Lặp lại những kí ức cũ kĩ, gửi riêng cho con tôi


Lặp lại những kí ức cũ kĩ, phần Kí ức cũ - Chương 7: Gửi riêng cho con tôi


Mỗi người trong gia đình của chúng ta đều có ít nhất một sai lầm không thể sửa được, chỉ là phạm lỗi theo các cách khác nhau. Ông cố của con vì chú tâm vào người ngoài nên quên mất tương lai của cháu mình, ông bà của con vì cuộc sống của hai con mình mà đánh mất thứ quan trọng nhất của gia đình, cha và bác cả vì muốn cả hai nghĩ đúng hướng mà làm đau nhau. 

Bây giờ, ba người kia chết rồi, và cha không muốn thứ độc hại đó di truyền cho con. Nhưng cha kiệt sức rồi, không đủ tỉnh táo để trông coi con nữa, bao gồm chỉ cách tốt nghiệp đại học, đi làm, chọn bạn, kết hôn, dạy con. Thành ra, cha viết cái này để tóm gọn mọi thứ cho con, cũng là lời cuối cùng trong lời cầu xin con đừng thù hằn ai trong gia đình mình. 

Đầu tiên, mà không, cha không biết bắt đầu từ đâu vì mọi thứ rất lộn xộn. 

Con biết nhà chúng ta rồi, bất mãn với nước mình nên làm khá nhiều chuyện phạm pháp. Nhưng chưa bao giờ bị phát hiện nhờ giỏi dạy con và tìm dâu, rể, phân bố chuyện gia đình cũng hay, mỗi lứa đều được trừ hao tối thiểu ba đứa trẻ nhằm chuẩn bị cho việc sẽ có đứa làm việc khác hoặc tự tử. Vậy nên, khi ông cố của con từ chối làm chuyện trái pháp luật cho gia đình và chỉ sống với tư cách một giáo viên minh bạch thì họ chẳng lo lắng gì, thậm chí còn xoay sở tình hình bằng cách để ông chỉ dạy những đứa trẻ tị nạn hoặc con của dân lao động nhập cư. 

Càng về sau - khi sự nghiệp của mình vào guồng - ông cố con càng nghiêm túc hơn. Điển hình là bắt hai đứa cháu chuyển đến sống với mình, dù cho điều đó khiến chúng phát triển chậm hơn bạn bè. 

Dạo đầu, ông bà ngoại của con phản đối, nhưng rồi chiến tranh đến, đâu đâu cũng thiếu thốn nên họ đành đưa cha với bác đi. 

Cũng lúc này, cha thấy vui lắm, vì ở đó yên bình, lại học ít hơn, cũng giúp tình anh em của cha và bác khăng khít hơn. Tuy không được chạy nhảy cùng bọn trẻ trong phố nhưng cả hai vẫn còn nhiều thứ để khám phá, như hai cây phượng và rừng Bồ Đề. Những lúc ấy, cha và bác sợ, cùng chí hướng và chỉ có nhau. 

Cuối cùng, gia đình nhỏ này bắt đầu tan nát khi ông cố làm một việc được bà nội nhận định là làm quá bổn phận - đặt người ngoài lên trên cháu ruột. Văn bị động kinh bẩm sinh, khi đời sống chưa thiếu thốn thì luôn đủ thuốc, mà buộc phải đủ vì triệu chứng còn nhẹ nên cần chữa ngay. Đến khi có chiến tranh, thuốc đặc trị khan hiếm, chỉ còn thứ thuốc làm từ nhựa bồ đề vô căn cứ là cầm chừng cho tâm lý mọi người. Ngặt nỗi, lúc bấy giờ cả nước chỉ còn ba nơi có loài này, vậy nên số người bị động kinh đến nơi này tăng lên. Nhiều lần, Văn và vài đứa trẻ khác lên cơn động kinh cùng lúc, và ông cố - với vai trò chủ tịch thành phố - ra lệnh luôn đút thuốc cho người nặng hơn. 

Cha nhìn mắt Văn, chúng trợn trừng và ầng ậc nước. Hơn nữa mình Văn co giật, sùi bọt mép, tay chân co quắp mà không có gì ngăn lại, chúng làm cha sợ đến mức tự tiện lấy điện thoại của một người không quen biết để gọi ông bà nội. Đến giờ cha vẫn nhớ rõ cơn đau của việc tự ngắt mặt mình lúc chờ họ bắt máy con ạ, vì cha thật sự không đợi được, nếu có thể chạy đến chỗ có thuốc ngay thì có liệt chân cha cũng làm.

Về phần ông bà nội, họ hành động ngay lập tức. Ấy thế mà vẫn không giành giật kịp, vì lúc đấy đất Giáp không dư dả như bây giờ, lượng thuốc ít ỏi chỉ dành cho những đứa trẻ có cha mẹ cống hiến nhiều nhất, ông cố của con hy sinh nhiều như thế mà vẫn chưa xứng đáng gì. 

Rồi cha của dì Lan - người luôn bị ông xem là kẻ đốn mạt, cũng tiêm nhiễm nhận định đó vào đầu ông bà nội của con - lại cố làm chuyện phạm pháp để lấy thuốc về cho Văn. Lúc đó ông ấy đã bị người ta nghi ngờ nên đáng lẽ phải yên một chỗ, nhưng cuối cùng vẫn chạy khắp nơi để có thuốc.

Giận giữ và tổn thương đã làm bà nội con thay đổi, bà quát mắng người đã sinh và nuôi lớn mình. Cha đã nghe được chúng và vẫn nhớ đến bây giờ, rằng:

“Cha đừng gọi tôi là con gái!” 

“Ông phải quay về chăm sóc mấy đứa đó đi! Để sau này bọn nó đời đời nhớ ơn ông!” 

“Tôi biết, tôi biết chúng nó cũng là con người cũng cần cứu chữa vậy nên ông tránh xa cái gia đình này ra để hai đứa nhỏ không phải chịu cảnh xếp hàng như bọn nó!” 

“Để gia đình tôi yên!”      

Cha cũng nhớ rõ bóng dáng ông cố lúc đó, cái lưng mới tuần trước vẫn thẳng mà nay đã còng xuống, đôi mắt vốn sáng bừng trở nên ngập nước và tối mịt lúc nhìn chiếc xe đưa con gái mình đi. 

Còn ông nội con, vốn chẳng tin vào chuyện gia đình hạnh phúc có tồn tại trên thế gian này nên chẳng cố gắng vá lành những rạn nứt trong mối quan hệ giữa ông cố và bà nội.    

Hiện tại, khi đã sắp chết, cha không dám nói ai đúng ai sai. Lỗi của ông cố không thật sự nghiêm trọng như bà nội của con nghĩ, bệnh động kinh của Văn cuối cùng vẫn chữa được, bác ấy cũng không bị chậm lại so với bạn cùng lứa vì vài người trong số đó thậm chí còn chết rồi. Bà nội có lỗi, nhưng bà ấy đã phải trả giá, bà thấy hối hận, muốn quỳ xuống trước mặt cha của mình nhưng không kịp nữa, vậy là bà hành hạ mình, cuối cùng tự giết bản thân. 

Và bao nhiêu đấy vẫn chưa hết. Hai anh em cha không rút ra được bất kỳ bài học nào trong đống tai hại trên. 

Văn thương cha. Nhìn từ góc độ nào cha cũng thấy Văn thương mình hết, Văn cũng chưa bao giờ đối xử tệ với con một ngày nào. Trước đây, những lúc cha biết Văn rảnh rỗi nên viện cớ không ai trông để đưa con đến. Văn thấy phiền nhưng vì cái tính nết của mình nên chẳng bao giờ thuê bảo mẫu, trái lại luôn để con trong tầm mắt, con cười với mình thì mình cười lại, đương nhiên cũng có cho ăn uống đầy đủ và đúng giờ. Với lại, nếu ghét bỏ con thì Văn sắp xếp việc cho con để làm gì, đúng không?

Chỉ là, cái chết của bà nội làm Văn tổn thương. Ở tuổi đó, đứa trẻ nào lại không cần tình cảm của cha mẹ mình. Nhưng vì buộc phải chấp nhận chuyện mẹ ruột đã bỏ mình đi khi chưa trưởng thành, cộng với cha mình luôn cảm thấy tình thương có thì tốt, không có cũng chẳng chết ai đã khiến Văn vô cảm. Nên Văn lảng tránh em trai để nó không bị cái tiêu cực trong mình ảnh hưởng. 

Về phần mình, cha bạc nhược và ích kỷ, không chửi thì ra lệnh, thậm chí còn tìm cách xóa đi cơ hội của Văn mỗi khi có thể. Nhưng may mắn thay sai lầm này chỉ diễn ra ở năm đầu khi cha tự lập, hay đúng hơn là dừng lại khi ông nội con mất. 

Mọi thứ trong đám tang đều tệ hại. Nằm trên giường của ông nội, cha muốn ngủ nhưng tiếng xì xào cứ dội vào tai. Và căn phòng đó thật gớm ghiếc. Từng chồng tài liệu cao bằng cha, ba cái tủ gỗ, một cái gương và ti tỉ những thứ linh tinh khác. Bốn bức tường đã thoang thoảng mùi mốc, mảng sơn ở chân chúng đen kịt và trồi lên, nhìn kiểu gì cũng thấy buồn nôn. Hơn hết là nó không chật cũng không kín nhưng cha vẫn thấy nó bí bách. Còn lúc dùng bữa, thật lòng mà nói, cơm thật rẻ tiền, chẳng bao giờ dính vào nhau, từng hạt đều khô khốc và luôn có vị đắng nghét. 

Mà, cũng không phải mọi thứ đều dở. Nhà hát đã giúp cha có những công việc vừa tầm mình lúc đó để tránh những họ hàng có suy nghĩ: “Cuối cùng hai thằng con của họ cũng thoát khỏi cái thói vô tâm của ông cha mình.” Mặc dù cha đã nói điều này hàng trăm lần nhưng cha vẫn sẽ viết lại nó, rằng cha chưa bao giờ bị điên. Mọi suy nghĩ trong đầu cha luôn rõ ràng và cha chỉ cần vài phút là đã có thể sắp xếp chúng rành mạch trên giấy. Cha chưa bao giờ thấy Văn và ông nội là gánh nặng của đời mình. Hai người họ cần có cha và cha tự nguyện để họ dựa vào. Cơ thể Văn yếu và lẻ loi như thế thì đương nhiên phải có người thân bên cạnh, chỉ là cú sốc đó làm Văn mất niềm tin nên mới từ chối mọi người thôi. Và con à, muốn ở bên người thân và chăm sóc họ thì có gì sai? 

Cha xin con, hãy nghĩ: “Họ thương nhau nhưng không biết cách đối xử đúng mực, cũng không muốn thay đổi tâm tính của mình.” Con cũng có những lần khóc vì không thể thay đổi bản thân sao cho phù hợp với trường lớp và văn phòng của mình mà đúng không, cha nhớ hết đấy. Vậy nên, cha thật lòng mong con nhận ra thay đổi bản thân là việc khó đến mức nào.  

Trước khi ông nội con mất, kế đến là Văn tự sát, cha luôn nghĩ không chuyện gì có thể làm cơ thể mình nóng rang như lúc anh trai mình vì thiếu thuốc mà lên cơn co giật nữa. Kết cục của anh em cha sẽ vẫn luôn là đám tang của ai đó, điều này làm cha khó chịu, cha chưa bao giờ thấy bí bách như những khi đó. Ấy thế mà sau khi được cứu khỏi cơn đột quỵ cha cũng không trách Văn một khắc nào, như thế thì làm sao người đó có thể là gánh nặng của cha? Cha ngắt mặt mình một lần nữa là vì cha quên mất Văn mắc chứng sợ xã hội nhưng vẫn cố làm nghề giáo để cha được đến nhà hát. Cha khóc rống lên là vì cha chưa bao giờ đối xử với anh mình như cách ông cố chăm sóc bà nội con.

Văn không được ông trời cho cái tính hoạt bát và biết lấy lòng người khác như cha con mình. Vậy nên khi đám tang của ông ngoại mình đến, nối tiếp là mẹ mình phát điên rồi chết đi nên Văn rất sợ. Cũng lúc đó không còn ai đủ tình thương để có thể kiên nhẫn với Văn vì người liều hy sinh sự nghiệp của mình để cứu Văn đã vào tù rồi.  

Con đừng quên rằng cuộc đời này rất bất công với bác cả của con. Và tất cả những gì cha trao cho con không phải là vì cha hối hận khi không thể đối xử tốt với Văn ngay từ đầu mà chỉ đơn giản là do bản thân đúc kết từ sai lầm của anh em mình thôi. 

Mặc dù là con một nhưng con có nhiều anh em họ, sau này con cũng sẽ làm mẹ. Họ hàng có thể làm ngơ một chút nhưng con cái thì không. Nên con không bao giờ được phép quên cuộc đời của cha - lúc còn trẻ thì chơi bời và hống hách, đến khi mọi thứ không thể cứu vãn thì lại lăn ra đột quỵ.

Nhàn, cha nhớ ước mơ của con, những người yêu thương con cũng muốn con có một hành trình trọn vẹn. Vậy nên cha phải nhắc lại lần nữa, không được vô tâm như ông nội, bác cả và cha để rồi quả báo là không thể hài lòng với bất kỳ thành tựu nào của bản thân.

​​​​​​​Hết phần Kí ức cũ


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout