi đường kia.

Tôi bảo: "Đi thôi".

"Ừ".

Chúng tôi đạp xe song song nhau với nhau vừa đi vừa nói chuyện. Bốn giờ chiều trời đã không còn nắng như trước, thời tiết trong xanh vô cùng mát mẻ.

"Mấy giờ cậu phải về thế?". Tôi hỏi.

"Tầm 6 giờ thì mình phải về, mua sách xong nếu mà thích thì đi một vòng BigC xem có gì hay không, mà trưa cậu hay về nhà bà à?".

"Ừ, hồi trước bố mình bận nên hay nhờ bà trông, đến tối lại đón về. Nhiều hôm bố mình đi làm mấy ngày liền không về nên mình ngủ lại trong bà. Nói chung là hồi bé đa phần mình ở trong bà nhiều tại bố không có nhà. Mấy nay bố mình lên chức làm ở văn phòng, ít phải đi xa hơn nên về nhà cũng nhiều hơn. Nhưng mà bố bảo có mỗi ông bà ở nhà nên trưa vào bà ăn cơm cho ông bà đỡ buồn".

Anh nhận ra tôi không nhắc gì đến mẹ, nên có lẽ anh hỏi cũng dè chừng hơn: "Cậu không sống với mẹ à?"

Tôi chỉ cười nói: "Không, mình làm gì có mẹ. Mình là con nuôi".

Có một thoáng sửng sốt hiện trên khuôn mặt anh, nhưng rất nhanh sau đó anh đã lấy lại vẻ điềm đạm như trước, sau đó tôi lại nghe thấy anh nói một cách nhẹ nhàng: "Trùng hợp nhỉ? Mình cũng là con nuôi".

Tôi ngừng cười, thay vào đó là sự kinh ngạc chiếm trọn lấy cảm xúc bên trong. Tôi cố hỏi lại một cách bình tĩnh: "Thật à?".

Anh lại cười nhẹ rồi nói: "Bố mình bảo ngày xưa mình bị bỏ ở chỗ gần trại trẻ mồ côi mùng 5 Tết, đi bệnh viện kiểm tra thì lúc đó người ta tính mình mới được 2 hay 3 tháng tuổi. Lúc đấy nửa đêm bố mình nghe thấy tiếng trẻ con khóc nên ra xem thử thì thấy mình bị bỏ lại ở đấy. Báo lên công an được 1 tháng vẫn không tìm được người thân nên bố mình nhận nuôi luôn vì không muốn để mình ở trại trẻ mồ côi".

Sau đó anh lại nói thêm: "Bố mình cũng không kết hôn".

Trước đây tôi chưa từng gặp phải sự trùng hợp một cách kỳ lạ như thế này lắm, cũng chẳng tin trong thành phố này còn ai khác có hoàn cảnh giống mình. Hóa ra bây giờ còn có một người khác giống y như thế.

"Lạ nhỉ, trước giờ mình còn tưởng có mỗi mình mình có bố đơn thân. Giờ còn có người khác cũng y hệt mình". Tôi cảm thán.

Anh chỉ cười bảo: "Cái gì cũng có thể xảy ra mà. Chỉ khác ở chỗ bố mình thỉnh thoảng mới phải đi xa, nên mình ở nhà với bố nhiều hơn".

"Bố mình làm công an mà". Tôi chậc lưỡi. "Có mấy đợt Tết bố mình còn chẳng có thời gian mà về, đến lúc hết Tết mới được nghỉ bù mấy hôm".

"Ừm". Anh đáp. "Làm công an thì đi nhiều, thời gian ở nhà với gia đình cũng chẳng được bao nhiêu, có người còn đi cả tháng mới về".

Quả thật là như vậy, tôi nhớ hồi lớp 3 có lần bố bị điều đi ra biên giới ở Tây Nguyên tận ba tháng mới về đến nhà, nghe nói là còn liên quan đến cả ma túy. Hồi trước khi đi bố có thơm má tôi rồi dặn tôi ở nhà nghe lời bà.

Mặc dù hồi đó còn quá nhỏ để hiểu chuyện, nhưng khi nghe giọng nói của bố hôm đấy, tôi cảm thấy lo âu.

"Đi nhiều vậy thôi chứ nếu có thời gian thì bố mình vẫn muốn dành thời gian bên mình mà". Tôi cười. "Nên hai bố con cũng sống khá thoải mái. Bố bảo chỉ có hai bố con sống nương tựa nhau nên muốn chiều con cái một chút".

"Ừ, bố mình cũng nói y chang như thế". Anh mỉm cười. "Chắc là bố đơn thân nào cũng muốn chiều con cái như vậy".

Tôi cũng mỉm cười. Chiếc xe đạp anh đi, cặp kính không gọng, trang phục gọn gàng tươi sáng. Chỉ cần nhìn mấy thứ đồ anh đang dùng là biết bố anh đầu tư cho anh rất hào phóng.

Muốn đến được siêu thị thì phải đi qua một cây cầu, cây cầu đó khá là dốc, nếu đạp xe lên trên đỉnh sẽ rất là mệt.

Bỗng dưng anh hỏi tôi: "Cậu đạp được lên trên kia không? Nếu không thì mình dắt bộ".

"Dắt bộ đi". Tôi lập tức trả lời. "Đạp xe lên mỏi lắm".

Hai đứa chúng tôi xuống xe rồi dắt xe lên cầu. Thời tiết lúc 4 giờ thật mát mẻ, ít nắng. Có thêm cả gió  thổi khiến tâm trạng tôi vô cùng dễ chịu.

Ở đằng bên kia cây cầu có một công trình xây dựng ở gần đó, ở đó có rất nhiều máy xúc đang đào một khoảng đất rộng xung quanh. Tôi hiếu kỳ hỏi: "Ở kia người ta đang xây gì thế?".

Anh nhìn sang phía tôi nhìn rồi đáp: "Khu đô thị mới đấy, sau này khu đấy sẽ là trung tâm thành phố mới. Sau này người ta sẽ chuyển trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố sang đây".

Tôi nói đùa: "Thế là sau này chỗ mình ở sẽ thành phố cổ à?"

Anh bật cười rồi đáp: "Nếu thích thì có thể cứ coi như là vậy, chỉ là sau này sẽ sát nhập thêm nhiều vùng nữa để mở rộng thành phố thôi".

Cái thành phố bé tí như vậy sắp được mở rộng diện tích sao? Có lẽ thành phố sắp tới sẽ có nhiều sự thay đổi.

"Nhưng làm sao mà tự nhiên mở rộng thêm diện tích thế? Ở cái chỗ này làm gì có gì để phát triển ngoài vải thiều đâu!".

"Sắp tới tỉnh mình sẽ gọi vốn đầu tư nước ngoài về, mấy khu công nghiệp sẽ được mở ở mấy huyện phía tây. Đại khái thì sắp tới kinh tế sẽ phát triển mạnh, làm dân số đông hơn nên tỉnh phải mở rộng diện tích thành phố để giãn dân ra, tránh sau này thành phố quá đông người".

Thì ra là vậy, bảo sao mấy hôm nay thỉnh thoảng tôi có nghe nói đến việc mở rộng thêm mấy khu đô thị trong nội thành, rồi giá nhà đất cũng sắp sửa tăng cao.

"Đi cẩn thận một chút, chỗ này nhiều xe cộ". Anh nhắc tôi lúc chúng tôi lên đến đỉnh cầu. Cả hai đứa chúng tôi đạp xe đi thẳng xuống dốc.

Đoạn đường này bao giờ cũng nhiều xe cộ đi lại vì nó nối liền với đường cao tốc, chúng tôi vừa đạp vừa phải để ý đến xe cộ đằng sau. Mỗi lần đi đến siêu thị tôi đều ngại nhất là đi đường cầu, nếu không cẩn thận sẽ bị xe đằng sau đâm lúc sang đường.

Lúc sang được bên đường hướng vào siêu thị, tôi bảo với anh: "Mình không thích đi cái đường này lắm, lúc sang đường toàn phải để ý mấy xe đằng sau".

Anh ngoảnh về phía bên phải đẳng sau rồi đáp: "Sau này thì không cần phải đi đường này đâu, cái khu đang xây bên cạnh siêu thị sẽ có đường dẫn về".

Chúng tôi đạp xe vào siêu thị, lấy vé xe rồi tìm chỗ trống để xe. Siêu thị giờ này vẫn chưa đông lắm, có rất nhiều gian để xe, tha hồ mà chọn.

Chống chân để xe xong, tôi quay sang nói với anh: "Giờ vắng khách ở BigC còn đông người hơn cả giờ cao điểm ở CoopMart".

Anh đáp lời: "BigC có mấy thương hiệu, quán ăn mở quầy ở đây khá nhiều nên người ta đến BigC cũng đông. CoopMart ngoài rạp chiếu phim ra thì cũng không có gì lắm".

"Ở CoopMart có cái tầng 3 chả bao giờ thấy mở. Hồi trước mới khai trương rạp phim ở đấy còn tưởng nó mở ở tầng 3, ai ngờ nó mở ở tầng 4, còn lắp hẳn cái thang máy riêng để lên thẳng rạp phim luôn".

"Chỗ tầng 3 chắc là để cho thuê mặt bằng, nhưng mà cũng chưa có ai thuê nên tạm để trống ở đấy".

Chúng tôi đi dọc theo khu nhà để xe để đi vào siêu thị, nguyên một hàng dài dãy để xe chỗ nào cũng đầy ắp xe máy.

Tôi nhớ lần đầu BigC mới mở, hai bà cháu dẫn nhau đi xem xem siêu thị có gì không. Kết quả là chật kín người nên chẳng xem được cái gì. Nhưng BigC từ trước đến nay vẫn vậy, cứ cuối tuần là lại đông đúc, khác hẳn với CoopMart chỉ náo nhiệt ngày khai trương, rồi sau đó siêu thị vẫn luôn ít người.

Cửa siêu thị vừa mở, tôi đã cảm nhận được gió điều hòa mát rượi, cùng bầu không khí náo nhiệt quen thuộc của siêu thị như mọi hôm.

Fahasha ở tầng một, cách lối vào không xa lắm. Fahasha có tông màu xanh và trắng chủ đạo khiến tôi luôn bị choáng ngợp mỗi khi bước vào hiệu sách.

Bước chân vào hiệu sách thì chắc chắn phải đến quầy sách trinh thám đầu tiên rồi, thói quen của tôi bao giờ cũng vậy, cho dù là chẳng mua gì đi nữa. 

"Đây rồi, vẫn còn sách". Tôi nhìn vào cuốn "Tội ác dưới ánh mặt trời" rồi sau đó cầm lên luôn mà không cần suy nghĩ.

"Thiết kế bìa đẹp thế!". Anh nhìn theo rồi khen.

Quyển sách có tông màu vàng cam. Có hình chiếc nón rộng vành vàng nhạt nằm trên bãi cát thu hút sự chú ý của người nhìn nhất, bên cạnh chiếc mũ là cái kính râm hồng nhỏ. Ở phía góc mũ bên phải có bóng hình phản chiếu của một cô gái đang che nắng. Dù chỉ có vài vật dụng và cái bóng của cô gái, nhưng người đọc có thể mường tượng phần nào cô gái này là một người xinh đẹp.

Và bị giết, nội dung câu chuyện đã thể hiện rõ đây là vật dụng của nạn nhân rồi. Một cô gái xinh đẹp bị bóp cổ chết ở bên bãi biển. Hình ảnh mặt trời nhỏ giọt như thể đang tan chảy càng gợi lên sự u ám của câu chuyện. 

"Công nhận, mà sách nào thì nhà xuất bản cũng phải thiết kế bìa đẹp. Để kể cả người đọc có không biết tác giả là ai thì cũng sẽ cầm sách lên xem vì bìa đẹp thôi". Tôi giải thích.

Anh đứng ở bên cạnh xem một số quyển sách khác, còn tôi thì đứng vui vẻ một lúc vì cuối cùng cũng nhặt được quyển sách mình muốn mua.

Anh đưa tôi cuốn "Mưu sát" rồi hỏi tôi đọc quyển này chưa.

"Chưa". Tôi trả lời. "Nhưng mà nghe nói Tử Kim Trần hay viết theo kiểu lộ sẵn hung thủ, đấu trí là chính chứ không theo motif cảnh sát phá án bình thường. Quyển này thấy nghe bảo cũng được".

"Thế thì mua về đọc thử vậy". Anh nói xong thì cầm luôn quyển sách trong tay, rồi lại đi xem vài quyển sách khác.

Trên kệ sách có vài quyển của Cornell Woolrich, tôi nhìn vào mấy quyển sách của ông rồi bảo: "Mấy quyển của Cornell Woolrich thường có giọng văn trữ tình đọc khá là hay. Mặc dù ông này hay viết trinh thám đen nhưng mà văn phong thì lãng mạn".

"Nghe giọng văn trữ tình thì chắc kiểu gì trong truyện cũng có mấy yếu tố tình cảm trong đấy". Anh đoán.

"Đúng vậy". Tôi nói tiếp. "Nhưng mà đọc lại không bị sến. Mình không thích mấy truyện trinh thám mà hay chèn mấy yếu tố tình cảm vào lắm nhưng mà quyển "Kết hôn với người chết" mình vẫn đọc được một lèo mà không bỏ truyện tại đọc nó không bị sượng trân. Cơ mà kết truyện thì thảm, mình thích đọc quyển này vì nội dung cũng nhân văn".

"Mình thì lại dễ tính, chỉ cần đọc truyện thấy hợp lý là được chứ mấy yếu tố tình cảm cũng không quan tâm nhiều lắm". Anh nhặt quyển "Người đàn bà trong đêm" của Woolrich lên xem nội dung rồi hỏi: "Cậu đọc quyển này chưa?"

Tôi gật đầu: "Mình đọc rồi, quyển này ông tác giả đúng kiểu dồn nam chính đến mức không thấy hy vọng nào luôn. Kết truyện tác giả xoay người đọc như chong chóng nhưng mà cảm giác ông này giấu hết mấy cái manh mối quan trọng để đỡ bị dễ đoán. Nói chung là nên mua".

"Ok, thế mình mua quyển này". Anh nhặt quyển sách lên rồi hỏi tôi: "Cậu muốn mua thêm gì nữa không?"

Tôi lắc đầu: "Không, mình mang tiền mua cho đủ quyển này thôi. Có muốn mua tiếp thì cũng không có tiền".

"Thế thì đi thêm vài vòng xem có sách gì không vậy".

Chúng tôi sang gian đằng sau của quầy sách, gian sách này đựng các tác phẩm kinh điển của rất nhiều thể loại, bao gồm cả tình cảm, trinh thám, truyện hài,... Ở gian này có một quyển sách có bìa hình một ông già xách va li và khung cửa sổ màu đen, tên cuốn sách là "Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất".

Anh nhặt quyển sách này lên xem phần giới thiệu rồi hỏi tôi: "Cậu chỉ đọc sách trinh thám thôi à?"

Tôi lắc đầu: "Cũng tạm coi là vậy, tại vì ngoài trinh thám mình cũng chả biết đọc gì".

Anh đưa cho tôi quyển sách rồi bảo: "Lần sau thử đọc quyển này xem, là truyện hài đấy". 

Quyển sách kể về cuộc hành trình kỳ lạ của cụ ông Allan Karlson vào sinh nhật 100 tuổi của mình sau khi bỏ trốn khỏi viện dưỡng lão, đan xen với cuộc hành trình của ông là chuyến phiêu lưu khắp thế giới hồi ông còn trẻ.

Nội dung có vẻ hay, tôi tự hỏi ở tuổi 100 như này thì ông lão sẽ đi phiêu lưu kiểu gì, và tại sao ông lại trốn khỏi viện dưỡng lão.

"Nội dung nghe giải trí phết, để lần sau mua về đọc thử đổi gió tí. Mấy nay mình đọc trinh thám cũng hơi nhiều". Tôi cất lại quyển sách vào chỗ quyển sách được để ban đầu. Nhưng anh lại nhặt lại lên rồi bảo:

"Nếu mà cậu muốn đọc thì mượn của mình cũng được". 

Đây là quyển sách thứ ba anh mua trong ngày rồi. Tôi ngạc nhiên hỏi anh: "Ủa sao mua nhiều vậy?"

Anh giải thích: "Không phải mỗi mình đọc đâu, có cả bố mình cũng đọc nữa nên mua nhiều chút cho hai bố con đọc chung".

"Ra vậy!". Tôi chậc lưỡi. "Bố cậu cũng thích đọc tiểu thuyết à? Để ý thấy người lớn ít ai đọc tiểu thuyết như này. Toàn đọc mấy sách self-help kiểu "Đắc nhân tâm" các thứ".

Anh cười: "Ừ, bố mình đọc sách văn học cũng nhiều. Ở tủ sách nhà mình vẫn còn vài quyển được in từ lâu lắm rồi. Bố bảo giữ lại làm kỷ niệm thời trẻ. Dạo gần đây thấy mình đọc sách nhiều hơn một chút thì bố cũng muốn mượn sách mình đọc cùng".

Nếu có vài quyển được in từ khá lâu thì hẳn đã có lần anh đọc ít nhất là một quyển trong số đấy rồi. Tôi tò mò hỏi anh: "Mấy quyển đấy cậu đọc rồi đúng không?".

"Ừ". Anh gật đầu. "Hồi cấp một bố mình thường cho mình đọc mấy quyển sách thiếu nhi như "Dế Mèn phiêu lưu ký", hoặc "Hoàng tử bé". Đến lúc lên lớp 8 lớp 9 thì mình mới đọc mấy thể loại sách khác như trinh thám. Trong chỗ sách cũ đấy của bố mình có hai quyển của Agatha Christie đấy".

Nghe đến Agatha Christie, tôi liền hứng thú trong lòng, nhưng tôi vẫn hỏi một cách bình tĩnh để không bị phản ứng một cách thái quá: "Thế á? Hai quyển đấy là quyển gì thế?"

Anh nhớ lại: "Một quyển là 5 giờ 25 phút", còn quyển kia là "Dao kề gáy". Hồi đấy bố mình thấy mình mua quyển "Án mạng trên sông Nile" nên mới cho mình đọc hai quyển kia. Dù sao mãi đến  lúc đấy bố mình mới nhớ ra mình cũng đủ lớn để đọc truyện trinh thám rồi".

"Hay nhỉ!". Tôi thích thú: "Hai quyển đó mình chưa nghe bao giờ hết á, cũng chưa thấy con Trẻ định tái bản lại".

"Hai quyển đó cũng hay. Nếu mà cậu thích thì đến nhà mình mà đọc". Anh cười.

Nghe hấp dẫn đấy, nhưng tôi đã quen đọc sách ở nhà rồi. Cứ phải ở một mình trong chính căn phòng của mình thì mới đọc sách được. Chưa kể dù sao cũng là sách cũ, là kỷ niệm của người khác, mình cũng chỉ là người lạ nên tôi cảm thấy như thể mình đang xâm phạm vào chỗ riêng tư của người khác vậy.

Tôi lắc đầu từ chối: "Thôi không cần đâu, sau này kiểu gì con Trẻ cũng tái bản lại thôi. Tại dạo gần đây con Trẻ hay xuất bản sách của Agatha mà".

Có lẽ dù sao đây cũng chỉ là mời lơi, anh cũng không nói gì thêm mà quay sang đằng sau xem thử.

Quầy sách phía sau là sách ngoại ngữ, nhưng chủ yếu là tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Nhật. Các loại ngôn ngữ khác ở Châu Âu như tiếng Đức hay tiếng Pháp gần như không có, chỉ có một quyển từ điển tiếng Đức được trưng bày trên kệ.

Dù sao thì ở cái đất này ngoại ngữ chủ yếu bây giờ vẫn là tiếng Anh, nên các đầu sách về tiếng Anh thì nhiều vô kể, trong đó có rất nhiều sách về IELTS, TOFFLE hoặc Toeic. Các sách ngoại ngữ khác thì đa phần là dành cho người mới học.

Tôi thử giở một quyển sách luyện IELTS lên xem thử nó có gì, nhìn sơ qua bài đọc thì chỗ hiểu chỗ không, công nhận nể mấy đứa đi thi IELTS được 6.5 hoặc 7.0 các thứ.

Anh thấy tôi đang xem thử sách IELTS thì tò mò hỏi: "Cậu định học IELTS không?".

"Không". Tôi lắc đầu cười trừ. "Trình độ tiếng Anh mình có hạn thôi, mới lấy lại được gốc từ hồi cuối lớp 9 thì học IELTS làm gì".

Tôi cất sách lên kệ rồi lại hỏi: "Cậu định học không?".

Anh cũng lắc đầu: "Cũng không, mình học tiếng Anh cũng bình thường thôi chứ cũng không giỏi lắm".

Nhiều đứa mồm thì bảo cũng bình thường thôi nhưng điểm thì toàn 8 với 9. Tôi thắc mắc hỏi: "Hồi đấy thi vào trường cậu được bao nhiêu điểm tiếng Anh?"

"7 rưỡi". Anh trả lời ngay lập tức. 

Đúng là cũng bình thường thật. Tôi chậc lưỡi cười: "Thế cũng xêm xêm mình, hồi đấy mình được 7,6"

Nghe vậy anh liền ngạc nhiên bảo tôi: "Thế chứng tỏ cậu cũng có khiếu học tiếng Anh đấy, mãi đến cuối lớp 9 mới lấy lại gốc mà vẫn được 7,6 mà. Mình có nền tiếng Anh từ lâu lắm rồi mà học tiếng Anh mãi cũng chỉ ở mức tầm 7 điểm".

Tôi thấy hơi ngại vì anh đánh giá quá cao khả năng học tiếng Anh của mình, mấy lần làm bài tập về nhà của cô Thu điểm của tôi cũng chỉ bình thường, chẳng cao lắm, có hôm còn thấp lẹt đẹt. Nếu thật sự có khiếu học tiếng Anh thì với tôi ít nhất mình cũng phải giỏi như cái Thảo ở lớp cô Thu, chứ chưa nói đến cái Mai với cái Hà.

Tôi lắc đầu: "Mình cũng không biết nữa, nhưng mà cái đề đó cũng bình thường mà, được 7,6 là vẫn còn thấp đấy".

"Nếu cậu thấy cái đề đó bình thường thì chứng tỏ cậu vẫn làm được điểm cao hơn". Anh động viên tôi. "Chứ với mình thì thấy cái đề đó được 7,5 là ok lắm rồi".

Đấy là với anh thôi, chứ tôi vẫn thấy mình chẳng có gì giỏi giang với cái môn này cả. Tôi bảo anh: "Chịu thôi, để sau này đi thi tháng xem như nào. Chứ bây giờ thì cũng không biết là có đúng thế thật không!".

Chúng tôi cũng không định bàn luận gì thêm về chuyện học tiếng Anh nữa, chuyện đó cứ để thời gian trả lời. Nếu điểm tiếng Anh lúc thi tháng của tôi mà được trên 8 thì có vẻ đúng là tôi cũng có khả năng học tiếng Anh thật.

Quầy sách ngoại ngữ được kê ngay sát bên tường, nên chuyển sang góc bên phải là các đầu sách self-help hoặc các sách dạy làm giàu, có vẻ như anh cũng không hứng thú với các loại sách này lắm nên cũng chỉ nhìn lướt qua chứ không xem thử sách gì, sau đó anh rẽ sang bên quầy sách manga và truyện thiếu nhi.

Tôi để ý thấy anh vừa rẽ vào thì ngay lập tức lấy luôn hai quyển Doraemon, một quyển truyện ngắn và một quyển truyện dài. Tôi tò mò hỏi anh: "Cậu thích đọc Đô rê mon à?"

"Ừ, mua về đọc ôn lại tuổi thơ thôi, dù sao mình cũng chưa đọc hai quyển này".

Nhưng mà tôi vẫn cảm thấy có gì đấy không đúng lắm, vì tôi để ý nãy giờ nếu anh có ý định mua quyển gì thì sẽ đọc trước nội dung xem nó có hay hay không. Còn lúc này anh lấy truyện nhanh đến mức như thể anh chỉ tùy tiện lấy đại một quyển sách rồi mang về.

Nếu là muốn ôn lại tuổi thơ thì chẳng nhẽ vừa mới đến quầy truyện thiếu nhi thì tuổi thơ ùa về sao? Kể cả có là như vậy thì anh cũng sẽ dừng lại ngắm nghía vài quyển Doraemon khác trước đã.

Mặc dù tôi cảm thấy có gì đấy hơi mâu thuẫn, nhưng tôi vẫn không định hỏi gì thêm. Dù sao đấy cũng không phải là chuyện của mình, và cũng có thể là do tôi suy nghĩ quá nhiều mà thôi.

Mấy quầy sách còn lại cũng không có sách gì thu hút chúng tôi nhiều lắm, chúng tôi lướt qua cũng khá là nhanh, duy chỉ có quầy sách đam mỹ là tôi giả vờ như mình không quan tâm tới thể loại này. Phần nhỏ là vì dạo gần đây tôi không tìm được sách gì hay để đọc, còn phần lớn là vì mình đang đi chung với một đứa con trai mới quen chưa đến một tuần.

Lúc chúng tôi thanh toán cũng là lúc hơn 4 rưỡi chiều, đơn của anh tổng hết gần 500 nghìn, của tôi hết có 100 rưỡi.

"Mới hơn 4 rưỡi, cậu muốn lên trên tầng một lúc không?". Anh hỏi tôi lúc chúng tôi mới ra khỏi tiệm sách.

Dù sao vẫn còn khá nhiều thời gian cho đến cơm tối, nên chúng tôi lên trên tầng 2 của siêu thị.

Cái tông màu vàng ở tầng 1 khiến tôi có cảm giác như đấy là một trung tâm thương mại với một đống các cửa hàng khác nhau mở ra như rạp chiếu phim, tiệm gà rán, quán cà phê các thứ hơn là một cái siêu thị đúng nghĩa. Trong khi lên tầng 2 với cái màu trắng điển hình, quầy hoa quả cùng máy an ninh ở ngay lối vào và mấy quầy thu ngân mới đem lại cho tôi cảm giác đây mới là một cái siêu thị thực sự. Dĩ nhiên ở tầng 2 đối diện lối vào siêu thị vẫn có các hàng ăn, tiệm trà sữa nhưng tầng 2 vẫn tập trung đầu tư nhiều nhất vào cái siêu thị trong đấy.

Mặc dù siêu thị ở tầng hai cũng giống như mấy cái siêu thị bình thường khác, cũng có đồ ăn, nội thất, quần áo, mỹ phẩm thông thường nhưng mục đích chính khi lên tầng 2 vẫn là để giết giờ và nói chuyện phiếm lúc đi dạo. Lúc đi sang quầy thực phẩm anh có nhắc lại chuyện anh không ăn được đồ cay, mà thích ăn đồ mặn, ngoài ra anh cũng thích ăn rau củ, đặc biệt là mấy loại rau củ có thể nêm được vị mặn như khoai tây, cà rốt, hoặc đu đủ xào,...

Sở thích ăn mặn khá giống mình, nhưng chỉ có một điều là tôi không thể ăn một bữa cơm mà không có thịt. Nói là thịt thì hơi chung chung vì tôi không thích ăn cá sông, nhưng cá biển thì tôi vẫn ăn được vì không phải nhằn xương. Nếu bữa cơm đó mà không có thịt hoặc chỉ có cá sông rán thì chắc chắn tôi sẽ  không nuốt nổi. Trong khi với anh thì không có thịt anh vẫn có thể ăn được.

Nhìn chung anh là một người đơn giản và dễ ăn, còn với tôi thì hay bị bà chê là khó hầu.  

Ngoài ra thì anh cũng thường xuyên nấu cơm nên anh có thể làm rất nhiều món khác nhau như: canh bí đỏ, sườn xào, mỳ xào thịt bò,... Vì buổi trưa đã mua sẵn đồ ăn rồi nên hôm nay đi siêu thị cũng không cần phải mua thêm đồ gì nữa. 6 giờ anh phải về là vì phải nấu cơm.

Trong khi tôi thì không hay nấu ăn lắm vì trưa đã có bà, tối đã có bố. Nếu buổi tối bố không ở nhà thì lại lẩn vào nhà bà. Tuy vậy nhưng tôi vẫn có thể nấu ăn ngon được, chỉ có điều là tôi không biết làm nhiều món giống như anh. Thường thì tôi sẽ nấu ăn chỉ khi nào bà gọi vào làm hộ, và thường thì chỉ làm một món nào đấy nhất định nên tôi cũng học lỏm được vài món. Với lại thỉnh thoảng tôi cũng vào bếp ngắm nghía xem thử bà nấu cơm kiểu gì, nên có những món dù là làm lần đầu nhưng vẫn có thể quen tay.

Chúng tôi đi dạo vòng quanh siêu thị mà chẳng mua gì thêm, cũng chẳng còn khu nào để đi nữa, nên chúng tôi quyết định đi về nhà.

Sau khi lấy xe ra khỏi chỗ để xe, anh hỏi tôi: "Giờ cậu về nhà bà hay về nhà?"

"Mình về nhà". Tôi trả lời. "Mình chỉ ăn cơm trưa trong bà thôi".

Bọn tôi đi chung với nhau xuống cầu, đi đến chỗ tháp đồng hồ quen thuộc thì chúng tôi tạm biệt nhau.

Buổi đi chơi hôm nay cũng vui, tuy là lần đầu đi chung với nhau nhưng dù sao tôi vẫn cảm thấy có lẽ sau này anh với tôi sẽ thân thiết với nhau hơn. Có thể sau này anh sẽ là bạn thân của mình.

Từ hồi bé xíu đến giờ tôi thân khá ít với con trai, đa phần là sẽ dễ chơi hơn với con gái. Mấy đứa con trai mà thân thì đa số là thân từ thuở nhỏ, mà hồi đấy thì mình đâu có biết gì đâu, cứ thấy chơi vui thì lao vào chơi cùng thôi.

Nhưng càng lớn tôi càng cảm thấy khó gần với đám con trai, nhất là kể từ khi tôi biết mình thích con trai thì gần như tôi thường hay chơi với đám con gái. Bắt đầu lên cấp 2 tôi chơi với bọn con gái nhiều hơn, vì mối quan hệ giữa bê đê và con gái luôn có một cái gì đấy thân thiết đến kỳ lạ. Đặc biệt hơn là tụi con gái sẽ dễ chấp nhận một đứa bạn bê đê hơn là mấy đứa con trai.

Nhưng kể cả đám con trai không có thành kiến gì với bê đê đi nữa, tôi vẫn luôn cảm thấy cái sự nam tính của chúng nó rất khó gần. Tôi không thể bắt bản thân trở nên nam tính hơn để hòa nhập với bọn con trai, nhưng tôi có thể trở nên nữ tính hơn để chơi với con gái. 

Kể từ hồi gặp anh đến giờ, tôi vẫn luôn cảm thấy mình chẳng phải gồng gánh sao cho mình đủ nam tính để làm quen với anh cả, mà tôi cũng cảm thấy anh chẳng phải là một người quá là để ý đến sự nam tính của đứa con trai khác, hay sẽ không có thành kiến gì nếu anh biết tôi là bê đê. Đi chung với anh tôi cảm thấy có một chút cảm giác thoải mái, dù rằng bây giờ vẫn chưa phải lúc để hoàn toàn bung lụa.

Thường thì bố tôi sẽ tan làm vào lúc 5 giờ. Tầm này là 5 giờ hơn nên chắc là bố cũng đang đi chợ để nấu cơm tối. Tôi vừa đạp xe vừa thơ thẩn nghĩ xem tối nay bố sẽ nấu món gì. Về đến nhà, tôi trông thấy bố đang ngồi xem tin tức trên sofa, còn túi thức ăn bố để trên kệ bếp toàn rau củ với rau củ.

Tôi vào phòng cất sách lên bàn học, sau đó vào phòng tắm bật bình nóng lạnh rồi lại lao ra ghế sofa nằm trên đùi bố. Bố vừa xoa đầu vừa dịu dàng hỏi tôi: "Vừa nãy mới đi chơi ở đâu về à?".

"Nãy con đi BigC mua sách". Tôi đáp, sau đó tôi thắc mắc về cái túi rau ở trên bàn bếp: "Sao nay bố toàn mua rau vậy? Nhà mình hết thịt rồi mà".

"À!". Bố tôi giải thích. "Tí nữa mình sang nhà chú Huy ăn, nay chú mới đi Hà Nội về nên tiện đường thì mua thịt trâu".

Nghe đến thịt trâu, mắt tôi sáng rực hết cả lên. Ngày nào cũng ăn thịt lợn thì hơi chán, nay được đổi gió ăn tí thịt trâu cho ngon miệng.

"Mấy giờ thì mình đi hả bố?". Tôi hí hửng hỏi.

"Khoảng 6 rưỡi thì mình sang". Rồi bố lại hỏi tôi: "Ban nãy đi BigC với bạn à?".

"Cũng không hẳn là bạn". Tôi giải thích: "Chỉ là ngồi cùng bàn trên lớp thôi".

Thực sự thì, mặc dù tôi có cảm giác sau này tôi với anh sẽ thân thiết hơn, nhưng tôi cũng không dám mong chờ trước được điều gì. Biết đâu sau này anh chuyển sang ngồi chỗ khác, rồi từ đó lại ít qua lại với tôi hơn thì sao.

Nghe vậy, bố tôi lại thắc mắc: "Mới quen được hai ba hôm đã rủ nhau đi siêu thị mà vẫn không định làm quen thêm bạn mới à?"

"Đâu!". Tôi bĩu môi. "Con định nào rảnh thì ra siêu thị mua sách, nhưng mà sáng nay nó bảo nó định chiều nay đi nên con đi cùng luôn một thể. Chứ mới quen được có mấy hôm đã làm gì gọi là bạn".

Bố nhìn tôi rồi cảm thán: "Mày cũng khó chơi ghê!". Rồi bố lại thở dài: "Thôi, khó tính một tí cũng được, miễn là có đứa chơi với mình thật lòng. Hồi cấp ba bố cũng chỉ thân với mỗi chú Huy, chứ bạn cùng lớp sau này ra trường cũng chỉ gặp lại nhau lúc đi họp lớp".

Bạn bè của bố tôi cũng biết được kha khá người, nhưng để mà tin tưởng nhau thật lòng thật dạ nhất chắc cũng chỉ có chú Huy. Ngay cả bây giờ cũng được 24 năm rồi mà hai người vẫn còn gặp nhau rất thường xuyên.

"Thế cái đứa đi cùng là con trai hay con gái thế?". Bố tò mò

"Nó là con trai". Tôi kể thêm: "Hồi mới đi nhận lớp con ngồi chung với nó, xong nó chủ động bắt chuyện, thế là hôm thứ hai đi học thì ngồi chung với nhau một chỗ luôn. Nói chung là trong lớp cũng chỉ biết mỗi đứa đấy".

Nghe đến là con trai, bố tôi ngạc nhiên bảo: "Trước giờ ngoài mấy đám thằng Thành trong nhà bà ra thì bố thấy mày toàn chơi với đám con gái. Nhưng mà kể ra thì tính mày ít hợp với bọn con trai thật".

Chuyện đó thì cũng không có gì lạ cả, tôi chậc lưỡi rồi cười đùa: "Người lớn gặp ai mà chả bảo con giống con gái, nên hay chơi với bọn con gái thì cũng bình thường thôi". Sau đó tôi nhớ lại gia cảnh của anh rồi kể: "À, ban nãy đi chơi nó cũng kể với con nó cũng là con nuôi, bố nó cũng độc thân y chang bố".

Bố tôi thoáng nhíu mày nhẹ, có vẻ như bố có một chút bất ngờ ở bên trong, sau đó bố lại nhéo má tôi đùa: "Trùng hợp ghê nhể! Hai đứa con hoang không hẹn mà gặp lại ngồi cạnh nhau. Bảo sao mới gặp nhau đã muốn làm thân thế".

Tôi bĩu môi rồi ngoảnh mặt về phía tivi, thấy tôi giả bộ đang dỗi thì bố lại kể: "Bố nhớ hồi mùng 5 Tết năm đấy có vụ trẻ ba tháng tuổi bị bỏ rơi lại ở gần trại trẻ mồ côi, lúc đấy tìm lại danh tính bố mẹ nó cả tháng không tìm được, thế là người tìm thấy nó nhận nuôi nó luôn. Không biết có phải là thằng đấy không?".

Nghe bố kể lại vậy, tôi tò mò hỏi bố: "Là thằng đấy đó bố. Hồi đấy bố có nhận vụ tìm bố mẹ cho nó không?"

"Có, hồi đấy bố nó đến công an phường gặp bố để trình báo". Bố kể thêm: "Nhưng mà chẳng tra ra được nó có người thân nào không, vì đăng lên báo đài cũng chẳng ai đến nhận. Thế là đành gửi nó vào trại trẻ mồ côi, ai ngờ một tháng sau thì bố nó xin làm thủ tục nhận nuôi cho nó".

Kể ra mới biết, thì ra ngày đó bố tôi cũng đã gặp bố anh rồi. Nhưng chẳng biết bố có nhớ tí gì về bố anh không.

Tôi muốn biết thêm gia cảnh nhà anh một chút, nên hỏi lại: "Bố có nhớ bố nó tên là gì không? Hồi đấy bố nó như thế nào?".

Bố tôi nhớ lại một chút, rồi lắc đầu: "Cũng lâu rồi nên bố cũng không nhớ tên, nhưng mà hồi đấy lúc viết báo cáo thì biết được bố nó là người Hà Nội chuyển đến, làm ở công ty hóa học. Từ lúc bố nó đến trình báo thì bây giờ cũng không gặp lại lần nào nữa".

Mặc dù là chuyện của 15 năm trước, nhưng ít nhất vẫn biết được một chút về bối cảnh nhà anh lúc bấy giờ.

"Nãy con vừa bảo là bố nó vẫn độc thân à?". Bố tôi thắc mắc.

"Phải, bố nó vẫn độc thân". Nhưng không biết bố hỏi để làm gì, tôi hỏi bố: "Nhưng bố hỏi để làm gì thế?"

Bố tôi khen: "À! Tự nhiên bây giờ mới để ý. Gia cảnh thằng này cũng giống nhà mình phết! Bố nhớ hồi đấy bố nó trông sáng sủa, đẹp trai lắm, ăn nói cũng từ tốn lịch sự, ra dáng dân Hà Nội phết! Thế mà lại độc thân".

Công nhận ở đời cũng lắm chuyện trùng hợp. Nhưng mà nghe bố kể vậy, vậy thì cái cách hành xử của anh đích thị là học từ bố anh mà ra. Tôi kể lại với bố về ấn tượng của mình:

"Thế kể ra nó cũng giống bố nó ghê! Con nhớ quần áo nó ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, nhìn đơn giản nhưng mà trông tri thức, lịch sự. Cười nói cũng từ tốn, nhẹ nhàng, rất là ra dáng thư sinh".

"Ở với nhau lâu ngày, không giống lông thì cũng giống cánh thôi". Bố tôi cười, rồi đoán: "Nhưng nghe kể thì chắc bố nó cũng thuộc người gia giáo, biết dạy dỗ con cái đàng hoàng. Có khi bây giờ cũng ăn nên làm ra, có của ăn của để thì con cái mới ra dáng thế được".

"Chắc là vậy". Tôi nói: "Chiều nay đi chơi nhìn cách nó phối đồ con đã cảm thấy nó là con nhà giàu rồi, được cái là nó chẳng cần phô trương ra mà vẫn biết. Nhìn cái cách nói chuyện hằng ngày là đủ".

"Nghe kể thì có vẻ đứa này thuộc dạng sống kín đáo". Bố tôi gật gù rồi dịu dàng căn dặn: "Tính tình như vậy, sau này có chơi thân với nhau thì càng nên học cái tính đấy của nó. Càng khoe mẽ nhiều thì người ta lại càng chán ghét, có khi sau này còn bị lợi dụng mà chẳng hay".

"Vâng ạ". Tôi khẽ đáp, tỏ ý là mình đã hiểu.

Tôi chợt nhận ra quên mất không bảo bố chủ nhật này đi họp phụ huynh, tôi nhắc bố thì bố thở dài: "Đi họp đầu năm này thì chỉ có nhắc đóng tiền thôi".


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}