Lựa Chọn Tự Nguyện


Tính đến hôm nay thì chị chuyển đến nơi này được ba ngày rồi.

Bao quanh nó là một vùng đã vãn người. Vì thế mà tiếng ồn trắng chỉ được tạo ra bởi thiên nhiên. Đặc biệt là tiếng dế tìm bạn tình, chúng ở khắp mọi địa hình, từ tán cây, mặt đất đến mái nhà, âm thanh đó đều, lanh lảnh và như chị tự khẳng định là “Không lẫn vào đâu được!”. Điều này cũng dễ hiểu vì sinh vật đó là biểu tượng của nơi này, một đồng nghĩa của sung túc và đặt tích trữ lên hàng đầu. Chị cũng nuôi ba con làm kiểng. Đôi khi, nhìn bọn này ngủ trên đống hạt mè, hạt sen mà mình đã rải khắp nhà giúp chị an lòng. 

Nhưng người này không thể chỉ làm vậy.

Bầu không khí hiện tại, đối với chị, rất tầm thường. Từng tia nắng nóng như nước sôi làm mọi thứ sáng rực lên, đến mức những tán lá - thứ duy nhất giúp cặp mắt đang trên bờ vực mù lòa của chị được thư giãn - cũng trở nên khó nhìn. Và mọi cái bóng đứng yên càng làm chị thấy khó thở hơn dẫu bản thân hiện ở trong một căn phòng có cây quạt trần đang hoạt động hết công suất. 

Vậy là chị dời tầm mắt vào phần việc đang làm. Chẳng biết từ bao giờ mà chị không còn nôn khan khi phải rửa những cái chén bám đầy nấm mốc nữa. Có lẽ vì màu sắc của cái bao tay mà bạn bè đích thân chọn lựa cho. Hoặc vì người này đang tốt lên. 

Đã nhiều lúc, chén đũa bóng loáng trở thành công cụ đắc lực trong công cuộc chống lại cơn rối loạn tiêu hoá nọ. Được nhìn những mảng sứ phản lại mọi tia sáng rọi vào mình thì thích mắt và nhẹ nhõm hơn.

Ngặt nỗi, hôm nay không phải là một ngày yên bình. 

“Con Nhi hỏi con có đi họp lớp không đó. Đi đi cho vui.” Mẹ của chị bước vào với một mớ đồ mới mua từ chợ xa. Theo sau là một con mèo đuôi tròn đang kêu không ngừng. 

Cũng lúc này, câu nói bâng quơ của bà khiến cơn điên của con mình trào lên. 

“Lớp?” Chị dừng mọi hành động để nghĩ.

Chữ đó đồng nghĩa với nhà tù. Nghĩ mà xem, ở đâu tập hợp nhiều kẻ cặn bã? Đương nhiên là nhà tù. Vậy tại sao lớp học lại toàn cặn bã? Tập thể trong đó là một lũ không được dạy phải cảm thông cho người khác. Lũ đó, xúc phạm chị dẫu không biết gì về chị. Lũ đó, trêu ghẹo đám con gái như thể họ là những con chó chưa biết cắn vô tình đi ngang. Còn giáo viên thì sao? À, chẳng bao giờ tôn trọng một đứa trẻ vô hại là chị và vài người khác, bậc tri thức đó liên tục chửi học sinh mình “Ngu gì mà ngu quá vậy!” khi nó vô tình mắc một lỗi sai nhỏ. Còn chị, có sai không? Đương nhiên là có, chị cũng xúc phạm rồi xé nhật ký của một cô bé vô hại khác như lũ đó.  

Vậy những đứa ác độc hồi đó có phải trả giá gì không? Chị, đôi khi tự dằn vặt và tổn thương khi vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Còn người khác thì chị không biết, cần gì phải tiếp xúc với lũ cặn bã. Thế có trách tụi nó không? Đương nhiên chẳng bậc trồng người nào trách khứ, họ nói “Chị mười ba tuổi có giống chị hai mươi ba tuổi không?”, tệ hơn, đó chỉ là một câu hỏi tu từ. Không ai hy sinh đống tâm huyết quý giá do ít ỏi của mình để tìm câu trả lời cho nó cả.

Đoạn, khi còn hàng chục câu hỏi trong tâm trí chưa được trả lời, chị nói: “Mẹ à, người ta trở lại cái nhà tù đã nhốt mình làm gì?” 

Mẹ của chị không trả lời. Chị lại không xoay người để nhìn được nét hối hận trên gương mặt bà và vẫn nói tiếp: “Mẹ đừng quan tâm đến mấy mối quan hệ của con. Khốn nạn. Lũ tầm thường thích dày vò người khác.” 

Theo lý, không thì từ những gì chị tìm hiểu, nơi này chỉ còn dành cho nhà giàu hoặc người biết bản thân có thể làm gì với thiên nhiên. Và những người bạn cùng lớn lên với chị ở chốn này không sở hữu được hai điều trên. Trong tâm thức của chị, họ chỉ là những kẻ không có tâm hồn, học cho giỏi theo chuẩn mực của xã hội nhưng lại không biết bản thân muốn gì. Như những con ma không có ruột, không có gan, còn não thì không thể tự tìm ra hướng đi. 

“Còn nếu mẹ không chịu. Vẫn cảm thấy cái lối sống phải có bạn bè bất kể tụi nó là người thế nào thì điên điên khùng khùng như con thì không thể may mắn có được cái diễm phúc đó đâu.” Giọng của chị thấp, vài từ còn gằn lên nhưng lại the thé như tiếng con dao cà vào ống sắt.  

Khi còn khoảng hai tháng nữa là tuổi mười chín chính thức rời xa mình mãi mãi, chị tự sát không thành. Con dao duy nhất chị có thể dùng được vào thời khắc đó không đủ bén, cắt được trái cây, xẻ được hạt ổi nhưng chỉ đủ sức để lại da những vết hằn và ửng đỏ trong vài phút. Kể từ đó, khiếm khuyết không thể điều tiết cảm xúc trong người này nặng hơn. Kéo theo đó, chị không dám ăn gì nữa, hoàn toàn không phải không cho phép bản thân ăn uống điều độ, mà là không đủ dũng cảm để nuốt lấy bất kỳ thứ gì. Về nguyên do, chị chẳng còn nhớ tại sao mình tự sát. Song, chị biết tại sao bản thân nhịn ăn dẫu hệ tiêu hóa hiếm khi nào ổn - gia đình không sở hữu biệt thự cao ít nhất năm tầng để nhảy xuống, hồ bơi lại càng không, những cơn đau do rách da thịt quá sức với độ liều mạng trong chị, và đến khi đủ liều để nhảy xuống dòng sông cạnh nhà thì nó đã bị lấp mất rồi. Còn ân nhân, người có thể thì chưa hữu duyên. Bản chất phóng đại cảm xúc, dẫu tức giận hay hạnh phúc khiến chị không muốn làm quen với bất kỳ người mới gặp nào. Hơn nữa, chị đã đối xử tệ hại với người nhà và chẳng thể ngăn cản ham muốn bôi nhọ người khác của hàng xóm. Tuổi thơ của người này được bao trùm bởi hình bóng của một người mẹ đang gặp khủng hoảng. Với chị, người thiêng liêng nhất đó coi đứa con duy nhất của mình là thùng rác, đánh mạnh đến mức nó khóc ré lên chỉ vì vô tình khiến bà làm đổ chén tôm khô ngâm nước muối ra đất, mạnh miệng gọi nó là quỷ - một từ bà thay thế cho “đĩ” - do nó chơi với ba đứa con trai trong chính lớp học của mình trong một lần rước trễ. Những tổn thương đó càng lớn hơn khi bà dè dặt với những người đối xử tệ bạc với mình, cùng lúc, dạy con hãy cư xử đúng mực khi có những người khinh thường hai mẹ con ở cùng nhà bếp, đặc biệt, dành lại quyền lợi của mình sẽ bị nói là “mất dạy” hoặc “kỳ cục”. Rồi để bảo vệ bản thân trong khi còn kém hiểu biết, đứa con này đáp lại với mọi mối quan hệ bằng cách hét lên. Bây giờ mẹ của chị không như thế nữa, bà sẵn sàng lo cho chị ba bữa ăn, dùng mọi công việc nhà để bù đắp. Nhưng vết thương trong chị vẫn ở đó, chúng thành những cái vảy cứng ngắt đồng thời hạn chế đi sự linh hoạt trong quá trình điều tiết cảm xúc. 

Nghĩ đến đây cũng là lúc người này vệ sinh xong đống chén. Thế là chị ra ôm con mèo lên rồi rời khỏi nhà bếp, thoát khỏi mọi nơi có mẹ của mình. 

Tròng đen bị nắng biến thành một vệt đen sắc nhọn.   

Ba ngày sau khi cuộc tự sát đầu tiên thất bại, bão đến thành phố có người này trong lòng. Ấy vậy mà chị lặng lẽ khoác một bộ áo mưa rồi nhìn khắp mọi ngóc ngách, kể cả mảnh rừng hỗn hợp cách nơi này hai cây số. Đã nhiều lần, sân nhà chị may mắn được một con mèo nhỏ đến thăm, lông nó màu gừng, đuôi cụt tròn và tất cả râu trên mặt đều đã gãy hết do không thể đánh lại bất kỳ con mèo nào trong thành phố. Và rồi nó bỏ đi vì sân nhà trở thành tụ điểm an toàn cho những con mèo hoang đã đánh gãy hết mớ râu đó. Song, dáng ngồi của nó mắc kẹt trong đầu chị. Vào một buổi sáng ngẫu nhiên, khi chị ra nhà sau sớm hơn bốn giờ sáng vì cơn mất ngủ, nó ngồi ngoan ngoãn trước cửa, cái bụng không thể phình ra vì quá đói, hai chân trước trắng ngần chụm lại như thể đang ngồi ở nơi thiếu không gian, còn đôi mắt, ánh đèn từ nhà bếp hắt ra làm chúng đen láy thay vì sáng quắc như thường lệ, môi nó cũng mím lại rồi giãn ra nhiều lần, điều này khó nhận biết do những sợi râu quanh mép đã cụt lủn nhưng chị vẫn nhận thấy được. Tất cả nhờ ảnh hưởng từ đôi mắt phía trên - trời chưa sáng rõ nhưng chúng không có lấy một nét buồn ngủ, tôn lên tổng thể một vẻ tỉnh táo như khi chị ngồi chờ phỏng vấn xin việc. Đoạn, khi bầu trời đang biến thành đỏ lửa, chị ném xuống đất một cục thịt luộc rồi đóng cửa lại, và đó là lần cuối cùng họ gặp nhau cho đến khi cơn bão đến. Vậy nên chị phải tìm lại nó cho bằng được. Sau đó dọn lại căn phòng của mình để nó có một chỗ ở an toàn, cuối cùng là tìm một công việc tốt để mua thức ăn bổ dưỡng cho nó. Kết cục, như con dao lụt nọ, con mèo nhỏ đó run rẩy trong một phần rễ đã mục.    

Đã mười năm kể từ khi tuổi mười chín rời khỏi, người này không còn mang tâm lý nạn nhân nữa. Ngặt nỗi, chị ước thà mình vẫn còn tồi tệ như vậy. Mỗi khi ai đó thể hiện thái độ ghét bỏ mình, người này liền bật lại, nhưng đến khi sự việc kết thúc, chị lại chuyển sang chất vấn bản thân: “Mày cũng có ra gì đâu mà ghét người ta”. Cùng với đó, các mối quan hệ dần tốt lên, bạn bè, đồng nghiệp và tiền bối đều hiểu khiếm khuyết không thể điều tiết cảm xúc chị đang mang là một sự rối loạn chứ không phải mất dạy và xấu tính, xấu nết như người thân và hàng xóm cũ gán cho chị, họ nói: “Em luôn tự giác cách ly với mọi người khi cơn giận đến mà. Nhưng chị muốn nói, hãy cho phép mọi người ôm em khi trạng thái trầm cảm đến.”  Thành tựu đạt được cũng ngày càng nhiều, càng đặc biệt hơn nữa khi chúng là ước mơ của chị. Ấy vậy mà người này vẫn không thể yêu lấy bản thân. Chị mặc định chỉ có mình mới cứu rỗi được mình, nhưng trải qua mười năm đằng đẵng, cảm giác u uất vẫn hiện hữu.  

Đã thoát được nhà tù mang tên trường học. Cảm thấy chứng minh bản thân với bạn học cũ là chuyện thừa mứa nhất trên đời. Người mẹ gây ra nhiều vết thương nhất cũng tốt lên từng ngày. Con mèo nhỏ ngày đó đã lớn thêm một chút và toàn tâm toàn ý để chị vuốt ve vì biết thức ăn và chỗ ở của mình nhờ ai mà có. Trên hết, ước mơ hão huyền thời thơ ấu đang ngày càng hiện hữu rõ rệt ngoài xã hội. Nhưng quyết định sẵn sàng bỏ hết mọi thứ vẫn bám chặt lấy người này. Những hành động mà người khác xem là bán mạng cho công việc của chị thực chất lại là chuỗi hành động thả mình cho dòng suối. Rồi lâu hơn một chút, con mèo nhỏ trên tay sẽ chết, mẹ của chị và tầm nhìn này nữa, tất cả bỏ lại chị một cách bị động.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout