- Bình luận tác phẩm: Tùy Lưu (tên cũ: Thuận Thiên)
- Tác giả: Độc Phụ Đông A
- Thể loại: Tiểu thuyết lấy cảm hứng lịch sử
- Trạng thái: Đang viết
- Đọc truyện tại đây
Tùy Lưu có nghĩa là thuận theo dòng chảy. Thuận Thiên vừa là tên của nhân vật trung tâm, lại vừa có nghĩa là thuận theo ý trời. Dù là “thuận theo dòng chảy" hay “thuận theo ý trời” đều có thể được hiểu theo hai cách: con người ta tự nguyện muốn hòa cùng với vận động xung quanh, hòa hợp với vạn vật; hay là một sự buông xuôi, vì không đủ sức để bơi ngược dòng nên đành thuận theo cho nhẹ nỗi phân vân.
Tùy Lưu kể về cuộc chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần theo dòng sự kiện và góc nhìn của công chúa Thuận Thiên - Lý Oánh. Nàng dù không phải là người gánh trọng tội cho sự suy tàn của triều Lý như người em gái Lý Chiêu Hoàng, nhưng cuộc đời nàng liệu có chút nào bớt trái ngang, nội tâm nàng liệu có lúc nào được bình lặng? Biến chuyển triều đại Lý - Trần trông như hòa bình êm ả, nhưng ai mà biết tường tận được đằng sau tấm màn che, bàn cờ chính trị đã xoay vần như thế nào, từng quân cờ đã trăn trở với mỗi đường đi nước bước ra sao? Rốt cuộc thì cha mẹ đã gửi gắm tâm tư gì vào phong hiệu của nàng?
Trước tiên, phải nói là với tư cách một biên tập viên, người bình đã rất vui mừng khi đọc được lời Tựa. Tác giả đã rất cẩn thận và chỉn chu khi dành hẳn một phần để nêu rõ thể loại, mức độ phóng tác của tác phẩm và cảm hứng lịch sử của câu truyện. Nó giúp cho tôi hiểu được có thể mong đợi gì từ tác phẩm này và tránh được những phân vân không đáng có.
Tại thời điểm viết bài , truyện mới đi tới chương thứ 8 của phần Một và vẫn đang tập trung vào những ngày thơ bé của Thuận Thiên, xung quanh khoảng thời gian nàng năm tuổi. Mối quan hệ vợ - chồng, vua - tôi, mẹ - con, cha - con, người bị cầm tù - kẻ cầm tù, những tính toán của soái và tướng được khắc họa rõ nét, cho người đọc mường tượng ra thế cục phức tạp của thời đại.
Hai đứa trẻ lọt thỏm giữa những tranh đấu của người lớn, vật lộn hàng ngày để gìn giữ tình thân, tuổi thơ nhưng rồi vẫn bị những nhận thức về hoàng tộc phức tạp nhuộm trầm tâm tư hiện lên đầy thương cảm. Thuận Thiên mới chỉ năm tuổi đã dần thẩm thấu thời cuộc, đánh mất đi sự vô lo vốn có của đứa trẻ mà có những ưu lự vượt quá sức chịu đựng cái tuổi của nàng. Nàng vẫn chăm sóc, bảo bọc em gái trong tình thương trong lành, nhưng rồi chính tình thương đó cũng bị nhuốm chàm giữa cung cấm u uất.
Tác giả đã làm tốt trong việc khắc họa quá trình tâm tư của Thuận Thiên dần thay đổi trước sự xa cách của cha mẹ, trước những lời dèm pha trong cung cấm và tính toán của họ Trần. Tác giả cũng đã dành nhiều tâm sức để nghiên cứu và đưa vào truyện những chi tiết phản ánh đời sống hoàng tộc, những làng nghề cổ như bạc Định Công, bút làng Bạch,... Lời văn được chú trọng khi sử dụng tư liệu văn thơ và cách dùng từ cổ, câu từ được chú ý chau chuốt. Chính sự chỉn chu đó đã giúp tác giả thu hút được độc giả ngay từ những dòng đầu tiên và giữ chân họ qua từng chương truyện.
Có hai điểm khiến cho người bình cảm thấy khá đáng tiếc. Một là về ngôn ngữ. Mặc dù như nói ở trên, tác giả đã rất đầu tư sao cho ngôn từ phù hợp với thời đại, nhưng đâu đó trong tác phẩm vẫn còn vương vấn cảm giác hiện đại của “người kể chuyện", làm cho người bình chưa thể hoàn toàn đặt mình vào bối cảnh lịch sử. Điểm đáng tiếc thứ hai là miêu tả tâm lý. Trong tám chương đầu tiên, Thuận Thiên là một bé gái năm tuổi. Nhưng cách nàng nói năng, suy nghĩ khiến cho tôi luôn có ấn tượng mình đang đọc về câu chuyện của một cô bé đã mười, mười hai tuổi. Sự ngây thơ bị bào mòn dù gây ra cảm giác thương cảm nhưng chưa mang lại hiệu ứng phù hợp. Nàng được sinh ra và lớn lên trong gia đình hoàng tộc, không thể thoát được số phận bị chín ép, nhưng về mặt khoa học, não bộ của một đứa trẻ năm tuổi chưa cho phép nó nói năng, cư xử và đặc biệt là suy nghĩ ở mức độ được thể hiện. Nếu như tác giả có thể thể hiện sự ngây thơ của Thuận Thiên một cách tự nhiên hơn và đặt người đọc vào một sự thương cảm tương phản với sự ngây thơ đó, tôi nghĩ câu chuyện sẽ hợp lý hơn rất nhiều.
Như đã nói ở đầu, Thuận Thiên hay Tùy Lưu, đều có thể hiểu theo hai nghĩa. Cho tới lúc này, tôi vẫn đang mong đợi những chương tiếp theo để cho mình một kết luận, liệu Lý Oánh đang nương dòng, hay đã buông xuôi, nàng có bao nhiêu tự nguyện, bao nhiêu bất đắc dĩ? Mong là tôi sẽ có được câu trả lời trong thời gian không xa.
Thay mặt HIVE, rất cảm ơn tác giả Độc Phụ Đông A đã cho chúng tôi cơ hội được gặp bạn và tác phẩm. Chúc tác phẩm sẽ ngày càng được nhiều người biết đến.
Người bình
BTV của HIVE
Bình luận
Chưa có bình luận