Tôi từng trải dài quãng đường đi tìm giấc mơ viết lách của mình qua nhiều dòng thơ, văn Việt Nam để định hình tư duy ngôn ngữ của mình. Trong suốt quá trình đó, có rất nhiều nhà văn, nhà thơ ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Vũ Duy Thông có thể được xem là gần - một - trong - số - đó. Tôi nói thế vì ông không thật sự là người ảnh hưởng tôi bởi văn phong của ông mà chỉ duy nhất bài thơ Bè xuôi sông La do ông sáng tác là ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Nó là một bài thơ được ra đời sau một chuyến đi dài mệt mỏi, ông buông mình nghỉ mệt trên bè sông La mà tức cảnh viết nên. Dù vậy, nhưng tôi vẫn cảm nhận được toàn bộ tinh hoa, nội lực của ông ánh lên trong bài thơ này. Và trên hết là tôi tìm thấy sự vỡ òa trong cảm xúc tuyệt diệu do ông gởi vào. Tôi bắt đầu yêu quê hương mình từ đó. Tôi nói ông phải tài lắm, phải yêu quê hương lắm mới có thể làm người khác rung động và cũng dần yêu quê hương như ông. Và trên hết, tôi cũng bắt đầu yêu con sông La dù chưa một lần "bè xuôi sông La".
"Bè xuôi sông La" là bài thơ được Vũ Duy Thông sáng tác khi đang trên sông La tìm tư liệu cho bài báo của mình. Cảnh sông thơ mộng, trữ tình và hình ảnh những con người ven sông chân chất là chất liệu hoàn hảo cho tác giả khi đặt bút. Phải say mê thiên nhiên lắm, phải có tâm hồn nhạy cảm lắm mới khiến một nhà báo chính sự giải tỏa cảm xúc và toàn bộ năng lượng của mình thành từng câu, từng chữ tròn vành đến đủ đầy cảm xúc như thế. Sự giải phóng năng lượng cho cảm xúc vỡ òa ấy ngay từ những câu thơ đầu đã ánh lên rất rõ:
"Bè ta xuôi sông La
Dẻ cau cùng táu mật
Muồng đen và trai đất
Lát chun rồi lát hoa"
Dẻ cau, táu mật, muồng đen, trai đất, lát chun, lát hoa đều là tên của những loại gỗ quý. Phải nói rằng Vũ Duy Thông phải am tường lắm mới có thể kể một cách rõ ràng tên từng loại gỗ quý như thế. Đây là những loại gỗ hiếm, không phải ai cũng có thể biết một cách rõ ràng. Lần đầu tiên khi tôi đọc những dòng thơ này, tôi cũng có phần ngỡ ngàng với những từ ngữ lạ. Phải mất thời gian tìm hiểu, tôi mới biết đấy là tên của những loại gỗ quý hiếm được người dân hai bên bờ sông La khai thác làm bè, vận chuyển từ rừng về làm vật dụng phục vụ cuộc sống. Thế mới thấy, Vũ Duy Thông phải tìm hiểu sâu sắc lắm cuộc sống người dân sông La mới có thể xuôi trên sông La kể câu chuyện "gỗ". Không gì đẹp và hòa quyện bằng cảm giác lênh đênh trên chiếc bè gỗ, tay cầm quyển thi tập thả hồn trôi miên man, phóng tầm mắt qua hai bên bờ sông rồi thốt lên vanh vách những cái tên lạ mà phải bỏ thời gian tìm hiểu mới biết "dẻ cau, táu mật, muồng đen, trai đất, lát chun, lát hoa".
Nhà thơ Xuân Diệu từng khẳng định qua thời gian dù người ta không còn nhớ đến những bài thơ nào đi chăng nữa thì "Bè xuôi sông La" của Vũ Duy Thông chắc chắn sẽ không hề bị lãng quên. Thật vậy, thời gian có thể trôi nhưng cảm xúc thì không dễ bị trôi tuột một cách vội vã. Vũ Duy Thông là một nhà báo chính sự nên ông luôn có một lợi thế vững vàng về khả năng ngôn ngữ. Vì thế, việc nén chữ và chơi với chữ đối với ông không phải là quá khó. Nói như thế không có nghĩa là thơ ông viết ra đều cứng nhắc, mang đầy tính thời sự, không hàm chứa xúc cảm như những bài báo chính sự mà ngược lại, thơ ông lại cô đọng cảm xúc đến tuyệt diệu. Cái tài của Vũ Duy Thông không phải là đánh con chữ vào người đọc làm họ ấn tượng, say mê mà là nén chữ đến cô đọng rồi nhẹ nhàng thả vào tâm hồn người đọc khiến họ nhung nhớ đến nồng nàn. Nhung nhớ là khi tác giả không kìm được cảm xúc của mình trước dòng nước mát trong như ánh mắt của con sông La êm ả để rồi phải thốt lên những câu thơ đắc nhân tâm:
"Sông La ơi sông La
Trong veo như ánh mắt
Bờ tre xanh im mát
Mươn mướt đôi hàng mi"
Vũ Duy Thông là nhà báo nên rất quen với việc dùng từ chuẩn xác và lối tư duy độc đáo. Vì thế, những dòng thơ ông viết rất dễ hướng vào lòng người. Sự độc đáo ở đây là lối so sánh tương phản khi ông ví dòng nước trong veo của sông La đẹp như ánh mắt giai nhân rồi lại ví vẻ đẹp im mát của bờ tre xanh với hàng mi thiếu nữ. Dù chỉ vỏn vẹn mỗi câu năm chữ nhưng với tài hoa của mình, ông vẫn có thể gợi lên hình ảnh người thiếu nữ đẹp với đôi hàng mi mươn mướt đang nghiêng mình trên bờ sông La để khắc vào lòng người rằng vẻ đẹp thiếu nữ đó chỉ có trên bờ sông La và nó là vẻ đẹp thuần chất của hàng tre xanh trên quê hương Việt Nam. Lối ẩn dụ tài tình này của tác giả thật khiến độc giả ngỡ ngàng khi hai hình ảnh hàng mi thiếu nữ và bờ tre xanh lại được tác giả kéo lại với nhau trong sự hạn hẹp của ngôn từ. Không dừng lại ở đây, tác giả còn thả thêm nhung nhớ khi mạnh dạn sáng tạo hình ảnh thật với lối tư duy độc đáo làm tăng tiến thêm vẻ đẹp sông La. Đó là lối ví von lạ lẫm "bè gỗ" và "trâu":
"Bè đi chiều thầm thì
Gỗ lượn đàn thong thả
Như bầy trâu lim dim
Đắm mình trong êm ả
Sóng long lanh vẩy cá
Chim hót trên bờ đê"
Bè tác giả nhẹ nhàng trôi trên sông La mang đến cho nhà thơ cảm giác nhẹ nhàng, tĩnh lặng của một vùng quê đơn sơ có sông,có cá, có chim hót trên bờ đê. Chỉ hạn hẹp mấy dòng thơ ngắn nhưng cũng đủ để ta đặt mình vào vị trí của tác giả, phút chốc thu tầm mắt lại, hòa vào cảm giác của tác giả để có thể cảm nhận sự tuyệt diệu khi nhìn chiếc bè đang từ từ chuyển động như những con trâu chậm rãi đằm mình dưới dòng nước trong veo, lim dim đôi mắt cảm nhận sự sảng khoái tột cùng. Ánh sáng chiều hoàng hôn cũng theo những đàn trâu mà rọi xuống những con sóng khiến chúng ánh lên như vẩy những con cá nhỏ đang tung tăng quẫy nước. Trên bờ đê trải dài triền sông là tiếng chim hót thanh tao và quyến rũ. Tất cả những điều đó đã gợi lên một nỗi nhung nhớ cho người đọc về một làng quê yên ả, thanh bình đúng màu sắc Việt Nam. Thế nên mới nói, cái tài của tác giả là cái tài nén chữ đến cô đọng để thả vào tâm hồn người đọc những nhung nhớ da diết, thân thương.
Đằng sau những nỗi nhung nhớ mà tác giả gợi tả còn là một khoảng không nồng nàn mà chân thật được tác giả kéo về từ những mùi vị của cuộc sống.
"Ta nằm nghe nằm nghe
Giữa bốn bề ngây ngất
Mùi vôi xây rất say
Mùi lán cưa ngọt mát"
Đó là những mùi vôi xây của những ngôi nhà mới đang mọc lên bên bờ sông La. Đó là những mùi lán cưa từ bàn tay những anh công nhân khai thác gỗ. Cảm giác thanh bình, yên ả chỉ có thể có được khi xuôi bè trên bờ sông, sự mãn nhãn của thị giác cũng tạo thêm hứng khởi cho thính giác lẫn khứu giác của tác giả. Đó là khi đắm mình trong cảnh hữu tình, tác giả nghe thấy, ngửi thấy cái say nồng nàn của mùi vôi xây nhà; cái im mát ngọt lành của lán cưa rơi ra từ những cây gỗ quý. Cái hơi say hữu tình như men rượu của vôi xây, cái ngọt lành im mát như dòng sữa mẹ của lán cưa trong phút chốc bỗng hóa thần thánh dưới ánh nhìn của tác giả. Thần thánh vì tác giả thấu hiểu được rằng, bờ sông La, những cây gỗ quý của sông La chính là nguồn sống của người dân nơi đây khi họ phải lao động chật vật, lên rừng đốn gỗ xây nhà rồi lại lên rừng đốn gỗ để vận chuyển về miền xuôi làm vật dụng phục vụ đời sống. Toàn bộ bức tranh sông La êm đềm, có chim có cá, có bè gỗ xuôi sông đều được tạo nên từ bàn tay người dân lao động dưới sự bảo bọc vô hình của "Mẹ gỗ". Có lẽ vì lẽ này mà tôi cũng không còn ngạc nhiên khi tác giả ví mùi lán cưa của gỗ im mát như dòng sữa mẹ. Quê hương là thế đó, khi ta đắm mình trong nó ta sẽ say. Say một cách hữu tình.
Quê hương đẹp vì chính nó là nguồn năng lượng vô tận của thi sĩ khi mang trong mình nhiều cung bậc cảm xúc. Ở đoạn cuối bài thơ, tôi thấy như tác giả đã thoát ra khỏi bức tranh nồng nàn nhung nhớ mà có phần yên ả của sông La khi ông đưa nó vào những tổn thương và đổ nát:
"Trong đạn bom đổ nát
Bừng tươi nụ ngói hồng
Đồng vàng hoe lúa trổ
Khói nở xòa như bông"
Ông kể cho độc giả chúng tôi nghe một câu chuyện chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ năm chữ. Dù vậy nhưng trong vỏn vẹn hai mươi chữ ấy, tôi cũng đã nghe, thấy và mườn tượng ra câu chuyện ấy. Câu chuyện của chiến tranh, tổn thương và mất mát. Không sự tàn nhẫn nào ghê rợn bằng sự tàn nhẫn của bom đạn. Chúng đã hủy diệt tất cả nguồn sống, điểm tựa của những người dân sống tại đây. Dù bị tàn phá mất nhà cửa, nguồn sinh nhai nhưng con người Việt Nam vẫn hiên ngang, kiên cường, bất khuất, sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ quê hương hữu tình. Chiến tranh, bom đạn có thể tàn nhẫn phá đi những ngôi nhà nhưng không đủ sức phá đi những nụ cười bừng sáng trên những mái ngói hồng đánh dấu cho những ngôi nhà mới lại được xây lên khang trang hơn. Những cánh đồng tàn lụi vì bom đạn rồi cũng sẽ trổ màu lúa mới, hơi khói ban chiều của những ngôi nhà nhỏ đang thổi cơm cũng lại nở xòa như bông. Sự sống lại trở về từ những trái tim dũng cảm, kiên cường, không bao giờ chết của người Việt Nam chân chất, thật thà nhưng quật cường. Trong cái bi quan tận cùng của chiến tranh, đau khổ tôi tìm thấy sự lạc quan vô tận trong hai mươi chữ cuối bài thơ của ông.
Tôi nói thơ Vũ Duy Thông lạ lắm, ngắn đó, dễ đọc đó nhưng khó quên lắm. Khó quên vì con người, câu chuyện thơ của ông luôn mang đậm tính Việt Nam hữu tình có, chân thật có, bi thương có, lạc quan có. Ông là nhà báo chuyên viết chính sự nên kho tàng thơ văn của ông không phong phú như nhiều nhà thơ khác. Thế nhưng, tôi tìm thấy toàn bộ tinh hoa của một đời viết báo một đời từng trải qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử nơi ông trong từng bài thơ. Ông không o ép cấu tứ câu chữ để đẩy mạch cảm xúc của độc giả lên cao trào làm họ ấn tượng nhưng cũng không thả trôi chữ để nó tuột qua nhanh chóng. Ông dùng cả sức lực của mình viết thành từng câu từng chữ tròn vành sát nghĩa đến mức đủ để người đọc có thể dễ dàng đọc nhưng cũng dễ dàng thấm lại và giữ yên trong lòng mình. Tài hoa là thế. Với tôi, ông không dùng quá nhiều từ hoa mĩ để làm tôi rung động mà ông dùng góc độ của cảm giác, góc độ của sự tự nhiên để khiến mỗi câu thơ của mình trở nên hàm súc đến mức không tả hữu hình cũng hóa hữu tình, không kể bi thương cũng thấy bi thương rồi hóa giải chúng chỉ bằng một vài hình ảnh đơn giản mà thấm, đó là nụ cười của sự dũng cảm, kiên cường mà mỗi người dân Việt Nam ai cũng có. Cần chi phải viết quá nhiều - thơ Vũ Duy Thông đó. Cần gì phải miêu tả quá hoa mĩ - Bè xuôi sông La đó!
Bình luận
Ong vận chuyển comment
Ong vận chuyển comment
Ong vận chuyển comment
Ong vận chuyển comment