“Serenata này, mình chuyển nhà đi.”
***
Giọng Mỹ đêm qua nhẹ tênh, cứ như thể chỉ là lơ đễnh buột miệng nói ra một suy nghĩ vẩn vơ chạy thoáng trong đầu. Tôi sẽ chẳng buồn bận tâm nếu như Mỹ không lặp lại thêm lần nữa - vừa lặp lại vừa cắm cúi hoàn thành đống công việc chưa xong ở chỗ làm.
Phòng chúng tôi đối diện nhau, hai cánh cửa phòng đều mở toang, đủ để tôi có thể trông thấy bóng dáng Mỹ. Tuy thế, gương mặt Mỹ đã khuất sau màn hình máy tính, tôi không rõ khi nói điều ấy rốt cuộc Mỹ đã có biểu cảm thế nào.
Tôi gặng hỏi nguyên do, nhưng Mỹ nhất định không chịu trả lời tôi. Đáp lại câu hỏi chỉ là chuỗi những âm thanh gõ phím lạch cạch kéo dài đến quá nửa đêm.
Tôi trở mình tỉnh dậy vào sáu giờ sáng nay, nằm lại trên giường với những suy nghĩ ngổn ngang miên man chảy trong đầu. Tôi nghĩ về Mỹ. Mỹ và tôi đã lớn lên cùng nhau trong ngôi nhà này. Từ khi mẹ chúng tôi còn sống, khi cha vẫn luôn chơi những bản dương cầm vào mỗi tối thứ bảy, cho đến khi căn nhà chỉ còn độc hai chúng tôi. Đồng hồ chỉ sáu giờ hơn, tôi bước ra hành lang, nhìn phòng Mỹ đối diện vẫn đóng cửa rồi lặng lẽ đi về phía cầu thang, chạm tay lên lan can gỗ đã sờn màu. Tôi vẫn còn nhớ hồi cả hai chúng tôi còn nhỏ, khi gia cố lại chiếc lan can này, cha đã nhắc nhở chúng tôi không được động vào đống ốc vít, máy cưa, hay búa và đinh của cha. Ấy thế, bao giờ cha cũng phải phàn nàn vì tật không nghe lời mà táy máy của Mỹ. Trong khi đó, tôi nhìn Mỹ, đứa trẻ nhỏ có đôi má bầu bĩnh hồng hào, và đôi mắt to tròn trong veo, cùng nhau khúc khích cười thầm vì đã thành công dành được sự chú ý từ cha. Cầu thang chỉ được làm từ loại gỗ xoàng, mấy tấm ván đã cong vênh cả, lại luôn kêu cọt kẹt đánh thức tôi mỗi khi Mỹ đi làm về muộn. Nhưng, trong kí ức của tôi, tiếng cọt kẹt ấy sẽ lẫn trong âm thanh cười giòn tan của Mỹ, trong tiếng chân dậm thình thịch tôi đuổi theo sau, tiếng mắng yêu của mẹ và tiếng dương cầm êm ái cha chơi. Âm thanh bản sonata(1) Fur Elise, một bản Beethoven soạn chỉ có vài hợp âm đơn giản lặp lại, vẫn luôn vang lên đệm bên dưới những ký ức mà tôi, hay Mỹ, chưa bao giờ muốn quên.
Đột nhiên, tôi muốn dọn dẹp nhà cửa. Vì guồng làm việc bận rộn của Mỹ, nên việc bếp núc, lau dọn trong nhà đều là tôi đảm nhận. Bình thường, tôi chỉ dọn dẹp vào những ngày lẻ trong tuần, nhưng kể cả hôm qua đã lau chùi đâu ra đấy, tôi vẫn muốn mình dọn dẹp vào ngày hôm nay - một ngày chẵn. Có lẽ tôi sẽ xin khất lịch hẹn hoàn thành khăn tay của vài khách hàng trong chiều nay.
Tôi xuống nhà, đổ đầy một thau nước, lấy chiếc giẻ lau mà mình vẫn luôn dùng. Tôi cầm chổi và quét thật cẩn thận, cố lấy bằng sạch những đám bụi bám dính trong góc phòng. Căn nhà dù xây đã lâu nhưng vẫn còn tốt như trong tưởng tượng của tôi. Chẳng có mảng tường nào bị bong tróc, hay có bất cứ vết nứt nào xuất hiện. Lớp sơn vàng nhạt vẫn sạch sẽ, như thể ai mới quét lại ngày hôm qua. Nắng len qua những chớp cửa gỗ dưới tầng trệt, ngả trên lát gạch những vệt dài mơ màng. Ánh sáng vẫn chưa đủ sậm màu để tách bạch hẳn với phần bóng tối còn lại.
Tiếng Mỹ trở dậy lục đục vọng từ trên tầng. Giờ vẫn chưa tới bảy giờ. Dù giờ làm việc của Mỹ là tám rưỡi, Mỹ vẫn thường dậy sớm để bắt chuyến xe buýt tới chỗ làm. Khi Mỹ vội vàng xỏ đôi giày cao gót, cố gắng chỉnh trang chân váy đen và chiếc áo blazer(2) cùng màu, Mỹ khẽ thì thầm với tôi thêm một lần nữa.
“Chiều về rồi mình nói chuyện nhé.”
Mỹ ôm tôi một cái, mở cửa, cố hết sức để tôi không trông thấy đám đông bên ngoài. Tiếng khóa cửa vang lên hai lần, mọi âm thanh đều đi theo Mỹ, biến mất sau cánh cửa. Tất cả vang vọng lại chỉ có bản Fur Elise đang xoay vần trong đầu tôi.
Không hiểu sao, tôi cảm giác mình đang chờ một lời phán quyết hơn một lời giải thích. Rằng có thể, Mỹ muốn kết hôn chẳng hạn. Hoặc, vì tính chất công việc nào đó, Mỹ sẽ rời đi. Dù thế nào, thì chúng tôi cũng bắt buộc phải chuyển nhà.
Tôi ngơ ngẩn nhìn quanh tầng một. Nhìn chiếc sofa màu xám, nhìn chiếc ti vi lớn chẳng mấy khi bật, kệ ti vi, bàn uống nước đơn màu, nhìn cả bồn rửa bát và chiếc bếp hồng ngoại. Toàn bộ nội thất trong nhà này đều là Mỹ sắm sửa từ khi cha mẹ rời đi. Mỹ đã chọn đi chọn lại từ kiểu dáng, màu sắc, thương hiệu, tỉ mẩn so sánh kích thước của chúng để đặt sao phù hợp với căn nhà này. Tất cả đều tinh tươm, sạch sẽ và chỉ dần vào ổn định khi Mỹ trả được toàn bộ phần trả góp vào đầu năm nay. Không lý gì Mỹ lại muốn bỏ lại tất cả để chuyển tới một căn nhà khác cả.
Có lẽ không có bất kỳ nguyên nhân bất đắc dĩ nào hết. Chỉ là Mỹ chán rồi, chán phải nuôi một đứa vô dụng lớn xác là tôi.
Bản Fur Elise vang trong đầu tôi chậm chạp kết thúc bằng việc lặp lại giai điệu ban đầu, sau khi chuyển sang một phần phát triển khó lường.
***
Dọn dẹp cả căn nhà xong cũng đã là chiều muộn. Tôi ngồi trên sofa chờ Mỹ trở về. Tiếc là đêm ấy chưa có lời phán quyết nào dành cho tôi: Mỹ không về nhà.
***
Chiều.
Tôi khoanh chân dưới sàn nhà, trân trân nhìn cửa ra vào. Không giọt nắng hay vụn âm thanh nào xuyên qua lớp cửa gỗ. Bốn bức tường đứng im lìm. Như thể tôi đang trong một cái hộp kín. Đâu cũng là trần, và đâu cũng là sàn được. Dần dà, tâm trí tôi lơ lửng ở đâu đó, cả người bồng bềnh hệt một con sứa giữa đại dương, một con sứa tôi từng thấy khi cha mẹ dắt tôi tới thủy cung từ hồi xa lắc xa lơ. Người tôi bỗng nhẹ bẫng, tôi để linh hồn mình xoay ba vòng múa ba lê, guồng chân chạy khắp nhà, để nó mở hộp cây dương cầm của cha, vừa nhấn những phím đàn thuộc lòng từ nhỏ vừa ngân nga hát một điệu nhạc cổ mà mẹ thích nghe.
Đó là những giờ phút giải trí trong ngày của tôi, sau khi đã dọn dẹp, và hoàn thành xong số đơn hàng dồn từ hôm qua. Tôi đã ở nhà suốt nhiều năm nay, có lẽ là bốn, năm, hoặc sáu năm, hoặc hơn thế. Quãng thời gian tôi không ra khỏi nhà lâu tới mức, tôi đã không cần sống với dòng chảy của con người nữa. Thời gian của tôi chỉ là giờ Mỹ trở về, và giờ Mỹ rời đi.
Mọi chuyện trở nên như vậy từ khi tôi trượt vào nhạc viện.
Sau khi trượt, gia đình tôi cũng lâm vào cảnh khó khăn, cha mẹ không sao chi trả nổi cho phí học đắt đỏ để tôi có thể thi lại vào năm kế tiếp. Thêm cả, tôi chẳng có gì ngoài tình yêu với âm nhạc, không thiên phú bẩm sinh, cũng không có khả năng giao tiếp dạn dĩ để giao lưu với ban nhạc nào khác. Hồi đó, dù tôi háo hức, cố gắng xin chơi đàn ở những quán cà phê thế nào, thì chỉ đôi tháng sau, ông chủ sẽ lại nói ý nhị với Mỹ, nhờ đưa tiền lại với tôi. Ông bảo, người trong quán không ưa chuộng những gì tôi đàn. Những bản nhạc tôi tự soạn dần dà trở thành chồng giấy lộn, chất đống trong góc bàn. Rồi tôi thôi chơi dương cầm, ở nhà phụ mẹ việc nhà. Không biết tại sao, kể từ đó, cứ động vào đàn cả người tôi lại run bần bật, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Tôi câm như hến và một cảm giác sợ hãi trào lên đến lợm họng. Nước mắt tôi cứ ứa ra dù tôi không có ý định sẽ bật khóc. Nỗi sợ cứ thế ngày một lớn hơn, lan ra cả những thanh âm khác, những đám đông khác, và tôi không sao che giấu chúng trước cha mẹ được nữa. Tôi không biết bác sĩ đã nói điều gì với cha mẹ. Tôi chỉ biết vào ban đêm, khi tôi ngủ say, linh hồn tôi sẽ thoát ra khỏi thân xác, đi xuống phòng cha mẹ, chứng kiến việc họ sẽ lại cãi nhau về phí học đàn của tôi một lần nữa. Trong thời gian đó, lúc nào Mỹ cũng cầm tay tôi, Mỹ nhìn sâu vào mắt tôi. Đôi mắt Mỹ trong veo, to tròn, đen láy, long lanh, phản chiếu cả hình ảnh của tôi trong đó. Mỹ chỉ im lặng nhìn tôi như thế, cái nhìn mà tôi không rõ là oán trách, là nghi ngờ, là động viên hay là an ủi nữa.
Ngược lại với tôi, một năm sau, Mỹ đã đỗ vào một trường đại học có tiếng theo nguyện vọng của mình. Mỹ cố gắng làm thêm những công việc lặt vặt, vừa đỡ đần cha mẹ chúng tôi, vừa tự lo học phí của mình. Tuy chúng tôi vẫn thường chí chóe những việc không đâu từ hồi nhỏ, nhưng tháng nào Mỹ cũng để dành chút tiền mua quà cho tôi. Một chiếc burnt cheese(3) mứt cherry(4), một cuộn chocolate kem mận, một đĩa nhạc cổ điển, một chiếc đầm suông trắng tinh thoải mái, hay đôi khi chỉ là chiếc kẹp tóc thêu màu sặc sỡ.
Rồi Mỹ bắt đầu đi làm cả ngày, dần dà đi làm tới khuya, hoặc có những khi tăng ca, Mỹ không trở về nhà nữa mà ở lại công ty. Mỹ học thêm những khóa học trong cả hai ngày cuối tuần. Tôi không rõ cuộc sống của Mỹ ở bên ngoài thế nào, chỉ biết có một giai đoạn dài, vào những ngày đầu tuần, Mỹ lê lết trở về nhà, đổ gục trên giường và bật khóc. Tiếng khóc nhỏ thôi, cha mẹ chúng tôi đều không nghe thấy, nhưng tôi thì nghe được. Tôi trông lên trần phòng mình, lặng im cầu nguyện. Tôi ước gì số tiền những công việc tự do tôi làm có thể làm Mỹ bớt gánh nặng. Nhưng tôi chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện. Tôi đã không bao giờ dám bước ra để an ủi Mỹ, hay cố gắng gánh vác cùng Mỹ chuyện gia đình.
Giai đoạn khó khăn ấy rồi cũng qua đi. Tôi có nhiều khách quen hơn, và Mỹ ngày càng trưởng thành, tỏa sáng trên con đường Mỹ chọn. Đôi mắt Mỹ vẫn đẹp như hồi còn nhỏ, vẫn sáng trong, vẫn hàng mi dài và dày, nhưng chúng đã mất đi một điều gì đó mà tôi không sao nói rõ. Đôi má bầu bĩnh cũng đã biến mất, chiếc cổ ngày càng thanh thoát như một con thiên nga kiêu hãnh. Mỹ mặc những bộ quần áo đơn màu, đóng mình với vest và giày cao gót. Chúng đều tôn lên dáng vóc mảnh mai của Mỹ. Giờ đây, Mỹ của tôi đã không còn là đứa trẻ hay táy máy, ngồi cạnh tôi nghe tôi đàn, là người lẽo đẽo theo tôi ở mỗi quán cà phê trong thành phố. Mỹ đã có một đời sống khác, trở thành người con gái có năng lực, có sự nghiệp, và đủ khả năng để sống độc lập. Thật lòng, không chỉ một lần tôi đã ước mình cũng có thể sống như Mỹ.
Nhưng những ngày tháng ổn định ấy chẳng kéo dài được lâu, một thời gian sau, mẹ tôi được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi. Khi mẹ đi, cha cũng không muốn ở lại căn nhà này nữa, cha trở về quê, ở cùng với một người chú họ sống một mình nhiều năm nay.
Tôi và Mỹ cùng tựa vào nhau và đứng dậy sau khoảng thời gian chông chênh ấy. Mỹ bắt đầu sửa sang lại nhà, đi làm trở lại, guồng công việc bận rộn có lẽ ít nhiều cũng đã khỏa lấp những nỗi buồn thương của Mỹ. Những ngày tháng này không hẳn hạnh phúc, nhưng nỗi buồn đã không còn gông cùm hay kéo chân cả tôi lẫn Mỹ nữa.
Chúng tôi đã cố gắng nhiều tới vậy, vì mái nhà này. Vậy mà… Tôi thực sự không hiểu vì sao Mỹ lại bảo tôi Mỹ muốn chuyển nhà.
***
Lại một ngày nữa tôi không gặp Mỹ.
Không phải vì Mỹ không về, mà Mỹ đã về vào sáng sớm, rồi rời đi nhanh chóng trước khi tôi kịp tỉnh dậy. Trên mặt bàn uống nước ngoài phòng khách là một bức thư Mỹ để lại.
Ngoài ra, dưới sàn nhà bếp, không hiểu vì lý do gì mà toàn bộ đống bát sứ đã bị xô đổ, vỡ tan tành.
***
“Serenata,
Bốn giờ chiều ngày kia người ta sẽ tới xem nhà chúng mình.”
Mỹ đã viết gì đó tiếp theo rồi gạch hết toàn bộ. Cả câu đều bị bôi đen không trông ra chữ gì.
“Em biết nên có sự đồng ý của chị trước nhưng em bận quá.”
Lại tiếp tục là hai hàng chữ bị gạch bỏ.
“Chị đã hỏi em vì sao em muốn chuyển nhà. Chẳng có thời gian nào để em gặp mặt và nói chuyện với chị cho rõ ràng, nên em đành viết thư gửi lại.
Chị biết mà, em làm mọi việc chỉ vì muốn tốt cho cả hai đứa mình. Em cũng không muốn làm chị lo lắng, nên vẫn chưa dám nói với chị. Cũng có thể chị sẽ thấy em thật hoang đường, đầu óc em có vấn đề hoặc đại loại thế. Nhưng xin chị, xin chị hãy tin rằng toàn bộ những gì em đang nói đây là sự thật.
Chị Serenata ạ, dạo gần đây em luôn có một giấc mơ. Em cứ mơ đi mơ lại, chúng ám ảnh em đến mức em thà không ngủ một giây một khắc nào còn hơn là tiếp tục gặp lại cơn ác mộng đó. Hẳn chị sẽ thấy em trẻ con chỉ vì một cơn mơ mà em lại hành xử thế kia. Nhưng chị hãy nghe tiếp đã. Những giấc mơ của em bao giờ cũng chỉ có chúng mình, chỉ có chị và em, vào những ngày khi chúng mình còn nhỏ. Em mơ mình chạy trên cánh đồng nhà chú Joan và chị nhớ chứ, khi đó chị đã đuổi theo em. Chúng ta vịn lấy nhau, đẩy và kéo, rồi bất chợt chị nhìn em, chị bảo rằng mắt em thật đẹp. Em thấy gương mặt chị gần sát em, thấy cả hơi thở của chị ấm nóng như thể toàn bộ đều là sự thật. Niềm hạnh phúc khi ấy lần nữa loang ra khắp cơ thể. Chúng khiến em bật cười và ôm lấy chị trên cánh đồng hoa. Gió thốc qua chiếc váy xanh của chị. Nhưng rồi, không hiểu sao em thấy tay mình ươn ướt. Khi em nhìn xuống lần nữa, chiếc váy xanh của chị nhuốm đầy một màu đỏ tanh lòm, rồi đột nhiên người chị mềm oặt trên tay em. Và em đã thấy nó. Em đã thấy chị ạ. Một con dao. Một con dao cắm xuyên qua bụng chị. Một con dao gọt hoa quả thôi, nhỏ nhưng sắc khủng khiếp. Chúng cướp đi toàn bộ ánh sáng trong mắt chị. Em không sao nhìn thấy mình trong đó nữa. Em gào thét. Em điên cuồng chạy về phía nhà chú Joan, chạy về phía cha mẹ. Phải có ai đó cứu hai chị em ta chứ. Em chạy, chạy và hét đến khản cổ. Hét đến khi em kiệt sức. Nhưng không, chẳng có ai cả. Chỉ có tiếng vọng của em heo hút trên cánh đồng vàng đẹp rực rỡ chói lọi. Bao giờ tỉnh dậy em cũng thấy gối mình ướt nhẹp.
Đôi khi khung cảnh giấc mơ sẽ thay đổi, rằng nó chỉ nằm ngay trong căn nhà của chúng ta mà thôi. Em và chị cùng mở hộp dương cầm của cha, ta múa ba lê, xoay ba vòng rồi guồng chân chạy đuổi nhau. Em sẽ ngồi cạnh chị, là người đầu tiên nghe những bản nhạc chị tạo ra. Tiếng cười của chị lẫn trong tiếng mắng yêu của mẹ, trong tiếng cọt kẹt của cầu thang. Rồi em sẽ ngân nga hát một điệu nhạc cổ mà mẹ thích nghe. Nhưng cuối cùng, mặc cho em có làm thế nào, có tránh ra sao, máu cứ đỏ lòe đỏ loẹt trong những giấc mơ. Máu của chị loang ra, đổ đầy trên bàn tay em, trong con dao em đang cầm. Vẫn là con dao đó, con dao gọt hoa quả đó.
Nhưng nếu tất cả chỉ dừng lại ở giấc mơ thì thật tốt. Sáng hôm kia, khi em tỉnh dậy, em thấy mình đang đứng trong phòng của chị. Em nghe thấy tiếng chị thở khẽ khàng, ngực chị phập phồng lên xuống êm đềm. Chỉ là trên tay em lại là con dao đó. Và kỳ lạ là trong tai em lùng bùng những ý nghĩ mà em thề chưa khi nào em dám nghĩ tới điều đó. Em suýt nữa đã giật mình mà đánh rơi con dao. Nhưng em đã đủ bình tĩnh để có thể tỉnh táo trở lại, rời đi mà không đánh động tới chị.
Và ngày hôm nay, chị có thể thấy, đống bát vỡ ở trong nhà bếp. Chính em là người đã đập chúng chị ạ. Chính tay em đã đập vỡ chúng khi không có một ý thức nào.
Em sợ, em thật sự rất sợ.”
Tôi ngừng lại một chút. Dường như hít thở có chút khó khăn hơn bình thường. Tôi cố bình tâm và đọc tiếp.
“Em nghĩ việc chuyển nhà sẽ phần nào giúp ích cho tâm trạng em. Có lẽ tình trạng này sẽ thôi diễn ra. Em cần phải chuyển nhà, Serenata ạ. Xin chị hãy hiểu cho em.
Tất cả mọi chuyện em đều đã kể hết ở đây. Thật tốt vì em có thể viết ra thế này. Chị cũng thông cảm cho sự im lặng của em nhiều ngày nay, vì em thực sự không biết mào đầu thế nào khi đối diện với chị nữa.”
Tôi gấp lại tờ giấy, trân trân nhìn chiếc cửa ra vào.
Mỹ cần gặp bác sĩ, chứ không phải là chuyển nhà.
***
Mỹ trở về khi hoàng hôn buông xuống. Tiếng khóa cửa vang lên hai lần. Ánh nắng men theo phần cửa mở, trải trên gạch nhà một khoảng vàng sậm. Tôi nghe tiếng của người phụ nữ nhà bên cạnh, họ chào Mỹ và nói chuyện dăm ba câu.
Tiếng cửa đóng vang lên, Mỹ bước vào nhà. Nụ cười niềm nở của Mỹ dần tắt hẳn. Gương mặt Mỹ lộ rõ những mệt mỏi của nhiều ngày không ngủ đủ giấc. Mỹ nhanh chóng bật loa bluetooth, rồi nằm vật ra sofa. Bản nhạc Minuet tươi sáng vang lên.
Tôi để Mỹ nằm như thế trong khoảng một tiếng. Tôi dọn mâm bát trong lúc chờ đợi, lẩm nhẩm những điều mình cần nói và cố dặn lòng mình có thể nhớ kỹ, không bỏ sót điều gì.
“Mỹ này”, tôi lay Mỹ tỉnh.
Mỹ hơi động người nhưng vẫn chưa muốn dậy. Cả hai bên mắt của Mỹ đều thâm quầng.
“Mỹ, Mỹ.” Tôi tiếp tục gọi Mỹ. “Mình nói chuyện một chút được không Mỹ?”
Bản nhạc không lời vẫn vang vọng, những nốt nhạc cao như loang ra, át đi âm thanh của tôi, những âm thanh đã rất lâu tôi không bao giờ thốt ra một cách thực thụ.
“Mình nói chuyện về việc chuyển nhà được không em?”
Lần này thì Mỹ bật dậy. Nhưng Mỹ vẫn không nhìn tôi. Mỹ đứng dậy khỏi sofa, trở vào nhà bếp và bắt đầu bật bếp. Có lẽ Mỹ muốn làm thêm thức ăn?
“Chị nghĩ mình có thể tìm gặp một bác sĩ tâm lý.”
Mỹ mở tủ lạnh, lấy ra hai quả trứng nhỏ. Trong khi chờ đợi trứng chín, Mỹ lấy chổi và quét nhà, cố gắng quét sạch những chỗ trong góc phòng. Trong toàn bộ chuỗi hành động, Mỹ đều tránh không muốn đối diện tôi.
“Em thấy sao? Giấc mơ em gặp phải có lẽ là do em đang gặp áp lực công việc quá. Liệu em có thể nghỉ một hai ngày được không em? Tình trạng của chị hơi khó để ra ngoài đường, em tự mình đi sẽ ổn cả chứ hả Mỹ?”
“Em không muốn tới bệnh viện.”
Mỹ vừa trả lời, vừa quét đi quét lại một góc nhà. Mỹ loay hoay mãi ở khu bếp.
“Mình chỉ cần chuyển nhà thôi.”
“Tại sao em lại không muốn tới bệnh viện?”
“Mình chuyển nhà đi chị.”
Tôi cứ gặng hỏi, nhưng những gì đáp trả chỉ là câu nói lặp đi lặp lại rằng Mỹ muốn chuyển nhà. Thái độ của Mỹ thật sự rất bất hợp tác và nó trái ngược hoàn toàn những gì Mỹ viết trong bức thư Mỹ để lại. Tiếng nhạc bản Minuet vẫn tươi vui, nhanh và sáng, mặc cho không khí giữa tôi và Mỹ ngày càng căng thẳng.
“Rốt cuộc em có thật sự gặp giấc mơ như em đã viết hay không?” Tôi dần trở nên mất kiên nhẫn. “Nếu đúng là vậy, thì chuyện chúng ta cần làm là gặp bác sĩ tâm lý. Còn không thì em hãy nói cho chị biết đi Mỹ, em tại sao lại muốn chuyển nhà? Đây là căn nhà từ nhỏ chúng ta đã sống mà em. Và hơn cả, chúng ta… chúng ta đã…” Tôi không hiểu sao lại bật khóc. Cơn lợm họng lại tràn lên trên ngực. Tôi thấy niềm bất lực khi không sao nói thành lời đổ úp lấy mình.
“Chị không cần biết chuyện đó.” Mỹ lạnh lùng đáp lại. Mỹ lấy giẻ lau tôi vẫn thường hay dùng và bắt đầu chà kệ ti vi.
Chỉ có tiếng khóc của tôi nức nở vang lên cùng âm thanh kim giây đồng hồ gõ lên mặt kính.
“Tại sao chị lại khóc hả chị Serenata?” Mỹ cao giọng gắt gỏng. “Em cũng có bao giờ hỏi lý do vì sao chị cứ mãi trong nhà và không chịu ra ngoài đâu? Em đã bao giờ cố ép chị thay đổi một lần nào chưa? Cả ngày hôm nay em đi làm thì chị làm được những gì rồi? Em vẫn luôn chiều theo mọi sở thích của chị. Thế mà tại sao…?” Mỹ buông thõng chiếc giẻ, quay lưng về phía tôi. “Mà nếu chị đã quyết ở mãi trong nhà thì em đã bảo chị đừng để người khác biết tới chị, nhưng có khi nào chị nghe em đâu hả Serenata? Người hàng xóm mới tới vừa nói gì với em chị biết chứ? Họ nói về bản nhạc mình đánh vào mỗi khi hoàng hôn xuống. Là em chơi hả chị?”
Tôi sững sờ nhìn Mỹ.
“Chị không… Chị không có.” Tôi lắc đầu phủ nhận.
“Vậy tiếng đàn từ đâu mà ra?”
Tôi nuốt nước bọt. Chưa khi nào tôi động vào đàn, nhưng tôi vẫn thường tưởng tượng mình mở hộp dương cầm của cha. Chẳng lẽ nào…
“Em biết mà, chị không thể…”
Lúc này Mỹ đứng dậy. Gương mặt Mỹ nghiêng nghiêng. Tôi nhìn môi em, sống mũi thẳng của em, nhìn lên đôi mắt em dù chúng đang không nhìn vào tôi. Đôi mắt em vẫn to tròn, chỉ là tôi không sao tìm được vẻ long lanh, trong sáng hay dáng hình mình trong đó nữa.
“Chúng ta sẽ chuyển nhà, chị Serenata ạ. Toàn bộ những gì em muốn nói, em đều đã nói hết rồi.”
***
Bốn giờ chiều hôm sau.
Tôi trốn tiệt trong phòng. Ở dưới tầng là giọng của người tới mua nhà. Đó không phải là một ai xa lạ. Tôi nghe giọng và tiếng cười khàn khàn đủ để biết đó là ông Sơ Mi Hồng - người vẫn luôn tới vào cuối tuần và ngồi lại cho đến khi chiều muộn, tôi đã tưởng ông ta muốn tán tỉnh Mỹ.
“Chào cô Mỹ.”
“Vâng chào ông. Không biết đến bao giờ ông sẽ chuyển tới đây?”
Mỹ tiếp ông Sơ Mi Hồng bằng tông giọng lịch sự thường thấy. Xen giữa cuộc hội thoại là tiếng lách cách của chiếc ấm và chén cũ, cùng âm thanh sôi nước của bình siêu tốc.
Ông Sơ Mi Hồng là một bác sĩ già cả, chuyên khám cho trẻ em, và giờ đã nghỉ hưu. Mớ tóc điểm bạc của một người đàn ông trung niên hẳn sẽ chẳng khi nào hợp với chiếc áo sơ mi màu hồng phớt nhàn nhạt, thêu hình con thỏ ở túi áo trước. Nhưng ông Sơ Mi Hồng thì khác. Chiếc áo như sinh ra dành cho ông. Gương mặt với nhiều nếp nhăn già cả và phần mỡ kéo trùng hai bên má. Ông đeo một cặp kính lão không viền. Cái bụng bia lớn, cơ thể mập mạp chắc nịch. Tất cả khiến ông toát lên một vẻ hiền lành, đáng tin cậy. Chỉ tiếc là tôi vẫn chưa thể quen với sự có mặt của ông dưới mái nhà mình.
“Cảm ơn cô Mỹ, chắc là cuối tuần này thôi. Chúng ta là chỗ quen thân từ trước, tôi cảm thấy mình rất may mắn.”
Tôi không nghe rõ hai người tiếp tục trao đổi gì với nhau. Sau một tràng cười và âm thanh mở tủ lạnh, tôi nghe giọng ông Sơ Mi Hồng điềm đạm.
“Cô Mỹ này, cô có biết vì sao ngay từ lần đầu tới thăm, tôi đã muốn mua lại căn nhà của cô không?”
“Ồ, ra ngay từ đầu ông đã nhắm tới căn nhà chứ không phải là tôi à? Người ta cứ đồn về chuyện ông có ý với tôi suốt đấy.”
Tôi nghe tiếng khúc khích cười, nhưng ông Sơ Mi Hồng không đáp lại trò đùa của Mỹ.
“Thế thì tại sao? Ông chưa từng kể thì phải.” Mỹ tiếp tục câu chuyện.
“Nói thật…” Ông Sơ Mi Hồng kéo dài giọng. “Dù tôi là người trong cuộc nhưng đến tôi cũng không biết phải hiểu chuyện đó thế nào.”
“Thật trùng hợp, tôi cũng đang gặp phải một vấn đề mà chẳng biết giải quyết thế nào đây.”
Tiếng rót nước cắt ngang cuộc trò chuyện. Phải mất một lúc, ông Sơ Mi Hồng mới mở lời tiếp tục.
“Đầu năm ngoái, tôi đã đem bỏ tất cả những chiếc gương ra khỏi nhà mình cô Mỹ ạ.”
Tiếng quạt chạy ù ù trong nhà lẫn với tiếng tích tắc chậm chạp.
“Hẳn cô cũng biết, bà nhà tôi đã mất vào tháng Giêng. Bà mất trong giấc ngủ, rất nhẹ nhàng và không đau đớn gì. Đó thực sự là một niềm an ủi với tôi về sự ra đi của bà ấy. Nhưng trước khi vợ tôi ra đi, bà ấy đã gieo cho tôi một niềm ám ảnh. Một niềm ám ảnh mà từ đó trở về sau, tôi không sao nhìn gương một cách bình thường được nữa.”
Tôi căng tai lắng nghe nhưng không thấy âm thanh nào tiếp tục. Có lẽ Ông Sơ Mi Hồng đang cố gắng tìm câu nối tiếp.
“Thế nào nhỉ? Chuyện xảy ra vào đúng cái đêm vợ tôi đã mất. Đêm ấy tôi đã nằm bên cạnh bà. Chúng tôi vốn không hay chuyện trò trước khi ngủ, nhưng không hiểu sao, vợ tôi đột nhiên bắt đầu kể cho tôi một chuyện. Rằng vào buổi chiều, bà đã nhìn thấy sự thật. Tôi ngơ ngác và hỏi bà thế là thế nào. Bà ấy chỉ mỉm cười và lặp lại lần nữa với tôi, bà ấy đã nhìn thấy tất cả, đã thấu tỏ sự thật. Thực lòng, tôi và bà nhà đều không tin vào tâm linh. Tôi cảm thấy điềm không lành, và e rằng bà tôi đã bị một nhóm người xấu nào dụ dỗ. Nhưng thái độ chắc chắn của bà ấy khiến tôi hoàn toàn không biết phải phản bác thế nào. Hơn cả, chiều nay tôi cũng về nhà sớm và không thấy bà có ra khỏi nhà. Rồi câu hỏi kế tiếp của bà khiến tôi hoàn toàn lạc lối cô ạ. “Anh có tin không Matthew? Rằng chúng ta vốn không hề biết rõ về chính mình như ta tưởng?”. Tôi hoàn toàn ngơ ngác. Tôi chẳng hiểu rốt cuộc vợ mình đang nói thứ quái quỷ gì. Rồi bà ấy lại nhìn tôi và mỉm cười: “Ví như nếu không nhìn vào gương, ta đâu thể nào biết về gương mặt của mình chẳng hạn. Vì lẽ gì mà con người do trời sinh ra lại bị tước đoạt mất cái bẩm năng biết thiết cốt là tự nhìn thấy được gương mặt của chính mình? Nếu có được bẩm năng ấy, con người chắc sẽ hoàn toàn bối rối hoặc mất trí chăng? Kawabata đã nói thế đấy anh Matthew”. Bà ấy ngừng lại, rồi cười thần bí: “Và quả là em đã rối trí thật khi có thể tự nhìn thấy chính mình. Chiều nay, em đột nhiên có một ý nghĩ rằng liệu có khi nào ảo ảnh trong chiếc gương kia có thể tách ra khỏi em và trở thành một bản thể riêng biệt hay không. Em biết anh nghĩ em điên rồ. Nhưng Matthew, anh phải tin em. Em thực sự đã nhìn thấy điều ấy. Khi quan sát vào gương đủ lâu, em thực sự có thể tách mình ra khỏi ảo ảnh trong gương, trở thành một bản thể thứ hai riêng biệt. Em không biết rốt cuộc cơ chế nào đã hoạt động để chuyện ấy diễn ra. Em chỉ biết rằng, khi đó, em thấy mình từ bên trong lớp kính mờ nhìn ra ngoài thế giới thực. Thế giới bên kia chỉ khác bên này ở chỗ, mọi thứ đều nằm ở phía bên trái ngược lại, còn đâu mọi thứ đều có hình khối, có chiều sâu, và hệt như nơi mà anh và em đang sống vậy. Em đã thử bước ra mặt phản chiếu ấy để nhìn gương mặt mình, soi xét nó, sờ nắn nó, trông vào điểm lệch ở bên đôi môi và thấy vết sẹo lồi đằng sau cổ mà chưa khi nào em được thấy nó dù em biết vết sẹo luôn ở đó. Điều này làm cả người em trở nên phấn khích lạ thường. Em như được sống một lần nữa vậy. Em không rõ liệu đây có phải giải thoát hay không, chỉ là… Nó thật tuyệt. Nếu có thời gian, anh hãy nhìn kỹ vào gương nhé, hãy nhìn kỹ vào từng chiếc gương một, đừng bỏ qua bất kỳ một chi tiết nào. Rồi anh sẽ thấy”. Vợ tôi đã nói một cách thần bí như thế. Tôi chỉ biết bật cười trước những gì bà ấy nói. Ấy thế, bà ấy đã nghiêm túc ngay lập tức mà bảo rằng: “Anh đừng có cười cợt thế, sự thật thì phải nhìn bằng mắt anh Matthew ạ”.
Rồi chúng tôi đi ngủ, và đêm đó vợ tôi đã ra đi mãi mãi. Ra đi trong khi để lại cho tôi những câu hỏi chưa được trả lời. Khi tôi tỉnh dậy, người bà đã lạnh ngắt từ bao giờ. Cái lạnh ngắt làm tôi thấy sợ. Chúng khiến tim tôi như đập hẫng một nhịp. Suốt đám tang của vợ mình, tôi không tài nào tỉnh táo cho được. Tôi cứ ngẩn ngơ trước bất kỳ một mặt phản chiếu nào. Vợ tôi đã cố nói điều gì với tôi, bà ấy đã nhìn thấy gì trước khi mất. Dần dà, niềm ám ảnh khiến tôi mệt mỏi tới mức tôi đem bỏ toàn bộ những chiếc gương trong nhà mình. Tuy vậy, gia đình nhỏ của các con tôi đã phàn nàn rất nhiều. Vì vậy tôi đã suy tính tới việc chuyển ra ngoài ở riêng. Ngay khi tôi vô tình tới nhà cô, ngay khi tôi phát hiện nhà cô hầu hết đều làm từ gỗ, không có cửa kính, cũng không chứa bất kỳ một chiếc gương nào, tôi đã biết nó phải là của mình.”
Một khoảng lặng rất dài. Khi tôi vẫn đang co ro trong phòng mình, đột nhiên tôi lại thấy giọt nước rơi trên mu bàn tay. Tôi ngẩng đầu nhìn lên trần, nhưng không thấy chỗ nào mưa dột. Tôi sờ tay lên má mình, không biết sao lại thấy ướt nhòa.
“Có lẽ ông chưa biết rồi, ông Matthew ạ.” Giọng của Mỹ vang lên, nghe nhẹ tênh và mỏng tang. “Nhà tôi có một chiếc gương trên tầng. Chỉ là tôi đã phủ vải nó nhiều năm nay.” Rồi Mỹ bỗng hỏi tiếp một câu chẳng hề liên quan. “Mà ông Matthew này, ông có muốn nghe một sự thật của tôi không?”
Không có tiếng ông Sơ Mi Hồng tiếp lời, nhưng Mỹ đã tiếp tục kể cả khi chưa có câu đáp lại nào.
“Tôi chưa từng nộp đơn đăng ký vào nhạc viện cho bất kỳ ai.”
Mỹ nói lạnh tanh, điềm nhiên, như thể đang nói về một câu chuyện của người khác chứ không phải của tôi hay của Mỹ.
***
Thực ra tôi biết việc ấy từ lâu.
Rằng Mỹ không hề nộp đơn đăng ký vào nhạc viện mà tôi đã nhờ Mỹ giúp. Chúng tôi đều tránh nhắc lại điều đó nhiều năm nay. Và có lẽ việc Mỹ dung túng cho tôi cũng là vì Mỹ thấy tội lỗi thuộc về mình.
Nhưng, đến bây giờ, tôi nghĩ rằng những lời Mỹ nói hồi ấy không hề sai.
“Serenata, chị biết mà. Chị biết ước mơ của chị viển vông cỡ nào phải không? Chị muốn trở thành một nhà soạn nhạc. Chị muốn trở thành một người vĩ đại. Chị muốn sống với nhạc, chị tha thiết với nó, chị mong muốn chạm vào nó mà không hủy hoại nó. Nhưng Senerata, chúng ta không thể. Chúng ta không đủ khả năng Serenata ạ. Chị nghĩ ai sẽ nghe thứ âm nhạc của ta hả chị? Mà hơn cả, nếu như buộc lòng phải sống, phải kiếm tiền từ âm nhạc, chị phải đánh đổi làm ra thứ nhạc tạp nham, chị thật sự chịu được ư? Chị thật sự sẽ dám kiếm tiền mà không một chút nào tội lỗi ư Serenata? Con đường mình phải đi sẽ dài, sẽ xa, sẽ khó khăn lắm, và chúng ta không thể dựa dẫm vào cha mẹ mãi được chị Serenata ạ.”
Tôi đã vờ như mình chẳng hề biết Mỹ bỏ lại đơn đăng ký vào nhạc viện của tôi khi Mỹ rời đi. Tôi chỉ im lặng, nằm đó và khóc, đổ lỗi cho Mỹ bao nhiêu năm nay, rằng tại Mỹ, tại Mỹ mà đời tôi mới bất hạnh thế này.
“Serenata ạ, em sẽ kiếm tiền. Rồi một ngày mở mắt ra chị chỉ cần học và làm nhạc, học và làm nhạc. Rồi chị sẽ khỏe lại, chị sẽ trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Nhất định là thế. Gia đình mình sẽ trở lại như xưa. Chị hãy chờ em, chị hãy chờ em chị Serenata nhé.”
Tôi đã vin vào lời hứa của Mỹ, tôi đã chờ Mỹ giải thoát cho tội lỗi và sự hèn nhát của tôi.
Rồi khi mẹ mất, lời hứa của Mỹ đã không thể thành hiện thực. Gia đình chúng tôi không thể như xưa được nữa. Kể từ đó, Mỹ bắt đầu tránh nhìn mặt tôi. Tôi thì vẫn luôn kín đáo dõi theo Mỹ, lặng lẽ ở cạnh Mỹ, vờ như những hành xử của Mỹ chẳng có gì kỳ lạ. Rằng Mỹ đã lớn, rằng Mỹ vẫn ổn, rằng Mỹ cần thời gian cho những công việc quan trọng khác. Chúng tôi không có một lần nói chuyện tử tế nào. Tôi đã cố an ủi rằng chúng tôi hoàn toàn bình thường.
Nhưng chưa bao giờ, phải, chưa bao giờ mọi thứ trở lại bình thường. Nỗi bất lực đã bao giờ biến mất mỗi khi tôi nhìn thấy chiếc dương cầm của cha? Đã bao giờ những đau đớn tủi hổ, những tội lỗi dằn vặt của tôi biến mất trong bóng tối? Tôi chỉ giả vờ như mình hoàn toàn ổn, vờ như mình không hề biết những gồng gánh của Mỹ trong lớp quần áo em chẳng thích, trong những niềm đau, những ép nẹp em tự trói cho mình. Để rồi chúng mình đang tiến về đâu, hả Mỹ?
Suy cho cùng, tôi chỉ là một kẻ thất bại hèn nhát. Tôi cứ nghĩ rằng chỉ cần mình chịu đựng thêm chút nữa, mọi thứ sẽ tốt đẹp trở lại. Có chăng, tất cả những né tránh đều là vì tôi chỉ muốn ước mơ nằm xa tôi, tươi sáng sống ở một thế giới khác, một thế giới mà tôi sẽ không chạm vào nó, không bao giờ vấy bẩn lên nó.
Tôi đã tin rằng chỉ cần không có bắt đầu, mọi sự sẽ được vẹn nguyên.
Nhưng hóa ra, chính tôi, chính tôi mới là người đã đưa con dao để Mỹ tự tay đâm chính mình.
***
Tiếng khóa cửa vang lên hai lần. Ông Sơ Mi Hồng đã rời đi. Toàn bộ cuộc hội thoại phía sau tôi đều không nghe được nữa. Tiếng khóc thút thít của tôi át đi tất cả. Không hiểu sao cơn đau cứ dội lên, quằn quại và bóp nghẹt trái tim tôi. Những ký ức chạy loạn trong đầu, làm tôi chẳng còn rõ mốc thời gian nào có trước và mốc thời gian nào chạy sau. Gương mặt Mỹ và gương mặt tôi loang lổ, chồng chéo lẫn nhau xuyên suốt tất cả những thước phim xưa cũ.
Tiếng cọt kẹt của cầu thang gỗ vang lên lẫn trong bản sonata Fur Elise cha thường hay chơi, tôi nghe tiếng bước chân Mỹ chầm chậm dọc hành lang. Tôi biết Mỹ đứng trước cửa phòng, đang ngồi xuống và đợi tôi bình tâm trong thinh lặng. Những nốt nhạc ngân nga vang vọng giữa mặt gương ngăn cách chúng tôi - một mặt gương ở hành lang vốn bị phủ vải có lẽ đã bốn, năm, sáu năm hoặc hơn thế.
Tôi lấy hết can đảm ngẩng đầu lên, chạm mắt Mỹ. Đôi mắt Mỹ trong veo, to tròn, đen láy, long lanh, đang ướt nhòe nước. Chúng nhìn sâu vào tôi, soi chiếu tôi, và đã rất lâu, rất rất lâu, lại một lần nữa, tôi mới được thấy dáng hình mình nằm trọn trong đó.
====
Chú thích:
(1) Sonata: Một thể loại tác phẩm âm nhạc cổ điển viết cho một hay nhiều nhạc cụ.
(2) Blazer: Áo khoác giả dạng vest, được cắt may đơn giản hơn.
(3) Burnt Cheese: Bánh phô mai nướng.
(4) Cherry: Quả anh đào.
Bình luận
Chưa có bình luận