Socrates tiếp tục: “Trong trường hợp như thế, yêu cái vẫn chưa đến với mình và yêu cái mình không hề có thật ra là muốn cái đó dành cho mình và mình sẽ có trong tương lai.”
“Đúng thế.” Agathon đáp.
“Vậy trường hợp này và trường hợp khác muốn là muốn cái chưa đến với mình và mình chưa thật sự có. Muốn và yêu là nhắm cái mình không có, cái không ở ngay tầm tay, và cái mình cần.”
“Đương nhiên.”
– Symposium (Yến hội), Platon.
⬩⬩⬩
Khi nhận được cú điện thoại bất ngờ từ Minh Khánh, suy nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi là ơn trời, em ấy vẫn còn sống. Tôi đã mất tăm tin tức về Khánh suốt… bao lâu rồi nhỉ, cũng phải đâu đấy hơn mười năm rồi, cứ như cô nàng đã hoàn toàn bốc hơi khỏi mặt đất, hay bị một đám buôn người bắt cóc, bỏ lên xe thùng và bị chúng giết chết ở một đất nước phức tạp nào đó. Suốt chừng ấy thời gian cho đến bây giờ khi nhận cuộc gọi từ Khánh, tôi luôn tin rằng cô đã chết ở đâu đó mà tôi không biết. Dù thú thực thì nghĩ lại, một con người sẽ không dễ chết đến mức ấy. Tôi cuống quýt hỏi cô đã ở đâu suốt khoảng thời gian qua, làm cách nào cô biết cách thức liên lạc của tôi và hiện tại cô đang ở đâu, vẫn khoẻ mạnh chứ? Tôi hiện đang sống cùng với một người phụ nữ, nhỏ hơn tôi hai tuổi, tôi và vợ đã nhận nuôi một đứa bé và một con mèo, chúng tôi là một gia đình nho nhỏ và giản dị như tất cả mọi gia đình khác trên thế giới này. Quãng đời năm hai mươi lăm tuổi của tôi nay đã quá xa xôi, dường như không có thật, nếu Khánh không đột nhiên xuất hiện thì có lẽ tôi không có lý do gì để nhớ lại những chuyện đã xảy ra hồi ấy.
Hồi ấy tôi đang theo học một lớp dạy tiếng Tây Ban Nha. Lịch học vào mỗi tối thứ ba, thứ năm và thứ bảy hàng tuần, bắt đầu từ 7 giờ kém 15 phút đến 9 giờ 15 phút, nghĩa là kéo dài hai tiếng, tuỳ theo giáo viên được phân công mà chúng tôi có được cho nghỉ giữa buổi hai không, người giáo viên của chúng tôi thì thường cho nghỉ 10 phút. Tiếng Tây Ban Nha là một thứ tiếng khủng khiếp, dù có kha khá từ giông giống tiếng Anh nhưng nó không giúp giảm độ khó xuống chút nào, phần ngữ pháp tiếng Tây Ban Nha cũng cực kỳ khó nhằn – mà dường như ngôn ngữ nào cũng vậy cả thôi. Tôi không giỏi học cách phát âm chuẩn chỉnh một ngôn ngữ lạ, thực ra đến tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ mà tôi còn phát âm trật lên trật xuống, tôi luôn nói sai be bét hoặc nói như một người Việt học tiếng Tây Ban Nha hơn là người Tây Ban Nha bản xứ. Lúc nào giáo viên cũng phải dừng lại ở chỗ tôi lâu nhất trong lớp, để dạy tôi phát âm một từ mà cả lớp đều đã phát âm được rồi. Điều đó cũng khiến tôi ngại ngùng, biết rõ sự dốt nát, sự bất tài vô dụng trong việc học một ngôn ngữ mới của mình, nhưng tôi không thể không cố gắng. Tôi không còn nhớ rõ vì sao khi đó mình lại đi học tiếng Tây Ban Nha làm gì, quả tình tiếng Tây Ban Nha là một lựa chọn khá đặc biệt, kỳ quái và thường người đi học nó phải có một lý do nào đó hết sức cụ thể. Nhưng tôi lại không có một lý do rõ ràng đến vậy. Trong lớp tôi có người đi học vì gia đình muốn cho con em học thử – thằng bé ấy là học sinh lớp chín, ngoan ngoãn và có lẽ được gia đình chăm rất kỹ lưỡng; có người học vì đòi hỏi của công việc; có người học vì theo đuổi sở thích và có người học vì mơ ước tương lai có thể du học. Những buổi học diễn ra suôn sẻ, ở phía tôi thì khó khăn và ngượng ngùng đôi chút nhưng không ảnh hưởng gì lắm, ai cũng mặc định tôi là người dốt nhất lớp và điều đó không quá khó để chấp nhận. Chúng tôi học với một cô giáo tên đầy đủ là Nguyễn Thị Trầm Bích, người gầy gò, khuôn mặt góc cạnh và khá trẻ. Dù trẻ là vậy nhưng cô Trầm Bích lại có lối dạy nhạt nhẽo, không năng động giống hình ảnh những giáo viên trẻ mà ta hay thấy. Cô ít cười đùa, đa phần nghiêm nghị, không khắt khe nhưng cũng không quá thoải mái. Giống như một lớp học như bao lớp học khác, không có gì đặc sắc hơn – dù theo hướng tích cực hay tiêu cực. Trầm Bích hơn tôi năm sáu tuổi gì đó, không phải khoảng cách xa, trong lớp có học viên lớn tuổi hơn cô, hồi chúng tôi học chung với nhau thì chị học viên này đang mang bầu, bụng khá rõ. Khi ấy, tôi đã ra trường được hai năm, đang trong giai đoạn thất nghiệp, sống bằng tiền bố mẹ gửi lên hàng tháng, họ cũng đóng cả học phí lớp học tiếng Tây Ban Nha cho tôi, dù có lẽ họ không thực sự hiểu tôi học cái này để làm gì, tôi thì không có gì để giải thích ngoài việc bảo rằng tôi muốn thử cho biết.
Trầm Bích cũng có lần hỏi tất cả mọi người trong lớp, đâu đó tầm mười người, rằng chúng tôi học tiếng Tây Ban Nha để làm gì, đến lượt tôi thì tôi cũng chỉ trả lời đơn giản như đã trả lời bố mẹ, rằng tôi muốn thử cho biết. Cô gật đầu, đối với cô đây không phải là trường hợp hiếm gặp, thật ra đã gặp khá nhiều và đã quen thuộc với lý do ấy là đằng khác, tôi tin không thiếu kẻ xách mông bỏ tiền đi học một ngoại ngữ nào đó với lý do giống như mình. Tôi ngượng ngùng khi có ai đó hỏi đến công việc của mình, tôi bảo mình thất nghiệp và đang tìm việc làm, ai cũng có vẻ ái ngại khi nhận được câu trả lời đó, nhưng họ thấu hiểu rất nhanh, bởi vì cái nền kinh tế cứt đái này, cái thời kỳ khủng hoảng cứt đái này, thật khó khăn với một số người, đặc biệt là những người trẻ đang cần kiếm một công việc ổn định, không nay đây mai đó, thậm chí có thể bị sa thải bất cứ lúc nào nếu sếp hứng lên. Ngoài ra còn là vì giới tính của tôi nữa, ai cũng bảo phụ nữ thì khó tìm việc làm hơn. Nhưng tôi vẫn có chút xấu hổ khi thú thật về tình trạng ăn không ngồi rồi toàn thời gian của mình, thực chất khi đó tôi đang đợi bộ sách tranh thiếu nhi do mình viết lời ra mắt – được nhận bởi một nhà xuất bản rất có tiếng – tuy nhiên mọi thứ đang giậm chân tại chỗ và hình như đã hai năm kể từ khi bắt đầu rồi mà tôi vẫn chưa nghe tin tức gì, biên tập viên thì bảo là như vậy đấy, xuất bản luôn luôn là như vậy: chậm chạp, mòn mỏi và viết lời cho sách tranh thậm chí còn không được xem là một công việc mà chỉ thuần tuý là một đam mê. Chính vì lẽ ấy mà tôi không thể nói với người khác về cái nghề này, nghe như thể bản thân đang lấp liếm, cố chứng tỏ mình đang làm một điều gì đó dù thực chất là chả làm gì hết.
Người học trong lớp tiếng Tây Ban Nha cùng với tôi rất đa dạng, phần nhiều đều nhỏ tuổi hơn tôi, họ đều là những sinh viên, học sinh, có một hai người lớn hơn tôi, đã lập gia đình và nghề nghiệp ổn định nhưng muốn học để thực hiện kế hoạch nào đó của họ, một ước mơ hồi trẻ họ đã đánh mất, một điều đáng lẽ họ phải làm nhưng vì bị vòng xoáy của quá nhiều thứ đẩy họ đến tận ngày hôm nay mới đóng tiền và vác xác đi học – họ cười và bảo với tôi như thế.
Hồi ấy tôi có qua lại với Minh Khánh, cô ấy hay bảo là cô “nhặt” được tôi trong một quán bar đèn mờ dành cho cộng đồng chúng tôi, thuộc dạng hoạt động chui rúc. Nghe cách miêu tả như thể Khánh là một cô gái ăn chơi sành sỏi và thay người tình như thay áo, nhưng sự thật không đến mức đó, cách cô diễn đạt chỉ mang lối tượng trưng cho cách mà mối quan hệ giữa hai chúng tôi hoạt động: Khánh luôn luôn chủ động và tôi luôn luôn bị động. Ngay lần đầu gặp nhau đã thế, hôm đó là một tối thứ năm, tôi bỏ một buổi học lớp tiếng Tây Ban Nha để đến một quán bar với tâm trạng suy sụp hết mức. Trước đó tôi đã khóc nhiều đêm liền mà không biết vì lý do gì, hoặc vì quá nhiều lý do mà tôi không biết lần này là cái nào trong số đó, tôi chỉ đến với mục đích tìm một chút rượu mạnh, thứ rượu rẻ tiền chỉ toàn là cồn và hoá chất, cố trang trí những lát chanh chua loét hay một trái nho đông lạnh để trông như thứ hàng cao quý hơn bản chất của mình. Tôi biết về quán bar ấy thông qua bạn bè nhưng chưa từng đến lần nào, chỉ đơn giản là chưa có dịp thôi, mà tôi lại không hay đi đến những nơi lạ lẫm một mình, cảm giác mất an toàn và bối rối với một nơi chốn mới là thứ mà bình thường tôi luôn cố tránh đụng phải. Song hôm đó lại khác, tâm trạng tồi tệ thúc tôi đến cái quán bar luôn được nghe nhắc nhưng không bao giờ có ý định bước vào, tôi bỗng nhiên muốn quăng mình cho cuộc đời, để xem còn gì có thể tệ hơn được nữa, quăng quật bản thân vào những chốn nguy hiểm hơn một chút để xem bản thân đã chạm đến đáy chưa, liệu đáy nằm ở đâu? Cứ vậy, tôi diện một cái đầm bó sát đơn giản, phù hợp đi đến một quán bar khuất nẻo nhưng cũng không quá gây chú ý hay táo bạo, đơn giản bởi vì tôi không có những bộ cánh kiểu ấy, dù có chọn một cái váy táo bạo nhất trong tủ đồ của mình thì vẫn chưa đủ táo bạo. Thế nên tôi chỉ mặc một chiếc váy trơn đen, hở một bên vai, có đường hoa bèo màu đen chạy một bên từ vai đến chân váy làm điểm nhấn. Thậm chí tôi không nhớ mình có trang điểm vào hôm ấy không, hình như tôi chỉ đánh chút son chút phấn gì đó, không đủ để gọi là trang điểm nhưng cũng không để mình quá kinh khủng.
Quán bar tốt hơn tôi nghĩ, không có vẻ sa đoạ lắm hoặc nó sẽ đáng sợ ở những góc khác, còn ở sảnh chính với quầy phục vụ thì không khí khá bình thường, thậm chí có phần lãng mạn và ngọt ngào kiểu các cô gái. Tôi gọi một món trong thực đơn và loại rượu có cái tên kỳ quặc màu xanh lá cây. Tôi quên mất tên của cả hai rồi nhưng tôi nhớ là chúng không tệ lắm, đủ cho một quán bar và tất nhiên không thể đòi hỏi những nơi như nơi này lại bán giá rẻ được. Bartender là một cô gái tóc ngắn, màu tẩy, nam tính trong bộ quần áo nhân viên phục vụ. Lẽ ra phụ nữ phải thường xuyên mặc những bộ quần áo này hơn, nó quá hợp với họ, trông họ quá cuốn hút khi khoác những loại quần áo ấy lên người và làm sao một người phụ nữ lại không mê như điếu đổ khi thấy một người phụ nữ khác trong phong cách kia được chứ. Cô bảo với tôi là quán vẫn còn hai lầu nữa và một sân thượng, lầu hai có cửa kính để ngắm toàn cảnh thành phố, tầm nhìn cực kỳ đẹp và cô đề xuất tôi nên lên đó xem thử. Ngoài ra còn những căn phòng riêng tư hơn, để hát hò nhảy nhót hoặc làm mọi thứ tuỳ thích, cô ta nói và nháy mắt với tôi. Tôi mỉm cười và có lẽ ở tôi là thần sắc của một người không có tâm trạng cho việc ngắm cảnh thành phố, hóng gió sân thượng hay hát hò trong những phòng VIP. Người bartender tất nhiên thừa biết loại khách như tôi – trong lòng nhiều phiền muộn, cần được trút bầu tâm sự và đến quán bar cốt để giải sầu – cần nhất là điều gì. Cô đã gặp vô số người khách như thế và đây là một phần công việc của cô. Tôi thì không như những người khác ấy – hay tôi đang cố tỏ ra mình hơn đời, khác người? – tôi không hy vọng được bartender hầu chuyện trong lúc không ngừng rót rượu để tăng con số trên hoá đơn. Tôi chỉ ra ngoài bởi vì căn trọ tôi thuê cùng với Hoàng Phương đang bắt đầu không thể chịu đựng nổi. Mọi thứ đang lặp lại quá nhiều đến mức tôi cảm thấy mình không thực sự sống, thế nên tôi phải quăng một hòn đá để khuấy động lòng hồ. Bây giờ tôi lại tự hỏi, có bao nhiêu người giống như mình đi đến các quán bar đèn mờ nhỉ? Chắc phải hàng nghìn, hàng vạn, có khi tất cả mọi người trên thế gian này đều đã một lần làm vậy, hay một lần nảy sinh suy nghĩ muốn làm vậy. Tôi chẳng phải là trường hợp đặc biệt gì. Tôi thấy mình như thế là đặc biệt chỉ bởi vì đó là cách những người phục vụ làm để khách xì thêm nhiều tiền hơn nữa, ai mà chẳng lắm khi ảo tưởng mình hơn đời khác người, đặc biệt ở những vị khách sộp thừa tiền và sự nghiệp thành công hơn đại đa số lại càng thích khi có người xun xoe tâng bốc.
May mắn là tôi không sa đà vào cô nàng bartender đó, mà ai lại yêu một bartender nhỉ? Người ta đến bar hay club là để kiếm một người tình nào đó ngẫu nhiên nhưng chắc chắn không phải là các bartender hay bất kỳ nhân viên nào của nơi đó. Nó quá… kỳ quặc, chắc vậy! Trong giới tôi cũng không khác hơn. Mà cũng có lẽ vì cô nàng bartender này – mãi sau tôi mới biết cô tên Nhung – không phải gu tôi, dù tất nhiên là cô hấp dẫn trong bộ quần áo lịch thiệp ấy và dáng vẻ cực kỳ cuốn hút, khó rời mắt. Nhưng tổng thể vẫn không phải gu kiểu mà tôi sẽ lên giường hay rơi vào lưới tình, đơn giản vì trong cộng đồng chúng tôi còn chia ra nhiều “vai trò” nữa và tôi thì có đôi chút bị ám ảnh bởi các “vai trò”, có người rất thoải mái trong việc ấy nhưng tôi thì có chút cân nhắc, luôn luôn cân nhắc. Tôi đã không bị cô ta kéo đi và khi trò chuyện và mồi chài, nàng bartender đã nhận ra tôi không tha thiết gì, không nhiệt tình lắm với những lời hỏi thăm của cô nên cô nàng cũng thôi. Thực chất khi đó dù có ai hỏi thì cũng vậy cả, tôi không biết giải thích những điều mình đang gặp phải kiểu gì và sẽ trả lời mọi câu hỏi một cách hờ hững, lười nhác, cho xong. Thế là Nhung quyết định để tôi được yên lặng với mẫu bánh ngọt của mình và ly rượu chỉ mới nhấp môi một ít. Nhạc bắt đầu ồn ào hơn và rốt cục đêm cũng đến hồi cao trào, sàn nhảy đông hơn và nhạc đập lùng bùng lỗ tai.
Một lúc sau thì một cô gái khác đến ngồi cạnh tôi. Tôi tò mò nhìn qua và ban đầu có hơi giật mình vì cô ta bé nhỏ quá, chắc chỉ vừa mới đủ tuổi đi bar. Nhưng khi nhìn kỹ hơn thì tôi nhận ra mình đã nhầm lẫn do cách ăn mặc của cô. Cô mặc một bộ váy kiểu lolita, hơi bồng bềnh thái quá và trang điểm cũng theo mốt ấy, mái tóc thắt hai bính thấp hai bên. Phải, y hệt một nữ sinh, ngọt ngào và ngây thơ, nhưng tôi nhận ra ngay không phải vậy, đó chỉ là cảm giác đến từ một thứ phong cách thời trang thôi. Và cô nàng này rõ ràng là dân chuyên gia hoá trang thành các nhân vật hoạt hình, đậm dấu ấn văn hoá đại chúng Nhật Bản, tuy nhiên tôi không biết nhân vật mà cô đang hoá thân thành, tôi không có nhiều kiến thức lắm về hoạt hình Nhật, ngoại trừ những bộ hoạt hình quá mức phổ biến không ai không biết. Tôi không nghĩ tối hôm đó bar lại tổ chức dạ tiệc hoá trang hay lễ hội nào tương tự, chỉ là cách ăn mặc của cô đã như thế rồi. Cô đi cùng với hai người bạn – tôi biết cũng thông qua cách ăn mặc nốt. Nhưng hai người kia thì đang ở một góc khác còn cô ngồi ở quầy, có lẽ họ tạm thời tách nhau ra vì lý do gì đó.
Cô thì giống kiểu tôi thích hơn là người nhân viên bartender kia, nữ tính và đáng yêu (dù cô chỉ là đang thể hiện ra như thế – tôi lại càng thích kiểu vậy). Tôi thấy cô cũng liếc mắt nhìn lại mình, rồi tôi quay đi, tôi không có ý định sẽ bắt chuyện trước bởi vì hiện tại tôi chẳng có tí hứng nào. Thế nên cô là người bắt chuyện trước, tự giới thiệu mình tên là Minh Khánh. Cô bảo rất thích kẹp tóc của tôi, tôi đưa tay sờ lên đầu, một cái kẹp bướm có hai sợi dây đính lủng lẳng, có lẽ Khánh thích những thứ vướng víu và sặc sỡ như thế, nhìn cô là biết. Cô nhỏ hơn tôi hai tuổi, đang cố gắng để hoàn thành đồ án tốt nghiệp, ngành Thiết kế đồ hoạ – đến đây thì dường như thông tin đã hơi nhiều và hơi sâu quá mức cần thiết. Cô hỏi tôi chỗ mua kẹp tóc và tôi bắt lấy ngay thông điệp, xin cô cho tôi kết bạn Facebook, tôi sẽ gửi link mua hàng qua. Cô nàng gật đầu đồng ý như đã đạt được mục đích quan trọng nhất. Tôi tự hỏi chẳng biết con bé này đã dùng cách thức vừa rồi để săn bao nhiêu chị đẹp từ trước đến giờ mà có vẻ sành sỏi quá. Dù không phủ nhận là cô có vẻ thích cái kẹp bướm của tôi thật. Tôi hỏi Khánh đang làm đồ án về gì, một cách vu vơ xem như có chuyện để nói, Khánh trả lời hầu hết mọi người trong lớp đều chọn minh hoạ sách, cô cũng đã đi theo lựa chọn có vẻ đơn giản nhất đó. Cô đã chọn được cuốn tiểu thuyết mình thích, đã bắt đầu lên ý tưởng đại khái nhưng cảm giác chẳng đâu vào đâu, giảng viên không chê bai lắm nhưng cô vẫn thấy chưa ưng ý. Tôi hỏi Khánh đã chọn tác phẩm nào rồi. Trong đầu tôi khi đó đã nghĩ, khả năng cao chắc sẽ là văn học Nhật Bản, Khánh chắc rất thích văn hoá Nhật Bản, có thể cô sẽ chọn một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của văn chương Nhật. Nhưng câu trả lời của cô lại hoàn toàn khiến tôi bất ngờ, thậm chí là khó hiểu, cô trả lời mình chọn Ulysses của James Joyce.
Câu trả lời làm tôi choáng váng, phải, chính là “choáng váng”, không ngoa chút nào. Bởi vì hồi ấy Ulysses của James Joyce vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt, đọc bản tiếng Anh cũng được thôi nhưng có thể đọc hết cuốn tiểu thuyết đồ sộ ấy, với hàng nghìn trắc trở trong ngôn ngữ cũng như lối kể chuyện chết bầm của James Joyce là cả một vấn đề. Thậm chí nếu bóc thử một người nghiên cứu văn chương ở nước mình khi ấy ra hỏi thăm thử, khả năng cao là họ còn chưa đọc – hy vọng là họ vẫn biết về nó. Ấy thế mà một cô gái trông chẳng liên quan gì đến nghiên cứu văn chương, lại có thể đọc hết Ulysses mà còn thích thú để chọn nó làm đề tài cho đồ án minh hoạ. Tôi có một người bạn từng reo lên phấn khích khi được cho biết thông tin đang có một nhóm dịch giả uy tín dự định sẽ dịch Ulysses qua tiếng Việt, cậu ta bảo mình đã đợi cái ngày này lâu lắm rồi, vì cậu đã thất bại với bản tiếng Anh, tôi cũng mừng, song đợi mãi từ năm này qua năm khác mà chẳng thấy thêm động tĩnh nào nữa, chúng tôi dần không còn mấy hy vọng, dù biết có tốn cả chục năm để dịch một tác phẩm như Ulysses cũng không quá khó hiểu. Tôi bỗng cảm thấy nể phục Khánh, chân thành. Đồng thời cũng tò mò về cô nữa. Đúng là vẻ ngoài chẳng nói lên được điều gì cả và tôi đã lỡ đánh giá người khác qua ấn tượng ban đầu mất rồi. Song sau này, như Khánh có ý kiến, rằng đọc Ulysses không phải là một điều cần ca tụng đến thế, nghe cứ có cảm giác đang tâng bốc một thứ vô nghĩa vậy, đó chỉ là một cuốn sách thôi và việc đọc hay thích nó không chứng minh được gì hết. Tôi đồng ý với điểm này.
Tôi hỏi cô là cô đọc hết Ulysses rồi sao, cô gật đầu, nhấp chút rượu và hỏi ngược lại chị cũng đọc rồi à. Tôi gật đầu và cô ngay lập tức trở nên hào hứng, cô nói rằng xung quanh cô chẳng ai đọc những cuốn sách giống cô cả, dù là trong những hội nhóm văn chương – điều này cũng dễ hiểu thôi, tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, kiếm đỏ mắt chẳng ra người nào đọc Ulysses của James Joyce (của Homer cũng chưa chắc đã được nhiều người đọc hết), nhưng dần dần tôi cũng gặp được vài người. Tôi bảo với Khánh là để mình giới thiệu cho cô những người tôi biết là đã đọc và thích nó, thật kỳ lạ là những người tôi biết đã đọc Ulysses đa phần đều thích nó cả, dù đây không phải là một quyển sách viết ra để được người ta thích, tôi nghĩ vậy. Bằng một cách nào đó, cuộc trò chuyện với Khánh diễn ra suôn sẻ quá mức và tôi thừa biết mình đang rơi vào một loại bẫy mà cô đã giăng sẵn. Có khả năng tạo được không khí gần gũi, thân mật và tự nhiên với một người lạ chỉ mới gặp vài phút thế này chứng tỏ cô nàng phải cực kỳ sành sỏi. Tuy nhiên, về sau tôi biết rằng khi ấy Khánh cũng nghĩ y hệt vậy về mình, rằng cô cũng bỗng nhiên cảm giác cuộc nói chuyện quá xuôi chèo mát mái, không khí quá gần gũi và dễ chịu, nên cô nghĩ rằng tôi cũng là một tay giỏi bắt chuyện và làm quen với người lạ.
Thế là đêm đó tôi đến ngủ lại ở chỗ của Khánh. Thú thực ban đầu tôi hơi lo lắng vì lớp trang điểm của cô nàng dày quá, phong cách hoá trang nó đã như vậy, thế nên tôi sợ mình sẽ thất vọng sau khi Khánh tẩy trang. Ngồi trong nhà cô, tôi chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để nhìn thấy một bộ dạng khác hẳn từ nãy đến giờ. Đúng là có khác xa thật, nhưng không tệ như tôi đã lo, thậm chí tôi còn thở phào nhẹ nhõm khi thấy cô bước từ nhà tắm ra với cái khăn xinh xắn gói mái tóc, mỉm cười với mình, trên người mặc một chiếc váy lụa mỏng. Sau đó chúng tôi làm tình rất lâu, không sử dụng dụng cụ hỗ trợ và không tiến vào nhau quá sâu, đơn thuần là những mơn trớn và khám phá bên ngoài, nhưng cũng có thể nói đó là một cuộc làm tình mãnh liệt, đến một giờ sáng. Thân thể của Khánh láng mịn, mềm mại và trắng như phát sáng trong bóng tối. Khi nằm vật ra thở hồng hộc và nhìn trần nhà, chúng tôi trò chuyện với nhau về đủ thứ, nào là cô bạn cùng nhà của tôi đang suy sụp vì tay người yêu của cô ấy huỷ hôn trước ngày đám cưới một tháng, bây giờ cô đang phải giải quyết hậu quả từng chút một. Có thai hả chị? Khánh hỏi. Tôi lắc đầu, không phải hậu quả kiểu đó, chỉ là những giấy mời, những thông báo kết hôn, những tấm ảnh chụp và những video quay cảnh cầu hôn lãng mạn trên toà Bitexco, nói chung là cái cô bạn cùng nhà với tôi này đã thông báo rình rang cho tất cả bạn bè người thân mình biết, bởi vì dẫu sao thì chuyện đã chắc chắn mười mươi cả rồi. Đùng một phát anh chàng kia, không rõ vì lý do gì, lại quyết định không kết hôn nữa. Hỏi ra mới biết từ lúc chàng quỳ xuống cầu hôn nàng đến giờ, cả hai vẫn chưa đi đăng ký kết hôn, chuyện ấy cũng không lạ, vả lại anh kia cũng chần chừ lý do này lý do nọ mãi. Rốt cuộc thành ra như vậy, bạn cùng nhà của tôi thì tan vỡ – cảm giác chẳng khác gì cả hai người là vợ chồng và nay phải li dị nhau là bao, lâu lâu lại lên đồng đôi chút, không đến mức điên loạn nhưng cũng đáng lo. Chị ấy tên Hoàng Phương, bằng tuổi chị, tôi nói, tụi chị thuê chung nhà từ hồi Đại học đến nay, chị ấy ở tầng dưới, chị ở tầng trên, không liên quan gì đến nhau cả, thế nhưng lâu lâu chị vẫn phải xuống ngó qua xem tình hình Phương thế nào, không thể để cô ta một mình được. Có lẽ đó là một phần lý do thúc đẩy tôi ra ngoài vào ban đêm, tôi không muốn cứ quanh quẩn với một người có trái tim tan vỡ, dù nói thế thì tội cho Phương, chúng tôi không xen vào cuộc sống của nhau nhiều đến thế, sự khó chịu này chỉ đơn thuần nằm ở phía tôi mà thôi.
Khánh kể về hai người bạn đi cùng cô khi nãy. Hai cô bạn cứ kèn cựa nhau suốt về việc ai xinh đẹp hơn ai, ai thành công hơn ai, ai hạnh phúc hơn ai. Khánh kể tụi nó đã như thế từ trước đến nay rồi, dù tị nạnh mãi nhưng vẫn bám chặt nhau, đi chơi và ăn uống cùng nhau, để rồi cứ ngầm so sánh nhau suốt. Tính hơn thua của cả hai khiến mối quan hệ của cả nhóm, đặc biệt Khánh còn là nhân tố ở giữa, trở nên khó xử và mệt mỏi. Hôm nay hai đứa tụi nó cũng tị nạnh nhau rằng mình cosplay nhân vật giống hơn người còn lại, không những giống mà còn đẹp hơn, dù điều đó có bao nhiêu ý nghĩa đâu chứ. Có một lần cô nàng này, gọi là cô C, có qua lại với một anh bồ, ngay lập tức cô còn lại, gọi là cô H, phải đi kiếm một anh bồ cho bằng được, bất chấp bản thân có muốn hay không, bất chấp đây có phải thời điểm phù hợp hay không, bất chấp có nhu cầu hay không. Cô H không thể chịu nổi khi thấy bạn đang ở trong một mối tình – mà cả thiên hạ luôn gán ghép tình yêu đi liền với hạnh phúc, yêu và được yêu là hạnh phúc, còn cô đơn một mình là một dạng bất hạnh, tủi thân – và nghĩ mình cũng không được phép thua kém. Chính vì quyết định quá nhanh, xuất phát từ những cảm xúc ngu ngốc, nên cô H quen bừa một tên và tên đó đểu dáng đến mức vay của cô H hơn hai chục triệu và mất tăm mất tích, trong khi đó cô nàng đã luỵ anh chàng quá đỗi rồi, không tiếc gì tiền bạc mà chỉ tiếc “mối tình dở lỡ”, mà bây giờ lại càng thấy mình thua thiệt cô C hơn. Sự thua thiệt ấy càng khiến H muốn chứng minh bản thân không thua thiệt, bằng cách cứ lâu lâu lại kéo Khánh vào, hỏi xem trong cả hai thì ai đẹp hơn, ai cosplay giống mẫu hơn và vân vân những cuộc chiến vụn vặt, không đáng đã bào mòn sức lực của tất cả mọi người. Hôm nay Khánh quyết tâm tách khỏi họ, ít nhất một khoảng thời gian ngắn xem sao, cô nói mình đã mệt rồi. Tôi gật đầu thấu hiểu, lại nhìn ánh đèn pha quét qua cửa sổ in lên trần nhà, khi một chiếc xe chạy ngang qua dưới đường. Quả thật xung quanh chúng tôi đều là những kẻ ngốc nghếch, nhưng tôi bỗng giật mình, xoay qua ôm Khánh và bật cười, khi nghĩ rằng ai mới ngốc đây, mình thì khôn khéo thông thái chỗ nào? Khánh chẳng biết tôi ôm siết lấy cô vì lý do gì, nhưng cũng vòng tay ôm lại tôi. Ngực chúng tôi chạm nhau. Ngực của Khánh có kích cỡ nhỏ nhắn, kiểu mà tôi thích, không như bộ ngực có phần quá đồ sộ của tôi, tôi không thích bộ ngực này của mình chút nào, từ hồi dậy thì bắt đầu nở nang đã không thích rồi.
Tôi bảo với cô là hôm nay mình đã bỏ một buổi học tiếng Tây Ban Nha và ra bar chẳng để làm gì cả, cô không hỏi lại vì sao và cũng không hỏi lý do tôi đi học tiếng Tây Ban Nha, cô kể lâu lâu mình cũng như thế, chẳng muốn tham gia vào bất kỳ hoạt động xã hội nào mà chỉ muốn ở một mình, ước gì cả thế giới để yên cho mình ở một mình, nhưng chỉ cần ở một mình quá lâu mình lại đâm ra điên rồ, u uất, khó chịu và thế là lại phải đi kiếm người để kết nối, khi đó những người mà chúng ta đã xua đuổi lúc trước, hoặc khi họ cần đến với ta mà ta lại chỉ muốn một mình, đã rời đi hết rồi, đã chẳng còn muốn bên cạnh chúng ta nữa. Cứ vậy đấy, chúng ta muốn yên ổn sống trong cô đơn, xa cách với mọi người, để rồi khi không còn ai thì lại khao khát thèm người. Chúng ta bị nguyền rủa. Đây chẳng phải là một kiểu nguyền rủa hay sao, cứ như loài hà mã bị nguyền rủa vậy. Loài hà mã bị nguyền rủa? Tôi nhắc lại dưới dạng câu hỏi, trong lúc nắn phần mở mềm mềm ở eo Khánh. Cô gật đầu, giải thích, chị tưởng tượng nhé, hà mã sinh ra với lớp da rất nhạy cảm, chúng không chịu được ánh nắng mặt trời chiếu vào mình quá lâu, chúng lại sống ở Châu Phi nữa, nên phải lủi xuống nước thường xuyên, nhưng hà mã cũng không phải loài sinh ra có thể thở được ở dưới nước đồng thời lại là loài ăn cỏ, nên khi chúng đói thì vẫn phải lên bờ kiếm thức ăn, mà chúng lại ăn cực kỳ nhiều vì mập quá mà, nên phải tốn thời gian cho mỗi lần lên ăn, thế là ăn được chút thì chúng phải ngâm người dưới nước. Cả một ngày, những con hà mã phải loay hoay liên tục để không bị chết cháy, chết đuối và chết đói. Hà mã là một loài động vật bị nguyền rủa. Tôi cảm thấy điều này cũng có lý, tôi tưởng tượng đến những con hà mã trên thảo nguyên, bị cháy nắng rát bỏng da thịt nên đành lội xuống nước, nhưng thể trạng của chúng không thể ở dưới nước lâu nên lên bờ kiếm thức ăn, ăn chưa kịp no thì lại phải đi xuống nước. Tôi tưởng tượng một đàn hà mã quẩn quanh một hồ nước ở Châu Phi, giữa những đồng cỏ hoang dã, gió nóng và cát thổi tới tấp, chúng bơi dưới nước và đứng ăn cỏ trên bờ. Những con hà mã béo ú, lớp da tím tím đen đen như những củ khoai lang. Khánh bảo chúng ta sinh ra cũng như loài hà mã, phải loay hoay với vô số những thứ rơi vào mình, đòi hỏi ta phải xoay sở để tìm được điểm cân bằng giữa những thứ ấy. Và đa phần, chúng ta đều thất bại cả. Tôi hồ nghi rằng có thật mọi chuyện u ám đến thế không? Liệu đã có ai thành công trong việc cân bằng được tất cả mọi thứ trong đời mình? Song dù cố nghĩ tôi vẫn không đưa ra được cái tên nào mà tôi biết đã có cuộc đời trọn vẹn. Ai cũng bị khuyết một thứ gì đó và chúng ta, dẫu sao thì, vẫn chấp nhận được và thoả hiệp được hết. Đến nay, những đàn hà mã loay hoay giữa thảo nguyên lâu lâu lại xuất hiện trong tâm trí tôi.
Bình luận
Chưa có bình luận