Hôm nay Lan chửi tôi. Em ấy nói tôi nuôi Nhàn như nuôi thú kiểng, chưa bao giờ quan tâm con cái học hành thế nào, thậm chí là chẳng kỳ vọng về con bé. Rồi em ấy hét lên: “Nó là người thân duy nhất còn lại của anh đó!”
Tôi không phản ứng gì, chỉ ngồi uống nước trên trường kỷ. Con bé chỉ gãy tay thôi mà, và còn tự ngã. Nhưng Lan hành tôi suốt buổi chiều, tôi quay lưng đi thì em ấy dùng hết sức để kéo trở lại, tôi lảng sang nơi khác thì lại quay sang đập mọi thứ lọt vào tầm mắt.
Thế là tôi về nhà cũ để xem quá trình đóng gói nội thất đến đâu rồi. Xem được một lúc, cảm thấy không thể giúp được gì cho nhân viên của bên dịch vụ đó nên tôi đi thẳng vào phòng riêng của nó. Sách trong này vẫn khô và an toàn, bọn mối vẫn chưa chạm đến. Nhưng những cây cột ngày càng giống ổ mối, bốn bức tường thì kinh khủng hơn rồi, vài vết mốc màu đen phồng lên đến một phần ba, mà cũng không hẳn là mỗi màu đó, ở giữa thì thế nhưng ra ngoài lại biến thành vàng nhạt, dù nước sơn tường màu xanh dương.
Cha tôi chẳng bao giờ chịu sửa lại nơi này dù cho có bao nhiêu người đến càu nhàu. Mà họ đều là những người từng có phận sự cả đấy. Đây vốn là nhà của ông bà ngoại tôi, lẫn hình thờ, mộ và tro cốt của hai người và mẹ tôi đều đặt ở chỗ này. Cứ mỗi năm, đều độ vài tháng là có vài người đến dọn dẹp và họ có lòng cũng như chịu chi tiền của để nơi này khang trang lên. Nhưng cha tôi - chủ mới của căn nhà - luôn xua tay rồi đuổi họ đi. Ông ấy chẳng bao giờ để tâm đến thứ gọi là họ hàng hoặc ký ức cũ nên không người nào có thể xoay chuyển được ông. Còn nó thì lại giống hệt cha nên cũng để căn nhà y nguyên như vậy, nhưng hiện tại, may mắn thay, không biết vì lẽ gì mà lại chịu đập đi xây lại.
Quay trở lại với đống sách, quả thật rất nhiều và toàn là tiểu thuyết. Điều này là tất yếu. Nó sưu tầm rồi đọc ngấu nghiến từ hồi tám tuổi. Khi lớn thì phải đi khắp nơi trong khi giáo trình cho dạy học chưa bao giờ là đủ nên phải gửi đống này về đây.
Tôi đã đếm khi giúp nhân viên dọn nhà chuyển chúng ra phòng khách, nhưng do không tập trung nên chỉ có thể ước chừng trên dưới ba trăm quyển. Lại nói, dọn xong rồi thì họ không biết để nơi nào vì nó chưa nói, vậy là tôi nhờ họ chuyển những cái tủ đã sơn thuốc chống mối ra giữa phòng khách rồi cất đống sách vào.
Nhưng đến khi ổn thỏa hết thì đã chín giờ tối. Lúc đó, tôi nhìn đồng hồ mà đầu chẳng thể nghĩ gì. Không ai hỏi tôi đang ở đâu, dù điện thoại trong túi vẫn đầy pin và độ bắt sóng luôn ổn định. Nhưng tôi muốn ai tìm mình? Tôi nghĩ chỉ một người duy nhất nhưng sẽ chẳng bao giờ nó chịu thực hiện.
Một năm trước, chắc lúc đó con gái tôi sắp bước qua tuổi mười lăm, tôi lại đến căn nhà mốc meo từ nhiều đời này.
Mặc dù biết sẽ bị đuổi, cũng rõ sẽ không được gì nhưng tôi vẫn đến thung lũng Phượng Đỏ này một lần nữa. Đương nhiên không thể thiếu một tấm lòng đầy hi vọng, rằng nó sẽ trả lời tôi thay vì đuổi đi.
Tôi cũng nhớ rõ, vào lúc ấy, Lan là người duy nhất tiễn mình.
"Xong rồi, giúp tôi mang cái túi đi chị Lan yêu dấu! Nhớ ôm bằng cả hai tay và không để sốc!" Tôi nói với em ấy.
Như mọi lần, Lan ngoan ngoãn nghe theo. Nhưng đến khi những ngón tay mình chạm vào chiếc túi thì hai gót chân của em nhón lên, có vẻ tiếp xúc này làm em nhớ lại những khi mình đến đây chỉ để đón tôi về. Chúng đều giống nhau, Lan toàn nói mặt tôi trông thiếu ngủ lẫn thiếu sức sống. Nhưng lần này hơi khác, em nhìn thẳng vào mắt tôi, môi thì mấp máy. Ấy vậy mà cuối cùng chỉ có một câu nói bị vỡ: "Em chúc anh thành công."
Trong mắt người ngoài, chuyến đi này vô nghĩa. Cùng với đó, thuyết phục tôi dừng lại là điều không thể, đặc biệt là trong chuyện này, vì nó là mục tiêu quan trọng của đời tôi.
Với vai trò trợ lý và em họ, Lan hiểu và đồng cảm cho tôi. Làm thân với người nhà không có gì sai, càng tốt đẹp hơn nữa khi tôi không làm hại ai cả.
Nói xong thì tôi đi một mạch vào toa tàu. Nhưng tôi chỉ mạnh dạng trong lúc đó, vì bầu không khí trong toa khó chịu chết đi được. Khoan tàu đó rộng rãi, nhiều ánh sáng, nhưng vắng vẻ, đáng nói nhất là không người nào nhận ra tôi. Và tôi chạnh lòng không phải vì ảo tưởng danh tiếng mà là nhớ đến mắt của nó, cái đôi mắt chẳng bao giờ chịu để tôi vào. Rồi không biết vì lẽ gì, điều này tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Trên thế gian này ai cũng sở hữu cho riêng mình ít nhất một ý định điên loạn, chỉ khác là họ có đủ dũng khí để thực hiện hay không - đây là châm ngôn sống của tôi, cũng là nguồn dũng khí giúp tôi lên đoàn tàu đó rồi băng qua vài mảnh rừng xanh, vượt một con sông lớn chỉ để bị đuổi về.
Đã nhiều lần như vậy dù kết quả chưa bao giờ thay đổi. Tôi nhớ rõ, cũng không muốn quên.
“Sốc lại tâm lý khi đến đó.” Tôi của lúc đó niệm chú, cũng lấy ra mảnh giấy nháp chứa đầy câu bản thân muốn nói. Đều là điều tôi muốn nó nghe, như là tôi nhớ cha mẹ rất nhiều, hay lưng của bản thân tê cứng như thế nào khi phải quay phim suốt một ngày trời, và rất nhiều nữa. Số lượng chuyện tôi muốn nói với nó chưa bao giờ ít, vì chúng luôn nhiều lên trong một năm qua.
Nhưng khốn nạn ở chỗ là chỉ lướt được vài dòng thì tôi đã ngủ luôn.
Hậu quả là tôi phải đặt chân lên cái đất Phượng Đỏ trong hoảng loạn vì chưa chuẩn bị gì. Khoảng cách từ bến tàu đến nhà của nó không xa lắm, chỉ mười phút đi bộ, ngặt nỗi, đó không phải điều thuận lợi trong tình huống này. Bến tàu quá ồn, còn đường đi thì chỉ toàn mây, nắng và cỏ dại, không hề có bóng râm nào. Và hai môi trường này đều không hợp để nhìn lại những con chữ trên tờ giấy trắng trắng toát.
“Biết thế này thì đã đọc thoại rồi ghi âm lại cho xong!” Tôi không biết lúc đó mình đã càu nhàu câu này trong bao lâu. Tâm trí tôi rối tung, đã thế, việc tỉnh ngủ bất thình lình và đi trong nắng như đổ thêm dầu vào lửa, tất cả tạo đà cho cơn khó chịu cuộn lên trong cơ thể tôi. Tôi cũng chắc chắn vẻ ngoài mình lúc đó khác xa với dáng vẻ tạm biệt Lan, nhưng tôi không quan tâm, tôi làm thế để làm gì, vừa chửi vừa thở mạnh trong lúc băng băng về phía trước là đủ rồi.
Tôi cứ hành động như thằng cô hồn các đảng cho đến khi thấy được bóng dáng trưởng thành của người đã cùng mình lớn lên. Người đàn ông dựa thân trên cái ghế bập bênh được đặt ở hiên nhà, bộ dạng không khác gì một thầy giáo điển hình bởi quần dài và áo sơ mi trắng. Chỉ nét riêng là làn da nâu sẫm và cơ thể gầy guộc. Người đó có vẻ ốm yếu, minh chứng là cái áo trông quá rộng nên không thể thấy được nhịp phập phồng từ bụng của người này. Và cũng vì nó nên câu hỏi “Mà tại sao mình gọi nó là nó ta?” bất chợt hiện lên trong đầu tôi.
Như một phản xạ vô điều kiện, môi tôi bấu chặt vào nhau. Những điều tôi nghĩ suốt một năm qua, một số thì nghẹn lại ở cổ, còn lại thì tan biến theo cơn khó chịu của chính mình.
Tôi vừa nhớ vừa sợ dáng vẻ này. Hình dạng khắc sâu và chi tiết đến mức tôi nghĩ, sau này, khi lẫn rồi thì thứ duy nhất bản thân không thể quên là nó. Khoảng thời gian khi thân xác chưa trưởng thành của người này khoác bộ áo trắng trong đám tang của ông ngoại bọn tôi, rồi đến người đàn ông trưởng thành trong đám tang của mẹ bọn tôi. Hay những lần nó bước lên bục để nhận một hiện vật nào đó chứng tỏ cố gắng của bản thân đã được xã hội công nhận. Và tôi chưa bao giờ ngừng ham muốn phải thu thập thêm chúng. Vậy nên lúc bấy giờ tôi mới trấn an mình: “Phải, vậy nên mới lại đến đây chỉ để bị đuổi về.”
Nhưng nhìn vào thực tế, dù cố gắng đến mấy cũng vô ích, nó đang cố đẩy tôi ra khỏi cuộc đời mình. Cha tôi đã quyết định chiều theo nó. Hành động của nó lại rất quyết liệt, đổi tên, đổi trường học, không cho tôi biết bệnh án của mình, và đỉnh điểm là đi đến những vùng hẻo lánh chỉ để không phải gặp tôi nữa. Tôi rất sợ. Lần chuyển nơi sống trước đó, tôi phải vận dụng hết mối quan hệ, tìm kiếm khắp nơi, thậm chí hối lộ cả cảnh sát mới có thể biết được nơi này. Còn lần này, nếu tôi bước đến rồi bắt chuyện thì khả năng cao tôi lại lạc mất nó lần nữa.
Kết cuộc, tôi đi ngang qua căn nhà đó rồi đến khách sạn bản thân từng thuê trước đây. Sau đó nằm trên giường đến bảy giờ tối hôm sau - khi chỉ còn ba mươi phút nữa là chuyến tàu cuối cùng trong tuần này đến đây.
Tôi nhớ loáng thoáng vài suy nghĩ của bản thân trong khoảng thời gian ngủ rồi thức, thức rồi lại ngủ đó. Rằng, tôi thấy dường như nó đang ổn. Sở dĩ lần trước tôi ngoan cố tìm ra địa chỉ cho bằng được là bởi chiếc xe nó cầm lái đã lao thẳng xuống con sông cạnh một cái dốc vãn người. Theo lời kể trên giường bệnh của nó, thắng có vấn đề, nghĩa là tai nạn. Nhưng tôi đã mời chuyên gia đến và họ nói không có dấu hiệu cho thấy chúng trục trặc từ bên trong, chỉ toàn những hư hại do ngoại lực tác động, hay đúng hơn là tự sát. Ngay sau đó, nó tiếp tục chuyển môi trường sống và không còn sự việc tương tự nào ập đến nữa. Song với đó, tôi cố nhìn từ bên ngoài thì thấy hành động đeo bám của bản thân rất giống thương hại nó. Nếu nó mà nghĩ thế thật thì đây là lỗi của tôi, cả gia đình tôi, bao gồm cả tôi đều nhạy cảm với loại tình người này nên tôi luôn hiểu cho nó. Vậy thì, tôi phải để nó yên thôi.
Hiện tại, nó về lại căn nhà hai bọn tôi cùng lớn lên này, rồi chịu trách nhiệm tìm người xây lại và mong muốn con gái tôi tiếp tục công việc của gia đình. Mọi thứ đều cho thấy đó là lựa chọn đúng đắn của tôi.
Bình luận
Chưa có bình luận