Bài viết chỉ là đôi dòng cảm nhận cá nhân, không tránh khỏi có cái nhìn chủ quan. Bài viết có spoil, mong bạn cân nhắc trước khi đọc. Xin cảm ơn ^^
- Tên sách: Ác ý
- Tác giả: Higashino Keigo
- Thể loại: Trinh thám
- Nhà xuất bản Hồng Đức
“Một nhà văn ăn khách bị sát hại tại phòng làm việc, ngay trước hôm định ra nước ngoài sinh sống. Người phát hiện ra xác anh là cô vợ và cậu bạn thân từ thuở thiếu thời. Nhờ các bản ghi chép chứng cứ và phân tích suy luận của viên cảnh sát điều tra, hung thủ mau chóng sa lưới. Nhưng có đúng hắn là tội phạm? Và động cơ của hắn là gì?”
Đó là những dòng giới thiệu khái quát nội dung được trích từ bìa sau của cuốn truyện “Ác ý” do nhà xuất bản Hồng Đức làm đơn vị chủ quản. Không khó để nhận ra đây là một cốt truyện mang đậm màu sắc trinh thám. Khi nhìn đến tên tác giả - Higashino Keigo (tác giả cuốn truyện “Phía sau nghi can X” đã từng làm mưa làm gió trong cộng đồng đam mê tiểu thuyết trinh thám ở trong và ngoài nước) lại càng không khó để đoán “Ác ý” sẽ có cách triển khai như thế nào.
Nhưng có lẽ, điều khiến không ít độc giả phải bất ngờ, thậm chí sửng sốt, chính là sự thẳng thắn quá mức từ phía Keigo, cũng như phía nhà xuất bản. Những gì được mô tả khái quát ở bìa truyện kia, vỏn vẹn từng ấy chữ, đích xác là những gì vụ án đã diễn ra trong “Ác ý”. Anh nhà văn ăn khách nọ có tên Hidaka Kunihiko muốn cùng vợ là chị Hidaka Rei đến Canada sinh sống một thời gian. Mọi việc đã được lo chu toàn hết cả, chỉ ngặt nỗi khoảng ba mươi trang phần tiếp theo của truyện “Cánh cửa băng giá” mà anh chấp bút cần phải hoàn thành nốt trong tối nay. Hidaka Kunihiko vốn định bụng viết nốt bản thảo thôi, nhưng nào ngờ đêm đó lại là đêm cuối cùng anh còn sống trên cõi đời này. Canada đã chỉ còn là một miền đất hứa xa vời, đến người vợ yêu quý cũng chẳng được nhìn mặt lần cuối. Anh chết tức tưởi trong chính căn phòng làm việc của mình, máy tính vẫn mở, ba mươi trang bản thảo vẫn còn dở dang. Người phát hiện ra xác anh lại chính là người bạn thân Nonoguchi Osamu cùng cô vợ Rei. Cảnh sát có mặt ngay sau khi nhận được báo án và cũng nhanh chóng xác định được nghi can. Bằng chuyên môn nghiệp vụ, Nonoguchi Osamu đã sa lưới. Hắn ta thừa nhận tội trạng của mình. Nhưng khi được hỏi về động cơ, hắn chỉ đáp gỏn lọn: “Tôi đã giết cậu ấy. Động cơ chỉ là chuyện nhỏ nhặt thôi. Các anh cứ lý giải đây là hành động bột phát khi cáu giận đi.” Nhưng Kaga – viên cảnh sát trực tiếp tham gia phá án từ đầu chí cuối, lại không cho rằng tất cả chỉ là bột phát nhất thời.
Có lẽ, nhiều người sau khi đọc xong “Phía sau nghi can X” sẽ mang tâm lý mong chờ, thậm chí là kỳ vọng rằng “Ác ý” sẽ là siêu phẩm tiếp theo, đủ sức vượt mặt bức tường thành vững chãi đó. Nhưng khi vụ án trong “Ác ý” được giải quyết một cách chóng vánh, hung thủ không có nhiều tiểu xảo, lại nhanh chóng thừa nhận hành vi giết người, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy hụt hẫng. Nhưng tôi tin, “Ác ý” vẫn sẽ là một siêu phẩm trong lòng nhiều người, nếu bạn đi đến được trang cuối cùng của cuốn truyện.
Nếu bạn muốn biết cảnh sát Kaga đã phá án như thế nào, hay Nonoguchi Osamu đã thừa nhận tội ác của mình ra sao, thì có lẽ bài viết này sẽ không cho bạn một đáp án chính xác. Bởi khía cạnh mà người viết muốn hướng tới ở đây không phải là những điều đó. Cái tôi muốn nhắc đến ở đây, cũng chính là lý do tôi nhất định phải đề cập tới “Ác ý”, chính là từng hồi chuông cảnh tỉnh đang vang vọng qua từng trang truyện.
2/3 dung lượng của cuốn sách dùng để đi tìm động cơ thật sự mà Nonoguchi Osamu đã dùng để hạ quyết tâm kết liễu cuộc đời người bạn thân thiết từ thủa thiếu thời. Có thể nói, đây mới chính là mục đích chính của toàn bộ câu chuyện, cũng là để giải thích cho nhan đề “Ác ý” mà nhiều độc giả đang đắn đo tìm hiểu.
“Ác ý” sẽ cho chúng ta câu trả lời bằng việc đồng hành cùng viên cảnh sát Kaga ngược dòng quá khứ, tìm đến tận gốc rễ mầm mống ác ý trong lòng Nonoguchi Osamu. Và cũng chính nhờ nhân vật Nonoguchi này, bất kỳ ai cũng sẽ tự cảm thấy băn khoăn rằng:
• “Nhân chi sơ tính bản thiện” hay “Nhân chi sơ tính bản ác”?
• Sự giáo dục từ gia đình và nhà trường sẽ có tác động như thế nào đối với sự trưởng thành của một đứa trẻ?
1. Từ vụ án được lên kế hoạch và động cơ bị bỏ lửng.
Sự khác biệt giữa một tác giả nghiệp dư thiếu kinh nghiệm và một tay viết có tài có chiều sâu, có lẽ phần nào nằm ở cách dẫn dắt người đọc hòa mình vào câu chuyện mà họ muốn kể. Ở “Ác ý”, Higashino Keigo thực sự đã làm điều đó một cách xuất sắc, tất nhiên là dưới góc nhìn chủ quan của người viết.
Vụ án hiện lên trước mắt độc giả, không phải dưới dạng các số liệu khô khan hay các báo cáo dập khuôn theo mẫu, mà lại dưới dạng “ghi chép” với ngôi kể thứ nhất, số ít, nhân vật xưng “tôi”.
Nói một chút về cách dẫn truyện này, các tác phẩm được kể dưới ngôi thứ nhất, số ít, không phải hiếm. Tuy nhiên, việc kết hợp với hình thứ “ghi chép” giống như dạng ghi chép nhật ký, phát biểu cảm tưởng, thì có lẽ Higashino Keigo là một trong số những tác giả dám thử và dám làm. Kiểu “ghi chép” như thế, mặc dù mang đậm cái nhìn chủ quan của “tôi”, nhưng đồng thời lại chiếm được sự đồng cảm lẫn lòng tin từ độc giả thông qua giọng văn dung dị, đời thường vô cùng gần gũi. Những suy nghĩ mà Nonoguchi Osamu trăn trở đã lâu, hay đôi dòng hắn ta vừa viết vội vào cuốn sổ, cho ta cảm giác dường như ngay chính bản thân ta cũng từng giống hắn một lần trong đời. Có thể nói, chính cách dẫn truyện đặc sắc này đã tạo nên một con “cá trích đỏ” làm mồi nhử khiến bạn bị sa lưới.
Vậy “cá trích đỏ” (Red herring) thực ra là gì? Theo page Sách Văn học Đinh Tị giải thích, thì “cá trích đỏ” là một trong những thành phần cơ bản nhưng quan trọng của các tiểu thuyết trinh thám giả tưởng. “Cá trích đỏ” về nghĩa đen là một con vật không có thật. Nó lạ lùng nên nó đánh lạc hướng sự chú ý của ta. Cụm từ này xuất phát từ điển cố “Drawing a red herring across the path”, một câu tục ngữ ý nói vẽ một con cá trích đỏ ngang qua làm thay đổi sự chú ý. “Cá trích đỏ” được hiểu đơn giản là tác giả cố tình làm bạn tập trung sự nghi ngờ vào một nhân vật, và vô tình lờ đi một nhân vật khác.
Tuy nhiên, thủ thuật vừa được nhắc ở phía trên lại được Higashino Keigo sử dụng để lừa độc giả không chỉ một lần, mà là lừa đi lừa lại, đến nỗi chỉ sau khi đọc đến trang cuối cùng của cuốn truyện, ta mới có thể thoát khỏi mê cung cú lừa đó.
Nonoguchi Osamu không dựng một kế hoạch giết người sơ sài. Hắn ta đã lên kế hoạch tỉ mỉ, nhất là bằng chứng ngoại phạm về thời gian vụ án xảy ra. Tuy nhiên, những lỗ hổng lại xuất hiện trong chính cuốn sổ tay ghi chép mà hắn đồng ý giao cho viên cảnh sát Kaga. Sau khi sự việc vỡ lở, độc giả hẳn sẽ không khỏi băn khoăn, một kẻ cẩn thận từng li từng tí như vậy, liệu có mắc những sai lầm ngớ ngẩn như thế không? Đơn cử là việc nói hớ ra với Kaga về sự tồn tại của cuốn sổ. Rồi từ những chi tiết vụn vặt như số điếu thuốc mà hôm đó Hidaka đã hút, hay cô Rie đã tiễn Nonoguchi ra tận cổng hay chưa, đều có thể dễ dàng đối chiếu với thực tế và trở thành chứng cứ sắc bén tố cáo Nonoguchi đang nói dối.
Có thể nói, vụ án đến đây là kết thúc được rồi. Thế nhưng Nonoguchi Osamu lại không chịu hé răng về động cơ thật sự mà hắn ta xuống tay giết người. Với lương tâm của một người đã từng là giáo viên, lẫn trách nhiệm của công việc cảnh sát hiện tại, Kaga không thể cứ thế để mặc mọi thứ mãi mãi chìm vào bóng tối.
Và đây cũng chính là lúc con “cá trích đỏ” của Keigo xuất hiện. Nhưng thay vì đánh đố độc giả với câu hỏi “Ai là hung thủ?” thì Keigo lại giăng ra một câu hỏi khác, một khía cạnh khác trong “Ác ý”.
“Hung thủ xuống tay như vậy là có lý hay vô lý?”
Khi người viết ngờ ngợ nhận ra câu hỏi này, thực sự bản thân người viết cũng cảm thấy có chút nực cười. Đã là giết người, kết cục vẫn là tước đi mạng sống của người khác, vậy có lý với vô lý liệu còn quan trọng nữa hay không? Hẳn là không ít người đã từng nghĩ như vậy. Nhưng trên đời này, mọi thứ chưa bao giờ rõ ràng trắng là trắng, đen là đen, hay chính xác tuyệt đối như 1+1=2. Người ta thường có xu hướng chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng mà quên đi quá trình hình thành và phát triển nên kết quả đó. Chính vì thế, ít có người thấu hiểu được tường tận những gì người trong cuộc thực sự trải qua.
Ta cùng suy xét điều này thông qua trường hợp của Nonoguchi Osamu. Hắn ta đã giăng ra những cái bẫy vô cùng tinh vi thông qua cuốn sổ ghi chép của mình, ẩn trong cả những chi tiết sinh hoạt đời thường, mục đích hòng để thuyết thục và qua mắt tổ cảnh sát.
Màn 1: Mối quan hệ mờ ám với người vợ đầu tiên của Hidaka – cô Hatsumi.
Có lẽ, ngay cả Kaga cũng suýt bị Nonoguchi lừa. Anh tìm được bức ảnh chụp cô Hatsumi kẹp trong quyển sách của hắn ta, rồi cũng tìm được cả chiếc tạp dề mà Hatsumi yêu thích tại nhà Nonoguchi. Màn kịch ấy dẫn dắt phía cảnh sát đi theo đúng những chỉ dẫn của Nonoguchi để rồi khiến họ kết luận Nonoguchi và Hatsumi có tình ý với nhau, cùng tìm cách giết Hidaka nhưng vụ mưu sát lại bất thành. Kết quả là Hatsumi chết vì tai nạn giao thông. Nhưng nhờ Nonoguchi, vụ tai nạn đó đã không còn là tai nạn giao thông đơn thuần.
Màn 2: Hidaka ép Nonoguchi trở thành ‘tác giả ma’ thay anh ta viết truyện.
Yêu cầu mà Hidaka đưa ra để Nonoguchi không bị đi tù vì mưu sát bất thành chính là bán chất xám một cách rẻ mạt và đáng khinh. Những cuốn tiểu thuyết dù dài hay ngắn, nổi tiếng hay không, đều là những đứa con tinh thần mà tác giả phải thai nghén trong thời gian dài. Bán nó đi dưới danh nghĩa một kẻ khác thì có khác gì tự chà đạp lên lòng tự trọng của bản thân? Chính điều đó đã khiến Nonoguchi không thể chịu đựng nổi và khao khát tìm lấy lối thoát cho chính mình.
Quả thật là một tay viết xuất thần, viết chân thực đến nỗi nếu Kaga không có chuyên môn nghiệp vụ cao thì có lẽ Nonoguchi đã hợp thức hóa việc giết Hidaka từ vô lý thành có lý. Vâng, bạn không hề đọc sai. Hai màn kịch phía trên hoàn toàn là bịa đặt, hung thủ làm vậy chỉ hòng che giấu đi động cơ thật sự.
Đây có thể nói là cách tận dụng thủ thuật “cá trích đỏ” một cách xuất sắc của Higashino Keigo.
2. Khi còn thơ bé, một đứa trẻ sẽ “hướng thiện” hay “hướng ác”?
Xét lại vụ án từ điểm xuất phát, có nhiều nghi vấn được đặt ra khiến người ta băn khoăn. Về lý, Hidaka là người giới thiệu Nonoguchi cho nhà xuất bản, mở ra cho hắn ta cánh cửa thực hiện mộng ước từ thời còn thơ bé. Và nhờ lời giới thiệu này, Nonoguchi trở thành tác giả chuyên viết truyện cho thiếu nhi, cũng được đăng tạp chí và xuất bản bởi nhà xuất bản Doji. Xét về lý, Nonoguchi là người mang ơn Hidaka. Về tình, hầu như ai cũng biết hai người là bạn thân từ thời tiểu học, thậm chí là cả khi lên cấp 2, rồi sau này lại rất ăn ý trong việc viết lách. Xét về tình, có lẽ gọi họ là tri âm tri kỷ cũng không có gì quá đáng.
Thế nhưng, vụ án thương tâm vẫn xảy ra, mà qua cách lên kế hoạch tỉ mỉ, không khó để thấy được mối hận thù của hung thủ dành cho nạn nhân. Vậy rốt cuộc, mầm mống ác ý này đã nảy mầm trong lòng Nonoguchi Osamu từ lúc nào?
Theo chân Kaga ngược về quá khứ của Hidaka và Nonoguchi, ta không khỏi sửng sốt khi phát hiện ra cả hai người họ đều là nạn nhân của bạo lực học đường. Nhưng Hidaka mạnh mẽ hơn cho nên anh đã vượt qua được bóng ma tâm lý đó. Còn Nonoguchi lại đầu hàng trước cái ác, trở thành tay sai cho những kẻ bắt nạt. Sau này, khi kẻ bắt nạt chuyển trường, sự đe dọa đột ngột biến mất, Hidaka lại bất ngờ đối tốt với Nonoguchi như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Thời điểm đó, cả Hidaka và Nonoguchi đều còn là những đứa trẻ ở trong độ tuổi dậy thì, mấp mé giữa trẻ con và người lớn. Những tâm hồn non nớt không được quan tâm một cách đúng đắn và đầy đủ đã hình thành nên cách nhìn nhận về thế giới hoàn toàn khác nhau.
Học thuyết “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người sinh ra vốn dĩ mang bản chất thiện lương) do Mạnh Tử lập nên. Học thuyết này được hiểu nôm na rằng, con người sinh ra bản tính ban đầu vốn tốt lành. Khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh. Do đó cần phải luôn được giáo dục, giữ gìn và rèn luyện cho đời sống lành mạnh thì tính lành mới giữ được và phát triển, để tính dữ không có điều kiện nảy sinh.
Bên cạnh học thuyết này, Tuân Tử cũng đưa ra học thuyết “Nhân chi sơ, tính bản ác” (con người sinh ra vốn dĩ mang bản chất xấu xa). Học thuyết tính ác của Tuân Tử có nghĩa rằng, con người sinh ra vốn dĩ là ác, có được thiện là do quá trình bồi dưỡng, giáo dục mà có. Ông cho rằng, con người khi sinh ra có đầy đủ dục vọng như ham lợi, ham sắc,… Nếu như con người cứ phát triển theo dục vọng thì mối quan hệ giữa người và người sẽ phát sinh ra tranh đấu và tạo nên một xã hội hỗn loạn, do đó mới cần phải có “lễ” để điều chỉnh, sửa đổi bản tính ác của con người.
Có thể thấy, học thuyết của Mạnh Tử nhấn mạnh về tầm quan trọng của môi trường giáo dục và phát triển. Còn học thuyết của Tuân Tử thiên về tự thân, tự tâm. Con người vẫn có thể hướng thiện thông qua “tâm” của mình. Tuy nhiên, cái “tâm” đó phải được khai sáng thông qua giáo dục về ý thức, về sự hiểu biết.
Vậy rốt cuộc, Nonoguchi Osamu có phải là một đứa trẻ “hướng ác” từ thuở nhỏ?
Trong “Ác ý”, Higashino Keigo đã đề cập một cách đầy tinh tế về việc giáo dục con cái của các bậc phụ huynh, mà đại diện ở đây là mẹ của Nonoguchi Osamu. Trong truyện, người mẹ này chỉ xuất hiện thoáng qua với vài chi tiết nhỏ. Nhưng theo tôi, đó đều là những chi tiết đắt giá, góp phần ươm mầm ác ý trong lòng Nonoguchi.
Mẹ của Nonoguchi không thích môi trường sống xung quanh nhà, nhưng vì vấn đề kinh tế nên không thể chuyển đi. Bà ta còn ghét Hidaka ra mặt. Lý do là gì thì tác giả không chỉ ra một cách trực tiếp, mà ngấm ngầm thể hiện nó bằng việc nói rõ đến gia cảnh nhà Hidaka. Có một chi tiết do chính Nonoguchi nhắc đến, đó là căn nhà mà Hidaka đang ở là sản nghiệp do bố anh ta để lại. Và nếu Hidaka không trở thành nhà văn ăn khách, không nhận số tiền nhuận bút cao thì hẳn anh ta sẽ chẳng xứng đáng với căn nhà ấy. Chi tiết này cho thấy rõ, từ trước khi Hidaka có thể tự kiếm tiền thì anh ta đã được định sẵn sẽ có một gia sản kha khá trong tay. Từ đó có thể thấy, gia cảnh nhà Hidaka không hề tệ. Còn nhà Nonoguchi lại trái ngược hoàn toàn.
Có lẽ là sự tự ti, rồi chuyển hóa thành lòng ghen ghét đố kỵ, cho nên mẹ của Nonoguchi mới ghét Hidaka với lý do sâu xa như vậy. Chua cay hơn khi một đứa trẻ đầy ánh hào quang như Hidaka lại chấp nhận chơi với Nonoguchi, thậm chí còn tỏ ra tốt bụng một cách quá đáng, càng khiến mẹ của Nonoguchi điên cuồng so sánh. Cái tâm lý con mình không bằng con nhà người ta ấy dễ khiến các bậc phụ huynh quên mất rằng, mỗi một đứa trẻ khi rời khỏi bụng mẹ, chúng đã trở thành một cá thể độc nhất và duy nhất, không thể và không nên là bản sao của bất kỳ ai chỉ để nhằm thỏa mãn sự hiếu thắng và ham tiếng thơm của các bậc làm cha làm mẹ. Điều mà ai cũng thấy, nhưng không phải ai cũng làm được, đó là biết cách nhìn nhận và chấp nhận. Phụ huynh vẫn chưa học được cách bước đi cùng một bước sóng với con cái mình, đặt mình vào vị trí của các con để thấy và hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của chúng. Họ đã quen với việc đứng từ vị trí cao hơn để nhìn xuống, cho mình cái quyền được áp đặt và phán xét. Cho nên vô hình trung, họ khiến những đứa trẻ ngộp thở, không biết mình là ai, không tìm được ánh sáng dẫn đường, và tụi nhỏ dần lạc lối.
Đó chính xác là những gì mẹ của Nonoguchi dạy dỗ hắn ta, được viên cảnh sát Kaga đúc kết bằng một câu rằng: “Tôi nghĩ có lẽ một trong những lý do khiến anh hồi nhỏ ghét anh Hidaka có liên quan đến những suy nghĩ đáng khinh mà mẹ anh gieo vào đầu lúc đó.”
Nonoguchi đã mất đi sự giáo dục cơ bản từ phía gia đình hắn, cho nên bản tính lương thiện từ nhỏ đã dần mất đi. Còn nói như Tuân Tử, thì bản ác đã theo thời gian lớn lên cùng hắn, không có bất cứ rào cản nào để chuyển hướng.
3. Giáo dục từ phía nhà trường vẫn còn nhiều chông gai.
Trong những dòng viết về quá khứ của Nonoguchi và Hidaka, không có bóng dáng các thầy cô giáo giữa lúc bóng ma bạo lực học đường đổ ập lên đầu học sinh. Có thể nói, sự thay đổi về tâm sinh lý thời kỳ dậy thì ở những đứa trẻ là biểu hiện rõ ràng nhất của bản tính ác. Chúng ngông cuồng, tự đắc, cậy mạnh hiếp yếu, biết xu nịnh người có quyền lực cao hơn mình. Chúng biết cách qua mặt thầy cô giáo, áp dụng cách đả kích dồn dập những kẻ dám lên tiếng chống đối. Cho nên, nếu không thực sự tinh ý, sẽ chẳng một thầy cô nào đủ nhạy cảm để nhận ra sự thay đổi chỉ như chuồn chuồn đậu nước ấy.
Nonoguchi đã chọn cách âm thầm chịu đựng và thậm chí là đồng tình ủng hộ hòng được yên thân. Một lựa chọn đầy đớn hèn nhưng chính bản thân hắn ta có khi cũng không nhận ra, chỉ đến khi Hidaka dũng cảm đứng lên tự bước ra khỏi đống sình lầy. Hành động đó của Hidaka chắc chắn khiến Nonoguchi hổ thẹn. Nhưng hắn không đủ dũng cảm để làm giống như anh. Rồi đến khi kẻ bắt nạt chuyển trường, Hidaka lại rộng lượng bỏ qua vết nhơ đó của Nonoguchi, nhìn nhận hắn như một người bạn, Nonoguchi lại càng điên cuồng tự ti. Cũng giống như mẹ của hắn, sự tự ti đó đã chuyển thành ganh ghét đố kỵ khi hắn hay tin Hidaka – một người không giỏi môn Quốc ngữ bằng hắn, lại trở thành nhà văn ăn khách – thứ mà hắn luôn mơ ước với tới nhưng không thể chạm được vào.
Mầm mống ác ý nảy nở từ thuở nhỏ ấy đã lớn dần thành một cái cây, ăn sâu bám rễ vào trong lòng, đến độ Nonoguchi không thể dùng xẻng xúc hất đi được. Chính bản thân hắn đã cho phép mầm mống ấy nảy nở trong lòng, rồi nhu nhược để nó lớn dần lên, lớn đến độ không thể kiểm soát được nữa. Đó cũng là lúc hắn mất đi tính người.
Trong “Ác ý” còn có một chương kể về quá khứ của viên cảnh sát Kaga. Như đã đề cập ở trên, trước đây Kaga từng có khoảng thời gian làm giáo viên dạy học ở một trường cấp 2. Nhưng cuối cùng anh đã từ bỏ công việc gõ đầu trẻ ấy để trở thành một cảnh sát. Lý do, có lẽ, cũng là vì hổ thẹn bởi đã không làm tròn vai trò của một giáo viên.
Năm cuối cùng anh chủ nhiệm khối lớp 9, có một vụ bắt nạt đã xảy ra. Vậy mà đồng nghiệp lại khuyên anh thôi bỏ qua đi, chỉ cần khuyên giải là đủ rồi, đằng nào cũng chỉ còn mấy tháng nữa là đến lúc tốt nghiệp, chuyện gì thì cũng thành dĩ vãng cả thôi. Đấy, dưới cái nhìn của những người từng trải, lăn lộn đủ lâu trong xã hội đầy rẫy hiểm nguy này, thì việc học sinh bắt nạt lẫn nhau nó chỉ như con kiến cắn một phát vào da thịt, chả hề gì. Không phải ai cũng đủ nhạy cảm để biết rằng, con kiến tuy nhỏ bé nhưng vết cắn lại nhói đến tận tim can.
Kaga, may làm sao, không nằm trong số đông ấy. Có lẽ anh cảm thấy nếu vô trách nhiệm như vậy thì không xứng với cái nghề giáo này, cho nên anh đã giúp cậu bé bị bắt nạt tên Maeno lấy lại sự tự tin bằng cách dạy nó kiếm đạo. Nhưng thay vào đó, thằng bé lại thích xem anh phi dao, thậm chí còn hỏi Kaga làm thế nào để tin chắc mình sẽ nhắm trúng mục tiêu. Rồi kết quả? Đau lòng thay, đứa trẻ đã từng yếu thế đó lại hạ quyết tâm đâm dao trúng mạn sườn kẻ đã bắt nạt mình. Từ sau vụ đó, Maeno không bao giờ muốn gặp Kaga nữa. Còn Kaga lại hoàn toàn từ bỏ sự nghiệp đứng trên bục giảng.
“Nếu là mình, sẽ làm được. Em phải tin như vậy”, đó chính xác là những gì Kaga nói với Maeno khi được hỏi cách phi dao trúng mục tiêu. Một câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang quá nhiều sức mạnh tác động vào tâm lý. Khi một đứa trẻ yếu thế, luôn bị bắt nạt, nó sẽ dần hình thành cảm giác phẫn nộ, căm ghét và khao khát muốn được trả thù. Chính điều đó khiến nó muốn tìm cách giúp mình trở thành kẻ mạnh, mạnh hơn cả kẻ bắt nạt nó. Những đứa trẻ với đầu óc non nớt và cách nhìn nhận thế giới hạn hẹp, không được chỉ dẫn đúng cách sẽ chỉ nghĩ về kẻ mạnh với sức mạnh cơ bắp. Chúng không hề biết rằng, dùng bạo lực đối chọi với bạo lực sẽ chỉ sinh ra thêm nhiều bạo lực. Chúng không hiểu điều đó, căn bản là bởi không có ai khai sáng cho đầu óc của chúng. Và chính Kaga cũng đã mắc sai lầm như thế. Việc anh đồng ý phi dao cho Maeno xem, rồi tiết lộ bí quyết bách phát bách trúng càng khiến cho Maeno củng cố thêm niềm tin rằng, thầy giáo cũng đồng tình với suy nghĩ của mình.
Giúp đỡ những đứa trẻ chịu sự bắt nạt, không phải tìm cách biến nó trở thành kẻ mạnh để đối đầu với kẻ bắt nạt nó. Làm thế chỉ khiến cho bạo lực học đường kéo dài không bao giờ có hồi kết. Cái mà ít người nghĩ đến, hoặc có nghĩ đến mà khó thực hiện được, chính là hướng đến sự cảm thông và thấu hiểu từ hai phía.
Nhà văn Nam Cao đã từng viết: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh phải là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình.” Nếu bất kỳ ai, nhất là người trẻ tuổi, hiểu được đạo lý trong câu văn này, thì có lẽ bạo lực sẽ chẳng có cơ hội mà nhen nhóm.
Chú thích:
(1)
Tham khảo về tính bản thiện và tính bản ác: LINK
(2)
Tham khảo về "Cá trích đỏ": LINK
Bình luận
Chưa có bình luận