◉◉◉


Có một lần, tôi phát hiện thấy trong phòng của Khánh có một gói bột màu xanh xanh gì đó mà tôi không biết đó là gì, không có bao bì hay ghi chú, nhưng dù không biết thì trong tình huống ấy tôi vẫn đoán ra được những trường hợp kinh khủng nhất. Tôi hỏi thẳng Khánh và em ấy gật đầu bảo đúng, đó là một loại chất kích thích, tên gì tôi quên rồi, đó là danh pháp y học và tên rất lằng nhằng, thật ra lúc nghe xong tôi đã quên mất nó ngay. Khánh bảo thứ này rất an toàn, giống như bóng cười thôi, hoặc cần sa thôi, có khi còn không đến mức như bóng cười và cần sa, nhưng tác dụng thì giống. Khánh nguỵ trang nó bằng thuốc lá điện tử, hồi ấy vẫn chưa có lệnh cấm thuốc lá điện tử và khi lệnh được ban thì tôi biết lý do vì sao, vì tình hình nguỵ trang chất kích thích bằng thuốc lá điện tử không phải là không phổ biến, ra luật để mà cảnh sát còn có thể công khai khám xét không bị cản trở. Khánh bảo tôi có thể thử nếu muốn, thứ này rất an toàn và nhất định sẽ cho mình cảm giác tuyệt vời mà từ trước đến nay ta chưa từng trải qua lần nào, rằng tại sao chúng ta không được phép hạnh phúc cơ chứ? Tôi điếng cả người vì hồi ấy những thứ này ở rất xa cuộc sống của tôi, dù quả tình tôi có chút rượu chút bia, có nhảy nhót, xăm hình xỏ khuyên và chơi với những đứa bạn thích tìm vui trong chất kích thích, nhưng tôi lại chưa bao giờ thử và tôi đã hy vọng Khánh không thử chúng. Nhưng chuyện cũng đã rồi, trước những lời khuyên can của tôi Khánh chỉ đùa bỡn như thể em biết chắc chắn tôi chẳng có quyền hạn gì cả. Em bảo mấy thứ này giúp em không bị buồn nôn, cảm thấy mệt hay đau đớn, chất kích thích đến cuối cùng cũng chỉ là những giải pháp y học để giảm đau và chữa bệnh thần kinh. Tôi bảo với em đó là em nói như thế, kẻ nghiện nào mà chẳng lý luận như thế.

Khánh hứa em sẽ không dùng chúng trước mặt tôi hay khi có tôi ở cạnh, tôi sẽ không phải trông thấy gì hết. Đến đó mọi chuyện giữa hai chúng tôi có vẻ đã hoà hoãn đôi chút, nhưng chủ yếu là do tôi đã cố gạt vấn đề ra khỏi đầu, xem như nó không tồn tại mà thôi. Khoảng tầm một, hai tháng gì đó sau lần đầu tiên tôi thấy túi cần cỏ mà em để quên hớ hênh, rốt cuộc tôi cũng đã bị thuyết phục thành công. Tôi ngậm thử điếu thuốc điện tử của em, rít vài hơi. Tôi ngửi được mùi son môi của em khi chạm môi mình vào đầu thanh thuốc. Tôi muốn hôn em thông qua điếu thuốc ấy. Khánh bảo lần nào trong cơn phê pha, em cũng thấy mình đi dự một buổi yến hội với các triết gia Hy Lạp cổ đại. Ở đó em đã gặp được Platon và trò chuyện với ông ấy. Tôi bảo với em làm sao em nói chuyện với Platon được, em đâu có biết tiếng Hy Lạp cổ, em bảo nhưng Platon biết nói tiếng Việt. Tôi bảo em Platon không biết nói tiếng Việt, em cãi rằng sao chị biết Platon không biết nói tiếng Việt, chị đã gặp ông ấy bao giờ đâu? Đến đó thì tôi không biết trả lời thế nào. Xem như trong những cơn bê, em và Platon đã giao tiếp với nhau bằng một ngôn ngữ nào đó là điểm giao giữa hai ngôn ngữ, hoặc giữa các ngôn ngữ đi vậy. Và Khánh bảo rằng Platon cũng mời tôi đến dự các buổi yến hội ấy, không phải yến hội của ông ta mà là của người khác, lúc thì của Phaedrus, lúc thì của Agathon, có lúc em được gặp Sokrates, Xenophon, Aristoteles, Mohammed, tôi hỏi sao có Mohammed ở đây thì Khánh bảo chắc có lẽ ông ta cũng được mời. Mỗi khi trò chuyện và rót rượu cho Platon trong yến hội của ai đó, Khánh đã nhắc rất nhiều về tôi và vì thế Platon ngỏ ý mời tôi cùng tham gia với họ. Đến đây thì tôi bỏ cuộc, hoàn toàn xuôi theo em, ai mời cũng được nhưng đến Platon cũng ngỏ lời thì tôi không thể từ chối cho nổi. Tôi và Khánh nằm trên giường, lần đầu tôi rít thuốc nên có khó chịu một chút, tôi ho sặc sụa và cảm thấy khói đã dâng lên đến óc mình, len vào những nếp nhăn não, toàn bộ xương sọ buốt lên như làm từ băng chứ không phải canxi. Vài phút sau, khi chất gây ảo giác bắt đầu ngấm vào người và làm lung lay các dây thần kinh, tôi và Khánh quấn vào nhau như hai con rắn đang giao phối. Việc này đúng là làm tăng trải nghiệm tình dục hơn rất nhiều, mọi động chạm da thịt giữa cả hai bị khuếch đại lên hàng nghìn lần, chưa gì tôi và Khánh đều đã ướt át cả. Khung cảnh căn phòng tối tăm biến chuyển mạnh mẽ và tôi thấy trước mắt mình xuất hiện từng thức cột thạch cao đều tăm tắp, trắng ngần, thân cột trạm trổ công phu. Tôi nghe tiếng đàn lia văng vẳng, tiếng trống cắc cùm. Nhưng chuỗi âm thanh ấy sao mà có vẻ xa xôi quá, dù chỉ cần phóng mắt lên sân khấu đặt ở cuối phòng là đã có thể thấy dàn nhạc và các nhạc công đang chơi nhạc cụ, tuy nhiên cảm giác âm nhạc cứ như đang vọng xuống từ bầu trời, hoặc một nơi nào đó mà chúng tôi với thân xác phàm nhân sẽ không thể chạm tới được. Tôi há hốc mồm kinh ngạc trước khung cảnh rộng lớn mà mới đây chỉ là một căn phòng trọ nhỏ nhắn và dễ thương. Nay bốn bề đã mở ra rộng mênh mông, với lũ lượt những người mặc tunic, chiton và peplos đủ cả, có vẻ màu sắc chủ đạo của yến hội này là màu trắng, hiếm lắm mới thấy ai đó choàng khăn đỏ trong đám đông. Tất cả đều trắng như phát sáng, song nhìn kỹ lại một chút thì màu trắng ấy có chút ngả sang sắc ngà, chắc là do ảnh hưởng khi chuyển từ một không gian tối tăm sang nơi quá sáng sủa làm tôi có cảm giác mọi thứ đều chói loà quá mức. Tôi nhìn sang bên cạnh và tự nhìn bản thân mình, tôi và Khánh đang mặc chiton, phục sức trông sang trọng hơn các nữ hầu đang bê chậu bê bình rượu xung quanh một chút. Tôi sực nhớ ra, chẳng biết phụ nữ thời Hy Lạp cổ đại có được phép tham gia yến hội với tư cách là khách mời ngang vai ngang vế với đàn ông hay không. Những buổi yến hội không phải là tiệc tùng ăn uống bình thường, tính chất của chúng khác hẳn nhau. Song nếu đã được đích thân Platon mời đến thì có lẽ chúng tôi không có gì phải ngại. Khánh nắm tay và kéo tôi lên trước, tìm kiếm trong đám đàn ông mặt mày râu ria, ai cũng to cao bặm trợn. Thật kỳ lạ làm sao, triết gia thời cổ đại ai cũng sức dày vai rộng, thành thạo đủ võ nghệ và trông dũng mãnh không khác gì những tướng quân cầm quân đánh trận. Còn những triết gia thời chúng tôi lại chỉ là một đám cận, đục, trĩ, người gầy gò héo hon, xơ xác cả ra, nói không ai nghe và hay bị đám đông cười cho thối mũi vì những lối diễn đạt chẳng đâu vào đâu, hay những ý tưởng mơ hồ và ngốc nghếch. Tôi nghĩ có lẽ mấy gã triết gia kia nên đến chốn này một lần để được sống đúng cuộc đời của họ. Tôi không nhận ra ai cả, vô số đàn ông mà ai cũng có vẻ là quý tộc đức cao vọng trọng, được vinh danh tán thưởng. Ngoài ra, đám người hầu thì lăn xăn đến đầu này đầu kia để phục vụ rượu thịt bánh trái. Khánh dắt tôi len qua những thân người, những tà váy, những lớp lụa và khung cảnh tiệc tùng ồn ào, đẹp ngất ngây, chẳng khác nào một cảnh phim Âu Cổ toát lên sự sang trọng, choáng ngợp và tinh tế. Tôi không còn có thể nhận ra đây chính là căn phòng trọ của một cô sinh viên năm cuối đang chìm ngập trong đồ án nữa.

Mỗi lần gặp ai đó có vẻ quen mặt, Khánh lại vỗ vỗ người đó và hỏi thăm, nhưng mấy lần vẫn không gặp đúng người quen hoặc nếu có thì họ cũng chẳng biết Platon đang ở đâu, sảnh và phòng tiệc lại lớn quá. Có người bảo chắc giờ này Platon chưa đến, hoặc đã đi vệ sinh, hoặc đã ra ngoài vườn hóng gió cũng nên. Một số người ngạc nhiên trước sự xinh đẹp của chúng tôi và khen mái tóc đen của cả hai trông thật đặc biệt, kỳ lạ. Bữa tiệc toàn là khách mời đàn ông, không khó để tôi và Khánh rơi vào sự chú ý của những ánh mắt xung quanh. Họ hỏi chúng tôi đến từ vương quốc nào mà trông ngồ ngộ thế. Tôi ngờ rằng họ khen chúng tôi đẹp phần lớn chỉ vì phép lịch sự, do ở đây có quá ít phụ nữ mang dáng vẻ khách mời, chỉ có những thị nữ hoặc người mang rượu là phụ nữ, chính vì vậy sự xuất hiện của chúng tôi với vai trò khách mời phải đặc biệt đến mức nào đó – quả là vậy thật – nên họ muốn tỏ chút thái độ khách khí và quản giao. Chúng tôi bảo mình đến từ một vương quốc ở phía Đông, rất xa thành Athens. Họ gật gù và chúng tôi trao đổi vài câu, xong lại rời đi để tìm Platon trong biển người toàn là những bộ cánh trắng dưới nền tiếng nhạc du dương, cứ như đang dự cuộc gặp mặt của các thiên thần trên Thiên Đường vậy. May mắn làm sao rốt cuộc cả hai lại tìm được Sokrates, từ Sokrates tìm đến Platon có lẽ không khó, chúng tôi hỏi ông với hy vọng muốn biết người học trò của ông đang ở đâu trong bữa tiệc. Bấy giờ, vây xung quanh ông có tầm vài chục con người, ông thì đang ngồi giữa họ và bị rơi vào một cuộc tranh cãi gì đó hình như khá nảy lửa, song việc cắt ngang họ không khó mấy bởi vì dù nảy lửa đến đâu thì họ cũng giữ cách diễn đạt rất chậm và điềm đạm, chừa lại những khoảng dừng đúng lúc. Khánh hỏi Sokrates rằng Platon đang ở đâu, Sokrates bấy giờ mới nghệt mặt ra, như thể chúng tôi đang hỏi điều gì kỳ lạ lắm và ông ta lắc đầu bảo Platon không dự yến hội. Yến hội không có Platon. Khánh vùng vằng nói nhưng chẳng phải lần trước chính Platon đã hẹn gặp mình hay sao. Sokrates, bây giờ tôi mới để ý kỹ ông, đúng là một người hiền triết trí thức, nét mặt thâm trầm và khổ hạnh, bảo có lẽ cô bé này đã nhầm với ai đó, Platon chưa bao giờ tham dự yến hội. Ngay từ đầu, Platon đã không hề tham dự yến hội. Chỉ có Sokrates mà thôi.

Đến đây thì Khánh bối rối, không thể chấp nhận cái khả năng rằng mình đã nhầm lẫn Platon với một ai đó khác. Em đã dự yến hội và nói chuyện với ông ta rất nhiều lần (tôi cố hỏi bao nhiêu lần, nghĩa là bao nhiêu lần em dùng cái chất gây ảo giác này rồi, nhưng Khánh không trả lời) vì thế không có chuyện em đã nhầm lẫn người khác thành Platon và cả hai nói chuyện như được mùa suốt khắp các chủ đề triết học. Sokrates, rất ra dáng một người trưởng tràng và hào hiệp, hỏi rằng mọi thứ có đang ổn không, nếu chúng tôi cần gửi lời nhắn gì cho Platon thì ông có thể giúp, dù sao thì thằng bé ấy (Sokrates gọi Platon là “thằng bé ấy”?) cũng là học trò thân cận của ông. Tôi bèn xua tay, đến lượt mình dắt Khánh đi, bảo với người triết gia rằng chẳng có gì quan trọng đâu, chúng tôi chỉ muốn chào hỏi thôi, rồi nhắc Sokrates về cuộc bàn luận mà cả đám bọn họ vừa bỏ dở và chúc mọi người có một đêm thoải mái – ôi trời, nhớ lại mới thấy tôi đã lịch thiệp và nghiêm túc làm sao trong cái tình huống quá mức nhảm nhí ấy. Và khi đã ở một góc phòng, để Khánh ngồi xuống ghế, tôi mới nói với em rằng em không hề nhận ra một điều quá mức hiển nhiên mà ai cũng biết, em đã bằng một cách vô tình hoặc cố ý đã bỏ qua nó, chính là Platon không hề tham gia buổi yến hội nào cả, ngay cả trong quyển Yến hội của ông, ông cũng không hề tham gia. Nhưng rõ ràng Platon là người viết ra tác phẩm đó, Khánh ngước mắt hỏi tôi. Tôi trả lời thì sao nào, rõ ràng Platon không tham gia yến hội, người tham gia và nói lên các quan điểm để tranh cãi với những viên quan đại thần, các nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại, là Sokrates. Em quên rồi sao, Sokrates mới là người xuất hiện trong Yến hội, chúng ta đều biết trong các tác phẩm của Platon, ông ấy kể câu chuyện về thầy của mình, sao Khánh lại có một nhầm lẫn tai hại đến thế? Khánh hỏi tôi vậy cái người mà em đã nói chuyện suốt bao nhiêu lần, trao đổi bao nhiêu vấn đề kia là ai mới được? Tôi liền nói cho em biết luôn luôn có những người thích ký tên tiền nhân vào bên dưới tác phẩm của mình, rất nhiều ông viết đủ thứ tư tưởng và đề tên Khổng Tử bên dưới, đề tên Trang Tử bên dưới, đề tên Shakespeare bên dưới, đề tên Siddhartha bên dưới. Có nhiều kẻ thích giả mạo tiền nhân để quan điểm của mình được nổi tiếng. Đây là chuyện không hiếm, thời nào cũng có kẻ thích nhét chữ nào miệng tiền nhân cả. Có lẽ người mà em thấy chỉ là một kẻ giả dạng Platon mà thôi.

Thật đáng tiếc khi Khánh, một cô bé đã đọc và thích Ulysses của James Joyce, lại có những lầm lẫn ngây ngô như thế. Song nghĩ lại, nếu là chính tôi trong câu chuyện thì chưa chắc tôi đã tỉnh táo, vả lại nhầm lẫn là chuyện bình thường – làm mọi cách để khiến ta nhầm lẫn là mục đích của kẻ giả mạo cơ mà. Khánh có vẻ suy sụp thật sự và tôi hy vọng chuyện này sẽ không làm em sụp đổ. Tôi nảy ra một ý là cả hai cứ đến bảo với Sokrates lần tới hãy rủ rê Platon đến yến hội, vậy là lần tới chúng tôi có thể gặp được đúng ông ta rồi – thậm chí khi đó tôi còn nghĩ vẫn có “lần tới” mình dùng cái ma dược này.

Thế là Khánh cũng xuôi xuôi đồng ý, phần còn lại của buổi tiệc trôi qua trong sự trầm lặng và tẻ nhạt. Chúng tôi ăn một chút và uống một chút, trong khi mọi người xung quanh đang nâng cốc, nói cười rôm rả và tranh nhau bàn luận những vấn đề khá khó để theo kịp. Hai chúng tôi đã quay lại chỗ của Sokrates, bảo với ông ta là lần tới ở một yến hội khác chúng tôi muốn gặp Platon vì thế hy vọng ông có thể gửi lời, Sokrates hơi bối rối một chút vì chính ông cũng không rõ yến hội lần tới là ở đâu và khi nào. “Yến hội lần tới” là một dịp, một địa điểm quá mơ hồ. Nhưng chúng tôi khẳng định chắc nịch rằng hãy yên tâm, lần tới chúng tôi vẫn sẽ có mặt. Thế là người triết gia lịch duyệt, dù vẫn còn hoài nghi, đã gật đầu đồng ý và bảo mình sẽ số gắng xem sao. Dẫu gì Platon cũng là một tay học trò đồng bóng và chẳng biết đâu mà lường. Tôi chợt nhận ra sự thật rằng Sokrates không hề biết gì về chuyện học trò ông lấy ông ra làm nhân vật trong những tác phẩm triết luận của mình, nhét vào miệng ông đủ thứ tư tưởng mà chẳng biết là của ông thật hay của chính Platon hay là một cái nồi thập cẩm trộn chung cả hai, nhưng tôi không nói với Sokrates chuyện ấy, nghe cứ như một trò mách lẻo trẻ con vậy.

Khi quay trở lại bàn mình, Khánh kể cho tôi nghe những lần trước em đã cùng với tên Platon giả mạo kia nói về chuyện gì. Em đã nghĩ việc rót rượu cho Palton là một vinh dự. Sau đó em khóc và tôi cũng khóc. Thuốc dần tan đi và chúng tôi thấy cả hai đang nằm dưới sàn nhà, không mặc đồ và ôm nhau khóc. Điều hoà chạy ro ro nhưng hai cơ thể đã ướt rượt mồ hôi, dính nhớp lấy nhau, đầu tóc rũ rượi. Mấy ngày sau tôi rơi vào cơn đau đầu khủng khiếp, không phải kiểu đau âm ỉ kéo dài mà nhói lên theo từng chặp. Tôi quyết tâm mình sẽ không thử lại cái món ấy lần nào nữa.

Cô Trầm Bích hỏi thăm tôi có ổn không, dạo gần đây trông tôi cứ nhăn nhó khó chịu, tôi bảo mình đang bị đau đầu. Một cậu trai trẻ trong lớp – cậu này tên Dũng, bảo rằng muốn học tiếng Tây Ban Nha để đọc Don Quijote bản gốc, tất nhiên sau đó còn nói thêm lý do lớn nhất vẫn là hỗ trợ công việc đặc thù liên quan đến công tác dài hạn bên Chile – đưa tôi thuốc giảm đau, tôi bảo mình đã uống panadol rồi nhưng cậu bảo đây là loại khác, và chắc chắn công dụng sẽ tốt hơn. Tôi nghe lời cậu và uống chúng, quả thật tầm mười phút sau cơn đau đầu đã mất biệt, thần kỳ đến mức quái lạ và đáng ngờ, nhưng cậu chàng chỉ bảo miễn thuốc hợp với người thì sẽ khỏi thôi, cậu ấy cũng chỉ dùng loại này. Cô Trầm Bích nói gì đó đại loại như không nên lạm dụng thuốc giảm đau, đặc biệt là những loại uống vào một phát là trở lại bình thường như thế. Đồng thời, cô Bích cho chúng tôi một danh sách từ vựng tiếng Tây Ban Nha về các triệu chứng bệnh tật thường gặp, như cách một giáo viên ngoại ngữ sẽ làm khi gặp tình huống tương tự.

Từ đó thì chứng đau đầu không quay trở lại nữa, đến mức tôi đã quên khuấy mất mình đã bị đau đầu kinh khủng sau khi dùng thuốc với Khánh, để rồi lần sau tôi lại tiếp tục thử. Lần tiếp theo này không phải Khánh rủ mà chính tôi mở lời. Khánh đồng ý và một lần nữa cả hai chúng tôi đến một buổi yến hội khác. Lần này kèn trống tưng bừng hơn, vẻ nên thơ trữ tình với những chậu hoa ly thanh tú khi trước đã nhường lại cho những bông hoa thược dược, hồng môn, cẩm tú cầu rực rỡ, có vẻ đây là một yến hội ăn mừng chiến thắng của đội quân Athens hạ một cái thành nào đó của địch. Dù chúng ta đều biết, Athens chưa bao giờ là một thành đô dũng mãnh kiêu hùng, nó là một thành đô tri thức hiền minh thì đúng hơn, nên nó mới phải sụp đổ, song lâu lâu các đội quân cũng có đôi ba chiến công đáng ăn mừng. Họ nâng cốc chúc tụng nhau và nói cười ngả ngớn, xung quanh là những người hầu tung cánh hoa ăn mừng. Chúng tôi đứng ngây ra, choáng ngợp một phen. Lần này, rất nhanh chóng, chúng tôi tìm được Sokrates – luôn luôn dễ dàng tìm ra Sokrates, ông ta lúc nào cũng là trung tâm của sự chú ý, được vây quanh bởi đông đảo các đồng môn, bè bạn – và hỏi ông liệu Platon có đến đây hôm nay không. Sokrates gật đầu bảo Platon đã đến đây với mình, nhưng chẳng biết thằng bé trốn đi đâu mất rồi. Tôi bắt đầu thích cách mà Sokrates gọi Platon là “thằng bé”, như thể dù chúng ta có vĩ đại đến mức nào, to con lớn tướng ra sao thì vẫn luôn là đứa con bé nhỏ của mẹ chúng ta, vĩnh viễn đến tận cùng thời gian và trong muôn ngàn thế giới.

Thế là chúng tôi lại phải thực hiện cách cũ: hỏi từng người Platon đang ở đâu. Một nữ hầu đang mang trên vai một cái bình bằng bạc đầy rượu chỉ cho chúng tôi chỗ ngồi của Platon. Cô nàng này nháy mắt với tôi và Khánh, khiến cả hai điêu đứng, tôi bảo với Khánh là phụ nữ Hy Lạp cổ đại trông cũng được đấy chứ và em đồng ý, dù vẫn bĩu môi gọi tôi là “bà chị lăng nhăng”. Chúng tôi tìm thấy ông ở một góc phòng tiệc, đúng như dáng vẻ một người chẳng bao giờ đến những yến hội kiểu này nên thành thử chẳng quen ai, chỉ đành bối rối rút mình vào một góc. Tôi và Khánh mừng rỡ, đến làm quen với ông. Lần này thì Khánh rõ ràng có niềm tin hơn, em bảo trông người ấy quả thật giống với tưởng tượng của em về người đã viết nên Cộng Hoà – dù tôi nghi ngờ đây chỉ là một thứ cảm giác mang tính thời điểm, do ảnh hưởng từ sự chắc chắn của tôi, Sokrates và cô nữ hầu hấp dẫn vừa nãy. Platon hỏi chúng tôi là ai mà trông lạ thế, tôi và Khánh bắt đầu giới thiệu về mình, nghe xong cơ mặt Platon có vẻ dãn ra. Sau đó thì mọi chuyện suôn sẻ hơn rất nhiều, Khánh kể lại tất cả từ việc mình đã bị lừa bởi một Platon giả mạo nào đó trong dòng lịch sử, việc rủ rê tôi đến đây và bao nhiêu là vấn đề em đã bàn luận với kẻ mạo danh kia. Trong khi ấy, tôi đứng bên cạnh và rót rượu cho hai người họ, lắng nghe họ nói chuyện trong những tiếng đàn lia, tù và, trống da bò và cả những cánh hoa vương trên vạt áo chiton. Tôi để cho họ trao đổi thoải mái và xem mình chỉ là một người rót rượu chiêu cả hai. Trước khi đến đây, Khánh sợ Platon thật sẽ trò chuyện không hợp với em như cái người Platon giả kia, nghĩ đến việc phải làm quen lại với ai đó từ đầu khiến em kiệt sức và lo ngại, nhưng bây giờ có vẻ mọi thứ đã ổn, Platon thật cũng là một người thân thiện, hoà ái và dễ nói chuyện. Tôi đã nghĩ lỡ như chúng tôi thất bại với Platon thật thì sao? Liệu việc kéo Khánh ra khỏi một Platon giả – vốn là người đã rất hợp với em – để đưa em gặp một Platon thật quá gây thất vọng, thì có giống như đang đập tan một giấc mộng nào đó. Song, điều đáng lo ngại ấy đã không diễn ra và chúng tôi đã ở đây. Mọi thứ đã an toàn, đáng để hài lòng.

Hai người họ nói với nhau những điều gì thì nay tôi không còn nhớ rõ nữa, hẳn là về những trước tác của Platon, rõ ràng là dễ hiểu hơn nếu một kẻ ở hậu thế đến gặp tiền nhân để hỏi về những tư tưởng do chính họ viết. Tôi chỉ nhớ là mọi thứ diễn ra hết sức êm đẹp, phải, có lẽ không phải câu chuyện mà cảm giác do câu chuyện ấy đem đến mới là thứ sẽ còn lại cuối cùng sau bao nhiêu năm tháng. Thậm chí tôi còn có ấn tượng rằng Platon, bằng những cái nhìn đầy ngụ ý, thể hiện ông rất coi trọng cung cách ứng xử của tôi, khi tôi quyết định lùi lại như một nhân vật phụ để nhường sân khấu cho bạn đồng hành. Khiêm cung, đó chính là biểu hiện được đánh giá cao trong mắt những con người thông thái, chứ không phải sự bóng bẩy tranh nhau nói. Cuộc nói chuyện không biết là kéo dài bao lâu nhưng chắc chắn rất lâu, cho đến qua nửa đêm và tiệc dần đi vào hồi kết thúc, Platon có vẻ cũng đã thấm mệt nên tôi bảo với Khánh là như thế đã đủ rồi. Chúng tôi tạm biệt Platon và nắm tay nhau len qua vô số thân người, nay đã có đôi chút rũ rượi và vãn bớt. Tôi đã không chú ý điều chỉnh lượng rượu nên rõ ràng là lỗi của tôi khi Khánh có vẻ đã say khướt và bắt đầu hành xử kỳ quặc. Nhưng Khánh khi say lại rất đáng yêu, nũng nịu như một chú mèo nên tôi không khó chịu cho lắm. Chúng tôi ra bên ngoài sân vườn, ngồi trên một lan can thạch cao để hóng gió và ngắm bầu trời khuya.

Đến giờ chúng tôi mới biết là yến hội không chỉ diễn ra trong sảnh chính mà bên ngoài sân vườn cũng có, tuy không phải kiểu như bên trong mà mang không khí vui tươi và thả ga hơn. Nhưng lúc này cả hai gần như không còn chút sức lực và tâm trí nào nữa, chỉ ngồi một chỗ ngắm nhìn những trò vui. Tôi và Khánh trò chuyện, được dăm ba câu thì chủ đề lệch đi theo hướng khác vì em ấy hoàn toàn không còn nắm bắt được gì nữa, thế nên tôi cũng đành ngưng. Trên bầu trời ngập tràn những ngôi sao lấp lánh, thậm chí tôi đã nhìn thấy dáng vẻ của dải ngân hà, kéo một đàn tinh tú như một dải sữa ngồn ngộn. Tôi nhớ kỹ đến thế là vì ở thành phố tôi rất hiếm khi nhìn thấy sao, dù tôi đã nhiều lần cố gắng tìm kiếm chúng nhưng cùng lắm tôi chỉ thấy được một hai ngôi sao sáng nhất. Tôi đã không thể tin có một bầu trời đêm như thế, nó gần như là một cảnh tượng vô lý và có thể nó vô lý thật, vì tất cả vốn chỉ là một cơn phê pha kéo quá dài do khói thuốc.

Đến đây thì mọi thứ bắt đầu tệ dần và kết thúc không hề tốt đẹp như cách nó đã bắt đầu. Tiếng động xung quanh: dàn nhạc, tiếng nói cười, ca hát, tranh luận, bát đĩa leng keng và hô hào nâng ly chúc tụng, bỗng nhiên trở nên không thể chịu nổi. Chuỗi âm thanh xung quanh trước đó vài giây còn ở ngưỡng chịu được, nay đã vượt ngưỡng lúc nào không hay và tai tôi ù đi, đầu đau như búa bổ theo từng tiếng gào gú bên ngoài. Cuối cùng là cơn buồn nôn xộc lên, không phải vì tôi đã lỡ uống nhiều rượu – thực chất thì tôi không hề uống rượu mà chỉ rót cho Khánh và Platon để họ có cái nhấm nháp trong lúc nói chuyện thôi, cũng không phải vì bao tử quặn thắt, nó là cảm giác buồn nôn do các yếu tố bên ngoài làm ta khó chịu.

Mê dược dần tan đi và tôi với Khánh hồi tỉnh, nằm ôm siết lấy đối phương và cạ cơ thể vào nhau, cả hai thở hồng hộc nhìn người bên cạnh, nay đã mướt mồ hôi và bơ phờ mặt mũi y hệt mình. Tôi là người buông em ra trước để chạy vào nhà vệ sinh, nôn thốc nôn tháo hết những gì đã ăn trong ngày hôm đó.

Khi thuốc tan đi, mọi thứ thật kinh khủng không chịu đựng nổi. Với Khánh thì có lẽ em đã quen dần và thoải mái hơn, dù tôi tự hỏi quen dần là quen dần thế nào, con người không nên quen dần với đau đớn, bởi vì đau đớn là tín hiệu thông báo cho ta biết có điều gì đó không ổn, con người không được phép quen dần với nó, nếu thế thì ta sẽ bỏ qua những cảnh báo quan trọng mất. Sau khi nôn hết những gì có thể nôn ra xong, tôi ngồi phịch xuống sàn nhà vệ sinh và thở hồng hộc, cảm giác mát lạnh của sàn nhà truyền qua lớp da thịt trần của tôi như thể tôi đang ngồi trên băng đá. Mùi chua loét của chất nôn vẫn còn đầy trong khoang mũi và miệng, tôi nhắm mắt lại để tập trung vào giây phút hiện tại, kìm mình trước những cái đau cả vô hình lẫn hữu hình. Chẳng hiểu sao phải đến lúc đó tôi mới nhận ra những thứ này không hề ổn tí nào, và bằng cách thức gì tôi đã để bản thân trượt vào giữa chúng?

Tôi cảm thấy như cứt.

Song, quyết tâm từ bỏ của tôi chưa lên đến đỉnh điểm trong ngày hôm đó. Dù sao chính tôi là người đã mở miệng bảo rằng mình muốn thử lại với Khánh trước, nghĩa là mọi chuyện xảy ra có một phần lỗi do tôi, tôi đã tự tìm đến. Mong muốn được gặp Platon của tôi là thật, thúc bách và mãnh liệt, không thể chối cãi điều ấy. Nhưng sau đó tôi đã tự biết những dấu hiệu không ổn của cơ thể của mình và dừng lại, tuy nhiên không đưa ra bất kỳ dấu hiệu đoạn tuyệt nào với thứ chất bột hãi hùng của Khánh, cũng không bảo em hãy ngừng sử dụng nó. Tôi không chắc về sau em ấy dùng chất cấm với tần suất thế nào, tôi hy vọng là không quá nguy hiểm, cũng không biết vào những lần không có tôi thì em có lại được gặp Platon hay không, cả hai người họ trò chuyện về điều gì và ai sẽ thay tôi rót rượu cho cả hai – sau này tôi có hỏi thì Khánh bảo chính em ấy vừa rót vừa bồi tửu với Platon luôn, ít ra tôi đã không bị thay thế bởi một nữ hầu quyến rũ nào đó và em còn bảo Platon cũng có nhắc đến tôi, gọi tôi là một người đàn chị “quý báo” với vai trò một người dẫn dắt khai tâm song có điều gì đã ngăn cản tôi chạm vào thành công với vai trò ấy, tôi bấy giờ không hiểu rốt cuộc Platon có ý gì khi nói về mình như vậy, nhưng đến giờ, khi mọi thứ đã quá muộn màng thì tôi dần hiểu ra.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout