Vũ Trọng Phụng đã được chú ý trên văn đàn Việt Nam ngay từ những ngày đầu xuất hiện với “Cạm bẫy người”, “Kĩ nghệ lấy Tây”, “Dứt tình”… Lúc này ông được mệnh danh là “Ông vua phóng sự đất Bắc”. Nhưng chỉ đến năm 1936, với những sáng tác như “Giông tố”, “Số đỏ”, “Cơm thầy cơm cô”…, ông mới thực sự làm chấn động dư luận, thực sự “vả” thẳng vào mặt xã hội thực dân tư sản thành thị hào nhoáng giả tạo.

Vấn đề Vũ Trọng Phụng vốn là một vấn đề phức tạp, mâu thuẫn, bởi bản thân tác giả đã là một con người mâu thuẫn, phức tạp. Viết về một xã hội nham nhở, quái thai, một xã hội “chó đểu” kệch cỡm, dâm dục, giả trá, suy đồi trụy lạc, băng hoại đạo đức; thế nhưng bản thân Vũ Trọng Phụng lại là một người bình dị, khuôn phép và nền nếp, sâu thẳm trong tâm hồn ông luôn chất chứa tâm sự phẫn uất khôn nguôi – tâm sự của một nhà văn lớn lên từ tuổi thơ cực nhọc, phải chật vật, bấp bênh mới sống được với đời. Có lẽ bởi nhân loại quanh Vũ Trọng Phụng chỉ rặt một lũ không phải bọn có tiền trâng tráo thì là đám nhà nghèo hạ lưu nên cái xã hội được ông tái hiện trong “Số đỏ” cũng cặn bã, đê tiện chẳng kém gì.

“Số đỏ” viết về cuộc đời Xuân Tóc Đỏ từ một thằng ma cà bông, trèo me trèo sấu, nhặt bóng ở sân quần, vì một lời bói toán mà “số đỏ” phất lên thành nhà cải cách xã hội, thành đốc tờ, thành giáo sư quần vợt, cái hi vọng của Đông Dương. Ngay từ cái tên tác phẩm: “Số đỏ” – ta đã thấy tư tưởng định mệnh bi quan, hoài nghi của Vũ Trọng Phụng. Ông có một cái nhìn khinh bạc với cuộc đời gian manh giả trá. Chính ông nói: “Tư tưởng xã hội của tôi nó đã kết lại từ trong mạch máu”, và cũng bởi vì thế mà ông “muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”.

Vậy, số thằng Xuân Tóc Đỏ đỏ là do ngẫu nhiên, nhưng có hoàn toàn là ngẫu nhiên không? Nếu thằng Xuân không dâm, làm sao nó lọt vào mắt xanh bà Phó Đoan? Nếu thằng Xuân không thạo nghề quảng cáo thuốc lậu, không có tính thông minh kiểu con vẹt, không có sự liều lĩnh của kẻ vô học… thì làm sao có thể thành công ở tiệm may Âu hóa, làm sao có thể trở thành đốc tờ? Nếu thằng Xuân không từng nhặt ban quần, biết đánh quần, thì làm sao có thể trở thành giáo sư quần vợt?

Tuy nhiên, “số đỏ của Xuân” không chỉ dừng lại ở những gì nó có, mà chính sự tồn tại của nó đã là sản phẩm của xã hội “chó đểu”, sản phẩm của xã hội mà những Phó Đoan, Văn Minh ngự trị. Vợ chồng Văn Minh vốn là người nắm vận mệnh thằng Xuân trong lòng bàn tay, chẳng muốn cho nó gia nhập vào đẳng cấp thượng lưu với mình. Vậy mà thằng Xuân hại đời cô Tuyết – em gái ông Văn Minh – nên vợ chồng Văn Minh buộc phải “gột rửa bằng xà phòng thơm cái quá khứ của Xuân Tóc Đỏ”.

Càng về sau, con đường “thăng tiến” của Xuân càng chủ động. Càng về sau, Xuân Tóc Đỏ càng nhận ra rằng, thế giới “sang trọng” trong này hay thế giới nhem nhuốc ngoài kia tuy khác nhau bề ngoài nhưng bản chất cũng thế thôi. Cả “Số đỏ” là một đám đông ồn ào nhốn nháo. Nhân quần trong “Số đỏ” là là thứ nhân quần bát nháo, chó đểu, vô nghĩa lí.

Những con người trong “Số đỏ” một là DÂM, hai là ĐỂU. Tất cả xã hội đều diễn ra dưới những trò bịp bợm, lố bịch rởm đời: Âu hóa bịp, cải cách bịp, tu hành bịp, đốc tờ bịp, khoa học bịp, triết gia bịp, luật pháp bịp, vĩ nhân anh hùng cũng bịp nốt. Các nhân vật cứ đan chéo lên nhau trong một guồng quay chóng mặt lúc lên voi, lúc xuống chó: kẻ vô học thì thành người đại tri thức, kẻ lưu manh thì thành anh hùng cứu quốc… Đám đông đó luôn xảy ra xung đột “đâm sầm vào nhau”, hoặc bóc lột nhau, hoặc ức hiếp nhau, hoặc lừa dối nhau, hoặc chơi xỏ nhau, hoặc chim nhau, chửi nhau…

Xuân Tóc đó đã nhân thế mà khai thác “triệt để” cái “vận đỏ” của mình, phát huy tối đa sự láu cá của mình rồi hòa cùng nhịp điệu đểu cáng của xã hội để mà tiến thân. Trong tang gia, Xuân Tóc Đỏ “len vào hàng đầu”. Từ một kẻ bị động như con rối bị giật dây, nó đã dần chủ động đứng vào hàng ngũ của những kẻ danh giá nhất xã hội “Số đỏ”. Nhưng thằng hạ lưu thì vẫn là thằng hạ tiện, nó chỉ có thể “len” lỏi, luồn lách – bản chất vẫn là thằng ma cô láu cá, dùng cái mánh lưu manh để đứng vào cùng đẳng cấp với người khác.

Có lẽ bởi vậy mà “Hạnh phúc của một tang gia” chính là đoạn trích tiêu biểu nhất để làm nổi bật nội dung cả cuốn tiểu thuyết “Số đỏ”. Nếu coi cả “Số đỏ” là một tràng cười dài, thì đám tang ấy chính là tiếng cười hả hê nhất, nhốn nháo nhất. Tang gia mà lại hạnh phúc. Gia quyến người chết thì lấy dịp này để phô bày thanh thế, khuếch trương danh tiếng: “ai cũng phải ngợi khen một cái đám ma như thế”. Tang gia bối rối thật, nhưng bối rối theo một nghĩa hài hước đầy phi lí. Có lẽ giữa cả cái xã hội phi lí, điều gì có lí mới là bất bình thường.

Quả thực, trong xã hội “Số đỏ”, cái bát nháo, vô nghĩa lí được đẩy lên đến tột cùng, nghịch lí tồn tại như một tất yếu khách quan, đây cũng chính là cái nhìn triết học đậm chất Vũ Trọng Phụng. Người ta khó tin đấy là điều có thật nhưng lại chính là điều có thật để rồi ta nhận ra Vũ Trọng Phụng “không nói điêu cho thằng nào con nào” (Nguyễn Đăng Mạnh).

Trên trang viết của mình, Vũ Trọng Phụng đã phóng thật to, tô thật đậm bản chất dâm đãng, chó đểu, bịp bợm của xã hội đương thời, khiến cho cái lố bịch lại càng lố bịch hơn, kệch cỡm lại càng kệch cỡm hơn. Ấy là tài năng của một cây bút có sức chiến đấu cao, ngòi bút Vũ Trọng Phụng không chỉ phê phán, tố cáo xã hội mà còn hạ bệ xã hội. Một xã hội mà “nhà cải cách xã hội” hễ mở miệng ra là “mẹ kiếp”, “nước mẹ gì”. Một xã hội mà Phó Đoan dâm đãng “thủ tiết” với “hai đời chồng” lại được nhận danh hiệu “Tiết hạnh Khả phong”. Một xã hội mà “cụ cố Hồng” những ngoài năm mươi tuổi chẳng biết gì nhưng câu cửa miệng là “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi!”…

Có ý kiến cho rằng, Vũ Trọng Phụng sinh ra để viết phóng sự, nhưng đọc tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng ta mới nhận ra Vũ Trọng Phụng sinh ra để viết tiểu thuyết. Bằng óc quan sát mau lẹ, khả năng kí họa tài tình, ngôn ngữ sắc bén có phần bạo tay, những trang viết của nhà văn giống như những thước phim sống động tái hiện một cách chân thực xã hội thực dân tư sản thành thị những năm trước cách mạng. Lối viết của ông thông minh, quyết liệt, đậm chất phóng sự nhưng lại vô cùng duyên dáng, triệt để đánh địch với sức sát thương lớn, hạ bệ cả một xã hội giả dối rởm đời.

Sau cùng, cái gốc của trào phúng vẫn là trữ tình, là tấm lòng nhân văn của nghệ sĩ trước cuộc đời. Nhà văn đau xót trước cuộc đời thì mới bật thốt lên tiếng cười, tiếng khóc đằng sau tiếng nói phê phán. Xét đến cùng, đằng sau tràng cười hả hê ngạo nghê, ta nhận ra giọt nước mắt đau xót của nhà văn. Hài kịch cũng là bi hài kịch.

Kết án văn chương lãng mạn giả dối; kết án xã hội “chó đểu”, khốn nạn; tuyên bố “tiểu thuyết là sự thực ở đời”, dường như ở Vũ Trọng Phụng có cái nhìn đầy chông chênh, đen tối và ngụy biện, ngộ nhận về xã hội. Người ta vin vào cái cớ đó mà cho rằng cái gốc nhân đạo ở Vũ Trọng Phụng chưa thật sâu, để rồi hàng bao nhiêu năm sau khi nhà văn qua đời, khi có luồng gió “đổi mới” mạnh mẽ thổi trên đất nước, người ta mới xét lại văn học của ông, xét lại “Giông tố”, “Số đỏ”, “Làm đĩ”… mới nhận ra ông là Balzac của Việt Nam (Lưu Trọng Lư), là người chiến sĩ tranh đấu đến phút cuối cùng, và rồi người ta đặt ông vào vị trí “vinh quang của những người bất tử”.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}