Tác giả Vân Võ thường tự gọi văn mình là “văn ruộng”, tức là lối viết văn giản dị, mộc mạc và dễ hiểu với tất cả mọi người. Vậy mà khi đào sâu những điều chị viết, ít nhiều, chúng ta có thể nhận ra đằng sau cái vẻ ngoài “tẩm phảo tầm phào” mà chị khoác lên cho câu chuyện là một vốn kiến thức sâu rộng và cái nhìn am hiểu lẽ đời. Có lẽ vì thế mà cuốn sách “Thằng Huyện con hầu” mới xuất bản gần đây của tác giả Vân Võ đã lôi cuốn được độc giả bởi lối viết dí dỏm và những tình tiết lãng mạn nhưng không hề thi vị hóa một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc.

Cầm cuốn sách trên tay, điều gây ấn tượng trước nhất chính là trang bìa minh họa vô cùng bắt mắt về chân dung của “Thằng Huyện”, của “con hầu”. Những hình ảnh xen lẫn trong những trang sách cũng được vẽ công phu, tỉ mỉ bằng lối vẽ thủy mặc đặc trưng với sông suối, hoa lá, cây cỏ, chim muông… đậm chất liệu văn hóa Á Đông, gắn liền với chuẩn mực nghệ thuật thời trung đại - khi mà thiên nhiên là thước đo của cái đẹp.  

Dù rằng không thể đánh giá một cuốn sách qua bìa, nhưng sự đầu tư về hình thức đã phần nào thể hiện sự chỉn chu về mặt nội dung. Không phụ lòng mong đợi của độc giả, bằng những “từ ngữ nông dân”, tác giả kể “câu chuyện quan lại”. Nói về việc đao to búa lớn nhưng từ ngữ không đao to búa lớn, Vân Võ đã dùng cách gần gũi nhất để đưa vấn đề “kinh bang tế thế” đến với những người đọc muốn tìm chốn thư giãn xả hơi sau bộn bề cuộc sống mệt mỏi. Cách chị dùng những cụm từ “Các cụ đã dạy…”, “Thuở ấy…” hay “Ấy thế là…” để mào đầu câu chuyện có khác gì lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân? Càng đọc, càng thấy như đang nghe những câu chuyện trà dư tửu hậu, càng tò mò muốn biết tiếp nữa, sau nữa, câu chuyện sẽ diễn biến thế nào.

“Thằng Huyện con hầu” viết về mối tình giữa hai kẻ tri kỉ tri âm bị người đời hiểu lầm cả đôi: “Người ơi đũa phải có đôi - Dầu nhơ, dầu mốc, phải đôi mới vừa…”. Một “thằng” quan huyện có tài học nhưng lại ra làm quan trong thời buổi nhiễu nhương, ai cũng cho rằng ấy là đầu quân cho giặc. Một “con” nhà gia giáo nhưng lại chịu về làm vợ quan ông rồi “Thị Trinh” cũng biến thành “Thị Khinh” trong miệng đời.

Mỉa mai thay, châm chọc thay, giữa buổi đất nước loạn lạc, giữa cảnh thời cuộc nhiễu nhương, có những “thằng”, những “con” – bán Trung, bán Trinh để đổi lấy cái vinh hoa phú quý, cái danh vị lợi lộc. Tài tử Thanh Ba Đinh Văn Trung lại là thằng “hầu ngồi”, khuê nữ bút nghiên Thị Trinh lại là con “hầu nằm ngửa” – sao mà ngang trái, sao mà đắng cay! 

Ấy vậy mà tưởng vậy, có thật vậy không? Sau bao biến cố thăng trầm, sau bao giễu cợt phỉ báng, người đời bàng hoàng khi thấy tấm lòng trung trinh của những kẻ hộ gia, vệ quốc bị phơi bày. “Thằng Huyện” khoác lớp áo hôn quan để dễ bề tìm đường thoát thân cho cốt nòi dân tộc. “Con hầu” cả đời chỉ “bán trinh” cho một mình “quan ông” ướt mắt vì thương dân đen con đỏ. Chúng là một cặp xứng đôi “thà rước vào oan nhục ngàn đời, còn hơn buông tay bỏ rơi cái gốc”

Mô-típ đặt nhân vật chính vào hoàn cảnh gần như đối lập với quan điểm của cả thời đại không phải là mới, song cách tác giả Vân Võ triển khai mạch truyện lại lôi cuốn người đọc cứ lật tiếp, giở mãi những trang sách mà không thể dừng. Truyện lấy bối cảnh từ một thời đại có thật của lịch sử - hai mươi năm “nếm mật nằm gai” chờ ngày quật khởi đánh lại bọn giặc Minh đã “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn”, “vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Thử hỏi, với đám “dân đen”, “con đỏ” ấy, một kẻ có tài học, lại đem cái tài ấy đi làm quan cho giặc thì sẽ biến dạng thành cái “giống” gì, cái “dạng” gì trong miệng lưỡi thế gian? “Quan ông” giờ đây cũng chỉ là “thằng Huyện” – thằng chọn “sống vì dân, chứ không liều thân vì tiết”.

Vân Võ rất tài tình lồng ghép triết lí của thời đại và của nhân sinh vào giữa những câu từ dí dỏm, hài hước. Đọc truyện mà có những lúc ta cười nghiêng ngả với những lời tự trào sâu cay “Người ta chôn chó ngoài đồng, dưới gốc đa, gốc gạo. Chỉ có chó nhà quan, là phải chôn giấu, chôn chìm nơi góc bếp […] con chó chết cũng chẳng bằng quân chó-chết…”; nhưng lại có những lúc chính những lời tự trào xót xa ấy khiến ta phải rơi nước mắt: “Lý của những kẻ trung trinh, là phải như thế”. Cuối cùng, người ta nhận ra cái lẽ nghiệt ngã của thói đời: “Thời buổi đảo điên, có kẻ điên mới là người tỉnh nhất”.

Tác giả đặt dụng ý trong từng cái tên, từng tình tiết. Người tên “Trung” thì bị làng trên xóm dưới coi thường vì “bất trung”. Người tên “Trinh” thì bị thiên hạ khinh rẻ do “trắc nết”. Kẻ tưởng điên thì được gọi tên là “Tỉnh”. Nổi bật lên giữa những trang truyện là sự tri âm tri kỉ của con trắc nết và thằng bất trung: “Trung, trinh, hai cặp thúng thầy – Thằng gồng, con gánh, một bầy coi khinh”, là lối “sống bầy đàn” của một đám “nhàn sĩ làm trò” hận đời, hận thời mà mù quáng không nhận ra “Đời này, cái tôi nặng quá, chính là cái tội”.

Không chỉ sâu về mặt nội dung, tác phẩm còn sắc về mặt nghệ thuật. Lối viết trào phúng của Vân Võ tự nhiên mà lắng đọng, những chất liệu quen thuộc của văn học dân gian như ca dao, tục ngữ, thơ lục bát hay điển tích, điển cố và lối chơi chữ thấm thía, dí dỏm đã vẽ nên trước mắt độc giả bức tranh nông thôn Bắc Bộ điển hình. Vân Võ viết về thời xưa, tạo được không khí thời xưa mà vẫn lưu lại dấu ấn cá nhân với những chi tiết “hiện thực phê phán” rất hiện đại, gợi nhớ đến những tràng cười hả hê trong “Số đỏ” của ông vua phóng sự đất Bắc Vũ Trọng Phụng: “Ấy rồi người ta thấy bác í ới gọi bọn thằng hầu đi báo tin cho các cụ, các nhà họ mạc gần xa, nhắc trai đinh nhà họ khăn áo chỉnh tề ngồi chờ lính đến bắt […] Làng Ẻn vào chiều hôm ấy nhộn nhịp đến lạ, người ta đổ ra đường trông theo cái đoàn bắt tù kì lạ nhất thế gian […] Chữ “trung” tuy của một người, cả họ đều phải gánh”.

Văn ruộng, nhưng không phải ruộng nào cũng được đào sâu cuốc bẫm như ruộng của chị Vân Võ.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}