Truyện Kiều là một kiệt tác văn học lớn của thi hào Nguyễn Du trong nền kho tàng văn học Việt Nam. Khi tôi viết Truyện Kiều, tôi thật sự băn khoăn rất nhiều vì viết review về một tác phẩm hay không khó. Nhưng viết về một tác phẩm mà ai cũng biết thì lại là một việc không đơn giản.

Truyện Kiều là một tác phẩm “gối đầu giường” mà không người Việt Nam nào không biết. Sự ảnh hưởng của nó là sự ảnh hưởng mang tính thời đại từ xa xưa cho đến ngày nay, nó vẫn là một tác phẩm được đưa vào nền giáo dục Việt Nam, được truyền thừa dạy dỗ cho bao thế hệ.

Về mặt nội dung, câu chuyện trong Truyện Kiều kể về cuộc đời một cô gái tài sắc “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, “sắc đành đòi một tài đành họa hai” nhưng không may, gặp cảnh gia biến trong thời chiến tranh, binh đao khói lửa cô bị vùi dập vào chốn thanh lâu làm thân kỹ nữ:

“Tiếc thay một đoá trà mi

Con ong đã mở đường đi lối về

Một cơn mưa gió nặng nề

Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương

Ðêm xuân một giấc mơ màng

Ðuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ

Giọt riêng tầm tã tuôn mưa,

Phần căm nỗi khách phần dơ nỗi mình

Tuồng chi là giống hôi tanh,

Thân nghìn vàng để ô danh má hồng”

Trong hành trình lưu lạc đó, nàng đã gặp gỡ nhiều kiểu người, nhiều số phận và viết nên số phận phụ nữ ngày xưa trong xã hội phong kiến để lại nhiều suy ngẫm cho nhân sinh. Ở thời đại của Nguyễn Du có không ít văn nhân nghĩa sĩ yêu nước, cho ra đời rất nhiều tác phẩm bày tỏ lòng yêu nước; cũng có rất nhiều văn nhân nho sĩ bày tỏ sự xót xa thân phận phụ nữ qua hình ảnh kỹ nữ, những phận bèo dạt mây trôi trong xã hội. Nhưng vì sao chỉ có Truyện Kiều lại được lưu giữ truyền thừa và trở thành nền văn hóa lớn của Việt Nam?

Tất cả những điều hay tạo nên sự thành công của Truyện Kiều: ngôn ngữ đậm chất thơ ca Việt Nam hay sự sáng tạo trong nghệ thuật thơ Nôm... của tác giả tôi xin không nhắc đến nữa.

Điều mà tôi cảm thấy thích nhất và đánh giá cao tác phẩm chính là cách nhà thơ thông qua các nhân vật của mình lồng vào tác phẩm những tư tưởng thời đại vượt qua mọi rào cản của thời phong kiến – nơi hội tụ nền tư tưởng bảo thủ.

Thúy Kiều vốn là tiểu thư con nhà quan, “khuê môn bất xuất” chưa từng phải đưa mặt ra ngoài thế giới. Cô bị những lễ giáo gia phong đè nặng về danh tiết, hiếu nghĩa. Chính sự đè nặng trong lễ giáo gia phong đó đã tạo nên bi kịch cho Kiều. Tôi biết rất nhiều người khi đọc tác phẩm Truyện Kiều đều không thích Kiều vì cách cô xử trí cuộc đời mình mù quáng, cam chịu và yếu đuối. Trong cơn gia biến, cô giữ hiếu nghĩa cứu cha và em bằng cách bán mình nghìn vàng mà không phải là quật cường dùng sự thông minh, xinh đẹp của mình gỡ thế bí? Cô giữ trọn lời thề với Kim Trọng mà nhờ em gái Thúy Vân gả cho chàng (dù không biết em gái có nguyện ý hay không) mà không phải nói rõ với chàng khốn cảnh của mình, cho nhau một lời từ biệt vĩnh viễn? Cô vì muốn thoát cảnh thanh lâu mà chấp nhận làm vợ lẽ Thúc Sinh để rồi ngàn đau vạn khổ. May mắn được Từ Hải cứu thoát, giúp trả ân trả oán, cô lại vì một vài lời ngon ngọt của giặc hại Từ Hải chết đứng trên chiến trường mà không phải là mạnh dạn đứng lên đấu tranh dù trí thông minh của cô có thừa? Tất cả những bi kịch cuộc đời Kiều được tạo nên là do sự lựa chọn sai lầm của cô. Nhưng điều tạo nên sai lầm đó, chẳng phải cũng vì bốn cụm từ “lễ giáo gia phong” hay sao? Chính sự phong kiến trong lễ giáo đã chôn vùi một cô gái, ngày ngày chỉ chăm chỉ trong nhà học cách làm một phụ nữ tốt để rồi khi cô gái ấy bước ra khỏi khuê môn lại trở thành cừu non cho những kẻ già đời. Sự non kém và dễ tin người của cô chính là điểm chí mạng lớn nhất khiến cô sai lầm và bi kịch. Cũng chính lễ giáo phong kiến đè nặng lên vai người phụ nữ, chữ trinh trung tiết hạnh đó như một nấm mồ chôn mà cô buộc mình phải cam chịu phận thấp hèn, cam làm kỹ nữ không sức phản kháng; càng cam lòng làm vợ lẽ bị sỉ vả mà không có quyền mưu cầu hạnh phúc cho chính mình.

Xem đời Kiều, chúng ta nếu có thể trách cô sao không đứng lên đấu tranh thì cũng đồng nghĩa chúng ta đã dám mạnh dạn lên án lễ giáo phong kiến lạc hậu. Cái hủ lậu đã giết đời Kiều. Thật ra, cô cũng từng mang tư tưởng muốn cởi bỏ xiềng xích lễ giáo, muốn đấu tranh muốn thoát khỏi. Đó là khi cô “cửa ngoài vội rũ rèm the; Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để đi gặp Kim Trọng - điều vượt ra khỏi vùng lễ giáo phong kiến. Nhưng, Kiều chỉ bật lên được đến đó khi cô muốn giải thoát mình khỏi xiềng xích lễ giáo để đi tìm tự do tình yêu. Sức mạnh của nền mống phong kiến vẫn đè nén cô lại và giết đời cô một cách bi kịch.

Nguyễn Du mượn Kiều để đả kích cái hủ lậu của phong kiến. Nhưng ông cũng thông qua các nhân vật: Từ Hải, Hoạn Thư mà đưa vào đó một nền tư tưởng hiện đại. Chính nền tư tưởng của các nhân vật này đã tạo nên một sức mạnh truyền thừa rất lớn có giá trị văn học kéo dài hàng thế kỷ.

Từ Hải xuất thân với vị thế của một anh hùng. Cao lớn, vạm vỡ, văn võ song toàn, khí độ, trượng nghĩa. Anh còn là một đại diện cho nền tư tưởng hào sảng, mới mẻ, vượt ngoài những định kiến xã hội phong kiến khi chuộc thân cho Kiều, lấy cô làm vợ. Đây chính là tư tưởng lớn nhất mà Nguyễn Du đặt vào Từ Hải. Anh là nam nhi thời phong kiến – nơi mà trung trinh tiết hạnh đặt lên hàng đầu. Nơi mà đàn ông được quyền năm thê bảy thiếp, đàn bà chín chuyên một chồng và thất tiết chính là loại luân lý đạo đức giằng xé lớn nhất của người phụ nữ. Thúc Sinh cũng từng yêu Kiều, từng muốn cưới cô nhưng chính vì quan niệm “tiết ngọc giá trong” mà đã không dám cưới cô dù chỉ là vợ lẽ. Kiều mang danh vợ lẽ của riêng Thúc Sinh nhưng thực tế chỉ là một cô kỹ nữ được Thúc Sinh giấu riêng mà thôi. Trong xã hội phong kiến xưa, phải chăng chính là muốn nói người phụ nữ không còn trinh tiết là không thanh sạch, không đáng được hưởng hạnh phúc và chỉ được dùng để làm món hàng tiêu khiển? Từ Hải thì hoàn toàn ngược lại, anh chuộc thân Kiều lại không câu nệ thân phận kỹ nữ, không để tâm chuyện trinh tiết còn mất mà đường đường chính chính lấy cô làm vợ. Còn vì cô, chấp nhận đạp lên mọi điều tiếng xã hội, đưa cô ra ngoài xã hội; mặt đối mặt cùng cô báo ân báo oán. Điều đáng khâm phục hơn là anh không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng năm thê bảy thiếp xưa mà lại chọn lối sống chung thủy một vợ một chồng với Kiều. Hình ảnh và cách hành xử của Từ Hải nếu đặt trong hoàn cảnh phong kiến đó, chẳng phải chính là khác người, dám đạp lên xã hội hủ lậu để sống, để yêu, để trân quý tình yêu của mình hay sao?

Người ta thích Từ Hải vì sự anh hùng “chết đứng” của anh nhưng tôi lại thích Từ Hải vì cách hành xử đạp lên xã hội phong kiến, đưa vào xã hội một luồng tư tưởng thời đại, một cái nhìn công tâm, yêu thương và bảo vệ cho những phận đời phụ nữ. Có Từ Hải, phụ nữ xã hội phong kiến mới có thể mưu cầu một hạnh phúc trọn vẹn, mơ ước một xã hội công bằng mà trong đó phụ nữ cũng được yêu chung thủy, được giải thoát chính mình khỏi tư tưởng “tiết ngọc giá trong” nặng nề, được tự mình bước ra khỏi khuê phòng, được tự cường vung kiếm “báo ân báo oán” mà không phải lo sợ về cái gọi là “khuê môn bất xuất”.

Ai biết đến Kiều, có lẽ cũng không quên một nhân vật nổi tiếng đã cho Kiều những màn đánh ghen nảy lửa. Đó là Hoạn Thư. Hoạn Thư xuất thân danh môn, là một cô tiểu thư:

“Vốn dòng họ Hoạn danh gia

Con quan Lại bộ tên là Hoạn thư”

Cô là tiểu thư trâm anh thế phiệt, được gả về làm vợ Thúc Sinh. Cô nắm mọi quyền hành trong nhà, Thúc Sinh dù là nam tử cũng là một kẻ yếu đuối, nhút nhát, dám làm nhưng không có gan chịu trách nhiệm. Hoạn Thư hiện lên với hình ảnh một cô tiểu thư độc ác, tính cách nham hiểm và đặc biệt là lửa ghen ngút trời. Vì ghen, cô có thể làm ra rất nhiều thủ đoạn tàn độc để hạ tình địch mặc dù ngoài miệng luôn hòa hảo nói cười. Có rất nhiều người cảm thấy căm ghét sự tàn độc của Hoạn Thư vì cho rằng cô ghen tuông quá đáng. Sống trong thời đại mà đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp mà cô lại ghen tuông rồi ép chồng chỉ có một vợ; trong khi cô còn không có con – cái lý do đứng đầu trong “thất xuất” mà nó có thể khiến cô bị chồng danh chính ngôn thuận “từ thê” chứ đừng nói chi chuyện “lập thiếp”. Nhưng tôi lại thích Hoạn Thư chính vì sự ghen tuông, ích kỷ đó.

Xã hội phong kiến không cho người vợ nói lên tiếng nói của mình. Dù yêu thương chồng, cũng không được đau lòng, không được ích kỷ khi chồng có vợ lẽ. Còn phải là kiểu vui vẻ khi chồng có vợ lẽ. Chính sự thối nát này đã dung túng cho xã hội rất nhiều Thúc Sinh tự xem mình là bề trên, thản nhiên chà đạp bao phận phụ nữ yếu đuối như Kiều. Rồi còn thân phận của những người phụ nữ là vợ lớn như Hoạn Thư sẽ thế nào? Nếu Hoạn Thư vì xuất thân tiểu thư, được giáo dưỡng tư tưởng phong kiến xưa và vì những tư tưởng trọng nam khinh nữ mà chấp nhận cho Thúc Sinh lấy Kiều làm vợ lẽ, ngày ngày hạnh phúc thì cuộc đời Hoạn Thư chẳng phải cũng đầy những tổn thương và đau khổ như biết bao phận người phụ nữ xưa? Xem Kiều, người ta thường vì thương xót Kiều mà lên án Hoạn Thư, nhưng có ai vì Hoạn Thư, vì lối tư tưởng hủ lậu xưa mà nhìn cách Hoạn Thư đấu tranh vì tình yêu của mình?

Việc ác Hoạn Thư làm là không thể bênh vực. Nhưng tư tưởng mà Hoạn Thư gieo vào trong xã hội phong kiến chính là nền tư tưởng thời đại mà đến nay mới được thấu suốt. Đó là: tình yêu không có chỗ cho người thứ ba. Đây là chồng Hoạn Thư, đây là người chồng mà Hoạn Thư phải cùng đi đến suốt cuộc đời. Trong hành trình đời người đó, vợ chồng phải cùng nhau gánh vác bao sóng gió như khi Kiều báo ân báo oán, cũng chỉ có Hoạn Thư bên cạnh xin tha cho chồng, bởi cô yêu chồng và vì chồng mà ghen cũng vì chồng mà trở nên thấp kém bé nhỏ, quỳ lụy van xin trước Kiều. Đó là sự gánh vác của tình vợ chồng mà Kiều và Thúc Sinh không thể cùng nhau có được. Hoạn Thư lấy chồng, giữ chồng, bày ra hàng ngàn trò đánh ghen làm Kiều kêu trời không thấu kêu đất không xong đó cũng chính là vì cô cũng như bao người phụ nữ, cô cũng mưu cầu một tình yêu chung thủy. Cô cũng muốn mình là duy nhất của chồng. Cô không muốn bị xã hội năm thê bảy thiếp trói buộc. Cô ác với Kiều, nhẫn tâm với Kiều, cô khiến Thúc Sinh vừa khổ vừa sợ nhưng chính cô cũng đau lòng. Cô biết chồng bên ngoài lấy vợ lẽ, cô nhìn thấy chồng tươi cười thủ thỉ người phụ nữ khác mà vẫn phải tỏ ra cao quý, làm ngơ như không biết gì vì sự trói buộc của tư tưởng lễ giáo “đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp”, “đàn bà vô hậu (không con) thất xuất đi đầu”. Sự đau khổ đó không chỉ riêng sự đau khổ về tình cảm mà nó còn là sự đau khổ vì sự trói buộc phong kiến không cho thân phận phụ nữ mưu cầu được yêu, được chung thủy trọn vẹn.

Người đời chỉ biết trách Hoạn Thư ác độc, nói cô ghen tuông với những màn đánh ghen ghê gớm mà vẫn tươi cười trước mặt chồng như không có gì. Nhưng người đời chưa từng hỏi cô có thể hạnh phúc, có thể vui vẻ khi chồng phản bội? Có thể sống hết đời với bốn năm cô vợ của chồng, có thể làm một phụ nữ phong kiến xưa chấp nhận cho chồng có con với phụ nữ khác mà không đau khổ không? Chính sự bức bách và một chiều của xã hội cũ đã đồn nén Hoạn Thư đến bước đường tuyệt vọng, buộc cô phải lựa chọn: một là đấu tranh bằng mọi giá để giành lại hạnh phúc, hai là cam chịu sự cô đơn, ghẻ lạnh suốt đời để chồng hạnh phúc cũng đồng nghĩa đánh mất hạnh phúc của chính mình. Sự bí bách đó đã khiến Hoạn Thư trút mọi oán giận lên Kiều, biến mình trở thành kẻ tàn độc vì không được yêu, không con càng không có quyền có được lòng chung thủy...

Tôi thích Từ Hải khi anh đạp lên dư luận, tự loại bỏ mọi quan niệm cổ hủ để yêu thương, trân trọng người phụ nữ của mình. Tôi cũng thích Hoạn Thư vì dám đấu tranh, dám ghen dám ác vì hạnh phúc của mình mặc kệ bị xã hội phong kiến thóa mạ. Thử hỏi trong xã hội đó, có ai dám yêu như Từ Hải, có ai dám hận như Hoạn Thư dù cách hành xử của hai nhân vật này gần như đối lập: một người cho Kiều ánh sáng và hạnh phúc, một người cho Kiều nỗi đau và sự tàn độc. Nhưng chung quy, họ cũng là những người dám sống vì lý tưởng của mình, dám đối mặt với sự hủ lậu của xã hội phong kiến, dám gánh lấy phần trách nhiệm cho những việc làm khác biệt của mình.

Hoạn Thư và Từ Hải là hai hình ảnh đối lập tương phản nhưng lại là đại diện cho hai kiểu người của xã hội phong kiến. Nếu Từ Hải là hình ảnh của người đàn ông chính trực, anh hùng hảo hán giữa thời loạn thì Hoạn Thư lại là hình mẫu của một người phụ nữ danh giá, giàu có nhưng phải gánh trên vai gông xích của những người phụ nữ đại diện cho những người vợ lớn không con nên cũng không có tình yêu từ chồng và càng không có quyền đòi hỏi sự chung thủy từ chồng. Ở hai nhân vật này tuy khác nhau nhưng lại có chung một điểm; đó là hai mẫu người không chịu sự kìm hãm của xã hội phong kiến, muốn tháo gông cùm để được tự do với lý tưởng sống của mình, đạp lên mọi nền tảng phong kiến hủ lậu mà sống.

Nguyễn Du lựa chọn cho hai nhân vật của mình hai cách hành xử tương phản nhau. Từ Hải bao dung, độ lượng, sẵn sàng đạp lên dư luận để yêu thương che chở cho hạnh phúc của mình. Hoạn Thư bảo thủ, cực đoan, độc ác, oán hận muốn thoát khỏi gông cùm nền mống cũ để mưu cầu hạnh phúc của mình. Từ Hải là nam nhi, anh hùng trong thiên hạ nên cách anh đấu tranh cũng khí khái chứ không tàn độc như Hoạn Thư. Sự khác biệt này cũng tức là nói sự hủ lậu trong xã hội phong kiến xưa vẫn là nguồn rễ cắm sâu vào đất mà con người muốn triệt tiêu phải trải qua nhiều cách cả tích cực lẫn tiêu cực mới có thể giải thoát được.

Hạnh phúc là một khái niệm mà ai cũng mưu cầu. Tự do càng là một mơ ước ai cũng khao khát. Nuyễn Du cũng chính vì khao khát như thế mà ông đã để nhân vật của mình sống qua hàng thế kỷ. Không riêng gì Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải mà cả Đạm Tiên, Thúc Sinh và Hoạn Thư cũng đều muốn có… dù cách họ đấu tranh có khác nhau (cả tích cực lẫn tiêu cực).

Đọc Truyện Kiều không phải chỉ để xem một câu chuyện tình dang dở, không phải chỉ đơn thuần khóc cho thân phận những người phụ nữ xưa mà đọc Truyện Kiều còn để suy ngẫm về những phận đời trong xã hội xưa. Trong Truyện Kiều có rất nhiều nhân vật với những sự lựa chọn vật lộn khác nhau giữa xã hội phong kiến. Nhưng trong xã hội đó, có mấy ai được như Từ Hải dám yêu, dám trân trọng những điều mà xã hội chà đạp, dám đạp lên dư luận để mưu cầu hạnh phúc. Cũng có mấy ai được như Hoạn Thư dám hận dám ghen dám ác để giành lấy hạnh phúc cho mình dù có bị xã hội lên án, thóa mạ.

Viết về một hình tượng nhân vật để “vẽ cát phun ảnh” là điều không khó đối với một nhà văn nhà thơ chân chính. Nhưng thông qua ngòi bút của mình để giữ mãi những hình ảnh mà khi nhắc đến ai ai cũng biết qua hàng thế kỷ; biến hình ảnh đó thành một kiệt tác văn học truyền thừa từ đời trước đến đời sau... là điều Nguyễn Du đã làm được.

“Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

Tố Như à Tố Như, người đời đã thật sự khóc vì ông, vì những giá trị mà ông để lại; cũng khóc vì Thúy Kiều, vì Từ Hải và cũng đã xót vì Hoạn Thư... còn nhiều nhân vật hơn nữa mà ông để cho “thiên hạ hà nhân” khóc mỗi người một kiểu với mỗi nhân vật khác nhau. Tố Như ngài...quá tài giỏi rồi khi để cho hậu thế một giá trị truyền thừa lý tưởng sâu sắc – gánh cả những phận người, gánh những hủ lậu của xã hội phong kiến, gánh những tư tưởng mưu cầu hạnh phúc và gánh cả những tinh hoa của nhân loại!


🌿Thân mời các bạn tham dự cuộc thi với chúng tôi 🌿

Thân mến,

HIVE Stories.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}