Tôi đã mua cho em một chiếc lược.
Bằng đá, cà mịn, cầm lên tay mát lạnh, rất hợp với em. Sáng nay tôi vô tình trông thấy nó ngoài chợ, cứ dừng lại ngắm mãi, rồi mua lúc nào không hay. Dường như em đã trở thành một phần rất quen thuộc trong cuộc sống của tôi, quen thuộc đến nỗi để lại hình bóng trên những điều bình dị nhất.
Có một dạo tôi nghe gió thổi, lại liên tưởng đến tiếng em cười. Một dạo ngắm sao đêm, bất ngờ sượt qua màu mắt em lấp lánh. Hay một dạo khác nữa, như bây giờ, khi tôi đang đứng nhìn trời dần chuyển tối, tay đã vô thức bấm điện thoại, muốn gọi cho em.
- Alo? Anh Khương ạ?
Ở đầu dây bên kia, giọng em cất nhẹ nhàng. Tôi gật đầu, dù biết em không nhìn thấy.
- Ừ, anh đây.
- Anh gọi em có việc gì không ạ?
- Không có. - Tôi lắc đầu. - Muốn đưa cho em vài thứ thôi.
- Vậy anh mang sang nhà giúp em được không? Em mời anh ăn tối!
Em cười rộ lên đề nghị. Thế là tôi sang nhà em.
Cánh cổng nhôm đúc mạ vàng mà tôi đã nhìn thấy một lần khi đưa em về đang chậm rãi mở rộng. Gương mặt em ló ra một phần, bé hơn rất nhiều so với cánh cửa nặng nề to lớn. Nhưng cũng bởi vì bé nhỏ như vậy nên trông em càng… đáng yêu?
Tôi vội đưa tay vỗ má, kéo bản thân hoàn hồn. Tuy đây không phải lần đầu tôi thấy em đáng yêu, nhưng chẳng hiểu sao vẫn cảm giác có gì đó là lạ. Vốn tôi chỉ muốn ghé tặng lược cho em, song em cứ nài tôi ở lại mãi. Mà tôi càng ngày, càng không nỡ từ chối em.
Từ cổng vào đến cửa chính phải đi qua một khoảng vườn. Rất nhiều cây xanh um tùm tươi tốt. Tôi hết nhìn hàng trúc mảnh mai, lại ngắm nghía khóm hoa hồng trắng muốt, không kìm được, hỏi:
- Em thích trồng cây à?
- Không phải em. - Em xua tay. - Em chỉ trồng vài cây con thôi. Còn lại là của ba em tất. Ba em mê làm vườn lắm!
Tôi nghĩ một người mê làm vườn, có lẽ cũng sẽ là một người điềm tĩnh. Những chiếc lá non được chăm sóc tỉ mẩn đang mạnh mẽ vươn mình, tôi tò mò không biết liệu ba em có hay cười giống em không.
- À! - Em reo lên như chợt nhớ. - Ba em cũng ở trong nhà đó. Một lát gặp ba, anh cứ chào bình thường thôi là được. Ba em hiền khô hà.
- Ừm, anh nhớ rồi.
Tôi cười, đáp. Nếu em không nhắc thì tôi cũng tự dặn mình phải tỏ ra thật lễ độ. Chỉ tiếc rằng người đang chờ kia lại không cho tôi cơ hội thể hiện trước. Đón tôi ở cửa là một câu hỏi:
- Cậu đến rồi à?
Cùng với hai tiếng nhịp chân.
Tôi biết kiểu nhịp chân này. Chỉ có hai người từng làm thế với tôi. Một là em, còn lại là…
- Giám đốc.
Tôi cúi đầu chào. Không ngờ giám đốc dự án lại là ba của em.
- Ngồi đi, ngồi đi. Đừng khách sáo.
Giám đốc đặt tờ báo đang cầm xuống bàn, vui vẻ vẫy tay với tôi.
- Cậu Khương, nhỉ? - Ông hỏi khi tôi vừa yên vị trên ghế.
- Vâng.
Tôi trả lời, không ngạc nhiên vì giám đốc biết tên mình.
- Vừa nãy cháu bất ngờ quá nên còn chưa chào hỏi đàng hoàng, xin lỗi giám đốc ạ.
- Không sao, không sao.
Giám đốc xua tay, tôi nhìn thấy bóng hình em ở đó. Ông lại nói tiếp:
- Mà nhân tiện thì tên của tôi là Hoàng. Và tôi thích được gọi là “bác", hơn là “giám đốc” đấy.
- Dạ, bác Hoàng.
Tôi ngoan ngoãn thuận theo ý ông, miệng mỉm cười. Em đứng xem ở một bên, có lẽ thấy tôi đã dần quen với bầu không khí nên cũng bắt đầu xắn tay áo lên, nói:
- Ba và anh ngồi chơi, uống nước một xíu nha, con đi chuẩn bị cơm rồi cả nhà mình cùng ăn.
- Để anh giúp em.
Tôi vội đứng dậy, đề nghị. Nhưng bác Hoàng đã ngăn tôi lại bằng một bàn cờ xếp sẵn.
- Không được đâu. Cậu mà theo phụ con bé thì ai sẽ chơi cờ cùng tôi đây? Nghe nói cậu đánh cờ khá lắm nhỉ?
- Cháu chơi… cũng không tệ ạ.
Tôi đáp sau khi được em vỗ vai động viên.
Mùi thơm chẳng mấy chốc đã lan ra phòng khách. Tiếng dầu sôi xèo xèo cùng tiếng đũa gỗ cọ vào lòng chảo sàn sạt khiến tôi khó lòng tập trung nổi. Nhưng ván cờ cũng không thực sự căng thẳng. Bác Hoàng đi rất chậm, bởi vì xen giữa những nước đi, bác đều có gì đó để hỏi tôi.
- Bữa trước cậu bảo muốn học lên cao hơn, định học ngành gì vậy?
- Kỹ sư ạ. Kỹ sư xây dựng.
- Được đó. - Bác Hoàng đặt một quân cờ xuống. - Sau này có thể về làm cho công ty tôi.
- Nếu bác không chê thì cháu rất sẵn sàng.
Tôi nói ra lời thật lòng. Nếu được như thế thật thì tôi còn mong gì hơn nữa! Nhưng rồi đột nhiên nhớ tới một chuyện, tôi hơi khựng lại, bàn tay đã đặt giữa không trung cũng bất động trong giây lát.
- Chắc là… sẽ mất hơi lâu một chút ạ. Hôm ấy cháu cứ nghĩ sang năm là ổn, nhưng có lẽ sẽ cần lâu hơn.
- Tuổi trẻ luôn có nhiều thứ phải lo nhỉ?
Bác Hoàng cười. Giờ thì tôi đã có thể khẳng định rằng cả bác và em đều rất hay cười.
- Hồi tôi còn trẻ, vợ vì khó sinh mà mất. Một mình tôi chăm con gái, tay chân vụng về đâu có làm nên chuyện gì đâu!
Nghe bác kể, tôi liền nhớ tới khóm hồng trắng ngoài vườn, thầm hiểu ra. Bác như vẫn chìm trong hồi ức:
- Thời gian đầu con bé cứ khóc suốt, tôi dỗ mãi chẳng được, sau rồi thử nhịp chân, tự dưng nó lại cười. Thế là tôi cứ vừa bế con, vừa nhịp chân, vừa hỏi đi hỏi lại: “Con thích ba làm như này à?”, “Có vui không?”, “Có thích không?”,... Riết rồi quen thói.
- Cháu thấy em cũng thường hay làm thế. - Tôi góp lời.
- Ừ, nó học theo tôi đấy. Chắc cậu thấy phiền lắm nhỉ? Đấy, lại thế nữa rồi!
Bác Hoàng gãi đầu khi thấy chân mình lại tự động phản xạ. Tôi học theo cách bác xua tay, nói:
- Không phiền chút nào đâu ạ, nghe cũng vui tai mà. Với cả, bầu không khí cũng bớt căng thẳng hơn.
- Thật sao?
Bác cười cười, toan cầm một quân cờ lên nhưng chợt nhận ra tôi đã thắng mất rồi, vì thế lại càng cười to hơn.
- Vậy mà dám bảo là chơi “không tệ" hả?
- Do bác nương tay thôi ạ.
Tôi cũng cười. Bác Hoàng tặc lưỡi:
- Thôi, cậu khỏi nịnh. Có chơi tiếp tôi cũng chẳng thắng được đâu. Chơi trò khác đi. Cậu thuận tay phải, đúng chứ?
- Dạ. - Tôi gật đầu, lòng trộm rút ra thêm một kết luận về cái kiểu chuyển chủ đề ngang xương của em.
- Vậy cậu cầm được tối đa bao nhiêu quân cờ?
Bác Hoàng đặt ra đề bài. Dù không rõ ý bác là gì nhưng tôi vẫn thử làm theo. Những quân cờ xếp đầy tay phải tôi, có lẽ hơn mười quân một chút.
- Thêm nữa được không?
Bác hỏi, tôi lại cầm thêm một quân nữa.
- Vẫn ổn ạ.
- Còn thêm nữa được không?
Bác Hoàng vẫn chưa hài lòng. Chiều ý bác, tôi cố cầm thêm một quân cờ cạnh đó, nhưng kết quả là tất cả cùng rơi xuống một lượt. Quân cờ vừa cầm lên nọ, và những quân cờ tưởng đã an toàn trên tay tôi.
- Vậy là hết rồi ạ.
Tôi ngại ngùng thừa nhận. Nhưng bác không đồng tình:
- Chưa hết đâu. Cậu còn cầm thêm nữa được đấy. Thêm nhiều là đằng khác. Tay trái cậu còn trống kia mà.
Tôi nhìn hai bàn tay của mình, vẫn chưa hoàn toàn hiểu ý bác.
- Sau hai lần gặp thì tôi thấy cậu cũng được lắm. Mắt nhìn người của con gái tôi không tệ chút nào. Bao giờ cậu sẵn sàng dùng bàn tay trái đó thì cứ đến tìm tôi.
- … Dạ?
Bác càng nói, tôi càng mù tịt. Có lẽ thương tình tôi khờ khạo, bác tốt bụng giải thích:
- Thì chuyện con gái tôi thích cậu thôi. Có thể bây giờ cậu chưa…
- Không. - Tôi ngắt lời bác. - Cháu xin lỗi vì đã xen ngang, nhưng cháu muốn nói cho rõ ràng ạ, cháu không thích em. Ít nhất là không phải kiểu bác đang nghĩ.
- Thật sao? - Bác nhướng mày.
Tôi muốn quả quyết thừa nhận một lần cho chắc chắn, nhưng tiếng em đã vọng lên từ dưới bếp. Mùi đồ ăn thơm phức khiến đầu óc tôi có chút mơ hồ. Tôi ngẩn người.
Thật sao?
Bình luận
Chưa có bình luận