Có một lý do khiến Vy chọn đến công viên giải trí vào ngày lễ, dù không thoải mái gì với việc chen chúc trong đám đông. Nó nằm ở đường ray tàu lượn siêu tốc nơi vọng lại thứ tạp âm hỗn loạn pha trộn giữa những tiếng gào thét kinh sợ và tiếng cười thỏa mãn trước mặt cô lúc này.
Vy nhìn lướt qua đoàn tàu vòng vèo, ngẫm nghĩ trong giây lát rồi ngó lên Việt Anh đang tái mét mặt mày:
“Gì? Qua mày bảo muốn lên tàu chơi trước mà!” Cậu cố làm ra vẻ bình tĩnh, “Tao cũng muốn chơi thử!”
“Đấy là cảm giác phấn khích mong chờ hiểu chưa? Tao thích mấy trò cảm giác mạnh lắm!”
Vy ồ một tiếng. Cô tự thấy mình rất có lương tâm, biết cậu sợ nên mới đề xuất đến thủy cung trước. Còn khước từ tấm lòng của cô là việc của cậu, đành chịu vậy.
Vy âm thầm nghĩ trong khi liếc nhìn Việt Anh mặt mũi trắng bệch đang ngồi bất động ở chiếc ghế bên cạnh. Ban nãy anh nhân viên đã thấy cậu có vẻ bất ổn, còn hỏi đi hỏi lại cậu có chắc là muốn chơi thử không. Nhưng cậu khăng khăng đòi lên tàu cho bằng được. Nhìn con ngựa non dại dột trước mặt, Vy theo lẽ thường nở một nụ cười mỉa mai. Không nhận ra vẻ mặt nham nhở của nhỏ bạn, cậu còn làm bộ làm tịch:
“Nhìn cái gì? Nếu mày sợ thì tao miễn cưỡng nắm tay mày cũng được.” Thành thực thì không phải là cậu muốn tranh thủ cơ hội gì cả, cậu chỉ sợ mà thôi.
“Thôi khỏi. Nhỡ tao sợ quá bóp teo luôn cổ tay mày thì khổ!”
Vừa nói dứt câu, tàu bắt đầu khởi động. Nó dịu dàng lùi về phía sau lấy đà. Một vài phút ngắn ngủi đó giống như mấy tiếng đồng hồ lê thê và rùng rợn trong cảm nhận của Việt Anh. Đai an toàn ép chặt người cậu như một sợi dây trói, mức đe dọa của tốc độ rề rà kia tựa hồ một tên sát nhân đang vờn con dao chầm chậm trước mắt cậu. Mặt cậu chàng tái xanh như tàu lá, thân thể cứng ngắc đến mức không thể rùng mình nổi.
Và rồi tàu lượn phóng về phía trước, tốc độ siêu phàm đúng với cái tên của nó. Vy phấn khích hét lên, vẻ mặt tươi tỉnh và hớn hở của cô nằm ở một trời vực khác so với thằng bạn ngồi kế. Đây là tiếng thét lớn nhất cuộc đời Việt Anh tính đến năm mười tám tuổi. Tiếng gió ù ù bên tai cậu, cắt đứt mọi âm thanh của thế giới bên ngoài mà nhấn chìm cậu vào nỗi sợ kinh hoàng. Tưởng chừng cả thế giới đang gói gọn trong một chiếc xe buýt ào ạt tăng tốc lao vào một người đi đường nhỏ bé, nhưng nó suýt soát lách qua người đó một cách bất ngờ. Cảm giác như vậy lặp đi lặp lại suốt mấy vòng tàu lượn, suy nghĩ hay kí ức trong đầu theo dòng tốc độ văng hết ra ngoài. Đến khi xuống xe, Việt Anh còn nghĩ đầu óc mình đã được thanh tẩy hết mọi tạp niệm, hoàn toàn giác ngộ.
Vy đỡ cậu ngồi xuống chiếc ghế đá gần đó, vỗ vỗ mấy cái vào má thằng bạn xem nó còn sống không. Cậu rùng mình, hoàn hồn trở lại, thấy đầu đau nhức buồn nôn. Vy dặn cậu ngồi chờ một lúc để cô đi mua thuốc.
Vy ghé vào cửa hàng tạp hóa ngay bên trong công viên. Không biết gọi như vậy có đúng không, bởi vì đây là chỗ bán đồ lưu niệm. Nhưng mấy món đồ trên trời dưới biển cái gì cũng có, thậm chí có thể gọi nó là một siêu thị mini thay vì hai tiếng tạp hóa. Trong lúc chờ đợi chị gái bán hàng lấy thuốc, cô nghĩ đến sắc mặt xanh vàng lẫn lộn của đứa bạn vô vọng, tặc lưỡi một cái.
Khoảng vài phút sau đó, chị bán hàng đưa cho Vy một chiếc túi ni lông đựng thuốc nôn, thuốc say xe, paradol, vài hộp sữa. Việt Anh bảo không cần đồ ăn, nhưng Vy vẫn mua thêm một túi bánh mì, dù sao thì lối sống bất cần của bệnh nhân là nguyên do chính yếu đẩy họ đến tình trạng hiểm nghèo.
Trong lúc quay về chỗ cậu bạn, Vy đâm sầm vào một thanh niên lạ mặt. Cô xoa nhẹ mũi, ngẩng lên nhìn cho rõ cái gì vừa xảy ra. Ba người phía trước đều bặm trợn theo một cách riêng. Trên cổ và tay khó mà nhìn thấy phần da nguyên vẹn nào vì lớp hình xăm mỏng, quần áo rách bươm nhìn rất thời trang, chắc vậy.
Tóm lại là cô đã đụng phải dân anh chị. Họ là kiểu người vác theo phóng lợn trong khi cưỡi trên chiếc xe máy lao trên đường phố với tốc độ không thua gì tàu lượn siêu tốc, miệng gào rú tựa bầy khỉ hoang.
“Ấy dà!” Một chú khỉ hư hỏng lên tiếng, “Em gái vừa đụng phải chỗ nhạy cảm của anh đấy. Định bồi thường thế nào đây?”
“Em bé đi có một mình thôi à? Có muốn nhập cuộc với các anh không?”
“Tránh ra!” Nhìn vẻ mặt nham nhở của ba tên lưu manh, Vy đoán ngay được chúng định quấy rối mình. Loại người này đúng là ở đâu cũng có.
Tên mặc áo khoác hình con hổ trước ngực tỏ ra hứng thú với biểu cảm chống đối của thiếu nữ, lập lờ tiến lại gần cô:
“Nhìn vậy thôi chứ bọn anh tử tế lắm bé ơi! Đồng ý rồi anh đưa đến chỗ này hay lắm!” Hắn tự tiện vươn tay ra định chạm vào vai Vy cưỡng ép. Cô đã phân tích được hành động của tên lưu manh, tay phải nhanh nhẹn nắm lấy cổ tay hắn, chân thủ thế để tung một cước răn đe.
Nhưng đúng lúc Vy chuẩn bị ra tay, giọng nói quen thuộc của một cậu con trai bất chợt vang lên:
Ba người kia cùng lúc quay lại nhìn thằng nhóc thái độ bố đời. Vy cau mày, không hiểu Việt Anh muốn thể hiện cái gì. Trông cậu có vẻ khỏe hơn so với ban nãy, kiểu ăn mặc bóng bẩy và nổi loạn, thái độ ngạo mạn, lời nói tự phụ, đại khái cậu đã thành công chọc tức đám lưu manh này rồi.
“Mày sủa gì hả thằng ranh?” Một gã hất cằm hỏi Việt Anh, tay bóp chặt vai cậu.
“Nói mày thiếu hơi gái chứ gì nữa, khỉ đực!” Cậu nhìn thẳng vào mắt gã, “Mày động vào cậu ấy là xong đời rồi con chó!”
Ánh mắt ngông cuồng của thiếu niên khiến gã côn đồ bị kích động, giơ nắm đấm lên định dạy dỗ cậu. Việt Anh có chơi thể thao, hơn nữa từng đi học võ, thân thủ tương đối nhanh nhẹn. Cậu lập tức chặn được đòn của gã, định thụi thêm vài cú vào người đối phương. Khoảnh khắc đó cơn say do tàu lượn siêu tốc bất ngờ trỗi dậy. Thấy cậu chàng bỗng chốc xây xẩm, gã côn đồ vùng ra định lặp lại cú đấm hụt. Nhưng chưa kịp trúng thì cậu đã cúi gập người xuống nôn thốc nôn tháo. Tinh túy xanh đỏ tím vàng thấm ướt giày của gã.
Vy và cả ba tên côn đồ đứng hình nhìn cảnh tượng đang xảy ra, sốc đến cạn lời. Tên mặc áo con hổ không biết phản ứng gì hơn ngoài việc nhìn thằng ranh hỗn láo nôn ọe ròng rã mấy phút đồng hồ. Đợi khi cậu xong xuôi, cả ba nhìn cậu với vẻ kinh tởm, thì thầm trấn an nhau mấy câu rồi bỏ đi.
Bấy giờ Vy mới nhận thức được cái gì đang xảy ra. Cô chạy lại chỗ Việt Anh, vỗ vỗ lên đầu cậu với niềm tin có thể khiến cậu chàng khỏe mạnh trở lại.
“Khỏi. Nôn xong một cái tao khỏe hẳn rồi!” Cậu không ngừng tự nguyền rủa bản thân. Ngày hẹn hò đầu tiên mà làm bao nhiêu chuyện mất mặt.
“Hay giờ tao chở mày về nhé.” Vy vẫn chưa an tâm. Mấy tên côn đồ kia đã làm cô mất hứng, hơn nữa trông cậu tiều tụy đến vậy, tâm trạng nào mà chơi bời nữa chứ.
Dù sao cũng là bạn từ nhỏ, cậu dễ dàng đoán được suy nghĩ của Vy. Cậu thở dài:
“Tao không sao thật. Nhưng nếu mày lo thì mình ngồi nghỉ một lúc rồi về cũng được.”
Nói rồi cả hai cùng đứng dậy. Bất chợt Vy cảm thấy cổ chân đau nhức, cô vịn vào vai Việt Anh, nhăn mặt nhìn xuống. Chắc là cú đá hụt ban nãy khiến cô bị trẹo chân. Cậu khom người kiểm tra thử rồi ngẩng lên:
Cô gật đầu, chưa kịp chửi thầm ba thằng côn đồ sao chổi thì bỗng bị cậu bế xốc người lên. Sau một thoáng kinh ngạc, thiếu nữ hoảng loạn, mặt nóng bừng bừng, lắp bắp lên tiếng:
“Đừng có lộn xộn!” Cậu cau mày ra hiệu cho cô nằm im, “Chân cẳng thế thì đi đâu được. Mày muốn bò ra ghế ha gì?”
Ngoài bế ra có thể đỡ, hoặc chí ít là cõng, nhưng bây giờ Vy không nghĩ được nhiều đến thế. Đúng hơn là cô chỉ cảm thấy trái tim mình đang trở nên kích động, đến cả lời nói của cậu còn nghe không rõ ràng. Thời gian lơ lửng trên tay cậu đối với cô là một khoảng không vô lượng, không nặng không nhẹ, không nhanh không chậm. Mãi cho đến khi được cậu đặt xuống chiếc ghế đá gần khu tàu lượn, cô mới bình tĩnh trở lại.
“Chịu khó chút. Đợi tao!” Việt Anh dặn dò nhanh rồi vội vã chạy đi.
Vy ngẩn ra nhìn theo cái bóng nhỏ dần của thằng bạn, rồi ngả người ra thành ghế. Dưới ánh mặt trời, tán cây trên đầu chuyển màu xanh đen, màu xanh bầu trời lấp vào những khoảng không nơi vòm cây quên lãng. Một vài đoạn kí ức ngày nhỏ hiện về tâm trí, rõ ràng như mới xảy ra hôm qua.
Vy gặp Việt Anh hồi sáu tuổi, vào một buổi trưa hè nhàm chán và ngột ngạt. Bố mẹ bận rộn đi làm cả ngày, chỉ có một mình Vy ở nhà, vậy nên nó có thể rong chơi và quậy phá tùy ý. Hôm đó là ngày thứ hai chuyển đến nơi ở mới, Vy đang cố gắng tìm đồng bọn để chung tay bày trò. Nhưng khác với nó nghĩ, con nít ở đây toàn là một lũ hư đốn, chỉ giỏi cậy đông hiếp yếu. Ngay khi vừa đặt chân đến công viên, một đám nhóc to béo đã chặn đường bắt nạt Vy.
Nhưng nó không phải kiểu người dễ bị đè đầu cưỡi cổ. Vừa thấy lũ côn đồ nhi đồng lên giọng bề trên, Vy đã thẳng thắn mắng chúng là một đám đầu gấu hèn hạ. Đúng như nó dự đoán, cả lũ lập tức trở nên giận dữ, muốn đánh nó một trận để dạy dỗ. Vy đã sẵn sàng để cào cấu cắn xé bầy giặc con, đang chuẩn bị lao vào đánh nhau thì từ đâu một anh hùng rơm xuất hiện. Anh hùng nhí đó là Việt Anh, theo sau còn có Khải. Việt Anh chống hông, hắng giọng gào lên:
“Đám tụi bây là một lũ hèn. Bắt nạt con gái thế mà coi được à?”
Đám hèn kia nhanh chóng ngoảnh mặt lại, lườm cháy mắt hai thằng nhóc mới đến. Khải đang ăn dở cái kẹo mút, nhả ra đính chính:
“Nó nói chứ em không nói gì đâu.” Vừa nói nó vừa chỉ vào Việt Anh.
“Cậu đừng sợ. Mình sẽ bảo vệ cậu!” Đoạn cậu quay sang Khải, oai vệ ra lệnh, “Khải! Mày dẫn bạn ấy chạy trước. Để đó cho tao!”
“Ô-kê.” Khải chỉ chờ có thế, đáp gọn lẹ rồi lôi Vy bỏ chạy. Cô bất ngờ quá không kịp phản ứng gì, chỉ có thể nhìn lại anh hùng rơm bé nhỏ cách ngày càng xa mình. Cô đã nghĩ đúng. Việt Anh đang cực kỳ hoảng loạn, vốn chỉ nói vậy để ra oai ai ngờ thằng bạn lại bỏ mình chuồn đi thật.
“Mình mà không chạy thì không phải lãng phí sự hi sinh của Việt Anh rồi à? Phải trân trọng bạn bè chứ.”
Nghe vừa vô lý vừa thuyết phục. Vy ngẫm nghĩ mãi không thể phản bác được. Sau một hồi chạy, Khải dừng lại trước nhà Việt Anh, gõ cửa ầm ĩ:
Từ trong nhà mẹ Việt Anh vội vã chạy ra. Khải báo ngay Việt Anh đang bị bọn nhóc côn đồ đánh ngoài công viên. Bà lập tức theo hai đứa trẻ đến hiện trường, thấy Việt Anh đang chạy vòng quanh mấy chiếc xích đu và cầu trượt, miệng gào lên mắng chửi lũ giặc con phía sau. Bà Vân lên tiếng gọi con trai, khiến đám bắt nạt kia bỏ chạy tán loạn. Hôm đó cậu không bị lũ trẻ đầu gấu làm xước miếng da nào, chỉ bị mẹ lôi ra đánh cho một trận vì tội trốn ngủ trưa.
Sau sự kiện đó, Vy bắt đầu chơi với Việt Anh và Khải. Trong lòng Vy hai đứa nhóc này chẳng được cái nước gì, Việt Anh là một đứa ngốc liều lĩnh, nghĩ chưa xong đã nhảy vào hành động. Còn Khải đầu nhiều sạn nhưng vận dụng không đúng chỗ, một đứa mất nết không hơn không kém.
Vy miễn cưỡng trở thành người chị lớn của hai đứa trẻ con đó, trong mắt cô là vậy. Bởi vì trong bọn cô là đứa khỏe nhất, mỗi khi có đứa nhóc nào hống hách bắt nạt ba đứa, cô là người đứng ra dạy dỗ cho đối phương một bài học. Khá nhiều chuyện không tiện nói xảy ra, nhưng mà lâu dần bọn trẻ trong khu phố đã gọi cô là con nhỏ sư tử cái, với hai đàn em là một con ngựa lắm mồm và một chú chó con.
Thời gian trôi đi, mười hai năm lướt qua như một cơn gió thoảng, ba đứa trẻ ngày nào cũng dần dần trưởng thành. Ngày đó Việt Anh không hề biết rằng Vy thừa sức đánh lại lũ bắt nạt, vậy nên cậu mới liều mình xông ra giúp đỡ. Nhưng bây giờ, khi mà cậu đã biết, cậu vẫn đứng ra bảo vệ cô mặc cho đối thủ là bất kỳ kẻ nào.
Vẫn bốc đồng, ngu ngốc và liều lĩnh như thế, nhưng anh hùng của mười hai năm sau đã đáng tin cậy hơn một chút rồi.
Vy ngồi mãi dưới ghế đá không thấy Việt Anh quay lại, cổ chân càng lúc càng đau nhức. Cô tháo tất ra xem thử, thấy vết bầm tím như nho chín nằm ngay mắt cá. Chết tiệt! Đáng lẽ ban nãy cô phải bắt ba tên côn đồ kia bồi thường trước khi để chúng tẩu thoát.
Ngay lúc đó Việt Anh quay lại. Có vẻ đã chạy hết tốc lực mấy đoạn đường dài, cậu vừa thở hồng hộc vừa nói:
“Chỗ này không bán thuốc giảm đau hay cái gì để chườm lạnh cả. Tao đưa mày đến phòng khám nhé!”
“Thôi. Tao hết đau rồi. Giờ về nhà trước đi. Tối tao nhờ mẹ chở đi.”
“Không được.” Cậu gạt phắt đi, chỉ vào vết bầm trên mắt cá chân cô, “Nó tái như thịt bò rồi kìa. Để mấy tiếng nữa nhỡ bị nặng phải cưa chân rồi sao.”
“Cái thằng mồm quạ mổ! Trật chân có tý mà mày overthinking cái gì? Ở lớp võ tao bị suốt rồi, đừng có cãi chuyên gia!”
Nói là vậy, nhưng cô biết cậu nghĩ nhiều đến vậy cũng có nguyên do của nó cả. Đầu tháng hai năm sau có giải đấu võ liên trường, cô là một trong những thành viên chủ chốt của câu lạc bộ. Thầy phụ trách đã dặn dò mọi người cẩn thận trong mọi hoạt động, nhỡ có sơ suất gì sẽ bị thay thế ngay.
“Về nhanh có ngồi đây lâu say nắng giờ! Ở nhà tao có sẵn dụng cụ sơ cứu rồi. Lẹ lên!”
Có lẽ do sự ương ngạnh của cô, hoặc là tin tưởng vào kinh nghiệm nhiều năm học võ của nhỏ bạn, Việt Anh đành đồng ý đưa cô về nhà. Cậu khuỵu xuống phía trước ghế đá, ra hiệu cho cô trèo lên lưng mình. Cô hơi ngần ngừ một lúc, rốt cuộc vẫn làm theo. Trong lúc tựa vào lưng cậu, cô chợt nhớ lại một vài kí ức tuổi thơ dữ dội. Mỗi khi đánh nhau đến rệu rã chân tay, đau tới mức không di chuyển nổi, cậu lại cõng cô về tận nhà, vừa sơ cứu vừa bào chữa cho cô khỏi bị bố mẹ mắng. Mặc dù khi đó, cả người cậu cũng tím tái bầm dập, đôi lúc lê lết đến được nhà cô còn tiều tụy đến nỗi phải gọi bố mẹ sang bồng về.
Bình luận
Chưa có bình luận