Chúng tôi lại sờ soạng nhau và làm tình thêm một lúc nữa, bên dưới tôi đêm hôm đó cực kỳ ướt át, hơn mọi khi, còn với Khánh thì tôi không rõ so với mọi khi thì thế nào, nhưng có vẻ cũng ổn. Sáng hôm sau Khánh không có tiết học, cô nói khi đã đến giai đoạn làm đồ án rồi thì chỉ còn những môn thiếu nợ cần phải trả thôi, nhưng bình thường Khánh cũng không để mình nợ môn, nên so với bạn bè thì giờ cô có thể thoải mái về giờ giấc, tất nhiên áp lực từ cái đồ án vẫn luôn treo lơ lửng trên đầu. Chúng tôi xuống nhà kiếm đồ ăn sáng, rồi lại quay về phòng cô, Khánh bảo tôi cứ ở lại bao lâu tuỳ thích nhưng tôi nghĩ mình đã thoải mái hơi quá mức cho phép. Cô mở file đồ án lên cho tôi xem, tuy không thể tiết lộ tất cả nhưng chia sẻ một chút ít thì vẫn ổn. Đến lúc này khi nhìn thấy logo trường cô tôi mới biết cô là sinh viên trường nào, trước đó thì cô không nói rõ tên trường. Bên cạnh bàn vẽ là một kệ sách lớn, chất đầy sách, tối hôm qua khi đến đây tôi đã để ý đến cái góc này đầu tiên. Căn phòng trông cứ như một thế giới rất nhỏ của một cô nàng tiểu thư vậy – so sánh này có vẻ kỳ quái đối với ai đó khác, nhưng với tôi thì nó đủ ổn. Tôi xem những bức phác thảo ý tưởng của cô sinh viên sắp tốt nghiệp và suy nghĩ đến ngay lập tức trong đầu là chúng quá ưa nhìn, ấn tượng và lộng lẫy, Khánh có vẻ đã xử lý tốt những ý tưởng trong đầu mình, song đấy không phải là kiểu ấn tượng của Ulysses, chúng quá… an toàn? Mọi thứ lệch khá xa với tinh thần của tác phẩm được chọn.
Tất cả chỉ là cách cảm nhận của cá nhân tôi, mỗi người sẽ có một James Joyce cho riêng mình, một Ulysses cho riêng mình, thế nên ý kiến của tôi gần như có thể nói là hoàn toàn phiến diện. Chưa kể tôi còn là người ngoài ngành, không có chuyên môn về mỹ thuật hay hội hoạ, thậm chí gu thẩm mỹ của tôi cũng không thuộc hàng cao cấp là bao, thế nên tôi khó mà nhận xét một sản phẩm minh hoạ sách – một thứ gắn liền với tính thương mại, mô phỏng, phục vụ cho đối tượng chính là tác phẩm gốc cùng hằng hà sa số những luật lệ cần tuân thủ mà dân trong nghề mới rành. Thế nên tôi rất tiết kiệm lời nhận xét, tôi chỉ bảo rằng tranh của Khánh rất tuyệt, nhưng không phải tinh thần của Ulysses, liệu cô có thể nghĩ đến một phong cách nào đó ấn tượng hơn, thậm chí là méo mó và gây sốc hơn. Đến đây thì tôi biết rằng mình đang xúi dại cô bé, hơn hết là cô đang cần điểm, nếu cô chọn một hướng đi quá phá cách, độc đáo và gây sốc thì rất “được ăn cả ngã về không”, tôi không chắc liệu cô có được hội đồng giảng viên đánh giá tốt hay không. Dẫu sao thì, nhìn con đường Ulysses đã phải trải qua để trở thành một kiệt tác văn chương, ta có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm cho cuộc đời mình, rằng nếu có đủ may mắn chúng ta sẽ thành người hùng, còn nếu xui xẻo ta sẽ bị thoá mạ, đay nghiến và bị cấm cản. Chính vì vậy mà tôi xua tay, bảo rằng mình thật ngốc, Khánh đừng nghe tôi. Nhưng Khánh lại cảm thấy ý kiến của tôi rất quan trọng, vì thực ra chính cô bé cũng cảm giác giống như vậy: loạt tranh minh hoạ này không đủ Ulysses, thậm chí còn không đủ James Joyce, nhưng cô không biết làm cách nào để cân bằng, vẫn đủ điên rồ nhưng không chỉ có mỗi điên rồ. Tôi rất thích cách Khánh diễn đạt, một tác phẩm nghệ thuật có thể điên rồ nhưng nó không thể “chỉ có mỗi điên rồ”.
Trong lúc đó, tôi xem qua kệ sách của Khánh. Số sách của cô xêm xêm với số của tôi, nghĩa là khá nhiều và đủ gây ấn tượng với những ai chẳng mấy khi đọc sách. Có hẳn một dải kệ riêng dành cho sách về Triết học, Tôn giáo, Lịch sử… Tôi thấy có vài quyển của Platon, đặc biệt có một quyển nằm riêng, đặt đứng lên và hướng toàn bộ bìa ra ngoài, dựa vào những gáy sách phía sau, như được chọn để trưng bày trịnh trọng. Tôi lấy nó xuống và xem thử, quyển ấy khá mỏng và ngay khi cầm lên, chưa cần đọc chữ trên bìa là tôi có thể nảy ra một số cái tên bằng cách loại trừ về mặt dung lượng. Đó là quyền Yến hội, một tập đối thoại triết học – vốn là lối viết quen thuộc của Platon. Tôi hỏi Khánh đã đọc hết quyển sách này chưa, cô bảo mình đã đọc rồi nhưng vì bản dịch tệ quá nên chẳng hiểu mấy, cô đang kiếm bản tiếng Anh và thử đọc lại lần nữa. Tôi gật đầu thấu hiểu, khả năng dịch thuật, đặc biệt là sách chuyên ngành Triết học ở nước mình cứ thế nào ấy. Hồi trước tôi cứ tưởng là chúng vốn được viết khó hiểu và từ ngữ lôm côm như thế ngay trong bản gốc, nhưng khi mò đọc bản tiếng Anh tôi mới tá hoả nhận ra rằng thực chất chúng dễ đọc hơn mình tưởng, vậy là dẫn đến một tình huống buồn cười khi bản dịch tiếng Việt mà người Việt đọc không nổi, phải kiếm bản tiếng Anh đọc mới hiểu được rõ ràng. Yến hội là một tác phẩm rất đặc biệt của Platon, hay có thể nói là đặc biệt trong số các tác phẩm triết học Hy Lạp thời ấy (tôi đã đọc đủ nhiều để đưa ra kết luận này chưa nhỉ?). Về cơ bản, nó là một cuốn sách bàn luận về tình yêu, mà với một người như Platon thì rõ ràng quan điểm về tình yêu của ông chẳng thể giống với người bình thường được. Có lẽ đám triết gia đều thế cả. Nếu muốn biết tình yêu là như thế nào thì nên đọc những nhà văn, nhà thơ là tốt nhất. Khánh bảo rằng ước gì thời nay có tổ chức những buổi yến hội, cô cũng muốn được rót rượu mời Platon và nói chuyện với ông ấy. Tôi không thể tưởng tượng được cảnh đó, thứ nhất bởi vì chốn yến hội không dành cho phụ nữ chúng tôi – lại một điều nữa, hồi xưa từng có thời tôi nghĩ Platon đồng tính bởi vì ông thích khắc hoạ những buổi trò chuyện và tranh cãi giữa một đám đàn ông với nhau, mà vào thời ông ta sống thì đồng tính cũng bình thường thôi, sau này tôi mới biết lý do chỉ đơn giản bởi vì phụ nữ thời Platon không có đủ tư cách cũng như cơ hội để có thể bàn đến những chủ đề mà sách của ông đang bàn, nhưng dẫu sao thì quan điểm của tôi về việc Platon là một tay đồng tính nam vẫn không thay đổi, đấy lại là một kiểu cố chấp khác. Và lý do thứ hai thì sâu xa hơn, tôi nghĩ có lẽ mình không thích những buổi yến hội, nơi người ta đem những câu hỏi triết học ra thảo luận, dù biết mình đang quá ưu ái cho khoa học-kỹ thuật mà xem thường xã hội nhân văn, nhưng quả thực sống trong bầu không khí như cái xã hội hiện tại, tôi không thể tránh được lối suy nghĩ theo định hướng ấy.
Tôi bước đến cửa sổ, trong lúc nghe tiếng bút cảm ứng của Khánh gõ lạch cạch lên bản vẽ, tôi nhìn xuống đường và thấy bên ngoài vắng hoe dù chỉ mới 9 giờ sáng, song có lẽ khu này đã luôn luôn vắng lặng như thế rồi. Những ngôi nhà đóng cửa im thin thít, có lẽ chỉ toàn nhà ở chứ không có hàng quán, dù có người ở nhà hay không thì người ta đã quen với việc cửa đóng then cài. Khánh ở trong một khu trọ khá tiện nghi, phòng ốc ổn mà giá thuê lại rẻ, tôi nghĩ có thể mình sẽ xem xét khu vực này nếu tương lai có thật sự cần chuyển sang nơi ở mới. Dù vậy, viễn cảnh chuyển khỏi ngôi nhà tôi đã ở quá lâu cùng với Phương vẫn có cái gì đó thật ghê sợ và việc chuyển đi vào lúc này cũng hơi kỳ quặc, dù với lý do gì đi chăng nữa. Tôi tưởng tượng đến một buổi yến hội thời Hy Lạp cổ đại, trong một không gian đầy những cá nhân ưu tú, giỏi giang và thông thái, mỗi người một lĩnh vực và họ chất vấn nhau hết chuyện này đến chuyện nọ, công kích quan điểm của nhau, bài bác quan điểm của đối phương và bảo vệ luận điểm của chính mình, không phải để đi đến thống nhất (chúng ta đều biết thống nhất quan điểm là một mục đích ngu ngốc) mà để có cái suy tư. Buổi tiệc với rượu, đồ ăn, những con người đứng ngồi nằm và hoa trái, dàn nhạc, thơ ca, những lời tán dương và những câu hô hào. Hình ảnh của những buổi tiệc hoàn hảo, nơi thảo luận về những điều mà ngày nay có lẽ dễ bị xem là ngu ngốc (không phải vì những vấn đề ấy ngu ngốc mà chúng ta mới là kẻ ngu ngốc).
Platon không đến yến hội, mọi buổi yến hội và mọi cuộc thảo luận đều là Sokrates, Sokrates luôn luôn trở thành biểu tượng phát ngôn của Platon, Platon luôn dùng hình ảnh thầy mình như một cái lốt để nói lên quan điểm của mình. Tôi không rõ như thế là hay hay dở, có lần tôi đã thảo luận với người khác về việc này nhưng chẳng ai thuyết phục được tôi ngả về một hướng duy nhất. Tất nhiên đó vẫn là những giá trị của Platon, và nếu ca ngợi thì ta sẽ ca ngợi Platon, nhưng hình ảnh của Sokrates vẫn luôn án ngữ ở đó, như một lớp da mỏng mà muốn đào sâu ta phải lột sạch nó ra. Tôi tưởng tượng về Eros, với vẻ dịu dàng đằm thắm của một vị thần, hồi xưa tôi đã có lần yêu Eros khi nhìn thấy bức tượng tạc cậu. Mãi sau này mới biết mình yêu cậu ta như yêu một biểu tượng hơn là một con người thật sự.
Một lúc sau tôi tạm biệt Khánh và quay về nhà. Chúng tôi đã có số liên lạc của nhau, từ đó cũng gặp gỡ và ăn uống khá thường xuyên, làm tình cũng thường xuyên nốt. Tôi biết rằng Khánh không phải kiểu hay đi săn lùng các chị đẹp, đêm gặp tôi cô chỉ thả mình một chút vì buồn chán và dần dần thấy tôi cũng thú vị và ưng ý. Tuy nhiên về phương diện ăn chơi thì Khánh cũng đáng nói. Cô thường xuyên nhận đơn vẽ thuê từ rất nhiều khách hàng, vẻ liên tục không ngừng nghỉ và tiêu sạch tiền kiếm được ngay lập tức, như kiểu tay này cầm tiền là tay kia tiêu sạch, có khi khốn đốn lại phải mượn của bạn bè rồi kiếm được bao nhiêu phải trả nợ hết bấy nhiêu. Tiền nhà và ăn uống cơ bản thì gia đình Khánh vẫn hỗ trợ, chỉ riêng những thú tiêu khiển đắt đỏ thì phải tự lo. Tôi choáng váng trước số tiền Khánh đã bỏ ra cho sở thích hoá trang thành cách nhân vật hoạt hình, dù theo Khánh nói thì con số này chẳng đáng bao nhiêu nếu so với những người cực kỳ đam mê khác trong cộng đồng của họ. Việc đổ tiền vào sở thích này không đáng quan ngại, tôi đánh giá nó khá lành mạnh, cái không lành mạnh là ở những thứ khác. Khánh đi bar đi club rất nhiều và chơi bời khủng khiếp, dù cô bảo mình biết điểm dừng nhưng tôi nghi ngờ về cái điểm dừng đó của cô. Đôi lần tôi muốn kéo cô ra nhưng tự thấy bản thân bắt đầu tọc mạch, nhiều chuyện và không khác gì mấy bà cô già thích kiểm soát là bao, thế nên tôi cũng thôi và chỉ quan sát Khánh với những đêm vạ vật vì cồn và thuốc lá điện tử.
Tôi quay lại với những buổi học tiếng Tây Ban Nha. Không phải vì đã có động lực đến lớp hay đã xoá bỏ căng thẳng thành công, không có gì biến mất cả và tần suất khóc của tôi vẫn dày đặc, những vấn đề và những điều vô hình vẫn còn ở đó. Song việc nghỉ một buổi học đối với tôi là chuyện hiếm khi, thế nên chỉ nghỉ một ngày thôi đã đủ làm tôi cảm thấy có lỗi rồi, không thể cho phép mình nghỉ thêm nữa. Những khó khăn trong việc học ngoại ngữ với tôi vẫn thế, không khá hơn chút nào, tôi cứ cố gắng theo lộ trình và bắt kịp mọi người, đến giai đoạn sắp phải thi lấy bằng A1, tôi càng trở nên căng thẳng hơn bởi phần thi nói, tôi sợ mình không nói được gì trước mặt giáo viên chấm bài và quả thực phần nói của tôi rất tệ, nhưng bằng cách nào đó tôi vẫn qua, dù số điểm không cao lắm. Ngày thi xong, tôi có nói chuyện với một cô bé cùng lớp, cô bé là sinh viên năm nhất, học tiếng Tây Ban Nha rất giỏi và tôi nghĩ cô bé có lẽ cũng đã giỏi tiếng Anh sẵn, cô tên Huyên. Huyên bảo rằng mình đã lo lắng mất ăn mất ngủ, chẳng dựa vào đâu cả nhưng Huyên có cảm giác mình không thể làm tốt bài thi được. Tôi ngạc nhiên vô cùng bởi vì nếu tôi là Huyên có lẽ tôi sẽ xách người đi thi mà chẳng phải lo lắng bất an gì cả. Nhưng cô bé nói không có đâu, cô cũng rất sợ những bài kiểm tra, những bài thi và việc học một thứ gì đó, mỗi người đều có một áp lực riêng. Đêm đó tôi về nhà và lại khóc một chặp nữa. Dần dần, có vẻ việc khóc không còn có tác dụng như trước, hồi trước mỗi lần khóc xong tôi sẽ thấy nhẹ lòng hơn, gần như là một cách giải quyết cảm xúc rất hiệu quả, đầu óc tôi sẽ tỉnh táo và lấy lại sự cân bằng, cứ như việc xả nước mắt ra ngoài đã giúp tôi sáng suốt để sắp xếp lại mọi thứ. Nhưng nay tôi không thể nào tìm lại được cảm giác nhẹ nhõm sau khi khóc như thế nữa, thậm chí còn tệ hơn là chỉ thấy mình nặng nề, kiệt sức và ngày càng lún sâu vào những suy nghĩ tiêu cực hơn. Tất nhiên suốt khoảng thời gian này tôi vẫn qua lại liên tục với Khánh.
Những cuộc làm tình giữa chúng tôi luôn luôn mãnh liệt, tôi không nhớ có phải tất cả đều thế hay không nhưng rõ ràng bây giờ khi nhắc lại thì tôi chỉ nhớ đến sự mãnh liệt của Khánh. Chúng tôi làm tình rất lâu, giống như những cặp đồng tính nữ khác, nghỉ mệt một chút rồi lại cuốn lấy nhau, cứ vậy suốt vài tiếng cho đến khi mệt lử và lăn ra ngủ. Chỉ duy một điểm đặc biệt là Khánh không thích dùng dụng cụ hỗ trợ, cô nói chúng quá kinh tởm để tiến vào người cô, quá nồng mùi nhựa và cực kỳ vô hồn, u ám. Tôi không chắc ý cô là gì nhưng tôi thấu hiểu khi một người bảo họ không thích dùng đồ giả. Chúng tôi vẫn lên đỉnh bằng những hình thức khác và chất lượng vẫn không thua kém. Về sau thì tần suất nghiện rượu, bị vật cồn tăng lên và mùi thuốc lá điện tử ở Khánh càng nồng hơn, đôi khi cô gặp tôi với vẻ nặng nề khó chịu, đến tầm nửa đêm cô lại phải chạy vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo, ngã vật trước bồn cầu. Tôi biết Khánh bắt đầu có nhiều dấu hiệu không ổn, cô mượn tiền bạn bè nhiều hơn và phải thức đêm cày cuốc để trả lại số tiền ấy. Khách hàng đến đặt tranh của Khánh rất đông, một điều hết sức may mắn, nhưng không phải lúc nào cô cũng kham nổi.
Trong giai đoạn này, cũng có lúc Khánh qua nhà tôi, bấy giờ Phương đã ổn hơn một chút, chỉ một chút thôi nhưng nhờ vậy tôi không còn quá lo lắng cho cô bạn nữa, cuộc ghé thăm của Khánh cũng không bị bất cứ điều gì cản trở. Phương cũng khá thích Khánh, hay người họ thân nhau rất nhanh và nhiều lần cả ba chúng tôi thường đi ăn uống ở Hadilao, Meat and meet, Hanuri hay Pizza Hub, những địa điểm ăn uống vừa túi tiền thôi. Ban đầu tôi còn sợ Phương sẽ không thoải mái khi tôi dẫn người về thường xuyên như vậy, trước đây từng có một lần và tuy cô bạn không nói gì song ở phía tôi vẫn có cảm giác hơi ngượng, tuy nhiên đến Khánh thì khác, không khí cô bé mang lại cực kỳ thoải mái, đến mức đôi khi Phương cũng thú nhận rằng chuyện này có vẻ kỳ lạ. Phương từng đặt Khánh một bức tranh chân dung vẽ chính mình, với phiên bản hoạt hình theo lối manga, chibi hay biếm hoạ hoạt hình gì đó. Phương rất ưng ý và ngoài tiền tranh cho Khánh thì cô còn thết đãi cả hai chúng tôi một bữa ăn ra trò. Phải khá lâu kể từ khi chuyện đổ vỡ với anh chồng hụt diễn ra, Phương mới lấy lại nét tươi tỉnh ngỡ như đã đánh mất, thậm chí tôi đã dần quên biểu cảm vui vẻ trên mặt Phương trông như thế nào cho đến gần đây khi cô mỉm cười trở lại. Với Phương thì Khánh là một người khách đến chơi nhà không thể chê được, điều đó cũng tốt cho những cuộc gặp gỡ giữa tôi và Khánh.
Nhưng tình trạng của Khánh ngày càng khủng khiếp hơn và có một đêm, khi thấy cô đã ở trong nhà vệ sinh quá lâu và tôi gọi cô không đáp, tôi đến đẩy thử cánh cửa thì thấy cô đã nằm ra sàn. Tôi tốt hoảng chạy đến, lay người cô, thậm chí còn thử hắt nước lạnh, lát sau thì cô dần tỉnh lại và tôi thở phào nhẹ nhõm, dìu cô vào giường. Khánh nhẹ cân khủng khiếp dù từ trước đến nay cô vẫn luôn thuộc tuýp mảnh khảnh, thậm chí ngấn mỡ ở eo cô, thứ mà tôi rất thích nắn bóp cũng đã biến mất và đêm đó là lần đầu tiên tôi nghĩ mình có thể dùng từ “hốc hác” để tả về cô. Tôi hỏi cô bình thường có ăn đủ bữa không và Khánh nói thật tình cả ngày nay mình chẳng bỏ gì vào bụng, ngoài rượu và một ít trái cây, một miếng bánh ngọt và một mẩu cơm cháy của ai đó. Hồi nãy ở trong nhà vệ sinh Khánh chẳng nôn ra được gì cả, chỉ có một thứ mật xanh ám vàng sền sệt. Tôi hỏi cô vì sao lại vậy, sao lại nhịn ăn, trong khi biết rõ ràng không có câu trả lời nào cho câu hỏi đó. Một người nhịn ăn nếu không phải vì đang ăn kiêng thì chỉ có khả năng là không thể ăn được, không thể nuốt nổi thức ăn, do tâm lý hoặc sức khoẻ. Đa phần những người kén ăn không cách nào giải thích được vì sao mình lại bỏ bữa. Khánh nói cảm giác đói bụng làm cô tập trung hơn. Khi cơn đói đến, cơ thể cô luôn phải gồng lên để chống chịu với nó và vì thế cô trở nên cực kỳ chú tâm, cô đã quen với trạng thái ấy rồi và nếu không có những trạng thái phải gồng mình như vậy, sẽ rất khó để cô tập trung cao độ. Tôi lắc đầu bảo cô không cần phải tập trung cao độ, chỉ cần tập trung bình thường là được, chỉ cần tập trung trong khả năng của bản thân để làm số lượng công việc phù hợp với một người bình thường, không nhất thiết phải “tập trung cao độ” như những nghệ sĩ khác, ý tôi đang nhắc đến những tay nghệ sĩ cần đến chất kích thích để sáng tạo. Tôi thừa biết lời khuyên của mình sẽ chẳng có tác dụng gì.
Đêm đó chúng tôi chật vật để ngủ một chút. Sáng hôm sau tôi đi ăn cùng Khánh để đảm bảo em có ăn một cái gì đó, nhưng tôi không thể quản lý em cả đời được, không thể kè kè nhắc em hãy ăn uống đầy đủ như một người yêu thực thụ – ý nghĩ này làm tôi chạnh lòng và tôi tự nhủ mình tiêu tùng mất thôi. Khánh ăn rất ít, tôi phải ăn tiếp em gần cả nửa phần cơm, nhưng ít ra thì em cũng đã ăn gì đó, tôi chỉ sợ dù có ngất đi vì đói thì em ấy cũng nhất quyết nhịn thêm bữa sáng hôm nay, nếu không có tôi ép. Vài ngày sau, tôi nói với Phương về vấn đề của Khánh. Phương cũng lo lắng, cô bảo với tôi rằng chúng tôi chẳng thể nào giúp Khánh mãi được, nếu em ấy có muốn đến nhà chúng tôi ăn uống thì cứ thoải mái thôi, nhưng đó không phải cách giải quyết triệt để. Vả lại, Khánh ở một mình và điều này dẫn đến việc sinh hoạt không điều độ. Chẳng được bao nhiêu người trưởng thành một cách suôn sẻ cả, đa phần chúng ta đều thất bại trong quá trình ấy, Phương nói. Đêm đó, khi nhớ lại mấy lời này, giữa buổi học tiếng Tây Ban Nha, tôi đã phải đợi đến lúc được nghỉ giải lao để vào nhà vệ sinh và khóc như một con rồ. Lúc đó, cô bé Huyên cũng ở trong nhà vệ sinh, nghe tiếng tôi khóc thì cô biết ngay – tôi không rõ là do giọng của mình dễ nhận dạng hay sao. Huyên đến gõ cửa phòng, gọi tôi và bảo có vấn đề gì không, em có thể giúp được gì không? Tôi nói rằng mình không sao cả, khóc một lát rồi sẽ ổn thôi, Huyên thật tử tế. Tôi ước gì Huyên sẽ có quá trình trưởng thành thành công hơn tất cả chúng tôi, cô bé sẽ tìm ra hướng đi đúng, không bị thất vọng với thế giới này, trở thành một người lớn mà không vỡ mộng. Tôi không thể tưởng tượng được hồi bằng tuổi Huyên mình trông như thế nào. Sau đó tôi quay lại lớp và cả hai chị em xem như không có gì xảy ra cả. Tôi đã kiểm tra kỹ khuôn mặt mình trong gương, trước khi ra khỏi nhà vệ sinh.
Gần như cả ngày tôi cứ đi đây đi đó, cố để không tiêu quá nhiều tiền, chỉ quanh quẩn ngắm thứ này thứ nọ để kiếm cái mà nghĩ ngợi. Tôi nghĩ nếu mình có chút ít tài lẻ như Khánh thì tốt, biết vẽ một thứ gì đó, tôi có thể tìm khách hàng muốn đặt tranh tôi vẽ và ít ra như thế thì tôi đã kiếm được chút ít tiền tiêu vặt. Nhưng ngẫm lại, tôi thấy mình chẳng có gì cả, tôi không nhớ mình đã dành ngần ấy thời gian để làm gì, rồi bây giờ trở thành một kẻ vô dụng. Tôi cố không khóc lóc ở công viên hay những địa điểm công cộng – tôi nhợn ngược khi tưởng tượng cảnh mình đang khóc thì một người đàn ông nào đó bước đến đưa khăn giấy, bắt chuyện hỏi thăm, ôm ấp an ủi và vân vân. Tôi có đến quán bar lần trước vài lần nữa, hoàn toàn là bởi vì thói quen mà thôi, những lần sau tôi chẳng cặp kè với ai, một phần bởi vì bản chất tôi không có nhu cầu bạn tình quá cao và Khánh thì đã đủ với tôi rồi. Tôi không biết trong khoảng thời gian này Khánh có qua lại với ai khác không, tôi cũng không hỏi. Trong đầu tôi, mối quan hệ giữa các cô gái rất khác, dù đúng là có tình dục đi chăng nữa, chúng chỉ như những cái ôm ấp của những người bạn gái với nhau, mà trong những hội bạn gái chuyện ôm ấp vuốt ve nhau – với cảm xúc thân thiết trong sạch hoàn toàn – thì đâu phải hiếm hoi gì. Nên cũng không có chuyện tôi ghen tuông gì hết, tất nhiên còn bởi vì ý thức mình không có quyền ghen tuông. Tôi đến bar và gặp lại nàng bartender hấp dẫn. Nhung nhận ra tôi dù tôi không rõ bằng cách nào cô có thể nhớ được, có lẽ đây là một phần công việc. Nhung hỏi chuyện tôi với cô bé lần trước thế nào rồi, đến đó thì tôi biết đêm ấy Nhung có để ý đến chúng tôi. Tôi kể cho cô nghe mọi chuyện về Khánh, không phải tất cả mọi chuyện song cũng khá nhiều và kỹ lưỡng. Cô bartender lắng nghe và không góp lời vào trong suốt câu chuyện, biểu cảm của cô như muốn nói thực ra mọi thứ rất bình thường, hai chúng tôi rất bình thường và đôi khi giữa những người tình với nhau sẽ hay như thế. Nhung hỏi tôi có yêu Khánh không, tôi bảo mình không biết, tôi thừa nhận trong lòng đã xác định chuyện sẽ chẳng dẫn được đến đâu. Nhưng đến đâu là đến đâu?
Nhung kể cô cũng đang qua lại với một người phụ nữ, từng là giảng viên trường cô, hơn cô tận mười tuổi. Dường như tôi đã thể hiện mình có hơi hốt hoảng, khiến cô bật cười, Nhung bảo chị ấy không có chồng con gì cả, là phụ nữ độc thân và cô cũng không xảy ra chuyện xen vào gia đình của người khác. Mọi thứ chỉ đơn giản là cái gì cần đến sẽ đến thôi, và cái gì cần đi sẽ đi. Nhưng phụ nữ có chút tuổi tác rất tuyệt vời: phụ nữ cứ hay đau buồn vì tuổi tác của mình nhưng họ không biết tuổi tác khiến họ trông tuyệt vời đến mức nào. Tôi bảo đó chỉ đơn giản vì gu của Nhung như thế thôi, cô nhún vai, có lẽ cũng đồng tình. Ở một góc quán, tôi phát hiện có quầy báo và tạp chí, tôi nghĩ đó chỉ là đồ trang trí cho khách đến chụp hình, mà thực tế có lẽ là như vậy thật. Chỉ khác là một số trong những tờ tạp chí được thay đổi hàng tuần, tôi xem qua thì đó là một tờ báo văn nghệ. Tôi hỏi Nhung thì được biết đấy là do chính cô mua đọc, xong rồi cứ để đấy thôi. Nếu hết chỗ thì bỏ những số cũ đi và thêm số mới vào. Nhìn Nhung tôi không nghĩ cô là người đam mê văn chương và quả thực cô không đam mê mục truyện ngắn, tiểu thuyết dài kỳ hay tuyển thơ, nói chung các mục sáng tác thì cô không đọc, nhưng những mục khác về điểm sách hay thông tin nghệ thuật, cãi nhau chí choé về quan điểm nghệ thuật các kiểu thì cô thích đọc. Tóm lại, Nhung thích nghe người khác thao thao về những quan điểm ngu ngốc của họ về chuyện này chuyện khác, mà văn chương cũng chỉ là một chủ đề, có chăng mấy tay nghệ sĩ hoặc bình văn sẽ có cách diễn đạt hoa hoè hoa sói hơn và điều ấy cũng thú vị. Tôi hỏi thế nếu cô không đọc các tác phẩm được nhắc đến trong những bài tranh luận về nghệ thuật ấy, cũng như không nắm khái quát về tình hình sáng tác hiện nay thì sao cô có thể theo dõi được quan điểm của các bài viết.
Khi đó, Nhung bật cười và bảo nhìn vậy thôi, chứ thật ra nền văn chương Việt Nam đã chững lại suốt cả trăm năm nay rồi, cô không cần đọc sáng tác mới nào vẫn có thể biết nó ra làm sao, những quan điểm nghệ thuật thì cứ vậy lặp tới lặp lui từ bài bình luận này đến bài đến bài tiểu luận khác, vẫn là những cụm từ quen thuộc ấy lặp đi lặp lại, rằng văn chương phải thế này thế khác, phục vụ cho điều này điều khác. Cả cái đám người ấy mỗi người viết hàng trăm bài, nói những chuyện y hệt nhau, bàn đi tán lại một quan điểm duy nhất. Họ đã làm thế gần năm mươi năm nay, hay cả trăm năm nay không chừng. Thế nên không có gì là không theo kịp, trong nhà trường đã học hết về những quan điểm ấy. Tôi cứng họng, không biết phải nói gì với nhận xét này của Nhung. Tuy nhiên, Nhung cũng bảo mình thích đọc đi đọc lại như thế, không nhàm chán lắm đâu, rồi bảo tôi cứ thử xem. Lúc đó thì tôi đang nghĩ đến chuyện khác, liên quan đến những mục sáng tác mới, có lẽ tôi có thể đăng thơ lên đây, chắc không kiếm được bỏ bèm lắm nhưng tôi có thể thử. Thế là tôi lấy một tờ tạp chí bất kỳ, mở đến trang thông tin liên hệ và chụp ảnh lại.
Bình luận
Chưa có bình luận