I. Chim Yến


“Lạy ông, lạy bà cưu mang con với. Con đói lắm. Cha mẹ con đều chết hết cả rồi…”


Đứa trẻ đó tầm chín tuổi, một tay ôm manh chiếu rách, một tay bưng chiếc bát mẻ, đi lững thững trên con đường chất đầy những người khốn khổ như nó. Nó gầy nhô xương, hốc mắt trũng sâu, đôi gò má hóp lại. Miệng của nó lẩm bẩm, nhắc đi nhắc lại một câu mà chẳng ai nghe rõ là gì. Có người thương tình, chia cho nó nửa bát cám. Đứa trẻ bưng bát cám đưa lên miệng, chưa kịp ăn đã lăn ra đường chết đói mất rồi. 


An Nam ngồi trong xe hơi, nhìn cảnh tượng diễn ra bên ngoài khung cửa kính, thinh lặng như một quả bom nguyên tử. Nàng châm cho mình một điếu thuốc, vô tình đốt cháy cả hoàng hôn. Ánh mặt trời lọt qua khung cửa, phủ lên gương mặt của nàng, tạo thành một vầng bán nguyệt màu hổ phách. Mùi khét của thuốc lá ngập ngụa trong không gian chật hẹp, hòa quyện với sự hoang tàn thoát ra từ buồng phổi của nàng. Vào một buổi chiều của tháng Tám, An Nam kể cho tôi nghe câu chuyện về loài chim yến.


“Ở quê hương của Adélard có chim yến không?” Nàng bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi.


Tôi ngẫm nghĩ, lắc đầu.


“Không có đâu.” Tôi đáp. “Có lẽ vẫn có những con chim yến ở Pháp, nhưng ở nơi tôi sinh ra thì không.”


“Ở nơi đây có rất nhiều chim yến.” Nàng nói với chất giọng nhỏ nhẹ, hơi khàn khàn, như người mới ốm dậy. “Mẹ của em vẫn hay kể cho em nghe về loài chim ấy. Chúng là một loài chim hiền lành và yếu ớt, thường làm tổ ở những vách đá cao để tránh xa nguy hiểm. Chim yến sống rất thủy chung. Khi chim trống gặp chim mái, cả hai sẽ cùng tìm một nơi để xây tổ, đẻ trứng và chăm sóc con cái ở đó. Cả đời chim yến không bao giờ rời xa chiếc tổ của mình. Thế nhưng tổ yến lại là một món ăn đắt giá. Luôn có những con người tham lam trèo lên vách đá để tìm tổ yến. Khi tìm thấy, họ sẽ quăng những quả trứng ra ngoài và cướp chiếc tổ đi. Chim yến mẹ bay đi kiếm ăn từ sáng, tới chiều quay về thì thấy chiếc tổ đã không còn. Nó lượn xuống vách đá và nhìn thấy những đứa con đã chết. Đau đớn và gục ngã, nó bay vòng quanh, kêu lên những tiếng thê lương. Cuối cùng vì không chịu nổi mất mát, nó lao đầu vào vách đá nơi chiếc tổ từng tồn tại để tự sát. Chim yến cha trở về, nhìn thấy cảnh đó cũng lao đầu vào vách đá chết theo yến mẹ. Đó là lý do tại sao trên những vách đá cao ở nơi đây hay có những vệt máu đen nhỏ xíu.”


Nàng chợt dừng lại để ngẫm nghĩ về một điều gì đó. Sau một lát, nàng mở miệng hỏi tôi:


“Nếu là một con chim yến, anh có yêu chiếc tổ của mình không?


[...]


Đã ba mươi năm qua đi và tôi vẫn còn nhớ rõ những thứ đã xảy ra vào ngày hôm ấy. Tôi nhớ mùi thuốc quyện với mùi xăng xe cháy khét, nhớ ánh chiều tà trên gương mặt của đứa trẻ gục chết bên lề đường, nhớ tiếng chó sủa văng vẳng vọng tới từ một nơi nào đó… Thế nhưng tôi lại không thể nhớ ra gương mặt của nàng. Tại sao tôi lại quên được cơ chứ? Ngay khi ngồi viết ra những dòng chữ này, tôi đang cố gắng nhớ lại gương mặt nàng. Tôi vẫn nhớ đôi môi của nàng đẹp ra sao, vẫn nhớ chiếc mũi của nàng cao thế nào, vẫn nhớ làn da trắng cùng đôi mắt xanh như lục bảo… Từng bộ phận trên gương mặt nàng tôi đều nhớ rõ. Thế nhưng khi tôi cố gắng kết hợp những hình ảnh ấy lại với nhau thì không được. Những mảnh ký ức của tôi không chịu hòa hợp. Chúng cứ đùn đẩy nhau như đống nam châm cùng một cực từ. Mỗi lần nhớ tới gương mặt của An Nam, tôi đều thấy một vùng tối đen xuất hiện ở đó. Vùng tối ấy cứ lớn dần lên theo thời gian, và rồi tôi chẳng thể nào nhớ ra gương mặt của nàng nữa. 


Điều kỳ lạ là cùng với sự biến mất của gương mặt An Nam, câu chuyện về loài chim yến nàng từng kể lại càng trở nên rõ rệt. Ban đầu câu chuyện ấy chỉ giống như tiếng thì thào trên một ngọn đồi lộng gió chẳng biết tới từ nơi nào, về sau trở nên văng vẳng như thể môi nàng đang kề sát bên tai tôi vậy. Lúc nàng kể câu chuyện về loài chim yến, tôi còn chẳng để ý tới. Lý do là vì khi ấy tôi đang yêu nàng say đắm. Tôi ngồi ở ghế lái và ngắm nhìn nàng qua lăng kính chiếu hậu. Trong đôi mắt tôi là gương mặt xinh đẹp của nàng, bầu vú căng tròn dưới chiếc áo dài của nàng, chiếc cúc áo cài hờ hững như chờ được ai đó cởi ra… Tôi bị nàng quyến rũ tới mức chẳng thể để ý tới mọi thứ xung quanh. Ấy thế mà sau ba mươi năm, thân hình bốc lửa cùng khuôn mặt diễm lệ từng khiến tôi mê mệt không còn nữa. Những hình ảnh về nàng trở nên rời rạc và lỏng lẻo, dần biến mất chẳng còn gì. Thứ tồn tại vĩnh hằng trong tâm trí tôi lại là cảnh tượng những con chim yến lao đầu vào vách đá. 


Yến vốn dĩ chỉ là một loài chim, không có cảm xúc và suy nghĩ giống như con người. Việc chim yến tự sát vì mất đi tổ ấm là một điều rất phi lý - tôi biết. Tôi hoàn toàn có thể nhận ra những điểm kỳ lạ trong câu chuyện của nàng. Thế nhưng không hiểu tại sao tôi lại hoàn toàn tin tưởng vào câu chuyện mà nàng kể. Tôi tin là có một loài chim như thế, có những vách đá với những vệt máu đen nhỏ xíu như thế. Đã có rất nhiều lần tôi mơ thấy mình là một con chim yến. Tôi chao đảo trong trời chiều đỏ rực, nghe tiếng gió rít, cảm nhận nỗi tuyệt vọng đang bao phủ tâm trí. Tôi nhìn vách đá ở phía trước như tìm thấy một sự giải thoát. Và rồi tôi lao thẳng đầu vào đó. Bên cạnh tôi là hàng ngàn, hàng vạn con chim yến khác cũng đang làm điều tương tự. “Nhưng chim yến thì có liên quan quái quỷ gì tới nàng kia chứ?” Lần nào thức dậy tôi cũng giận dữ với bản thân mình. Sự thật là tôi không thể nhớ ra nàng. Tôi lo sợ tới một ngày nào đó đến cả tên của nàng tôi cũng quên đi mất. Nếu như nàng trở thành một người đàn bà lạ mặt trong giấc mơ của tôi thì sao đây? Tôi cảm thấy khi ấy cuộc sống của tôi sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. 


Những thứ chân thật luôn rất khó để diễn tả bằng lời, viết ra lại càng khó hơn nữa. Tôi không biết mình đang tìm kiếm điều gì trong dòng chảy của những con chữ hỗn độn này. Có thể tôi muốn biết chúng sẽ đưa tôi tới đâu. Cũng có thể viết là một cách để tôi trốn tránh những mất mát ở thực tại, đi tới một thế giới khác.


Một nơi mà nàng vẫn còn hiện diện.


II. Nàng


Vào những năm 1920, Việt Nam là thuộc địa của đế quốc Pháp. Người Pháp tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam. Họ cướp bóc tài nguyên, nô lệ hóa dân bản địa, mang tới rượu cồn và thuốc phiện, biến Việt Nam thành chốn ăn chơi hưởng lạc. Mẹ của An Nam vốn là ảo đào, vì thời thế mà phải trở thành gái điếm. Bà có thai với một khách làng chơi người Pháp, sau chín tháng mười ngày thì sinh ra nàng. Ngay từ nhỏ An Nam đã phô diễn ra vẻ đẹp của mình. Nàng mang trong mình hai dòng máu, sở hữu chiếc mũi cao ngất cùng đôi mắt xanh như ngọc lục bảo trên gương mặt mang đậm nét Á Đông. Cũng vì điều này nên những đứa trẻ trong ngõ chẳng ưa gì nàng. Chúng thường hay ném đá và phân trâu vào người nàng, nói gương mặt của nàng giống như bọn “mắt xanh mũi lõ”. Nàng rất sợ đám trẻ đó, không muốn chạm mặt chúng. Thế nhưng ngôi nhà của nàng nằm ở sâu trong ngõ, chẳng có cách nào để nàng tránh né chúng được. Mỗi khi thấy nàng quay trở về nhà với cơ thể bầm tím cùng bộ quần áo hôi thối bẩn thỉu, mẹ của nàng đều đánh nàng, mắng nàng, tắm rửa sạch sẽ cho nàng rồi ôm nàng vào lòng. Bà vuốt ve gương mặt xinh đẹp của nàng - thứ giống bà đến tám phần mười, khóc nức nở rồi nói rằng: “Hồng nhan bạc phận”.


Cơ thể của An Nam bắt đầu có đường nét khi nàng lên mười lăm tuổi. Khi ấy, tất cả những vẻ đẹp đang ngủ yên trong trong cơ thể nàng bỗng dưng bị đánh thức, phô diễn ra toàn bộ hình hài của chúng. Đôi mắt của nàng xanh hơn, sống mũi cao hơn, gương mặt thanh tú bớt đi vẻ non nớt. Vú của nàng nhô lên sau lớp áo, khiến cơ thể nàng toát ra dáng vẻ quyến rũ, đậm vị thiếu nữ. Thứ sắc đẹp nàng sở hữu khiến cho những gã trai mới lớn trong ngõ - những kẻ từng bắt nạt nàng - không thể ném đá và phân trâu lên người nàng được nữa. Giờ đây nàng đã trở thành một bức tượng tuyệt mĩ được tạc từ bàn tay của một nhà điêu khắc đại tài, không thể bị vấy bẩn. Mỗi khi An Nam đi qua cổng nhà, những gã trai đều dõi theo nàng với gương mặt đờ đẫn như thể linh hồn đã bị rút ra khỏi thân xác. Cha mẹ của chúng rất lo lắng, đồn đoán với nhau rằng An Nam là thứ ma quỷ chuyên đi hút hồn vía của đàn ông. Những lời đồn tới tai của mẹ nàng. Bà chửi mắng nàng thậm tệ. Mặc dù chính bà cũng không hiểu tại sao bản thân lại làm như vậy. Đối với sự đàm tiếu bên ngoài cùng những lời chửi mắng của mẹ, An Nam không tỏ ra buồn lắm. Hoặc giả là nàng có buồn nhưng không thể hiện ra bên ngoài. Tính cách của nàng vốn cao ngạo, trước giờ vẫn vậy.


An Nam mất đi sự trong trắng vào một buổi chiều âm u. Có đôi khi, nàng vẫn hay nhìn bầu trời qua lớp kính xe và kể cho tôi nghe về sự âm u của nó. 


“Mẹ của em không ngủ với đàn ông ở ngôi nhà của mình, nhưng thi thoảng họ vẫn tìm đến bà trong men say chếnh choáng.” Nàng nhìn bầu trời và kể lại. “Người đàn ông đó hơn em tới hai mươi tám tuổi. Ngày hôm ấy, ông ta tới tìm mẹ của em nhưng bà không có ở nhà. Sắc đẹp của em đã khiến thú tính trong người ông ta bộc phát. Ông ta vồ lấy em, xé tung chiếc áo trên người em, ngấu nghiến thân xác em như một con hổ bị bỏ đói lâu ngày. Lúc ông ta đi vào trong, em đã đau tới chết đi sống lại. Em cắn răng chịu đựng, không nói một lời nào cả. Mẹ của em trở về khi người đàn ông kia đã giày vò chán chê cơ thể em. Bà bình thản nhìn ông ta hãm hiếp em hết lần này tới lần khác, không hoảng loạn, cũng không tức giận. Sau khi ông ta xong việc, bà chỉ bảo ông ta hãy trả tiền. Kể từ đó, em biết thế nào là nghề điếm.”


Vào năm 1944, Nhật và Pháp tranh giành lợi ích trên đất nước Việt Nam. Nhật bắt nông dân nhổ lúa trồng đay để giải quyết nạn thiếu vải, trong khi Pháp muốn tích trữ lương thực để chuẩn bị cho chiến tranh. Chính sách bóc lột của hai đế quốc, cộng với thiên tai lũ lụt khiến cho miền Bắc của Việt Nam trải qua một nạn đói khủng khiếp. Cuộc sống của hai mẹ con An Nam rơi vào cảnh khốn cùng. Hầu hết đồ đạc trong nhà nàng đều phải mang đi bán để mua gạo, chẳng còn thứ gì cả. Mẹ của nàng vốn bị bệnh giang mai, không có tiền chạy chữa. Bà chết vì kiệt sức khi nhường lại nắm gạo cuối cùng trong hũ cho nàng ăn. An Nam muốn chôn cất mẹ nhưng trong nhà không còn tiền. Nàng không có người thân để vay mượn. Hàng xóm xung quanh cũng hắt hủi hai mẹ con nàng, không thể nhờ cậy được. Rất may có một khách làng chơi đã nhớ tới đoạn tình cảm xưa cũ với mẹ của nàng, đứng ra lo ma chay cho bà. Đám tang vừa xong, người khách làng chơi kia đòi ngủ với nàng. Nàng đáp ứng yêu cầu ấy như một cách để trả nợ ân tình. Ông ta đè nàng xuống đất, ngay trước bài vị của mẹ nàng, lúc ba nén nhang trên bát hương còn chưa cháy hết, để rồi cụt hứng khi biết nàng đã mất đi sự trong trắng. Ông ta lẩm bẩm trong miệng của mình rằng: “Phí tiền phí của”. Sau khi người đàn ông rời đi, nàng ôm lấy cơ thể trần trụi, ngồi một mình trong căn nhà xập xệ với những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má. Nàng nói với tôi đó là lần duy nhất mà nàng khóc. 


Mẹ của An Nam để lại cho nàng một bộ áo dài ngũ thân của ả đào. Khi còn sống, bà rất trân quý bộ áo dài ấy. Bà từng mặc bộ áo dài để đi hát, và cũng từng mặc bộ áo dài để ngủ với những đàn ông xa lạ. Trước khi chết, bà gọi nàng tới bên giường và dặn dò rằng: “Dù có khó khăn đến mấy cũng không được bán bộ áo dài ấy đi. Bởi vì chỉ cần con rửa mặt mũi cho sạch sẽ rồi mặc bộ áo dài ấy lên, những người đàn ông muốn ngủ với con sẽ trả cho con nhiều tiền hơn một chút.” Một thời gian sau sau đám tang của mẹ, An Nam khoác bộ áo dài ngũ thân lên người, chính thức trở thành một ả điếm. Nàng bước xuống phố với đường xẻ áo hai bên hông đầy khiêu khích, khiến cho những người đàn ông phải dõi theo bằng ánh mắt thèm khát, tràn đầy dục vọng. Việc này khiến cho những người phụ nữ trong phố huyện ghét nàng ra mặt. Mỗi khi thấy nàng đi qua, họ sẽ nhổ miếng trầu đang nhai xuống đất, miệt thị nàng bằng những từ ngữ rất khó nghe, đôi khi còn ném những thứ không sạch sẽ vào người nàng. An Nam chẳng bao giờ quan tâm tới những lời lẽ, hành động sỉ nhục hướng về mình. Nếu áo bị bẩn thì nàng sẽ tới bờ sông để gột cho sạch. Gột cho sạch xong, nàng lại tiếp tục bước đi trên phố, bán đi thân xác để nuôi sống bản thân. Điểm quyến rũ nhất của An Nam không nằm trên cơ thể mà nằm trong tính cách của nàng. Nàng diễn lệ như hoàng hôn trên cung điện Versailles; nàng cao ngạo như tiếng chuông trên nhà thờ Đức Bà; nàng lạnh lùng như tuyết phủ trên dãy núi Alps; thế nhưng chỉ cần bỏ ra vài đồng bạc, tất cả những người đàn ông trên cõi đời đều có thể có được thân xác của nàng. Ấy là một sự cám dỗ khó lòng cưỡng lại được. “Thời buổi loạn lạc, cơm còn chẳng đủ ăn, tiền đâu mà đi chơi gái.” Những người đàn ông hay nói đùa với nhau như thế vào ban ngày, tới ban đêm lại mò tới nhà nàng. Dáng vẻ kiêu sa của An Nam kích thích bản năng chinh phục bên trong con người họ, khiến họ khao khao khát được lột chiếc áo dài tượng trưng cho đức hạnh trên thân thể nàng ra. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, họ không bao giờ thừa nhận chuyện ấy. Họ không muốn thừa nhận rằng đã bị ám ảnh về nàng, đã tìm đến nàng, đã ngủ với nàng, đã trả tiền cho nàng… Họ giả vờ lãng quên tên của nàng trong những câu chuyện nơi đầu đường cuối hẻm. Nếu chuyện ngủ với nàng bị lộ ra, họ sẽ nói do bản thân bị dụ dỗ, sử dụng lời đồn đại nàng là ma quỷ xưa kia để bao biện, đổ hết toàn bộ tội lỗi lên đầu nàng. Những người đàn ông không chấp nhận An Nam là một người đàn bà từng xuất hiện trong cuộc đời của mình.


Lời đồn về một con điếm xinh đẹp và cao ngạo lan truyền trong phố huyện. Vì sự khác biệt của mình, cái tên “An Nam” được nhắc tới như tên của một loài ma quỷ. Vào mỗi buổi sáng, những người phụ nữ trong phố huyện vẫn dí ngón tay vào trán của chồng mình rồi nói rằng: “Thấy nó đi qua thì cấm không được nhìn nó. Không bị nó bắt mất hồn vía thì không ai cứu được đâu”. Những người đàn ông gật đầu như gà mổ thóc, thế nhưng trong đầu lại nghĩ tới bộ ngực căng tròn cùng dáng đi yểu điệu của nàng. Cho tới khi bị ám ảnh, thèm khát thân xác của nàng tới mức không chịu nổi nữa, họ sẽ thừa lúc vợ của mình đi vắng, hoặc là viện cớ đi đâu đó để tới gặp nàng. An Nam ra giá không cao lắm. Nếu không có tiền thì chỉ cần lưng bát gạo thôi cũng đủ để ngủ với nàng rồi. Họ trộm gạo của nhà rồi mang đi. Thời buổi gạo đắt như vàng, từng nắm gạo trong nhà đều phải đong đếm kỹ, đương nhiên việc này không qua mắt được những người vợ. Và thế là An Nam càng bị thù ghét nhiều hơn nữa. Những người phụ nữ tụ họp với nhau, tìm tới nhà, đụng tay chân với nàng. Họ nắm tóc nàng, tát nàng, đạp chân vào người nàng. Họ nói sẽ đập chết nàng rồi quăng xác xuống sông. Có điều chẳng ai dám làm cả. Thế là An Nam vẫn sống. Nàng sống với chiếc áo dài mẹ để lại, với sự đày đọa trên thân xác và linh hồn mình.


Mọi chuyện chỉ thay đổi khi An Nam gặp được ngài Công sứ. Ngày hôm đó, nàng đang đi trên phố thì bị chặn lại bởi một mụ địa chủ. Nàng đã ngủ với chồng của mụ. Mọi chuyện bị vỡ lở nên mụ tới tìm nàng. Hai tên tay sai đi theo mụ đẩy nàng ngã xuống đường, dùng chiếc đòn gánh mang trên tay để đánh đập nàng. An Nam thu mình lại, chịu đựng những cú đập tới tấp xuống thân thể vốn yếu ớt. Nàng đau lắm. Nàng kêu lên những tiếng thê lương, nhưng chẳng có ai thương xót cho số phận của nàng. “Đánh chết nó đi cho tao. Thời buổi này mạng người chẳng đáng đồng bạc.” Mụ địa chủ gầm lên trong cơn ghen tuông, đúng lúc ngài Công sứ đi ngang qua. Vừa nhìn thấy gương mặt của An Nam là ngài Công sứ đã bị nàng mê hoặc. Ông ta ra lệnh cho lính cản hai tên tay sai của mụ lại, đỡ nàng dậy và hỏi thăm nàng.


“Cô có sao không?” Ngài công sứ hỏi.


“Tôi không sao. Cảm ơn quan lớn.” Nàng nén đau, đáp lại từ tốn.


Ngài Công sứ cười, ngắm nghía, gật gù. Ông ta ra lệnh cho lính dẫn mụ địa chủ cùng hai tên tay sai của mụ tới. Mụ địa chủ bị ép quỳ trước mặt nàng, bị phạt vả miệng vì tội gây rối. Từng cú bạt tai liên tiếp giáng xuống gương mặt của mụ. Miệng của mụ chảy máu, hai má sưng vù. Mụ sợ tới mức mặt cắt không còn một giọt máu, không dám ho he câu nào cả.


“Làm vậy cô đã hài lòng chưa?” Ngài Công sứ hỏi. 


“Cảm ơn quan lớn.” Nàng đáp. “Tôi rất hài lòng.”


Ngài Công sứ ôm An Nam vào lòng, lấy cớ phủi bụi bẩn trên quần áo để xoa nắn khuôn ngực của nàng giữa thanh thiên bạch nhật. Nàng để mặc cho ông ta làm thế. Nàng ngẩng đầu lên, đưa đôi mắt xuống, liếc nhìn mụ địa chủ với dáng vẻ cao ngạo vốn có của mình. Chức vụ Công sứ thời kỳ đó còn lớn hơn quan Tri huyện. Khoảnh khắc được ngài Công sứ ôm vào lòng, thân phận của nàng đã thay đổi.


III. Tôi


Tôi không lớn lên cùng An Nam. Tất cả những gì tôi biết về quá khứ của nàng đều thông qua những lời mà nàng kể. Lúc còn ở bên cạnh tôi, An Nam từng nói rất nhiều thứ. Tôi ghi nhớ chúng, viết lại bằng trí tưởng tượng của mình.


Tôi tên là Adélard, sinh ra tại một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Senie thuộc xứ Langres của nước Pháp. Năm mười tám tuổi, tôi nhập ngũ, đi theo Quân đội viễn chinh Pháp tới xâm lược đất nước của nàng. Là một người lính nhưng tôi lại là một kẻ hèn nhát. Lúc còn nhỏ, tôi từng chứng kiến cảnh cha tôi mất mạng khi đang sửa chữa khẩu súng săn. Ông nhìn vào trong nòng súng, kiểm tra xem điều gì đã làm những viên đạn bay chệch hướng, và rồi kim hỏa bỗng dưng đánh lửa. Kể từ giây phút đó, tôi bị ám ảnh với nỗi sợ súng và cái chết. Sau khi tới Việt Nam, tôi không dám cầm súng chiến đấu cho dân tộc của mình. Bằng sự khôn khéo của bản thân, tôi học tiếng việt, trở thành lái xe kiêm phiên dịch viên cho ngài Công sứ. “Lái xe kiêm phiên dịch viên” là một chức vụ rất đặc biệt. Tôi ngay lập tức nhận ra điểm kỳ dị của chức vụ ấy - thứ mà đa phần mọi người không để ý tới - khi biết đến sự tồn tại của nó. Đó không phải là một chức vụ quá cao. Thế nhưng khi biến cố xảy ra, tôi có thể bỏ chạy cùng ngài Công sứ mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Một chức vụ dành cho kẻ hèn nhát. Một chức vụ dành cho tôi.


Ngài Công sứ nắm giữ quyền lực tuyệt đối ở nơi ông ta nhận công tác. Ông ta si mê An Nam, và sẽ chẳng có một ai cản trở việc ông ta lên giường với nàng được. Tuy nhiên, khi ấy ngài Công sứ đang được xem xét để thăng chức lên Chuẩn Tướng. Việc thường xuyên qua lại với một con điếm người Việt sẽ tạo ra những điều tiếng không hay, gây bất lợi tới tiền đồ của ông ta. Chính vì thế, ông ta cần giấu mối quan hệ với nàng ở trong bóng tối. Ông ta cần một người đưa nàng đến ngôi biệt thự nơi ông ta làm việc, và cần một người đưa nàng đi sau khi đã thỏa mãn dục tính của mình. Người đó không ai khác ngoài tôi - tên lính lái xe thân tín của ông ta. Tôi hèn nhát, biết giữ mồm miệng, là một người mà ông ta có thể tin tưởng được.


Vào một buổi chiều nọ, ngài Công sứ ra lệnh cho tôi đưa một người phụ nữ tới ngôi biệt thự. Bởi vì đã được dặn dò rằng phải tuyệt đối giữ bí mật nên tôi rất cẩn thận. Tôi chọn lúc vắng người, nhẹ nhàng đánh xe khỏi bãi đỗ, khéo léo như một con chuột đi ra khỏi chiếc cống của mình. Tôi lái xe lòng vòng qua một vài nơi trong phố huyện, đề phòng có người theo dõi, sau đó mới đi tới địa chỉ được thông báo. Nơi tôi đến là một ngôi nhà rách nát nằm sâu trong con ngõ nhỏ. Tôi đỗ xe ở ngoài ngõ, đi bộ vào bên trong. Và tôi gặp nàng. Nàng ngồi trước hiên nhà, soi bóng trong chum nước, nghiêng đầu chải tóc. Vẻ đẹp của nàng khiến cho tôi phải ngơ ngẩn. Trong thoáng chốc, tôi tưởng rằng mình đã trở về ở quê hương, nơi có ngôi làng nhỏ nằm cạnh bờ sông Senie xinh đẹp. Và nàng chính là bông hoa Diên Vĩ rực rỡ nhất đang soi bóng bên bờ sông Senie ấy. Trong đầu tôi lúc ấy đã diễn ra một phiên tòa xét xử. Tôi là một tội nhân, phải đối diện với vị quan tòa ngồi trên cao. Vị quan tòa cầm búa gõ xuống mặt bàn, phát quyết tôi án tù chung thân, sẽ bị giam cầm mãi mãi trong đôi mắt của nàng.


“Anh là ai?” Nàng hỏi. “Tại sao lại ở đây?”


Tôi cũng tự hỏi chính mình những câu hỏi đó. 


“Tôi tới đưa nàng tới gặp ngài Công sứ.” Tôi nói sau một lúc lâu thinh lặng.


Kể từ sau lần gặp mặt đó, hầu như tôi chỉ nghĩ về nàng. Ngài Công sứ gặp nàng vào ngày thứ Ba và thứ Bảy. Và thế là tất cả những ham muốn trần tục của tôi đều hướng về hai ngày đó. Tôi muốn thời gian trôi thật nhanh để được gặp nàng. Sau khi gặp nàng rồi, tôi lại muốn thời gian trôi thật chậm để được ở bên cạnh nàng nhiều hơn nữa. Lúc trở ra từ ngôi biệt thự, có đôi khi nàng không muốn trở về nhà. Nàng nhờ tôi đưa nàng tới phiên chợ. Ở nơi đó, nàng sẽ chống tay vào cằm, nhìn đồng bào của mình bên ngoài khung cửa kính, suy nghĩ tới một điều gì đó, mặc kệ cho tôi nhìn ngắm. Ấy là những giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Và dường như nàng nhận ra điều đó. Khi ánh mắt của tôi và nàng chạm nhau qua chiếc kính chiếu hậu gắn bên trong chiếc xe, nàng sẽ yêu cầu tôi đưa nàng về. Nàng chẳng hề thích tôi, đó là điều khiến tôi đau đớn nhất. Nói một cách chính xác, An Nam không thích những kẻ đã dày xéo lên quê hương của nàng. Mãi về sau này khi mối quan hệ giữa tôi và nàng đã trở nên thân thiết, nàng mới nói cho tôi nghe về điều đó. Nàng kể lại rằng khi xưa từng có nhiều người ngoại quốc tìm tới nàng. Họ trả cho nàng cái giá rất cao, thế nhưng nàng không chấp nhận một người nào cả. Đó là nguyên tắc của nàng. Có lần nàng lọt vào mắt của một toán lính Nhật. Chúng đòi ngủ với nàng nhưng bị nàng từ chối, thế là chúng cưỡng ép nàng. Toán lính kéo nàng vào trong một con hẻm và hãm hiếp nàng ở đó. Xong việc, chúng ném cho nàng vài đồng bạc Đông Dương rồi phỉ nhổ vào cơ thể của nàng. An Nam nằm im trên nền đất với gương mặt bầm tím, nhìn trân trân vào những đồng bạc trước mắt. Sau khi đám lính rời khỏi, nàng nắm lấy những đồng bạc đó rồi ném đi. 


“Cho dù làm đĩ, em cũng chỉ làm đĩ cho dân tộc của em.” Nàng nói.


Sau khi trở thành người của ngài Công sứ, cuộc sống của An Nam hoàn toàn thay đổi. Nàng không còn phải đi lang thang trên phố quyến rũ đàn ông để kiếm sống, nhận được sự kính nể từ những người xung quanh mình. Ngài Công sứ nói sẽ lo cho nàng tất cả mọi thứ, với điều kiện là nàng phải từ bỏ nghề điếm, không được ngủ với bất cứ người đàn ông nào khác ngoài ông ta. Nàng chấp nhận yêu cầu đó. Thế nhưng, một cơ thể rệu rã vì thuốc phiện dường như không thể thỏa mãn được dục tính của nàng. Một thời gian sau khi quen biết ngài Công sứ, từng lần rời khỏi ngôi biệt thự là từng lần nàng mỏi mệt. Nàng thèm khát một thứ gì đó. Bên trong cơ thể nàng như có một con thú đói khát đang gầm rú, chỉ chực chờ xé nát lớp da thịt để thoát ra ngoài. Và rồi nàng phá vỡ thỏa thuận.


Vào khoảng thời gian Nhật chuẩn bị đảo chính Pháp tại Đông Dương, tình hình chính trị, xã hội biến động rất căng thẳng. Ngài Công sứ trở nên bận bịu, không có thời gian để gặp nàng. Chuyện đó cũng đồng nghĩa với việc tôi không được gặp nàng nữa. Ấy một việc bất khả khi với sức chịu đựng của tôi lúc bấy giờ. Vào một đêm nọ, tôi đầu hàng nỗi nhớ nhung và chạy đi tìm nàng. Ánh trăng phủ lên mặt đường thứ màu sắc lạnh lẽo và ma mị. Tôi vượt qua hai con phố, đi tới con ngõ nhỏ. Khi tới căn nhà xập xệ của nàng, tôi bắt gặp một người đàn ông đi ra từ đó. Anh ta nhỏ người, gầy như một que củi, đôi mắt rất có thần, sáng quắc trong đêm đen, chỉ cần nhìn qua một lần là sẽ không thể quên được. Người đàn ông rất ngạc nhiên với sự xuất hiện của tôi. Anh ta chợt nở nụ cười, như thể đã hiểu rõ ràng mọi thứ. 


“Cũng tới chơi gái à?” Anh ta nháy mắt, giơ ngọn đèn dầu cầm trên tay lên. “Lần sau phải cầm đèn theo nhé, trong nhà không có đèn đâu. Cơ thể của cô ta nhìn tuyệt lắm.”


Nói rồi, anh ta nhìn trước ngó sau, nhảy qua hàng rào rồi biến mất. Tôi ngơ ngẩn nhìn theo bóng dáng đã khuất vào trong đêm tối, suy nghĩ rối thành một mớ. Phần nhiều là do tôi lo cho nàng. Ngài Công sứ là một kẻ ích kỷ, và dường như nàng đã phản bội ông ta. Nếu ngài Công sứ biết chuyện đó, chắc chắn ông ta sẽ không tha cho nàng. Tôi nghĩ tới những điều tồi tệ có thể xảy ra với nàng, ân hận vì đã tới tìm nàng, tự nhủ sẽ giữ kín chuyện này. An Nam xuất hiện từ bên trong ngôi nhà khi tôi đang chìm trong dòng suy nghĩ dài dằng dặc. Nàng chỉ mặc áo yếm, cơ thể toát ra dáng vẻ thỏa mãn. Dưới ánh trăng, nàng như trở thành một con người khác, một An Nam tôi chưa từng biết tới.


“Có chuyện gì thế?” Nàng hỏi, nhìn tôi với ánh mắt dò xét. “Sao anh lại tới đây?”


“Tôi tới thăm nàng.” Tôi nói.


“Vậy sao?” Nàng cười, giọng nói quyến rũ tới ma mị. “Cảm ơn anh.”


“Tôi chỉ muốn nhìn thấy nàng thôi.” Tôi ấp úng, lắp bắp, cố gắng nghĩ ra một lý do hợp lý. “Chắc rằng nàng ổn rồi tôi sẽ về.”


“Tôi ổn rồi. Anh về đi.” Nàng thẳng thừng. “Giờ tôi không còn sức để ngủ với anh.”


Câu nói của nàng khiến cho tôi đau đớn. Thế nhưng trong cơn rối trí, nỗi đau ấy lại khiến tôi bừng tỉnh. Tôi nhận ra mình không nên đi tìm nàng, không nên nhìn thấy người đàn ông kia đi ra từ trong ngôi nhà của nàng. Bởi lẽ đó, tôi chào tạm biệt nàng rồi ra về.


Suốt một khoảng thời gian dài sau đó, tôi không gặp lại nàng. Tôi lo lắng cho nàng, sợ ngài Công sứ biết chuyện. Hi vọng là nàng chỉ ngủ với họ vào buổi tối. Tôi nghĩ. Nếu như An Nam ngủ với những người đàn ông cả vào ban ngày. Tôi không nghĩ ngài Công sứ sẽ bận bịu tới mức không phát giác ra chuyện đó. Và rồi nỗi lo sợ của tôi đã trở thành hiện thực. Ngài Công sứ biết chuyện nàng vẫn làm điếm. Ông ta rất tức giận, lệnh cho tôi phải ngay lập tức đưa nàng tới. Tôi đã lo sợ tới mức không nói lên lời. Tôi không muốn làm chuyện đó. Thế nhưng tôi chỉ là một tên lính quèn, không thể nào cãi lệnh của cấp trên được. Chẳng tôi làm thì sẽ có người khác làm thay. Cứ nghĩ tới họng súng của mấy tên lính gác ngoài biệt thự là trái tim tôi lại run rẩy. Tôi vội lái xe tới tìm nàng, nói cho nàng biết mọi thứ. An Nam không tỏ ra sợ hãi. Và nàng còn chẳng thèm nhìn tôi lấy một cái. Vào lúc đó, tôi không biết nàng nghĩ tôi là kẻ đã tố cáo nàng, hay do sự thù ghét với người Pháp khiến nàng phản ứng như vậy. Tôi không thể giải thích điều gì cả. Nàng bước lên xe, cùng tôi đi tới gặp Công sứ. Tới nơi, nàng bước xuống, mất hút sau cánh cổng của ngôi biệt thự. Vào giây phút ấy, tôi đã nghĩ ra đủ điều tồi tệ có thể xảy ra với nàng. Nếu nàng không trở lại nữa thì sao đây? Tôi không biết mình có thể làm được gì cho nàng. Tôi cố gắng tìm kiếm trong suy nghĩ một giải pháp, nhưng chẳng có thứ gì đáp lại tôi cả. Đó là khi tôi nhận thức được sự hèn nhát, vô dụng của bản thân mình. Hai tiếng chờ đợi nàng ở trong xe là hai tiếng dài nhất trong cuộc đời tôi lúc đó.


An Nam quay lại chiếc xe với khuôn mặt bầm tím. Môi của nàng bị đứt một đường nhỏ, máu cứ chảy ra từ đó. Trán của nàng xước xát, mái tóc rối tung. Ngài Công sứ đã đánh đập nàng. Nhìn dáng vẻ tàn tạ của nàng qua chiếc gương chiếu hậu, tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi lấy ra hộp dụng cụ y tế - thứ luôn có sẵn ở trên xe - rồi mở cửa, đi tới khoang ghế sau. Nhìn những thứ có trong tay tôi, nàng biết tôi định làm gì. Thế nhưng nàng không để cho tôi làm điều đó. Khi tôi thấm xong cồn vào trong miếng băng gạc, định đưa lên lên trán của nàng, nàng liền lạnh lùng quay mặt đi. Nàng không cần tới sự giúp đỡ của tôi - một tên lính Pháp.


“Tôi biết nàng không thích tôi. Nhưng xin nàng hãy để tôi lau những vệt máu trên gương mặt của nàng.” Tôi cầu khẩn. “Nó bị bẩn rồi, vết thương sẽ bị nhiễm trùng mất.”


Nghe lời tôi nói, An Nam trùng mắt xuống. Nàng suy nghĩ tới một điều gì đó. Có lẽ là đang thỏa hiệp với chính bản thân mình. Lát sau, nàng lẳng lặng quay mặt lại, nhìn thẳng vào tôi. Ngài Công sứ ra tay rất nặng. Tôi không biết ông ta đã làm gì với nàng. Có lẽ ông ta đã dập đầu nàng vào đâu đó. Tôi lau đi vệt máu bẩn trên trán của nàng, cẩn thận như đang lau một món đồ trân quý. Tôi không muốn làm nàng đau. Nàng nhìn vào mắt tôi, xuyên thẳng vào tâm hồn tôi, không nói một lời nào cả. Và rồi, nàng gạt tay tôi ra. Nàng ôm chầm lấy tôi, hôn môi tôi ngấu nghiến. Tôi không kịp phản ứng, quờ quạng đôi tay tìm nơi bấu víu. Nàng nắm lấy tay tôi rồi đặt vào ngực của mình. Những tiếng thở gấp gáp vang lên bên trong chiếc xe. Chúng ngày càng sâu hơn, nhiều hơn, chẳng mấy chốc đã trở nên loạn nhịp. Bằng một cách thần kỳ nào đấy, chúng tôi đã có thể cởi bớt trang phục trên cơ thể của nhau. Nàng đẩy tôi xuống ghế, vén tà áo dài qua một bên rồi ngồi lên đùi tôi, ấn sâu tôi vào trong người nàng. Nàng nhắm mắt, ngửa cổ, bôi lên nhận thức của tôi thứ cảm giác tươi mới lần đầu tiên tôi được trải nghiệm. Tôi ôm chầm lấy nàng. Linh hồn của chúng tôi hòa vào nhau, nhầy nhụa mùi nhục dục.


Sau lần ấy, mối quan hệ giữa tôi và An Nam đã trở nên khác biệt. Dĩ nhiên chúng tôi không trở thành một cặp tình nhân. Tôi vẫn là một tên lính Pháp, còn nàng vẫn là gái điếm. Tôi và nàng vẫn xa cách như ngày mới gặp. Có điều nàng đã mở lòng hơn với tôi. Nàng đón nhận tôi như một thứ mới mẻ xuất hiện trong cuộc sống của mình.


Thứ tình yêu tôi dành cho An Nam không hề bay bổng. Nó rất trần trụi và dung tục. Tôi tới thăm nàng mỗi khi xong việc, mang cho nàng tất cả những gì tôi có: đôi khi là gạo, đôi khi là lương khô, đôi khi là vài đồng bạc lẻ. Để đáp lại điều đó, nàng sẽ chiều theo ý muốn của tôi. “Tôi có thể làm tình với nàng bây giờ không?” Tôi hỏi khi nàng đang nấu nướng, và nàng gật đầu. Thế là tôi bế nàng lên giường và yêu nàng với tất cả những gì mà tôi có. Tôi yêu nàng, rất yêu nàng, trung thành với thứ tình cảm ấy như một con chó trung thành với đức tin của nó. Nàng biết điều đó. Thế nhưng nàng chỉ đón nhận chứ không đáp lại tình cảm của tôi. Ngoại trừ lần ở trong xe hơi, tuyệt nhiên nàng không bao giờ đòi hỏi tôi điều ngược lại. Có thể do nàng không yêu tôi. Có thể do nàng đang ngần ngại một điều gì đó. Tôi chẳng thể nào biết chắc được.


Sau khi đánh đập An Nam, ngài Công sứ đuổi nàng ra khỏi biệt thự, cấm tiệt nàng không được bén mảng tới nơi đó. Thế nhưng chỉ sau một tháng, ông ta nhung nhớ thân thể của nàng tới mức khẩn cầu nàng quay trở lại. Và nàng đã đồng ý. Vậy là mọi thứ lại quay trở về như lúc ban đầu: Tôi đến đón nàng vào thứ Ba và thứ Bảy, chờ nàng làm tình với một người đàn ông khác, sau đó đưa nàng về. Mặc dù chẳng hề dễ chịu với chuyện đó chút nào, tôi vẫn không thể làm gì hơn. Tôi và nàng chỉ nhỏ bé như hai hạt cát trên sa mạc, còn ngài Công sứ lo lớn như cơn lốc xoáy kinh hoàng trong bão táp. Chẳng có cách nào để tôi và nàng chống lại ông ta được. 


Thực ra điều khiến tôi buồn nhất không phải việc An Nam quay trở lại với ngài Công sứ. Điều khiến tôi buồn nhất là tôi không thể hiểu được nàng. Sau khi thân cận với nàng, tôi đã từng nghĩ mình sẽ hiểu nàng hơn. Sự thật lại hoàn toàn ngược lại: càng ngày tôi càng chẳng hiểu được nàng. Mỗi khi đưa nàng đến phiên chợ, nhìn nàng trầm tư bên khung cửa kính, tôi cảm giác như có một bức tường vô hình xuất hiện ngăn cách giữa tôi và nàng. Có điều gì đó nàng chưa nói với tôi. Có điều gì đó về nàng vẫn còn ẩn giấu ở trong bóng tối. Mỗi lần nghe tôi hỏi về điều đó, nàng đều im lặng. Cho đến buổi chiều của tháng Tám năm đó, sau khi kể cho tôi nghe về loài chim yến, tôi mới biết được điều nàng giấu diếm là gì.


“Adélard.” Sau lần làm tình ở trong xe hơi, nàng vẫn hay gọi thẳng tên của tôi. “Anh giúp em một chuyện được không?”


“Được chứ.” Tôi gật đầu đáp.


Nàng lấy ra một mảnh giấy và đưa cho tôi. Tôi nhận lấy, bắt đầu ngắm nghía. Trên mảnh giấy vẽ chi chít những đường ngoằn ngoèo khó hiểu. Tôi chú ý tới những điểm đỏ được đánh dấu trên những đường ngoằn ngoèo đó. Và rồi tôi giật mình. Đây là một tấn bản đồ, tất cả những điểm đỏ đều là vị trí của những kho gạo mà quân đội Pháp đang chiếm giữ.


“Anh hãy mang tấm bản đồ này tới gốc đa ở cạnh bờ sông, đưa cho những người ở đó.” Nàng nói.


“Đây là…” Tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi. Da đầu tôi căng lên, toàn thân ớn lạnh. Tôi bàng hoàng nhìn nàng, nhận lại từ nàng một nụ cười trìu mến.


“Giúp em nhé.” Nàng nói. “Ngài Công sứ đã chú ý tới em rồi. Có người đang theo dõi em. Em không tự làm chuyện đó được.”


Tâm trí của tôi trở nên tê liệt. Ngài Công sứ đã chú ý tới nàng rồi ư? Nàng là ai kia chứ? Trong đầu tôi hiện lên hàng loạt câu hỏi, đi kèm với một câu trả lời đầy thuyết phục. Thế nhưng câu trả ấy lại khiến cho tôi sợ hãi, không dám tin vào nó. Nhìn sự hỗn độn có trong đôi mắt của tôi, nàng cười.


“Sau khi gặp họ, anh sẽ biết em là ai.” Nàng nói như thể đọc được suy nghĩ của tôi. “Vào buổi chiều ngày hôm nay, nơi này sẽ xảy ra một cuộc chiến. Sau cuộc chiến ấy, sẽ không còn Nhật, không còn Pháp, không còn ngài Công sứ nữa. Việc đi giao mảnh giấy này sẽ cứu mạng anh.”


Nói rồi nàng mở cửa xe định bước xuống. Hành động dứt khoát của nàng khiến cho tôi tỉnh táo trở lại. Tôi không biết nàng là ai, không biết những người ở gốc đa cạnh bờ sông định làm gì, tại sao họ lại cần tấm bản đồ này… Nhưng tôi biết tôi sắp mất đi nàng. Xâu chuỗi những sự kiện lại với nhau, tôi lờ mờ đoán được lý do tại sao nàng lại chấp nhận thân cận với ngài Công sứ. Trực giác mách bảo tôi rằng nàng sắp làm một việc vô cùng nguy hiểm. Nàng sẽ đi vào bên trong ngôi biệt thự đó và không bao giờ trở lại nữa. Giống như một phản xạ tự nhiên, tôi nắm lấy bàn tay thon thả, vội vàng giữ nàng lại.


“Không đi có được không?” Tôi hỏi. “Nàng đừng đi vào trong đó.”


“Anh lo cho em à?” Nàng cười, trêu đùa tôi - một việc rất hiếm thấy. Tôi gật đầu một cách nghiêm túc với lời trêu đùa đó. Cái gật đầu của tôi khiến cho phần nào đó trong con người nàng thinh lặng.


“Không đi tới đó thì đi đâu kia chứ?” Nàng nói với giọng buồn bã. 


“Đi với tôi.” Tôi vội đáp lại. “Tôi sẽ dẫn nàng về quê hương, nơi có ngôi làng nhỏ, nằm cạnh dòng sông Senie xinh đẹp. Tôi sẽ cưới nàng. Chúng ta sẽ cùng nhau chung sống ở đó. Hiện tại Nhật đang chiếm thế thượng phong, không sớm thì muộn Pháp cũng sẽ phải rút quân. Tôi đang chuẩn bị để đưa nàng đi cùng. An Nam. Tôi không nói đùa đâu. Một nửa dòng máu đang chảy trong con người nàng thuộc về nước Pháp. Nàng thuộc về sông Senie, thuộc về tôi. Không thuộc về cuộc chiến ngu xuẩn với mảnh đất địa ngục này…”


Tôi nói nhiều, rất nhiều. Tất cả những từ ngữ xuất hiện trong đầu đều bị tôi lôi ra sạch sẽ. Toàn bộ chúng đều là những suy nghĩ, trăn trở của tôi suốt bấy lâu, là những điều mà không dám nói với nàng. An Nam rất ngạc nhiên, mở tròn xoe đôi mắt. Tôi thấy sự xúc động dâng trào lên trong đôi mắt của nàng. Nàng nhìn tôi như thể sắp nhào tới rồi ôm hôn tôi ngấu nghiến. Trong một khoảnh khắc, tôi ảo tưởng rằng bản thân đã thuyết phục được nàng.


“Nàng đi với tôi nhé.” Tôi vui mừng.


An Nam lặng yên nhìn tôi thêm một lát, trước khi lắc đầu, rút bàn tay ra khỏi tay tôi. Ấy là khi toàn bộ ảo tưởng của tôi tan biến. Phải. Nàng đã đưa ra quyết định mất rồi. Nàng đã làm chuyện đó từ rất lâu, trước cả khi tôi xuất hiện.


“Ngôi mộ của mẹ em nằm ở đây.” Nàng nói. “Một nửa dòng máu của em thuộc về nước Pháp. Thế nhưng trái tim của em lại thuộc về mảnh đất này.”


Nói xong, nàng mở cửa xe, đi thẳng vào trong ngôi biệt thự. Đó là những lời cuối cùng mà tôi nghe được từ nàng. Sự dứt khoát của nàng như một gáo nước lạnh dội thẳng vào tâm trí của tôi. Tôi đã mất nàng rồi sao? Tôi cố gắng suy nghĩ, tìm cách để cứu vớt mọi thứ.


Phải rồi. Tôi chợt nghĩ. Cho dù nàng có gây ra tội tày trời cũng sẽ phải trải qua quá trình bắt giữ, điều tra, xét xử... Không phải nàng nói chiều nay sẽ xảy ra một cuộc chiến hay sao? Những người ở bờ sông đó chắc hẳn là đồng đội của nàng. Chỉ cần mình giúp đỡ họ, chắc chắn họ sẽ cứu được nàng. Càng chậm trễ ở đây thì hoàn cảnh của nàng lại thêm nguy hiểm.


Nghĩ vậy, tôi không chần chừ nữa. Tôi khởi động chiếc xe, đạp mạnh chân ga, tay nắm chắc tấm bản đồ. Cả đời tôi chưa từng lái xe ẩu như ngày hôm đó. Tôi đụng hết chỗ này đến chỗ nọ. Mỗi lần như thế tôi đều tự vả mình một cái, nhắc nhở bản thân phải giữ bình tĩnh. Tôi cố gắng đi tới bờ sông nhanh nhất có thể. Tới nơi, tôi bỏ xe rồi chạy tới gốc đa. Có vài người đang đợi sẵn ở đó. Họ mặc quần áo lam lũ, thân hình nhỏ bé, gầy còm. Nhìn từ xa sẽ tưởng là một đám nông dân tụ họp lại với nhau. Đến gần mới thấy tác phong của họ rất chỉnh tề, giống như đã được đào tạo bài bản ở trong quân đội. Trên vai mỗi người đeo một khẩu súng trường. Nhìn thấy tôi, họ tỏ ra đề phòng. Có hai người chĩa súng về phía tôi. Nhìn sự phẫn nộ bên trong đôi mắt của họ, tôi biết bây giờ chỉ cần làm một động tác thừa thãi, chắc chắn sẽ có hai viên đạn găm vào lồng ngực của mình. Tôi dừng lại, thở hổn hển, giơ tay ra hiệu đầu hàng, cố ý đưa tấm bản đồ lên cao để cho họ nhìn thấy. Trong đám đông có một người bước ra. Tôi nhận ra anh ta thông qua đôi mắt sáng có thần. Đó chính là người tôi từng gặp tại nhà của An Nam trong buổi tối ngày hôm đó. Anh ta là chỉ huy của đám người này. 


Người có đôi mắt sáng tiến lại gần tôi, tóm lấy tờ giấy rồi bắt đầu quan sát. Hai người chĩa súng về phía tôi cũng tiến lại. Tay của họ nắm chắc vũ khí, nhìn tôi với ánh mắt đề phòng. Sự xuất hiện của tôi không hề được báo trước.


“Tôi tới đưa bản đồ thay An Nam.” Tôi cố gắng giải thích. “Nàng đang gặp nguy hiểm. Xin các ông hãy giúp đỡ nàng.”


Người có đôi mắt sáng không đáp, chăm chú xem xét tấm bản đồ, muốn xác định nó là thật hay giả. Trong suốt quá trình đó, hai người bên cạnh anh ta không hề rời mắt khỏi tôi. Người mắt sáng mân mê tấm bản đồ và đọc những số liệu được ghi trên đó. Tấm bản đồ không chỉ có vị trí của những kho gạo - thứ mà họ muốn cướp để cứu dân bị đói, nó còn có đủ loại thông tin nhạy cảm liên quan đến số lượng khí tài quân sự, số lượng binh lính Pháp… Tất cả đều được An Nam lấy trộm từ văn phòng của ngài Công sứ. Sau khi xác định tấm bản đồ là thật, người có đôi mắt sáng chắp tay ra sau hông nhìn tôi. Anh ta đánh giá lại tôi từ đầu tới cuối.


“Cô ấy đã làm gì?” Anh ta hỏi bằng chất giọng uy nghiêm. 


Tôi đảo mắt suy nghĩ một lát rồi trả lời:


“Tôi nghĩ cô ấy muốn ám sát ngài Công sứ.”


Người có đôi mắt sáng im lặng, hai người còn lại thì giật mình nhìn nhau. Tất cả sự ngờ vực của ba người họ lại đổ dồn về phía tôi ngay sau đó.


“Tin được không?” Một người hỏi.


“Được chứ.” Người mắt sáng nhìn thấy sự lo lắng có trong đôi mắt của tôi, bật cười. “Đương nhiên là tin được.”


IV. Succubus


An Nam ngồi lên chiếc bàn dùng để uống rượu, dạng đôi chân ra và dụ dỗ ngài Công sứ làm tình với mình. Nàng đổ rượu vang lên người, nhìn ông ta bằng ánh mắt mê li, miệng phát ra những tiếng rên rỉ… Nàng thực hiện mọi thứ bằng tất cả khả năng có được, phô bày ra những điểm hấp dẫn nhất có trên cơ thể mình. Ngài Công sứ mắc bẫy rất dễ dàng. Ông ta đi tới bàn rượu rồi làm tình với nàng như một con chó dại. Nàng chọn thời điểm khi ngài Công sứ sắp đạt tới cực cảm, với lấy chiếc dùi dùng để đập đá lạnh đặt trên bàn rồi đập thẳng vào trán ông ta. Đó là một cú đập chí tử. Nó mạnh mẽ, chính xác và tàn nhẫn. Một cú đập mà nàng đã phải luyện tập rất lâu mới thực hiện được. Ngài Công sứ kêu lên một tiếng thất thanh rồi đổ gục xuống. Nàng bước xuống đất, đập ông ta thêm vài cái nữa cho chết hẳn. Lúc binh lính ập vào phòng, An Nam đã mặc xong quần áo, ngồi co chân trên bàn rượu và hút thuốc. Ở dưới đất là Ngài Công sứ nằm sõng soài trên vũng máu. Ông ta đã chết rồi.


Tôi biết được chuyện này qua lời kể của một tên lính Pháp. Hắn ta làm nhiệm vụ canh gác, đã lén nhìn cuộc mây mưa giữa An Nam và ngài Công sứ thông qua khe hẹp của cánh cửa. An Nam ra tay quá nhanh và tàn nhẫn, khiến cho hắn kinh hoàng tới mức mồm miệng lắp bắp, chân tay bủn rủn, không thể nói năng được gì cả. Mãi một lúc sau hắn mới hoàn hồn, vội vã gọi người tới.


Lúc An Nam ám sát ngài Công sứ, tôi không có ở đó. Tôi đang trên đường dẫn những người ở gốc đa tới ngôi biệt thự. Trên xe của tôi khi ấy là người đàn ông mắt sáng cùng hai người phụ tá của anh ta. Thông qua cuộc nói chuyện giữa ba người họ, tôi biết được có một cuộc nổi dậy đã được chuẩn bị từ rất lâu. Lúc tôi đi mọi thứ vẫn bình thường, khi trở lại thì đã xảy ra bạo loạn. Những người dân bị đói đã bị dồn tới mức đường cùng, dưới sự yểm trợ của quân cách mạng, họ vùng lên đấu tranh đòi lại quyền được sống. Nào gậy, nào cuốc, nào đinh ba, nào xẻng… chống lại họng súng trường và lưỡi lê của quân Pháp. Tiếng hô hoán, tiếng súng nổ, tiếng đổ vỡ vang lên ở khắp nơi. Mọi thứ chìm vào hỗn loạn. Con đường bị ùn tắc khiến cho chiếc xe không thể di chuyển được. Và rồi tôi nghe thấy tiếng súng vọng lại từ phía ngôi biệt thự. Thứ âm thanh inh tai, buốt óc, lạnh lẽo ấy như xuyên thẳng vào tâm hồn tôi, xé nát trái tim tôi ra thành từng mảnh. Linh cảm mách bảo tôi rằng đã có chuyện không hay xảy ra. Tôi vội vàng xuống xe, và chạy.


Thậm chí cho tới tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao ngày hôm đó mình có thể chạy tới ngôi biệt thự. Đáng lý ra tôi phải chết dưới mũi đinh ba của một người nông dân hoặc tên bay đạn lạc rồi mới phải. Nhận thức của tôi khi ấy đã biến mất. Tâm trí tôi tràn ngập những hình ảnh về nàng. Tôi hướng về nàng. Thứ duy nhất tồn tại trong đầu tôi lúc đó là ý nghĩ phải chạy tới bên nàng càng nhanh càng tốt. Và rồi tôi thấy nàng ở đó, nằm nghiêng trên vũng máu, với thời gian đã ngừng lại trên gương mặt của mình. Ba người lính thuộc quân cách mạng ở trên xe vẫn luôn chạy theo sau lưng tôi bắt đầu nổ súng, mở màn cho cuộc tấn công vào Phủ Công sứ. Quân Pháp chống trả quyết liệt. Và rồi có rất nhiều người khác chạy đến, chiến đấu bên cạnh ba người lính kia. Tiếng súng inh ỏi vang lên trong sự căm hận và điên cuồng của loài người, khiến cho tôi không thể nghe thấy tiếng gầm của chính mình nữa. Tôi chạy nước rút trong làn đạn, thẳng tới bên nàng. Tôi ôm nàng vào lòng và khóc nức nở. Tôi đã lầm. Thân phận của nàng đã bị bại lộ. Nàng đã gây ra một tội ác tày trời. Dưới cơn thịnh nộ không thể kiềm chế, một vài người đã nắm tóc nàng, lôi ra sân và xử tử ngay tại chỗ. Chẳng có vụ bắt giữ hay xét xử nào ở đây cả. Người chết lạ lắm. Thân thể của nàng trở nên nặng nề và lỏng lẻo. Làn da ấm áp ngày nào đã lạnh ngắt. Bờ môi từng mơn trớn trên dương vật của tôi nay chẳng còn lại chút sức sống nào. Ngực của nàng bị thủng vài chỗ. Máu tươi chảy ra thấm đẫm chiếc áo dài nàng vẫn thường hay mặc. Tôi gọi tên nàng mãi nhưng nàng không đáp. Tôi vuốt mắt cho nàng, thế nhưng hai hàng mi của nàng không chịu đóng lại. Nhìn vào đôi con ngươi xanh biếc ấy, tôi biết, trước khi chết nàng vẫn nhìn về phía chiếc cổng, tìm kiếm hình bóng người đàn ông đã từng nói sẽ cho nàng một mái nhà.


Ngài Công sứ chết. Đám lính Pháp giống như rắn mất đầu. Chẳng mấy chốc, quân cách mạng đã làm chủ cuộc chiến. Họ bắt giữ quân Pháp, tịch thu vũ khí, mở cửa kho thóc để cứu dân nghèo. Những người đồng đội của An Nam chôn cất nàng bên cạnh mẹ của nàng. Tôi chính là kẻ đã dùng tay đắp những nắm đất cuối cùng lên phần mộ ấy. Sau đám tang, tôi bỏ đi khắp chốn. Tôi uống rượu trong nhà thổ, say xỉn suốt một tuần lễ. Sau khi hết tiền, tôi khật khưỡng ôm chai rượu đi ra ngoài đường, lang thang từ nơi này qua nơi khác. Mỗi khi tỉnh rượu là tôi lại khóc. Và tôi lại uống. Cứ thế, chẳng biết tự khi nào tôi đã đi ra tới biển. Tôi gục xuống bên bờ cát, mong sóng biển hãy kết thúc nỗi đau của mình đi. Nếu thủy triều cuốn một kẻ hèn nhát và ngu xuẩn như mình ra biển thì hay biết mấy. Tôi nghĩ, và thiếp đi trong ánh mặt trời dần tắt.


Đó là lần đầu tiên tôi mơ về những con chim yến. Tôi thấy mình quay trở lại chiếc xe giữa phiên chợ ngày hôm đó cùng với An Nam. Thế nhưng nàng không còn ở đó nữa. Tôi nhìn vào gương chiếu hậu và chỉ thấy lưng ghế trống không như một bia mộ vô danh nằm im lìm trong nghĩa trang hoang vắng. Nàng đã biến đi đâu cơ chứ? Tôi vội vàng quay lại tìm kiếm. Thứ tôi tìm được lại là xác của đứa trẻ chết đói nằm co do bên dưới chiếc ghế nàng từng ngồi. Tôi giật mình lùi lại. Và rồi, có một con chim yến lao đầu vào kính chắn gió. Hộp sọ của nó vỡ tung, máu cùng não văng tung tóe. Con chim yến mở trừng mắt ra nhìn tôi, tròng mắt xanh như lục bảo.


Tôi giật mình tỉnh giấc trong căn phòng thơm mùi khói. Quần áo trên người tôi khi ấy đã được thay. Chiếc bếp lửa bập bùng cháy bên cạnh giường của tôi, tỏa ra thứ hơi ấm hiền dịu. Tôi không chết. Có một người phụ nữ làm nghề chài lưới ở ven biển đã cứu tôi. Bà đưa tôi về nhà, tắm rửa và thay quần áo. Thấy tôi tỉnh lại, bà bưng tới một bát cháo hoa nóng hổi, bảo tôi hãy ăn đi. Lang thang suốt mấy ngày trời với cái dạ dày không có gì ngoài rượu, tôi đói cồn cào. Tôi vội vàng nhận lấy bát cháo rồi bưng lên miệng húp xùm xụp. Bà cười, vỗ lưng cho tôi, nói tôi giống như người con trai đã mất tích trên biển của bà.


“Có chuyện gì đã xảy ra thế.” Bà nhìn tôi với ánh mắt tinh tường. “Cậu kể cho già này nghe được không?”


Tôi đờ đẫn nhìn vào bát cháo hoa trước mặt. Sau một lát, tôi bắt đầu khóc rống lên. Tôi kể cho bà nghe mọi thứ. Nghe xong, bà cười hiền từ, nói với tôi một câu. Câu nói ấy giống như sấm nổ bên tai, khiến cho tôi đánh rơi bát cháo của bà xuống đất.


“Có thật không?” Tôi gần như đã hét lên.


“Thật. Thật.” Bà cười đáp. “Già này chưa từng nói dối ai bao giờ. Cậu cứ nghỉ ngơi mấy ngày cho khỏe, sau đó trở về nơi đó là sẽ biết.”


Tôi ở lại với bà lão ba ngày, sau đó trở về phố huyện theo lời bà nói. Tôi đi vào trong con ngõ nhỏ, tới ngôi nhà tranh rách nát, vòng ra sau vườn, tìm tới mộ của An Nam. Tôi đào mộ của nàng lên, bậy nắp quan tài ra để kiểm chứng. Và rồi tôi đánh rơi chiếc xẻng, lùi lại phía sau, ngồi thừ xuống đất. Bà lão ở làng chài nói rằng An Nam vẫn chưa chết. Quả nhiên trong quan tài chẳng có gì cả.


An Nam vẫn chưa chết ư?


Sau ngày hôm đó, tôi đi dọc hai miền đất nước để tìm nàng. Tôi tình cờ gặp lại người đàn ông mắt sáng cùng những người đồng đội của anh ta vào hai năm sau đó. Chúng tôi tay bắt mặt mừng. Tôi phản bội tổ quốc của mình, gia nhập với họ, cầm súng lên để bảo vệ mảnh đất nơi nàng được sinh ra.


Mẹ của nàng đặt tên nàng là An Nam, để mỗi khi gọi tên của nàng, bà cũng gọi tên đất nước mà mình yêu quý.


(Hết)


Bình luận

  • avatar
    Lê Minh
    Đọc xong truyện này mình phải tự hỏi là sao nhà Ong hút được nhiều nhân tài thế. Hành văn thì khỏi nói, mạch lạc, gãy gọn, phảng phất nhiều sự pha trộn thú vị. Nhịp độ rất tốt, giữ sự hấp dẫn trong từng phần truyện, mình đọc một mạch không rời mắt nổi. Nhân vật có dấu ấn mạnh, nhiều lớp lang, bối cảnh sống động. Nể thật luôn í
    • Generic placeholder image
      Sứa
      Điều đó thật tuyệt. Cảm ơn bạn rất nhiều.
  • avatar
    Việt Chi

    (Cmt có spoil, vui lòng cân nhắc kĩ trước khi đọc)

    Đọc truyện này vào đúng 02/09, thật là một cảm giác khó tả. Về câu chữ, mình cảm thấy mọi thứ đều rất uyển chuyển, nhịp nhàng, các hình ảnh so sánh, ẩn dụ đều rất đắt, rất gợi hình. Mới vào truyện, mình ấn tượng với hình ảnh “thinh lặng như quả bom nguyên tử”, đọc tới đấy mình thấy gai hết cả người, có lẽ vì biết nó sẽ nổ và nơm nớp lo sợ không biết bao giờ nó sẽ phát nổ. Đồng thời, mình thích hình ảnh châm thuốc “vô tình đốt cháy cả hoàng hôn“, thích hình ảnh hàng ghế ngồi như bia mộ… và thích câu chuyện về chim yến. “Nếu là một con chim yến, anh có yêu chiếc tổ của mình không?” lúc đọc đến câu này, mình đã khựng lại rất lâu, cũng từ chỗ này, mình có suy đoán về hướng đi của truyện. Với mình thì cốt truyện không khó đoán, mình vẫn luôn nghĩ thế, song song với đó, dù biết có ẩn ý ở tên nữ chính, nhưng mình vẫn thấy không thoải mái, vì mình cứ ngỡ là chỉ ẩn ý cho tình cảm người mẹ dành cho đất nước thôi và lí tưởng lắm thì chắc là “An Nam” sẽ sống và được “tự do”. Nhưng khi đọc đến đoạn kết, mình đã hoàn toàn bị thuyết phục về sự “sống” của “An Nam” và đó cũng là lí do mình muốn viết lại liền những cảm nhận của bản thân sau khi đọc truyện. 

    Tuyến nhân vật để nói là mới mẻ thì không hẳn, nhưng tác giả xây dựng vừa vặn, hợp lí, ra được cái hồn của nhân vật, không ai lẫn với ai, không ai thừa thiếu. 

    Nếu để nói về điều gì còn băn khoăn, chắc vẫn là đoạn cuối, chi tiết “trống không” với mình hơi ảo… khiến mình khựng lại một nhịp. Có lẽ mình cần đọc kĩ và ngẫm nghĩ nhiều hơn. 

    Cảm ơn tác giả vì một tác phẩm hay, mình đã có nhiều cảm xúc và học hỏi được nhiều điều khi đọc truyện. Chúc tác giả có thêm nhiều tác phẩm hay hơn nữa!

    Cuối cùng, chúc mừng Nhà Ong đã nhận được một tác phẩm rất chất lượng. Tác phẩm này xứng đáng được được nhiều bạn đọc biết tới và đón đọc ✨ 

    • Generic placeholder image
      Sứa
      Cảm ơn bạn.
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}