Trâm diễn ra trong bối cảnh thời nhà Đường, dưới sự cai trị của vua Đường Ý Tông. Hai nhân vật chính của tác phẩm là Quỳ vương Lý Thư Bạch - một nhân vật lịch sử có thật, và Hoàng Tử Hà - một nhân vật hư cấu.
Để hoàn thành bộ Trâm này Châu Văn Văn chỉ mất có một năm, nhưng quá trình thai nghén trước đó thì đòi hỏi cô mất tận mười năm, vì thế chúng ta có thể an tâm về tính chặt chẽ và lô-gích trong kết cấu và diễn biến của tác phẩm. Dù tác giả có thêm vào những yếu tố, sự vật huyễn hoặc không có thật do tự cô sáng tạo ra, song những chi tiết đó đều được đặt vào cốt truyện một cách hợp lý, hài hòa, nên không hề làm mất đi tính duy vật biện chứng của một tác phẩm trinh thám.
Có phải chăng vì Châu Văn Văn chọn thời Đường làm bối cảnh, nên bên trong Trâm cũng thấp thoáng đâu đó phong vị trữ tình của Đường thi, thay vì chỉ là một bộ tiểu thuyết trinh thám được lồng ghép những âm mưu thâm độc chốn cung đình? Yếu tố tình cảm trong Trâm quả thật không nhiều, không mãnh liệt và cũng không đủ ủy mị, buồn thương như những tác phẩm ngôn tình khác, nhưng chắc chắn là đủ sâu sắc để khiến người ta thấy ấm áp.
Tựa một mùi hương thanh tân giữa chốn máu tanh, tựa một lời thì thầm an ủi cho hiện thực khắc nghiệt, cũng tựa ước muốn bình dị muôn đời của con người trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc, đó chính là cách tác giả vẽ nên tình cảm của hai nhân vật chính, để từ đó gửi gắm sự dịu dàng vào tác phẩm và vào cả lòng người.
Lý Thư Bạch.
Một nam nhân mang khí độ bất phàm với “đôi mắt đen thăm thẳm, sống mũi cao thẳng, đôi môi mỏng mím chặt, không cố ý mà vẫn toát ra vẻ lạnh nhạt hững hờ với thế gian.”
Một vị Quỳ vương tay nắm quyền cao quản lý trăm chuyện triều chính.
Một con người đặt trách nhiệm trên cả mong cầu của cá nhân. Việc thành thân đối với y cũng chỉ là “chọn lấy một người giữa đám đông xa lạ để chung sống suốt đời thôi“. Khi đọc được câu đó mình lại thấy y vừa đáng ngưỡng mộ lại vừa đáng thương. Ngưỡng mộ vì sự hờ hững đến chai sạn của y, liệu phải đủ bao nhiêu chín chắn người ta mới có thể dửng dưng thốt lên những lời đó? Nhưng đáng thương thay, người ta phải có đủ bao nhiêu lạnh nhạt với thế gian thì mới có thể chấp nhận điều đó? Và để có được can đảm sống với sự bình thản đó, thì y đã và sẽ chịu đựng nỗi cô đơn, tuyệt vọng lớn đến độ nào?
Thật tốt khi y và Hoàng Tử Hà tìm thấy nhau, để cuộc đời y không cần phải tạm bợ sống qua năm tháng.
Hoàng Tử Hà.
Một thiếu nữ xinh đẹp, thuần khiết với “mái tóc đen nhánh, da trắng muốt, bước chân nhẹ nhàng, dáng người yểu điệu, chẳng khác đóa hoa mới nở.”
Một tiểu thư nhà quan thông minh trác tuyệt, từ khi còn nhỏ đã phá được vô số kỳ án, được người người ngưỡng mộ.
Một con người đặt chính nghĩa lên cả sự an nguy của chính mình. Dẫu cho những sự thật mà nàng vạch trần có thể đặt nàng vào tình thế nguy hiểm, dẫu cho chính bản thân nàng vẫn mang nặng hàm oan, thì nàng vẫn quyết tìm ra và nói lên sự thật.
Trong buổi đầu gặp gỡ, chẳng ai trong hai người Lý Thư Bạch và Hoàng Tử Hà nghĩ rằng đối phương sẽ cùng mình kết ái đến bạc đầu. Khi đó Lý Thư Bạch đã chọn được Vương phi của mình, còn Hoàng Tử Hà thì ôm nặng mối tình thanh mai trúc mã với Vũ Tuyên.
Nhưng trên đời này, định mệnh chính là một chuỗi dài những ‘không ngờ’. Không ngờ hai người họ tâm ý tương thông, không ngờ lại cùng nhau trải qua sinh tử, không ngờ đằng sau vẻ ngoài bình lặng của đôi bên chính là tình yêu dành cho đối phương.
Tình cảm giữa Lý Thư Bạch và Hoàng Tử Hà chính kiểu tĩnh lặng mà sâu đậm, họ chẳng bao giờ thể hiện dáng vẻ tình si tình chủng với đối phương nhưng vẫn từng chút len lỏi vào tâm can của nhau, và của cả độc giả.
Lý Thư Bạch ngay từ những quyển thứ nhất đã dần nhận ra tình cảm của mình với Hoàng Tử Hà, nhưng y chưa bao giờ thẳng thừng thể hiện, y luôn chọn yên lặng đứng sau Hoàng Tử Hà, để mỗi khi nàng quay đầu lại sẽ luôn nhìn thấy y, một người thay nàng gánh cả bầu trời.
Xuyên suốt bộ tiểu thuyết, Lý Thư Bạch không chỉ một lần nói ra những lời hứa về sự che chở y dành cho Hoàng Tử Hà.
“Từ nay về sau, chỉ cần ở bên cạnh ta, ngươi sẽ không phải lo lắng sợ sệt nữa.”
Nếu ai từng xem hay đọc qua Hậu cung Như Ý Truyện của tác giả Lưu Liễm Tử thì chắc sẽ hiểu ba chữ “Nàng yên tâm” tuy đơn giản nhưng sâu sắc và ấm áp đến độ nào đối với trái tim của nữ nhân.
Cũng có đôi lúc Quỳ vương giãi bày chút tâm tư của mình bằng lời lẽ chua chát nhưng đáng yêu:
“Nếu vụ án cha mẹ ngươi được làm sáng tỏ, hắn biết mình hiểu lầm ngươi thì sao?” Y vặn lại.
Nghe thấy câu này, Hoàng Tử Hà ngơ ngẩn hồi lâu mới đáp: “Đợi đến ngày ấy rồi nói.”
Lý Thư Bạch chẳng nói chẳng rằng, giơ tay cầm lấy chiếc bình lưu ly, búng nhẹ vào thành bình. “Tinh” một tiếng, con cá nhỏ giật nảy mình, hết ngoi lên lại lặn xuống, cuống cuồng giữa làn nước. Lý Thư Bạch lạnh lùng nhìn nó, rồi bật ngón tay bảy cái, tức thì, con cá nhỏ yên tĩnh hẳn. Lý Thư Bạch đặt chiếc bình xuống bàn, đưa ngón tay búng vào thành bình lần nữa, khiến nó lại được một phen hốt hoảng.
Hoàng Tử Hà kinh ngạc nhìn Lý Thư Bạch, không hiểu y đùa bỡn con cá như vậy là ý gì.
Nhưng Lý Thư Bạch chẳng hề nhìn cô, thản nhiên nói: “Trước đây từng có kẻ nói với ta, trí nhớ của cá chỉ bằng bảy cái búng tay, bất luận ngươi đối tốt hay không tốt với nó, thì sau bảy cái búng tay, nó cũng quên hết mọi chuyện ngươi làm.”
Hoàng Tử Hà lặng lẽ dời ánh mắt từ con cá nhỏ sang y, chỉ thấy y vẫn lạnh băng, chẳng tỏ bất cứ thái độ gì.
Ánh mắt y dừng ở Hoàng Tử Hà, lặng lẽ nhìn cô đăm đăm, giọng lạnh lùng mà chậm rãi: “Bởi vậy, dù ta nuôi một con cá, thì cũng có ý nghĩa gì đâu. Ta dốc lòng dốc sức cho nó thế nào, thì sau bảy cái búng tay, nó cũng quên bẵng. Khi quẫy đuôi bơi về thế giới riêng của mình, nó còn chẳng buồn ngoái đầu.”
Hay đơn giản là một lời cảm khái:
“Thực không hiểu nổi, cô cố chấp cứng đầu như thế, mà sao ta chỉ thích mỗi mình cô.”
Còn Hoàng Tử Hà đối với Lý Thư Bạch chính là một tình yêu dai dẳng tựa sức sống của cỏ dại, nàng dựa dẫm vào y và nguyện gắn bó cùng y không rời.
Trong những năm tháng Lý Thư Bạch bị bao trùm bởi màn sương mù lạnh giá của mưu toan chốn thâm cung, Hoàng Tử Hà đã sóng vai bên y, cùng y một lần nữa nhìn thấy ánh mặt trời.
“Tôi sẽ ở bên cạnh gia, vạch trần bí mật này. Tôi sẽ xua tan hết mây mù che phủ, để gia khỏi lạc lối, nhìn rõ vận mệnh của mình.”
Nàng là một người dám yêu và dám sống vì tình yêu của mình. Khi biết Lý Thư Bạch sẽ một mình dấn thân vào chông gai, nàng đã chẳng màng nguy nan mà lao về phía y.
Cô một thân một mình cưỡi Na Phất Sa băng qua muôn sông ngàn núi, giữa một trời hoa vàng lá úa mùa thu, bất chấp mọi thứ chạy thẳng đến kinh thành.
Và những khi xa nhau, nàng chẳng nói với y những lời thề non hẹn biển xa vời hay bùi ngùi khóc cảnh chia ly, nàng chỉ khảng khái mà bày tỏ với y:
“Dù tôi đi, thì lòng vẫn ở lại bên gia, có đi đến đâu cũng vậy”.
Đây là một câu nói mà mình cho là đủ đầy nhất, còn hơn cả ngàn vạn lời tỏ tình. Hai người hữu tình không thể ở bên nhau, nhưng nếu có thể biết được trong lòng đối phương luôn có mình thì đó chính là niềm an ủi lớn nhất.
Một khoảnh khắc đối với mình là đẹp nhất của cặp đôi Lý Thư Bạch và Hoàng Tử Hà, đó là khi họ cùng nắm tay nhau đứng giữa rừng đao kiếm đang trực chờ tước đi mạng sống của họ.
Lý Thư Bạch chậm rãi vươn tay ra, nắm lấy tay Hoàng Tử Hà bên cạnh.
Ánh dương xuyên qua song cửa chiếu lên mình họ tuy nhạt nhòa, nhưng cũng khiến cung điện ấm lên đáng kể.
Hai người nắm tay nhìn lên đế hậu ngồi trên sập, chỉ thấy tuy họ ngự trên cao, song lại co ro trong bóng tối, thật đáng than đáng tiếc.
Lý Thư Bạch quay sang mỉm cười với Hoàng Tử Hà.
Như đã nói, bên cạnh trinh thám, bộ tiểu thuyết này còn có những âm mưu chốn thâm cung. Và có lẽ nhờ những mưu mô này, mình mới thật sự cảm thấy cực thích nhân vật Lý Thư Bạch. Vì thông qua những tình tiết đó, Lý Thư Bạch càng hiện lên rõ mồn một là kẻ tâm tư kín kẽ và nhạy bén. Mình đặc biệt thích đoạn đối thoại giữa y và Hoàng đế trong quyển cuối, những lời y nói đều chặt chẽ và vừa đủ. Đó là khi Hoàng đế định tội Lý Thư Bạch hai lần giết chết Ngạc vương, lần đầu là bức tử Ngạc vương ở gác Tường Loan và lần sau là đâm chết Ngạc vương trong lúc vô tình gặp lại nhau ở chùa Hương Tích.
“Trẫm không muốn, cũng không dám tin!” Ngài ngự nhíu mày, giọng rầu rầu, “Nhưng trên gác Tường Loan, trẫm đã chính tai nghe thấy Thất đệ mắng mỏ đệ; đệ sát hại Thất đệ ở chùa Hương Tích, lại có hơn trăm quân Thần Sách làm chứng, bảo trẫm làm sao tin được đệ nữa đây?” Có lẽ vì quá kích động nên nói xong mấy câu này, hoàng đế bật ho sặc sụa.
“Thần đệ chỉ muốn hỏi bệ hạ một câu thôi.” Lý Thư Bạch đặt ly trà xuống, trầm tĩnh hỏi: “Hôm ấy ngay trước mặt mọi người, Thất đệ đã gieo mình từ gác Tường Loan cao ngất xuống, theo lý thì không thể sống được, vậy mà tại sao một người đã chết, lại xuất hiện ở sau chùa Hương Tích?”
Hoàng đế sầm mặt xuống, trông rất khó coi. Ngài ngự chằm chằm nhìn Quỳ vương vẫn ung dung bình thản, chậm rãi giải thích: “Có lẽ là liệt tổ liệt tông trên trời linh thiêng, phù hộ Thất đệ thoát nạn.”
“Bệ hạ là vua một nước mà cũng tin mấy lời mê tín chuyên để lừa gạt đám dân quê ư?” Ánh mắt Lý Thư Bạch trong veo, giọng nói như gió trên mặt nước, “Thực ra, một người bất luận là hoàng thân quốc thích hay thường dân áo vải, cũng chỉ có một cái mạng mà thôi, không thể chết đến hai lần được. Bởi vậy, nếu Thất đệ chửi rủa thần đệ rồi gieo mình tự vẫn là thật, vậy thì người bị đệ giết ở chùa Hương Tích hôm ấy không phải là Thất đệ; còn nếu người chết ở sau chùa Hương Tích là Thất đệ, vậy kẻ đứng trên gác Tường Loan chửi mắng đệ khuấy đảo giang sơn ắt không phải là Thất đệ nữa. Bệ hạ nói có phải không?”
Giọng y rất ôn hòa chậm rãi, song hoàng đế lại cau mày, day day huyệt thái dương, ngã người ra lưng ghế, nghiến răng nhắm nghiền mắt lại.
“Bệ hạ thánh minh quyết đoán, nếu muốn định tội thần đệ, thì thần đệ chỉ muốn hỏi, rốt cuộc mình mắc tội gì? Bức tử Thất đệ trên gác Tường Loan, hay giết Thất đệ ở chùa Hương Tích trước mặt hơn trăm quân Thần Sách? Rốt cuộc tội của đệ là gì?”
Xin thú thật, đối với mình, Trâm là một trong những bộ tiểu thuyết khiến mình muốn được quên đi để có thể đọc lại từ đầu, để được cảm nhận lại tất cả sự bất ngờ và tò mò một lần nữa.
Có nhiều độc giả đánh giá tình tiết ngôn tình trong hai quyển cuối quá đậm so với hai quyển đầu. Đó là thật! Song so với những bộ ngôn tình khác thì không là gì cả. Vả lại mình còn rất muốn cảm ơn Châu Văn Văn vì những tình tiết ngọt ngào đó, bởi với mình đó chính là sự nhân đạo và hy vọng đẹp đẽ mà cô dành cho những người hữu tình trên thế gian này.
Những ngày vừa đọc xong bộ này, mình đã vào Wikipedia để đọc về Lý Thư Bạch, mình mới biết được rằng: Trên thực tế Quỳ vương chỉ sống đến năm mười chín tuổi, những oan khuất, bất công mà y phải chịu cũng theo đó mà bị dòng chảy lịch sử nhấn chìm mãi mãi, y không hề đòi lại được công đạo cho bản thân như Lý Thư Bạch trong Trâm đã làm. Và bên cạnh y cũng không có bóng dáng của một Hoàng Tử Hà cùng y đi qua mưa nắng.
Khi biết được điều đó, mình càng biết ơn Châu Văn Văn vì đã thêm vào Trâm những tình tiết mang tính ngôn tình, bởi nhờ vậy mà độc giả có thể tạm thời thoát khỏi thực tế tàn nhẫn và đi vào một thế giới ảo ấm áp của tiểu thuyết. Đời thường vốn đã nhiều khắc nghiệt, nếu tiểu thuyết còn không tô hồng hiện thực thì liệu con người có thể trốn đến đâu để tìm chút dịu dàng cho mình?
Bình luận
Ong vận chuyển comment