Hans Christian Andersen là nhà văn lỗi lạc của Đan Mạch. Ông được sánh ngang với các danh nhân thế giới vì sự đóng góp to lớn trong sự nghiệp văn chương. Đặc biệt, ông được ca ngợi là ông hoàng của truyện thiếu nhi vì số lượng lớn tác phẩm cổ tích để lại. Sự ảnh hưởng của ông đối với nền văn học về thiếu nhi không chỉ trong thời đại của ông mà ngay cả đến tận hôm nay, khi nhắc đến cổ tích dành cho trẻ em người ta đều nhắc đến các tác phẩm cổ tích của ông. Đặc biệt, những tác phẩm cổ tích đó còn được liên tục làm thành phim hoạt hình, phim ảnh, in sách cho thiếu nhi. Hay đổi cách nói khác: nếu nhắc Andersen với các tác phẩm tiểu thuyết, thơ ca sẽ có ít người biết đến. Nhưng nếu nhắc ông với các tác phẩm cổ tích: Vịt Con Xấu Xí, Cô Bé Tí Hon, Bộ Quần Áo Mới Của Hoàng Đế, Đôi Giày Đỏ hay đặc biệt nhất là Nàng Tiên Cá Nhỏ... thì không ai là không biết vì sự phổ biến rộng lớn của nó.

Nàng Tiên Cá Nhỏ là một câu chuyện cổ tích nổi tiếng và được nhắc nhớ nhiều nhất của Andersen. Sự thành công của Nàng Tiên Cá Nhỏ đã để lại cho thế giới rất nhiều sự sáng tạo, phóng tác dựa trên hình mẫu của “người cá” với rất nhiều dị bản khác nhau.

Nàng Tiên Cá Nhỏ được viết theo hình thức của một truyện cổ tích: công chúa – hoàng tử, tình yêu, phép màu, mụ phù thủy... và tất cả những điều ảo tưởng về sức mạnh siêu nhiên. Tuy nhiên, câu chuyện tình yêu trong đó lại không mang màu sắc hạnh phúc, vui tươi theo kiểu “ở hiền gặp lành”, người tốt sẽ được “giấc mơ đẹp” cho người đọc mộng mơ, hoài niệm mà ngược lại, cái kết của nó rất buồn. Nàng Tiên Cá Nhỏ chết đi hóa thành linh hồn kết thúc một chuyện tình yêu mà hoàng tử mãi mãi không biết. Có lẽ chính vì sự đau buồn này, mà rất nhiều dị bản khác nhau đã ra đời với mục đích “kéo” một cái kết hạnh phúc cho nàng tiên cá và hoàng tử được ở bên nhau. Bởi vì người ta cho rằng cổ tích là dành cho thiếu nhi nên nó cần những cái kết hạnh phúc. Nhưng ít ai biết rằng, cổ tích của Andersen là cổ tích cho thiếu nhi cho cả người lớn.

Andersen trưởng thành trong một thế giới tuổi thơ nhiều bất hạnh và biến động. Chính vì lẽ đó mà trong các tác phẩm của ông luôn chứa đựng nhiều bi kịch. Ông dùng trí tưởng tượng siêu nhiên của mình cộng hưởng với sự từng trải cho một tuổi thơ lăn lóc, biến động với đời mà tạo nên những tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Nàng Tiên Cá Nhỏ vốn là con gái út của Vua Thủy Tề. Nàng sống dưới đáy biển sâu với dáng vẻ như con người nhưng nàng không có đôi chân mà chỉ có một chiếc đuôi cá. Nàng đem lòng yêu hoàng tử và vì chàng, nàng hy sinh đuôi cá để có đôi chân bước đi như con người. Nhưng hoàng tử lại đem lòng yêu một cô công chúa. Nàng Tiên Cá Nhỏ không có được tình yêu cũng đồng nghĩa sẽ chết. Muốn sống, nàng chỉ có thể giết chết hoàng tử và dùng máu của chàng đổi lại chiếc đuôi cá để trở về làm người cá vĩnh viễn sống an lành dưới đáy biển sâu – gia đình của nàng. Nhưng nàng đã chọn cái chết để không làm hại hoàng tử. Nếu tất cả những gì chúng ta biết và nghĩ về nàng tiên cá chỉ dừng lại ở ý nghĩa câu chuyện như vậy thì đó là một thiếu sót vì chúng ta đã bỏ qua sự suy tư, gởi gắm của Andersen vào câu chuyện của mình. Sự gởi gắm về những bài học hy sinh cho lý tưởng, thông điệp sâu sắc về một trái tim chí thiện và niềm tin về một tình yêu vĩnh hằng.

Chúng ta thường được biết đến nàng tiên cá đem lòng yêu hoàng tử và hy sinh mình vì tình yêu theo cách kể của các dị bản sau này. Nhưng ít ai biết rằng, trong tác phẩm gốc của Andersen thì nàng tiên cá còn có một ước mơ về linh hồn bất tử.

Nàng Tiên Cá là loài cá thần sống dưới đáy biển sâu. Nàng cũng như tổ tiên mình có một sinh mệnh đến ba trăm tuổi. Nhưng lại không có một linh hồn bất tử như con người. Khi con người chết đi, dù thân xác đã không còn nhưng linh hồn họ vẫn sẽ được phiêu diêu khắp đất trời, được bay đến muôn nơi ngắm nhìn những gì đẹp đẽ nhất của thế gian và thậm chí có thể bay đến thiên đàng. Còn Nàng Tiên Cá và tổ tiên nàng, dù sống đến ba trăm năm nhưng khi chết đi sẽ hóa thành bọt biển tan vào sóng biển im lìm, lặng lẽ. Thái Hậu – bà nội của nàng nói với nàng con người bất hạnh hơn giống nòi của nàng vì họ không có tuổi thọ ba trăm năm để sống để nhìn ngắm thế gian một cách tận hưởng. Nhưng Nàng Tiên Cá lại cho rằng tuổi thọ ba trăm năm mới chính là một nỗi bất hạnh. Đây cũng chính là điều mà Andersen muốn thông qua câu chuyện của mình để gởi gắm một loại thông điệp về sự sống và không sống.

Thi hào William Shakespeare đã từng gởi vào vở kịch Hamlet của mình một thông điệp về sự sống và không sống. Sống là không ngừng đấu tranh, vươn lên tiêu diệt cái ác, cái xấu. Sống là biết hướng mình vào những lý tưởng, những khát vọng của mình để nhân lên vẻ đẹp chí thiện, làm nên những điều tốt bất tử. Ngược lại chính là không sống. Andersen là một nhà văn, tiểu thuyết gia rất hâm mộ thi hào William Shakespeare, thế nên những tác phẩm của ông luôn ảnh hưởng nhiều thông điệp từ các tác phẩm của Shakespeare. Lý tưởng về một linh hồn bất tử của Nàng Tiên Cá Nhỏ cũng chính là sự ảnh hưởng này. Tôi thật sự cảm thấy tiếc cho những dị bản sau này, thậm chí là các tác phẩm hoạt hình được vẽ lại, phóng tác lại đều chỉ ca ngợi sự lương thiện của Nàng Tiên Cá và tình yêu mãnh liệt với hoàng tử mà không đề cập đến ước mơ về linh hồn bất tử của nàng.

Nàng yêu hoàng tử không chỉ vì tình yêu mà còn yêu chàng vì chàng là hình mẫu để nàng hướng tới lý tưởng của mình: lý tưởng đi tìm một linh hồn bất tử. Với nàng, sự sống ba trăm năm chỉ là tồn tại. Tồn tại để ngắm nghía những cảnh đẹp của thế gian. Andersen cho nhân vật của ông những sự lựa chọn về sống và tồn tại (tồn tại tức là không sống). Khi các chị của Nàng Tiên Cá Nhỏ đến tuổi trưởng thành, được ngoi lên mặt đất ngắm nhìn những tòa nhà, những ngọn đèn lấp lánh ánh sáng, những núi non hùng vĩ, những buổi tiệc cung đình, những đợt sóng nhấp nhô trên biển khi hoàng hôn... thì Nàng Tiên Cá Nhỏ lại ôm ấp một pho tượng hình người bị đắm tàu chìm xuống đáy biển với một khát khao về con người, khát khao về tình yêu của họ và linh hồn bất tử của họ và xem đó như lý tưởng của đời nàng mà nàng sẽ vì nó cố gắng phấn đấu đạt được. Đây chính là sự minh chứng cho khát khao lý tưởng hóa cuộc đời của con người. Chúng ta - những con người trong xã hội đầy rẫy những đau khổ và tội ác, có thể lựa chọn cho mình những cách sống khác nhau. Nhưng chung quy lại cũng chỉ có hai cách sống: đấu tranh vì lý tưởng để linh hồn mãi mãi bất tử chí thiện như Nàng Tiên Cá Nhỏ hay tồn tại thật lâu giữa cuộc đời, nhẫn nhịn với những gì mình có để rồi khi chết đi cũng chỉ là những bọt biển giữa đại dương mênh mông như các chị của nàng và tổ tiên của nàng?

Hành trình trưởng thành của Nàng Tiên Cá Nhỏ là hành trình lý tưởng hóa để có một linh hồn chí thiện, bất tử với cuộc đời. Nàng lần đầu tiên được ngoi lên mặt nước, nàng không chọn cách ngắm nghía nhìn sự biến đổi đẹp đẽ của cuộc sống mà chọn cách đi tìm hiểu về con người, xem họ làm sao để có linh hồn. Nàng biết con người có linh hồn vì họ có nhịp thở, có tình yêu, có sự rung động với thế giới. Và trong sự rung động mà nàng cảm nhận được, nàng đã nhìn thấy hoàng tử - khởi nguồn cho linh hồn bất tử trong nàng. Với Nàng Tiên Cá, linh hồn của nàng chỉ bất tử khi nàng yêu và được yêu - được con người trao cho nàng một nửa linh hồn thông qua sự yêu thương trong trái tim.

Nàng Tiên Cá là hiện thân cho hành trình đấu tranh vì lý tưởng của con người. Nàng có lý tưởng của mình. Nàng vì lý tưởng mà sẵn sàng trả giá. Đây cũng chính là một bài học sâu cay được Andersen lồng vào câu chuyện của mình: cuộc sống cho ta nhiều cám dỗ, nhưng không cho ta đạt được dễ dàng. Muốn có được hạnh phúc, muốn hoàn thành lý tưởng, chúng ta phải hy sinh để đổi lấy. Nàng Tiên Cá vì muốn có được tình yêu của hoàng tử và một linh hồn bất tử mà đã đến gặp mụ phù thủy của đại dương để cầu xin một sự giúp đỡ.

Ở đây, nhân vật phù thủy trong “quan niệm cố hủ” của mọi người thường là đại diện cho phái ác, luôn tìm cách hãm hại người lương thiện. Nhưng, mụ phù thủy đại dương trong câu chuyện này theo cách nhìn của tôi thì bà ta không độc ác.

Mụ phù thủy sống ở nơi tối đen, sâu thẳm của đại dương. Bà nuôi những con vật đáng sợ và có trong mình những quyền năng của bóng tối. Có thể nói, sự sống và tồn tại của bà là một sự dị biệt của thế giới. Chính vì sự dị biệt về một quyền năng đặc biệt mà bà luôn được gán với những điều xấu xa. Thế nhưng, trong câu chuyện của Nàng Tiên Cá, bà vẫn không hề có sự ép buộc hay hãm hại nào với nàng. Bà biết mong muốn của nàng, bà đưa ra sự lựa chọn và cân nhắc lợi hại cho nàng. Nếu nàng muốn có đôi chân để đến bên hoàng tử và có một linh hồn bất tử, nàng phải trả giá và chấp nhận hy sinh đánh đổi. Mụ phù thủy trong câu chuyện này giống như là những mặt tối thực tế của cuộc sống. Cuộc sống không hại ai cả nhưng cuộc sống là một quy luật sòng phẳng: không cho ai bất cứ điều gì. Muốn có được phải đánh đổi và hy sinh. Hạnh phúc chính là nước mắt và cả nụ cười.

Nàng Tiên Cá là giấc mơ về một trái tim chí thiện. Nàng yêu hoàng tử, nàng muốn có được tình yêu của chàng và ở bên chàng mãi mãi. Khi con thuyền của chàng chìm dần xuống đáy biển, nàng đã từng thoáng qua suy nghĩ để chàng chìm xuống đáy biển thì nàng mãi mãi có được chàng. Nhưng nàng biết, hoàng tử là con người. Nếu xuống nước, chàng sẽ chết đi chứ không thể sống như nàng. Nàng đã cứu hoàng tử vì tấm lòng lương thiện của nàng. Khi các chị nàng khuyên nàng giết hoàng tử để đổi lấy sinh mạng cho nàng. Nàng đã chọn cái chết cho mình. Đây chính là sự chí thiện của nàng. Con người khi rơi vào tận cùng sinh tử mới thấy rõ vẻ đẹp tâm hồn của họ. Chỉ khi ta vượt qua được sự cám dỗ của sống - chết mới nhân lên được vẻ đẹp chí thiện. Nàng Tiên Cá Nhỏ đến giây phút cuối của cuộc đời, vẫn lựa chọn đấu tranh, vươn lên đánh bại cái ác, cái xấu nhân lên vẻ đẹp chí thiện. Đó mới là sự bất tử của linh hồn. Và nàng đã thật sự có được sự bất tử đó. Nàng không hóa thành bọt biển vì nàng đã thực hiện được giấc mơ chí thiện. Nàng có linh hồn và nàng lại tiếp tục thực hiện giấc mơ của mình, bay khắp muôn nơi làm điều tốt để trở thành linh hồn bất tử và đến thiên đàng.

Nàng Tiên Cá Nhỏ yêu hoàng tử. Vì để có đôi chân bước đi như con người, nàng chấp nhận đánh đổi giọng hát của mình. Có đôi chân, được sánh bước bên hoàng tử nhưng mỗi bước đi là ngàn kim đâm vào chân khiến nàng đau buốt và chảy máu. Nhưng nàng vẫn có thể mỉm cười khi bên cạnh hoàng tử. Vì nàng yêu hoàng tử. Nàng thà chọn cái chết cho mình cũng không muốn làm hại hoàng tử. Đến khi nàng chết đi, hoàng tử vẫn không biết về tình yêu của nàng. Nàng hóa linh hồn, hôn nhẹ vào vầng trán của chàng như lời tạm biệt sau cuối. Tình yêu của nàng thuần khiết giấu trong tim nàng và vĩnh hằng trong linh hồn nàng. Hoàng tử mãi mãi không biết về tình yêu đó. Nhưng nàng biết và tình yêu đó của nàng mãi mãi bất tử. Tình yêu có thể nói ra để đối phương cảm nhận là một hạnh phúc. Nhưng nếu tình yêu không thể nói ra, giấu chôn sâu trong đại dương thống khổ như mỗi bước chân đau nhói của Nàng Tiên Cá Nhỏ thì đó chính là sự vĩnh hằng trong tình yêu. Dù sự vĩnh hằng này có phải được đổi bằng tất cả sinh mạng của Nàng Tiên Cá Nhỏ.

Truyện cổ tích của Andersen rất ít khi có những cái kết có hậu và vui tươi. Nhưng đối với nền văn học thế giới, nó vẫn nắm giữ một vị trí lớn vì những giá trị nhân văn mà ông đã gởi gắm vào. Nhà văn Nga Konstantin Georgiyevich Paustovsky nhận định: " Trong mỗi truyện cổ tích cho trẻ con của Andersen còn có một truyện cổ tích khác mà người lớn mới có thể hiểu hết ý nghĩa của nó". Andersen lồng những giá trị nhân văn của mình vào mỗi câu chuyện cổ tích bằng cách dùng sự tưởng tượng của phép nhiệm màu để kể một câu chuyện đời.

Nàng Tiên Cá Nhỏ trong hành trình đi tìm lý tưởng của mình đã được gì và mất gì? Nàng mất giọng hát, tính mạng và cả hoàng tử. Nhưng nàng có được linh hồn bất tử, trái tim chí thiện và tình yêu vĩnh hằng. Điều mà Andersen hướng đến cho chúng ta trong câu chuyện cổ tích của mình không phải là những điều có thể nhìn thấy được: những cái kết hạnh phúc, ở hiền gặp lành mà các giá trị ông hướng đến chính là sự đấu tranh. Chúng ta sống trên đời phải không ngừng đấu tranh, không ngừng vươn lên để hướng tới lý tưởng của mình. Chỉ khi vượt qua được chính mình, dám hy sinh dám từ bỏ để dũng cảm sống với lý tưởng thì mới là con người bất tử. Sự bất tử trong linh hồn của Andersen chính là kho tàng truyện cổ tích mà ông để lại. Ông cũng như Nàng Tiên Cá Nhỏ của mình, để lại cho đời một linh hồn bất tử mà mãi đến tận hôm nay vẫn không ai thay thế được.

Truyện cổ tích không phải chỉ dành cho thiếu nhi. Truyện cổ tích còn là một giá trị nhân văn mà người lớn phải tìm tòi, học hỏi mới hiểu hết được. Thế cho nên, sao chúng ta không thử một lần xem lại những câu chuyện cổ tích như Nàng Tiên Cá Nhỏ để đánh thức linh hồn bất tử trong trái tim mình, để biết và hiểu xem trái tim mình cần gì và muốn gì trong thế giới đầy rẫy những cám dỗ này. Và nếu có một ngày bạn được ban phát một tuổi thọ ba trăm năm để bạn có thể sống nhìn ngắm thế gian, nhìn ngắm mọi vật trên đời xuất hiện và chết đi theo vòng xoay cuộc đời của nó. Đổi lại, khi bạn chết đi, bạn không có linh hồn bất tử mà sẽ vĩnh viễn hóa thành bọt biển im lìm tan vào sóng... bạn có chấp nhận đổi lấy???




Bình luận

  • avatar
    Ong vận chuyển comment
    Bình luận của bạn Tỏi (16/07/2022): Một bài review sâu sắc. Cảm ơn bạn vì đã cho mình thấy một góc nhìn khác về câu chuyện này. Trong bản mình đọc thì nàng Tiên Cá cuối cùng đã biến thành bọt biển và tan vào hư không, nên mình đã nghĩ nó rất buồn. Nhưng nếu kết là nàng đã biến thành một linh hồn như trong phiên bản mà bạn đọc thì mình thấy đó cũng là một cái kết có hậu bởi nàng cuối cùng đã đạt được điều mình muốn.
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}