Ai đã từng đọc nhiều tác phẩm ngoại văn hẳn sẽ biết, khác với nhiều trường phái văn học hiện đại trên toàn thế giới, văn học Hàn Quốc đi sâu vào khai thác những góc tối bên cạnh đời sống hào nhoáng, hoa lệ vốn có như nhiều người vẫn nghĩ. Có lẽ bởi vậy mà khi đến với những tác phẩm văn học đương đại của Hàn Quốc, ta dường như thấy trong đó chút màu ảm đạm, u ám nhưng chính nó lại là sự phản ánh trần trụi nhất của hiện thực cuộc sống. Chắc có lẽ cũng vì thế, khi đọc cuốn sách “Bố con cá gai”, ta không chỉ thấy trong đó tình cha con mà còn thấy cả sự bế tắc, sự cô đơn, mà còn là một cuộc sống khó khăn của những người tuột lại phía sau trong một xã hội phát triển chóng mặt được lột tả một cách tàn khốc trong văn chương.
Ra đời vào năm 2000, câu chuyện “Bố con cá gai” đã lấy đi nước mắt của hàng triệu độc giả, trở thành một cuốn sách có sức lay động mạnh mẽ, một câu chuyện cảm động về tình cha mà Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyên đọc.
Tác giả Cho Chang-in đã lôi cuốn người đọc ngay từ nhan đề của tác phẩm – “Bố con cá gai”:
“Cá gai là một loài cá rất kỳ lạ.
Cá gai mẹ sau khi đẻ trứng thì bỏ đi đâu mất. Cứ như thể những quả trứng có ra sao cũng không liên quan gì đến nó vậy. Rốt cuộc chỉ còn lại cá gai bố chăm sóc lứa trứng. Cá gai bố sẽ liều mình chiến đấu với các loài cá khác nếu chúng định ăn mất trứng. Cá gai bố không ăn không ngủ mà chỉ chăm chăm bảo vệ trứng. Rồi trứng vỡ ra, đám cá con lớn nhanh như thổi. Và cuối cùng đám cá gai con lại bỏ rơi cá gai bố, cứ thế theo con đường riêng của chúng. Sau khi cá gai con bỏ đi hết, còn lại một mình, cá gai bố liền đâm đầu vào giữa khe đá mà chết.”
Nhìn vào bìa quyển sách, điều đầu tiên tôi cảm nhận được là một màu man mác buồn. Con đường rộng trải dài tít tắp với hàng cây lá vàng, từng chiếc lá lảo đảo vài vòng trên không trung rồi đáp nhẹ nhàng xuống mặt đất. Trên con đường ấy, người cha cõng con bước lên phía trước. Chỉ có hai cha con – bình yên vậy mà dường như lại cô độc, cô độc nhưng họ lại có nhau, cùng nhau bước đi trên con đường đầy gian nan cùng thử thách.
Lật từng trang sách, trước mắt tôi hiện lên thước phim quay chậm về những ngày tháng hai cha con cá gai bên nhau. Người bố vì có một tuổi thơ bất hạnh mà quyết luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho hai người mà anh yêu hơn cả bản thân mình: vợ và con trai. Thế nhưng, người vợ ấy vì theo đuổi một cuộc sống tốt hơn, hào nhoáng hơn mà bỏ hai cha con anh đi. Vốn đã thương con lớn lên không có tình yêu của mẹ, anh lại càng khổ tâm hơn khi đứa con mình nâng niu phải chịu đau đớn từng ngày đối đầu với căn bệnh ung thư máu. Nhưng cậu bé ấy không phải cậu bé hư. Bởi cậu bé Daum – chú cá gai con sớm hiểu chuyện – rất giỏi chịu tiêm, em không khóc khi bị đau, em nghe theo lời chỉ dạy của bác sĩ, em vẩn vơ nghĩ về bạn Eun Mi kẹp tóc hoa, em xếp tàu cướp biển với bạn cùng phòng và chìm vào trang truyện “Bảy viên ngọc rồng”. Dù vậy, cậu cá gai con ngoan ngoãn ấy lại nói một câu khiến trái tim mỗi người chúng ta phải nghẹn lại: “Bác sĩ ơi, phải đau thêm bao lâu nữa thì mới chết được ạ?” Daum đã trải qua bao đau đớn như thế, rồi cũng có người có mẫu tủy phù hợp để hiến cho cậu. Thế nhưng lúc ấy người “Bố ngốc” mà Daum hay nói đã mắc phải căn bệnh ung thư gan, anh tình nguyện để đứa trẻ đi với mẹ, không cho nó biết rằng mình không còn có thể ở bên nó được nữa.
Đọc tới đây, trong đầu tôi vụt hiện lên một ý nghĩ: ngay từ đầu, họ cố gắng vượt qua đau đớn, vượt qua hoàn cảnh, vượt qua mọi trở ngại, chẳng phải là để được có một cuộc sống bình yên bên nhau sao? Tại sao đến cuối cùng, khi những gian nan không còn nữa, thì lại không thể ở bên nhau? Vậy nếu biết trước nỗ lực như vậy để rồi cuối cùng phải chia lìa, hành trình của họ liệu có còn tới được hồi kết nữa hay không?
Gia đình của Daum vì chưa sẵn sàng nên mới dẫn tới sự đổ vỡ trong hôn nhân. Chẳng có người mẹ nào là bội bạc, có chăng chỉ là tình yêu dành cho con không lớn bằng khát khao tìm tới ước mơ thời trẻ mình từng bỏ lỡ mà thôi.
Câu chuyện “Bố con cá gai” đã để lại trong lòng độc giả chút gì đó tiếc nuối, xót xa với một kết thúc vừa buồn lại vừa có hậu. Hình ảnh người bố đứng nhìn theo đứa trẻ quay lưng đi trong bóng tối làm tim tôi nghẹn lại, nước mắt cứ tuôn ra trong vô thức. Bố của Daum ấy, chẳng phải rất ngốc sao? Ông bố ngốc mà Daum hay nói, bố cá gai ngốc tới mức chỉ biết quanh quẩn chăm sóc cá gai con, ngốc tới mức bán nhà, bán xe, bán lòng tự trọng, bán cả một phần cơ thể vì con, ngốc tới mức chỉ biết lặng nhìn bóng lưng con khuất xa dần… xa dần… xa mãi… Tác giả không hề đề cập rằng sự hy sinh của Bố cá gai có được cá gai con biết đến hay không, chỉ để lại một khoảng không lặng lẽ cho độc giả tự mình suy ngẫm…
Khép lại cuốn sách, lòng tôi bồi hồi khó tả, cảm xúc ngổn ngang dường như chẳng thể diễn đạt bằng lời. Nếu cha mẹ của Daum gặp nhau đúng thời điểm, nếu họ không đến với nhau trong những năm tháng bồng bột của tuổi trẻ, có lẽ Daum đã có một mái nhà hạnh phúc. Nếu Daum không mắc phải căn bệnh hiểm nghèo kia, không có một tuổi thơ thiếu vắng đi một mái ấm gia đình trọn vẹn, có lẽ em đã có thể hồn nhiên ngây thơ sống đúng với lứa tuổi. Nếu bố của Daum may mắn hơn một chút, anh đã có thể cho Daum một tuổi thơ ấm áp bên người mà cậu bé luôn tin tưởng và yêu thương.
Nhưng đã là “nếu” thì sẽ mãi chỉ là “nếu” mà thôi, và vì không có những cái “nếu” như thế thì mới là cuộc sống. Cuộc sống không phải giả thuyết, cuộc sống muôn hình vạn trạng, không phải lúc nào – nói hay thậm chí, nói đúng hơn – là không bao giờ mang một màu hồng mơ mộng đẹp đẽ như truyện cổ tích.
Hai cha con cá gai đã làm tôi bất giác nhớ đã từng đọc được ở đâu đó rằng: “Chúng ta thường có xu hướng nổi cáu với những người thân nhất của mình, có lẽ vì trong thâm tâm, chúng ta biết rằng dù mình có cư xử tệ đến thế nào, thì họ vẫn luôn ở đó, không bao giờ bỏ ta mà đi cả.” Vậy đã có bao giờ bạn nghĩ rằng sự thật không phải như thế chưa? Nghĩa là ta vẫn cần họ, vẫn yêu thương và tìm kiếm họ, nhưng họ không còn ở đó nữa. Không phải là họ quên mất ta, cũng chẳng phải là tình yêu họ dành cho ta không còn, mà là vẫn yêu đấy, vẫn thương đấy, nhưng ta gọi thì họ không dậy nữa, ta nói họ cũng chẳng buồn đáp lời, vẫn ở đó, vẫn hiện hữu nhưng lại mang theo những kí ức kia đi xa rồi. Một người vẫn luôn bên cạnh ta, mới đó vẫn còn ở bên cạnh ta… lại cứ thế, biến mất.
Câu chuyện cũng như một lời nhắc nhở cho chúng ta học cách biết trân trọng những điều mà mình có được. Bởi con người ấy mà, thường thì mất đi điều gì đó rồi mới để ý rằng điều ấy quan trọng, chưa thấy được mảnh đời bất hạnh hơn mình thì sẽ cho rằng mình là kẻ bất hạnh hơn cả. Nhưng hãy luôn tin vào cuộc sống, luôn tin tưởng và trân trọng những người mà mình yêu thương, vì không có niềm tin chỉ làm cho cuộc sống của bạn thêm bế tắc, không biết giữ gìn thì tới khi mất đi rồi trong ta sẽ chỉ còn lại những hối tiếc muộn màng.
Bình luận
Chưa có bình luận