KHI “TÔI-KHÔNG-GÌ-CẢ” VIẾT VỀ “KẺ-TÔI-NÀO-ĐÓ”
Tôi vô tình tìm thấy tập thơ [Đi vào những chiều rơi] của Yên Bảo trong một buổi chiều đầu óc hơi mông lung.
Ban đầu, tôi chẳng kỳ vọng gì. Tôi đã lượn lời ở một hai tập thơ khác, cũng được giới thiệu là tượng trưng, là điên loạn, là những mảnh hồn ngông cuồng thách thức với quy luật tự nhiên và cả quy luật thơ ca, con chữ. Nhưng trong những thức ấy, tôi chỉ tìm thấy những kẻ giả điên, những kẻ mô phỏng một cách sáo rỗng linh hồn vụn vỡ trong cõi hư vô của một ai đó khác. Tính tượng trưng siêu thực không phải dễ dàng có được chỉ bằng một vài cái chữ cường điệu, không phải chỉ bằng cách khuấy cho tan nát những luật lệ và logic của số đông. Bởi dù cho gã thi sĩ ấy có tìm đến những phương thức thật lạ lẫm để mô tả thế giới này, thì hắn ta cuối cùng vẫn luôn hướng về nó, mà không, có thể nói là đã bị nó ăn sâu vào xương tủy tim gan, cố gắng vùng vẫy ra nhưng không thoát được, cố gắng chập nhập vào lại không dung chứa được. Tôi cho rằng, chính điều ấy mới đẻ ra cái “điên” của hắn ta.
Đớn làm sao, tôi lại chẳng đủ hiểu biết để đọc cho ra, kể cho tròn về những dòng thơ ấy. Mà thật ra tôi chẳng muốn kể gì. Bởi cái sự nông cạn của hồn tôi không giải nổi sự trừu tượng xa xôi của thi nhân. Bởi trí người nghèo nàn con chữ như tôi không thấy hết những sợi tơ chằng chịt mắc nối giữa các con chữ. “Ý tại ngôn ngoại” hẳn là để chỉ những dòng thơ thế này.
[Đi vào những chiều rơi] chứa tổng cộng 20 bài thơ, đều là thể tự do. Dù nói rằng màu sắc tượng trưng rất rõ, nhưng những con thơ ấy không kể về cái gì quá lớn lao hay quá xa vời cả. Nó kể về những giấc mơ tầm thường khi ta đặt lưng xuống giường, những cái bóng cũng có màu đen, cũng ngã nghiêng bên cạnh chủ của nó, những mặt trời, cái trứng, con chim, con cá, những ấm nước và tiếng thở than của các đồ vật trong nhà. Tất cả đều rất gần gũi, rất quen thuộc, quen thuộc đến nỗi làm ta ngớ người ra, sao mấy lúc trước đây khi thấy chúng, ta không nhìn chúng được như cách mà tác giả đã nhìn?
“Rồi bỗng bên tai tiếng nồi nước sôi bỏ quên rỉ máu
âm ỉ rỉ rót thành vũng lênh láng xuống sàn nhà
tiếng trút thất thanh cạn một hơi đâu ai thèm nghe thấy
quả lắc còn bận đếm nhịp cho tiếng quạt chạy đêm”
[Tiếng động đêm]
Hay là cái tứ lạ lùng này.
“tiếng người bên kia hả họng cho ý nghĩ rơi ra bên ngoài
mở trang sách cho rơi
rơi ý nghĩa. rơi mặt chữ vô nghĩa
rơi bức hình
với những con người thu lẻm mình
vào bốn cạnh bo khung”
[Đi vào những chiều rơi]
Như bao nhà thơ khác, Yên Bảo cũng làm thơ để tìm thấy cái tôi mình trong thơ. Cho dù nó còn hỗn loạn và nguyên sơ, tôi hình như đã thấy được căn nguyên của sự mâu thuẫn trong tâm hồn kẻ này. Nhất là khi anh ta kể về cơn ác mộng màu trắng của chiếc bóng.
“trắng ép cho cái bóng khít vào thân tôi
ai mà biết được tôi là bóng hay bóng là tôi.”
[Trắng]
[Trắng] là cơn ác mộng của cái bóng. Cái bóng màu đen, và trắng sẽ xóa nhòa cái màu đen của nó. Ta đều biết cái bóng là thứ luôn được ví như bản chất sâu thẳm của linh hồn, những gì không dám cho người ta nhìn thấy, những gì thì thầm trong màn đêm. “Tôi” không phân biệt giữa mình và bóng mình. Vậy có thể xem nỗi sợ của cái bóng như là nỗi sợ của chính “tôi” vậy. Nếu mà được sinh ra là “trắng” thì tốt quá, nhưng xui xẻo, lại không được. Vậy nên cứ luôn sợ hãi, luôn luôn bất an.
Khi mà sự bất an to lớn quá đỗi, tránh không được, đuổi không đi, lại không thể cải mình cho giống nó, thì ta làm gì? Ta nghĩ đến sự giải thoát, sự kết thúc, sự chấm dứt, theo bất cứ cách nào có thể làm được điều đó. Bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy thứ giải pháp đó đang rình rập trong rất nhiều ngóc ngách của tập thơ này. Cái chết ở trong vật này, ở nơi vật kia, nhìn ở đâu cũng thấy được cái chết.
“trăng nhuốm màu lửa chết
chỉ còn những tro tàn kể lể chuyện mai sau.”
[Đi săn]
“đoàn người đi bộ trong gió
đi, đi mãi vào hư không”
[Đoàn người đi bộ trong gió]
“bờ biển nằm ngang
in trong mắt con cá nằm cạn”
[Đường thẳng]
Tôi thấy hắn ta nghĩ về cái chết một cách rất ung dung, tựa điểm cuối của câu chuyện ai rồi cũng phải đi đến. Sau đó hắn ta thở đều và chờ đợi nó đến, như thể hắn đã sẵn sàng để đón lấy nó, suốt cả cuộc đời này.
“chân vẫn bước
bước cho đến khi màn đen ngoài trời trùm xuống
ôm vào màn đen bên trong cơ thể;
và mặt trời nhắm mắt nằm ngủ
không một chút ồn vào và đớn đau.”
[Trước tận thế]
Tôi thấy hắn mơ màng tìm thấy sự giải thoát ở điểm tận cùng đó, khi mà mọi thứ đều ngả ngũ rồi, đã kết thúc rồi, hắn mới thấy mình được thanh thản, được ngay thẳng mà đứng dậy.
“chữ sẽ nói bằng trí nhớ mới ra đời
và quên hết tiếng thở dài nối liền sau.”
[Tôi đứng nhìn căn nhà xây dang dở]
“Chỉ còn chờ đến ngày đó
mọi người đang đứng
ngã sõng soài thành đường ngang
và đường ngang đang ngủ
bật tỉnh dậy đứng thẳng dọc.”
[Đường thẳng]
Song, hắn vẫn sợ. Khi mà sức mạnh sinh tử vùng lên không thể nào nén được, hồn vung mình xé xác bay đi. Hắn dường như thấy hắn vẫn nằm lại, vẫn kẹt lại. Có lẽ hắn sợ sự giam cầm này là mãi mãi.
“Tôi có thể hỏi gì
về cảm xúc của quả trứng
khi chú chim non cuối cùng cũng rời đi”
[Sức mạnh của sự ra đi]
Đọc cạn 20 bài thơ, tôi thấy cái tôi của tác giả hiện lên một cách yên lặng, như một mặt trời màu đen không tỏa nắng từ từ bò dậy từ biển trắng. Tôi thấy nó là một cái gì vật vã với nhân sinh, với chính mình, với ti tỉ chi chít những đốm vật sợi thanh bao quanh hắn ta. Tôi thấy hắn ta như ghê sợ mọi thứ, mà cũng đồng cảm sâu sắc với mọi thứ. À, trừ con người, tôi thấy hắn ta nhìn về loài người như một giống ngoại lai kì cục, những kẻ mà sẽ làm tất thảy mọi thứ ngược với hắn ta. Ơ, nghe sao mà giống cái bóng của hắn ta nhỉ? Cái đứa nhìn qua thì giống nhưng lại chẳng làm được giống gì.
Tôi thấy hắn ta như một con côn trùng nhỏ, vùng vẫy khắp cùng trời cuối đất, nghiêng đầu cúi mặt nhìn cái thế giới này trong tùm lum góc độ, như thể đang tìm ở đâu một cái khe nứt để mình có thể trốn ra. Kể cả khi đã nỗ lực vậy rồi, hắn ta vẫn nằm lại, vẫn kẹp giữa gầm trời nóc đất, kẹp giữa biển người.
“tôi nằm mà rơi. nằm ngang ra rơi về dọc
Rơi.
rơi. rơi tự do.
rơi trong bốn về kiểm soát.
Rơi ngược từ dưới lên
rơi
vào
không trọng lực
tôi rơi trăm chiều vạn hướng
rơi mòng mòng trong thân người đứng yên.”
[Đi vào những chiều rơi]
Hắn là một “kẻ-tôi-nào-đó” bị mắc kẹt trong một “tôi-không-gì-cả”, cố gắng vùng vẫy rồi lại yên ắng chờ đợi đến ngày tận thế, rồi đau đớn bất an quá mà thao thức suốt đêm để lắng nghe nỗi sợ trỗi dậy từ mãi đâu đâu. Tôi thấy hắn hèn mọn và bất lực biết chừng nào.
Tôi không biết những lời góp ý sau đây có hiệu nghiệm hay không, khi mà cái tôi của thi sĩ này đang chống chọi lại mọi xiềng xích một cách quyết liệt như thế kia. Nhưng mà tôi vẫn phải nói. Bạn viết thơ nhưng nó chưa thật thơ, hồn bạn bao la, tứ bạn tràn trề nhưng con chữ bạn vụng về, đứt gãy, nó khiến cái hồn bạn đang đi giữa đường thì hụt chân, khiến tiếng nói yếu ớt của hồn đó chưa được thoát ra thì tắt nghẹn. Chưa đủ, vỏ ngôn ngữ của bạn vẫn chưa đủ rộng để chứa cái hồn đang giãy giụa kia, chưa đủ sắc để cắt ngang dọc vào thế giới này. Tôi mong rằng đến một lúc nào đó, chữ của bạn có thể được sống nhiều như hồn bạn, chứ không chỉ là một mảnh đất cằn miễn cưỡng ép ra cây.
Thôi, thế là đủ. Phải nói là lâu lắm rồi tôi mới bắt gặp một hồn người như vậy, một hồn người mà tôi muốn lặng theo dõi mọi cử động của hắn ta, để hắn ta chỉ cho tôi xem những thứ bình thường tôi xem không thấy. Có lẽ vì là kẻ đồng bệnh nên tôi thiên vị, nhất thời, tôi bằng lòng bỏ qua vẻ ngoài nhếch nhác của hắn, bằng lòng ngồi xuống lắng nghe hắn một lần.
Mặc Phong Lữ
Bình luận
Chưa có bình luận