Nguyệt Minh nhìn vào khuôn mặt đàn ông vừa có nét quen thuộc vừa toát ra đôi phần lạ lẫm trước mắt, bất giác hỏi: “Chấn thương nặng đến mức ấy cơ á?”
“Phẫu thuật xong thì dần khỏe lại rồi. Nhưng bác sĩ bảo nếu còn tiếp tục vận động mạnh như thế thì khả năng tái phát chấn thương là rất cao, nên có thể sẽ phải ngừng thi đấu.” Giọng Mạnh Khôi bình bình, như đang nói về một chuyện không liên quan đến mình. Nhưng nếu nghe kĩ, người ta sẽ nhận ra ở cuối câu nói, anh khẽ thở dài, một cái thở dài rất nhẹ.
Nghe vậy, Nguyệt Minh không biết làm gì khác ngoài vô thức hỏi: “Thế ông định ngừng thi đấu thật à?”
“Tạm thời là vậy, trước mắt cứ chờ khỏe lại đã. Còn sau này… thì chưa biết.”
Nguyệt Minh máy móc gật đầu.
Thấy bầu không khí trở nên nặng nề, Mạnh Khôi hỏi Nguyệt Minh: “Bà đi làm về à? Công việc dạo này thế nào?”
“Thì vẫn vậy thôi. Ngày nào cũng chỉnh sửa câu cú, cách diễn đạt cho người ta, thỉnh thoảng thì đi gặp tác giả. Làm xuất bản nó thế mà.”
Mạnh Khôi gật đầu.
Sau đó là một khoảng im lặng.
Để tránh bầu không khí trở nên gượng gạo hơn, Mạnh Khôi ho nhẹ một tiếng. “Thôi bà dắt xe vào nhà đi, tôi cũng về nhà đây, từ chiều mẹ tôi đã ngóng tôi về rồi.”
Nguyệt Minh gật đầu. “Ừ. Thế… gặp lại sau nhé.”
“Ừm.”
Nguyệt Minh mở cánh cổng sắt của căn nhà thứ hai bên phải ra, dắt xe vào rồi đóng cổng lại. Chốt cửa xong, qua kẽ hở giữa những thanh sắt cổng, cô trông thấy Mạnh Khôi kéo hành lý bước từng bước chân chậm rãi mà nặng nề đến căn nhà sâu nhất trong ngõ. Hôm nay trời âm u cả ngày, bóng tối bao trùm lên mọi thứ sớm và nhanh hơn thường lệ, cái lạnh cắt da cuối ngày đông càng cứa sâu cảm giác cô liêu, hoang hoải vào mỗi tấc da, thớ thịt. Nhìn dáng hình ấy bước đi, Nguyệt Minh khẽ thở dài. Làn khói trắng phả ra từ cái thở dài ấy như phủ thêm một lớp nhờ nhờ lên bóng dáng nọ, khiến cô có cảm giác mọi thứ chỉ như một ảo ảnh lờ mờ, không chân thực.
Mạnh Khôi về nhà, vừa mở cửa cổng ra, cu cậu Nguyễn Mạnh Đăng – em trai anh nghe thấy tiếng động đã chạy ra hiên nhà ngó, sau đó gọi với vào trong: “Bố mẹ ơi, anh Khôi về rồi.”
Hai người ở độ tuổi trung niên vội đi từ trong nhà ra. Người đàn ông áng chừng ngoài năm mươi, làn da hơi ngăm, khuôn mặt không có nhiều biểu cảm, mái tóc cắt ngắn đã điểm rõ những sợi bạc, song trông ông vẫn gọn gàng và khỏe khoắn. Người phụ nữ trông chỉ như ngoài bốn mươi có mái tóc buộc thấp vẫn đen nhánh mượt mà, khuôn mặt hiền từ thoáng phần lo âu, nhưng những nếp nhăn nơi khóe mắt cho thấy tuổi của bà đã không còn trẻ nữa, hoặc có lẽ nỗi lo ngay ngáy mấy ngày nay đã khiến bà trông già sọm hẳn so với bình thường.
Thấy con trai về, người phụ nữ – bà Nguyễn Thị Hiền vội tiến lên ôm con trai.
“Về rồi à con? Vết thương đã đỡ chưa? Sao không gọi điện bảo bố mẹ ra đón?”
“Quãng đường không xa nên con đi bộ về luôn. Con đỡ nhiều rồi mẹ. Mẹ đừng lo quá nữa.” Mạnh Khôi đưa tay khẽ vỗ lưng mẹ mình.
Bà Hiền gật đầu lia lịa, chỉ biết làm vậy để ngăn khóe mắt khỏi ươn ướt.
Ông Nguyễn Hữu Mạnh cũng gật nhẹ đầu với con trai và bảo: “Về rồi thì cứ nghỉ ngơi cho khỏe hẳn lại rồi làm gì thì làm.”
“Vâng.”
Thấy mọi người như muốn chôn chân luôn ở đây, cu cậu Mạnh Đăng vội nói: “Có gì bố mẹ hỏi thăm từ từ cũng được, để anh Khôi vào cất đồ rồi cho anh ấy ăn cơm đã, chứ chắc anh ấy đói meo rồi đấy.”
Nghe vậy, bà Hiền buông con trai ra, vội bảo anh lên tầng cất đồ, tắm và thay quần áo rồi xuống ăn cơm.
Về đến phòng mình, Mạnh Khôi nhìn cậu em trai kém bảy tuổi được bố mẹ phân cho công việc xách hành lý lên tầng hộ mình. Dạo này cu cậu đã cao lên, hiện đã cao quá vai anh nửa cái đầu, tóc tai cũng mới cắt cho gọn, không bù xù như mấy hôm trước gọi video với anh nữa. Còn tính cách cu cậu thì… vẫn láu táu như trước.
“Hôm nay lại gọi tao là anh cơ đấy?”
“Trước mặt hai cụ thì phải thế chứ. Ông còn lạ gì nữa mà bày đặt bất với chả ngờ?”
Mạnh Khôi hừ nhẹ một tiếng, hỏi thăm cậu em: “Dạo này mày học hành thế nào?”
“Khiếp chán cái ông này thế nhở. Ông mới có hai lăm xuân xanh mà ông xem ông có giống mấy phụ huynh trăm tuổi bẻ đôi không, vừa gặp cái đã hỏi chuyện học hành, không có chuyện nào khác để hỏi à.”
“Không.”
“…”
“Nói chung tao chẳng tò mò gì khác về mày để mà hỏi cả.”
Mạnh Đăng bĩu môi, kéo vali hành lý vào cạnh tủ quần áo của anh trai. “Thôi chẳng nói với ông nữa, tắm rồi chuẩn bị xuống ăn cơm đi, chờ ông về để được ăn mà tôi sắp đói lả luôn rồi.”
“Tao biết ngay mày đói nên mới bảo bố mẹ là tao đói mà.”
Mạnh Đăng cười he he, đưa ngón trỏ tay phải lên chỉ mấy cái vào đầu mình. “Chuyện. Mọi thứ nằm hết ở đây này.”
Nói rồi, cu cậu chạy tót ra ngoài cửa. Nhưng bỗng nhiên, Mạnh Đăng dừng lại ở bậc thang trên cùng, ngoái lại hỏi: “Mà vết thương của ông không sao chứ?”
“Không. Mày không phải lo cho tao đâu, lo việc học của mày đi.”
Nghe thế, Mạnh Đăng nhăn mặt, hừ một tiếng rồi chạy biến xuống tầng.
Mạnh Khôi lắc đầu, mỉm cười.
oOo
Bữa cơm hôm nay khá phong phú với các món: canh xương khoai sọ, nem rán, gà rang sả ớt, đậu phụ nhồi thịt, chả đậu xanh, rau cải xào. Đối với vận động viên có thực đơn ăn uống riêng chú trọng vào chế độ dinh dưỡng, thường ngày ăn nhiều tinh bột, nếu ăn thịt đỏ thì thường là thịt nạc như anh, đây là một bữa cơm khá xa xỉ. Đã lâu lắm rồi anh không ăn bữa cơm nào thế này. Hẳn là vì lâu rồi con trai mới về nhà nên mẹ anh đã chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn cho anh tẩm bổ. Nghĩ vậy, Mạnh Khôi không khỏi gắp thức ăn vào bát bố mẹ và bảo họ ăn nhiều hơn.
Vì có cu cậu Mạnh Đăng mau miệng nên bầu không khí trên bàn ăn không quá nặng nề và khá vui vẻ. Ăn cơm xong, Mạnh Đăng phải đi học bài, còn Mạnh Khôi lên phòng nghỉ ngơi. Phòng của hai anh em cách nhau một hành lang dài khoảng bốn mét, nhưng vì phòng của Mạnh Khôi có máy tính nên cu cậu Mạnh Đăng thường “cắm rễ” học bài ở phòng anh chứ không học trong phòng mình.
Hai anh em nói chuyện câu được câu chăng.
“Thằng Đạt mới giới thiệu cho tôi một con game hay phết, ông ở nhà không có gì làm, chơi không tôi giới thiệu cho?”
Đạt mà Mạnh Đăng nhắc tới là Phạm Minh Đạt – bạn thân từ nhỏ và bằng tuổi với Đăng, sống trong căn nhà thứ hai bên phải tính từ đầu ngõ đi vào, cũng chính là em trai của Nguyệt Minh.
“Học thì không học, suốt ngày game ghiếc gì?”
“Ôi trời đất ơi cứ nói được một tí là ông này lại như bố già ấy. Sống trẻ lại đê ông ơi.”
“Mà mày với thằng Đạt vẫn học chung nhỉ?”
“Ừa, dính nhau từ mẫu giáo đến giờ là lớp mười hai rồi vẫn dính. Tôi nghi sau này tôi mà có người yêu chắc người yêu tôi ghen với nó luôn mất.”
Mạnh Khôi bật cười, lắc đầu.
“Mà nói mới thấy, ông bố nhà mình chơi với ông bố nhà nó và cũng là bạn cùng lớp, cũng có thể gọi là ‘dính nhau’. Ông với bà Minh nhà nó thì cũng dính nhau từ lớp một cho đến khi ông đi học bóng chuyền còn gì. Uầy, chẳng lẽ cái này là gen luôn hả.”
Nghe vậy, Mạnh Khôi thoáng sững người. Sau đó, anh nói khẽ: “Chắc vậy đấy.”
Mạnh Đăng gật gù ra chiều đắc ý vì phát hiện của mình.
“Thôi chú ý học bài đi. Tao đang giám sát mày đấy. Mà nhân tiện cho xin tên con game cái đã.”
Mạnh Đăng xí một tiếng.
Có được tên trò chơi từ Mạnh Đăng, Mạnh Khôi vào cửa hàng ứng dụng trên điện thoại rồi tìm kiếm. Trong lúc chờ tải ứng dụng về máy, anh bỗng nhớ lại câu nói vừa rồi của Mạnh Đăng.
Đúng là anh và Nguyệt Minh quen biết nhau từ nhỏ, cũng “dính nhau” từ thuở bé cho tới khi anh mười lăm tuổi và được chọn để đi học bóng chuyền. Hai người từng vô cùng thân thiết, gọi là “bạn tâm giao” của nhau cũng chẳng ngoa. Cho đến khi anh xa nhà vào câu lạc bộ để tập luyện, mối quan hệ giữa hai người mới trở nên nguội lạnh dần.
Giờ đây, sự nghiệp bóng chuyền của anh chẳng biết sẽ thế nào, còn mối quan hệ với cô đã chuyển từ “bạn tâm giao” thành “bạn xã giao” rồi.
Bình luận
Chưa có bình luận