Tết đến tôi khoái nhất bánh chưng, bánh chưng rán lên vàng rụm cắn phều mỡ ra hai bên mép lại càng khoái. Nhưng bánh chưng nhất thiết phải chấm với mật, thứ mật mía vàng óng được mẹ “thắng” lên với vài nhánh gừng vừa thơm vừa ấm. Tôi lớn lên đi nhiều nơi, giờ lại sống hẳn ở Hà Nội. Hà Nội cũng chẳng phải nơi nào xa xôi lắm nhưng ở nơi này không ai ăn bánh chưng chấm mật cả. Có nhà chấm xì dầu, có nhà chấm tương ớt , có nhà lại nêm đầy đủ gia vị vào nhân bánh chưng. Mâm cỗ ngày Tết đầy ăm ắp những món ăn tinh hoa của người Tràng An vừa đẹp mắt vừa ngon miệng nhưng sao tôi cứ thấy thiếu vắng. Cắn miếng bánh chưng mà mồm miệng lạt thếch như người ốm kinh niên.
Lúc còn nhỏ, Tết đến thứ bọn trẻ chúng tôi trông chờ nhất không phải là được mua quần áo mới cóng hay mọi người được lì xì mà là những chai mật mía nút lá chuối khô, thơm phưng phức xếp vào cái chậu nước để ở góc buồng.
Ngày đó thiếu thốn đủ đường, bố mẹ lo cho ngày ba bữa ăn đã bở hơi tai nói gì đến đồng quà tấm bánh. Chúng tôi thèm ngọt kinh khủng. Nghe tiếng hàng kẹo kéo rao ngoài đầu ngõ chị gái kéo tay tôi hòa cùng đám trẻ trong xóm thành đàn đi theo sau. Mùi thơm ngọt ngào của đường mạch nha không làm cho cơn hảo ngọt giảm bớt trái lại càng ngửi nước bọt lại càng tứa ra,nuốt không kịp, chảy ra cả hai mép. Chúng tôi chờ Tết, chờ nếm mật mía như trẻ con thành phố chờ được ăn kem xanh kem đỏ ở nhà hàng Thủy Tạ vậy.
Ở quê tôi người ta rục rịch chuẩn bị tết từ tầm giữa tháng chạp, khi cái rét khô vừa tan. Nắng hửng lên rải một màu vàng cơm rượu xuống khoảng sân phơi kín nhưng nia bột nếp thì mẹ tôi bắt đầu trữ mật. Mật mía hồi ấy phải qua tận bên chợ Gẩu đánh về. Mật vốn nặng, đổ vào chai thủy tinh lại càng nặng hơn. Một chuyến sang Gẩu, người nào giỏi thì gánh được hai chục chai. Người nào yếu hơn thì xách được hai can năm lít đã là nhiều. Mang tới đầu làng người ta tranh nhau lấy hết. Mẹ tôi phải hẹn lên hẹn xuống mấy lần mới gom đủ mười chai mật, một nửa đi đơm Tết, một nửa để ăn tận ra Giêng.
Hôm nào thấy mẹ ăn cơm trưa xong, chỉ kịp thả bát đũa vào chậu rồi ngồi ngong ngóng ngoài đầu ngõ là chúng tôi biết mật bên Gẩu sắp về. Vừa thấy tiếng người lao xao mạn Cống Vòm, mẹ tôi đã bước thấp bước cao, cắp thúng bên hông đi ra lấy mật. Ba anh em tôi chạy theo sau, vừa chạy vừa nuốt nước bọt ừng ực, mắt sáng rỡ như pháo hoa đêm giao thừa.
Mật mía mua về, dù là hàng ngon hay là hàng "vớt” cũng sẽ được mẹ tôi “thắng” lại. Mật mía ban đầu ăn được đến hôm đón ông Bếp là đã bắt đầu lên men, mốc xanh lấm tấm trên nút lá. Còn mật đã "thắng” lên thì để tha hồ. Tới tháng giêng mưa phùn ẩm ướt, tháng ba hoa gạo nở đỏ rực cổng làng hay tới tháng tư rét nàng Bân đáo về. Lúc ấy đổ mật đã "thắng” kĩ ra bát, vẫn thoang thoảng mùi thơm ngọt ngào của Tết.
Chúng tôi háo hức mong chờ công đoạn “thắng” mật như đêm hăm chín đứng xung quanh xem bố dỡ bánh chưng. Những chai mật mía được đổ chung vào cái nồi gang lớn, mẹ thả vào đó mấy lát gừng nướng thái lát mỏng. Nồi mật chỉ được bắc lên bếp khi than vừa hồng tới. Bởi “thắng” mật phải mở vung, khuấy đều tay như người tay rây bột làm bánh răng bừa. Nếu bếp vừa nhóm, mật bị ám mùi khói khét không cẩn thận còn bay tàn tro vào lúc cời than thổi lửa. Mà nếu đặt nồi lúc đang ở nhiệt độ cao, không cẩn thận là lớp mật dưới đáy xoong bị bén ngay. Màu mật sẽ bị tối lại, đang từ “mật ngọt” liền trở thành “mật đắng”, và một người hơi mê tín như mẹ tôi thì điều đó không phải là điềm lành.
Trong căn bếp chật chội, mẹ tôi cẩn thận đổ mật ra chai.Chị gái tôi tay lăm lăm cái bát con. Chờ mẹ đổ gần hết nồi là ghé bát vào. Mẹ mắng vốn mấy câu rồi cũng rót cho chúng tôi nửa bát mật. Thế là sướng! Tôi nhảy chân sáo theo chị ra đầu hè, còn anh trai tôi vào nhà lấy mấy cái tăm xỉa răng đưa lên miệng cắn dập một đầu chia cho mỗi đứa một cái.Ba mái đầu trẻ con xúm xung quanh cái bát mật nhỏ. Chúng tôi dè sẻn chấm đầu tăm dập vào bát mật rồi cho vào miệng, mắt nhắm nghiền thưởng thức vị ngọt lật lưỡi của mật mía, của nỗi chờ mong, của sự thiếu thốn lan ra khắp gai lưỡi, thấm tận vào từng ngóc ngách trong tâm hồn. Đó mãi mãi là vị ngọt tuyệt vời nhất mà tôi từng được ăn, từng được nhớ.
Nhưng không phải năm nào mẹ tôi cũng mua được mật mía. Nhà tôi nấu rượu, Tết đến làm ngày làm đêm cũng không hết việc. Bố tôi với anh chị còn bươn bả ngoài đồng để kịp cấy vụ chiêm. Một mình mẹ vừa ủ men, nấu cơm rượu vừa chở rượu đến cho người ta. Bếp nhà tôi lửa lúc nào cũng đỏ hồng và trong nhà thơm nồng mùi cơm lên men. Tôi thèm mật muốn chết, thèm đến mức thấy cơm chẳng buồn ăn, đêm bồn chồn như người bị bệnh mất ngủ. Thế là nhân lúc mẹ tôi phơi men ngoài sân tôi múc nước cơm rượu ở các chum sành để quanh bếp ra uống. Cũng đã cơn thèm ngọt đấy, nhưng uống xong tôi say quắc cần câu ngủ một mạch tới tận chiều mai mới dậy!
Thấy nhà hàng xóm í ới gọi nhau lấy mật mà lòng tôi nóng như lửa đốt, cứ hở ra là nhắc mẹ. Mẹ ậm ờ rồi lại quên luôn. Tôi đâm ra giận lây cả mẹ. Mãi đến hăm sáu Tết, khi mẻ rượu cuối cùng đã nấu xong mẹ mới tất tả đi chợ Thiều. Mật mía độ này đóng cặn đường dưới đáy chai, màu vàng ngà, không còn ngon như giữa tháng chạp nữa. Nhưng dưới bàn tay mầu nhiệm của mẹ tôi, sau khi “thắng” lại vẫn ngọt đậm đà và thơm phưng phức.
Sau này đi học xa nhà, mỗi lần từ quê đi trong túi đồ của tôi ngoài rau dưa củ cải luôn luôn có thêm một chai mật mía và bốn cái bánh chưng. Có lần vội ra xe cho kịp, quên gì không quên lại quên đúng chai mật mía. Tới phòng trọ, tôi bóc bánh chưng ra mà hụt hẫng như bỏ quên ở đâu cả một khoảng trời ký ức.
Không có mật tôi đổ đường ra chấm tạm, nhưng bắt trước thế nào cũng không giống. Cảm giác lạo xạo của đường cát trong miệng đã phá hỏng toàn bộ hương vị, làm mình cứ phải nhai vội nhai vàng. Rồi cũng thử chấm mật ong. Chả ổn, cái tôi cần là vị ngọt đến lật lưỡi của mật mía chứ không phải cái ngọt thanh thanh, dìu dịu. Đang ngồi buồn bã với miếng bánh chưng còn dở thì tôi nhận được điện thoại cho mẹ: “Mẹ gửi mật ra rồi, liệu mà đón xe nhé.”Tôi rối rít cảm ơn mẹ, mừng chảy cả nước mắt.
Thời gian trôi qua, càng trưởng thành tôi lại càng hay hoài niệm. Cứ nhớ mãi buổi trưa không ngủ chạy theo mẹ ra cống Vòm lấy mật, về hương vị ngọt ngào nơi đầu que tăm cắn dập mà chẳng có thứ quà bánh nào có thể sánh được. Thế mới biết có những người xa quê lâu năm, sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn, vượt hàng ngàn ki lô mét để trở về, để được sống lại kí ức, để được thử hương vị đã theo họ từng ấy năm của cuộc đời..
Tôi cũng như họ. Tết mới dập dìu về trên những khóm cúc còn om nụ đã thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ tới bồn chồn cả ruột gan và nhớ làm sao miếng bánh chưng chấm mật, còn ngọt đến tận ngày tôi trưởng thành.
Bình luận
Chưa có bình luận