~~~LẮNG NHƯ “XANH TRONG CHAI”~~~
“Xanh Trong Chai” viết về cuộc đời của một “Người Già” khi đã ở vào cái tuổi bóng xế. Trong một khu tập thể cũ, bà sống một cuộc đời hữu hình nhưng vô thức. Vô thức đi qua chiến tranh, đi qua bom đạn, đi qua những năm tháng tuổi trẻ… mà chỉ đơn thuần lặp lại những ngày vô tri. Chính con người ấy, sau khi để vuột mất “Phi” của cuộc đời thì cũng không còn biết xung quanh mình thế giới vận động ra sao. Chỉ có việc mình từng yêu và đã để mất Phi cùng những kí ức còn sót lại về Phi – là theo Người Già đến suốt cuộc đời… cho đến khi… Xanh Trong Chai xuất hiện, một cách lạ kì nhưng chẳng làm bà bất ngờ, dần dần khiến bà cảm thấy có một điều gì đó trong mình như được đánh thức. Hình như một mầm cây đã nảy chồi. Để rồi bà đi tìm một người quen, một cô gái trẻ đã từng chăm sóc bà từ lâu lắm. Một cô gái đã “sống thật vui vẻ và hữu ích”, biết rằng Người Già “cũng muốn mình sống thế này” nhưng lại cứ đau đáu “mình lại bỏ rơi bà mất rồi. Và mình luôn buồn vì điều đó”.
Chông chênh. Hoài niệm. Bồi hồi. Và xa vắng. Hẳn không ít lần trên đường đời, ta chùn bước vì một nỗi lo đã bỏ rơi lại một ai đó, một điều gì đó ý nghĩa trong quá khứ. Ta phân vân không biết ở lại cùng kí ức hay tiếp tục tung bay đi tìm cuộc đời của riêng mình với những ước mơ hoài vọng, cuối cùng đành ngậm ngùi bước tiếp. Bởi ta biết cuộc đời là những điều tiếc nuối và con người phải tiến lên phía trước, mặc cho nỗi bứt rứt vì có lẽ ta đã phũ phàng với cố nhân luôn nằm lại trong tim. Phải chăng những người luôn đau đáu một niềm thương nỗi nhớ, luôn sợ mình sống bội bạc mới thực sự là những người nghĩa tình?
“- Thế bạn Phi ấy giờ này ở đâu? – Xanh Trong Chai hỏi.
- Ở lại.
- Lại đâu?
- Trong quá khứ.” [1]
Tiếc nuối, xa vời, mơ hồ nhưng luôn thường trực. Đoạn hội thoại “Ở lại.” – “Lại đâu?” quả thực đã gây ấn tượng sâu sắc về phong cách lách chữ của Quỳnh Như, gợi lại những câu văn rất thơ mà Quỳnh Như từng viết: “Mọi thứ đã từng, nay đã dừng.” (trích từ truyện ngắn “A Tứ”).
“Xanh Trong Chai” bao gồm tất thảy 10 truyện ngắn, mỗi truyện lại là một lát cắt nhỏ riêng tư, là mảnh đời trôi dạt trong cõi sống đầy buồn vui mê mải của kiếp người sao mà cứ mãi cô độc trong thế gian vốn đã chỉ rặt những cuộc đời cô đơn.
Một “cậu nhỏ” gọi là “Xanh Trong Chai” trong truyện ngắn cùng tên, thực ra lại là hóa thân của một tình yêu nồng cháy từ một chàng phù thủy ở trần gian những năm tháng xa xôi tít tắp về trước.
Dòng thời gian vùn vụt cứ điên cuồng chao đảo rồi lặp lại, rồi chao đảo lặp lại rồi điên cuồng, đâm sầm vào nhau khi hai trái tim yêu đủ can đảm để đến với nhau trong “Ngày bảy tháng Tư ở Hiệu sách góc đường cạnh Nhà thờ”.
Có những kẻ suýt lạc đường, đã lạc đường, từng chìm trong tăm tối, lại kéo nhau ra khỏi đơn côi trong “Những viển vông trôi vào đêm”.
Một cuộc đời đã tắt khi thực hiện ước mơ tìm về những “vùng nước” – biết đâu đấy, lại “thắp” lên một cuộc đời khác ảm đạm, vô thức biết ước mơ – trong “Nghìn trùng lam mãi”.
Như cái tên của tập truyện, đây là một tác phẩm thật “xanh”. Có khi là xanh màu biển trong “Ngôi sao lùn màu trắng”, xanh màu nước trong “Đảo”, nhưng cũng có thể xanh màu của “Dương” – màu nỗi buồn đơn côi nhân thế.
Đọc “Xanh Trong Chai”, một thế giới cổ tích thơ mộng, đẹp đẽ, đầy khao khát yêu và được yêu hiện ra trước mắt độc giả. Từng mảng màu trong các câu chuyện như thước phim ngắn không thoại của Pixar, các nhân vật lại hoạt hoạ tựa những khung hình của Ghibli.
Cách Quỳnh Như “đan chữ xếp từ”, cách Quỳnh Như chơi đùa với ngôn ngữ, với hình ảnh thực sự đã chạm đến những trái tim độc giả tìm kiếm “sự lắng đọng”. Thậm chí, cả cách Quỳnh Như đan xen “Dương” chân thực, trần trụi, không phép màu và chẳng cổ tích vào giữa tập truyện đầy những điều kì diệu, cũng đã khiến độc giả thảng thốt nhận ra trong một quãng thời gian nào đó của cuộc đời, ta có thể sống vô tâm đến mức không cả tri giác được niềm vui, nỗi buồn, tâm tư của những người mà ta cứ ngỡ là gần gũi, thân thuộc.
Qua từng truyện, một nỗi niềm sâu kín nào đó trong lòng người bị chạm phải, một tiếng rung ngân rất nhẹ, rất khẽ đã vang lên khuấy động khoảng trời yên ả của tâm hồn.
Dù là ở trong câu chuyện nào – những kiếp người cô đơn, hay trầm lặng, hay vô thức, hay yêu đương…; những cảm thức về thời gian vùn vụt, hay chầm chậm, hay ngưng đọng…; những xúc cảm bất lực, hiếu thắng, mơ hồ, bàng hoàng, hụt hẫng, tiếc nuối…; những loài cây Lan Nhật hay chò nâu hay thậm chí cả đậu thần… – cũng đều tạo nên những màu sắc rất đỗi cổ tích, một phong cách rất đỗi Quỳnh Như.
Tác giả Quỳnh Như tạo nên một cõi văn chương với những mảng màu ảm đạm, những ánh nắng dù chói chang nhưng vẫn ươm vàng hồi ức, hoài vọng – màu của nỗi nhớ, nỗi buồn.
“Xanh Trong Chai” thực sự phù hợp để đọc trong những ngày nắng lên nhẹ nhàng êm dịu, tiết trời se sẽ bao lấy lòng người, và thoang thoảng trong tâm trí là những ca từ da diết trong những bản nhạc ít người nghe văng vẳng vọng trong hồi tưởng.
Khi trang sách “Xanh Trong Chai” khép lại, lòng ta sẽ lắng xuống, lắng sâu mãi những suy tư về gia đình, về người thân, về bè bạn, về những điều đã qua và những mối quan hệ còn – mất.
Những kiếp người lúc nào cũng khao khát yêu thương, những kiếp người vẻ như vô thức, cô độc, vẻ như lặng lẽ vô hình lại luôn luôn mong muốn được thấu hiểu, được vỗ về, được ôm ấp – cứ như thế chạm vào thăm thẳm hồn ta, khiến ta nhận ra rằng đằng sau những trang truyện thơ mộng một màu tưởng tượng kia thực ra chính là góc khuất sâu trong trái tim nguyên sơ của con người – một giống loài sinh ra với vô vàn đơn côi và luôn mưu cầu hạnh phúc.
Dường như một miền xanh mướt nội cỏ với hoa vàng điểm xuyết trở về trong tâm trí giữa những trang văn:
“Lối về quanh co chẳng níu bước chân tôi về, có còn hôm qua ở đó?
Hết ngày âu lo rồi bỗng mãi hôm này về,
thấy hoa vàng ở trên cỏ xanh,
thấy yên bình giấc mơ trong lành…” [2]
[divider style="solid" top="20" bottom="20"]
[1] Trích từ Tập truyện ngắn “Xanh Trong Chai” (tác giả: Quỳnh Như).
[2] Trích từ lời bài hát “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (sáng tác: Châu Đăng Khoa).
Bình luận
Chưa có bình luận