“Trên chiến trường Flanders [1]
Anh túc nở đỏ hoa
Mồ xanh giữa hàng cây
Chập chùng thập tự giá...”
(Trên những cánh đồng Flander – John McCrae, một bác sĩ quân y Canada gốc Scotland)
Hoa anh túc – trung tâm của bài thơ – là loài hoa đã nở rộ trên nền đất bị tàn phá nơi chiến trường Đại chiến. Anh túc đỏ rực như tuổi đời của người lính ngã xuống, như lời nhắn nhủ của người ra đi gửi sĩ khí đến người ở lại, như chói loà máu và nước mắt của chiến tranh.
Hiện tại, huy hiệu cài áo hình hoa Anh túc màu đỏ được xem như để nhớ ơn tất cả các chiến sĩ từ khắp nơi trên mọi chiến trường đã chiến đấu và đã hy sinh cho lí tưởng tự do và hoà bình.
Edward Grey – Ngoại trưởng Anh – ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ Nhất nổ ra (ngày 03/08/1914) đã nói: “Đèn sắp tắt trên toàn châu Âu. Chúng ta sẽ không thấy những ngọn đèn đó được thắp lại trong suốt đời mình.”
THẾ CHIẾN I VÀ NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI
- Tổng cộng 28 quốc gia tham chiến.
- Khoảng 65 triệu người ở khắp mọi nơi trên thế giới đã khăn gói bước vào cuộc chiến, từ thanh niên mới lớn cho đến những ông già 60.
- Trung bình 1 giờ có 230 binh sĩ tử trận trong suốt cuộc chiến.
- 11% dân số Pháp thương vong.
- 2000 nhà khoa học làm việc trong chương trình khí độc của Đức.
- 250 000 toà nhà ở Pháp bị phá hủy, trong đó có 1 500 trường học.
10 ĐIỀU “ĐẦU TIÊN” TRONG CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT
- Cuộc chiến tranh đầu tiên diễn ra trên ba châu lục.
- Lần đầu tiên có oanh tạc cơ trên không.
- Lần đầu tiên sử dụng tia X trong chiến tranh.
- Lần đầu tiên sử dụng hơi độc.
- Lần đầu tiên sử dụng bài kiểm tra IQ.
- Lần đầu tiên dùng súng phun lửa.
- Lần đầu tiên xe tăng tham chiến.
- Ngân hàng máu đầu tiên.
- Lần đầu tiên dùng chó dẫn đường cho binh lính bị mù.
- Lần đầu tiên Tổng thống Mĩ (Woodrow Wilson) tới thăm châu Âu khi còn đương chức (1918).
Giữa cuộc chiến tranh tàn khốc, giữa những làn đạn ác liệt, những trận mưa bom dữ dội, lính tráng phải tỏ ra hài hước để tự giải thoát mình khỏi những nỗi kinh hoàng nơi chiến hào. Binh sĩ Anh phát âm “Ypres” [2] như “Wipers” (giẻ lau):
“Có một chàng trai trẻ đến từ Ypres,
Bị quân bắn tỉa nã đạn từ phía sau
Những điệu nhạc mà anh chơi
Phát ra từ từng lỗ thủng trên mình
Đến người thổi kèn túi cũng phát ghen.”
Không biết phải viết gì bay bổng bởi chiến tranh vốn không phải chuyện vui vẻ gì, và một cuốn sách lịch sử cũng không phải thứ văn chương có thể cảm nhận bằng tu từ nghệ thuật lãng mạn. Chỉ biết rằng: “Không thể có được hoà bình bằng mạng sống của hàng triệu binh lính. Cỗ xe hoà bình không thể tiến trên con đường lỗ chỗ đạn pháo.” (David Lloyd Geoger)
Chiến tranh là nỗi ám ảnh kinh hoàng đeo đẳng, nó tàn phá những chốn thơ mộng nhất, ngăn trở những tình cảm trong sáng nhất, đẩy tất cả những điều đẹp đẽ nhất về tuốt xa nơi quá khứ hoài cổ chấp niệm:
“Đường tới Tipperary xa xôi vạn dặm,
Xa xôi lắm.
Ôi đường tới Tipperary sao vẫn còn đằng đẵng,
Tới người con gái ngọt ngào nhất tôi đã từng quen.
Xin cho tôi gửi đôi lời tạm biệt
Tới Piccadilly,
Tới quảng trường Leicester quen thuộc,
Đường về Tipperary xa xôi lắm,
Nhưng trái tim tôi vẫn gửi gắm nơi đây.”
(Đường tới Tipperary xa xôi vạn dặm –
Jack Jadge, năm 1912)
Không phải là một tác phẩm văn học, nhưng cũng không phải một cuốn sách lịch sử giáo điều. Tất cả những gì mà Jim Pipe đã làm là thuật lại toàn bộ câu chuyện chiến tranh một cách khách quan nhất, một người kể sử. Đúng hay sai, kết quả là do kẻ chiến thắng quyết định. Tốt hay xấu, hãy để sự kiện lùi lại trong dòng thời gian và hậu thế sẽ tự mình nghĩ suy.
[1] Flanders Fields là tên tiếng Anh dùng để gọi chung các chiến trường Thế Chiến I trong một khu vực trải dài các tỉnh miền Tây Flanders và Đông Flanders nước Bỉ cũng như quận Nord-Pas-de-Calais của Pháp.
[2] Trận Ypres lần thứ nhất, hay còn gọi là trận Flanders, diễn ra tại Ypres, Bỉ giữa đế quốc Đức và liên quân Anh – Pháp từ 19/10/1914 đến 22/11/1914. Trận đánh này đã kết thúc Cuộc chạy đua ra biển vào cuối năm 1914. Cuộc tiến công của quân Đức đã gặt hái thành công lớn, hủy diệt hoàn toàn Ypres thành tro bụi, dù vậy họ không thể chiếm được thành phố này. Mặc cho quân Anh giữ được đống đổ nát của thị trấn Ypres, trận này trở thành mồ chôn của lực lượng Viễn chinh Anh cũ.
Bình luận
Chưa có bình luận