Rừng Hoa Nở Rộ

 

1.

Sáu năm trước.

Những ngày đầu tháng chín với những cơn mưa nặng hạt, trước cửa lớp 11E mọi cảnh như bao ngày. Tán cây me cổ thụ xanh tốt che mát một khoảng không rộng lớn trên sân trường. Bóng mát cùng những chùm hoa li ti đã thu hút rất nhiều chim chóc trong vùng kéo về làm tổ trên cây. Chúng cãi nhau mãi không ngừng khiến không gian cửa lớp 11E càng thêm huyên náo. An không biết cây me có từ khi nào mà hôm trước cánh thằng Hùng, Phi, Tới ra ôm thử. Ba đứa nắm tay nhau cũng không ôm hết thân cây to lớn, vỏ xù xì đang thay từng lớp già cỗi như rắn lột da.

Đó cũng là nơi cô nàng Bình An – lớp trưởng lớp 11E - thường thả hồn mình theo tán lá dày rung rinh đang sưởi ấm dưới cái nắng ban mai của ngày đầu thu. Cô nàng có dáng vẻ mình hạc sương mai nhưng luôn lí lắc nói cười, mái tóc đen tuyền dài ngang lưng luôn được búi cao năng động, đuôi tóc ngúng nguẩy theo từng bước chân của An. Đôi mắt to tròn lúc nào cũng mơ màng về những miền xa xôi trên tán cây me. Gió nhẹ thổi hồn nhỏ đến một vùng núi cao: nơi địa đầu tổ quốc, nơi mà một lần tình cờ nhỏ thấy trong tờ rơi của của một công ty du lịch nọ phát ở ngã ba đèn đỏ hôm nhỏ đi trung tâm thương mại với gia đình. Tiếng thầy gọi giật: “Bình An! Em đứng lên trả lời câu hỏi ba trong sách giáo khoa xem nào!” mới kéo nhỏ về thực tại. Nhỏ ấp úng rồi cũng trả lời được nhờ sự trợ giúp nhiệt tình của cái Quyên bàn trên.

Tiếng ồn ào, huyên náo phát ra từ lớp 11E trong những phút đầu giờ trước khi bước vào tiết học mới khiến cả dãy phòng học chẳng khác nào một buổi họp chợ. Nhưng cả lớp An bỗng im bặt khi thấy thầy Hiệu trưởng xuất hiện trước cửa lớp với vẻ mặt nghiêm nghị đến lạnh sống lưng.

-        Cả lớp! Nghiêm! Chúng em kính chào thầy Hiệu trưởng.

An giật bắn, đứng lên hô to khẩu lệnh câu chào. Lập tức, cả lớp đứng lên cùng đồng thanh lập lại câu khẩu lệnh vừa rồi của An.

Thầy Hiệu trưởng bệ vệ đứng giữa bục giảng, vẻ mặt thầy giãn ra đôi chút nên bọn học trò bên dưới đã dám thở ra mạnh hơn. Ông đưa bàn tay đã có dấu của tuổi già ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống. Đứng bên cạnh thầy là một thanh niên rất trẻ có vẻ ngại ngùng trước bao ánh nhìn của đám học trò bên dưới đang tập chung vào cùng một điểm lúc đó. An thấy tai của người ấy cứ đỏ ửng lên như vừa bị ai nhéo rất đau.

Nhỏ đang đưa mắt quét thật kỹ con người ấy thì giọng thầy Hiệu trưởng chậm rãi cất lên:

-        Chào các em! Hôm nay thầy xin trân trọng giới thiệu với các em một thầy giáo trẻ vừa về công tác tại trường chúng ta ngay hôm nay.

Vừa nói thầy Hiệu trưởng vừa đưa tay hướng qua người thanh niên bên cạnh mình đang tỏ vẻ lúng túng trong bộ quần tây áo trắng lịch thiệp y như một cậu học trò khối mười hai. Thầy mới ấy đưa tay gãi cái tai đang đỏ như quả nhót chín ngượng ngùng như gái mới về nhà chồng cúi đầu chào bọn nhóc đang nhao nhao xì xầm, bàn tán bên dưới để làm thân. Trông thầy đến thương!

-        Đây là thầy Ma Văn Bàng, thầy sẽ dạy môn Vật Lý cho các em kể từ hôm nay. Và đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm thay cho cô Lương như kế hoạch ban đầu. Đề nghị các em cho thầy Bàng tràng pháo tay để chào đón nào.

Bọn học trò tinh ranh hào sảng mà tặng thầy chủ nhiệm mới một tràng pháo tay giòn như pháo nổ. Chúng đua nhau bàn tán, xì xầm về cái họ tên là lạ của thầy ấy. An cũng tò mò về cái tên ấy lắm. Nhưng nhìn đôi mắt to tròn và đen láy cùng mái tóc xoăn tự nhiên kia thì nhỏ đoán thầy là người đồng bào.

Nói đoạn thầy Hiệu trưởng đi ra, trả lại không khí náo nhiệt như buổi họp chợ cho lớp và người thầy mới toanh đang lúng túng không biết làm sao kia.

Bình An thấy thương cho người thầy mới này. Lớp của nó thuộc dạng lớp quậy phá có tiếng của trường. Năm ngoái, nhà trường phái hẳn thầy giám thị (người được mệnh danh là tượng đài phong ấn bọn quỷ nhỏ) để trị bọn chúng. Ấy thế mà tình hình cũng chả mấy khả quan là bao. Giờ trường lại giao cho một thầy giáo mới ra trường cái lớp này chẳng khác nào thử thách lòng yêu nghề của thầy ấy. Nhỏ chép miệng một cái khẽ lắc đầu nhìn người thầy mới. Lòng nhỏ không khỏi đồng cảm bởi lớp trưởng như nó đây nhiều khi còn cầm đầu cả lớp trong các trò quậy phá thì nói gì.

Nhỏ cất giọng đanh thép:

-        Cả lớp! Im lặng!

Ngay lập tức, phòng học bé nhỏ im phăng phắc. Thầy nhìn nhỏ rồi nhoẻn miệng cười một cái thật tươi như cảm ơn nhỏ lớp trưởng mảnh khảnh nhưng âm vực của nhỏ không hề nhỏ.

Ồ! Nhỏ phát hiện thầy cười lên có hai núng má đồng tiền giống nhỏ quá! Gương mặt điển trai cùng với vóc dáng cao ráo này sẽ đốn tim biết bao cô nữ sinh đang tuổi mộng mơ trong trường nó cho xem.

Thầy trò nhanh chóng làm quen nhau. Mà đúng thật. Thầy là người Tày nhà ở Hà Giang. Đúng là nơi mà An đang ao ước sẽ được đến đó một lần. An thích lắm! Tự dưng lại có thiện cảm lạ lùng với người thấy mới này. Nhìn thầy lúc đầu có vẻ lúng túng nhưng khi vào bài dạy thầy lại như một con người khác hoàn toàn. Vẻ mặt nghiêm nghị, lạnh lùng và đặc biệt giọng thầy giảng bài rất cuốn hút, dễ hiểu. Có lẽ giảng dạy mới là thế mạnh của thầy.

Thầy cũng không khắt khe với bọn học trò trong việc tác phong, nề nếp. Có thể nói là buông thả bọn chúng. Mặc kệ bọn lớp An có cúp tiết, có nghịch có phá gì đến giờ sinh lớp thầy cũng không hề la mắng hay trách phạt bọn chúng như những thầy cô trước đó. Thầy chỉ nhẹ nhàng bảo với chúng:

-        Tuổi trẻ có được mấy lần? Các em cứ việc là mình, làm những gì mình thích trong nội quy cho phép. Sau này lớn lên trước là tự lo cho bản thân sau đó làm được gì cống hiến cho xã hội, Đất nước này thì càng tốt.

Tiếng vỗ tay ầm ầm lại vang lên để tán dương lời thầy. Ấy vậy mà lại có hiệu quả với lớp của An. Tụi nhỏ lại thay đổi chóng mặt. Chúng ngoan hơn hẳn, thành tích học cũng thăng tiến kì lạ. Điểm thi đua nổi trội hẳn lên. Một sự thay đổi thần kì đến kinh ngạc mà chúng dành cho người đã dẫn dắt, chỉ lối cho chúng bằng lời nói có phần dung túng thay đòn roi, la mắng. Thì ra phương pháp mềm mỏng lại hiệu quả như vậy. Thầy đã thành công “thuần phục” cái lớp được mệnh danh là nằm ngoài vùng kiểm soát của trường.

Thầy trò đã có một năm gắn bó giữa dạy và học rất thành công với nhau. Sang năm học mới thầy không còn chủ nhiệm chúng nữa, nhưng thầy vẫn đảm nhiệm dạy môn Vật Lý. An vẫn được học với thầy thêm một năm nữa. Sau đó thầy chuyển công tác đi đâu không ai rõ.

2.

Rồi ngày con ve ra rả đàn cho nhau nghe khúc dạo đầu của mùa hè cũng đến. Cánh phượng đỏ thắm rung rinh trước gió tựa hồ như bao cánh bướm đẹp xinh đang tung bay rợp một khoảng không gian sân trường rộng lớn. Đám học trò rạo rực trước kỳ nghỉ dài mà chúng mong đợi suốt chín tháng qua sắp đến. Nhưng với khối Mười hai như An thì khác. Việc điền vào ô nguyện vọng một của bọn chúng đã khiến chúng bắt đầu biết suy tính cho cuộc đời.

An rất nhanh đã viết xong đơn nguyện vọng. Bởi ngay từ khi học lớp Mười một, trong đầu nhỏ đã định hướng cho mình một con đường, một lý tưởng mà nhỏ cho là đẹp như cách thầy Bàng đã từng hơn một lần nói với bọn chúng trong những buổi sinh hoạt lớp.

***

 

 

Trong một sự kiện thiện nguyện do trường Đại học của An phối hợp với các trung tâm, tổ chức từ thiện trong thành phố tổ chức, An hăng hái tham gia chuyến thiện nguyện ấy trước là trải nghiệm cuộc sống và thực hiện mong muốn được đặt chân đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc này, sau là kiểm chứng những gì thầy Bàng từng kể cho lớp cô nghe về quê hương xinh đẹp của thầy ấy trong những giờ sinh hoạt lớp nhàn rỗi trước kia.

Hiện ra trước mắt cô là khung cảnh đồi núi trùng trùng điệp điệp. Con sông Nho Quế uốn lượn như con rắn khổng lồ ôm lấy chân núi quyến luyến không muốn buông. Cô thấy mây quyện vào từng bước chân mình, cỏ xanh mướt một màu ngọc bích bao trùm không gian. Nơi đất trời giao thoa. Nơi có rừng hoa mơ hoa mận vào tháng Giêng tháng Ba, nơi có đồi tam giác mạch mộng mơ vào đầu tháng Mười hằng năm. An được ngắm nhìn những em bé xinh xinh xúng xính áo hoa đủ màu, được ngắm một rừng hoa.

Nhưng càng theo chân đoàn thiện nguyện đi sâu vào khu vực núi cao, rừng sâu thì cảnh vật thay đổi hoàn toàn. Những ngôi nhà sàn siêu vẹo bên vách núi hiểm trở trông cheo leo và nhỏ bé trước cảnh thiên nhiên rộng lớn. Những mái nhà lụp xụp nằm lẻ loi trên một ngọn đồi xa tít tắp nơi đường chỉ là lối mòn lổm chổm đá và không có điện đóm gì. Những em bé mặt mày lem luốc bụi bẩn đang run rẩy trong chiếc áo rách tươm mỏng manh trong thời tiết giá rét của mùa đông với đôi chân trần đầy bùn đất, lạnh ngắt. Tim An thắt lại, không còn vui vẻ như ngày hôm trước nữa. Thương quá những cảnh đời nơi đây. Xưa nay sống ở thành phố, cô không thể tưởng tượng ở một mảnh đất tươi đẹp này vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Khó khăn hơn trong tưởng tượng của cô quá nhiều. Khóe mắt cô ươn ướt. Bỗng trong cô lóe lên một suy nghĩ khiến môi cô bất giác vén lên một nụ cười.

Trở về sau chuyến thiện nguyện ấy, An tự nhủ với bản thân mình rằng cô cần cố gắng thật nhiều. An ngẩng cao đầu bước qua bốn năm sư phạm. Với thành tích xuất sắc, cô không khó để có cho mình một suất công tác tại một trường cấp ba danh giá trong thành phố. Ấy thế nhưng, An lại viết đơn tình nguyện lên vùng hẻo lánh – nơi địa đầu của Tổ quốc - để công tác.

Từ gia đình cho đến bạn bè và thầy cô đều cho rằng An bị sang chấn tâm lý sau mối tình đầu sâu sắc ba năm kia. Nhưng có mấy ai hiểu, chuyện tình cảm không hề liên quan đến con đường cô đang đi. Nó là hoài bão, là ước mơ cô ấp ủ từ lâu. Như lời thầy nói: “Tuổi trẻ chỉ đến với mỗi người duy nhất một lần trong đời, các em hãy làm điều mình muốn làm” câu nói ấy đã thành kim chỉ nam cho An phấn đấu suốt bao năm qua.

Hành trang cô mang theo chỉ là tấm thân mảnh mai với một trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, một hoài bão lớn lao, một chân lý soi sáng cho cô bao năm qua. An Mang tâm trạng háo hức để bước đi.

Từ khi lên xe lúc bình minh vừa hé cùng gia đình và bạn bè tiễn đưa cô ở bến xe Mỹ Đình đến mãi khi trời sẩm tối, người dẫn đường mới đưa cô đến điểm trường.

Khó khăn đặt chiếc va-li xuống bên cạnh chân mình. An đưa mắt quét một vòng xung quanh trong cái không khí ẩm ướt bởi lớp sương dày đặc quánh quyện cùng màn đêm dần buông khiến cái lạnh được thể xâm lấn cơ thể nhỏ bé khiến đôi môi hồng tím tái. Lạnh, lạnh đến run người. Một màu xâm xẩm tối của cuối ngày. Có lẽ mặt trời đang bị sương dày giấu đi đâu đó. Cô hít một ngụm không khí vào khiến hai má phùng to như đang ngậm hai viên trôi nước để xốc lại tinh thần sau chuyến hành trình khá dài.

Cô cúi đầu cảm ơn người dẫn đường rồi đưa mắt nhìn ngôi trường trước mặt mình (nơi cô sẽ gắn bó trong thời gian tới) nằm im lìm bên lưng chừng đồi. Mặt trường hướng ra vực sâu thăm thẳm. Một ngôi trường nhỏ và đơn sơ nhất mà An từng thấy. Bóng một người cao cao đang tiến gần lại trước mặt cô. Mãi khi người ấy đứng trước mặt mình cách một sải tay thì cô mới nhìn rõ mặt người đối diện. “A! thầy Bàng!” cô khẽ reo lên trong lòng ánh mắt không giấu nổi xúc động mà long lanh ánh nước.

Thầy cất giọng trầm ấm hỏi:

-        Chào em! Thay mặt thầy cô ở điểm trường, tôi rất vui chào đón em đến điểm trường Há Pia.

Thầy đưa tay ra trước lịch sự ngỏ ý bắt tay chào hỏi cô. An vẫn còn ngơ ngác với mớ suy nghĩ vụn vặt trong đầu khiến thầy hơi nhíu mày khó hiểu. Chợt nhận ra, cô vội chùi chùi tay vào vạt áo rồi chìa bàn tay lạnh như băng ra bắt tay với thầy. Không giấu nổi niềm vui trong câu nói, An hớn hở:

-        Thầy! Thầy Bàng! Là em đây.

An mong chờ nhìn chăm chăm nét mày bối rối ấy mong chờ nhưng cô nhận lại là cái lắc đầu khe khẽ từ thầy sau một hồi thầy nheo nheo mắt nhìn cô. Thầy đăm chiêu giây lát như lục lại ký ức, cố tìm ra hình ảnh đang có vẻ run run này. Mãi sau thầy cười xòa bảo:

-        Thật tình tôi trông em quen mắt thật nhưng không nhớ ra được. Thật xin lỗi!

Cô thở dài thườn thượt nhắc lại:

-        Nguyễn Bình An, lớp trưởng lớp 11E, trường Trung học phổ thông Hồng Bàng Bắc Từ Liêm, niên khóa 2016-2019.

Nhỏ cúi mặt phụng phịu mắng thầy trong bụng: “Thà là một vô danh tiểu tốt thì thầy quên cũng đành, đây hẳn một nhỏ lớp trưởng đường hoàng. Người có công giúp thầy dẹp loạn năm ấy mà thầy lại quên một cách nhanh chóng như thế. Chán thầy!”

Ánh mắt người đối diện sáng rỡ, cười ha hả vào nỗi buồn của cô như khiêu khích.

-        À! Tôi nhớ rồi! Trời ạ! Bảo sao lại quen thế không biết. Xin lỗi em nhiều nha! Bình An đúng không?

-        Dạ! Gương mặt em phổ biến quá nên thầy không nhận ra cũng là chuyện thường.

Nhận ra vẻ hờn dỗi ở cô học trò cũ, thầy Bàng gãi gãi tai vội xách va-li giúp cô. Cái tật thầy mỗi khi bối rối vẫn thế.

-        Em vào nhà đi. Đi cả ngày chắc em mệt lắm rồi. Mau vào nhà nghỉ ngơi!

-        Vâng!

Nhỏ tiu nghỉu theo chân thầy vào nhà tập thể. Nhà tập thể chỉ là ngôi nhà lợp lá đơn sơ, vách được dựng liếp lứa nên gió và khí lạnh cứ tha hồ mà thốc vào trong nhà. An ở chung với một cô giáo bản địa đã công tác ở đây gần mười năm. Sau thủ tục nhập phòng bằng vài câu chào hỏi xong An đi tắm. Gột bỏ mọi mệt nhọc sau một hành trình phải gọi là gian nan với một cô gái phố thị như An, cô lấy lại tinh thần mà thoải mái ngả người trên chiếc chõng tre ọp ẹp.

Mọi người nơi đây ai cũng có một điểm chung là trông khá gầy nhưng nụ cười ai cũng tỏa ra một màu tươi sáng. Ngay cả thầy Bàng cũng thế. Thầy thay đổi rất nhiều chỉ sau vài năm. Thầy không còn vẻ thư sinh như ngày đầu An gặp. Thay vào đó, sương gió khó khăn đã nhào nặn thầy trở lên trưởng thành, già dặn hơn rất nhiều. Suýt nữa An đã không nhận ra được người trước mặt mình chính là người đã phần nào dẫn dắt cô đến đây. Quả là trái đất này tròn biết mấy!

Sáng tinh mơ chưa tỏ mặt người, tiếng gà trống đua nhau gáy vang vọng khắp núi đồi đổ dồn vào tai An như chiếc đồng hồ báo thức. An thấy chị cùng phòng lục đục dậy mặc áo ấm, đầu đội đèn pin. An tò mò cất giọng ngái ngủ hỏi chị:

-        Chị làm gì mà thức sớm thế ạ?

-        Ừ! Chị làm em thức giấc à? Chị đi đón học trò em à!

-        Sao cơ ạ? Mình phải đi đón học trò hả chị?

-        Ừ! Có nhiều em nhà khó khăn, đi lại đường xá xa xôi. Chị và các bạn giáo viên ở đây thường sẽ đi đón những em ấy mỗi ngày.

-        À ra thế ạ! Vậy chị có cần em giúp gì không? – An vén mùng ngó đầu ra hăng hái.

-        Không không. Em cứ nghỉ ngơi đi. Em là giáo viên mới nên mấy ngày đầu cứ làm quen với trường với lớp trước đã.

-        Dạ!

An vùi mình vào chăn ấm nằm suy nghĩ miên man cho đến khi có tiếng gọi của thầy Bàng bên ngoài cửa vang lên. Cô nhanh chóng chải đầu, buộc bóc rồi mặc áo ấm bước ra. Vừa nhìn thấy cô thầy đã cười tươi hỏi:

-        Em ngủ có ngon không?

-        Dạ chưa bao giờ em được ngủ ngon như vậy ạ!

-        Thế thì tốt! Em có muốn tập thể dục buổi sáng một chút không?

-        Dạ có ạ! – An hồ hởi hướng đôi mắt sáng nhìn thầy.

-        Vậy đi thôi!

-        Dạ! Nhưng thầy chờ em thay giày được không?

-        Được.

Thầy dắt An đi bộ trên con đường mòn bé tí chỉ vừa đủ một bàn chân đặt lên. Những giọt sương mai đậu trên lá cỏ và cả những cánh hoa trắng li ti đang soi mình dưới ánh bình minh thật ấm áp. Bên dưới thung lũng kia là bản làng ai đó lưa thưa vài mái nhà trăng trắng đang bốc khóc nghi ngút lên cao hòa vào làn sương dày trông như mây cứ ôm lấy khoảng không lơ lửng. Phía chân trời xa xa, mặt trời to như chiếc mâm đồng đỏ rực vừa nhô lên khỏi dãy núi cao. Bầu trời ngay trên đầu An. Cảm giác đứng giữa đất trời thật tuyệt! An sảng khoái đưa hai tay lên miệng bắc loa hô to:

-        Xin chào Hà Giang! Tôi đến rồi đây!

Thầy đứng bên cạnh nhìn cô đang khoan khoái mà cười hiền. Cô nhóc học trò của anh ngày nào nay đã thành một cô giáo chững chạc nhưng nét ngây ngô của học trò vẫn còn vương đâu đó trên đôi má ửng hồng dưới ánh bình minh ấm áp.

Không quá khó để An hòa nhập vào môi trường mới. Với trái tim cháy bỏng đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, với sự trợ giúp nhiệt tình của thầy và các anh chị đồng nghiệp đi trước. An nhanh chóng trở thành một cô giáo vùng cao xuất sắc chỉ trong vài tháng vỏn vẹn. Cô được đám học trò vô cùng yêu mến. Chúng suốt ngày bám lấy An mà vòi vĩnh những câu chuyện hay, những trò chơi vui hay đơn giản là cô trò cùng quay những thước phim ngắn làm kỷ niệm.

Mỗi ngày An đều rưng rưng trước những hình ảnh các em nhỏ nơi đây. Bé nào cũng có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng không bao giờ cô thấy chúng buồn hay than thở. Mà việc được đi học, được biết viết biết đọc là một thứ hạnh phúc to lớn mà chúng có được. An nghĩ mình phải làm gì đó cho nơi đây chứ chỉ đơn giản là mang con chữ đến thì chưa đủ.

An lập một trang mạng xã hội để ghi lại những hình ảnh, những đoạn phim ngắn về các bạn nhỏ nơi đây. Những hình ảnh ấy đơn sơ mà mộc mạc đến lạ. Chỉ là hình ảnh một em bé cười nói dưới mưa hay hình ảnh bọn trẻ tươi cười mỗi sáng trước khi vào lớp hoặc một cậu nhóc địu theo đứa em nhỏ đi học cùng mỗi ngày… tất cả được An ghi lại. An sợ một ngày nào đó cô rời xa nơi này sẽ không được ngắm nhìn những hình ảnh ấy nữa và cũng muốn thông qua đây để truyền tải những hình ảnh đẹp cũng như những khó khăn của người dân nơi đây để vừa lan tỏa yêu thương, vừa chấp cánh cho những lý tưởng tươi đẹp như cô thêm sức mạnh và đến được nhiều nơi hơn.

Tình cờ, trang mạng xã hội của An trở thành hiện tượng mạng. Từ đó có rất nhiều người nổi tiếng, rất nhiều doanh nhân thành đạt, rất nhiều nhà hảo tâm biết đến sự khó khăn của điểm trường. Họ thông qua An để đến và hỗ trợ cho điểm trường cũng như người dân khu vực này. Cuộc sống của thầy trò nơi đây cũng được cải thiện rất nhiều.

***

Thấm thoát cũng đã hai năm trôi qua kể từ ngày An đến đây. So với trước, giờ đây điểm trường Há Pia đã có bộ mặt khác rất nhiều. Một dãy phòng học mới, khang trang thơm mùi sơn sẵn sàng chào đón thêm các em học sinh. Một khu nhà ở bán trú mới cũng vừa được hoàn thiện. Những bữa ăn của các em đã có thêm chút cá thịt thay vì rau măng dưa cà như trước. Cuộc sống dần tốt lên theo ngày tháng nhờ có sức khỏe và sự năng động của tuổi trẻ, nhờ có tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau của những con người trên khắp mọi miền Đất nước.

3.

Một mùa đông giá rét nữa đi qua. Mọi vật bừng tỉnh sau giấc ngủ dài trong cái rét buốt của vùng núi cao. Mới hôm qua ai cũng ủ rũ, chậm rãi mà nay hoạt bát hẳn lên. Xuân về có khác.

Năm nay An ở lại ăn tết cùng các anh chị đồng nghiệp. Không cầu kỳ chuẩn bị nhiều thứ hoa quả, bánh mứt như ở nhà. Không biết thầy Bàng vác ở đâu về cho cô hẳn một cành đào rừng thật to đang chi chít nụ căng tròn chờ ngày bung cánh tỏa hương. An thích thú ngắm nghía rồi trang trí lên đó vài câu đối mà cô viết tay lên tờ giấy đỏ cho may mắn rồi đặt ngay giữa khu nhà tập thể.

Không gói bánh chưng vuông như ở nhà, An được học cách gói bánh trưng gù. Cách làm ở khâu chuẩn bị cũng tương tự như ở nhà mẹ và bà nội hay làm nhưng ở đây nhân thịt có thêm những gia vị mà dưới xuôi không có. An thích thú ngồi nhìn các anh chị làm rồi ghi lại thành những hình ảnh, thước phim để lưu lại.

Vì nhỏ tuổi nhất nên An được ưu ái như con một trong đại gia đình của điểm trường. Ai ai cũng quý, cũng xem An như đứa em út của mình.

Ngồi bên bếp lửa bập bùng, An đưa mắt thích thú nhìn ngọn lửa nhảy múa trước mặt mà miệng bất giác cười. Ngước mắt lên, An bắt gặp hình ảnh mình trong đôi mắt sâu hun hút của thầy Bàng. Ánh lửa khiến đôi mắt ấy chất chứa biết bao tình cảm dành cho cô ấm áp, sáng long lanh như sao trời đêm hạ.

Đàn én chao lượn trên bầu trời xanh thăm thẳm đưa nàng Xuân đến từng bản làng, từng ngọn đồi con suối. Vài đám mây trắng lững lờ trôi tô điểm cho nền trời xanh bao la. Tiết trời sang xuân thật ấm áp khiến lòng người xao xuyến. Chồi non vươn mình ra khỏi giấc ngủ đông dài để chào nàng Xuân vừa gõ cửa. Vạn vật bừng tỉnh sau những ngày dài giá rét để hòa mình vào một khúc nhạc xuân yên bình. Rừng hoa đã nở rộ, Tết đã về trên miền núi cao! Tết năm nay có phần ấm no hơn những năm trước và An đang suy nghĩ đến lá đơn xin tiếp tục ở lại nơi đây công tác.

 

An Hạ.

 

 

 

 

 

 




Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}