TẦM CHƯƠNG - KẺ NGUYỆN CHẾT VÌ TÌNH VĂN


Tôi vừa đọc xong truyện ngắn “Buồn trông ngọn cỏ đằng xa” của tác giả Tầm Chương và tôi thấy là mình cần phải viết những dòng này. Kể từ câu này trở đi, tôi xin được vứt hết tác phong từ tốn thường ngày, vì tôi cho rằng câu truyện ngắn chưa đầy bốn nghìn chữ này đã yêu cầu tôi phải gay gắt với nó, phải xem nó như một áng văn dày công của một nhà văn thực thụ, nghiêm cẩn với con chữ chứ không chỉ là kẻ tập sự trong cái nghiệp văn chương.

Mà lại nghĩ, nói ra câu ở trên có khi là một sự hạ thấp đối với tác giả, khi mà Tầm Chương vốn đã nghiêm túc với công việc viết văn của mình. Ả làm tôi giật mình nhớ ra điều này, trên mảnh đất mà người ta nghiêm túc làm văn chương, không có cái gọi là nhà văn tốt và nhà văn tệ, chỉ có nhà văn và không phải nhà văn.


“Buồn trông ngọn cỏ đằng xa” là “câu chuyện về một anh nhà văn không thể theo đuổi mộng văn chương”. Quả là không phải đề tài mới mẻ gì, nhưng sao mà gãi đúng vào chỗ ngứa của tôi quá. Cứ để câu tóm tắt ấy đã, còn việc câu chuyện có “một” hay “hai” anh nhà văn chúng ta sẽ bàn sau.


Tôi ưng cái cách mà thằng cha nhà văn này được “ươm” vào vùng quê hẻo lánh của gã. Cái sự lạc quẻ của gã phải nói là rõ ràng. Ở tuổi đôi mươi mà đầu lốm đốm bạc. Học thành tài rồi không lo làm thầy làm thánh ở đâu đâu mà về đây cuốc ruộng làm gì? Mà tôi thấy, gã này “cosplay” nhà nông cũng chẳng ra làm sao, tay cầm cuốc mà tâm hồn cầm bút. Như một gã đàn ông bắt cá hai tay, chân đi hai hàng, tôi biết thế nào anh ta cũng phải trả giá cho tấm lòng bất nhất ấy. Và đúng thật, anh ta tự hành mình cho đến hơi thở cuối cùng.


Đây là lần thứ tư tôi đọc truyện của Tầm Chương. Trong số các tác giả mà tôi đã gặp, đã đọc qua văn của họ, tôi cho rằng Tầm Chương là người có màu văn rõ ràng và độc đáo nhất. Sự độc đáo không chỉ đến từ vốn từ “cổ lỗ sĩ” mà còn đến từ cách sắp xếp câu văn trúc trắc gập ghềnh, tầng tầng lớp lớp ngữ nghĩa và hình ảnh tranh giành nhau hiện ra trên trang trắng. Ai đọc văn của ả rồi đều sẽ thấy điều này rất rõ. Có lẽ, giống như tôi, bạn còn cảm thấy chạnh lòng khi nhìn lại cái kho chữ của mình sao mà nghèo nàn, ọp ẹp vậy. Biết rồi thì để biết vậy thôi, muốn bắt chước cái văn của ả ư? Không có cửa! Vì sao ư? Vì đấy không phải cái chữ của một nhà văn nhất thời phất bút một cách tuỳ tiện, mà là sự rèn luyện mài dũa của một thợ thủ công tỉ mỉ. Viết lại, lại viết, lại viết lại. Đọc câu chữ của ả, tôi thấy nó như đã được tỉa tót hết lần này đến lần khác, từ ngày này qua tháng kia. Khoan hãy nói việc ấy lợi - hại như thế nào, hãy nghĩ mà xem có bao nhiêu người làm được như vậy đã.

Tiện nói đến kỹ thuật viết của Tầm Chương, chí ít là trong truyện ngắn này, tôi thấy Tầm Chương đã vận dụng được một thứ tinh hoa trong tiếng Việt mà thời nay ít người viết văn xuôi nào để tâm đến. Đó là vần điệu và thanh điệu của câu từ. Không chỉ chơi chữ, ả còn chơi nhạc trên mỗi câu văn của mình. Ngạo mạn biết chừng nào! Nhưng tôi thích. Tôi thích cách ả khiêu chiến với bút lực của mình. Đó là dáng vẻ của một nhà văn nên có. Để nói cho toạc móng heo, văn Tầm Chương không phải gu tôi, cũng không phải thứ tôi theo đuổi. Nhưng hoàn toàn là thái độ sáng tác mà tôi cho rằng xứng đáng được ghi nhận. Thật muốn đọ bút với ả! Nhưng tôi hèn lắm, biết khó nên tự lui.


Thôi nói về chữ nghĩa chừng ấy là đủ rồi, ta quay về với “Buồn trông ngọn cỏ đằng xa”. Cốt truyện và cách phát triển nó chẳng có gì lạ cả, phải nói là bình thường, như một câu chuyện cổ tích chuẩn mực. Cũng có cái hay đấy, song, phải thừa nhận đây là một điểm còn hạn chế trong văn của Tầm Chương. Nếu người đọc đòi hỏi một cốt truyện sáng tạo khiến họ phải đánh đùi đen đét, bất ngờ quá, ngạc nhiên quá, thì không. (Đánh đùi vì câu văn sắc lem lẻm, thì có.)


So với cốt truyện, tôi ấn tượng với cách dẫn chuyện hơn. Ban đầu, tôi tưởng rằng nó được kể theo ngôi thứ ba. Nhưng tôi lại bị Tầm Chương lừa rồi!

“Chỉ người viết truyện này thấu được tiếng bạc oan của anh. Chỉ những ai chung phận trí thức nghèo hèn mới hiểu.”

Cái gì đây? Ở đây có cái gì là lạ! Người viết truyện này lại còn muốn ra mặt ở đây sao? Và hắn ra mặt thật. Hóa ra hắn là đứa em của thằng cha nhà văn kia. Cái đứa mà tôi tưởng là nó sẽ ẩn mình đến dấu chấm cuối cùng của câu chuyện, lại nằng nặc đòi nhảy ra để thể hiện cái tôi của nó. Đấy, thế nên tôi mới ngờ ngợ, truyện này có hai thằng nhà văn.


Gã nhà văn sau khi làm ruộng chán rồi lại quay về quyết tâm viết văn. Còn em gã, “tôi” trong câu chuyện, thì quyết tâm đứng ngoài theo dõi cho tròn vai “nhân chứng”. Tôi muốn đập cho nó một trận quá! Tôi thấy nó rõ ràng cũng mê văn chương như điếu đổ, nhưng lại quyết tâm chỉ làm kẻ đứng ngoài, quyết tâm chỉ muốn hít ké ăn nhờ cái hương văn chương tỏa ra từ thằng anh nó. Thậm chí đến khi anh nó trút cạn sức lực vì cái văn, thiếu thốn quá phải trút luôn linh hồn, nó cũng chỉ đứng nhìn. Để khi anh nó đi rồi, đi thật rồi, đi xuống lòng đất và ôm theo cả mớ văn chương ba đồng không ai mua của anh ta rồi, nó mới hùi hụi tiếc, khóc lóc, than van. Nó mới biết cái thằng nhà văn nửa vời kia quan trọng.

“Còn đâu ước mơ rời bỏ xóm làng hủ lậu, tìm tới suối nguồn nghệ thuật trường cửu? Còn đâu một tôi toàn vẹn, vô khuyết, đứng ngả mình vào trời lộng gió, uống từng ngụm trà thưởng thức cái đẹp thực tại?

Tôi muốn hét thật to: “Anh cả ơi, về với em đi! Về làm nhà văn của em đi” mà đã muộn quá rồi [...]”


Thế rồi nó viết cái truyện này để kể về thằng anh trai nhà văn của nó. Bây giờ chúng ta sẽ bàn về việc chiếc truyện ngắn này có “một” hay “hai” đứa nhà văn. Nếu nói thằng anh là một đứa nhà văn đã quay xe về với sứ mệnh của mình vào phút chót, thì thằng em là đứa nhà văn đã kiên quyết phủi bỏ sứ mệnh này, dù lòng nó biết rõ nó yêu, nó mê, nó say, mất đi thì lòng nó đau như cắt. Vậy là ta có hai thằng nhà văn. Lại nói, nếu ta xem hai đứa ấy là sự phân li của hai thứ nhân cách, quyết nhìn nó như một ngụ ý đầy trừu tượng của việc chấp nhận bản thân mình, từ bỏ mình rồi lại luyến tiếc mình, thì ta lại chỉ có một nhà văn thôi. Cái này có hơi xuất phát từ ý nghĩ của riêng tôi. Tôi luôn âm thầm nghĩ rằng, trong lòng mỗi người gõ chữ, viết chữ, nặn chữ, có một thằng nhà văn đang ngồi trốn. Cái thằng khốn nạn ấy đeo ta dai dẳng, đuổi không đi, đánh nó không đi, nhất quyết không chịu đi, cho đến khi ta thỏa mãn được con tim thèm thuồng viết chữ của nó.


Đối với câu hỏi truyện này có bao nhiêu nhà văn, chắc phải hỏi xem lòng ta định nghĩa “nhà văn” là thế nào? Là người tạo ra chữ à? Hay là người sắp đặt chữ? Trong lòng bạn, phải rồi, lòng bạn ấy, bạn nghĩ thế nào là “nhà văn”?

Có khi đây không phải là điều mà ả Tầm Chương đã định nhắm đến, nhưng tôi biết ả đã trăn trở về cái nghề, cái nghiệp này đủ nhiều để có thể kể về một thằng nhà văn như vậy. Và có lẽ cũng vì sự ấy, mà “Buồn trông ngọn cỏ đằng xa” là truyện ngắn duy nhất trong bốn truyện tôi đã đọc của Tầm Chương, tôi thấy nó chân thật.


Mặc dù ả mở đầu truyện rằng:

“Thời xưa, có chàng nhà văn nghèo sống trong xóm làng khuất dưới lũy tre.”

Nhưng tôi thấy thời nay cũng có đầy thằng nhà văn như vậy, cũng nghèo, cũng hèn, cũng gác bút dằn lòng lui về thực tại mà kiếm cho đủ dăm bữa cơm tươm tất. Xong chắc cũng sẽ có lúc bực quá mà hét rống lên.

“Sống vì tiền thế này sao chịu nổi?”

“Cứ thế này chắc tao chết mất!”


Thét xong rồi làm gì? Chẳng gì!

“Rốt cuộc chúng tôi bị trói buộc tại mảnh đất quanh năm suốt tháng bất biến, vĩnh viễn vùi mộng xuống lòng.”


Đấy, thực tại rách nát của đám nhà văn đấy!

Xin đừng nói với tôi rằng thế hệ chúng ta rồi sẽ khác. Tôi cho rằng sẽ chẳng khác đâu, dù cho nó có biến tướng thành dáng vẻ gì đi nữa. Những kẻ xui xẻo sinh ra với một thằng nhà văn trong lòng, đã định trước sẽ phải cõng nó trên lưng, một mình chiến đấu với hết thảy mọi thứ ta từng biết được. Cuộc chiến mà Tầm Chương đã nhấc bút lên làm vũ khí trong chính câu chuyện này đây.


“Họ bảo: Anh chết vì buồn.

Còn tôi bảo: Anh chết vì tình văn.”

Đứa em của thằng nhà văn cuối cùng cũng cầm bút lên rồi. Còn sau này nó sống vì tình văn hay chết vì tình văn, có giời mới biết!


Mặc Phong Lữ


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}