NGÀY XƯA ẤY VÔ TƯ


Nhớ thời còn thơ bé, dường như tôi là một người luôn may mắn thì phải.

Tôi, một con bé yêu màu tím, tính tình quái đãng, mưa nắng thất thường nhưng cũng nổi tiếng là cổ hủ và cố chấp không kém…

Từ nhỏ, tôi đã nhút nhát, ít nói, ít cười đặc biệt là khi gặp người lạ. Thuở bé tôi đã nổi tiếng là bà cụ non nhưng hiền như cục đất. Tôi rất khó tánh và ít khi tìm được một người bạn hợp ý để chơi chung. Suốt hai năm đầu tiên đi học hầu như tôi không có bạn thân, tôi sẵn sàng giúp đỡ các bạn học kém, nhưng tôi không chơi thân với bất kỳ ai. Mọi người xem tôi như một vị cứu tinh cho các bài tập khó mà giáo viên đưa ra. Vì họ biết, ít nhất sẽ có tôi là người làm bình phong cho họ. Tuy nhiên, cũng thỉnh thoảng các bài tập thách đố ấy quá sức so với khả năng của tôi. Dần dần, mọi người cũng phát hiện ra một chân lý: “À, thì ra bạn Bằng Lăng cũng là người!”.

Dĩ nhiên tôi là người rồi. Chẳng những vậy, tôi còn là một người rất bình thường nữa là khác. Tôi có đầy đủ các bộ phận trên cơ thể như một con người, tôi cũng có khối óc để suy nghĩ, tôi có một gương mặt trên mức coi được một chút. Tôi cũng có những ước mơ xa xôi về tương lai trở thành cô giáo dạy mẫu giáo. Thế nên khi mẹ cho tiền mua quà bánh, tôi thường để dành tiền lẻ sau này có dịp thồi tiền cho các em nhỏ. Không biết tại sao lúc ấy tôi lại nghĩ là một cô giáo dạy mầm non lại có công việc là thồi tiền lẻ cho các bé nữa, ngộ thiệt. Hi hi…

Tôi cũng có một giấc mơ huyền bí đeo đuổi suốt nhiều năm thời thơ ấu của một bé gái xinh xắn rằng có một hoàng tử mà tôi mơ hồ không rõ mặt, chỉ nhìn thấy bóng lưng với chiếc áo sơ mi trắng bỏ vào quần lịch lãm, chàng vẫn đang tìm tôi, chúng tôi vụt mất nhiều cơ hội gặp gỡ, nhưng rồi một ngày nào đó khi tôi lớn lên, tôi và chàng sẽ gặp nhau như trong chuyện cổ tích ấy, khung cảnh ngày gặp lại vô cùng thi vị và đẹp lung linh, chúng tôi đứng trên một cánh đồng đầy cỏ và hoa, cùng ngước nhìn lên bầu trời ngàn sao và kể cho nhau nghe cách mình đã tìm gặp được đối phương như thế nào. Rõ ràng, tôi cũng mơ mộng và đầy lãng mạn như chính cái tên của tôi vậy – Bằng Lăng.

Thật ra, mãi cho đến năm học lớp mười, tôi mới nhận ra hết ý nghĩa của cái tên mình đẹp như cái cây hoa tím bên đường. Nhưng đó lại là một câu chuyện dài.

Nhà tôi ở rất xa, sâu tận trong ruộng, chỉ mênh mông sông nước ruộng đồng. Muốn đến lớp, anh em chúng tôi phải qua một con sông lớn, đi bộ năm cây số mới tới trường. Thế nhưng, anh em tôi không ai bảo ai, tự nhủ với mình phải ráng học, để sau này đỡ đần cho cha mẹ. Chưa bao giờ chúng tôi nghỉ học ngay cả khi bệnh.

Chỉ trừ một lần, đó là năm tôi học lớp một. Tôi phải nghỉ đúng một tháng vì cái tính lốc chốc không cẩn thận của mình. Tôi là học sinh giỏi của trường, thường tham gia nhiều kỳ thi đố vui để học và nhận được rất nhiều hoa điểm mười. Tôi nhìn vào thành tích mỗi ngày một tăng của mình được chứng minh bằng số bằng khen dán trên vách tủ đã không còn chỗ trống mà tự đề ra cho mình những mục tiêu xa hơn. Có lẽ cũng vì vậy mà tôi ít có thời gian để tìm hiểu bạn bè. Năm lớp một, một lần nhận được phần thưởng trong cuộc thi đố vui chỉ là một quyển báo Nhi Đồng nhưng tôi rất lấy làm thích thú lắm. Tôi chạy như bay về nhà, hí ha hí hửng tìm cha mẹ để khoe. Trên đường về vì hấp tấp băng qua đường mà bị xe quẹt té chấn thương ở tay. Tôi lăn vào trong lề gần cửa nhà mình. Cha tôi đang phơi lúa trong sân hoảng hốt chạy ra. Đường quê nên chú đi xe máy tông vào tôi chạy cũng không nhanh lắm. Nhờ thế mà vết thương của tôi không trầm trọng lắm, nhưng đến chiều thì vết thương càng sưng tím lên. Thấy tôi vẫn còn cử động được, cha bảo may mắn là chưa gãy xương. Tôi phải bó thuốc rượu đúng một tháng, không được cử động nhiều. Tôi nghĩ chắc là không nghiêm trọng lắm, cha mẹ không có chở tôi đi bác sĩ mà chỉ đưa tôi đến một sư phụ đông y chuyên trị xương khớp để kiểm tra và mua thuốc rượu về băng cho tôi theo phương pháp truyền thống. Tay phải của tôi sau chấn thương trở nên yếu hơn trước, chỉ có thể cầm đũa, cầm viết chứ không nâng nổi vật nặng.

Khi tôi trở lại lớp học, hay tin cô giáo của tôi đã chuyển công tác, theo sự sắp xếp của thầy hiệu trưởng tất cả học sinh lớp của cô phải bị tách ra vài nhóm gửi sang các lớp khác học. Tôi có tên trong lớp 1/1 đây là một lớp khá giỏi của trường. Trong lớp có hai bạn học rất giỏi, một nam và một nữ. Ngày đầu tiên vào ra mắt lớp, tôi đã nhận được hai ánh nhìn trái ngược từ hai bạn ấy. Một là ánh nhìn rất sắc bén từ phía bạn nữ tên là Thảo Uyên đang ngồi bàn nhất và một ánh nhìn rực sáng đầy thân thiện từ bạn nam ngồi bàn gần cuối lớp. Tôi được cô giáo mới sắp vào ngồi đầu bàn cuối cùng, ngay sau lưng bạn nam đó. Tôi vừa ngồi vào chỗ, cậu bạn đã quay xuống hỏi:

- Này, sao vào trễ thế? Những đứa khác đã chuyển vào từ đầu tháng trước.

Tôi không trả lời, lui cui lấy vở ra tập trung vào bài giảng của cô giáo. Một tháng qua, anh hai vẫn dạy kèm cho tôi học các môn trên lớp. Nhưng do những gì anh trai dạy, không bài bản như cô dạy trên lớp nên tôi có một phần kiến thức chưa vững. Vì thế, tôi vẫn còn khá thụ động, không phát biểu trên lớp vì sợ sai. Giờ ra chơi, mọi người đều tung tăng chơi đùa, chỉ có tôi là ngồi lại trong lớp cặm cụi với những trang vở. Cậu nhóc ngồi trước mặt tôi lại nói:

- Mình tên Hữu Phong. Chỗ nào không hiểu, mình chỉ cho.

Tôi lạnh lùng từ chối:

- Không cần!

Mặc dù vậy, Hữu Phong cũng rất kiên nhẫn chờ đợi và giúp tôi “vá” những kiến thức hỏng. Tuy nhiên, chỉ khi tôi thật sự không biết thì tôi mới đến hỏi còn thường ngày Hữu Phong có bắt chuyện thì tôi cũng chỉ trả lời qua loa. Phong có ý tốt đến chỉ bài, tôi lại nói:

- Không cần, khi bí tui sẽ hỏi bạn này!

- “Bạn này”… là mình á hả? – Lần đầu tiên Hữu Phong nghe thấy đại từ xưng hô này từ tôi nên ngạc nhiên hỏi lại.

Tôi trố mắt nhìn hắn vì thấy câu nói của mình rõ ràng đến thế mà hắn còn hỏi lại, tôi cảm thấy chính câu hỏi của hắn mới là khó hiểu đó chứ, vì hỏi như không hỏi. Thế nên, tôi cụt ngủn đáp lại:

- “Bạn này” là bạn này, chứ chả lẽ là bạn kia?

Hắn có vẻ hơi hoang mang nhưng rồi cũng gật đầu như để cố ép nạp vào đầu một khái niệm mới mà không mới. Dần dần, hắn cũng quen dần với cách nói chuyện của tôi. Hắn cũng nhạy bén hơn trong việc tiếp nhận thông tin khi trò chuyện cùng tôi, không còn ngơ người ra một lúc để phân tích xem tôi đang nói đến hắn hay đang nói đến ai khác.

Có lần trong giờ học, sau khi giải xong bài tập toán, Hữu Phong quay xuống để cuốn tập của cậu ấy trước mặt tôi rồi bảo:

- So kết quả coi.

Tôi xếp cuốn tập của Phong lại, thẩy ngược lên bàn của cậu ấy, âm thanh phát ra khi cuốn tập tiếp xúc với mặt bàn hơi to nên cô giáo cũng giật mình ngước lên nhìn về hướng tôi và Hữu Phong.

Hữu Phong thì vẫn còn đang quay xuống cào nhào vì tôi không chịu so kết quả với cậu ấy. Cô giáo thấy thế ngỡ rằng tôi chép bài của bạn nên tỏ vẻ không hài lòng và gọi tôi lên bảng làm bài nhưng không cho mang tập theo. Mặc dù tôi giải đúng nhưng cô có phần không tin vì cho rằng tôi đã coi và nhớ bài của bạn. Lần đầu tiên bị rầy oan, tôi tiu nghỉu trở về chỗ ngồi, cúi gầm mặt xuống bàn, vai run bần bật vì cố nén tiếng khóc. Lúc ấy, Hữu Phong đứng phắt dậy, trình bày cùng cô:

- Thưa cô, bạn Bằng Lăng không có chép bài của em. Em vừa chuyền xuống là bạn đã chuyền lên trả cho em rồi ạ.

- Thế em chuyền tập xuống làm gì? – Cô giáo nghiêm khắc hỏi lại.

- Dạ… Dạ chỉ để so kết quả ạ!

Sau lần ấy, tôi đặc biệt thận trọng với Hữu Phong. Thế mà, tôi vẫn bị cho là cố ý tranh giành “Hot boy” của lớp. Chuyện ấy càng làm tôi buồn thêm vì gần như bị cô lập trong lớp. Ngoại trừ Hữu Phong vẫn kiên trì bắt chuyện cùng tôi, các bạn khác hầu như xem tôi chỉ là không khí, trong suốt, vô hình, vô thần, vô sắc. Các bạn từ lớp cũ chuyển qua như tôi vì chuyển đến trước nên hầu như họ đã hòa nhập được rồi. Tôi sau khi trở lại thì hầu như không còn bạn nữa.

Nhà tôi không giàu lắm nhưng cũng không đến nỗi khó khăn. Cha mẹ tôi luôn cố gắng làm ruộng, chăn nuôi, cố hết sức để dành dụm tiền lo cho hai anh em tôi đi học. Anh hai lớn hơn tôi ba tuổi tên là Chí Trung. Anh hai là người rất ưu tú ngay từ nhỏ và cũng rất mực thương tôi.

Khi tôi lên lớp hai, do điều kiện gia đình, cha mẹ phải đi làm ruộng suốt ngày, không thể đưa rước tôi mỗi ngày, anh tôi thì đi học buổi sáng, tôi lại rơi vào lớp chiều. Cũng may có một lớp hai học buổi sáng, lúc cha vào xin chuyển lớp cho tôi lên học buổi sáng để cùng buổi với anh, hai anh em đi chung cho tiện, nhưng nhà trường không đồng ý. Tôi theo lớp chiều được vài ngày thì hay tin đã có một bạn học lớp sáng có nguyện vọng chuyển xuống buổi chiều, thế là tôi được chấp nhận chuyển lên lớp sáng. Cha mẹ tôi bớt lo được phần nào, do tôi nhỏ quá, lại khờ, mà đi học thì phải đi mình ênh lại toàn đi bộ. Hơn nữa, trường học toàn người ở chợ, họ lanh lợi, cha mẹ lo cho tôi lắm, thế là giờ có anh hai kế bên tôi, cả nhà cũng an tâm.

Vào lớp, tôi mới biết người xin chuyển xuống lớp chiều là Hữu Phong. Tôi không biết lý do nhưng muốn một lần gặp để cảm ơn. Tuy nhiên, giờ tan học của tôi không trùng với giờ vào lớp của Hữu Phong nên tôi không có cơ hội gặp bạn ấy.

Mãi cho đến một hôm, lớp tôi được tan sớm, anh tôi thì chưa đến giờ tan học, tôi ngồi một mình ở góc sân trường, vẽ vu vơ. Lát sau tôi giật nảy mình vì đột nhiên có tiếng người nói lớn:

- Vẽ cũng được đấy!

Tôi giật mình đứng phắt dậy vô tình chạm đầu vào cằm hắn làm tôi đau điếng mà hắn cũng phát cáu. Nhìn lại mới thấy là Hữu Phong.

- Sao… sao bạn này ở đây? – Tôi hốt hoảng.

Hữu Phong thản nhiên:

- Ừ, thì đi học sớm.

Tôi “Ừ” một tiếng, lát sau mới tỉnh hồn và nói tiếp:

- À, cảm ơn bạn này nhường cho tui được học sáng nghen!

Cậu ta nhìn tôi một lát, định nói gì đó nhưng lại thôi. Lát sau chỉ nói:

- Ừ thì nghe nói có người học chiều, mình tính xin xuống học chung. Rồi lại nghe nói có một người muốn chuyển lên học sáng, nên Phong chộp cơ hội liền. Ai dè người chuyển lên là Bằng Lăng.

Câu nói không rõ ràng lắm nhưng tôi không quan tâm. Dù sao thì mình cũng đã yên vị ở lớp buổi sáng rồi. Hắn lại nói tiếp:

- Ăn kem không?

Tôi lắc đầu. Tôi ít khi ăn quà vặt vì sợ tốn tiền, mỗi ngày đi học mẹ cho tiền tôi đều không lấy, chỉ khi đến Tết tôi mới nhận tiền lì xì để dành cho sự nghiệp “thối tiền cho trẻ” sau này khi trở thành cô giáo. Cậu ta nhìn tôi một lúc rồi nói:

- Làm người ta đau điếng không tính đền à?

Tôi lúc đó mới nhớ ra đỉnh đầu mình cũng đau lắm do đứng dậy nhanh quá, chạm mạnh vào cằm hắn. Chắc hắn cũng đau… Tôi vội nói:

- Cho tui xin lỗi nghen!

Tôi cũng đau vậy, mà lỗi này có phải của mình tôi đâu. Nếu hắn không làm tôi giật mình thì đâu có chuyện gì.

- Thế thôi à? – Hắn có vẻ chưa tha lỗi cho tôi.

- Chứ đòi sao nữa? – Tôi hơi nghếch mặt lên nhìn hắn, ngang ngược hỏi lại.

- Đi ăn kem với Phong đi. – Hắn vẫn nài nỉ.

- Hông thích! – Tôi vẫn chắc nịch trả lời.

Hắn ngây người nhìn tôi bất lực rồi cũng thôi, không ép tôi nữa. Rồi hắn lững thững đi đâu mất. Lát sau, khi tôi đang cặm cụi hoàn thành nốt bức tranh đang bị bỏ dở thì một bàn tay chìa ra trước mặt tôi. Bàn tay đó cầm một cây kem. Tôi ngẩng đầu lên, lại là hắn. Tôi nói:

- Gì đó?

- Cho Bằng Lăng nè, ăn đi. – Hữu Phong vừa nhe răng cười thiện chí vừa nói.

- Hông ăn! – Tôi vẫn kiên quyết từ chối.

- Sao vậy? Phong mời mà! – Hữu Phong vẫn xuống nước nhỏ.

- Hông thích! – Tôi hơi cau có.

- Vậy giờ tính sao? – Hắn bối rối hỏi lại tôi.

- Ai mua thì người đó ăn đi. – Tôi giải quyết cho hắn ngay.

- Nhưng mình có mua cho mình rồi nè, ăn phụ đi! – Hữu Phong tiếp tục xuống nước năn nỉ.

- Hông ăn! – Tôi bắt đầu nói lớn như quát vào mặt hắn.

- Mình Phong ăn sao hết? – Hắn vẫn tỉ tê.

- Hông biết! – Tôi vô tình trả lời.

- Nói từ khác có được hông? – Hữu Phong có vẻ bất lực trước sự cương quyết của tôi.

Tôi là một đứa không thích lề mề. Cái gì đã quyết rồi là không thay đổi. Thế nên, mặc dù tôi đã đổi từ và thêm chữ cho đỡ cụt theo ý hắn, nhưng cũng vẫn chỉ keo kiệt thốt lên ba chữ:

- Được, hông rảnh!

Hắn lại tức đến không nói được gì. Cái tên này, tôi nghi ngờ hắn rỗi hơi quá không có chuyện gì làm, hay là cha mẹ giàu quá không có chỗ xài tiền. Thế là, cuối cùng, hắn một mình khổ sở ăn hết hai cây kem, bên này cắn một miếng, bên kia liếm một miếng. Vừa ăn, hắn vẫn chăm chú nhìn vào bức vẽ của tôi, chợt hắn lại hỏi:

- Vẽ gì đó?

- Không thấy sao? – Tôi cộc lốc.

- À, thấy! Nhưng nhìn không ra. – Hắn kiên nhẫn trả lời, rất thành ý, nhưng cũng không kém phần thật thà trong câu nhận xét của mình.

Tôi phát cáu, tôi vẽ không tồi, cảnh vật lại rõ ràng như ban ngày. Một ngôi nhà, một con đường nhỏ, một con sông, một chiếc xuồng trên sông. Hết. Đơn giản. Không thể không nhìn ra được. Lát sau, hắn nói:

- Vẽ căn nhà mơ ước à?

Tới lượt tôi cứng họng. Căn nhà đó là nhà tôi, tôi đâu cần mơ ước. Nhưng tôi không thèm giải thích. Chợt hắn dùng một cái que kem đã ăn hết, vẽ nối tiếp phía xa theo hướng con sông. Một cây cầu, một cái nhà hai tầng, trước nhà có một cây cổ thụ tán rộng và còn ghi trên đó hai chữ cái “HP”. Tôi chẳng hiểu HP nghĩa là gì theo ý của hắn. Nhưng tôi cũng không cần hiểu. Vì đơn giản một điều rằng tôi ít khi kết bạn với ai, huống chi hắn lại còn là một đứa con trai thì trong danh sách bạn ít ỏi của tôi lại càng không thể lọt vào. Chuông báo hiệu hết giờ reo lên, anh tôi đã tan lớp. Tôi xóa vội phần tác phẩm của mình và nhanh chóng chạy đến cửa lớp của anh.

Sau lần đó, suốt một năm học hình như tôi không gặp hắn nữa. Mãi cho đến khi kết thúc năm học, lên nhận bằng khen và phần thưởng, tôi mới gặp lại hắn nhưng chúng tôi đứng cách nhau hai người nữa. Hắn chỉ cười với tôi một cái ra chiều khích lệ rồi thôi.

Thời gian cứ thế trôi qua, tôi cũng dần dần lớn lên, suy nghĩ cũng chững chạc hơn. Cha mẹ cũng không quản lý tôi gắt gao như hồi còn nhỏ. Cha mẹ tôi nói hồi nhỏ thấy tôi khờ, sợ bị người ta ăn hiếp, sợ bị người ta gạt, giờ lớn rồi cũng nên có không gian riêng. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ vượt qua cái ranh giới mà từ nhỏ cha mẹ tôi đã cố xây nên để bảo vệ tôi. Tôi vẫn không chơi thân với bất kỳ đứa con trai nào nhưng không đến nỗi xa lánh mọi người như hồi còn nhỏ.

Năm học lớp ba, tôi và hắn lại được ghép chung lớp. Thật không may tôi cũng học chung với Thảo Uyên. Vào đầu năm học, nhìn thấy tên mình trong danh sách lớp 3/1, tôi đã thấy nơm nớp lo sợ cho cả năm học mới. Ngay từ năm lớp một, rồi sang năm lớp hai, Thảo Uyên luôn xem tôi là đối thủ cạnh tranh. Bạn ấy ghét tôi ra mặt, và có thành kiến với tôi từ năm lớp một, khi tôi chuyển vào lớp của bạn ấy. Bạn ấy cho rằng chính tôi là người đã cướp lấy giải nhất trong lần thi đố vui để học, chính là lần tôi gặp tai nạn. Sau đó lại là cuối năm tôi đứng nhất, mặc dù là lớp tôi bị tách ra nhưng trên danh nghĩa thì vẫn là lớp 1/3. Trong khi bạn ấy vẫn đứng nhất lớp 1/1 nhưng so về điểm số thì bạn ấy thấp hơn tôi 0.8 điểm. Lên năm lớp hai, đúng lý là tôi học lớp 2/3, nhưng cuối cùng lại chuyển lên lớp 2/1 và lại học chung với Thảo Uyên và năm đó bạn ấy chính thức bị đẩy xuống hạng nhì. Hai năm qua, tôi đã học trong sự sợ hãi và lo lắng vì những chiêu trò trẻ con của bạn ấy. Thảo Uyên rủ rê các bạn khác cô lập tôi. Trong giờ học thì luôn tranh giành đấu đá. Mỗi lần, tôi được giáo viên gọi lên giải bài tập và được khen đúng là Thảo Uyên lại liếc hấy tôi. Năm lớp ba, Hữu Phong chuyển vào lớp tôi, tình hình cũng được cân bằng hơn.

Một lần trong giờ chơi, tôi từ phòng giáo viên trở về lớp. Tôi được chỉ định là lớp phó học tập từ đầu năm học. Cô chủ nhiệm gọi tôi lên nhận bài về cho lớp. Khi tôi về đến cửa thì bất ngờ bên trong lớp một bạn nam chạy ra va phải tôi, tập vở của các bạn văng tứ tung, tôi thì té ngã. Chiếc vòng mã não mẹ thưởng cho tôi vào cuối năm học trước cũng vì thế mà vỡ tan tành. Hữu Phong chính là người vừa gây ra tai nạn cho tôi. Hắn sững người mất mấy giây, sau đó bước tới đỡ tôi dậy.

Tôi giận lắm, không còn biết đau là gì nữa, tôi vung tay hắn ra, nhặt từng mảnh vụn của chiếc vòng kỷ niệm. Thấy tôi phản ứng gay gắt, hắn cũng không đôi co nữa, vội nhặt giúp đống tập vở đang nằm ngổn ngang trước cửa lớp. Vừa nhặt, hắn vừa xin lỗi rối rít.

Nhưng có giọt nước màu đỏ nhiễu xuống nền gạch, một giọt, hai giọt, rồi rất nhiều giọt. Thì ra trong lúc ngã, tay tôi đập xuống nền gạch, chiếc vòng bị bể rạch ngay cổ tay tôi một vết cắt rất sâu. Máu từng giọt từng giọt rớt xuống liên tục. Lúc này tôi mới bắt đầu thấy đau. Tôi đau quá, rươm rướm nước mắt, xuýt xoa vì đau rát. Hắn quay lại phát hiện tay tôi chảy quá nhiều máu, liền quát lên:

- Còn nhặt gì nữa, bỏ đi, máu chảy quá chừng kìa… Làm sao bây giờ?

Hắn hỏi tôi, tôi biết hỏi ai. Tôi như tích tụ uất ức lâu ngày, bật khóc thật to, không còn biết mắc cỡ hay e ngại trước đám đông, người lạ gì nữa hết. Cô giáo bước tới cũng hốt hoảng theo, cô lật bàn tay tôi lên rồi nắm chặt phần trên của vết thương không cho máu chảy ra nữa nhưng không được. Cô nói lớn:

- Phụ cô đưa bạn qua trạm y tế.

Trạm y tế cách trường tôi khoảng ba mươi mét, cô giáo bồng tôi trên tay, hắn thì nắm chặt vết thương trên tay tôi. Khi đến nơi, các y tá cầm máu, rửa vết thương, sát trùng rồi băng lại cho tôi. Cả lớp một phen nhốn nháo. Cô giáo phải về lớp tiếp tục tiết dạy và ổn định lớp. Hắn được phân công ở lại nghe y tá dặn dò rồi đưa tôi về lớp sau. Chân đi cà nhắc, một bên cổ tay bị băng cứng nhưng tay kia tôi vẫn cầm những mảnh vỡ của chiếc vòng. Hắn biểu tôi bỏ những mảnh vụn đó đi, kẻo lại đứt tay. Tôi cứ lẳng lặng bước đi, không thèm quan tâm tới lời hắn nói.

Tay trái bị thương, không dám cử động nhiều, cuốn tập vì thế mà cũng không chịu đứng yên nhưng tôi vẫn cố gắng ngồi học đến tiết cuối. Cuối giờ, anh hai ghé trường rước tôi về cùng mới hay tôi bị thương. Thường ngày đi học, anh hai là người chở tôi đi và về. Năm nay, anh hai tôi đã lên lớp sáu. Trường anh hai học là trường cấp hai, xa hơn trường tôi một đoạn, nên ngày nào tan lớp tôi cũng ngồi lại chờ anh hai đến rước về chung. Hôm nay, hắn cũng ở lại đợi anh hai với tôi. Có lẽ là vì thấy có lỗi với tôi ấy mà. Lát sau anh hai đến trước cửa lớp tôi, hôm nay anh hai có bạn cùng về chung, chính là anh lớn Quốc Đạt của tôi sau này. Anh hai thấy vết thương trên tay tôi vẫn còn băng kín vội hỏi:

- Út bị gì vậy? Có sao không? Đưa anh hai coi.

Có Phong ở đó, tôi cũng ái ngại, không lẽ khai thiệt với anh hai là cậu ta chạy giỡn đụng trúng em gái cưng của anh hai để anh xử đẹp cậu ta. Nhìn thấy thái độ ăn năn của cậu ấy, mặt cúi xuống như một đứa trẻ làm sai đang chờ hình phạt của phụ huynh, tôi đột nhiên xuất hiện lòng trắc ẩn. Mặc dù là giận cậu ta lắm, không phải giận vì cậu ấy làm tôi té ngã hay bị thương, mà giận vì cậu ấy làm vỡ chiếc vòng mẹ tặng tôi. Nhưng thôi, chi bằng bớt một chuyện vậy, tôi nói:

- Út không cẩn thận, bị té, bể chiếc vòng mẹ cho rồi bị đứt tay.

Anh hai tôi hướng về phía Hữu Phong, nói lời cảm ơn vì cậu ta đã ngồi lại với tôi từ nãy đến giờ. Sau đó, người bạn của anh hai nhắc:

- Vậy về sớm cho em cậu nghỉ ngơi. Chắc con bé mệt lắm rồi đấy.

Giọng nói ấm áp, ân cần quan tâm. Đó là ấn tượng lần đầu tôi gặp anh lớn. Chúng tôi ra về thì Hữu Phong cũng ra khỏi lớp để về nhà mình. Tôi vẫn ngồi sau xe anh hai như mọi khi. Về đến nhà, tôi mới chính thức biết tên của anh lớn là Quốc Đạt thông qua lời giới thiệu của anh hai với gia đình. Anh Quốc Đạt về nhà làm bài tập nhóm cùng anh hai tôi rồi ở lại ăn cơm chiều cùng gia đình. Sau lần đó, thi thoảng anh Quốc Đạt cũng đến nhà làm bài cùng anh hai rồi thành thân, cha mẹ tôi rất quý anh, lần nào cũng giữ lại dùng cơm rồi mới cho về.

Có một lần, anh hai tôi mắc bệnh đậu mùa, không ra gió được nên phải xin nghỉ học ít hôm. Ngày nào anh Quốc Đạt cũng mang bài đến cho anh hai chép và ở nhà tôi học bài luôn. Anh ấy bảo rằng bản thân cũng từng bị đậu mùa rồi nên đã miễn dịch, không sợ bị lây bệnh. Những ngày ấy, anh Quốc Đạt đi học sớm, ghé nhà chở tôi đến lớp, trưa lại chở tôi về. Cả nhà ai cũng cảm kích, và thế là cha mẹ tôi đề nghị nhận anh Quốc Đạt làm con nuôi. Nhưng anh hai tôi nhất quyết không chịu cho anh Quốc Đạt làm anh mặc dù anh Quốc Đạt lớn hơn anh hai vài tháng tuổi. Anh Quốc Đạt cũng chẳng chịu làm em của anh hai tôi. Thế là tôi đề nghị, hay anh Quốc Đạt làm anh lớn của tôi đi, tôi gọi anh hai và anh lớn, cũng chẳng ai chịu thiệt. Còn hai người họ vẫn quen xưng hô cậu-tớ với nhau cho đến lớn lên cũng vẫn như vậy.

Cũng từ đó mà danh xưng anh lớn bắt đầu xuất hiện và dần trở thành một thành viên nữa của gia đình. Cha mẹ tôi rất thích anh lớn, thương như con ruột, có gì ngon cũng hay bảo anh hai rủ anh lớn về nhà chơi rồi thử tay nghề của mẹ. Anh lớn cũng sửa lại gọi cha mẹ tôi là cha mẹ.

Tuổi thơ tôi dường như càng thêm hạnh phúc vì được gia đình và anh lớn rất mực thương yêu. Những rắc rối ở trường với cô bạn Thảo Uyên hay cậu bạn Hữu Phong cũng không còn là vấn đề quá lớn đối với tôi nữa.

Nhưng riêng với Hữu Phong, mặc dù sau lần đó, cũng có mua đền cho tôi một chiếc vòng khác nhưng tôi không nhận. Và dĩ nhiên, không nhận không có nghĩa là hết giận, mà tôi chính là kiểu không muốn dính liếu đến cậu ta mà thôi. Ngay cả cơ hội được khắc phục lỗi, tôi còn chẳng cho cậu ta nữa là. Sau năm học lớp ba, các năm học sau tôi đã được nhà trường chuyển sang lớp khác với lý do rải đều học sinh giỏi. Hữu Phong và Thảo Uyên thì vẫn còn học chung với nhau đến hết cấp tiểu học.

Bẵng đi ít năm cho đến khi tôi học lớp chín, tôi lại một lần nữa học chung với Hữu Phong. Những ký ức ngày xưa chợt ùa về trong tôi. Nhưng hắn thì tỏ ra bình thản, xem tôi như tất cả các bạn gái khác trong lớp, đã không còn áy náy vì lỗi bé tí ngày xưa của thời con nít chạy nhảy lăng xăng nữa. Lớn lên, hắn không học giỏi như xưa nữa, lại hay ham chơi. Tôi với vai trò lớp phó học tập phải có nhiệm vụ đôn đốc các bạn học hành. Hắn luôn có tên trong danh sách “đen” của tôi mỗi cuối tuần báo cáo trước tập thể lớp. Nào là bạn Hữu Phong không mang phù hiệu, bạn Hữu Phong đi học trễ, bạn Hữu Phong không đóng quỹ lớp, bạn Hữu Phong không học bài, bạn Hữu Phong làm chuyện riêng trong giờ học bị thầy dạy bộ môn phạt, bạn Hữu Phong…, và bạn Hữu Phong… Thế đấy! Tôi không thể hiểu nổi một học sinh xuất sắc như hắn, tại sao lại thay đổi như thế.

Một lần, vào khoảng giữa học kỳ một, một cơn bão lớn đổ bộ vào quê hương chúng tôi, giông gió giật mạnh đến nỗi làm tróc gốc cây phượng già trước sân trường. Sau bão, nhà trường đành kêu xe kéo đến di dời cây phượng đi nơi khác vì sợ cây to không bám đất nếu trồng lại e là nguy hiểm cho học sinh. Sau đó, nhà trường quyết định trồng lại các cây nhỏ hơn. Mỗi lớp được chọn góp một cây và phụ trách chăm sóc cây của lớp mình trồng.

Sau khi họp lớp bàn bạc, Hữu Phong xung phong góp tặng một cây bằng lăng. Hắn nói cây này có hoa màu tím đẹp lắm, nhà hắn có trồng một cây, lâu năm lắm rồi, mỗi năm khoảng đầu tháng tư – tháng năm hoa bằng lăng bắt đầu nở tím cả một góc sân. Cả lớp chúng tôi nghe thấy thế là thích ngay, chỉ tưởng tượng thôi cũng có thể hình dung ra cảnh đẹp ấy. Thế là cả lớp cùng thống nhất chọn trồng cây bằng lăng mà Hữu Phong có nhã ý tặng cho lớp cho trường, và từ đó chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc cho cây bằng lăng ấy. Mỗi tổ trực nhật một tuần thì sẽ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc cây trong tuần đó luôn một thể.

Sau khi cây được trồng trước cửa lớp, dù không phải tổ tôi trực nhật, tôi cũng tranh thủ ra sau giếng của trường, múc ít nước lên tưới cho cây bằng lăng trước cửa lớp. Tôi mong nó mau lớn lên để tôi được nhìn thấy hoa của nó. Các bạn thấy tôi chăm sóc cây như thế thường chọc tôi rằng: “Lớp phó thương cây mà không nể chủ”. Tôi là vậy đó, nghiêm nghị, khó gần, luôn làm đúng luật, chưa bao giờ thiên vị với ai. Hắn thì ngược lại, sôi nổi, hay cợt đùa với các bạn gái, hắn quậy phá như để chọc tức tôi, chống đối lại với tôi. Và… chúng tôi chưa bao giờ thắng được nhau, cũng chưa bao giờ ngừng tranh đấu cho lý tưởng của riêng mình. Tôi thì theo trường phái tôn trọng nội quy của trường của lớp. Còn hắn thì theo trường phái cải cách, cứ hễ họp lớp là hắn thế nào cũng ý kiến nên bỏ cái này nên thêm cái kia.

Vào những ngày cuối tháng Mười, cây bằng lăng tự nhiên rụng lá, còn trơ lại cành. Tôi thường ra nhìn và cạo thử thân cây xem có còn tươi không. Tôi sợ nó chết. Hắn dường như biết tôi lo, hắn bảo: “Loại bằng lăng này là vậy đó, nó rụng lá rồi mùa xuân sẽ thay lá mới, gần tới hè sẽ trổ bông”. Tôi biết được cũng yên tâm phần nào. Nhưng chắc là không kịp nhìn thấy hoa của nó rồi bởi vì chúng tôi đang học cuối cấp. Năm sau phải chuyển xuống thị trấn để học cấp ba. Không biết mấy lớp dưới lên có nhớ chăm sóc nó không nữa.

Vào những ngày cuối của học kỳ hai, tôi cảm thấy mắt mình có vấn đề, tôi nhìn không rõ những vật ở xa. Chữ thầy viết trên bảng, tôi ngồi bàn thứ ba nhưng nhìn thấy nhòe nhòe. Có khi còn chép sai. Thầy dạy toán rất thương tôi, nhưng thầy cũng rất khó, mỗi lần thầy thấy tôi viết sai, tay thầy toàn là phấn, thầy cũng gõ đầu tôi. Trong trường cấp hai tôi đang học, giáo viên là bạn của cha tôi rất nhiều. Một số là bạn học hồi trẻ của cha, một số vì thích tính cha nhiệt tình, chân thật, dễ gần nên dần dần lại trở thành bạn của nhau. Trong hội phụ huynh, cha tôi rất được nể trọng và quý mến. Thứ nhất là vì trước đây, anh tôi đã rất giỏi, làm cha được hãnh diện trước các phụ huynh khác. Sau đó, anh tôi lên học cấp ba thì đến lượt tôi cũng là học sinh xuất sắc, năm nào cũng nhận phần thưởng rinh không nổi, cha phải đi theo rinh phụ. Một lần thầy dạy toán có dịp đi ngang nhà tôi vào ngày chủ nhật, thầy vào thăm cha tôi:

- Anh ba có nhà không? – Cha tôi thứ ba, người ta thường gọi là ba Nghị.

- A, thưa thầy tới chơi. Thầy vào nhà đi, cha con có ở nhà. – Tôi đang ngồi học bài trên ghế xích đu trước nhà, thấy thầy gọi, tôi đứng dậy khoanh tay thưa thầy rồi mời thầy vào nhà.

Sau đó, tôi rối rít chạy vào nhà gọi to:

- Cha ơi, thầy con tới chơi.

Cha tôi bước ra, tươi cười nói:

- Anh Tuấn khỏe không? Vào nhà lẹ lên, nắng quá.

Rồi cha xoay qua nói với tôi:

- Bằng Lăng, con đi mua nước đá dìa làm nước mời thầy cho mát.

- Dạ, con đi liền. – Tôi lễ phép đáp lời cha.

Thầy tôi lên tiếng ngăn:

- Thôi con, đừng mua chi mất công, thầy ghé thăm cha con chút rồi đi liền. – Ở quê, chúng tôi thường xưng con với thầy cô vì ai cũng lớn tuổi, có người còn lớn hơn cha mẹ chúng tôi nữa.

Nhưng tôi biết tính cha tôi, cha luôn hậu đãi khách. Tôi vội vàng chạy vèo qua tiệm mua nước đá, mua cà phê – món thức uống mà cha tôi thường mời khách quý khi tới nhà. Thường ngày những bác hàng xóm tới chơi, cha tôi và họ thường uống nước trà và đàm đạo cả tiếng đồng hồ chưa xong, có lẽ những người nông dân vẫn hay thích uống nước trà. Sau khi lo xong nước mời khách, tôi rút lui ra sau, không dám ở gần chỗ người lớn nói chuyện, đó là phép tắc, cha tôi dạy chúng tôi như thế.

Tối đó, cha tôi hỏi sao mắt bị mờ mà tôi không cho cha mẹ hay. Thật ra, tôi cũng không biết là mắt mình mờ từ lúc nào. Chắc là mấy tháng nay tăng cường học siết quá, mắt bị mệt nên mờ thôi. Tôi nghĩ chắc là không nghiêm trọng lắm.

Cho đến trước ngày thi tốt nghiệp, tôi thấy không ổn vì sợ tên mình tới chữ L, chắc phải ngồi xa bảng, sợ không thấy đường chép đề vào giấy thi, nên nói với cha. Cha tôi dẫn tôi lên tỉnh khám mắt. Đó là lần thứ hai tôi được lên tỉnh. Lần đầu là lúc tôi dự thi nghi thức đội vòng tỉnh cùng liên đội của mình hồi tôi học lớp năm. Xe đông là điều mà tôi sợ nhất, nhưng cũng may, chú tài xế chở cha con tôi cũng biết khách của mình là dân quê, chú giúp cha con tôi tìm đến phòng khám mắt của bác sĩ và ngồi chờ cho đến khi tôi được khám xong. Bác sĩ kết luận, mắt tôi bị cận loạn, dù chưa nặng lắm nhưng do tình trạng hiếm gặp nên bác sĩ không có sẵn độ kính phù hợp. Tôi có thể không mang kính nhưng bác sĩ bảo nếu không mang sẽ dễ bị tăng độ. Cha tôi cũng đồng ý với bác sĩ và đặt cho tôi một chiếc kính. Vì chờ kính gửi từ Sài Gòn về nên bác sĩ hẹn cha tôi hôm sau đến lấy kính.

Ngày tôi vào phòng thi, bảy giờ trường khóa cổng. Cha tôi đi lên tỉnh từ bốn giờ sáng để lấy kính cho tôi. Nhưng khi cha về tới trường tôi thì đã bảy giờ mười phút, cha không vào được. Cũng may, cha có nhiều bạn làm giáo viên trong trường, thầy hiệu trưởng thấy cha tôi đứng trước cổng trường, thầy ra hỏi thăm. Tôi đang lo lắng vì thầy giám thị đã bắt đầu viết đề lên bảng. Chợt bên ngoài nghe có tiếng thầy hiệu trưởng, thì ra cha tôi nhờ thầy đem kính vào cho tôi. Tôi mừng quýnh.

Sau tiết thi môn đầu tiên, chúng tôi được nghỉ ba mươi phút trước khi thi môn thứ hai. Tôi đeo kính bước ra khỏi lớp, nhìn xung quanh, đúng là nhìn rõ thật nhưng chưa quen lắm nên hơi khó chịu. Từ phòng tôi thi, nhìn về hướng lớp, tôi nhìn thấy các bạn rất rõ, từng chiếc lá của cây bằng lăng trước cửa lớp tôi cũng nhìn thấy rõ mồn một. Bất giác hít một hơi dài lấy lại tinh thần. Chợt kế bên có giọng nói rất quen, là Hữu Phong.

- Sao đeo kiếng rồi?

- Cận. – Tôi đáp cụt ngủn.

- Mắt to thế mà cũng bị cận nữa hả? Lạ à nghen! – Hữu Phong thắc mắc.

- Ừ, hông biết.

Tôi cũng than ôi bất lực trả lời. Giọng điệu cũng không giấu được thất vọng vì không hiểu vì sao mình bị cận. Bởi vì thời điểm đó, tôi còn chưa có đủ kiến thức để hiểu rằng cận là tật khúc xạ của mắt, không liên quan đến kích thước mắt to hay nhỏ.

Hắn như cũng nhìn ra sự buồn phiền trong lòng tôi, nên đổi chủ đề, hỏi:

- Bằng Lăng làm bài được không?

- Cũng được. – Tôi lại cụt ngủn lần nữa.

Lát sau nghĩ mình cũng cần hỏi thăm lại một câu, tôi tiếp tục:

- Còn bạn này?

Hắn có vẻ ngạc nhiên vì đột nhiên nhận được câu hỏi từ tôi. Vì ít khi tôi chịu khó kéo dài câu chuyện với hắn. Thế là, hắn cũng thành thật đáp:

- À, tàm tạm. Chắc cũng trên trung bình được. Nhưng câu cuối thì làm không kịp.

Sau đợt thi tốt nghiệp, chúng tôi được nghỉ hè mà lòng nơm nớp lo sợ, trông cho đến ngày biết kết quả. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết mình đứng hạng thứ mấy trong bảng xếp hạng bởi vì tôi không đi xem kết quả, thầy chủ nhiệm xem và báo cho cha tôi biết là tôi đậu với điểm từng môn là bao nhiêu thôi. Lúc đó, tôi cũng không quan tâm đến thứ hạng lắm.

Gần tới ngày vào nhập học, tự dưng hắn đến nhà tôi làm tôi ngạc nhiên. Hắn bảo phải đến gặp thầy hiệu phó để đăng ký vào trường nào. Vì ở thị trấn có đến hai trường cấp ba. Một trong số đó là trường điểm, điểm xét tuyển sẽ cao hơn, nhưng vị trí địa lý thì xa hơn ngôi trường kia và không phải tuyến mặc định cho trường cấp hai của tôi chuyển lên. Hồ sơ của chúng tôi sẽ được trường cấp hai chuyển thẳng lên trường cấp ba theo tuyến nếu chúng tôi không có yêu cầu được học ở một trường khác. Cũng không biết sao mà hắn lại biết tin mà nhắc tôi đến đăng ký nếu muốn học trường điểm. Tôi cũng ngạc nhiên không biết tại sao hắn lại biết nhà tôi, tôi hỏi hắn:

- Ờ, cảm ơn bạn này nghen! Mà sao biết nhà tui dạ?

- Thì thấy về đường này hoài, với lại nhìn tranh nên đoán nhà kế mé sông, nên đi đại. – Hắn tự tin về khả năng mò đường của mình nên nhanh nhảu đáp.

Tôi lại thắc mắc:

- Nhìn tranh gì?

Hắn cười tươi bảo:

- Nhìn tranh trừu tượng ngày xưa Bằng Lăng vẽ trên sân trường ấy.

Nhất thời tôi cũng chưa kịp nhớ ra là hắn thấy tranh tôi vẽ ở sân trường khi nào nữa. Vì tôi rất thích vẽ, hay vẽ lung tung. Nhưng nếu là vẽ trên cát, tôi thường hay xóa khi rời đi. Tôi đang lục lọi trong ký ức về bức tranh khiến hắn nhớ và đoán ra được vị trí nhà tôi, thì hắn nhắc lại:

- Nè, nhớ đi đăng ký nghen, cỡ Bằng Lăng phải học ở trường điểm, đi xa chút cũng không sao đâu. Phong thì cũng đăng ký rồi nhưng lo chọi không lại, điểm sát ngưỡng quá.

- Ờ, biết rồi. – Tôi điềm nhiên trả lời.

- Hả, âm thầm quan tâm tới thành tích học của tui nữa hả ta? Coi điểm của tui nữa hả? – Tự dưng hắn không biết dỗi hay ngạc nhiên mà lại bắt chước cách xưng hô của tôi.

Nghe hắn nói thế, tôi lắp bắp phản bác:

- … Tui…, tui có biết điểm của bạn này đâu?

- Vậy sao nói biết rồi? – Hắn nghiêm túc hỏi.

- Thì biết rồi là nói vụ đi đăng ký kìa. Ai quan tâm tới bạn này làm gì! – Tôi thẳng thắn giải thích:

Hắn chưng hửng, nhưng rồi cũng cười xòa, bảo:

- Hì, hú hồn… làm tui tưởng…

- Thôi, dìa đi! – Tôi đuổi.

Hắn tắt hẳn nụ cười, như bị cụt hứng khi nghe tôi đuổi nên nhất thời cũng im bặt. Còn tôi, lúc đó tôi cũng chẳng thèm quan tâm hắn tưởng cái gì trong đầu. Nói nhanh một câu đuổi hắn, kết thúc câu chuyện và đi một mạch vào nhà, thay đồ đến nhà thầy hiệu phó để đăng ký.

Vào trường mới, ngay mùa tựu trường, dọc đường đi vẫn còn lác đác một vài cây hoa tím đang nở trông rất đẹp. Ngày tựu trường, chúng tôi chỉ tập trung lại trường nghe phổ biến nội quy, biết lớp, gặp giáo viên chủ nhiệm, bầu ban cán sự lớp, xem lịch học quân sự rồi về. May thay, năm nay tôi không làm ban cán sự lớp nữa. Tôi như trút được gánh nặng. Áp lực không còn nên tâm hồn cũng trở nên thư thái nhẹ nhõm hơn. Trên đường đi, tôi thong dong đạp xe chầm chậm giữa hai hàng cây hoa tím chưa biết gọi tên. Chợt nghe có tiếng nói phía sau lưng, tôi quay đầu lại nhìn, thì ra là hắn. Hắn nói:

- Hoa bằng lăng đấy, biết không?

Cha mẹ tôi không nói nhiều về tên tôi, cha chỉ nói lúc cha còn nhỏ, chiến tranh ác liệt, kẻ địch đã chặt bỏ cây bằng lăng già trước sân, cái cây chính tay ông ngoại của cha trồng. Cha nhớ đến ông, nhớ đến cây bằng lăng già cùng cha lớn lên nên cha đặt tên tôi là Bằng Lăng. Tôi có nghe cha kể hoa bằng lăng có màu tím nhạt, đẹp và buồn. Mỗi năm Tết đến, anh em chúng tôi đều được mẹ may cho một bộ đồ mới, năm nào tôi cũng chỉ mong được một cái áo màu tím hoa bằng lăng để biết màu tím ấy đẹp ra sao, có giống với sắc tím mà tôi vẫn thích hay không. Nhưng thời đó, vải áo quần chưa đẹp và đa dạng như bây giờ nên hầu như tôi chưa có cái áo nào có màu tím giống cây hoa bằng lăng của cha. Hóa ra, nay được nhìn thấy tận mắt, quả là đẹp thật, đúng màu tôi thích. Ngay lúc ấy, tôi nhìn những cánh hoa mỏng manh trên cành đang đu đưa theo gió, ngỡ ngàng nhận ra được một điều rằng tên của tôi, tôi yêu nó hơn bao giờ hết. Tôi cũng trầm trồ với hắn:

- Vậy à, đẹp thiệt đó.

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi cởi mở hơn với hắn. Cũng có thể vì khung cảnh quá đẹp nên tôi quên là mình cần phải tỏ ra không quan tâm đến bọn con trai như hắn. Cũng vì cảnh trước mắt tôi quá đẹp, tôi bận chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt vời ấy, mỗi khi một cơn gió lùa qua, cánh bằng lăng lại rụng và bay trong gió làm lòng tôi cũng thư thái hơn, chẳng còn tâm trí đâu mà quan tâm có kẻ cũng chậm rãi đạp xe theo tôi trên đường về.

Những ngày vào học chính thức của lớp mười, tôi mới phát hiện ra Hữu Phong học ngay lớp kế bên lớp tôi. Vậy ra, lúc trước hắn đã nói dối tôi rằng cũng muốn học trường chuyên nhưng lo chọi không lại người khác vì điểm thi tốt nghiệp của hắn gần điểm chuẩn xét tuyển quá. Có lẽ, hắn muốn thử phản ứng của tôi hoặc là có dụng ý khác. Mà tôi đoán có thể hắn nghĩ tôi và hắn không ưa nhau, hắn sợ tôi chọn trường thông thường để thuận tiện trong việc đi lại và không phải gặp hắn nữa. Nhưng đối với tôi mà nói, việc học hành là chuyện quan trọng nhất của đời học sinh. Tôi lại là một học sinh xuất sắc chín năm liền. Thế nên nếu được chọn, dĩ nhiên tôi sẽ chọn môi trường học tập tốt nhất phù hợp với khả năng của mình. Mà nghĩ kỹ lại, hắn cũng có bản lĩnh đấy chứ, tôi còn tưởng hắn không đủ điểm để vào đây học là thật nữa cơ đấy, vì điểm xét tuyển cao hơn hẳn trường thông thường cơ mà.

Ở ngôi trường mới, môi trường học tập cũng mới, và với cái tuổi cập kê luôn có những lăn tăn gợn sóng trong tâm hồn khiến cho tôi càng nhận thấy rõ sự khác biệt trong cách đối xử giữa các bạn học. Đặc biệt là khi lớp tôi lại có một bạn nữ được mệnh danh là “Tiên nữ giáng trần”. Bạn ấy xinh xắn và mang một nét đẹp trong sáng đến mê mẩn. Và tên của bạn ấy cũng rất đặc biệt, Đỗ Quyên. Đỗ Quyên không chỉ xinh đẹp mà còn học văn rất giỏi. Cô dạy Ngữ văn của chúng tôi cũng thường lấy văn của bạn để làm văn mẫu cho lớp. Không chỉ bọn con trai trong lớp ngưỡng mộ bạn ấy, mà ngay cả tụi con trai lớp khác cũng tìm đủ thứ trò để gây sự chú ý. Nhưng Đỗ Quyên thì có vẻ đã quen với cảnh này từ nhỏ nên cũng không quan tâm lắm đến bọn họ.

Một hôm, vào giờ ra chơi. Cũng như mọi ngày, lớp tôi lại có một vài vị khách ghé qua. Thế nên, tôi cũng dần quen với sự phiền phức này và không chú ý đến sự hiện diện của họ. Tôi thoáng nghe có âm thanh của một bạn nam ngoài cửa lớp:

- Nè, cho tui hỏi có…

Có lẽ vừa nói, hắn vừa dáo dác nhìn quanh lớp tôi một thể nên giọng có phần ngập ngừng, đoạn hắn nói tiếp:

- Thôi khỏi, thấy rồi.

Đoán là lại có người đến kiếm Đỗ Quyên nên tôi vẫn chăm chú vào cuốn sách đang đọc, đó là một cuốn sách mà anh lớn đã gửi anh hai mang về cho tôi. Nhưng sau đó, hắn đã tiến đến trước bàn của tôi. Cảm nhận ánh sáng xung quanh mình có phần bị che khuất, tôi ngước lên nhìn. Thì ra là hắn, Hữu Phong. Tôi ngạc nhiên nhìn hắn, chưa kịp thắc mắc thì hắn đã lên tiếng trước:

- Này, chỉ tui cái này xíu.

Không biết tại sao gần đây tôi nhận ra hắn nhiều lần thay đổi cách xưng hô với tôi. Lúc trước, hắn hay xưng tên, nghe có vẻ khách sáo và lịch sự. Nhưng gần đây hắn thường hay bắt chước tôi xưng bằng “tui”. Tôi lạnh lùng đáp lời:

- Hỏi Đỗ Quyên đi, tui đang bận.

Hắn nhanh nhảu chìa cuốn tập Vật lý ra và nói:

- Môn Lý mà, Quyên đâu giỏi bằng Bằng Lăng!

Trông thấy cái mặt đầy thành khẩn của hắn nhìn tôi, bỗng cảm thấy mềm lòng, tôi nói:

- Năm phút.

Không đợi tôi mời ngồi, hắn vui vẻ, tự nhiên tiến sát đến an vị kế bên tôi rồi đặt cuốn tập trước mặt tôi, còn lật ngay trang bài giải mà hắn đang bí, lẹ làng nịn nọt nói:

- Ừ, dư sức!

- Hổng hiểu chỗ nào? – Tôi nhìn vào bài giải của hắn, nghiêm túc hỏi.

- Hiểu, mà giải không ra. – Hắn thành thật đáp.

- Để tui coi. – Tôi nhiệt tình đọc kỹ đề và từng dòng lời giải của hắn.

Hắn ngồi hơi nghiêng mặt nhìn về phía tôi. Phong thái rất tự tại không có vẻ gì là lo lắng hay phân vân cho bài giải của mình. Hắn bắt đầu đếm. Tôi nhìn hắn có vẻ khó hiểu. Hắn nhe răng cười tự tin, không che giấu sự thách thức:

- Thử coi có thiệt năm phút hay không đó mà!

Tôi lườm hắn một cái rồi tập trung vào bài tập hắn giải. Nhịp đếm của hắn cứ đều đều:

- …, năm mươi sáu, năm mươi bảy, năm mươi tám,…

- Stop. Sai ở đây, ở đây, rồi ở đây nữa. - Tôi vừa nói vừa lấy viết khoanh tròn chỗ sai của hắn, rồi nói tiếp:

- Vậy mà nói hiểu?

Hắn vội thanh minh:

- Thì hiểu, mà có điều hiểu chưa tới. Hì hì. Cám ơn Bằng Lăng nghen. À, không thắc mắc sao tui được học lớp Mười-trên-Hai hả?

- Không quan tâm! – Tôi thản nhiên trả lời.

Dù trước sự bàng quan của tôi, nhưng hắn vẫn nhiệt tình tự giải thích cho tôi nghe:

- Ồ,… làm tui buồn à nghen. Thiệt ra là tui… sợ Bằng Lăng ghét tui rồi cố tình chọn trường bình thường để né tui thì… uổng lắm. Với sức của Bằng Lăng phải học trường điểm, nhận được chất lượng giáo dục cao thì mới xứng để phát triển khả năng.

- Ừm! – Tôi lười trả lời, chỉ nhẹ nhàng thả một giọng ừ phát ra từ cổ họng.

- “Ừm!” là sao? – Hắn như bị khiêu khích vì tức, lớn tiếng hỏi lại.

Canh đồng hồ cũng đã khoảng chừng năm phút trôi qua tính từ lúc hắn bắt đầu đếm con số đầu tiên, tôi ngắt ngang:

- Hết giờ. Tránh ra cho tui đọc sách!

Cứ như vậy, mỗi lần hắn đến hỏi bài tôi, lúc nào cũng là hắn ồn ào, tôi thì cộc lốc, chưa quá năm phút là hắn tiu nghỉu về lớp vì bị đuổi.

Sau kết quả học kỳ một, cô chủ nhiệm bắt đầu xếp lại chỗ ngồi. Lớp của tôi có khoảng nửa lớp là có kết quả học tập không đều. Do nhiều bạn đã được định hướng từ nhỏ nên chỉ tập trung vào việc học môn chính. Các môn phụ thì chỉ học cho qua môn. Mặc dù tôi không còn là người giỏi nhất lớp vì hiện tại lớp tôi có khá nhiều người ưu tú và toàn diện hơn tôi nhưng học lực của tôi vẫn thuộc tốp học sinh giỏi và học khá đều các môn. Chỉ duy nhất môn Toán Hình học là điểm của tôi tệ nhất. Mặc dù trong đề thi học kỳ, môn Toán đã được tích hợp cả phần Đại số và Hình học vào chung, nhưng do tôi làm không tốt phần Hình học nên điểm thi môn Toán của tôi chỉ vừa đạt 8.0 điểm. Thế nên tôi được xếp ngồi cạnh một bạn tên Hoàng Lâm. Cậu bạn này là một tay cừ khôi trong đợt thi cuối học kỳ một vừa rồi, với điểm mười tròn trĩnh cho môn Toán. Mọi người thường đồn với nhau rằng cậu ấy hưởng GEN trội từ cha. Vì cha của cậu ấy là giáo viên dạy Toán, thầy đang chủ nhiệm lớp của Hữu Phong. Nhưng cậu ta cũng không khá hơn tôi là mấy, điểm yếu của cậu ấy lại là môn Vật Lý.

Chính vì vậy, sau khi cân nhắc, cô chủ nhiệm đã dời cậu ấy lên ngồi cạnh tôi để cả hai có thể dùng thế mạnh của mình mà kèm thêm cho đối phương. Do trong tuần, chúng tôi có hai buổi học Hình học và hai buổi học Vật lý. Thế nên, cả hai thống nhất mỗi tuần chúng tôi cũng có hai buổi ra chơi để ôn bài Hình học cho tôi và hai buổi giải lao để ôn Vật lý cho Hoàng Lâm. Các giờ chơi còn lại thì chúng tôi được hoạt động tự do, có thể dành thời gian tự ôn bài hoặc giúp các bạn khác ôn bài.

Từ khi Hoàng Lâm dời lên ngồi cạnh tôi, các giờ chơi nếu không có việc gì thì tôi sẽ lấy sách ra ghế đá ở góc sân để đọc bài thay vì ngồi tại lớp như trước đây. Lý do là vì tôi biết Đỗ Quyên là bạn học nhiều năm của Hoàng Lâm. Họ học chung cùng nhau từ hồi cấp hai và Đỗ Quyên cũng rất thích Hoàng Lâm. Mà tính tôi thì không muốn xen vào những rắc rối đó, để tránh hiểu lầm và làm người khác không vui, tôi đã tự tìm cách xa lánh họ.

Một hôm, cũng như mọi ngày, tôi mang sách ra ngồi đọc ở ghế đá vào giờ chơi. Từ đằng xa, đã nghe tiếng Hữu Phong vừa mừng rỡ vừa hối hả nói:

- Thì ra là lại trốn ra đây ngồi à? Làm tui kiếm nãy giờ.

Tôi không trả lời, ngước về phía hắn, hỏi lại:

- Kiếm tui làm chi?

Hữu Phong lắc léo hỏi lại:

- Bộ không có việc gì thì không được kiếm à?

Tôi cũng chẳng vừa, cộc lốc đáp:

- Tui đâu có rảnh.

Hữu Phong xuống nước, nài nỉ:

- Thật ra là lớp tui định thành lập Câu lạc bộ Tự học. Bọn tui sẽ vào lớp tự học vào sáng chủ nhật hàng tuần. Mà Bằng Lăng biết đó, lớp tui chỉ có mình Thảo Uyên là giỏi. Lớp tui định rủ Bằng Lăng tham gia cùng.

Tôi nghe đến đấy, một đoạn ký ức dài của thời thơ ấu như hiện ra trước mắt. Những tháng năm học cùng lớp với Thảo Uyên, tôi đã luôn bị bắt chẹt đủ điều, tôi làm gì cũng không làm bạn ấy hài lòng. Nghĩ bản thân mình còn bị ám ảnh bởi cái bóng đen quá lớn với cái tên “Thảo Uyên”, tôi định từ chối. Nhưng vừa mở miệng chưa kịp nói, cũng chưa sắp xếp kỹ những gì sẽ nói nên có chút ấp úng, biểu cảm trên gương mặt cũng đã mất đi vài phần linh hoạt thì Hữu Phong đã chặn lại:

- Còn sợ à?

Tôi ngạc nhiên vì không nghĩ Hữu Phong còn nhớ. Trong ký ức của tôi, Hữu Phong chơi thân với Thảo Uyên từ nhỏ. Mặc dù, nhiều lúc Thảo Uyên tỏ thái độ gay gắt với tôi, Hữu Phong có lên tiếng can ngăn. Nhưng cách Hữu Phong ngăn cản mâu thuẫn giữa chúng tôi, khiến tôi cảm nhận được rằng bạn ấy xem trọng Thảo Uyên hơn. Những lần cô ấy bắt nạt tôi, Hữu Phong thường kéo Thảo Uyên đi chỗ khác để chơi cùng nhau. Lâu dần, tôi chỉ nghĩ đơn giản là Hữu Phong không muốn chúng tôi xảy ra cãi vả mà thôi. Tôi không nghĩ rằng bạn ấy biết, tôi có nỗi sợ ở trong lòng như thế.

Bây giờ khi nghe bạn ấy hỏi thế, nhất thời tôi có chút xúc động, cũng không biết phản ứng như thế nào. Thừa nhận hay chối bỏ… Thừa nhận, sẽ đồng nghĩa với việc tôi cũng thừa nhận Hữu Phong hiểu tôi nhiều hơn tôi nghĩ. Mà tôi thì không muốn để người khác nắm được yếu điểm của mình. Còn nếu chối bỏ cảm giác ấy, cũng chính là không thành thật với bản thân mình, nỗi ám ảnh đó đã theo tôi nhiều năm, chỉ mới nguôi ngoai gần đây khi tôi và Thảo Uyên được tách ra học riêng vài năm. Một nỗi sợ mà tôi không muốn đối diện thêm lần nữa. Một cảm giác uất nghẹn, khiến cho tuổi thơ tôi trở thành một đứa trẻ thụ động và nhút nhát, không dám có lấy cho mình một người bạn thân. Nếu không có anh hai và anh lớn bên cạnh tôi những năm qua, an ủi và âm thầm bảo vệ, tôi nghĩ mình ắc hẳn là đã rơi vào trầm cảm mất rồi.

Tôi không thể thốt nên lời, cảm giác mũi mình hơi cay nồng, là biểu hiện sắp khóc, tôi lúng túng đứng dậy toan rời đi. Vừa xoay người định chạy nhanh về lớp để né tránh câu trả lời cho Hữu Phong, tôi đã giật mình ngừng lại vì chạm mặt với Hoàng Lâm đang tiến đến. Tôi vội tránh ánh mắt dò xét của Hoàng Lâm, vừa lách qua một bên vừa lấy tay dụi mũi để ngăn cảm xúc đang lớn dần lên rồi chạy thẳng về lớp. Hoàng Lâm đứng sững người vài giây rồi cũng trở về lớp.

Sau khi ngồi vào bàn, Hoàng Lâm không nói gì, chỉ thi thoảng len lén nhìn sang xem tôi đã ổn định cảm xúc chưa. Tôi cũng lẳng lặng tập trung vào bài học, không dám ngẩng lên thường, vì sợ ai đó bắt gặp biểu cảm bất thường trên gương mặt của mình.

Hôm ấy, tôi thu dọn tập vở chậm chạp nên ra về trễ hơn mọi người. Hoàng Lâm cũng cố tình ra cùng lúc với tôi. Khi chúng tôi bước ra khỏi lớp thì sân trường đã vắng vẻ đi nhiều, Hoàng Lâm nói:

- Ngày mai, Bằng Lăng ở lại trong lớp vào giờ chơi đi. Đừng ra ngồi ghế đá nữa.

Tôi không hiểu dụng ý của Hoàng Lâm là gì, nhưng bản thân cũng tự nghĩ sẽ ít ra chỗ đó ngồi nữa vì khu vực đó đã bị Hữu Phong phát hiện rồi. Tôi không muốn tạo cơ hội cho cậu bạn này gặp riêng tôi và bàn về chuyện tham gia câu lạc bộ cùng với lớp của cậu ta nữa. Thế nên, tôi gật đầu đồng ý. Hoàng Lâm lại thắc mắc:

- Mà sao dạo này cứ hay thích ra ngồi ghế đá vào giờ chơi thế? Bộ không thích ngồi gần Lâm à?

Tôi vẫn chậm rãi bước đi bên cạnh Hoàng Lâm trong sân trường đầy nắng, mắt vẫn nghiêm túc nhìn đường, đáp:

- Tại đi ra cho trống chỗ.

Hoàng Lâm ngạc nhiên chưa hiểu ý tôi nên hỏi lại:

- Trống chỗ để làm gì?

Chuyện tâm tư của con gái, chắc là Hoàng Lâm không nhận ra gần đây Đỗ Quyên không còn thân thiện với tôi như ngày đầu nhập học nữa. Bản thân tôi rất ghét chuyện mình vô tình rơi vào tình cảm giữa những cặp đôi. Hữu Phong và Thảo Uyên cũng vậy, Đỗ Quyên và Hoàng Lâm cũng vậy. Nhưng không biết vì sao cứ gặp những chuyện tương tự như thế hoài. Hoàng Lâm có vẻ đợi câu trả lời của tôi hơi lâu nên hỏi lại:

- Hử?

Bất đắc dĩ tôi đành nói:

- Để cho mấy bạn đến hỏi bài còn có chỗ ngồi.

Hoàng Lâm chắc là chưa quen với cách sống nhún nhường của tôi nên có vẻ hơi bực bội bảo:

- Chả lẽ, vào quán ăn, Bằng Lăng đến trước cũng thấy có lỗi vì chiếm chỗ ngồi của khách đến sau à? Chả lẽ, nhà Bằng Lăng đang ở, người ta tới mượn cũng cho ở nhờ luôn à? Chả lẽ,…

Tôi ngây ngô chưa hiểu lý do vì sao cậu bạn chung bàn lại bực tức, nhưng cũng thật thà đáp:

- Thì nếu quán đông, không đủ chỗ ngồi, Bằng Lăng có thể cho người ta ngồi ghép. Nếu không còn chỗ ghép thì Bằng Lăng sẽ ăn nhanh để trả chỗ. Nếu nhà Bằng Lăng rộng rãi, người ta khó khăn đến xin ở nhờ thì Bằng Lăng cũng có thể cho người ta ở nhờ qua cơn khốn khó. Mà quan trọng là cha mẹ và anh hai có cho không nữa. Cả nhà phải thống nhất thì mới được.

Cậu bạn Hoàng Lâm sau khi nghe câu trả lời của tôi, từ trạng thái bực bội chuyển sang thái độ ngạc nhiên tột cùng, ánh mắt dường như mở to thêm mấy phần đứng lại nhìn tôi chăm chăm. Tôi vì không chú ý nên bước thêm hai bước nữa mới phát hiện ra cậu ta đang tụt lại phía sau. Tôi quay lại nhìn thì mới thấy bộ dạng đứng yên như trời trồng của cậu ta, ánh mắt nhìn tôi bất lực. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Sao thế? Không về à?

Hoàng Lâm thu lại ánh nhìn, tiến lên bên cạnh tôi, rồi nói:

- Bằng Lăng cứ nhún nhường như thế thì những năm qua sống có vui không?

Tôi cũng chưa từng tự hỏi bản thân mình có vui không. Tôi tự biết bản thân mình ngốc nghếch, khờ khạo, không giỏi trong cách đối nhân xử thế. Từ nhỏ chỉ quen sống trong môi trường an toàn, trong sự chở che của gia đình và cả anh lớn nữa. Tôi không dám kết thân với ai và hầu như cũng không có bạn thân thiết. Người bạn cùng lớp mà tôi nói chuyện nhiều nhất có lẽ chỉ có mỗi mình Hữu Phong. Nói là nhiều, nhưng thật ra là tôi luôn kiệm lời với cậu ta, chỉ là cậu ta cũng không ít lần bắt chuyện, còn tôi thì không lạnh lùng đến mức làm ngơ với cậu ta mà thôi. Mà cũng có lẽ ngoài cha mẹ, anh hai và anh lớn thì cậu ấy chính là người bạn duy nhất kiên nhẫn đến nói chuyện cùng tôi. Chính vì vậy, dần dần tôi cũng không đến nỗi xa cách với cậu ấy.

Thấy tôi không trả lời, Hoàng Lâm cũng tự hiểu vấn đề tôi bị cô lập nơi trường học đã dần khắc sâu vào tâm trí khiến tôi hình thành một tính cách lạnh lùng để tự vệ. Hoàng Lâm bảo:

- Không vui cũng không sao. Nhưng quan trọng là đừng làm mình tổn thương. Cuộc sống này phải có cho và có nhận. Đó là quy luật.

Nghĩ một lúc, Hoàng Lâm nói tiếp:

- Bằng Lăng không cần áy náy. Chỗ của mình thì mình ngồi. Ai nói gì cũng không cần quan tâm. Nếu họ không hài lòng, có thể nêu lý do thuyết phục với cô để xin được đổi chỗ. Còn nếu không có lý do chính đáng thì phải chấp hành. Huống chi, rõ ràng hôm cô đổi chỗ cho chúng ta ngồi chung, cô đều hỏi ý kiến cả hai có vấn đề gì không khi được xếp ngồi chung kia mà. Không thích ngồi chung sao hôm đó không nói với cô?

Nghĩ đến tấm lòng lo cho tình hình học tập của lớp mà cô đã phải cân nhắc nhiều thứ, tôi cũng không nghĩ rằng mình thích hay không thích ngồi gần ai. Với tôi, việc ngồi cùng bàn với ai cũng vậy. Huống chi, ngồi gần Hoàng Lâm là một lựa chọn tốt cho cả tôi và Lâm thì không lý do gì mà tôi phản đối. Chỉ là, những rắc rối bên lề khiến tôi dè chừng và cố gắng không để ai phải khó xử mà thôi. Nghĩ đến đấy, tôi lắc đầu trả lời:

- Không phải vấn đề ở chỗ thích hay không thích. Mà là không muốn sinh thêm chuyện.

Hoàng Lâm lại hỏi:

- Thế hôm nay đi ra ngoài rồi mà vẫn sinh thêm chuyện đấy thôi.

Tôi lấy chút tự tin còn sót lại sau khi nghe Lâm giáo huấn từ nãy đến giờ, đáp:

- Đó là do biến cố ngẫu nhiên không lường trước được xác suất xảy ra thôi.

Hoàng Lâm như được chọc đúng sở trường, bèn nói:

- Theo Lâm thấy sự xuất hiện của cậu bạn đó là xác suất có điều kiện và chắc chắn xảy ra. Chỉ có Bằng Lăng là không lường trước được thôi. Cậu ta không chỉ đến tìm Bằng Lăng một vài lần. Lần nào cũng viện lý do nhờ coi bài tập giúp. Nhưng rõ ràng lớp cậu ta cũng có người giỏi kia mà. Sao cứ phải sang tìm Bằng Lăng hoài. Rõ ràng là có ý đồ.

Tôi nghe và nghĩ, cũng đúng, vì lớp tôi có hoa khôi đẹp nhất nhì trường, thu hút bạn bè các lớp khác kiếm cớ sang hỏi bài để được lén nhìn cũng là chuyện hiển nhiên. Hữu Phong có thích Đỗ Quyên như các bạn nam khác hay không thì tôi không rõ. Nhưng nghĩ đến việc nếu như có, tức là Hoàng Lâm có thêm một đối thủ. Mặc dù Hữu Phong là bạn lâu năm của tôi, nhưng tôi cũng không thể vì tạo cơ hội cho cậu ấy mà đi ngược lại với nguyên tắc của mình được. Tôi hoàn toàn không ủng hộ cậu ấy chen chân vào tình cảm thân thiết giữa Hoàng Lâm và Đỗ Quyên. Nghĩ thế, tôi chân thành nói:

- Cũng đúng. Mặc dù Bằng Lăng không ủng hộ cậu ấy nhưng cũng không có quyền cấm cản. Nhưng mà Lâm yên tâm đi, khi cậu ấy tới, Bằng Lăng sẽ để ý. Sẽ không để cậu ấy chen vào gây rắc rối thêm cho Lâm đâu.

Lâm có vẻ ngạc nhiên khi nghe tôi nói, tốc độ bước đi của bạn ấy cũng chậm hơn một chút. Có lẽ bạn ấy không ngờ tôi lại nhiệt tình như vậy. Hoặc là vì Lâm ngại khi tôi có ý nhắc đến chuyện không để Hữu Phong chen vào, và vì Lâm và Đỗ Quyên cũng không công khai đang hẹn hò nên tôi cũng không tiện nói thẳng rằng tôi đã nhận ra mối quan hệ của hai người.

Hôm sau, Hữu Phong cũng cố gắng tìm cách đến gặp và thuyết phục tôi lần nữa. Nhưng may mắn cho tôi là lúc ấy, Hoàng Lâm đều có bài cần trao đổi với tôi. Hôm sau nữa, cũng lại là giờ chơi, đó là buổi tự do nên Hoàng Lâm và tôi cũng không cần trao đổi về bài tập. Thế nhưng Hoàng Lâm lại gọi một bạn đến ngồi cùng và hỏi bài tôi, còn cậu ấy thì đi ra ngoài. Vài giây sau, tôi lại thấy bóng dáng Hữu Phong lảng vảng bên ngoài cửa lớp nhưng cậu ấy thấy tôi bận nên cũng không vào.

Hai hôm sau, thật không may, tôi bị hư xe trên đường đi học. Dắt được một quãng khá xa rồi mà chưa đến chỗ sửa. Từ phía sau, Thảo Uyên đạp xe ngang qua tôi. Được cách tôi vài chục mét thì bạn ấy dừng xe lại đợi. Tôi thì cứ nghĩ bạn ấy dừng lại có việc nên khi tôi đi ngang qua chỗ bạn ấy lần nữa thì Thảo Uyên lên tiếng trước:

- Lên xe tôi chở.

Tôi lấy làm ngạc nhiên nhưng rồi không còn cách nào khác cũng đành ngồi lên chiếc yên sau để quá giang bạn ấy một đoạn. Một tay tôi vẫn vịnh theo chiếc xe đạp cà tàng của mình để tìm chỗ sửa. Đi được khoảng mười phút thì chúng tôi dừng lại trước một cửa tiệm sửa xe. Do lịch học của khối Mười vào buổi sáng nên khi chúng tôi đến nơi thì tiệm còn chưa mở cửa. Tôi đành bạo gan đến gõ cửa. Mãi một lúc sau chú thợ sửa xe mới ra mở cửa tiệm. Nhưng vì còn sớm nên chú bảo xe tôi bị lủng bánh, phải chờ máy ép khởi động cho nóng lên rồi mới vá ruột xe được. Nhìn đồng hồ thấy cũng không còn sớm, nếu tôi còn ở lại đợi thì e là sẽ trễ giờ vào học. Thế nên tôi quyết định gửi xe lại cho chú sửa, đợi trưa đi học về rồi ghé lấy sau. Thảo Uyên lại tiếp tục cho tôi quá giang đến trường.

Trên đường, hai chúng tôi đứa trước đứa sau, ai cũng kiệm lời. Có lẽ, lâu, rất lâu rồi tôi và Thảo Uyên mới ở cự ly gần với nhau thế này. Từ lúc tôi biết bạn không thích mình, tôi đã rất giữ khoảng cách với bạn ấy, hạn chế tối đa tham gia những việc có liên quan đến bạn ấy. Mà có lẽ, hai chúng tôi, không ai bảo ai, chỉ tự hiểu và mặc định như thế. Hồi học chung, nếu tôi ngồi đầu dãy thì bạn ấy sẽ ngồi cách tôi ít nhất là ba bàn. Khi đi sinh hoạt đội, dù cùng là thành viên của đội trống nhưng vị trí của hai chúng tôi là đứa đứng bìa trái và đứa đứng bìa phải. Hễ bạn ấy thi học sinh giỏi Toán thì tôi sẽ thi học sinh giỏi Lý. Cứ như vậy, cả hai chúng tôi cố gắng không chạm mặt nhau nhất có thể.

Không biết trong đầu Thảo Uyên nghĩ gì trên suốt đoạn đường đi. Còn tôi, ngoài sự khó hiểu thì vẫn có sự cảm kích vì bạn ấy dù ghét mình nhưng vẫn sẵn lòng giúp đỡ. Thảo Uyên từng là nỗi ám ảnh học đường của tôi. Cách đây mấy ngày, tôi còn từ chối lời đề nghị tham gia Câu lạc bộ Tự học của Hữu Phong chỉ vì tôi biết Thảo Uyên cũng tham gia. Thế mà hôm nay, tôi lại bất đắc dĩ ngồi chung xe với cô bạn này. Đã vậy, còn là bạn ấy chở tôi. Nhìn tấm lưng gầy gò đã lấm tấm ướt mồ hôi thấm qua lớp vải áo dài và chiếc eo nhỏ xíu của bạn ấy lắc qua lắc lại đều đều vì dùng sức. Dù tôi cũng thuộc dạng nhỏ nhắn, nhưng bạn ấy cũng đâu có khá hơn tôi là mấy.

Thấy vậy, tôi bảo:

- Nhích chân xích vô, tôi đạp phụ cho. – Tôi thường xưng “tôi” với những người không thân, thay vì xưng “tui” hoặc xưng tên với những người mà tôi cảm thấy họ gần gũi và dễ nói chuyện hơn.

Thảo Uyên cũng không nói gì, bạn ấy nhấn mạnh chân đạp thêm vài cái cho xe có trớn rồi dừng bàn đạp lại cho tôi đặt chân lên. Tôi nhích người sát lên phía trước thêm một xíu để cố rướn chân đặt lên bàn đạp. Cứ thế, với sức của hai đứa con gái, hai cặp chân ngắn, gầy gò nhưng dẻo dai. Chúng tôi cũng đã thành công đèo nhau tới trường đúng giờ.

Bước xuống nhà xe, tôi đứng chờ Thảo Uyên dắt xe vào dựng sát những chiếc xe đã đậu sẵn rồi chúng tôi cùng đi về lớp. Lớp của tôi và Thảo Uyên cùng dãy, lại sát vách nhau. Trước khi rẽ vào lớp mình, tôi quay lại và lúc này mới mở miệng nói lời cảm ơn với Thảo Uyên:

- Cảm ơn bạn này đã cho tôi đi nhờ nha.

Thảo Uyên không khách sáo, bảo:

- Ừ. Trưa tan học nhớ chờ tôi. Tôi cho quá giang về lấy xe.

Tôi lại bất ngờ thêm lần nữa, bất giác vô thức “Ờ” một tiếng. Thường ngày, tôi cũng ít khi phải để bản thân mình mắc nợ người khác. Lại càng không để mắc nợ người ta nhiều lần. Nếu là tôi thường ngày sẽ nói ngay “Không cần đâu, tôi tự về được” chẳng hạn. Nhưng lần này có vẻ như thần trí tôi có chút mông lung nên mới buộc miệng trả lời như thế.

Dù lúc chào tạm biệt, tôi có buộc miệng nhận lời sẽ quá giang xe Thảo Uyên về. Nhưng trong đầu tôi vẫn nghĩ tốt nhất là không làm phiền người khác. Tôi định tranh thủ khi tan lớp, dọn tập nhanh rồi tranh thủ cuốc bộ về tiệm sửa xe. Tôi độ chừng cũng chỉ tầm ba-bốn cây số, đi bộ đối với tôi không thành vấn đề.

Thế là như dự định, tôi cứ thế âm thầm thực hiện. Nhưng khi ra khỏi cổng trường được tầm một cây số thì Thảo Uyên đã đuổi kịp tôi. Bạn ấy dừng xe lại hỏi:

- Sao bảo chờ mà lại không chờ? May mà tôi cũng đoán được nên quay ngược vô lớp tìm. Chứ nếu không là đứng ở nhà xe chờ mỏi giò luôn rồi.

Tôi áy náy đứng nép vào lề cỏ để nhường Thảo Uyên nhích xe vào sát mép đường cho an toàn khi dừng xe nói chuyện cùng tôi. Tôi bảo:

- Tại thấy cũng gần. – Tôi vẫn thường nói năng cụt ngủn, không dùng chủ ngữ nếu không xưng “tôi” với người không thân thiết với mình.

Thảo Uyên từ trên yên xe tuột xuống ngồi ở yên sau rồi nói:

- Nếu ngại thì lên chở tôi.

Thấy vậy, tôi cũng không từ chối, lẹ làng vắt vạt áo dài vào lưng quần để không vướng căm xe rồi tiến sát lại cầm tay lái. Thảo Uyên nói:

- Đưa cặp đây, tôi ôm cho.

Tôi đưa chiếc cặp của mình nhờ Thảo Uyên giữ hộ. Còn chiếc cặp của Thảo Uyên thì vẫn nằm yên trong rổ xe. Sau khi leo lên ngồi vào yên xe, tôi đưa chân trái lên chỉnh cho bàn đạp xoay đúng vị trí dễ khởi động nhất, sau đó nói:

- Ngồi chắc nghen. Tôi thuận chân trái, mới lên đạp mấy vòng đầu sẽ hơi đảo.

Khi xe đã bắt đầu chạy mượt mà hơn, tôi cũng đã quen với cảm giác của cổ xe. Thảo Uyên nói:

- Xe tôi, thắng sau bên tay trái.

- À, ờ… - Tôi ú ớ không nói nên lời.

Tôi lại bất ngờ lần nữa vì không ngờ mình lại có điểm chung với Thảo Uyên. Xe của tôi cũng vậy. Thường thì xe đạp khi mua về mặc nhiên tay phanh bên phải mới là phanh sau. Nhưng vì tay phải của tôi bị thương từ hồi còn nhỏ, không đủ lực nên cha của tôi đã chuyển phanh sau sang tay trái để tôi dễ xử lý tình huống bất ngờ khi tham gia giao thông. Bởi vì thường thì phanh sau sẽ được dùng nhiều hơn, chỉ khi gặp tình huống khẩn cấp, tôi mới phanh cả hai tay mà thôi. Phanh trước rất dễ làm xe dừng đột ngột, dễ té, nên tôi ít khi dùng.

Thấy tôi im lặng lái xe, Thảo Uyên hỏi:

- Lái quen không?

- Cũng quen. Xe của tôi cũng phanh tay trái. – Tôi cũng cởi mở hơn mà trả lời.

- Bằng Lăng cũng thuận tay trái à? – Thảo Uyên lại hỏi.

- Không phải. Tại tay phải bị thương hồi nhỏ, nên yếu lắm. Chỉ viết chữ với cầm muỗng, cầm đũa thôi. – Tôi cũng nhiệt tình trả lời.

- Vậy à? Có phải cái hồi lớp một, chuyển vào lớp tôi trễ hơn cả tháng so với mấy đứa kia không? – Thảo Uyên nhớ lại ký ức hồi nhỏ nên hỏi.

Tôi gật đầu, bảo:

- Ừ.

Chúng tôi lại cứ như thế tiếp tục im lặng cho đến khi tới tiệm tôi đã gửi sửa xe lúc sáng. Khi tôi trả tiền, trong lúc chờ chú chủ tiệm đưa lại tiền thừa, tôi nhìn ra phía ngoài đường, Thảo Uyên đã đạp xe về trước được một đoạn. Tôi khẽ mỉm cười, gật đầu tự an ủi bản thân. Cũng đúng, cư xử như thế mới đúng là Thảo Uyên mà tôi biết. Thực tế thì chúng tôi đâu có thân nhau. Đâu thể nào như chúng bạn mà tôi thường thấy, họ chờ nhau đi học, chờ nhau về cùng, trò chuyện vui vẻ trên đường để giết thời gian. Tôi và Thảo Uyên, nếu chỉ hòa bình chào hỏi nhau vài câu cũng đã là chuyện lạ. Chúng tôi cứ như hai đường thẳng song song không bao giờ giao nhau là tốt nhất, mỗi người cứ vẫy vùng và yên ổn sống trong cuộc sống của chính mình là được. Chứ như sáng giờ, tôi cứ thấy không quen.

Mỉm cười nhìn bầu trời xanh trong đầy nắng, gió thổi mang theo sự hanh nóng từ mặt đường nhựa hắt lên, tôi dùng thêm lực ấn vào đôi chân để đạp xe nhanh hơn. Không phải để cố tránh cái nắng nóng của những ngày tháng ba đã bắt đầu oi ả. Mà là tôi nhận ra có chút niềm vui trong lòng. Một sự sảng khoái từ một tình bạn mà có lẽ chỉ mình tôi cảm nhận được. Thảo Uyên, bạn ấy không phải đanh đá hay tính tình khắc nghiệt như tôi từng né tránh những năm qua.

Có lẽ, lớn lên, ai rồi cũng sẽ khác. Khi trưởng thành, con người ta sẽ cư xử khác đi, suy nghĩ cũng khác đi. Hóa ra, bây giờ tiếp xúc với bạn ấy, tôi lại nhận ra, bạn ấy không đáng sợ như mình nghĩ nữa.

Thứ bảy, anh hai của tôi - đang học đại học ngành kiến trúc - về nhà chơi. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi quyết định trả ơn cho Thảo Uyên bằng cách thử tham gia câu lạc bộ của lớp bạn ấy vài buổi để giúp lớp bạn ấy ôn tập kiến thức. Vì nghe Hữu Phong nói, một mình Thảo Uyên không đảm đương nổi. Nhưng xưa nay ngoài giờ đi học, tôi chưa từng xin cha mẹ cho đi tự học như vậy nên cha mẹ tôi có vẻ lo lắng. Thấy vậy anh hai tôi nói:

- Thôi, để sáng mai Hai đưa Út đi.

Tôi mừng quýnh nhìn sang cha mẹ với ánh mắt mong chờ sự đổi ý từ cha mẹ. Quả nhiên, anh hai chính là thần hộ mệnh của tôi. Vừa nghe anh hai nói thế, cha mẹ của tôi đã đồng ý ngay.

Vậy là sáng hôm sau, anh hai lấy xe chở tôi đến trường.

Vừa thấy tôi bất ngờ xuất hiện trước cửa lớp, Thảo Uyên và Hữu Phong vô cùng ngạc nhiên. Nhưng rồi cả hai cũng niềm nở đón tôi vào lớp của họ. Anh hai nhận nhiệm vụ đưa tôi đi nên cũng vào lớp ngồi chờ tôi cùng về. Anh hai tôi cũng là một học sinh ưu tú nhiều năm. Lâu lâu, khi thấy có nhiều người hỏi bài tôi và Thảo Uyên, anh hai cũng bảo họ qua anh hai chỉ giúp.

Cứ như vậy, đều đều mỗi tuần, tôi dành thời gian một buổi sáng chủ nhật để sang câu lạc bộ của lớp bạn ôn tập cùng với mọi người. Đi theo tôi, nếu không có anh hai thì cũng là anh lớn. Một số đứa bạn cũng nhờ thế mà tôi bắt đầu biết tên, nói chuyện và cởi mở hơn. Một số đứa thì không che giấu sự ngưỡng mộ và chủ động kết thân với tôi. Chúng nó thường bảo, tôi thật có diễm phúc vì vừa học giỏi lại được hai anh cưng chiều, lần nào đi tự học cũng có anh đưa đón. Chẳng những thế, hai anh của tôi lại còn vừa đẹp vừa giỏi, khiến chúng bạn của tôi cũng có không ít đứa xao xuyến, mơ tưởng có ngày trở thành chị dâu của tôi nữa cơ. Thế nhưng, đối với hai anh mà nói, đám bạn trong lớp bên cũng giống như tôi, chỉ là những đứa em mà thôi.

Tôi tham gia Câu lạc bộ Tự học được khoảng tầm hai tháng thì cũng đến thời gian kiểm tra giữa kỳ hai. Kết quả môn Toán Hình học của tôi chưa mấy cải thiện nên Hoàng Lâm có vẻ không vui. Bạn ấy bảo:

- Thân mình lo chưa xong, ở đó mà đi lo chuyện bao đồng.

Tôi buồn thiu vì thực lòng hơn ai hết, bản thân tôi càng muốn mình khá lên. Nhưng vấn đề không phải ở việc tôi không cố gắng. Mà nó thuộc về vấn đề năng khiếu. Tôi không có khả năng tưởng tượng khi nhìn vào các hình vẽ ở dạng hình học. Tôi không tưởng tượng ra các vec-tơ đó sẽ thật sự đi về đâu, gặp nhau trong mặt phẳng tọa độ sẽ như thế nào. Tôi học như một cái máy, các bài tập giải rồi thì biết, nhưng đổi sang bài mới là tôi lại đần ra. Có lẽ Hoàng Lâm cũng đã vận dụng hết kỹ năng sẵn có lẫn học hỏi từ người thầy giỏi Toán nhất trường là cha của mình để mà cố khai thông kiến thức hình học cho tôi rồi ấy chứ.

Cuối cùng, nhìn thấy tôi rầu rỉ rưng rưng úp mặt xuống bàn, Hoàng Lâm kết luận:

- Kể từ hôm nay, hủy hết các buổi ra chơi tự do của Bằng Lăng. Chuyển thành ôn tập Hình học. Ngày nào không có tiết Hình học, cũng phải mang tập sách theo.

Tôi bất lực, gật đầu liên tục để báo hiệu mình đồng ý với phương án bạn ấy đưa ra, dù vẫn không dám ngẩng đầu lên nhìn Hoàng Lâm mà trả lời.

Giờ ra chơi, nhân lúc Hoàng Lâm đi căn tin mua nước sau khi giao cho tôi bài tập tự ôn, Đỗ Quyên trước đây rất điềm đạm không còn tỏ vẻ khó chịu sau vài tuần đầu chấp nhận việc tôi phải ngồi cạnh Hoàng Lâm là chuyện không thể thay đổi được nữa, thì hôm nay lại cố tình móc méo. Bạn ấy ngồi nói chuyện với bạn cùng bàn nhưng lại nhìn về phía tôi, cố tình nói lớn cho tôi nghe. Đỗ Quyên, một người giỏi văn, ngôn từ sắc bén, điệu bộ không một chút nhún nhường, nói:

- Bồ biết không, có người cố tình ra vẻ học dốt Toán để được quan tâm ấy mà. Thấy Lâm tốt tính nên cố tình tiếp cận bằng hạ sách này. Mình chưa từng thấy ai mặt dày đến thế. Ủa, nếu dở thiệt, sao còn tài lanh sang lớp người ta chỉ bài.

Biết mình chính là đối tượng bị nhắc đến trong câu chuyện tám của bàn kế bên. Nhưng tính tôi không thích đôi co sinh thêm chuyện. Lại nghĩ người ta cũng không trực tiếp nhắc đến tên mình thì tôi cũng không cớ gì mà cự cãi làm chi. Thế nên tôi vẫn tập trung vào giải bài tập của mình vì trước lúc rời khỏi chỗ ngồi, Hoàng Lâm có dặn năm phút nữa bạn ấy trở lại, tôi phải làm xong bài tập mà bạn ấy giao cho.

Minh Thùy, cô bạn đang ngồi nói chuyện cùng với Đỗ Quyên cũng tiếp lời:

- Hèn chi. Mà thôi, chắc tại cái tính người ta vậy rồi. Thích hay giành đồ của người khác ấy mà. Bồ cũng đừng giận. Người ta cố tình chen ngang cũng đâu cần tìm hiểu kỹ xem Hoàng Lâm với bồ là quan hệ gì đâu. Chỉ tiếc là sớm muộn gì cũng ê chề mà thôi. Mà nghe đâu, cái thói chen ngang này là có từ nhỏ rồi. Cái cậu bạn gì mà hay vào lớp mình kiếm người ta đó, tên Phong phải không ta? Nghe mấy đứa lớp bên kể là hồi nhỏ học chung, rồi cũng giành nhau, đấu đá với cô bạn học giỏi nhất lớp bên, khiến cho cậu bạn kia khó xử mấy năm liền. Bây giờ bị tách ra học riêng rồi mà còn lưu luyến nên cứ sang bên đó kiếm cớ học chung hoài đó. Người gì đâu mà tham lam hết chỗ nói. Đã muốn tranh giành với bên kia thì lo mà tranh đi. Còn muốn chen vào giữa Lâm và Quyên làm gì. Nhắm có tranh lại không? Đúng là không biết lượng sức. Làm cái vẻ mặt nhút nhát đó cho ai coi cũng không biết nữa. Giả tạo!

Nghe đến đấy, dù biết họ không đề cặp thẳng tên mình. Nhưng chứng cứ đã rõ, người mà họ cố tình nói đến chính là tôi. Bởi vì những cái tên được nêu lên đều liên quan đến tôi. Bỗng nhớ đến lời Hoàng Lâm từng nói với tôi, tôi không thể cứ mãi nhún nhường như thế. Dù cho tôi có nhún nhường nhiều hơn nữa, chịu thiệt thòi nhiều hơn nữa thì những người muốn làm tổn thương tôi cũng sẽ không dừng lại, họ sẽ không vì thế mà tha cho tôi. Còn tôi, cũng không thể dùng sự nhún nhường ấy để đổi lấy chút bình yên, vui vẻ được. Tôi đứng phắt dậy, nghiêm túc nhìn thẳng vào hai cô bạn đang có ác ý với mình, bảo:

- Hai bạn này có im cho người khác học bài được không hả? Không phải ai cũng giống như hai bạn, suốt ngày đi học mà chỉ nghĩ đến yêu đương. Chuyện của tui, tui không có nhiệm vụ phải giải thích với hai bạn. Nhưng hai bạn cũng không có quyền gì mà nói chuyện của tui.

Cùng lúc ấy, Hoàng Lâm từ ngoài cửa bước vào, cũng ngạc nhiên vì sự lớn tiếng của tôi. Bạn ấy chưa từng nhìn thấy tôi trong bộ dạng phản bác lại một ai đó mà lại cứng rắn như thế. Hoàng Lâm hỏi bâng quơ:

- Có chuyện gì thế?

Tôi không trả lời, bực dọc ngồi lại vị trí của mình. Tiếp tục hoàn thành nốt lời giải cuối rồi đẩy cuốn tập lệch sang chỗ của Hoàng Lâm để bạn ấy tự kiểm tra lại kết quả, còn tôi thì bỏ ra ngoài.

Tôi ra ngồi ở chiếc ghế đá quen thuộc, nhắm mắt lại ngửa mặt lên trời hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Tôi không muốn tâm trạng không tốt của mình sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu bài mới ở tiết học tiếp theo. Dưới tán cây còng to lớn, tôi vẫn cảm nhận được vài vệt nắng len qua tán cây soi thẳng vào má mình những luồng sáng loang lổ. Mở mắt ra nhìn, hoa còng trông giống như những chiếc vương miệng nhỏ bằng lông vũ nhuộm hồng trên những tán cây. Tôi sửa lại cặp kính cận hơi bị lệch, rồi thở ra một cái. Chợt mới phát hiện có người đang đứng kế bên sau khi nghe tiếng hắng giọng khá gần. Tôi nhìn sang, là Hoàng Lâm. Bạn ấy ngồi xuống cạnh tôi, chìa cuốn tập sang rồi bảo:

- Làm tốt lắm.

Tôi vui mừng nhận lấy cuốn tập của mình, nhanh chóng mở ra. Vẫn bị khoanh hai lỗi. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Ủa, vẫn còn sai hai chỗ mà tốt chỗ nào?

Hoàng Lâm nghiêm nghị trả lời:

- Lâm khen chuyện lúc nãy, Bằng Lăng làm tốt lắm. Có tiến bộ rồi.

- Tiến bộ hồi nào đâu? – Tôi cúi mặt, mắt nhìn về phía hai mũi dép đang dẫm vào nhau của mình, bối rối tự hỏi nhỏ.

Nhưng Hoàng Lâm vẫn nghe thấy, khích lệ:

- Thì biết tự bảo vệ bản thân là tốt rồi. Mai mốt không cần cãi nhau với họ làm gì. Chỉ cần không để người ta vô cớ bắt nạt mình là được rồi. Mà muốn không bị bắt nạt thì kiên cường lên, mạnh mẽ lên. Thôi, về lớp sửa bài.

Nói rồi Hoàng Lâm đứng dậy, xoay người đi vào lớp. Tôi cũng nhanh chóng đứng dậy đi theo sau. Những ngày sau đó, Minh Thùy và Đỗ Quyên cũng không bàn luận tiếp chuyện của tôi nữa. Có lẽ, họ cũng đã biết tôi hiền nhưng không dễ bị bắt nạt. Hoặc là họ không muốn mất hình tượng trước mặt Hoàng Lâm chăng.

Vài hôm sau, vào giờ luyện tập thể dục. Trường tôi chuẩn bị tham gia hội thao nên vẫn cho đội bóng chuyền nam luyện tập và tham gia thi đấu để lấy kinh nghiệm. Hữu Phong và Hoàng Lâm cũng là thành viên của đội tuyển. Giờ luyện tập của đội tuyển cũng trùng với giờ học Thể dục của lớp tôi. Thế nên thầy Thể dục cho đội tuyển thi đấu thử với các thành viên còn lại của lớp tôi. Hoàng Lâm không ra sân ngay từ đầu mà ngồi ghế dự bị bên ngoài sân. Bọn con gái chúng tôi thì cũng chỉ ngồi xem cổ vũ. Hữu Phong tỏ ra là một vận động viên khá sáng trên sân. Cậu ấy đón bóng rất chuẩn, phát bóng thì cực kỳ ngầu và luôn có những cú giao bóng gây khó khăn cho đối thủ. Mặc dù về lý chúng tôi nên cổ vũ cho đội của lớp mình, nhưng không thể ngăn được đôi lúc cổ vũ nhầm đội. Chúng tôi hào hứng đứng hết cả lên, mắt hướng theo dõi từng đường đi của quả bóng trên sân. Lát sau, Hoàng Lâm cũng từ vị trí cầu thủ dự bị của đội tuyển tiến về phía khu vực cổ động viên bọn tôi. Vì dù sao, Hoàng Lâm cũng thuộc thành viên trong lớp cơ mà. Hoàng Lâm đứng giữa tôi và Đỗ Quyên.

Vài phút sau, do Đỗ Quyên nhiệt tình cổ vũ quá mức, trong lúc nhảy lên reo hò thì bị trẹo chân. Hoàng Lâm dìu Đỗ Quyên ngồi xuống ghế rồi bạn ấy cũng ngồi xuống theo. Hoàng Lâm đang khụy xuống thử xoa bóp cổ chân cho Đỗ Quyên để kiểm tra vết thương. Do ngồi đối diện với Đỗ Quyên nên Hoàng Lâm đang xoay lưng về phía sân bóng. Chợt một cú đi bóng quá sức đã khiến quả bóng bay ra khỏi khu vực thi đấu, bay thẳng về phía cổ động viên bọn tôi.

Nhận thấy đường bay của quả bóng đang hướng về phía chúng tôi. Theo phản xạ, tôi bước nhanh sang một bên đứng chắn trước Hoàng Lâm vì bạn ấy đang xoay lưng về phía sân bóng nên hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy ra trên sân. Đỗ Quyên cũng kịp trông thấy nên la lên. Hoàng Lâm nhận thấy có điều bất thường từ phản ứng của Đỗ Quyên nên cũng đứng bật dậy. Tuy nhiên, quả bóng lại bay nhanh hơn tốc độ của Hoàng Lâm nên khi bạn ấy đứng dậy và xoay người lại thì tôi đã kịp xử lý xong tình huống nguy hiểm ấy. Lực bóng rất mạnh, tôi hầu như đã dồn hết sức vào đôi tay mình để chắn đường bay của nó. May mắn là tôi đã đỡ đúng đường bay của quả bóng, quả bóng va chạm vào tay của tôi và dội ngược trở ra sân. Do phản lực nên tôi cũng không trụ vững mà hơi ngã ra sau. May mà ngay sau lưng tôi là Hoàng Lâm đang trong tư thế đứng sững như một cây trụ vững chắc đã giữ tôi lại. Đầu tôi va vào ngực áo của Hoàng Lâm làm tôi giật mình ngước lên nhìn.

Cả hai cùng bối rối, tôi thì thẹn thùng vừa đưa tay sửa lại đuôi tóc vừa bước lùi về vị trí cũ của mình, miệng thì nói xin lỗi rối rít. Phía sau chúng tôi, Đỗ Quyên nhìn thấy khung cảnh ấy cũng khó chịu mà nhịn đau đứng dậy nhìn tôi chăm chăm. Hoàng Lâm phát hiện tay tôi đỏ lên vì cú va chạm mạnh với quả bóng lúc nãy nên bất giác cũng kéo tay tôi ra trước tầm nhìn cho tôi thấy rồi nói:

- Bị thương rồi này.

Tôi dùng tay còn lại cố giành lại cánh tay còn đang bị Hoàng Lâm giữ lấy. Tôi xoa xoa chỗ vết đau, nhăn mặt vì rát, nhưng cũng cười xòa bảo:

- Không sao, không sao. Chút là hết liền à.

- Phán đoán đường đi của vec-tơ tốt thế mà học Hình học sai hoài là sao? – Hoàng Lâm vừa trách vừa trêu tôi.

Tôi ngại đỏ mặt vì không biết là nên mừng hay nên lo. Liền lúc ấy, Hữu Phong cũng chạy đến ra hiệu muốn đổi người ra sân thế cậu ấy. Và không ai khác, Hữu Phong nói với thầy:

- Em mệt quá, thầy cho Hoàng Lâm vào thay chỗ em nha thầy.

Hoàng Lâm nghe gọi tên cũng ngoái nhìn về phía đội tuyển. Sau đó bạn ấy chạy đến thế vị trí của Hữu Phong. Vài phút sau, sau khi làm một số động tác thả lỏng xong, Hữu Phong cũng tới ngồi cạnh tôi. Thấy cậu ấy đến, tôi cũng nhích sát lại gần Đỗ Quyên để nhường chỗ cho cậu ta ngồi. Hữu Phong ngồi xuống, khẽ nghiêng người sang phía tôi một chút hỏi:

- Có sao không?

Tôi lắc đầu bảo:

- Không sao.

Hữu Phong không hỏi thêm, cậu chạy nhanh về lớp. Một lúc sau, Hữu Phong quay trở lại, đưa cho tôi chai dầu xoa bóp, bảo:

- Cầm lấy!

Tôi nhìn theo hướng tay Hữu Phong đang chìa về phía tôi chai dầu. Tôi xua tay từ chối bảo:

- Tui không sao thiệt mà.

Hữu Phong không nài ép, trực tiếp mở nắp chai dầu, đổ một ít vào lòng bàn tay. Sau đó, nhét chai dầu và chiếc nắp chai vẫn còn đang mở vào một tay của tôi, Hữu Phong vừa kéo tay còn lại của tôi sang gần cậu ấy hơn vừa nói:

- Để tui làm luôn cho.

Thấy tôi nhăn nhó vì với sức xoa của cậu ấy mới khiến tôi cảm nhận rõ cơn đau. Tôi hít hà mà không dám phản khán vì sợ cánh tay bé tẹo của mình trở thành chiếc que dễ bị bẻ gãy như chơi khi rơi vào tay một vận động viên như cậu ấy. Hữu Phong bảo:

- Nhát gan mà anh hùng dữ.

Tôi tự bào chữa cho mình:

- Đó là phản xạ có điều kiện.

Hữu Phong không cố trách tôi thêm như phong cách ghẹo người thường khi của cậu ấy. Có lẽ cũng vì thông cảm cho một anh hùng rơm như tôi. Hữu Phong nhắc:

- Lần sau, tự lo cho thân mình trước tiên là được.

Tôi gật đầu cười qua loa rồi nói:

- Xem đi, xem đi. Đội của Phong thắng nữa rồi kìa.

Hữu Phong nghe thấy thế, lắc đầu bảo:

- Cú đó không phải là thắng. Đánh ra ngoài rồi.

Thật ra, tôi không giỏi thể thao. Nhất là các bộ môn cần tốc độ và sức lực. Tôi thích các môn thể thao rèn luyện trí não nhiều hơn, như chơi cờ chẳng hạn. Thế nên, cổ vũ thế thôi chứ tôi nào hiểu thế nào thì được ghi điểm hay không. Hơn nữa, với tốc độ quả bóng nhanh như thế, lại hơi xa tầm nhìn của tôi, tôi hoàn toàn không nhìn rõ là bóng rơi trong hay ngoài vạch biên. Tôi căn bản không nhận ra quả ấy là đánh hỏng hay đánh thua. Nghe Hữu Phong nhận xét như thế, tôi chỉ biết gật đầu, cười trừ, lấy tay đẩy kính cận lên một xíu cho nhìn rõ hơn rồi hỏi lại một cách ngốc nghếch:

- Thế à?

Vậy đó, lâu lâu đội tuyển lại được đánh giao lưu như thế. Lớp tôi cũng được chọn vài lần làm đối thủ của họ. Nữ sinh như chúng tôi thì vui vì khỏi phải tập những bài tập nặng nhọc hay quá sức với mình. Xem như đó là những giờ giải lao đặc quyền. Còn đội tuyển thì được cơ hội thi đấu nhiều hơn và còn có cả đội cổ vũ hùng hậu cũng tăng tinh thần thi đấu hơn.

Cuối năm học ấy, dù thành tích học tập của tôi đã được cải thiện hơn. Kết quả cuối năm tạm cho là tôi có thể chiến thắng chính mình với 9.25 điểm môn Toán. Dù chưa thể lĩnh hội hết những điều vi diệu trong môn Toán Hình học nhưng với con điểm ấy cũng khiến tôi cười tít mắt và Hoàng Lâm thì cũng khá hài lòng. Đổi lại với công sức giúp đỡ của bạn ấy, tôi cũng đã thành công hỗ trợ bạn ấy cải thiện kiến thức môn Vật lý. Bằng chứng là, Hoàng Lâm cũng được 10 điểm môn Vật lý. Phải công nhận rằng bạn ấy thật sự là một chiến thần học đường, điểm tổng kết của bạn ấy đạt 9.7, một con số thật sự rất ấn tượng.

Còn tôi, mặc dù có tiến bộ nhưng so với mặt bằng chung của lớp thì tôi vẫn chỉ xếp hạng tư. Bởi vì lớp tôi tập trung khá nhiều học sinh xuất sắc. Việc đạt hạng tư cũng là khó khăn lắm.

Tuy từ nhỏ đến lớn, tôi không coi trọng thứ hạng. Nhưng có lẽ đã quen với việc mình đứng nhất mỗi năm. Cho nên sau khi nhận được kết quả cuối năm, tôi thấy hơi hoang mang. Điểm số của tôi không giảm so với năm lớp chín và còn tăng thêm một ít, có lẽ là nhờ được cải thiện thêm ở môn Toán Hình học. Nhưng vẫn không thể đứng nhất. Điều đó cho thấy môi trường học tập cạnh tranh khốc liệt đến nhường nào. Tôi, một học sinh giỏi nhất nhì trường cũ. Khi sang trường mới, bao nhiêu tinh hoa hội tụ, chỉ có thể đứng hạng tư trong lớp.

Nhìn bảng kết quả học tập, tôi tự nhắc mình càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa ở các năm học tiếp theo. Nhưng quan trọng nhất lúc này, tôi không biết phải mở lời thế nào với cả nhà khi trở về và nộp bảng kết quả cho cha mẹ tôi đây. Có lẽ vì sự lo lắng ấy đã khiến hành động của tôi chậm đi vài phần. Tôi ra đến nhà xe thì mới hay các bạn về gần hết. Nhà xe chỉ còn có vài chiếc.

Trong nhà xe, Thảo Uyên đang lui cui lấy xe ra. Thấy tôi bước đến, Thảo Uyên cũng dừng lại chờ. Vì đã học cùng vào các buổi sáng chủ nhật cũng được vài tháng nay, nên tôi và Thảo Uyên cũng xem như có chút cải thiện trong tình bạn. Chúng tôi cũng có thể nói chuyện thoải mái với nhau nhiều hơn.

Đợi khi tôi dắt xe tới, Thảo Uyên nói:

- Hay là năm sau xin chuyển sang lớp tôi đi. Tôi cũng muốn được một lần nữa cạnh tranh công bằng với Bằng Lăng.

Tôi chỉ cười buồn với Thảo Uyên. Có lẽ, tôi đã hiểu cảm giác của bạn ấy ngày xưa, khi phải xếp sau tôi, bất giác hỏi:

- Bộ hồi đó thua tôi, nên ghét tôi lắm hả?

- Ừ, ghét kinh khủng. – Thảo Uyên cũng không che giấu sự ghét bỏ của mình biểu hiện thông qua biểu cảm gương mặt và cái giọng điệu nhấn nhá trong từng chữ.

Tôi lại cười hiền, hỏi tiếp:

- Bây giờ đứng nhất, bộ không vui sao mà còn rủ tôi năm sau học chung để cạnh tranh lần nữa?

Thảo Uyên vẫn cái giọng tự tin, bảo:

- Tôi cũng đâu phải chưa từng đứng nhất. Từ lúc tách ra học riêng, có năm nào tôi không đứng nhất đâu. Nhưng tôi vẫn thích cảm giác có Bằng Lăng xếp sau tôi trong lớp hơn cơ. Chứ đứng nhất mà lẻ loi một mình thì chán lắm.

Tôi lại cười, nhưng lúc này lại có phần sảng khoái vì cái cách nghĩ rất có mục tiêu của bạn ấy, bèn thích thú phối hợp, không mấy khi tôi cởi bỏ lớp vỏ bọc khó gần của mình ra để lộ cái tính cách lém lĩnh, bới móc người khác. Tôi thẳng thắn đáp trả:

- Mà tại sao lại ghét tôi như thế hả? Từ ngày gặp mặt đầu tiên tới bây giờ, tôi tự hỏi chưa từng làm gì có lỗi với bạn này, cũng chưa từng xem bạn này là đối thủ luôn đấy.

- Không biết. Chỉ biết là vừa nhìn thấy đã chấm Bằng Lăng thành mục tiêu thôi. Linh cảm của tôi khi lần đầu tiên thấy Bằng Lăng đứng trên bục giảng lúc cô chủ nhiệm giới thiệu gởi Bằng Lăng vào lớp của tôi là tôi ghét ai giống tôi. – Thảo Uyên đáp.

 Nghe Thảo Uyên nói, tôi cũng mới giật mình phát hiện. À nhỉ, tôi và Thảo Uyên đúng là có nét giống nhau thật. Khuôn mặt nhỏ nhắn nhìn hao hao, dáng người cũng gầy gầy, chiều cao cũng xem xem nhau. Và cả… mái tóc dài cột cao cũng giống nhau nốt. Hóa ra, chúng tôi giống nhau nhiều đến vậy, giống từ ngoại hình đến cả thành tích học tập. Chỉ khác một điều là Thảo Uyên thì dạn dĩ hơn và bạn ấy thì xem tôi là đối thủ cạnh tranh trong học tập. Còn tôi thì nhút nhát hơn và tôi không xem bất kỳ ai là đối thủ cạnh tranh. Từ nhỏ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là bản thân mình phải cố gắng học thật tốt, noi theo tấm gương sáng là anh hai tôi. Mục tiêu phấn đấu của tôi đó là thành tích học tập của tôi phải theo kịp anh hai của mình. Mà để theo kịp anh hai, tôi phải tự hơn bản thân mình của ngày hôm qua một chút. Bởi vì trong mắt tôi, anh hai tôi là một tượng đài, một người hoàn hảo.

Bỗng tôi buồn cười nhận ra, không, nếu cố gắng so sánh thì tôi và Thảo Uyên còn giống nhau ở một điểm nữa. Một điểm giống mà cũng không hẳn là giống. Đó chính là cả hai chúng tôi đều muốn vượt qua hơn chính tôi mỗi ngày. Tôi thì muốn chiến thắng chính mình. Còn Thảo Uyên thì cũng không muốn thua tôi một tí nào. Nghĩ về khoảng thời gian qua, rồi chợt nghĩ về tương lai phía trước, tôi và Thảo Uyên không thể mãi như một chiếc com-pa cứ quay quanh trục của nó. Thảo Uyên không thể lúc nào cũng phải nhìn về phía tâm là tôi để phấn đấu được. Tôi dịu giọng đi mấy phần so với cách cư xử khách sáo thường ngày, tôi thật lòng khuyên:

- Uyên không nên coi tôi là mục tiêu. Bởi vì vốn dĩ mục tiêu lâu bền nó phải có ích cho cuộc sống của mình sau này. Mà cuộc đời mỗi người thì mỗi khác, không nên tham chiếu để rồi vô tình biến bản thân từ nhân vật chính lại chỉ trở thành hình ảnh phản chiếu trong gương. Thấy không, bây giờ thì tôi đâu còn là người xuất sắc nhất nữa đâu. Uyên lấy tôi làm mục tiêu, vậy là vô tình đã tự hạn chế khả năng của bản thân rồi.

Thảo Uyên cũng có vẻ mơ hồ suy nghĩ về điều tôi nói. Thế rồi, bạn ấy và tôi, mạnh ai nấy ra cổng mặc dù chung đường. Nhưng chúng tôi vẫn quen không đi chung. Độc bước một mình cũng có cái hay riêng của nó. Yên tĩnh, chiêm nghiệm. Dù sao, chúng tôi cũng chỉ là những cô học trò nhỏ, trong độ tuổi mới lớn, mọi thứ hãy còn chông chênh lắm. Ai biết được, sau này cuộc đời sẽ xô đẩy chúng tôi về đâu, có còn tiếp tục ở gần nhau hay không. Thay vì lấy đối phương làm mục tiêu phấn đấu, hãy nên tự lấy bản thân làm mục tiêu để vượt qua. Có như thế sẽ không sợ một ngày nào đó không còn nhìn thấy mục tiêu của mình nữa.

Tôi dắt xe ra khỏi cổng, chầm chậm đạp về nhà. Trên đường về, hai bên đường, hoa bằng lăng lại tới mùa nở rộ. Hoa tím cả bầu trời khiến tôi có chút thư thái. Bất giác nghĩ, hoa rồi cũng sẽ tàn, rồi cũng sẽ qua cái thời rực rỡ nhất, cũng giống như tôi, dù có giỏi đến mấy thì cũng có lúc sẽ gặp đối thủ khác giỏi hơn. Nhưng tôi cũng sẽ học theo những bông hoa ấy, cố gắng tỏa sáng nhất có thể, hoàn thành tốt nhất phần việc của mình. Mà việc của tôi bây giờ chỉ duy nhất một nhiệm vụ, đó là học. Mọi sự cố gắng cũng sẽ chỉ là cố gắng nếu như đó chưa phải là nỗ lực. Sự cố gắng phải vượt qua một giới hạn để có được thành công và được ghi nhận. Lúc ấy, sự cố gắng ấy mới được xem là nỗ lực thật sự. Vì chỉ có nỗ lực, mới thể hiện rõ bản thân mình kiên trì cố gắng không ngừng nghỉ, không một phút lơ là. Rồi sẽ lại có một mùa bằng lăng tiếp theo, rực rỡ hơn, kiều diễm hơn, làm lay động lòng người hơn. Và rồi, sẽ có một tôi nỗ lực hơn, trưởng thành hơn.

Đang thong dong trên con đường bằng lăng xinh đẹp, mặc dù nỗi buồn vẫn còn thoáng đọng trong tâm trí. Nhưng chủ yếu là tôi lo không biết ăn nói thế nào với cha mẹ vì sợ cha mẹ buồn và thất vọng về tôi. Bỗng đâu từ phía sau có một giọng nam trầm ấm chen ngang làm phá vỡ bầu không khí yên lặng xung quanh tôi:

- Hạng bốn thì có sao đâu. Hạng bốn mà phẩy cao hơn hạng một của lớp khác thì cũng ổn rồi mà.  – Là Hữu Phong, cậu ấy vượt từ phía sau lên chạy ngang với tôi.

- Ờ… – Tôi trả lời. Sau đó hỏi lại – Sao biết?

- Đoán. – Hữu Phong chắc cũng quen với cách nói chuyện của tôi nên lâu dần cũng bị ảnh hưởng theo, cậu ấy cũng cộc lốc đáp lại.

- Ờ… – Tôi lại thờ ơ trả lời.

- Đừng buồn mà, Bằng Lăng xưa nay không quan tâm thứ hạng mà. Học hết khả năng là được. – Hữu Phong nhiệt tình an ủi.

- Ờ… – Tôi hiểu được thành ý ấy nên cũng xác nhận.

- Đồng ý thiệt không đó? – Hữu Phong nghi ngờ hỏi lại vì chỉ nhận được một từ phản hồi cho tất cả.

- Ờ… – Tôi nhấn mạnh thêm trong giọng nói, thể hiện sự khẳng định cao hơn một bậc nữa.

Hữu Phong tiếp lời:

- Cứ “ờ” hoài vậy? Có nghe tui nói gì không đó?

- Ờ… – Cái cậu bạn này, đôi lúc nhiệt tình quá mức làm tôi phát bực nên ngoài cái “ờ” thiệt to thì tôi còn hồi âm bằng cả ánh mắt liếc sang mang theo sự khó chịu.

- Nói từ khác được không? Lúc nào cũng tiết kiệm lời nói hết. – Hữu Phong nhận xét.

Nghĩ mình cũng nên có chút phối hợp để đáp lại thành ý an ủi của cậu ta, tôi bèn trả lời:

- Ờ… có nghe.

Nghe tôi nói thế, Hữu Phong lộ thêm vài phần nhiệt tình, hỏi tiếp:

- Rảnh không?

Tôi nghi ngờ hỏi lại:

- Chi?

Hữu Phong hơi ngạc nhiên vì nếu như tôi trước đây sẽ không suy nghĩ mà trả lời “Không rảnh”. Hắn biết tôi luôn lạnh lùng với bọn con trai, mặc dù một năm qua tính cách tôi có phần cởi mở hơn trước, nhưng có lẽ Hữu Phong là người hứng chịu những lời nói cụt ngủn của tôi là nhiều nhất. Cũng đúng thôi, ai bảo cậu ta không chịu bình thường giống như những người khác đối với tôi làm gì, cứ tìm cách tiếp cận, sang nói chuyện, hỏi bài, rủ rê tôi vào câu lạc bộ để rồi cứ bị tôi chặn họng trêu ngươi mãi. Có lẽ lâu lần, sự kiên nhẫn của cậu ấy cũng được rèn luyện đạt đến mức đáng khâm phục. Nhờ vậy mà cậu ấy cũng vô tình được bộ não khó tính của tôi liệt vào danh sách những người có thể nói chuyện được.

Hữu Phong nói tiếp:

- Về trường cũ đi, thăm cây bằng lăng của lớp mình.

Tôi sực nhớ cũng đã lâu rồi tôi không ghé lại trường cũ. Còn nhớ ngày nào trước khi rời trường tôi còn lo không biết nó có được các thế hệ học sinh tiếp sau chăm sóc không. Có lẽ… do tôi đã được nhìn thấy hoa bằng lăng trên đường đi học ở thị trấn. Tôi không cần chờ cây bằng lăng ấy ra hoa nữa. Nghe Hữu Phong nhắc về cây bằng lăng ấy, tôi mới sực nhớ ra, cũng muốn về lại trường xưa.

Chúng tôi ghé vào trường, cổng trường đã đóng. Hữu Phong dẫn tôi ra phía sau, chui qua hàng rào – cái hàng rào bằng cây giờ đây đã được thay bằng các trụ bê tông và dây chì gai giăng đầy tứ phía. Chỉ có một đoạn sau trường dây chì bị bẻ hở một khoảng, với thân hình gọn gàng của hai chúng tôi thì chui qua không khó. Lần đầu tiên, tôi có cảm giác lén lúc như một học sinh cá biệt khi cố bắt chước Hữu Phong chui qua khe hở của hàng rào.

Chẳng mấy chốc, cây bằng lăng đã ở ngay trước mặt tôi. Cây nay đã cao, hoa nở tím cả một góc sân. Dưới gốc cây lại có thêm hai cái ghế đá. Chúng tôi ngồi trên ghế đá, tôi ngước nhìn tán cây xum xuê, hoa tím bằng lăng làm tôi thấy trong lòng thư thái.

- Đẹp quá, cám ơn Phong! – Tôi hào hứng nói.

Hữu Phong vờ như chưa rõ lời cảm ơn của tôi là có dụng ý gì, nên hỏi:

- Chuyện gì?

- Vì đã trồng một cây hoa đẹp. – Tôi thành thật trả lời.

Câu ta gãi đầu, cũng ngước lên nhìn tán cây cùng tôi và nói:

- Có gì đâu. Tui biết thế nào cũng có người thích mà. Này…

- Gì? – Tôi nghe có vẻ cậu ấy hơi ngập ngừng nên hỏi thúc.

- … À, không có gì. – Hữu Phong chần chừ muốn nói rồi lại thôi.

Một lúc sau cậu ấy lại lên tiếng:

- À mà cái tên Hoàng Lâm ấy thế nào?

- Thế nào là sao? – Tôi khó hiểu hỏi lại.

- Là Bằng Lăng có thích hắn không? – Hữu Phong quay sang nhìn thẳng vào tôi, hỏi lại.

- Đừng có nói xàm! – Tôi cũng nghiêm túc nhìn cậu ta, quát lớn rồi đứng phắt dậy.

- Không có thì thôi, làm gì phản ứng mạnh dữ vậy? Ngồi xuống đi. – Hắn vừa nói vừa vỗ xuống ghế, ý bảo tôi ngồi lại vị trí của mình.

- Đừng có nói như thế nữa, tui không thích! – Tôi nghiêm khắc cảnh cáo hắn.

- Ờ, biết rồi. Tại… thấy mấy lần có vẻ thân mật, thấy hắn giở bàn cho Bằng Lăng quét lớp, hắn cố tình giữ Bằng Lăng lại học bài để không cho tui có cơ hội qua kiếm, hắn còn bênh vực Bằng Lăng nữa đó. Rồi tui thấy Bằng Lăng còn không ngại nguy hiểm mà đỡ banh cho hắn nữa đó. – Hữu Phong kể lể một tràng dài các chuỗi sự kiện từ đầu năm đến giờ với giọng điệu đầy sự uất ức.

Tôi như đang nghe một đứa trẻ mách mẹ vì bị chúng bạn ăn hiếp chứ không giống một Hữu Phong ương ngạnh hay chống đối và tinh nghịch mà tôi từng biết.

- Không lẽ biết có nguy hiểm tới trong khi người ta không kịp phản ứng, còn mình thì thấy rõ lại bỏ mặc không lo. Nếu người đó là bạn này… hay một người khác… thì tui cũng sẽ làm như vậy. – Tôi giải thích.

Hắn nghe tôi giải thích mà biểu cảm thay đổi liên tục. Hắn từ lắc đầu bất lực, chuyển sang nở nụ cười tươi với ánh mắt sáng lên mấy phần. Nụ cười còn chưa được nâng lên hết biên độ thì lại đột ngột dừng lại, chuyển sang sắc mặt lạnh tanh. Trước diễn biến tâm lý phức tạp mà những biểu cảm ấy lại thay đổi nhanh chóng chỉ trong ít giây khiến tôi có chút bất an vì không biết thật sự trong lòng hắn đang nghĩ gì. Tôi lại là đứa không giỏi trong cách cư xử và nói chuyện, nên tốt nhất là tôi không nên thắc mắc hay đào sâu thêm những cảm xúc ấy của hắn.

Lắng lại suy nghĩ một lúc, tôi thấy trong lời nói của hắn vẫn còn có điều chưa từng có trong trí nhớ của tôi nên bèn hỏi lại:

- Mà bạn này nói Lâm bênh vực tui, là bênh vụ gì, sao tui không biết?

Hữu Phong có vẻ hơi dỗi, kể lại:

- Thì cái vụ mấy đứa con gái hè nhau nói xấu Bằng Lăng đó. Hôm đó tui bên này thấy hắn đứng gần cửa lớp biết bao lâu không vào. Tới khi tui nghe giọng Bằng Lăng lớn tiếng quát lại tụi kia, tui mới hay Bằng Lăng bị tụi nó khiêu khích. Xưa giờ tui thấy Bằng Lăng hiền khô. Tự nhiên hôm đó quát lớn tới bên lớp tui còn nghe, nên tui cũng hoảng hồn chạy qua. Nhưng mà thấy hắn vào dàn xếp rồi nên tui không có vào trong nữa.

- Thì tại mấy bạn đó nói tui chen vào giữa Phong và Thảo Uyên chứ bộ. Nghe mà tức. Vậy mà lúc đầu, tui còn hứa với Lâm là cản không cho Phong tìm cớ qua tiếp cận Đỗ Quyên nữa đấy. – Tôi giải thích.

- Bộ khùng hả? – Hắn chặn ngang, hỏi lại.

- Ý gì? – Tôi khó hiểu hỏi lại hắn, vì tôi không rõ hắn đang nói ai, tôi hay mấy đứa bạn trong lớp tôi, nhưng tôi nghiêng về hướng hắn đang đá xéo tôi nên muốn làm rõ.

Hắn thẳng thắn giải thích:

- Ý tôi là nói Bằng Lăng đấy. Bộ khùng ha gì mà nghĩ là tui qua để tiếp cận Đỗ Quyên?

Vậy ra không phải hắn mắng vì tôi tức giận trước những lời vô lý của mấy đứa bạn cùng lớp. Cũng không phải vì tôi hứa với Lâm. Mà là hắn mắng vì tôi nghĩ hắn qua tìm tôi chỉ là cái cớ để tiếp cận Đỗ Quyên.

Nghĩ kỹ lại, nếu hắn muốn qua hỏi bài thật thì cũng không vấn đề gì nghiêm trọng so với suy nghĩ lệch lạc ban đầu của tôi. Mà việc tôi nghĩ sai cũng rất bình thường thôi mà. Hoàng Lâm nói đúng. Lớp cậu ấy có Thảo Uyên học cũng rất giỏi, không việc gì phải chạy sang tìm tôi chỉ bài. Huống chi, cả hai người họ chơi thân với nhau từ nhỏ. Đó là sự thật. Đến nỗi mấy đứa bạn mới quen còn biết chuyện đó nữa là huống chi một người học cùng lớp với họ nhiều năm như tôi. Hắn hành động khác thường như thế thì sao có thể trách tôi quy chụp hắn vào nhóm những người ngưỡng mộ Đỗ Quyên được. Vậy thì cớ chi hắn lại mắng tôi khùng.

Tôi tỏ vẻ vô tội, giải thích một cách khách quan như chuyện không hề có sự hiện diện của mình:

- Thì lúc đầu năm, chả phải là giờ chơi nào cũng có người đến tìm Đỗ Quyên rồi kiếm cớ giả vờ hỏi bài để ghé lớp tui chơi lâu lâu hay sao. Phong cũng qua, cách thức cũng y chang mấy đứa kia. Nên tui tưởng…

- Ai quy định là hễ tới lớp Bằng Lăng là đều muốn gặp Đỗ Quyên vậy hả? – Hữu Phong có chút khó chịu hỏi lại lần nữa.

Tôi ngây thơ đáp tiếp:

- Đúng là không có ai quy định. Nhưng mặc định là vậy mà. Mấy bạn này thấy người đẹp thì trong mắt còn chứa nỗi ai khác hay sao?

Hữu Phong tự tin đáp trả:

- “Mấy bạn này” là sao? Ý Bằng Lăng là tính luôn tui trong đó hả? Ai ra sao thì Phong không biết. Nhưng tui thì không nằm trong số đó à nghen. Đối với tui, người kia thấy cũng bình thường chứ có đẹp gì đâu.

Tôi nghĩ hồi lâu cũng hiểu lý do nên kết luận:

- Vậy là tại vì gu của Phong không phải kiểu đó mà thôi.

Hữu Phong có chút vui khi nghe tôi nhận xét về cậu ấy như thế, thái độ cũng bớt khó chịu đi, bảo:

- Coi như cũng hiểu tui chút chút rồi đó. Không uổng công…

Tôi chặn ngang, tự nói nhỏ một mình:

- Uổng công gì ở đây? Chẳng qua là do người mà bạn này thích là Thảo Uyên thôi.

Hữu Phong lại bưng bộ mặt khó chịu ra lần nữa để chất vấn tôi:

- Bộ khùng nữa hả?

Tôi ngơ ngác trước sự tức giận lần hai của Hữu Phong, bất giác có chút hối hận vì nhận lời về thăm trường cũ với cậu ta. Ngồi chưa được bao lâu mà hắn đã mắng tôi tận hai lần. Tôi cũng nổi tự ái, bảo:

- Ê, sao kỳ vậy? Kêu người ta khùng hoài là sao? Bộ thấy tui hiền không muốn cãi lại nên muốn nói gì thì nói hả?

Hắn cố kiềm chế, hỏi:

- Ai biểu tự dưng nói tui thích Thảo Uyên chi?

Tôi thản nhiên đáp:

- Thì từ bên lớp bạn này đồn ra đấy thôi. Đã vậy còn gán danh trà xanh cho tui nữa. Rồi bởi cũng từ cái vụ lớp mình không học, tui lại chạy qua lớp bạn này tham gia Câu lạc bộ Tự học đấy.

Hữu Phong nghe đến đấy, lầm rầm mắng trong miệng: “Mấy cái đứa này! Gặp lại biết tay tui!”. Thấy tôi chăm chú nhìn khẩu hình đang rủa thầm của hắn, hắn bối rối bắt bẻ ngược lại tôi:

- Ủa mà học chung từ nhỏ tới lớn, tui thích hay không thích Thảo Uyên cũng không tự nhận định được luôn à. Ở đó mà còn nghe tụi nó đồn bậy?

Tôi hồn nhiên trả lời:

- Sao tui biết được?

Nghĩ một lúc, tôi thấy cũng không đúng, tôi có biết, biết chút chút về sự ưu ái mà Hữu Phong đặc biệt dành riêng cho Thảo Uyên, bèn sửa lại lời của mình:

- Mà tui cũng thấy là Thảo Uyên đặc biệt đối với Phong mà. Nếu không, tại sao bạn này lại rủ tôi qua phụ. Chẳng phải là vì muốn cho Thảo Uyên đỡ cực hơn hay sao chứ?

Hắn lắc đầu thở ra sau khi nghe tôi phân tích. Thấy bản thân mình cũng khó giải thích cho tôi hiểu được, Hữu Phong trịnh trọng khẳng định:

- Phong quan tâm chỉ đơn giản là vì Thảo Uyên là bạn cùng xóm với Phong. Từ nhỏ đã chơi chung với nhau rồi. Tính cậu ấy ở nhà không có dễ gây sự với người khác như vậy. Người đầu tiên và duy nhất làm cậu ấy cư xử gay gắt là Bằng Lăng đấy. Tui không biết lý do, nhưng tui không muốn cậu ấy trở thành một người ngang ngược như thế. Lại càng không để cậu ấy bắt nạt Bằng Lăng nên tui hay ở giữa can ngăn.

Tôi nghe Hữu Phong giải thích. Cái từ “cậu ấy” mà cậu ấy dùng khi nhắc đến Thảo Uyên, nó khác với cái từ “cậu ấy” mà tôi hay dùng khi nhắc đến một người bạn nam như chính cậu ấy hay Hoàng Lâm. Tôi nhận ra sự khác biệt bởi thái độ yêu chiều và giọng điệu nhỏ nhẹ xen chút ngọt ngào khi cậu ấy nói về Thảo Uyên. Thế nên dù là hắn đã cố gắng giải thích, hắn muốn cho tôi biết từ “đặc biệt” mà tôi dùng để miêu tả mối quan hệ giữa họ là chưa phù hợp. Vì có lẽ đối với hắn, mức độ của sự “đặc biệt” phải khác so với những gì hắn đang dành cho Thảo Uyên. Nhưng chung quy lại, tôi vẫn thấy hai người họ đã có một tình bạn đặc biệt hơn so với những người khác rồi.

Có lẽ, hắn nhìn biểu cảm không phục trên mặt tôi quá rõ ràng. Nên một lúc sau, hắn cười buồn, nhìn tôi một lúc rồi nói tiếp:

- Bằng Lăng nè, năm năm nữa, hẹn gặp nhau ở đây nghen, tui có chuyện muốn nói…

Tôi nhìn hắn có vẻ hơi lạ. Lát sau hắn lại nói tiếp:

- Hứa với tui, hãy tự bảo vệ cho mình. Đừng để mình bị thương nữa.

Tôi lại nhìn hắn, định mở miệng nói thì hắn đã cướp lời:

- Còn nhớ không, năm lớp ba, cái vòng bể làm Bằng Lăng bị thương, tui luôn ray rứt trong lòng, tui cũng đau lắm…

- Đụng người ta té ngã, chảy máu, tui không đau thì thôi, bạn này đau cái gì chứ? – Tôi khó hiểu hỏi lại.

Hữu Phong nhìn xa xăm, nói tiếp:

- Tui đau chỗ khác. Bằng Lăng không hiểu đâu… Nếu lúc đó tui không sĩ diện quá mức thì chắc hẳn giờ đây chúng ta đã là bạn của nhau rồi. Và hắn… cũng không có cơ hội…

- Nè, còn nói cái kiểu đó nữa là tui dìa à! – Tôi dọa, khi nghe ra vấn đề Hữu Phong nói có vẻ phức tạp hơn bộ não đơn thuần chỉ có học và chỉ học của tôi, tôi cũng chẳng quan tâm từ “hắn” mà Hữu Phong nhắc đến lại là ai nữa.

- Được rồi, xin lỗi mà. Ngồi chơi với tui chút nữa đi. Bằng Lăng? – Hắn nài nỉ nhưng rồi đột nhiên lại gọi tên tôi.

Tôi giật mình hỏi lại:

- Gì?

- Nếu… nếu bây giờ tui lại… xin làm “bạn thân”, Bằng Lăng có chấp nhận không? – Hắn ngập ngừng hỏi.

Tôi xưa nay vẫn một nguyên tắc, không kết thân, tất cả chỉ là bạn cùng học, bạn cùng lớp, ai cũng như ai. Hắn đã là một ngoại lệ với tôi rồi, bởi vì hắn là một trong số ít những người chịu kiên nhẫn nói chuyện nhiều nhất với tôi. Để đáp lại sự chân thành ấy, tôi bất tri bất giác cũng đã chịu khó tiếp chuyện với hắn nhiều hơn với những người khác một xíu rồi đấy chứ. Như thế đã là giới hạn của tôi rồi. Hắn không thể như anh hai hay anh lớn của tôi được, những người thân thiết đến mức tôi có thể thoải mái nói chuyện. Với tôi, hai từ “bạn thân” là một khái niệm xa vời mà tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có được. Thế nên, tôi nghiêm khắc trả lời:

- Không được!

Hắn hạ tiêu chuẩn xuống một chút, nói:

- Vậy hơi thân thôi cũng được!

- Vẫn không được! – Tôi vẫn kiên quyết từ chối.

- Vậy làm bạn bình thường nhưng cho tôi chút thể diện của bạn lâu năm chắc được chứ hả? – Hắn nhún nhường hết mức.

- Thì tui cũng coi bạn này là bạn “bình thường” của tui mà. Còn lâu năm thì đó là hiển nhiên rồi. Nhưng thể diện cụ thể của bạn lâu năm thì là gì? – Tôi nhấn mạnh hai chữ “bình thường” để hắn hiểu ý của tôi.

Hắn vỗ tay kêu “bốp” một tiếng rõ to, tươi cười nhìn tôi, hắn nói:

- Thiệt hả? Trời ơi, mừng quá! Xưa nay tui tưởng tui như cái gai trong mắt Bằng Lăng ấy. Làm gì cũng sai, nói gì cũng bị bác bỏ. Chắc Bằng Lăng không biết, mỗi lần đến gặp Bằng Lăng là tui đều phải chuẩn bị soạn sẵn văn trong đầu kỹ lưỡng rồi mới dám tới không đó. Vậy mà lần nào tui cũng thê thảm quay về.

Tôi buồn cười khi nghe hắn tâm sự nỗi khổ, hóa ra hắn sợ tôi đến thế. Chợt muốn trêu hắn một chút, tôi liền châm thêm mấy câu cay độc:

- Tui nghĩ ra rồi, đặc quyền của bạn lâu năm là bị soi mói nhiều hơn và đối đãi khắt khe hơn. Người bình thường có lỗi với tui vài hôm là tui quên mất. Nhưng bạn lâu năm thì tui ghim từng lỗi và sẽ chẳng tha thứ cho đâu. Cũng giống như những chuyện ngày xưa, dù bạn này vô tình, hay cố ý, tui đều ghi nhớ rất rõ, không bỏ qua lỗi nào đâu. Ráng liệu mà cẩn thận đấy.

Hắn gật đầu, lại nhìn xa xăm. Lâu lâu lại thở dài một cái. Lúc ấy, tôi không biết hắn có tâm sự. Thật chẳng hiểu nổi… vì sao, nhưng cả hai chúng tôi ngồi đó rất lâu. Cuối năm học rồi. Và ngày mai, hắn sẽ cùng với Thảo Uyên bên lớp hắn và những bạn có tên nhận thưởng mang theo niềm hân hoan và hãnh diện khi được đi dự lễ bế giảng. Còn tôi, ngày mai sẽ chỉ ở nhà, ngồi thẩn thờ tưởng tượng ngày bế giảng năm học đầu tiên ở trường mới sẽ như thế nào.

Sau lần đó, tôi không lần nào gặp lại Hữu Phong nữa. Sang lớp mười một, bạn ấy không còn học ở ngôi trường ấy nữa. Nghe Thảo Uyên nói rằng Hữu Phong được ba đón ra nước ngoài du học. Thiệt tệ hết sức, hắn rời đi và không nói lời tạm biệt với tôi. Vậy mà hôm đó, hắn còn mở miệng xin kết bạn thân cùng tôi cơ đấy. Bây giờ, ngay cả hắn đi đâu, đi khi nào tôi cũng không rõ nữa.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}