Thân Mình



Không biết từ bao giờ, chị đứng vững trên một lòng đường nhựa. 

Dưới chân, vết vỡ rải rác và ẩm ướt từ đầu tầm mắt này đến đầu tầm mắt kia. Phía trên, trời tù mù, màu xanh và màu xám trộn lẫn đến mức chị không thể phân biệt được gì. Rồi chị xoay đầu về bên trái. Cái hàng rào sắt mỏng manh được sơn xanh dương của căn nhà mà chị đã lớn lên trong lòng nó hiện ra. Căn nhà cũng vậy. Nhưng không còn mang lại cảm dáng thấp bé như trong ký ức vì xung quanh chẳng còn ngôi nhà liền kề nào để so sánh. Và một con chó lông cam vằn đen được chị chắc nịch bản thân chưa gặp bao giờ. Sinh vật đó ngồi giữa sân, tư thế làm lộ rõ thân thể tròn ủm cùng một cái miệng đang thở hồng hộc nhưng không mang lại cảm giác mệt mỏi hay tức giận. Nó thoải mái vẫy đuôi đồng thời nhìn chị bằng ánh mắt đầy ý cười. 

Còn chị, cảm xúc trong lòng chị trái ngược. Người này không để con chó vào tầm mắt, thay vào đó là nhìn thật kỹ ngôi nhà. Mặc dù biết làm thế sẽ khiến bản thân lên cơn điên, người này vẫn nhất quyết với lý do: “Nhìn để tỉnh táo, để nạp thêm động lực, để biết mày đã vô dụng đến mức nào”.

Mái tôn vốn có màu bạc nay trông như màu đỏ loang lổ vài vết bạc. Bề ngang của căn nhà dài sáu mét, cũng cao đúng sáu mét, lại có nóc nhà cao ở giữa rồi thấp về phía hai đầu ngôi nhà khiến chị thấy tù bí. Hoặc, những cơn mưa lớn dội xuống lúc ba giờ sáng vang vọng về, một dạng âm thanh dồn dập và lớn đến mức không vật gì có thể cách nó khỏi tai chị. Chưa bao giờ cái đầu hở chút là mất kiểm soát này thôi nhạy cảm với những âm thanh lớn. Chẳng hạn như, điều đơn giản là tiếng máy ghe chạy trên con sông bên cạnh nhà bếp cũng làm người này bực bội vì cảm thấy dường như nó đang chọc tức mình. Vậy nên, chị xấu hổ. Chị ước mình được chui vào một gia đình khá giả hơn, nơi phần mái nhà được làm bằng gạch. Không thì, chí ít chị đừng tồn tại trên cõi đời này thì tốt biết mấy.

Tuy nhiên, khi nhìn cử chỉ, chị vẫn chưa tức giận lắm. Để vào được sân, phải bước xuống hai bậc thang vì căn nhà thấp hơn làn đường nhựa. Với hai bàn tay nắm chặt, chị làm việc này thong dong, không một lần vấp trong khi cặp mắt vẫn nhìn chằm chằm vào mái nhà. Đến khi chợt nhận ra hai cửa sắt kéo đã mở sẵn ngay từ đầu, hành động này mới chấm dứt. Rồi chị nhìn vào một phần tư phòng khách – nơi để xe của thành viên khác trong cái gia đình mà chị chán ngán đến tận cổ và muốn ói mửa khi nhận ra bản thân thuộc về nó.  

Rồi đột ngột, một tiếng “Thụng” dội vào tai chị. Là con chó đã ngả nghiêng cái thùng rác của nhà rồi dựng lên lại. Thế là mắt chị lại vằn lên. Nhưng rồi nét hớn hở trên mặt nó kiềm chị lại. 

Hồi đang dậy thì, chị cư xử rất thô lỗ. Ỷ vào việc bản thân năm bảy tuổi từng quyết định vào bếp lấy một con dao rồi đâm nát nhừ bụng mình nên chị chẳng tôn trọng ai. Câu nói: “Đẻ ra rồi nuôi lớn chừng này là dễ sao?” của bà ngoại lọt vào tai chị như nước đổ đầu vịt. Bởi chị chưa bao giờ nhờ vả họ sinh ra chị. Bẵng đi một thời gian, khi chị hiểu chuyện cũng như ngừng hành xử như vậy, đương nhiên sẽ có người không tha thứ, chứ đừng nói đến thấu hiểu cho. Một người dượng đã đối xử với chị y như cách chị từng hành xử với thế giới này. Ông ta luôn tạo ra tiếng động lớn một cách đột ngột. Chẳng hạn như quăng mạnh cây búa lên tấm thiếc đang nằm trên đất khi chị đang quay lưng lại với ông ta, hoặc đặt mạnh bình trả xuống cái bàn mà chị đang ăn cơm trên đó. Tệ nhất là chị vẫn còn nhớ rõ chúng. Tuy nhiên, chị xem chúng là hàng loạt ký ức thỏa mãn. Thời điểm đó, và đến tận hiện tại, để chống lại cơn mặc cảm tội lỗi cũng như thỏa mãn cái tôi, chị tự nhủ học thức và tâm hồn của mình đều cao hơn người dượng đó. Chỉ những người nghèo nàn về mặt tâm hồn đồng thời có góc nhìn hạn hẹp mới thể hiện sự chướng tai gai mắt của mình ra. Điển hình là ông ta – người đàn ông ngoài năm mươi (và một đứa trẻ mười ba tuổi nào đó). Vợ của ông ta, tức dì ruột của chị vẫn còn mắc nợ mẹ của chị, bản thân ông ta lại chẳng đủ sức trả nợ thay vợ. Vậy nhưng ông ta lại hành xử như thế với mẹ con chị. Mà cả hai bên gia đình đều vì vô dụng nên mới chui rúc mãi trong nhà mẹ, đối với ông ta là nhà mẹ vợ, đối với mẹ con chị là nhà bà ngoại. Tuy nhiên, mỗi khi không có động lực làm việc, chị lại liều mình lượn lờ trước mặt ông ta đồng thời cư xử như thể bản thân chẳng mang cảm xúc gì rồi cảm nhận từng hành động của ông ta sau đó suy ra bản thân vô dụng như thế nào.  

May mắn thay, giai đoạn ấy không còn nữa. Bản thân chị thành công rời khỏi ngôi nhà từ lâu. Dẫu vẫn chật vật với cái nóng của mùa khô, hành trình thực hiện ước mơ vẫn còn dang dở và mãi chưa quên được ngày tháng bản thân dần trưởng thành, nhưng chí ít chị đã thoát được nơi mà bản thân cho là cái ổ của tụi có tâm hồn nghèo nàn. “Mà thế thì, nếu còn phát điên về căn nhà đó thì lỗi chắc chắn thuộc về mày” – chị nghĩ.

Vậy nên chị ngừng trừng mắt với con chó, các cơ mặt cũng thả lỏng tương tự những ngày cũ. Đoạn, chị từ tốn tiến đến chỗ con chó rồi đập mạnh thùng rác vào đầu nó. Cái thùng này được gia công để đựng sơn nên khá cứng, thành thử, con chó nằm vật ra đất rồi co giật. Chị không nhìn vào mắt nó để kiểm tra, thay đó là bước chân lên cổ nó – nơi gần vết đập để máu túa ra nhiều hơn. 

Cùng lúc, chị quyết định sẽ đốt nơi này. Không cần nhìn lại. Chị nhớ rõ từng vết nứt, từng mảng bong tróc do mưa thấm của vết sơn bên trong ngôi nhà, cả tiếng sột soạt của lũ mối. Và đối với chị, tất cả chưa bao giờ đáng để sống cùng.  

Thế là một bình xăng hiện ra ở phần góc nối liền sân vườn với ngôi nhà. Chị lôi xác con chó vào giữa phòng khách rồi đổ xăng khắp nơi. Bằng bản tính ti tiện với từng điều một, chị đủ sức rải đều mọi ngóc ngách. Đến khi cái bình chỉ còn một ít, chị quăng nó vào một trong hai căn phòng có cùng vách với phòng khách. Đây là nơi duy nhất người này không bước vào. Chị nghĩ, một căn phòng ngủ có ổ mối và bức tường sẽ chảy đầy nước khi mưa lớn ập xuống không đáng để mình nhìn lại một lần nữa. 

Vậy là, đột nhiên, chị thấy việc mái nhà làm bằng tôn nên các vách tường chỉ cao một nửa chiều cao ngôi nhà cũng có ưu điểm. 

Đoạn, chị bước đến bàn thờ. Chỉ cần hai bước vì nó được đặt sát vào vách tường của phòng khách và phòng ngủ chị. Sẽ luôn có bật lửa còn dùng được nằm ở đó. 

Lửa len lỏi theo các vệt xăng. Rồi khói tỏa ra, khiến phòng ngủ chị bốc cháy. Lửa cuộn đỏ trong căn nhà mục nát, táp vào chị, nuốt chửng từng bức hình thờ. Nhưng chị lại không cảm nhận được độ nóng hay vết phỏng. Vậy là người này lại dùng thái độ thong dong để bước ra khỏi nhà. Cái xác ở giữa phòng khách đã biến mất từ bao giờ. Chị không quan tâm đến việc này lắm, vì ngần ấy sự việc vô lý vừa rồi. 

Và, chị cảm thấy đã năm phút đồng hồ trôi qua. Chẳng có gì đổ sụp xuống. Tiếng động lớn cũng không. Chỉ có tiếng lốc bốc như lò than củi cùng tiếng thở hồng hộc lớn dần ở phía sau. Vậy là người này xoay đầu. Con chó lông cam vằn đen ban nãy, với không một vết thương hay cháy xém, nhìn vào chị, thở và cười. 

Điều này làm chị bần thần. Lát sau, chị ngồi thụp xuống. Nước không lẫn chút bùn đất nào từ lòng đường nhựa văng lên váy áo. Chị nhìn vào những vết sẫm màu hơn trên cái chân váy cam xếp ly phủ đến mắt cá chân, rồi liếc sang khuôn mặt được nước phản chiếu. Một làn da trắng sữa, chưa đến mức không tì vết nhưng cũng chẳng tồi tệ như vài người trẻ đang trong giai đoạn dậy thì. Xung quanh là mái tóc xoăn do được thắt cả ngày, nó phồng to và có vài sợi vờn trong không trung. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, chị không còn xõa tóc khi về nhà nữa. Không có lý do đặc biệt, chỉ là đỡ đi một thứ vướng víu sẽ giúp ích rất nhiều khi phải về lại nơi luôn khiến chị căm ghét bản thân hơn bội lần. 

Hoặc, đó là một nơi làm con người đầy tiêu cực là chị nhận ra tình cảm sẽ trở thành gánh nặng khi bản thân không muốn phát triển theo chuẩn mực xã hội.    

Gia đình mà chị chui vào vốn đông con và thất học. Rồi vì thất học nên khi có con, họ dùng bạo lực để dạy chúng phải lễ phép với mình cũng như thể hiện gương mặt vui vẻ mọi lúc. Chị là một trong những nạn nhân lớn nhất. Trong thời thơ ấu, mẹ của chị đánh đập chị gần như hằng ngày, và nhiều lần trong số đó chị chẳng hiểu mình sai điều gì. Đến khi các tổn thương chuyển đổi thành rối loạn tâm lý, không ai hiểu tại sao trong nhà lại có một đứa trẻ hỗn láo như vậy. Riêng mối quan hệ của chị và bà ngoại của mình, nó đã dạy chị thế nào là bạo lực tinh thần và yêu thương người khác theo cách của bản thân chỉ tạo ra khoảng cách giữa đôi bên. Từ nhỏ, người này đã nhận thức rằng bản thân cần phải có sự riêng tư và xa lánh những người hàng xóm, bạn bè của họ hàng vì họ chỉ thỏa mãn cái tôi chứ không thể giúp ai giải quyết vấn đề. Chẳng ai dạy chị điều này, một ngôi nhà cũ nát đến tận cột chống thì không được phép có sự riêng tư. Và một người già cô đơn từ xã hội cũ kỹ thì chỉ biết nói xấu con cháu để hàng xóm chịu nán lại nhà mình. Tồi tệ hơn, địa điểm của những cuộc trò chuyện vô bổ đó nằm ở phòng khách, kế bên phòng chị. 

“Nó nhỏ xíu à. Hai mươi tuổi mà như học sinh cấp hai.” 

“Cha mẹ không ra gì nên con cái cũng không ra gì.” 

“Sao con cái người ta hiền lành lễ phép mà con của mày kỳ vậy?”

Người hàng xóm nghe xong thì hưởng ứng bằng cách bình phẩm lại mẹ của chị: “Vừa lắm. Cái này là quả báo của nó tại hồi đó hỗn láo với cha của nó đó.”  

Thời điểm những câu nói trên thốt ra đã cũ kỹ đến mức chị không còn biết là bao giờ. Nhưng chị vẫn nhớ rõ như vậy, cả những cảm nhận của mình về chúng. 

“Than vãn về ngoại hình của cháu mình với tông giọng nhẹ hều cho người ngoài nghe để làm gì? Con nhỏ này không đủ thông minh để nhận thức về khiếm khuyết của nó à? Hay người hàng xóm đó giải quyết được điều đó và tìm giúp một công việc tốt? Hay Ngoại đã quyết định mình sẽ sống giùm con nhỏ này?” Chị thắc mắc.  

Còn với hai câu hỏi sau, bây giờ nhìn nhận lại, chị chỉ thấy mắc cười. Thực tế, câu bình phẩm trước đã là câu trả lời cho câu hỏi sau. Nhưng người tự tìm ra rồi hỏi lại chỉ là một. Và độ nghiêm trọng mà đứa cháu mười ba tuổi của bà gặp phải tỉ lệ nghịch với độ khó của việc tìm nguyên nhân. Chỉ đơn giản là đứa trẻ được mẹ dạy dỗ bằng đánh đập và chửi bới nên sinh ra hậu quả con nhỏ đối đáp với thế giới bằng những gì bản thân được dạy thôi. 

Kết cuộc, khi hiểu ra tâm trí trong mình đang rối loạn và hành xử như vậy là sai, chị tách bản thân ra khỏi ngôi nhà, không góp sức, không tìm kiếm sự giúp đỡ, càng không nói chuyện với ai. Và khi không còn người nào trông mong vào mình nữa cũng như những lúc khó khăn ập đến thì thay vì cảm thấy tự ti và hối hận, chị lại vui mừng vô cùng. 

Tuy nhiên, người này không thể rũ bỏ đi quá khứ đó. Một thành viên trong căn nhà đó vẫn còn ở bên chị – mẹ của chị. Và chị đã không lựa chọn bản thân phải vô tâm đến mức tránh xa bà. Vì bà đã thay đổi theo hướng tích cực. Chị nghĩ, cái lần bản thân phát điên vì mẹ của mình lại thất hứa trong việc đưa tiền đóng học phí, tiếng hét “Bà giết tôi đi” đã khiến người phụ này nhún nhường đứa con duy nhất của mình vô điều kiện. 

Mỗi lần nghĩ đến điều này, chị luôn biết gia đình ấy đã tốt với chị nhiều như thế nào. Điển hình là việc những điều tệ hại như trọng nam khinh nữ hoặc quấy rối tình dục với chị như những nỗi đau bên ngoài xã hội chứ không phải trong căn nhà này. Riêng mẹ của chị, bà làm chị hiểu rằng sẽ luôn có tình thương quanh mình, chỉ là bản thân có cảm nhận được hay không mà thôi. 

Ngặt nỗi, chị cũng nghĩ bản thân cần phải nhìn vào thực tế. Cơn rối loạn vẫn còn bám chặt, bản thân lại chưa bao giờ biết ơn vì đang được sống và ngoài xã hội sẽ luôn có những người không bao giờ công nhận thay đổi theo hướng tích cực của chị, như người dượng kia. Động lực để thực hiện ước mơ cũng chưa khi nào cháy bỏng hay hiện diện sâu sắc trong người này. 

Thứ cảm xúc mạnh mẽ nhất trong tâm trí đó, tồi tệ thay, lại là nỗi thù hằn những người hàng xóm và họ hàng khinh thường mẹ của chị, họ sẽ là những người khẳng định chị là một con điên nếu chị tự sát cũng như không bao giờ hiểu rời đi là cách tốt nhất mà người này có thể làm. Nghĩ đến đây, chị quyết định xoay người lại để đặt tay lên cổ con chó vằn. Gương mặt thì vẫn bình thản như khi chị cầm cái thùng nọ. Phần nó, nó bước hai bước nhỏ để lọt vào vòng tay chị. Hơi thở của nó vẫn hồng hộc như vậy, và độ vô hại cũng thế. Còn căn nhà cũ, lửa đã tắt từ bao giờ, tựa như thời điểm chị quay về với nó.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout