Giọng nói lảnh lót của trẻ con truyền vào trong tai. Chú Dũng vốn đã rất thích con nít nhỏ nhỏ dễ thương như vầy, nghe vào thích không chịu được, bàn tay liền ngo ngoe đưa ra nhéo má thằng bé.
“Ngoan quá đi.” Chú Dũng thật lòng khen.
Thằng Còi hơi sợ khi đối diện với khuôn mặt trông dữ dằn ấy, nó tránh né bàn tay “tàn ác” đang hành hạ hai má nó kia, mặt nhỏ càng vùi sâu vào hõm cổ chú Tâm chạy trốn.
Chú Tâm xoa nhẹ lưng thằng bé, cười lên an ủi bảo nó đừng sợ, giải thích cho nó biết ở đây đều là người nhà cả, ai cũng tốt tính thân thiện.
“Còn ba chú bên kia nhóc chưa chào này. Kia là chú Dưỡng, đây là chú Thành, đây là chú Sơn. Nhóc chào các chú ấy đi.”
Chú Tâm đào cái mặt nó ra khỏi người mình, để nó bắt đầu làm quen với mấy người còn lại.
Ba chú binh sĩ này tuy cũng là bộ đội như chú Dũng, nhưng mặt mày nhìn không dữ tợn bằng. Trong đó có chú Dưỡng trông còn rất thư sinh nho nhã, mắt mày hiền lành.
Thằng Còi coi bộ có hảo cảm với ba người bên này hơn.
Cái miệng bé xíu hơi nhoẻn, ngoan ngoãn chào: “Chào các chú ạ.”
Chú Dũng đứng bên cạnh thấy rõ sự phân biệt đối xử đó của nó, chú có phần bất mãn nên tỏ ra khó chịu, liền thẳng thừng chỉ vào thằng nhỏ phê bình: “Thằng nhóc này cũng đáo để đấy, thấy chú thì tránh như là phường gian manh ác bá, mà thấy các chú này thì cười tươi như thế đấy hả.”
Ai cũng biết chú Dũng là đang cố tình trêu thằng bé, chỉ đành bất lực lắc đầu ngán ngẩm. Tính cách này cũng trẻ trâu quá rồi.
Chú Dưỡng vỗ bốp một phát vào lưng chú Dũng, ngăn cản hành động như muốn bổ nhào vào thằng bé của chú ta, nghiêm giọng quở trách: “Anh có thôi đi không thì bảo? Mặt mày anh thế này bọn em nhìn còn sợ ấy chứ, nói chi là thằng nhỏ. Thôi thôi, anh đứng cách xa ra kia một chút đi.”
Chú Dưỡng sau khi xua đuổi người dù thân xác có lớn mà tư tưởng vẫn không chịu lớn này xong, mới quay sang nhìn thằng Còi dỗ ngọt: “Con đừng có sợ nha. Chú Dũng mà còn chọc con nữa, con cứ tìm chú Dưỡng, chú Dưỡng đánh chú Dũng thay con ha. Ngoan nè, đừng có sợ.”
Chú Dưỡng đưa tay vào trong túi áo lính lục tìm, lấy ra một viên kẹo chanh được gói trong vỏ bọc óng ánh. Chú đưa cho thằng Còi.
Thằng Còi trước giờ chưa từng thấy thứ nào đẹp đẽ đến vậy, đôi mắt to tròn đều bị thứ này thu hút. Dù rất muốn đưa tay nhận lấy, nó vẫn chần chừ quay lại nhìn chú Tâm, chờ đợi quyết định của chú.
Chú Tâm thấy nó hiểu chuyện như vậy, xoa đầu nó rồi ra hiệu để nó nhận lấy.
Lúc này thằng bé mới vui sướng đưa tay nhận kẹo.
Chú Dưỡng nhìn thấy không khỏi suýt xoa, ghen tị nói: “Em nhặt đâu được thằng “con” hời thế này, vừa ngoan vừa thông minh quá.”
Bên trong ánh mắt chú Dưỡng tràn nhập sự hâm mộ, đâu đó còn toát lên nỗi miên man buồn, nhưng rất nhanh đã được cảm xúc khác che giấu.
Chú Tâm phì cười, giúp thằng Còi xé mở gói kẹo, nhét viên kẹo vàng óng vào trong miệng nó, giải thích: “Con gì mà con anh ơi, anh đừng nói thế. Em thấy nó bơ vơ tội nghiệp nên để cho nó tạm theo vài hôm thôi, em chỉ để nó gọi em là chú. Đợi cho thời cuộc yên ổn rồi, em sẽ tìm một nhà dân nào đó tốt tốt để nó ở lại. Chứ mình thế này, sao để thằng bé bôn ba theo mình được, ngoài kia cũng không an toàn gì.”
Chú Dưỡng nghe vậy thì gật đầu đồng ý, tán đồng lời nói của chú Tâm: “Chú nghĩ như vậy là đúng đấy. Thằng bé nhỏ thế này sao đi theo mình hoài được, nó cũng có gia đình mà. Với lại mình còn hành quân làm nhiệm vụ đủ thứ, để một đứa nhỏ đi theo cũng không tiện.”
Chú Dưỡng xoa xoa mái tóc lởm chởm của thằng Còi, xót xa cảm thương: “Thằng bé này số cũng khổ thiệt chứ, mới bao nhiêu đâu đã gặp cảnh lang bạt thế này. Chiến tranh đúng là khốn nạn quá, làm khổ biết bao nhiêu người vô tội.”
Bầu không khí bỗng chốc trùng xuống, chỉ còn tiếng lửa “lách tách” trong màn đêm.
Chú Dũng luôn là người theo chủ nghĩa lạc quan, khó mà chịu đựng cảnh buồn rầu thế này. Chú ta đưa tay quàng lấy cổ chú Dưỡng, kéo ghì lại gần, cánh tay hơi siết kẹp chặt cổ chú, gằn giọng trách cứ: “Chú đó nha, có kẹo không chịu cho anh ăn. Mấy hôm trước anh xin chú chú còn bảo là đem về cho em chú, nhất quyết không chịu đưa ra, vậy mà giờ chú cho thằng nhỏ hả? Chú đối xử với anh thế mà xem được à?”
Chú Dũng còn khẽ cù cù vào cạnh sườn chú Dưỡng, làm chú Dưỡng bị nhột không thể nào ngồi yên, người cứ uốn éo cười lên khanh khách.
“Anh lớn già đầu còn hơn thua với con nít, đáng mặt đàn ông hả?” Chú Dưỡng khó khăn trốn thoát bàn tay gian ác kia, không chịu thua kém cãi lại.
Chú Dũng cười ha ha, mặt dày phản bác: “Anh cần gì cái mặt mũi không đáng đồng xu cắc bạc ấy làm gì. Với anh, ăn mới là thứ thiết thực nhất. Nào, chú còn kẹo đúng không? Mau cống nạp ra đây.”
Hai người một bên đùa giỡn ầm ĩ, làm bầu không khí nặng nề mau chóng được xua tan bớt đi.
Những người vây xem đều không nhịn được bật cười thành tiếng. Trong tiểu đội của bọn họ, luôn có những người làm trò để tăng bầu không khí vui vẻ thế này.
Chiến tranh luôn gian khổ và khốc liệt, ai biết bản thân mai này còn có thể ngồi bên nhau đùa giỡn như thế này được nữa hay không. Nên cứ vui lên được giây phút nào, cuộc đời sẽ bớt đi phiền muộn được phút giây ấy.
Lạc quan vui vẻ cũng tạo nên sức mạnh mà.
Chú Tâm cũng không nhịn được cười, cúi xuống nhìn thằng Còi đang nép trong lòng mình.
Khuôn mặt nhỏ xíu khẽ hiện nét vui vẻ tươi tắn, đôi mắt to tròn tò mò theo dõi hành động của hai người kia.
Chú đưa tay vỗ về tấm lưng còm cõi của nó, nhẹ giọng hỏi: “Nhóc có muốn đi ngủ chưa? Muộn rồi đấy.”
Thằng Còi dời tầm mắt từ hai người kia về phía chú Tâm.
Trong ánh sáng bập bùng của lửa trại, nó chăm chăm nhìn khuôn mặt đẹp tựa tranh vẽ của chú.
Đường hàm góc cạnh lại có phần mượt mà, không quá thô kệch và cứng ngắc. Mũi lại cao thẳng đều đặn, hài hòa trên khuôn mặt cương nghị, rắn rỏi. Mắt sâu lại có phần hẹp dài, bên trong đồng tử đen tuyền ẩn chứa đôi ba phần ngông nghênh, kiêu ngạo. Ánh sáng màu vàng cam của lửa đêm bao phủ trên đôi hàng mi dài, làm sự đanh thép đó trở nên thật nhu hoà, dịu dàng. Đôi lông mày dày rậm tô diểm, làm cho tổng quan khuôn mặt tăng thêm vài phần sắc sảo. Đôi môi thì cân xứng đều đặn với khóe miệng luôn hướng lên trên tạo cảm giác như luôn cười.
Và mỗi lúc đối diện với một ai đó, sự dịu dàng phóng khoáng toát lên trong chú luôn làm người đối diện sinh ra thiện cảm và muốn lại gần hơn.
Nó cảm thấy bản thân tựa như đang tự mình chiêm ngưỡng một vị hiệp sĩ trong bức tranh kiêu hùng nào đó. Những người hùng trong tranh ấy bất quá cũng giống vầy mà thôi.
Thằng Còi ngắm nhìn đến say sưa. Trong cái đầu nhỏ lúc này đang âm thầm in sâu từng đường nét một vào trong tâm trí.
Nó nhớ ra còn chưa trả lời câu hỏi vừa rồi của chú, lúc này liền gật gật cái đầu nhỏ, miệng lúc này cũng phụ hoạ theo ngáp ngủ một cái.
Đôi mắt đen láy phủ lên một tầng nước mỏng, càng làm tăng thêm sự long lanh trong veo cho đôi mắt.
“Đi, đi ngủ thôi.” Chú Tâm xốc nó lên, bế bổng thân thể nhỏ thó trên cánh tay hữu lực, đứng dậy tiến về một lều trại được dựng sẵn gần đó.
“Em với thằng bé ngủ trong này nhé. Khi nào thay ca các anh nhớ gọi em đấy.” Chú Tâm đưa tay chuẩn bị đóng màn cửa lều, cất giọng nói vọng ra bên ngoài.
Chú Dưỡng phất tay với chú Tâm, xuỳ đáp: “Thôi chú đi đường xa mệt rồi, cứ ngủ đi. Các anh em ở đây còn nhiều, ai thay cho chú mà không được. Yên tâm.”
Chú Tâm nghe vậy thò mặt ra khỏi lều, nhìn chú Dưỡng miệng còn cười tươi: “Vậy em cảm ơn các anh nhé, lần sau em thay cho các anh. Em với thằng nhỏ ngủ trước đây.”
Chú Dũng xua tay đuổi người, quay sang lầm bầm với những người khác: “Thằng này vậy mà còn khách sáo với anh em mình đấy. Có đáng đánh không nhở?”
Chú Tâm nghe được thì phì cười, không nói nữa chui ngược vào trong lều.
Chú biết các anh ai cũng thương chú như em út. Phần vì thấy chú nhỏ tuổi, muốn đỡ đần để chú bớt đi một phần mệt nhọc. Phần còn lại là do anh em tiếp xúc lâu ngày, hiểu nhau không khác gì người thân ruột thịt, mến tay mến chân nên tình cảm gắn bó.
Phần tình cảm sâu đậm này, chú sẽ luôn khắc sâu trong lòng.
Bên trong lều đã được trải một tấm bạt xanh, gấp vuông góc lót ở bên dưới. Mục đích là để khi nằm lên không bị đất đá ghim vào người.
Chú Tâm cho thằng Còi ngồi vào bên trong giữa, đưa tay cởi đôi dép cỏ chú tiện tay làm trên đường để cho nó mang ra, lấy khăn lau sạch sẽ mặt và tay chân thằng bé, rồi mới để nó nằm xuống ngủ. Còn chú cũng cởi bỏ bớt đồ đạc trên người, áo lính đang mặc trên người cũng cởi ra.
Ban đêm ở đây không lạnh và ẩm thấp như khi còn trong rừng, có chút hầm hầm hơi nóng. Ngủ mà mặc áo ra mồ hôi sẽ dính lưng không thoải mái. Nhưng chú Tâm chỉ dám cởi áo của mình, còn thằng Còi thì chú vẫn lấy áo khoác đắp lên cho nó. Các chú đều là lính ăn gió nằm sương đã quen rồi, còn nó là con nít, chú không dám qua loa.
Chiến tranh loạn lạc thế này, nó mà bệnh thì các chú không biết chạy đâu tìm thuốc để mà cứu chữa, vậy thì hết sức nguy hiểm.
Thằng Còi thấy chú Tâm đã nằm xuống, liền nhích nhích người sát lại nằm gần, bàn tay bé xíu khẽ quàng lên cánh tay chắc nịch của chú. Nó không dám làm mạnh, như sợ chú Tâm nhận ra sẽ chửi nó, chỉ dám rón rén khe khẽ quấn lấy người ta.
Nhưng suy tính non nớt ấy làm sao qua mắt được người trưởng thành, chú Tâm thấy hành động lén lút đó của nó chỉ thấy buồn cười, liền thật sự cười ra tiếng.
Tiếng cười bất ngờ của chú làm nó giật mình hoảng hốt, đôi mắt đen trợn tròn không làm sao dám di chuyển, bàn tay cũng cứng đờ bất động để một bên.
Chú Tâm biết nó là đang thấy bất an, sợ chú bỏ nó đi mất nên mới luôn quấn lấy mình. Trong lòng chợt nhớ đến cô em gái nhỏ ở quê nhà cũng chạc tuổi của nó, lại mủi lòng thương thương.
Chú Tâm kéo nó lại, cho nó nằm lên trên người mình, để nó nằm úp sấp trên ngực chú.
Bên tai nó là từng tiếng tim đập vững vàng của chú Tâm, từng tiếng nhịp nhàng vang dội, mang lại hiệu quả như thôi miên, nó cảm thấy mí mắt thật trĩu nặng. Càng lúc càng nặng nề.
Chẳng bao lâu sau, nó rất nhanh đã lạc vào trong giấc mộng yên ả.
Bình luận
Chưa có bình luận