Người dưới xuôi đến phạt cả một cánh rừng, lấy đất xây trạm nghiên cứu vũ trụ. Dân mường tập hợp ở nhà chẩu, trước chiếc tivi duy nhất của mường. Cùng nhau, họ trông đợi thời khắc đoàn phi thuyền phụt khói và phóng lên mường Trời theo từng tiếng đếm ngược.
Đứng trên đỉnh đèo, nghe tiếng nước sông Đà ầm ào vọng đến, Thâng ngước nhìn những cỗ máy khổng lồ nay đang dần hoá thành bé tí trước mắt. Cậu lẩm bẩm cầu nguyện Tạy ông Tạy bà phù hộ cho anh Han thuận lợi đến được mường Trời và gặp được Then. Anh Han đã hứa sẽ xin Then cho phép anh lấy một hòn đá trên mường Trời về làm quà tặng Thâng.
Cái bụng của người dưới xuôi không tốt. Họ hy sinh những cánh rừng trên mặt đất để chinh phục những thứ được hứa hẹn trên mường Trời. Họ hy sinh thần linh để tự biến bản thân thành thần linh. Anh Han đã được chọn để hoá thành thần linh, tiến vào thế giới của những vì sao và vô vàn khả năng không thể đoán trước.
✦
Khi Thâng và người phụ nữ dưới xuôi đã ăn xong hai ống cơm lam, ngồi bên cạnh hòn đá bị sét đánh vỡ vụn, cậu chỉ tay về phía cánh rừng mù sương trong quá vãng và bắt đầu kể câu chuyện của mình. Vào một ngày của nhiều năm về trước, cả bọn tụi cậu đã vào khu rừng ấy tìm mạy pao.
✦
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh,
Sống trong thung không chê thung nghèo đói.”¹
Người lớn bảo con nít không được vào rừng một mình. Trong rừng có ma rừng. Ma rừng sẽ bắt con nít về hang ăn thịt. Lòng người nó đem trải trên đá, ruột người nó đem thắt ngọn cây, tim gan thì nó nuốt trọn. Thâng chưa bao giờ dám đi rừng một mình, từ nhỏ cậu chỉ vào rừng cùng người lớn. Mỗi lần vào rừng, Thâng lại nhìn xung quanh xem có khúc lòng ai bị phơi trên đá, hay có đoạn ruột ai bị thắt trên cây hay không, nhưng cậu chưa bao giờ gặp phải cảnh tượng kinh dị đó. Có lẽ ma rừng ăn không nhiều lắm, nếu nó ăn đủ ba bữa một ngày như con người thì cả bản mường này chắc sẽ chẳng còn ai. Có lẽ ngoài con người, nó còn ăn cả thịt thú rừng, thịt người chỉ là món khoái khẩu nhất của nó.
“Không có ma rừng đâu, người lớn chỉ doạ tụi bây thôi!” Anh Han nói, trong lúc phạt cây để mở đường lên trước.
Păn rất nhát, nó sợ đủ thứ, nó không chỉ sợ ma quỷ mà còn sợ cả tiếng gió rít như rền rĩ, tiếng chim gõ kiến mổ cây lốc cốc. Nếu có hôm nào đi chơi mà về nhà không kịp lúc mặt trời lặn đỉnh núi, nó sẽ đứng chết trân tại chỗ mà khóc trong bóng tối. Vì thế, dù nhà không khó nhưng nó chưa bao giờ dám đi chơi về trễ.
Păn nói, “Nhưng em sợ lắm, lỡ như bị lạc trong rừng mà trời tối thì không cần đợi ma rừng ăn thịt, tụi mình cũng có thể chết vì không ra được.”
Thâng lòn tay qua phía vai bên kia của nó, khều nó một cái, Păn thấy bị khều nhưng nhìn qua chẳng thấy gì, lại kêu lên oai oái. Thâng ôm bụng cười nắc nẻ.
“Được rồi, đừng chọc nhau nữa!” Anh Han nói với hai đứa, “Tìm giúp anh có bụi mạy pao nào không, muốn về trước trời tối thì mình phải nhanh nhanh chứ.”
Hôm nay, anh Han rủ tụi nó đi tìm mạy pao để làm khèn. Nhà anh Han rất giỏi làm khèn, tất cả những cây khèn trong bản đều là hàng đặt từ nhà anh. Bây giờ, anh Han cũng đang cần một cây khèn, ải anh bảo là cứ lên rừng chặt mạy pao về tự làm một cây, chẳng lẽ con trai người làm khèn lại không biết tự mình làm ra một cây khèn cho bản thân hay sao. Vả lại, đồ của mình làm luôn là đồ tốt nhất, hợp ý mình nhất. Mỗi cây khèn có nhiều điểm khác nhau, sự khác nhau ấy không phải cứ nhìn thoáng là ra, mà phải đợi đến lúc thổi lên thì mới phân biệt được. Nên cây khèn cũng là một món đồ đại diện cho mỗi chàng trai. Cây khèn anh Han làm cho bản thân sẽ mang giai điệu anh ưng ý nhất.
Anh Han hát rất hay, chơi khèn bè cũng rất giỏi. Anh được gái bản mê tít, nhưng mỗi dịp hội Xên Mường anh lại biến đi đâu mất. Vài cô cứ hỏi nhau chẳng biết Han đâu, người ta trông đợi tiếng khèn của anh quấn quanh một tà váy nữ dịu dàng, để xem cô gái được tiếng khèn chọn để nhắn gửi những lời tình tứ ấy sẽ là ai. Song đã mấy mùa hoa ban nở, không ai thấy Han xuất hiện trong đám hội, anh chỉ ở nhà phụ tiếp ải êm của mình, nhà anh Han nhiều việc và anh là đứa con trai duy nhất. Ải anh say xỉn mãi, nằm dặt dẹo hết ngoài sân đến sàn bếp, êm anh thì khóc rất nhiều, ải anh nghe tiếng êm khóc lại lôi bà ra đánh. Anh phải ở nhà để trông cho ải đừng đánh êm.
“Kia kìa, Păn! Một bụi mạy pao nữa đấy, đúng không?” Thâng ríu rít, vỗ vai Păn, chỉ cho thằng bạn thấy bụi nứa rừng lấp ló đằng xa.
“Ừ rồi, thằng ôn này mày vỗ tao đau quá!” Păn vuốt vuốt lưng, rồi đẩy Thâng một cái trả đũa, khiến cậu lảo đảo.
Không quan tâm đến bạn, Thâng nói với người anh lớn, “Anh Han qua đó xem thử đi, nó vừa ý anh không?”
Mùa hoa ban năm nay sẽ khác. Êm anh Han bảo anh cứ tham gia hội Xên Mường, đừng ở nhà nữa, hôm ấy bà sẽ đi thăm bà con ở mường bên cạnh, ải anh sẽ không có ai để đánh. Êm anh tính như vậy vì nghĩ nếu con trai cứ phải ru rú ở nhà suốt, ngay cả mỗi lần hội đến cũng không được đi chơi, thì bao giờ anh Han mới dắt được một cô gái về nhà. Anh cũng đã đến tuổi dựng vợ gả chồng, đã đến tuổi tiếng khèn của anh được dùng để réo gọi người tình, chứ không phải chỉ vang lên mỗi dịp tiếp đón ban lãnh đạo tỉnh từ dưới xuôi lên thăm.
Vì thế mà anh Han cần một cây khèn của riêng mình, do chính anh chăm chút chế tác để ra được giai điệu anh muốn.
“Nó sẽ là cây khèn muôn điệu, sẽ không thiên về bổng hay trầm, réo rắt hay êm dịu, ngọt lành hay nôn nả. Nó là cây khèn có thể biến hoá thành muôn nghìn sắc thái.” Anh Han khẳng định chắc nịch như thế. Mà lời khẳng định này không hẳn là không có cơ sở. Thâng tin là anh làm được.
Tham vọng ấy khiến cho từng bước thực hiện để tạo ra một cây khèn hoàn chỉnh đều khó khăn hơn bình thường. Đây là bụi mạy pao thứ ba, thứ tư gì đó họ tìm thấy kể từ lúc vào rừng, những bụi trước đều bị anh nhìn qua và lắc đầu bảo không đạt. Với bụi mạy pao lần này, tình hình có vẻ khả quan hơn, anh Han đến xem xét kỹ lưỡng.
“Ngon rồi, mấy cây này được.”
Thâng và Păn đập tay ăn mừng, cứ tưởng đi lòng vòng đến tối mà cả ba vẫn trắng tay chứ. Hai đứa nhỏ cùng phóng đến. Trong bụi mạy pao chất lượng nhất, anh lại chọn ra những thân mạy pao chất lượng nhất, rồi nhờ tài làm khèn đã được mài giũa lâu nay, chắc chắn một cây khèn tuyệt vời sẽ được ra đời. Anh Han bỏ gánh mạy pao vào gùi của mình và quẩy lên lưng, cất liềm vào cái gùi còn lại cho Păn xách, Thâng thì đi trước để mở đường quay về.
Đã xế chiều, bóng mặt trời dần ngả về phía núi, ba anh em ngồi trên một tảng đá lớn, nhìn xuống những bậc ruộng mướt mắt. Cả hai đứa nhìn anh Han vuốt từng thân mạy bao, đục lỗ và bó chúng lại.
Păn nằm lên đá, nói, “Vài năm nữa, em lớn bằng anh thì anh làm cho em một chiếc khèn đi!”
“Mày biết thổi khèn không?” Anh hỏi.
“Trai bản mường ai lại không biết thổi khèn!” Nó hất cằm.
Thâng phì cười, xen vào, “Đã đành là ai cũng biết, nhưng hay dở thì còn tuỳ. Mày thổi dở lắm đấy, như cọ khóc trong núi!”
Với đứa bạn, Thâng tự hào hơn một chút vì mình thổi khèn khéo. Cậu là con trai dòng Tạo, tất nhiên chuyện này không được phép vụng về. Dù Thâng không cần phải tham gia hội Hoa Ban, không cần chơi khèn chơi nhạc gửi tình đến ai, chuyện kết duyên của cậu đã có người nhà lo liệu giúp. Song niềm hân hoan của những mùa lễ hội, sự trương nở của mùa xuân hoa trái, sự ngồng ngộng của mùa màng phát đạt, sự nô nức trong tiếng chim chuyền cành thánh thót và lời mời gọi của những tà váy tà khăn rực rỡ vẫn luôn chầu chực chiếm lấy con người, không bỏ qua bất kỳ tâm hồn nào. Thâng thích đi xem hội, thích nghe nhạc và nhảy múa. Thâng là con cháu Tạo, nên những dịp này lại càng cần xuất hiện.
Từ trên sườn núi nhìn xuống, có thể thấy ở xa một vạc rừng lớn đã bị phạt đi phẳng lì, màu xanh um hồi trước đã nhường cho màu nâu bạc trọc lốc. Cùng với đó là những chiếc xe lu, những máy ủi và lô sắt thép dùng trong thi công công trình được chở vào, chen chúc nhau. Thâng nghe bảo, người dưới xuôi đang xây gì đó ở phía ấy. Một cánh rừng lớn biến thành một công trường khổng lồ chờ để một khu nhà mọc lên, bề thế nằm trên núi.
Păn hỏi cậu, “Người dưới xuôi muốn xây gì ở đó đúng không mày?”
“Tao nghe ải pú mình bảo thế!” Thâng gật đầu, trong lúc gặm gặm đọt mây, “Người dưới xuôi bảo sẽ xây trạm nghiên cứu vũ trụ.”
“Nghiên cứu vũ trụ?” Păn trợn mắt, bò lại gần cậu, “Là mấy cái phi thuyền bay bay trong sách, rồi ống nhòm thiên văn thấy được sao trên trời đúng không?”
“Tao có biết đâu.” Thâng đẩy mặt thằng bạn lệch qua một bên, “Nói chung là nghe xa xôi kỳ cục lắm. Họ hiện đại, giàu có, nên làm những chuyện mà người mình cũng không thật rành.”
“Mấy pảo mấy pú tao luôn nhắc là người dưới xuôi không tốt! Họ cứ tìm cách chiếm đất của mình, chiếm rừng của mình, biến mình thành giống như họ.” Păn nằm ngửa ra, nhìn mây.
“Ải pú tao thích họ lắm. Ải pú tao cho phép đấy, nếu không được phép thì họ đâu thể làm được!”
“Ải pú mày bị lừa rồi, họ cho ải pú mày bao nhiêu tiền, bao nhiêu trâu bò?”
“Thằng mất dạy, nói bậy bạ thôi.” Thâng nhăn mặt, lại vỗ vào bụng bạn một cái.
Păn ré lên, “Ui da, tao ghẹo mày đấy! Nhưng người dưới xuôi không như mình, họ có tham vọng với người mình từ xưa đến nay rồi.”
“Tao cũng biết, cái bụng của người dưới xuôi…”
“Cái bụng của người dưới xuôi không tốt!” Păn xen giữa lời cậu, nói lớn hơn, “Phải trông chừng họ đấy, mưu chước họ ghê gớm lắm. Họ luôn bảo rằng tục tụi mình trên này là kém văn minh, là những hủ tục cần bài trừ, họ nghĩ phải biến tụi mình giống như họ thì mới là tốt.”
“Nếu họ đã lên được vũ trụ, chắc họ chẳng cần chiếm đất của mình.” Thâng nói, cốt để bạn đừng nghĩ xấu về những con người không quen biết. Thích hay ghét một ai thì ít nhất cũng phải có một lý do thực tế và thoả đáng.
“Họ mà dám chèn ép người đồng mình, tao sẽ đánh đuổi hết cả lũ bọn họ.” Păn đứng bật dậy, vung tay lên, “Không thể để mình bị họ xâm chiếm được.”
Thâng cười hố lên, nhào đến đè bạn xuống, “Anh hùng lắm, anh hùng lắm, mày thì hay rồi! Mày còn không đánh lại tao mà cứ hay nỏ mồm. Nhưng mày hứa rồi đấy nhé!”
“Ai nói tao không đánh lại mày!” Bị đè nghiến, Păn lồng lên tấn công ngược lại. Hai đứa lăn khỏi đá, rơi xuống bãi cỏ. Tiếng cười cả hai xoắn xuýt.
“Chết này, chết này.”
Thâng cù lét bạn. Păn né ra, cười khằng khặc. Trong lúc hai đứa đang nghịch đất, chúng nghe thấy có tiếng nhạc nhỏ nhẻ vang lên trên đá. Cả hai reo mừng, vội bò lên lại. Anh Han đã chuốt xong từng đoạn sáo, dù chưa ra hình ra dáng nhưng có thể nghe được chút âm thanh nhạc điệu. Anh đang thổi thử để kiểm tra đã vừa ý chưa. Mắt anh nhắm nghiền, đầu nghiêng nghiêng, vài sợi tóc rơi khỏi vành khăn đen trên đầu lay lay trong gió.
“Hay quá, hay quá!” Hai đứa nhỏ vỗ tay, nhìn nhau, thấy được vẻ rạng rỡ của mình in lên khuôn mặt đối phương.
Khi đó, những nhánh ban đang trở mình nhú lộc. Nửa tháng sau, hoa ban nở trắng rừng.
✦
“Máu không rớt mà đau tận ruột,
Máu không rơi mà buốt tận tim.
Đau trong ruột không người đoái hoài,
Buốt trong tim thăm hỏi nào ai?”²
Áp tai vào đá, Thâng lắng nghe những âm thanh huyên náo của hội Xên Mường.
Tiếng người trên những bậc ruộng, triền đồi réo rắt.
Tiếng vòng xuyến va nhau lanh canh.
Tiếng bước chân trai gái giẫm bình bịch trên những đường mòn.
Tiếng xà tích vắt đai quần lẫn với tiếng khèn trầm bổng.
Thâng leo đường đèo, dọc theo tiếng con sông Đà ầm ào, ngỡ như cạnh bên nhưng lại xa tít tắp. Đừng trên cao nhìn nước sông Đà, nước cuốn cánh hoa ban, hoa áy dập dờn chảy về xuôi, Thâng ngơ ngác. Những cánh hoa chìm trong xoáy nước, lãng đãng trôi trong dòng chảy trong veo. Phía xa, từng đôi trai gái đi hội Xên Mường. Cái đu lớn dựng ở giữa đông xên, thằng Păn phóng lên đu, tụi ở dưới đánh võng để đu bay tít lên cao, càng lúc càng cao hơn. Nó không sợ, vẫn bám chắc càng, đẩy hông, gần như có thể ngay lập tức bay ra khỏi cái đu mà phi lên mường Trời.
Hoa ban bung cánh. Cánh hoa bay trong gió, xếp lớp lớp trên đất. Thâng giẫm lên con đường hoa. Tiếng khèn tiếng sáo quyện nhau khắp nơi. Nó nhìn những cô gái đầu đội khăn rực rỡ sắc màu, áo cóm váy đen, eo quấn xà tích. Những người bạn gái đứng tụm lại trò chuyện dưới những gốc hoa ban. Dường như họ đã tạm rũ bỏ lớp da vẫn thường khoác để lên nương, lên rừng, vào suối, để mặc vào những lớp da lễ hội trắng hồng.
Thâng nhìn thấy trong đám hội, thằng Păn phóng xuống đu, đến xô anh Han trúng một chị gái. Anh và chị ấy đi bên cạnh nhau, anh đang thổi khèn cho chị nghe. Đứng ở trên điểm cao nhất để nhìn mọi người, dù không nghe thấy gì song Thâng vẫn thừa biết bài mà anh Han đã chọn để hát. Lời ca “Songchu sonsao” chấp chới, sầu muộn nhưng tình tứ, ai cũng biết hát biết thổi, song không phải ai cũng biết hát và thổi cho hay. Người xung quanh vỗ tay, mặt cô gái phừng phừng sắc đỏ. Hai người họ nắm tay nhau, tung tăng chơi hội. Cuối cùng anh Han cũng đến được với cô nàng anh để ý lâu nay, vẻ mặt anh xen lẫn khoái trá và tự hào.
Nghe bảo anh đã ra sông bắt cá. Cá ướp chua đem hỏi vợ đã sắp sẵn từ lâu. Trâu bò, rượu thịt và chuối mía, thức nào cũng đều đầy đủ. Thâng tưởng tượng ra một cái lễ Chóm mia sắp tới.
Hội vãn, trời sụp tối. Thâng bước xuống đèo. Cậu thấy Păn đang đứng quay quắt giữa đông xên, sợ hãi rúm ró. Cậu biết thằng bạn mình sẽ chơi mà quên mất giờ về, để rồi ở lại cho đến tối mịt mà không hay. Păn sẽ tự nhủ lòng vẫn còn sớm lắm, chẳng sao, chẳng sao. Cho đến lúc bóng tối mù mịt và lửa hội tắt ngấm, thằng bạn sẽ hoang mang rối bời, vừa muốn kiếm người để xin về cùng, mà cũng vừa không dám vì sợ bị chê nhát gan. Vả lại, mỗi ngôi nhà trong bản đều nằm cách nhau rất xa, nó có thể cùng người ta về một đoạn chứ không thể bắt người ta đưa mình đến tận cổng nhà.
Thế là khi người tan dần, đường đi càng lúc càng vắng, Păn không dám động đậy giữa núi rừng và những khối đá tối đen, nằm lù lù đáng sợ như những ông thần mặt dữ. Trong lúc nỗi sợ bủa vây, nó thấy một ngọn sáng lấp ló đến gần. Păn hớt hãi muốn hét nhưng rồi chợt nhận ra đó là thằng bạn mình.
“Mày làm tao giật cả mình!” Păn phát vào vai bạn.
“Tao biết mày không tự về được nên đợi về chung với mày, muốn gì nữa?”
“Từ sáng đến giờ mày ở đâu, sao không ra hội chơi?” Păn hỏi.
Hai đứa đi dọc con đường mòn dốc nghiêng, đầy đá lổn nhổn.
Thâng trỏ về phía tảng đá trên đỉnh đồi, “Tao ngồi trên đó ngắm hội.”
Trỏ xong, Thâng mới nhận ra Păn không dám nhìn theo ngón tay cậu. Nó chỉ dám nhìn xuống chân, chỗ có đèn rọi. Nó sợ khi mình nhìn lên sẽ thấy một cái bóng đen đang ngồi ở tảng đá trên đồi, nếu vậy thì có mà vãi ra quần mất.
“Mày không chơi cùng mọi người mà lại ngồi đó ngắm?”
“Hội Hoa Ban thì chẳng ngắm hoa ban chứ làm gì?”
“Mày khùng thật.” Păn đẩy mạnh một cái, cây đèn chao nghiêng, nhấp nháy rồi tắt lụi. Nó la lên oai oái. “Bớ vía, đèn tắt rồi, Thâng!”
“Thằng chó này, tự mình làm tắt đèn rồi tự tru tréo như bị Chằng nhập ấy.” Thâng chậc lưỡi, lấy tay đập đập cây đèn.
“Ê nhanh nhanh lên đi Thâng, thấy ghê quá!”
Cây đèn vừa nhấp nháy trở lại, Păn đã bay đến ôm cứng lấy người Thâng, ánh sáng lại tắt tiếp. Bực mình, cậu đẩy thằng bạn ra, mắng:
“Bỏ ra để tao chỉnh đèn chứ, thằng chó! Pin mà rớt là đéo có đèn đóm gì nữa nhé!”
Đến lúc này Păn mới chịu thả bạn ra. Thâng xoay xoay hai cục pin mấy lượt, đèn sáng trở lại, rọi thành quầng sáng dưới chân. Cậu nâng đèn lên, soi bạn. Trong ánh sáng, cậu soi thấy Păn đã đầm đìa nước mắt, khuôn mặt mếu máo đỏ kè. Không còn biểu cảm nghịch ngợm mà chỉ còn một cậu nhóc đang khụt khịt mũi liên tục.
Thâng không nhịn được, ôm bụng ngồi hụp xuống, cười ngật ngưỡng, nói không ra hơi, “Cứu tao với, mày làm tao cười tới chết mất thôi!”
Thằng bạn thẹn, vùng vằng đá cậu. Cậu xua xua tay:
“Được rồi, được rồi, không ghẹo mày nữa! Đùa một lát đèn lại tắt bây giờ!”
Dẫu sao thì, cái ôm của Păn vừa rồi cũng làm Thâng thấy ấm áp, xoa dịu cậu vơi bớt nỗi buồn khi thấy cảnh anh Han thổi khèn tặng cho người con gái ấy và dắt tay cô ta len qua những con đèo…
Song, niềm vui trong lòng Thâng ngắn ngủi như một mùa hoa chớm nở đã lụi tàn. Cả hai đi thêm một lát thì thấy từ xa có ánh đèn gọi khắp nơi. Đó là ánh sáng từ những ngọn đèn điện của khu công trường. Từ cánh rừng tít xa, ánh sáng đã mò được đến đây. Păn hớn hở, vẫy tay với cậu rồi phóng lên trước.
Păn vừa chạy ạch đụi, vừa nói:
“Mày đưa tao đến đây được rồi. Hên quá, đường sáng trưng!”
Dù vẫn còn một đoạn nữa mới đến nhà nó.
Cứ vậy, Păn rời khỏi ngọn đèn bé tí trên tay Thâng, phóng vào những luồng sáng khổng lồ. Thâng gật đầu chào bạn, đoạn xoay qua nhìn cánh rừng đã bị mất một mảng to đùng bên dưới. Màu xanh mướt mắt của núi đồi nay đã thành ra nham nhở, trông như một cái pảnh xíp xí bị ngoạm mất hơn nửa khi còn chưa được đem cúng vía trâu.
Sáng quá! Người dưới xuôi thắp đèn xuyên đêm, xua đuổi bóng tối. Ngọn đèn trên tay cậu hoá ra dư thừa. Một thứ gì đó trồi khỏi lồng ngực cậu như con rắn mối trồi đầu khỏi khe đá ngắm thế giới rực rỡ ban ngày. Cậu đứng trước thứ ánh sáng chói loà và xa lạ. Phía ấy chắc là sáng lắm, ở đây chỉ hưởng sái được một chút thôi mà đã đủ để Păn có thể tự đi về một mình mà không cần cậu, nghĩa là phía ấy phải rất sáng.
Bỗng nhiên, Thâng nghĩ, có lẽ mình đứng về phe của bóng tối.
✦
“Nước mắt rỏ hai dòng,
Rỏ ba dòng.
Dòng rơi đằng trước đủ rửa rau muôn rỏ,
Dòng rơi đằng sau đủ rửa rau muôn vườn.”³
Anh Han về ở rể chưa được một năm đã bị người nhà cô gái tống về. Anh đã tính mà tính không đủ, anh đã lo mà lo chẳng tròn.
Gia cảnh anh nghèo, chuyện đó đã đành. Suốt thời gian ở rể, ải anh cứ rượu vào là lại đến nhà sui gia mắng sa sả. Ông ta trách nhà gái thách cưới cao trong khi thừa biết nhà ông nghèo kiết, nhà làm khèn thì kiếm được bao nhiêu.
Anh Han đi ở rể, nhà không ai lo liệu, chẳng ai can được ải anh đánh êm anh. Êm anh im lặng chịu đựng như một cái bị thịt bị người ta dần ra thành một đống băm.
Cảnh nhà rể bao chuyện vướng mắc quá, một năm làm rể chẳng yên được mấy nả, nhà gái rốt cuộc cũng không chịu được, huỷ hôn ước. Ải pú của Thâng đến khuyên giải hết lời, rằng người đồng mình đã có tục từ xưa cho trai gái yêu đương tự do, cha mẹ không nên cấm cản. Song người nhà cô gái đã vốn không hạp ý anh Han từ trước do anh chẳng có của cải gì, chuyện này lại càng khiến họ phật lòng hơn. Cô gái cũng không biết đỡ lời người tình mình thế nào cho phải, cô đã tính mà tính không đủ, cô đã lo mà lo chẳng tròn.
Chuyện ở rể thất bại là một phần của tục lệ, nhưng lại hiếm khi người ta để cho nó xảy ra. Anh Han bị trả về thì xác định sau này rất khó để hỏi cưới cô nào khác. Tiếng khèn của anh mấy năm tới lại tiếp tục bặt câm trong đám bạn. Hay tiếng khèn ấy thật ra chỉ là cái đập cánh giãy giụa của loài phù du, chỉ cựa mình một lần rồi tắt ngấm mãi mãi.
Ngày anh dọn đồ đạc về, Thâng đến phụ. Cậu tìm được trong góc nhà treo cây khèn cũ. Mới hai năm trước, họ đã cùng nhau tìm mạy pao, ngồi trên đồi ngắm cảnh bản mường xanh mướt với những tầng sương chiều bảng lảng. Thâng bảo anh Han thổi khèn cho mình nghe, vì sợ sau này anh bỏ khèn, mình sẽ không thể nghe được nữa. Anh hơi ngần ngại, nhưng cũng quyết định sẽ thổi một chút. Hai anh em ra ngồi phía sau nhà, trên một khối đá.
“Mày muốn anh thổi bài gì?” Anh hỏi, khi đặt cây khèn lên đùi.
“Tất nhiên là ‘Songchu sonsao’ rồi anh.” Nó trả lời ngay. Bài hát về một cặp đôi bị chia rẽ nhưng vẫn cố gắng tìm về với nhau. Không gì chia cắt được tình yêu.
Tiếng khèn của anh não nề, da diết, rười rượi như thế gian đã rơi vào vực thẳm, xa ngút chỉ còn tiếng cọ kêu. Lòng Thâng lâng lâng xúc động, nó bảo anh dừng lại.
“Anh Han…”
Cậu muốn nói mình yêu tiếng khèn của anh vô cùng, rằng nếu anh trao tiếng khèn cho cậu, thì tốt biết bao. Thâng muốn nói lời của rừng, của núi, rằng nếu anh nhìn thấy được lòng cậu…
Cậu chồm tay đến chạm vào mặt anh Han. Anh mắt cậu nhìn xoáy vào anh, đợi anh đọc thấy tiếng lòng mình. Cậu cầu xin. Anh đã đọc ra rồi. Song, trước sự bẽ bàng của Thâng, anh Han quay đi, vội vã gạt tay nó ra.
“Thâng, mày làm cái gì đấy!”
Cậu tê dại ngồi về chỗ cũ trên tảng đá.
Hốt nhiên, một tiếng đùng đoàng tạt đến, khiến hai anh em giật mình. Anh Han ném cây khèn đi, chạy đi xem, Thâng cũng vụt chạy theo.
Bà con trong bản mường đứng trông khắp sườn đồi, vách núi. Những người đang đập lúa trên nương cũng ngoái nhìn. Đã có thông báo từ trước, hôm nay người ta cho cài bom san phẳng đá núi, dọn sạch những tàn dư còn lại của tự nhiên để mở rộng thêm công trình. Mọi thứ đang dần hoàn thiện, tiếng đục đẽo vang khắp rừng núi, dội lại những tiếng rú kéo dài.
Anh Han chỉ nhìn chằm chằm về phía ấy. Thâng chợt nhận ra, anh không phải giật mình vì tiếng động vừa rồi, cả làng đều đã được thông báo cho biết trước. Anh chỉ muốn chạy đi, cố tìm cách để che lấp điều vừa mới xảy ra lại. Đó là cách anh từ chối mà không phá huỷ bất kỳ thứ gì.
Lại thêm một tràng nổ vang dội nữa.
Tiếng ồn xây dựng lấn át tiếng khèn trong sạch và nguyên lành. Chưa bao giờ Thâng cảm giác được nó đến gần như thế. Người dưới xuôi dọn lên ngày càng nhiều, những chiếc xe rùng rùng chuyển động, chim muông tan tác. Một nỗi sợ sâu xa ập đến, Thâng thấy thế giới khép kín của cậu đang bị đe doạ.
Nỗi đau tê tái từ tình cảm đầu đời tan vỡ hoà cùng tiếng vỡ vụn của đá. Thâng bỗng chốc không thể đứng vững. Cậu sụp xuống. Tiếng anh Han gọi cậu giật giọng lẫn nào tiếng kêu của núi.
Thâng bị trời hành li bì suốt mấy hôm. Ông mo xem bệnh và bảo rằng cậu bị ma hứng vợt, quăng chài bắt mất vía. Mo bày cách cưới vợ cho cậu để giải trừ. Tin được hay không thì không biết, nhưng dẫu sao Thâng cũng đã đến tuổi rồi, cũng nên cưới vợ. Trai bản đến tuổi thì cần phải lập gia đình. Vợ cậu là ai cũng đã được chọn xong. Vợ cậu là một cô gái ở mường khác, cả hai kết đôi để tạo mối liên minh giữa các mường. Cô gái đẹp người đẹp nết, đan khăn piêu rất lành nghề, nấu gỏi cá trắm rất ngon, làm gỏi cá diếc rất thạo.
Đám cưới của cậu diễn ra trong huyên náo, trong tiếng ồn, trong tiếng pí, nhị, khèn, cả trong tiếng công trình được bồi da đắp thịt mỗi ngày. Vì là người dòng Tạo, đám cưới của Thâng với vợ diễn ra sôi nổi. Ải pú cậu mời mấy bàn toàn các lãnh đạo dưới xuôi. Người của viện nghiên cứu đã chuyển lên cũng tò mò đến xem, quay phim chụp ảnh làm tư liệu.
Đó là lễ cưới linh đình và đúng tục lệ nhất từ trước đến nay của bản, vì hai bên thông gia đều là người đầu bản đầu mường cả. Păn lấy vợ trước cậu, đã tấm tắc bảo lần nó cưới vợ không thể nào sánh bằng được lần của cậu. Thâng nhận lời chúc tụng của tất cả mọi người, từ già đến trẻ. Anh Han cũng dặn cậu hãy làm một người chồng thật tốt. Đâu ai ngờ trong ba đứa lên rừng hôm ấy, chỉ mỗi anh Han là đến giờ vẫn còn dang dở.
Đám khách khứa cười nói luôn mồm, nhưng Thâng thì chỉ lặng lẽ như một cái bóng. Cậu nghĩ, tiếng ồn từ hướng công trường đã át mất tiếng mình. Mình có nói cũng chẳng ai nghe thấy.
Cậu nghĩ, có lẽ mình đứng về phe của im lặng.
Bình luận
Chưa có bình luận