Nhà An có căn gác xép nhỏ nằm lọt thỏm giữa khu vườn xanh lá. Gió thổi mát suốt ngày. Căn gác có khung cửa sổ bé tí, An thường ngồi tại đây đọc sách hoặc nằm dài trên sàn, gối đầu lên tay ngắm mảng trời trong xanh nhỏ bé qua khung cửa sổ ấy. Trong phòng không có vật dụng gì nhiều ngoài bộ ấm trà cũ xưa. Đó cũng là món đồ mà An quý nhất. Vì nó là báu vật của ba mẹ An. Một người bạn đã tặng nhân ngày cưới của ba mẹ. Mỗi sáng mẹ thường pha trà trong chiếc ấm ấy cho ba vừa đọc báo vừa nhâm nhi. Trà mẹ pha rất thơm, rất ngon. An lớn lên, từng bước trưởng thành trong những giọt trà thơm nồng của mẹ. Cũng từ dạo đó An ghiền luôn món thức uống bình dân này. Gia đình An ba người sống rất vui vẻ, đầm ấm cho đến một buổi sáng, tiết trời tháng Ba ấm áp, trong lành. Ba đứng ngoài ban công ngắm nhìn mấy chậu hoa nở sau mùa xuân. Bất ngờ từ trên trần nhà, một thanh xà ngang rất lớn đổ ập xuống, ngay tại vị trí ba đang đứng. Ba nằm im, không động đậy. Tiếng khóc của mẹ, của An… nhói lòng.
Tháng Ba u ám. Tháng Ba, An không bao giờ quên.
***
Chiếc ấm trà trở thành món kỷ vật buồn bã của hai mẹ con. Sau khi ba An mất, mẹ cất luôn bộ ấm trà vào tủ kính, phủ lên đó một tấm màn. Không còn nhắc đến trong các bữa cơm. Không còn được đem ra sử dụng mỗi sáng. Vì buồn vì nhớ, sức khoẻ mẹ An ngày càng giảm sút. Vào cái đêm mưa gió tầm tã, mẹ lâm bệnh nặng. Nằm trên giường mẹ nắm chặt tay An, nói vài lời sau cuối và mẹ đi, thanh thản, nhẹ nhàng. An còn thấy nụ cười mỉm trên môi mẹ. Đêm ấy, An chỉ mới 17 tuổi đã phải gánh chịu cú sốc lớn nhất trong cuộc đời. Căn phòng rộn ràng tiếng cười giờ đầy khói nhang.
Nửa năm sau, khi niềm đau nguôi ngoai, An lấy bộ bình trà đã cất trong tủ ra. An ngồi suốt cả buổi sáng tỉ mỉ lau chùi đến sạch bóng. Rồi An pha trà, và tự mình thưởng thức nhưng trà không có được hương vị như mẹ An từng pha. Nước mắt An rớt xuống tách trà. An uống luôn cả giọt nước mắt đó. Nghẹn đắng. An thấy bóng hình ba và mẹ hiện lên trong tách trà, cười với An. Hẳn giờ họ đang ở bên nhau, hạnh phúc. An cố gắng, cắn chặt môi đến bật máu để nén cơn đau. An hiểu mình phải mạnh mẽ.
An vẫn tiếp tục đến trường. Cô nữ sinh 17 tuổi ấy trở nên gan lì, ít nói. Mỗi lần bước ra khỏi nhà là An viết thời khoá biểu trong giấy: buổi sáng đến lớp, buổi chiều làm gia sư cho nhóc Min, buổi tối phục vụ ở quán kem Trà Xanh. Một ngày của An chỉ có vậy, hết học rồi làm, hết làm rồi lại học. An không có thời gian rảnh rỗi để buồn cũng chẳng có khái niệm về niềm vui. An dần mất đi cảm xúc. Chẳng biết là An cứng rắn thật sự hay An cố che đậy lớp vỏ yếu đuối của mình…
An chạy vội đến quán, thở hổn hển. Chị quản lý khẽ trách cứ An sao đến trễ. An cúi đầu nói tiếng xin lỗi rồi đi nhanh xuống bếp, rửa đống ly tách để sẵn trên bồn. Quán không đông khách, An dư dả chút thời gian nên pha trà. Việc làm này khiến An thấy lòng nhẹ nhõm lạ thường. Mẹ An từng nói trà mang đến cho người ta cảm giác thanh bình. Quả đúng như thế. Pha xong, An nhâm nhi bên lan can có con đường xanh mát chạy dài. An ngước nhìn trời, nhủ thầm, đến cả bầu trời vẫn còn xanh thì hà cớ gì lòng mình cứ xám xịt hoài.
Giờ phút này, An coi như đó là phần thưởng xứng đáng mà mình nhận được vào cuối ngày. Vì hoàn cảnh, An phải tất bật mưu sinh, hết chạy chỗ này lại đến chỗ kia, thêm chuyện thi cử trên lớp, đống bài tập lộn xộn còn chưa giải xong ở nhà… nhiều lúc An tưởng mình gục ngã rồi nhưng An vẫn cố gắng gượng. An tin rằng ba mẹ luôn ở bên cạnh, tiếp thêm sức mạnh cho mình.
An đã rất khổ sở khi phải dạy kèm cho nhóc Min. Vì cậu vốn là một đứa trẻ nghịch phá, có chút ngông cuồng. Ngày đầu tiên An đến, mẹ thằng nhóc há hốc mồm kinh ngạc khi nhìn thấy vóc dáng của An. Có lẽ vì vẻ ngoài An ốm yếu cộng thêm gương mặt non choẹt, hiền lành làm sao có thể dạy được một cậu học sinh phá phách. Nhưng vì cần tiền nên An đã hùng hổ tuyên bố rằng An sẽ làm được, sẽ cảm hoá nhóc Min thành một cậu học trò ngoan ngoãn. Nghe vậy, cậu nhóc ngó sững An rồi phá lên cười. An biết, tràng cười mỉa mai. Nhưng An không bận lòng.
Nếu Min ngang ngạnh, luôn chống đối An thì An chính là cô gia sư lì lợm và ngoan cố. Chính sự cố chấp ấy đã giữ An lại. Trước đó đã có 7 cô gia sư đến rồi đi chỉ trong vòng nửa ngày. An là người thứ 8, dõng dạc nói rằng. “Tôi sẽ là người cuối cùng dạy em, sau tôi sẽ không còn ai nữa.” An đã học được cách tự vệ, cứng cỏi sau nỗi mất mát quá lớn trong dĩ vãng. Nhìn khuôn mặt An nghiêm nghị, Min nhíu mày, cậu suy nghĩ gì đó và thấy An không phản ứng, cậu tiu nghỉu lấy sách ra học. An dạy miệt mài. Min ghi ghi chép chép, thỉnh thoảng đầu lại gật mà không biết cậu có hiểu được tí nào không. Một tháng, hai tháng đến tháng thứ ba, Min vượt lên đứng vị trí thứ 20 trong lớp trong khi trước đây Min là người nắm giữ vị trí cuối lớp. An thấy lòng vui lạ, cô tự hỏi là do mình cố gắng hay do sự nỗ lực của Min.
Cho đến một buổi chiều khi gió đông đang về, An vừa đẩy cửa vào phòng, Min phe phẩy bài kiểm tra trước mặt An, hồn nhiên nói. “Em được điểm 9, chị vui không. Em để ý từ lúc dạy em đến giờ chị cứ buồn buồn sao ấy. Chắc có lẽ là tại em nên em cố gắng được 9 điểm cho chị vui đấy. Con gái mà mặt cứ buồn hoài trông xấu lắm.” An đứng lặng người giữa căn phòng bề bộn sách vở, tay run run cầm bài kiểm tra của Min. Không ngờ một thằng nhóc ngỗ nghịch nay lại ăn nói bóng bẩy, hoa mỹ như thế lại còn suy nghĩ thấu đáo, biết An buồn muốn làm An vui nên gắng sức chăm học. Khi cơn xúc động đã qua, An cúi xuống định cảm ơn Min thì thằng bé trốn đi đâu mất. Có lẽ Min mắc cỡ. An mỉm cười, nụ cười thực sự kể từ ngày ba mẹ qua đời.
***
An đang phát tờ rơi thấy Min đeo cặp xách bước về phía mình, cười toe tét. An ngạc nhiên quá đỗi vì hiếm khi nào gặp Min ngoài đường. An bỏ xấp tờ rơi còn lại vào túi đeo chéo. Hai chị em mua gì đó uống và ngồi trò chuyện ở bậc thềm trước cửa nhà hát lớn.
“Đi học về rồi phải về nhà ngay chứ sao lại lang thang ngoài phố thế này hử?” An hỏi, ra dáng của một cô giáo.
“Em tình cờ gặp chị, chẳng lẽ lại làm ngơ?” Min giương mắt nhìn cô gái hay u sầu. “Em hỏi tí nhé, chị có chuyện gì không vui à?”
“Sao lại hỏi thế?”
“Tại em chưa thấy chị cười bao giờ.”
An nhìn bâng quơ. “Em có thương ba mẹ mình không?”
Min lấy làm lạ khi An hỏi một câu không liên quan nhưng cậu vẫn gật. “Nhưng đôi khi em thấy họ thật phiền, nhất là mẹ em ấy, nói suốt cả ngày.”
“Còn chị muốn được ba mẹ trách mắng mà cũng chẳng có cơ hội.”
“Ba mẹ chị…”
“… mất rồi.” An nghe sống mũi cay nồng. “Em biết không, mỗi người trong quá trình trưởng thành đều cần có mẹ ở bên. Ba mẹ đã cho chúng ta sự sống, dù sau này em có gặp phải bất kỳ khó khăn nào ba mẹ cũng sẽ lặng lẽ ở bên em, bảo vệ em. Vì vậy hãy yêu thương họ khi còn có thể.” An đặt tay lên vai Min. Cậu nhóc nhăn trán. An thừa biết là cậu chẳng hiểu lời mình nói.
“Chị làm việc tiếp đây.” An vừa đứng lên, Min đã kéo cô ngồi lại.
“Đợi một chút ạ!” Cậu kéo khoá ba lô, lấy ra một quyển tập xé hai mảnh giấy trắng xếp thành máy bay. Cậu ném đi một chiếc, chiếc còn lại cậu đưa cho An. “Gấp máy bay giấy thành thư ước nguyện rồi gởi đi thật xa vì chúng ta chẳng thể nào đợi được sao băng xuất hiện. Chị cũng vậy nhé!”
Nói rồi Min vụt chạy để lại mỗi mình An. Cô nhìn theo Min, trong lòng rộn lên niềm hân hoan.
Trên bầu trời xanh hôm đó xuất hiện hai chiếc máy bay của những đứa trẻ thiếu niên luôn vững bàn chân bước.
***
Lớp An nghỉ sớm. Cô giáo bận việc đột xuất. Để tránh ảnh hưởng đến lớp kế bên, từng học sinh nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng. An là người đi ra sau cùng. Không muốn về nhà lúc này, An đạp xe trên đường. Hôm nay không kèm Min cũng chưa tới giờ làm ở Trà Xanh nhưng An vẫn đạp xe ngang qua quán. Ngoại trừ những lúc làm công, không khi nào An tới quán với tư cách là khách hàng.
An dừng xe, ngó vào. Quán vắng. Chị quản lý ngồi duỗi chân trên ghế đọc một cuốn tiểu thuyết. An đẩy cửa vào, chị tròn mắt. “Giờ này em ở lớp mới đúng chứ An?”
“Cô có việc nên cho lớp nghỉ. Quán vắng buồn tẻ quá chị nhỉ!” An kéo ghế ngồi.
“Ừ.” Như sực nhớ ra điều gì, chị quản lý bật dậy. “Có người gửi cho em một gói bưu phẩm, chị để đằng kia kìa.”
Theo tay chỉ của chị quản lý, An bước lại, tò mò xen lẫn ngạc nhiên. Bạn bè trên lớp, An chẳng thân thiết đến mức gửi tặng quà cho mình. Bà con họ hàng thì không thể vì họ đều ở xa và chẳng ai rảnh rang để nhớ đến một con bé mồ côi như An. Suy đoán một hồi, An mở ra xem. Bên trong là một thùng máy bay giấy. An đờ đẫn và biết ngay người gửi là Min. Chỉ có Min mới nghĩ ra sáng kiến này. Tấm thiệp nằm trên cùng, An mở ra để xem cậu nhóc viết gì. Chị viết điều ước lên cánh máy bay, mỗi ngày chị ném một chiếc, nó sẽ chở theo những khát vọng và cuốn trôi những muộn phiền. Còn nữa chị phải cười thường xuyên nhé. Không ngờ một cậu học sinh lớp 8 ham chơi hơn ham học lại có thể viết ra những dòng này. Đúng là không thể xem thường Min được. Trong tích tắc, An nhận ra mình chỉ là cô nàng thiếu niên 17 tuổi thôi mà, còn có cả khoảng trời xuân tươi đẹp phía trước. An rút cây bút chì từ trong cặp viết vài dòng lên cánh máy bay rồi ném qua ô cửa sổ. Thời khắc đó, An đột nhiên cảm thấy lòng mình nhẹ hẫng.
Tháng Ba đã qua lâu lắm rồi…
Chào chị quản lý, An lại đạp xe lòng vòng phố xá. Hoa trạng nguyên nhà ai nở rộ. Đông đã sang rồi. An hít thở bầu không khí se se lạnh của mùa đông, thích thú phát hiện ra rằng phong cảnh đường phố chiều nay sao đẹp lạ lùng. Từng vòng xe quay đều. Từng ngôi nhà ngói đỏ. Từng vỉa hè in bóng hoàng hôn. Bất chợt, An muốn về nhà.
An dựng xe ngoài sân, khoá cổng rào rồi chầm chậm lên gác. An thay bộ quần áo thoải mái nhất, quỳ gối bên cửa sổ. Màu trời lúc này đã chuyển sang tím thẫm. Dòng người bên dưới cũng vội vã hơn. Một chốc nữa đây họ sẽ về nhà, sẽ được đoàn tụ với gia đình, sẽ quay quần bên mâm cơm ấm cúng. Nghĩ đến đây, An thấy chạnh lòng nhưng chỉ một chút thôi. An xuống dưới bếp, đun nước sôi, bỏ trà vào bình. An làm thứ tự các bước mà mẹ An đã từng hướng dẫn. “Trà con pha đây, ba mẹ à…” An thì thầm. Mắt An đỏ nhưng An không nhỏ lệ. Nước mắt ấy thuộc về quá khứ, An phải cười cho hiện tại và hướng đến tương lai.
An kéo hộc tủ lấy ra chiếc kẹp tóc hình cánh sen mà mẹ tặng lúc An tròn 17 cài lên mái tóc mình. Sinh nhật An qua một ngày, tai nạn liền xảy ra. An ngắm mình trong gương, thấy môi mình cười nhẹ nhưng rực rỡ như nắng. Mẹ bảo An phải luôn luôn mỉm cười dù bão giông hay vấp ngã. Cả cậu học trò nghịch ngợm kia nữa. Có nhiều người yêu thương An vậy mà, An phải sống thật tốt chứ.
Hoàng hôn vừa kịp tắt, một chiếc máy bay được ném đi thật xa, mang theo đôi lời của An gửi đến ba mẹ nơi chốn thiên đường.
Bình luận
Chưa có bình luận