Tôi nói với cậu Đằng rằng tôi không cần may thêm quần áo mới nữa, cậu lại bảo may đồ cho tôi là chuyện của cậu, rồi thì bảo tôi khỏi bận tâm. Hai người chúng tôi cứ lời qua tiếng lại, chưa chi mà đã ầm ĩ khắp tiệm vải. Không muốn phí thời gian đôi co với cậu nữa, thôi thì việc của ai người nấy làm.
Tôi cầm một xấp vải lụa màu xanh lá mạ, đưa cho Trinh Trinh xem. Cô nàng liếc nhẹ một cái rồi bĩu môi chê bai: “Màu gì mà quê mùa muốn chết, ai mà bận cho được.”
“Má biểu tui chọn giùm cô thì tui chọn thôi, dù sao cũng là đồ của cô, cô thích màu gì thì cứ tự chọn đi.” Tôi đặt xấp vải về chỗ cũ, nói.
“Khỏi cần mua nữa đâu. Vải ở đây vừa xấu vừa quê mùa, có cho tui cũng không thèm.”
Trinh Trinh buông đôi lời khó nghe rồi chảnh chọe quay ngoắt khỏi tiệm vải. Ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi đã thấy cậu Đằng mang một đống vải màu nọ màu kia đưa cho cụ Sang cầm. Hỏi ra mới biết là cậu gom hết đống này về cho tôi may quần áo. Thậm chí cậu còn chẳng thèm hỏi tôi có thích hay không, cứ nhất mực biểu cụ Sang ôm ra ngoài xe. Thánh thần ơi, bao nhiêu đây vải, bộ cậu định để dành cho tôi mặc đến khi xuống lỗ luôn hay sao? Thiệt là ngang ngược hết chỗ nói.
Tạm thời rời khỏi cửa tiệm vải, tôi thấy cụ Trinh đang đứng khoanh tay ở gian hàng trang sức đối diện, miệng thì lẩm bẩm điều gì đó, chân thì chẳng chịu đứng yên, chốc chốc lại giậm thật mạnh xuống nền đất tỏ vẻ không hài lòng. Tôi bay thật nhanh đến chỗ Trinh Trinh, định hỏi han vài câu nhưng đã bị cô cướp lời:
“Bộ cô tính mua hết cái chợ này hay sao vậy? Ở đây vừa hôi, vừa dơ, mà trời thì nắng chang chang nữa… tui mỏi chân với mệt sắp chết rồi đây nè.”
“Nếu cô không thích thì lần sau cứ nói thẳng với má là được mà. Nói là cái nắng ở đây làm da cô đen, sình lầy ở đây làm dơ bộ đầm đắt tiền của cô… hoặc cứ nói thẳng là cô không thích bận mấy bộ bà ba quê mùa. Má thương cô như vậy, chắc sẽ không la rầy gì cô đâu.” Tôi nói.
“Cô nói chuyện thiệt là dư thừa quá đa, đương nhiên là má phải thương con dâu tương lai của má rồi.” Trinh Trinh vênh váo tự hào.
“Má nào? Má của anh trở thành má của em từ khi nào mà anh không biết vậy?” Khi này cậu Đằng cũng xuất hiện ngay phía sau tôi, tiện tay mở cây dù mà cụ Sang đã đưa cho cậu.
Trinh Trinh vừa hí hửng khi thấy cậu Đằng bung dù, nhưng cô chưa kịp nép mình dưới bóng mát đó thì cậu Đằng đã phũ phàng quay sang che nắng cho tôi. Cậu ra hiệu để tôi đi thẳng theo cậu ra chỗ đậu xe mà không cần bận tâm kẻ ở lại.
Nghĩ thấy cũng hơi tội cho cụ Trinh, nhưng đôi khi tuổi trẻ như cụ cần phải trải sự đời nhiều một chút thì mới trưởng thành được. Mà nếu không trưởng thành được thì ít nhất cũng để cụ nhận ra chân lý rằng người đàn ông không yêu mình có thể vô tâm với mình đến cỡ nào.
***
Xế chiều, tôi lại ngứa chân ngứa tay nên phụ cụ Mận giặt đồ bên ao sen. Dường như tôi đã quen dần với mớ công việc thường ngày nơi xó bếp, thế nên khi tôi được cậu Đằng ban cho kim bài miễn làm việc, tự nhiên trong lòng cứ cảm thấy thiếu thốn đủ thứ. Quan trọng là… nếu như tôi không vùi đầu vào công việc thì sớm muộn gì tôi cũng phát điên cho mà xem.
Ở cùng cụ Mận vui lắm, cái miệng nhỏ của cụ lúc nào cũng luyên tha luyên thuyên những chuyện trên trời dưới đất. Hết kể chuyện yêu đương lén lút của cụ Đào với cụ Kiên, rồi đến sáng nay vú Lâm đi chợ nhưng quên đem theo tiền, tiếp đó là vụ thằng Sang lỡ tay cắt nhầm cây cảnh yêu quý của ông Khởi. Cụ còn kể chính bản thân cụ cũng nhiều lần làm bể chén dĩa trong nhà, vì sợ bị bà hai rầy nên mỗi lần trượt tay là cụ đều len lén đem chôn miểng chén dưới bụi chuối sau hè.
Chuyện buồn cười gần đây nhất mà Mận kể có lẽ là trận chiến giữa mợ ba Thu Thảo và vợ tương lai của chồng tôi vừa diễn ra mới đây thôi. Đó là khi cụ Thảo đang ngồi trong bếp lặt mớ rau trong sự chán chường, thì cụ Trinh từ nhà trên bước xuống giở giọng chủ tớ với cụ Thảo. Thế là bốn mươi chín tình cờ gặp được năm trăm, người nọ mỉa mai người kia dù có bước chân vào nhà này thì cũng chỉ là vợ nhỏ, người kia khinh khi người nọ cho dù được cưới hỏi đàng hoàng nhưng có chồng là con hoang thì đến cả người ở cũng không bằng.
Chưa hết, Mận còn đứng chống nạnh rồi giả bộ diễn lại y hệt lời nói và cử chỉ của cụ Thảo. Mận nói lúc đó cụ Thảo đã dõng dạc nói như vầy: “Tui nói cho cô biết, chị hai tui hiền chứ tui không có hiền đâu nha.”
Mận diễn đến đâu là tôi cười theo đến đó. Mận làm tôi nhớ tôi của những năm mười lăm, mười sáu tuổi, giản đơn và ngây ngô biết bao nhiêu.
Đang mải mê trôi theo câu chuyện của Mận thì đột nhiên Mận khều tôi một cái, gương mặt hệ trọng nhìn về phía xa xăm. Tôi còn tưởng ai, hóa ra là tiểu thư Trinh Trinh nhà ta.
Trinh Trinh thản nhiên vứt chiếc đầm mà cô vừa mặc vào thau đồ đang giặt dở của tôi, ung dung nói: “Nhờ mợ hai giặt giùm tôi cái đầm bị dơ này, đầm tui mua đắt tiền lắm, mợ giặt thì giặt cho kỹ, không thôi nó mà nhăn thì đừng có trách tui.”
Hành động vừa rồi của Trinh Trinh khiến cụ Mận còn thấy bất bình, cụ đứng ưỡn ngực nói: “Cô Trinh, đồ của cô bận thì cô giặt đi, mợ hai tui như vầy mà đi giặt đồ cho cô hả?”
“Mày cũng lanh mồm lanh miệng lắm, tao nghe dì Phương kiếm mày nãy giờ ở trong trỏng kìa, liệu mà lo cái thân mày trước đi đã.” Trinh Trinh nhìn cụ Mận mà cười nhếch mép.
Chẳng biết thật hư thế nào, nhưng vì muốn tốt cho Mận nên tôi đã khuyên Mận nhanh vào trong nhà xem bà hai sai biểu cái gì. Ban đầu Mận có hơi lưỡng lự, sau đó vẫn nghe lời tôi mà chạy một mạch vào nhà.
Bên cầu ao bây giờ chỉ còn lại hai người, người con gái có thể là vợ tương lai của chồng tôi cũng không cần câu nệ gì, thậm chí còn quá quắt đến nỗi dùng chân đá bay chậu quần áo mà Mận vừa giặt xuống ao sen.
“Ý chết, tui lỡ chân… kiểu này chắc mợ hai phải giặt lại từ đầu rồi. Nghĩ mà thương cho mợ hai, mần dâu nhà ông bá hộ giàu nhất cái làng này mà phải khom lưng cam chịu như một con ở vậy. Nhớ giặt cái đầm của tui cho đàng hoàng đó nha mợ hai, đợi đám cưới của tui với cậu hai xong xuôi rồi, tui sẽ từ từ mà đối xử tốt với mợ.”
Tôi lặng yên không nói gì, chỉ điềm tĩnh vớt mấy bộ đồ còn lại trong thau của mình rồi cẩn thận đặt lên cầu. Tôi giữ lại duy nhất cái đầm hoa của Trinh Trinh cùng với lớp nước giặt sắp ngả sang màu nâu sẫm. Một chiếc lá vàng vô tình theo gió phớt ngang mặt tôi, tôi cũng “vô tình” gom hết những tàn dư còn sót lại trong chậu nước và hất thẳng lên người Trinh Trinh. Cuộc thanh tẩy diễn ra bất ngờ khiến nàng tiểu thư ưa sạch sẽ kia chỉ biết hét toáng lên, huơ tay múa chân lia lịa.
Tôi vứt chậu nước xuống sàn, hai bàn tay chà sát qua lại kiểu phủi bụi rồi nói: “Giặt lại cái nết của cô trước khi giặt đồ đi, vì con người mà sống dơ quá thì quần áo có giặt cỡ nào cũng không bao giờ sạch sẽ được.”
“Con điên này, sao mày dám…”
Trinh Trinh như thể đang hóa điên, cô nàng định giơ tay lên trả đũa tôi nhưng vì chiếc cầu ván gỗ lúc này quá trơn trượt, hơn nữa cô lại còn mang đôi guốc cao trên năm phân, báo hại cái thân thể ngọc ngà của ấy chẳng mấy chốc đã nằm lăn lóc dưới sàn nước lạnh. Này thì áo quần xúng xính, này thì má phấn môi son, này thì mở miệng ra là chê bai người khác quê mùa hôi hám,… nhìn lại cô mà xem, đúng là chưa qua 30 Tết chưa biết ai bần hơn ai.
Bộ dạng này của Trinh Trinh khiến tôi vừa thở dài vừa lắc đầu, cũng định bước đến đỡ Trinh Trinh cho cô ấy bớt tủi thân, nhưng tốt nhất là nên để kẻ vấp ngã tự biết đứng dậy thì hơn. Cuối cùng, tôi chọn phương án rời khỏi đó và để Trinh Trinh ở lại một mình.
“Cô muốn cá với tui không?”
Chỉ mới đi được ba bước chân, tôi đã phải khựng lại vì câu hỏi này. Tôi hơi nheo mắt khó hiểu nhìn Trinh Trinh, trong khi cô nàng vẫn ngồi lì dưới sàn nước mà không thèm đứng dậy. Cá… là cá cái gì mới được?
“Cô có dám cá với tui… là tui sẽ danh chính ngôn thuận bước vào nhà họ Huỳnh, làm vợ lớn của cậu hai… và đá cô ra chuồng gà. Tui sẽ đá cô ra khỏi nhà này mà không có một đồng xu dính túi. Sao? Có dám cá với tui không?” Trinh Trinh bám tay vào tà váy, cố gắng nhấn mạnh từ chữ nghe sao mà đanh thép hùng hồn.
Tôi vẫn giữ nguyên trạng thái điềm tĩnh ban đầu, khóe môi di chuyển thành một đường cong nhẹ. Tôi hướng bàn tay phải đang nắm chặt của mình về phía Trinh Trinh rồi giơ ngón tay cái lên giống như biểu tượng “like” trên mạng xã hội, rất nhanh sau đó, tôi lật ngược nắm tay với ngón tay cái trỏ ngược xuống dưới.
Đó cũng là lời nhắn cuối cùng mà tôi gửi đến Trinh Trinh trước khi rời đi.
Bình luận
Chưa có bình luận