Nhà văn Hồ Anh Thái giới thiệu rằng: “Tập truyện này sẽ cho ta ấn tượng như đọc một cuốn tiểu thuyết. Một ngôi chùa ở đâu đó giữa miền Trung. Một nhà sư, một chú tiểu và thấp thoáng một chị bán vải là Phật tử”. Tập truyện có 23 truyện ngắn mang hơi thở thiền định và an nhiên nhưng cũng chứa đầy những trăn trở về nhân tình thế thái.
Cảm nhận chung thì đây là một tập truyện nhẹ nhàng tinh tế và sâu sắc, phù hợp với những ai thích triết lý nhà Phật. Giọng văn đơn giản mềm mại, đọc xong có cảm giác thanh thản bình yên, càng đọc càng thấy thú vị cuốn hút, mặc dù chẳng có gì kịch tính cao trào, chỉ là những sinh hoạt thường nhật trong một ngôi chùa ở vùng quê bình yên. Truyện cũng có rất nhiều yếu tố ẩn dụ khiến người đọc suy nghĩ dù cho hình ảnh rất gần gũi đời thường.
Có lẽ khi đọc truyện đầu tiên “Cõng nhau trong một cõi người”, độc giả sẽ có cảm giác khá kinh ngạc, bởi vì việc “cõng giúp người qua sông” với việc “quan hệ tình dục giúp người sinh con” là hai chuyện không hề tương đồng, nếu so sánh như thế thì cũng giống như “ăn cắp vặt” ngang tội với “giết người”. Bởi vì việc “giết đi một sinh mạng” và “tạo ra một sinh mạng” mới có thể đặt ngang hàng với nhau, tạo ra những hệ quả ngang nhau. Đây là chưa tính đến việc người giúp đỡ kia là một nhà sư, nhìn theo góc độ nào thì ông cũng phạm vào “sắc giới” tiếp tay cho việc gieo “nhân” gây ra nỗi khổ cho một chúng sinh sắp tượng hình. Tuy nhiên khi đọc đến cuối tập truyện thì sự bất bình có lẽ sẽ được giảm đi, vì đặt “Cõng nhau trong một cõi người” vào hệ thống liên kết xuyên suốt với các truyện khác thì đây là một kiểu quan hệ “nhân – quả”
“Trong mầm sinh có chủng tử khổ đau, có manh nha tử biệt. Sinh trụ hoại diệt là quy luật muôn đời của loài hữu tình, cũng là nghiệp chướng mà nhà Phật phải vượt qua để đạt giải thoát” – Nuôi heo trong chùa
Điệu Sanh là nhân vật chính, là người chứng kiến cũng là người góp tay xây dựng những điều diễn ra. Nguyên nhân Sanh bị gia đình đưa vào chùa là để “tu cải nghiệp” bớt tính ngang bướng nghịch phá, nhưng người đọc đến cuối sách mới biết được nguyên nhân thật sự vì sao, như một vòng “nhân – quả” luân hồi.
“Bên gốc si, bữa nọ tiếng gà trống giục tình đã mở ra một con đường sinh. Rồi tiếng đàn con chiêm chiếp chui khỏi vỏ sừng khóc gào kêu khổ. Cuối cùng tiếng gà mái rống hết sức lực van lời tạm biệt. Tất cả những tiếng kêu ấy vẳng lên từ dưới gốc si. Biết thế nhưng khó mà chặt cây đi” – Tiếng kêu vẳng từ gốc si.
Điệu Sanh cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác, hồn nhiên ngây thơ, ham chơi tò mò và hay đặt những câu hỏi mà sư thầy khó trả lời, như việc học đi đôi với hành mà sư thầy dẫn điệu Sanh xuống phố, đường xá xe cộ nắng nóng chói chang, hoàn toàn khác biệt với cảnh chùa thanh tịnh yên tĩnh rừng cây xanh mát xung quanh
“Dạ, con thấy dưới phố ai cũng đeo theo mình một cái bóng đen, cả thầy cũng có. Làm sao dứt được cái đó hả thầy?” – Bóng đổ trên đường đi
Cuộc sống được nhìn qua góc nhìn của điệu Sanh, những điều vốn đơn giản ta không để ý cũng có thể trở thành bài học, thành chân lý khiến mình suy nghĩ. Những câu nói, trò chơi nhiều khi rất vô tư xem xét dưới góc độ nào đó cũng là tội ác như việc bắt tổ chim ăn trứng sống, hay báo trước tương lai khổ não, như chơi trò cô dâu chú rể
“Thường thì người ta tiến tới hôn nhân một cách hồn nhiên, vô tư, học đòi, giống trẻ con. Nhưng sau đó thì mỗi người xử lý theo cách riêng, chẳng ai học được ai và cũng không thể vô tư như trẻ con được nữa… Con người ta thường đi vào si mê rất dễ. Nhưng tháo gỡ cái si mê thì thường khó khăn. Đấy là cái sự luẩn quẩn của thế gian trong cõi ta bà” – Trò chơi nơi cửa thiền
Sư thầy đi bên cạnh điệu Sanh, là nhân vật tạo cảm giác an nhiên thư thái, từng hành động của sư thầy đều cho thấy đây là bậc trí giả tu hành thiện lương hiền minh, nhưng sư thầy vẫn đang trên đường tu tập nên có đôi khi nao lòng vì những chuyện dọc đường, dù vậy sư thầy vẫn là người biết đi đúng hướng. Tâm lý và hành xử của nhân vật được khắc họa hợp lý vô cùng, cho dù vướng bụi trần cũng gợi lên được sự cảm thông chấp nhận từ phía độc giả, ví dụ như chuyện tựa lên vai sư thầy của một vị nữ thí chủ đang đau khổ
“Từ dạo ấy khách đến chùa vãn đi trong thấy. Lại nghe phong thanh chuyện quý đạo hữu đề nghị giáo hội mời sư thầy khác về làm trụ trì. Mấy đệ tử trong chùa ngó thấy cảnh này đâm ra không còn tin tưởng thầy như trước, họ xin thầy cho đi chùa khác tu. Thầy đồng ý, tự nhủ với lòng mình điều tâm niệm thứ mười của nhà Phật: oan ức không cần bày tỏ” – Ai nhặt lá?
Cô Tằm, chị bán vải xuất hiện trong truyện như một thử thách trên con đường tu tập của sư thầy, như cõi đời đứng bên cạnh cõi thiền, hai thế giới gắn liền với nhau có khoảng cách mong manh như sợi tóc. Chị cũng có nỗi đau của mình, suy nghĩ bình thường của một người phụ nữ cần có gia đình, có chồng con nhưng tâm nguyện không đạt được nên tìm đến cửa chùa cầu mong tĩnh tâm thoát khỏi phiền não. Việc làm của chị như giặt áo cho sư thầy và điệu Sanh, mang cơm lên cho sư thầy khi ông nhập thất vào mùa an cư kiết hạ… đều thể hiện sự quan tâm của một người phụ nữ muốn tận tay chăm sóc cho những người mình quý trọng. Trong thâm tâm chị, cũng như vị sư thầy, đều có những gợn sóng, nhưng họ biết điểm dừng, biết nhận ra đâu là điều nên làm.
“Cùng lúc ấy, ở trên chùa, có một người đàn bà cũng vừa bước đến cửa giữa, nắm tay vào ổ kim loại, lạnh toát. Rồi cũng không dám xoay ổ hoặc gõ cửa. Chần chừ chốc lát đành đi quanh chùa mà kiểm tra từng ô cửa sổ xem đã nêm nẹp chắc chắn chưa. Và ra khỏi cổng chùa theo hướng chợ lần về. Cũng xen lẫn những ý nghĩ lo toan” – Tâm bão
Những đoạn văn phân tích tâm trạng của sư thầy khi đối mặt với cô Tằm rất tinh tế, sợ hãi nhưng chờ mong, quan tâm lặng lẽ, lo lắng âm thầm nhưng luôn cố gắng giữ đúng mực. Đối với một vị sư thầy thì động tâm là không đúng, nhưng con người không phải làm bằng sắt đá mà đều từ máu thịt tạo ra nên rất dễ yếu mềm, một phút xiêu lòng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều đáng khâm phục là sư thầy và cô Tằm đều hành động một cách hợp tình hợp lý để cuối cùng vẫn là bạn, như một đôi tri kỷ không bị những điều thị phi của cõi đời ảnh hưởng, cũng không vướng vào vô minh do bản chất tham sân si của chính mình gây ra. Hai người cho dù có vài phút đi lạc cũng tìm được đường về, có phút lơi tay cũng níu được tâm mình tĩnh lại.
Nhân vật điệu Năng cho ta thấy một con đường khác, từ cõi thiền đến cõi đời, vì Năng chưa đoạn được nghiệp hồng trần. Tu hành cũng phải tùy duyên, cho dù từ nhỏ sống trong chùa nghe kinh Phật, không va chạm với cuộc đời nhưng bản thân vẫn còn chấp nhất thì vẫn không giải thoát được. Đi về đâu có lẽ không chỉ là câu hỏi của điệu Năng mà là cho tất cả chúng ta, có rất nhiều điều trong cuộc sống vướng bận tâm mình, có những chuyện cả đời cũng buông bỏ không được, không thể tìm ra chân lý cho bản thân.
“Đi đâu? Chẳng ai biết. Nhà chùa vốn bình tâm, không muốn rộn ràng rao hỏi. Có thể vị đại đức đã đi lên núi tìm chốn tĩnh mịch hơn nữa để thiền. Lên cao cho dễ giải thoát. Cũng có thể đại đức đã hoàn tục, cởi bỏ tăng y khoác áo đời làm chàng trai Năng. Thoát tăng y thoát cõi đạo. Nhưng dù có đi đâu thì cũng để kiếm chân lý mà thôi” – Nhặt hòn sỏi ở sân chùa
Sự tìm kiếm của mỗi người khác nhau. Chân lý của mỗi người cũng khác nhau.
Bình luận
Chưa có bình luận