Tâm lý học vài năm gần đây là chủ đề được mọi người quan tâm và biết đến một cách rộng rãi. Sao lại có những người hiểu tường tận về tâm tính con người như vậy? Đến bản thân chúng ta cũng khó để hiểu được chính mình vậy mà những nhà tâm lý học lại có thể phân tích và gửi gắm nó thông qua các phương tiện như sách, báo, thời sự,... phổ biến nó cho nhiều người và giúp họ thay đổi cuộc sống. Thật ra, con người luôn hành động và suy nghĩ theo lối mòn, theo những định luật tâm lý bất biến và dù là ai trong chúng ta đều ít nhất là đã từng hành động như vậy. Dựa trên những hành vi đó mà suy ra tâm lý học, khái niệm nghệ thuật  giải mã hành vi cũng ra đời. Vì tâm lý học là một chủ đề rất rộng lớn nên ta khó có thể tìm được một tài liệu tham khảo đáng tin cậy nào về nó. Nhưng chúng ta có một cuốn sách theo tôi đánh giá là rất chỉn chu về nội dung cũng như hình thức. Được xuất bản năm 2018 (NXB Văn học)  “Bạn có phải cá hồi chum không?” của An Nhã Ninh.

  Cuốn sách đến với tôi một cách tình cờ, tôi đi quanh thư viện tìm sách để đọc thì giữa một loạt những cuốn sách đầy màu sắc, tôi lại lựa chọn cuốn “Bạn có phải cá hồi chum không?” tại sao nhỉ? Vì tên của nó khơi dậy sự tò mò trong tôi. Đến khi tôi đọc được lời tựa, ngay lập tức tôi biết đây chính là cuốn sách tôi đang tìm kiếm, mỗi người trên một góc độ nào đó đều là một nhà tâm lý học nghiệp dư. Từ khi ta sinh ra, ta không lúc nào ngừng phỏng đoán về cảm xúc của người khác, ta biết cách giấu đồ chơi khỏi tầm mắt người khác, đánh lạc hướng suy nghĩ của họ hay nhìn vào điệu bộ của mẹ mà biết mẹ đang tức giận hay không, người bình thường đều có sự quan sát và phỏng đoán tư duy và tình cảm của người khác ở một cấp độ nào đó, để chọn ra những nhân tố phù hợp nhất cho bản thân, theo sở thích cá nhân hay có được lợi ích cho đôi bên nhờ vào việc hợp tác. Cá hồi chum là một loài có cá tính vô cùng quyết liệt, chúng không bao giờ chịu quay đầu lại kể cả khi đã lao vào bẫy, và dù cho chỉ cần đổi hướng là có thể thoát nạn thì chúng vẫn cố chấp giữ nguyên hướng bơi ban đầu. Liệu bạn có đang sống giống như một chú cá hồi chum?” Cố chấp trong tư duy và hành động hẳn sẽ cản trở bước đường thành công của mỗi người và đó là lí do cuốn sách này được ra đời. “Bạn có phải cá hồi chum không?” gồm chín chương sách, mỗi chương đề cập đến một lĩnh vực trong tâm lý học. Đặc biệt, để tiện cho đọc giả trong quá trình đọc sách, cuốn sách được chia thành các mục nhỏ, ta không cần đọc theo trình tự chỉ cần tìm bất cứ mục nào mà chúng ta đang cần, chỉ mất khoảng mười phút để đọc kèm theo những ví dụ hết sức thực tế giúp người đọc dễ dàng hình dung và có thể ứng dụng vào trong cuộc sống. Kết thúc mỗi phần sẽ tổng kết ngắn gọn những kiến thức quan trọng nhất để đọc giả dễ nắm bắt. 

  Cuốn sách khai thác những lĩnh vực khác nhau của tâm lý học, từ tâm lý tình cảm, tâm lý công sở,..đến tâm lý tình yêu và tâm lý thành công. Đọc sách tâm lý không phải để thao túng hay điều khiển người khác, đọc sách là để hiểu được chính bản thân ta, hiểu được những trở ngại tâm lý mà chính chúng ta đang mắc phải, tránh rơi vào vực thẳm tăm tối của sự suy sụp. 

     Bản thân tôi được sinh ra trong một gia đình thiếu vắng hình bóng của cha từ khi còn nhỏ tuổi, và gia đình nhỏ chỉ còn lại tôi và mẹ. Có lẽ như thế mà từ nhỏ tôi đã có chút tự ti hay mặc cảm về hoàn cảnh của mình, tôi luôn thấy hơi chạnh lòng khi thấy những đứa trẻ khác được ôm ấp trong vòng tay của cha và mẹ. Đôi khi bạn bè cũng hỏi tôi về ba nhưng tôi chỉ trả lời đại khái là vì ba tôi phải đi làm xa, lâu lâu mới về nhà một lần. Tôi sợ khi ai đó biết được hoàn cảnh nhà tôi thì sẽ đem những điều đó ra mà trêu chọc hay phán xét nên trong những bài văn tả về gia đình em thì tôi luôn viết về một gia đình ấm áp, hạnh phúc với đủ cả ba và mẹ. Và thế là suốt nhiều năm trời tôi vẫn sống với câu chuyện người cha bận rộn do chính tôi thêu dệt, điều đó khiến tôi thu mình lại, trở nên ít nói, nhút nhát và có vẻ hơi khó gần cho đến khi tôi đọc cuốn sách “Bạn có phải cá hồi chum không?” trong cuốn sách có phần “Vì sao có người sợ thành công?” đã thực sự tác động rất lớn đến tư duy và khiến tôi phải thay đổi thế giới quan của mình. Con người không chỉ sợ thất bại mà còn sợ cả thành công, không tự tin vào năng lực của bản thân và không dám thực hiện những nhiệm vụ mà bản thân làm rất tốt như tôi. Ngại phải trưởng thành, trốn tránh việc khai phá những tiềm năng của bản thân. Từ đó tôi hiểu được, con người không có cách nào để ngăn cản sự trưởng thành, cũng không thể không trưởng thành.“Kì thực thứ mà bạn sợ không phải là thành công hay vượt trội mà là nguy cơ thất bại” đây là câu nói tôi đọc được từ cuốn sách và biến nó thành kim chỉ nam cho chính mình để không bao giờ chùn bước, không ngại thử, không ngại thể hiện bản thân. Tôi tự tạo lập cho bản thân sự tự tin, đón nhận món quà của sự trưởng thành. Vì vậy, tôi đã có nhiều cơ hội hơn trong học tập, dám tham gia các hoạt động ngoại khóa, phong trào, dám thể hiện bản thân, trở nên linh hoạt hơn trong cuộc sống. 

  Cuốn sách khép lại, gửi cho tôi là tất cả những kiến thức bổ ích về tâm lý có thể áp dụng vào cuộc sống thường nhật giúp cuộc sống của tôi tốt đẹp hơn. Cuốn sách không chỉ thay đổi tôi về suy nghĩ và tư duy, khai phá khả năng tiềm ẩn mà còn tăng khả năng hành văn, mở rộng vốn hiểu biết. Cá hồi chum thật ngốc phải không? Nhưng có nhiều người quanh ta lại giống như cá hồi chum vậy. Một mặt họ luôn oán thán cuộc sống không cho họ lối thoát, một mặt cứ giữ vững những quy luật cũ, không chịu tùy cơ ứng biến, luôn luôn bước theo lối mòn. Nếu chúng ta có thể điều chỉnh linh hoạt mục tiêu, thay đổi cách nghĩ thì sẽ tìm được lối thoát trong hoàn cảnh khốn khó nhất. Tôi đã đọc và dám thử những điều trước đây tôi sẽ không bao giờ làm. Vậy liệu bạn có phải cá hồi chum không? 




Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}