Tôi quên gần hết những ký ức thơ ấu của mình, từ cái chết của ông ngoại đến ngày mẹ tự sát, tệ hơn cả là đến những cảnh tượng kiệt quệ của mẹ tôi cũng chẳng nhớ được bao nhiêu. Ấy vậy mà tôi nhớ rất rõ vài ký ức hồi năm tuổi của mình.
Rõ nhất hẳn là trái phượng rang. Bình thường, tôi không nói về đồ ăn vì một người bị rối loạn vị giác thì không thể hiểu. Nhưng lần này sẽ khác, tôi nói thật nhiều về trái phượng, kĩ hơn là hạt phượng rang bằng cả tấm lòng.
Ở đất Giáp này, cây phượng cùng với bồ đề và đa là một trong ba loài cây quan trọng nhất trong đời sống xã hội. Họ tự chắc chắn rằng, cây bồ đề tượng trưng cho tín ngưỡng vì nó sống mãi và không bao giờ chết vì già, cây đa là biểu tượng cho lòng kiên trì bởi rễ còn mọc hẳn trên thân thì khó mà chết được. Còn cây phượng, loài có tuổi thọ thấp nhất trong số này nên đã trở thành biểu tượng cho tri thức của đất nước, bậc cha ông ở đây làm thế để khẳng định giáo dục phải luôn đổi mới, không được cũ kĩ.
Gia đình tôi cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng đó. Ông ngoại tôi là thầy giáo nên gần như đội phượng lên đầu. Ông luôn khẳng định: "Một cây phượng là một tri thức." Thành thử, sân nhà tôi hiện diện hai cây phượng do chính tay ông trồng. Một cây được gieo giống khi nhà có cháu lớn, cây còn lại nảy mầm khi tôi - cháu út - thụ thai được năm tháng. Và hai cây thân gỗ này rất đặc biệt trong môi trường sống của bọn tôi. Địa hình vùng này là một dãy núi, giống cây được đem từ nước khác sang sẽ trở nên lạc lõng và khó nuôi. Nhưng dù có thế nào thì ông ngoại vẫn chăm sóc nó, như cách bản thân cố gắng xóa nạn mù chữ ở chốn này. Đặc biệt, ông còn gằn giọng với bố mẹ tôi, sửa lại mọi câu từ của họ nếu họ than vãn về chúng.
Mà ở vùng núi thì rất chán, đặc biệt là khi bọn tôi đột ngột chuyển lên đây, không điện, không mạng xã hội, càng không có thiết bị điện tử. Hơn nữa, hai anh em tôi không được chơi với bọn trẻ ở đây vì cha mẹ tôi luôn bắt con cái chỉ được học và chơi với dân tri thức, không có dân tri thức thì chỉ có thể ở nhà đọc sách. Đối với hai đứa nhỏ như bọn tôi, cái không được với đến thì khao khát chạm vào, cái được phép hưởng thụ thì lại không thèm quan tâm nên hai anh em tôi chỉ biết ngồi không suốt mỗi buổi tối. Nhưng thế thì tâm trạng bồn chồn, bọn tôi nhìn khắp nơi, vậy là hai cây phượng đỏ rực giữa màu xanh của trời và màu xanh của cỏ cây đã lọt vào tầm mắt hai anh em tôi.
Riêng tôi thì thấy sắc đỏ của hoa phượng rất tuyệt. Nhưng phần trái thì khiến tôi ngứa mắt. Tôi chưa thấy loại nào xấu xí như vậy. Hình dáng tương tự trái me nhưng không múp bằng trái me mà như một con ma cây gầy trơ. Đã vậy còn dài, dài hơn cả hai cái cẳng chân của người anh đang chín tuổi của tôi.
"Mấy trái đó thấy ghê quá hả anh." Tôi than vãn câu này cho nó nghe gần như mọi ngày.
Tôi chưa suy nghĩ xong thì nó đã chạy đến một cây phượng, leo lên rồi bẻ hết mọi quả trong tầm với, tiếp đó là nhảy xuống rồi đâm một quả vào người tôi. Lúc này tôi mới vừa khóc vừa hét lên. Loại quả đâm vào người tôi khô khốc, chúng cứng tới mức tôi nghĩ nếu mình không né đi thì sẽ bị xé rách thịt ra.
"Có gì mà sợ, nó cứng nhưng đâu có làm rách da?" Nó hỏi rồi lại đâm mạnh hơn. Và trái ngược với em trai mình, thằng khốn đó cười rất lớn.
Tôi nghe theo và tự cầm lấy một cái rồi sờ xung quanh. Đúng thật, tay tôi không tìm thấy chỗ nào sắc bén trên loại trái này.
"Năm tuổi rồi mà nhát cáy! Vậy mà đi giận cha mỗi lần cha gọi là cục cưng." Nó biểu môi rồi lại cười tiếp. Đó là lần đầu tiên tôi thấy nó cười tươi và lâu đến vậy. Nên trong thoáng chốc, tôi không còn sợ trái phượng nữa.
Đúng lúc này ông ngoại về. Bọn tôi vì thế mà cuống hết cả lên vì sợ bị ông hằn học khi dám trèo lên cây phượng báu vật của mình. Nhưng không có chuyện gì kịch tính xảy ra. Ông nhìn bọn tôi rồi rời mắt đến những trái phượng rụng đầy trên sàn nhà, cuối cùng là nhìn thật kĩ đống phượng, lá và cành cây ở sát gốc.
"Không ăn được hả ông?" Nó hỏi, vẻ mặt không có nét nào là không thể hiện sự thất vọng.
"Hí!" Vậy là nó nhảy lên ba bậc thang: "Vậy chừng nào ông rang! Hay ông chỉ con cách rang đi!"
Kể từ đó, nhà tôi thường xuyên phát ra tiếng xào đinh tai nhức óc. Nó rất thích ăn loại hạt này, lần nào hái xong cũng làm chín rồi chia ra mỗi phần đều nhau để ăn được suốt buổi tối. Đương nhiên là tôi xin thì nó sẽ cho ngay. Nhưng tôi biết nó rất thích thứ đó, tôi thì lại bị rối loạn vị giác nên cũng chỉ nhai một hạt rồi thôi.
Bình thường, khi thấy người ta ăn mãi một thứ gì đó thì tôi không hỏi họ như thế, họ có diễn giải như đại văn hào dân tộc thì tôi cũng không hiểu được, chỉ cần nhìn vẻ mặt là tôi biết họ thấy nó ngon đến nhường nào. Nhưng chuyện thích ăn hạt phượng của nó thì khác. Từ khi biết thứ này ăn được là chẳng biểu lộ cảm xúc gì về chúng nữa, điều này trái ngược với hành động của nó - nghiên cứu nhiều cách chế biến rồi tập trung ăn đi ăn lại. Thú thực, hình ảnh một đứa trẻ gầy gò, không chút hồn nhiên nào đang nằm trên sàn nhà và nhai một loại hạt khô khốc rất kỳ quặc.
"Anh thấy nó bùi bùi. Giống củ ấu nhưng cũng không giống lắm." Đây là câu trả lời duy nhất của nó về vị của loại hạt này, hoặc là câu duy nhất tôi nhớ được.
Nhưng sở thích lành mạnh này không kéo dài lâu. Năm sau, vào hè được tám tuần thì mẹ của chúng tôi tự sát, cũng từ lúc này, anh trai của tôi không bao hái hạt phượng rồi rang chúng lên nữa.
Song, may mắn là ông trời không chia cắt tôi khỏi phượng, cũng không tước đi ký ức của tôi về chúng. Nên mỗi lần nhớ về ngày đó thì tôi luôn đi hái chúng để nỗi buồn tẻ đó nguôi ngoai một chút.
Mà có lẽ, thứ trái này đã giúp tôi trưởng thành hơn. Đầu tiên là ngừng sợ những thứ vô hại chỉ vì chúng xấu xí. Tiếp theo, vào mỗi lần trái phượng thành hình, tôi dần không suy nghĩ lung tung nữa. Không ai biết khi nào nó sẽ chăm sóc tôi lại, đây là chuyện xấu, nhưng ít ra không phải mọi thứ đều tệ như vậy.
Thêm nữa, trái phượng luôn nở và gieo giống qua mỗi mùa làm tôi có nhiều hy vọng hơn. Sống ngần ấy năm, tôi không nhớ mình nhìn thấy bao nhiêu cây phượng chết mục, số hạt lép không thể lên mầm cũng tỉ lệ thuận. Nhưng không phải chỉ có ngần ấy điều đó. Tôi đã được chạm vào vài cây phượng sống hơn hai mươi năm, cũng không có ngày nào không được thấy những lá phượng bóng nhờn vẫy vùng trên cao. Trái của chúng cũng gián tiếp giúp tôi có được bạn mới. Những ngôi trường mà nó từng làm hiệu trưởng luôn có hơn mười cây phượng. Hè nào tôi cũng đến đó để gặp nó, nhưng đương nhiên chẳng bao giờ thành, cơ mà cũng không về ngay, trong lúc chờ, tôi thường nhìn bọn phượng, mọi người vì thế mà cho phép tôi hái quả. Tôi cũng đáp lại bằng cách rang giúp họ vài túi hạt phượng rang, bên bảo an ba túi, mỗi giáo viên một túi. Vậy là tôi có thêm mối nhiều quan hệ mới.
Tôi cũng không cần tốn sức tìm mua loài hoa nào mỗi khi giỗ ông ngoại và cha mẹ đến. Chỉ cần trưng hoa phượng và một chén hạt phượng rang là đủ để không bị bọn ngoài kia bàn ra tán vào.
Trở về với hiện tại, tôi không hiểu tại sao thứ ký ức xa xôi từ hồi năm tuổi lại in sâu vào đầu mình đến vậy. Có lẽ vì có nó và loài cây tôi ám ảnh là trung tâm.
Bình luận
Chưa có bình luận