Việc Ngô Từ nói thật ra từ lâu đã là nỗi lo trong lòng Nguyễn Trãi. Tiên đế băng, Tân đế kế vị nhưng tuổi đời còn quá nhỏ dù có tài trí nhưng sức lực cũng không đủ. Giang sơn nhìn từ ngoài thì yên ổn nhưng thật ra ngày đêm rúng động. Thù trong giặc ngoài không ngừng quấy phá. Vì tuổi vua non trẻ nên Tiên đế trước khi băng đã cố mệnh lại cho Đại thần ngày đêm giúp vua bện trị giang sơn. Quyền thần hơn quyền vua từ đó trở thành điều cấm kỵ nhưng vua vừa lên ngôi, vốn dĩ căn cơ chưa đủ chỉ có thể răm rắp “tôn trọng” ý kiến trung thần. Phàm việc gì đã thành nếp dễ tạo nên mục rỗng. Đại Tư đồ quyền cao chức trọng càng dễ tự xem mình cao hơn vua, tham quyền cố vị, coi nhẹ vua tôi.
Nguyễn Trãi dù hữu tâm, hiểu thế sự, có trí có tài đi chăng nữa cũng sợ thân mình tuổi đã lão không còn bao nhiêu sức lực xoay chuyển càn khôn. Thêm phần ngày Tiên đế còn tại vị, ông vì “có họ” với tội thần Trần Nguyên Hãn đã bị Tiên đế đem lòng nghi kỵ[i]. Từ đó, thân già bỏ mũ quên mộng công danh, về vui thú với non sông cũng có cái lẽ riêng. Lòng trung bao năm tự thấy sáng tựa nhật nguyệt nay bị xem như bùn nhơ tanh nhuốc thì cũng chẳng còn dám giữ mộng công thần với vua nữa. Hôm nay nghe qua mấy lời của Ngô Từ biết rõ điều lo lắng trong lòng cũng đã xảy ra, Nguyễn Trãi càng thêm mấy phần ưu tư mấy phần lo sợ. Ưu vì lòng biết rõ giang sơn không yên mà thân mình lực bất tòng tâm. Sợ vì thương cơ đồ họ Lê bao năm gây dựng, chưa tạo nên danh Nghiêu Thuấn lại phải có cơ nguy, vua chưa tạo được danh thơm lại như ngồi trên đống lửa.
Nguyễn Trãi đặt lại chén trà lên bàn. Bàn lạnh, trà có ấm mấy cũng không sưởi ấm được nói chi một mình Nguyễn Trãi làm sao chống đỡ giữa chốn quan trường đầy rẫy mưu sâu. “Ông Từ” Nguyễn Trãi vừa ngồi xuống ghế vừa gọi Ngô Từ đang nghiêng mặt nhìn cảnh vật trước mắt. Ngô Từ nghe gọi cũng xoay hẳn người về bàn đá, tay cầm chén trà thong dong đi đến đặt lên bàn rồi cũng nhẹ giọng đáp lại:
- Lão Từ còn ở đây nghe ông giãi bày, còn đáp được lời ông nhưng vua ở điện đình muốn nghe cũng chẳng được.
- Ông nói chi cho quá lời. Lời của một kẻ Nho sĩ tuổi lão có giá trị gì để phun châu nhả ngọc rót chữ vào tai rồng.
Ngô Từ nghe Trãi nói, chỉ mỉm cười lấy từ trong tay nải ra một tờ giấy, đưa đến trước mặt Nguyễn Trãi, từ tốn:
- Hôm vua lên ngôi, tôi vốn định gặp bạn cũ trò chuyện nhưng ông đi vội quá. Khắc trước còn đứng bên vua tuyên đọc sách chỉ, khắc sau đã bỏ về Côn Sơn. Ông đi vậy chứ tôi biết lòng ông cũng gởi lại Đông Kinh. Nếu không, sao vừa thấy tôi đã biết Đông Kinh có sự cấp thiết chớ. Thú thật với ông, hôm nay tôi đến đây cũng là vì cái tờ thư cũ này. Ông mở ra xem đi khắc rõ.
Nguyễn Trãi nghe Ngô Từ nói trong lòng tuy có chút do dự nhưng bảo một người cả đời phụng sự triều đình không màng đến chuyện chốn điện đình thì làm sao cho đặng. Nguyễn Trãi mở giấy, từng dòng từng chữ đập vào đôi mắt làm gương mặt Nho sĩ cũng nhăn lại không rõ chứa đựng bao nhiêu suy tư. Trãi gấp lại mẩu giấy đặt ngay ngắn lên bàn, thái độ trân quý nói với Ngô Từ:
- Tuổi già rồi danh cũng không còn được rạng nên những cái đã từng viết qua này mấy ai còn nhớ ngoài chính mình đâu. Có mỗi ông biết lòng Trãi, còn mang ra đùa với Trãi.
- Không, không. Ông Trãi đừng nặng lời. Tôi kính ông lắm nên còn giữ lại mấy thứ này. Năm đó ông theo hầu vua, vâng mệnh thay vua viết chiếu khuyến dụ hiền tài [ii]thông báo rộng khắp cả nước, mỗi lời mỗi ý trong đó đanh thép sắc bén, không lời nào chữ nào là không khiến người ta xúc động. Cũng không lời nào chữ nào là không nghe lọt tai. Vậy thì sao ông biết lời ông nói không chui vào tai rồng? Hơn nữa, vua mới lên ngôi cũng cần người tài ra giúp sức. Mà cái tài của ông thì… ai ai cũng rõ. Gần đây, chắc ông có nghe qua vua ban lệnh chỉ huy cho người tài cả nước đem sức mình ra nâng đỡ giang sơn. Ai ẩn dật chưa xuất sĩ cũng nên “đem ngọc bán rao” [iii]để đất nước không khan hiếm nhân tài. Lời này của vua há chẳng phải muốn gọi ông về hay sao, ẩn sĩ Côn Sơn?
- Cho nên… hôm nay ông ghé qua cũng vì muốn Trãi về triều? Nhưng ông Từ à, lòng của vua chúng ta là bề tôi tuyệt không nên suy đoán. Hơn nữa, hơn nữa… Năm đó, Hãn có tội với Tiên đế tuy đã phải đền tội rồi nhưng ông đâu phải không rõ chuyện Trãi tôi vướng vòng lao lý, mấy tiếng oan khiên cũng không thể tỏ bày? Hôm nay bệ hạ lên ngôi, lời Tiên đế cố mệnh cho đại thần giúp vua trị quốc cũng không… không đến phiên nhà Nho lắm văn thừa chữ như Nguyễn Trãi. Huống hồ chi, tuổi tôi cũng lão rồi, có còn bao nhiêu ngọc để đi bán rao nữa đâu hở ông Từ!?
Ngô Từ không đáp nhưng gương mặt ra chiều suy tư. Chợt nhớ ra điều gì, vội vã cầm lấy mẩu giấy trên bàn chăm chú đọc như thể đang cần tìm kiếm gì đó. Thoáng chốc, gương mặt già giãn ra điểm thêm nụ cười có phần nhăn nheo, Từ vỗ mạnh vào đùi đánh ra một tiếng “đét” thật to cười khà khà:
- Khà khà, đây rồi, đây rồi. Tôi tìm thấy rồi. Đấy, tôi nhớ có sai đâu. Sách vở chữ nghĩa của ông kinh luân tuyệt thế đến nỗi còn dùng được vào lúc này đấy. Đây, ông xem - Từ vừa nói vừa đưa mẩu giấy về phía Trãi, trỏ tay vào mấy dòng chữ rồi vui vẻ gấp lại, tiếp tục vừa cười vừa nói – ông xem hết rồi nhé. Tôi biết mình dốt nên không dám loạn ngôn trước mặt Nho sĩ thì đành lấy chữ Nho giảng lại nhà Nho. Chẳng phải trong lời khuyến dụ hiền tài năm đó ông đã viết: “xưa kia Mao Toại thoát mũi dùi mà theo Bình Nguyên quân, Nịnh Thích gõ sừng trâu mà cảm ngộ Tề Hoàn công[iv], nào có câu nệ tiểu tiết đâu?” Ông bà mình dạy quân tử là người trực tính. Ông viết ra mấy lời không câu nệ tiểu tiết này chứng tỏ con người ông chính trực, khẳng khái thì sao ông câu nệ chuyện “đem ngọc bán rao” chứ. Ông Trãi, có thể ông dùng văn của mình đáp lại tôi rằng chỉ mượn sách hiền nhân khuyến dụ hiền tài nhưng sao ông có thể chối cãi từ chính cuộc đời ông đây. Năm đó, Lũng Nhai dấy binh, ông mang lòng đến gặp vua dâng sách lược xin theo cùng há chẳng phải là “đem ngọc bán rao” hay sao? Vậy thì cái lý cứ ông vừa nói với tôi là gì đây? Ông chẳng qua chỉ viện một lý do để gạt tôi, gạt chính mình cho vơi cái lòng với chuyện chốn Đông Kinh mà thôi.
- Nào dám. Ông… quá lời.
Nguyễn Trãi ngập ngừng nhìn Ngô Từ, cúi đầu xua tay ý bác bỏ nhưng bất lực. Thường nói người có đạo lý có thể đi khắp thiên hạ cũng không ngoa. Ngô Từ tuy xuất thân nông gia nhưng trong lời nói thâm thúy đạo lý nên dù muốn cãi Trãi cũng không cách nào cãi.
- “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”[v], ông Trãi! Những câu như thế này cũng chỉ có mỗi ông mới đủ trí nói lên. Năm xưa, Tiên đế anh minh cũng vì biết quý người tài mới có non sông như bây giờ. Tôi biết mấy lão già như chúng tôi cũng chỉ là phường áo vải, có chút công nhìn lúa bón phân mà được danh chứ thực tài có cái chi. Nhưng ông Trãi à, áo vải thì áo vải chứ cũng có lòng yêu nước, cũng là con dân Đại Việt. Tôi lý nào thấy vua còn nhỏ, nước nhà chưa an mà khoanh tay đứng nhìn. Tôi đến đây trước tự mình thay vua xin hiền tài, sau cũng vì không đành lòng nhìn bạn cũ thoái chí chùn chân mà bỏ qua lý tưởng cả đời. Quan trường u tối, tuổi tôi cao rồi nên cũng mệt mà tôi biết ông cũng mệt chứ. Nhưng mà ông Trãi, mệt mấy cái gánh này cũng phải gánh lên thôi. Ngô Từ không như Nguyễn Trãi nên dù muốn gánh cũng gánh không đặng. Ông Trãi, về đi ông! Về vì lòng trung với Tiên đế, về vì không thể nhìn sâu mọt gặm lần mòn gấm vóc giang sơn.
- Lòng trung của Nguyễn Trãi sợ rằng đã bị Tiên đế chôn theo Hãn.
Sống trong quan trường đã lâu, Nguyễn Trãi cũng tự khắc biết che giấu tâm tư. Lời cần nói thì nói, lời không cần nói cứ giữ lại vào lòng. Duy chỉ có giờ phút này, ở cái bàn đá lạnh lẽo, bên chén trà nhạt cùng với người bạn cũ của mình Trãi mới trút ra một chút nỗi niềm. Năm xưa, Trần Nguyên Hãn bị bọn Lê Sát, Lê Ngân tố tội tham ô với Tiên đế vì thói sống xa hoa; Nguyễn Trãi là người thân họ hàng với Trần Nguyên Hãn cũng khó tránh vua nghi kị. Tháng ngày sau đó, ông không còn được vua tin dùng, dù được tha tội nhưng lòng quân với thần cũng nhạt đi đôi chút...
Lời Nguyễn Trãi buông ra như sấm đánh vào tai Ngô Từ. Lão nông gia như ông cũng có lúc rối trí nhưng ông cũng là người theo phụng sự Tiên đế, có điều gì còn không nhìn thấu. Ngô Từ lấy lại bình tĩnh, đưa tay cầm lấy ấm trà bây giờ đã nhẹ đi nhiều do nước cũng vơi mấy phần, rót hai chén trà cho mình và Nguyễn Trãi. Trà cũng bị vốc đến giọt cuối cùng. Ngô Từ không quen cung cách lễ tiết nên cứ thế trút hết ấm xuống lại vô tình làm nắp ấm trà rơi ra ngoài, đánh một tiếng lên cái bàn đá. “Cũng may là không vỡ” Từ vừa nói vừa nhặt lại nắp ấm trà, từ từ hạ ấm xuống, đập nắp lại. Xong đâu đấy còn thuận tiện chỉnh lại ấm trà đặt ngay ngắn giữa bàn. Trãi nhìn theo chuỗi hành động của Từ lại ngó mắt sang mấy giọt nước trà còn li ti trên bàn đá trong lòng cũng tự nhiên khoan khoái hơn, bỗng chốc thấy Côn Sơn hôm nay vừa đẹp vừa hữu tình lại có “hồn thiêng”. Cũng phải thôi. Từ sau khi Hãn mất, Trãi cũng dần vắng bóng khỏi quan trường chỉ lo mấy việc soạn thảo biểu, chiếu, thư thay vua nhàn hạ rồi lại về Côn Sơn thưởng cảnh. Đã bao lâu rồi, cảnh vật Côn Sơn cứ lặng yên trôi qua trong tâm trí Trãi dù có hữu tình nhưng cũng thiếu chút “hồn thiêng” để Trãi thấy như mình được sống. Hôm nay Từ ghé thăm mang theo những vướng bận của Đông Kinh cùng Trãi vãn sự lại như thổi vào lòng Trãi một “hồn thiêng” mà Trãi đã cất lại. Chí trai bủa chặt bốn bể, ai chẳng mong mình được như Tiêu Hà, Ngụy Vô Tri [vi]có danh với núi sông. Huống chi càng là người tài càng ôm hoài bão làm quan Nghiêu Thuấn lưu danh thiên cổ.
“Ông Trãi” Ngô Từ thả một hơi mạnh vào không khí, thấp thỏm nhìn Nguyễn Trãi. Ngô Từ hôm nay đến đây cốt là để dò thêm ý tứ Trãi xem người bạn già bỏ mộng công danh có còn núi sông nữa không mới dám bày tỏ lòng thành, bắt chước hiền nhân khuyến dụ hiền tài. Và cho đến thời khắc này, câu chuyện giữa họ đã như bạn tri kỷ trút hết lòng mình thì xem như lúa đã đến độ chín mùa phải gặt. Chỉ hiềm một nỗi lưỡi hái của Từ chỉ sợ không đủ tinh xảo để gặt được cây lúa chín vàng như Trãi. Bởi lẽ Từ không phải là người ôm cả bồ kinh tế, thấm nhuần từng thớ văn chương chữ nghĩa thì càng khó làm thuyết khách. Có câu kẻ dốt đấu không lại tú tài, tú tài thua quan một cái miệng. Huống chi Nguyễn Trãi nào phải tú tài tầm thường mà Ngô Từ thì đích xác là kẻ dốt. Ngô Từ nghĩ mãi, biết bản thân không có lời văn hoa gì lay được lòng Nho sĩ, chỉ đành mang những điều ông từng chứng kiến qua, gom thêm cả lòng trung và chân thành nói lại:
- Ông Trãi, tôi biết chuyện của Hãn đã làm sờn chí Nho sĩ. Tôi thì cũng chỉ là một kẻ nông dân dốt nát chân lấm tay bùn nên làm gì biết hết cái đạo tôi trung, quân - thần của các ông. Con người tôi chỉ biết làm hết nhiệm vụ của mình, tròn trọng trách với vua để báo đáp ân nghĩa bề trên. Thấy bề tôi tham quyền cố vị, vua trẻ người non dạ không có thực quyền tôi cũng chua chát lắm. Sinh thời, Tiên đế tuổi trẻ anh minh biết nhường nào, Tân đế hôm nay có thua gì trí tuệ của cha ông đâu. Vậy mà phải chịu cảnh bó mình như vậy, thiệt… cái bụng của tôi cứ thắt lại hết. Nhưng tôi mang danh Thái bảo uy phong vậy đó chứ nào dám mở miệng hạch sách ai. Phần vì xuất thân tầm thường, phần vì công cũng do đặc ban mà có nào phải thực tài. Nếu tôi nói người ta tham quyền cố vị cũng có khác gì tự mắng mình ỷ quyền vua ban làm càn đâu hở ông? Lại phần tôi thấp cổ bé họng quá, triều thần bao nhiêu người nghe? Nói ra, chỉ e họ còn cười ngược lại tôi “chuột chù mà chê khỉ hôi[vii]”, thân mình cũng chẳng hơn ai lại muốn ra vẻ công thần thì khổ. À mà ông Trãi nè, tôi nghe nói Côn Sơn mùa này uống rượu hoa cúc là tuyệt diệu nhất. Đột nhiên, tôi muốn uống một chung. Ông… mời tôi nhé!
Từ vừa nói vừa đảo đôi mắt lên gương mặt trầm tư của Nguyễn Trãi, chờ xem phản ứng bạn già. Nguyễn Trãi không đáp, chỉ gật đầu rồi thong dong đi vào trong chuẩn bị rượu, bỏ lại Từ tĩnh lặng bên bàn đá giữa tiếng suối reo của Côn Sơn tươi đẹp. “Rượu vào lời ra” là đạo lý muôn thuở. Ngô Từ hôm nay có lời muốn ra nên phải tìm rượu vào mới mong nói được thỏa.
Nguyễn Trãi tay trái ôm một cây đàn ngọc ghì sát vào eo, tay phải cầm một khay rượu một bình hai chung từ từ đi đến bàn đá, đặt đàn ngọc ngay ngắn lên bàn, khoan thai để khay rượu vào giữa bàn, chậm rãi ngồi xuống. Trãi vừa ngồi xuống đã bắt gặp đôi mắt ngạc nhiên của Từ, không kịp để bạn già lên tiếng, ông đã vội cất lời:
- Nhà Nho hàn vi, thứ quý giá nhất chỉ có sách vở trong gian nhà tranh, đạo của hiền nhân nằm ở trong ruột. Hôm nay bạn cũ ghé thăm, không ngại tuổi lão, không ngại đường xa bôn ba vất vả… tấm lòng có thể sánh ngang Trương Mẫn nhận đường trong mơ viếng Cao Huệ[viii]. Quý hóa tấm lòng của bạn hữu thì một bình rượu nhạt sao đủ thâm tình? Trãi tôi tài sơ học thiển nhưng cũng từng biết qua chút cầm nghệ, hôm nay tỏ lòng với bạn xin tặng khúc nhạc để bạn tiêu sầu cho tôi thỏa cái chí “lưu thủy cao sơn[ix]” cùng bạn cũ. Ông Từ đừng có giận lòng cười chê nếu tôi tài nghệ không tinh thông nhé!
Trãi vừa dứt lời liền vén ống tay áo, chỉnh lại vạt áo, nghi thái tao nhã yên vị trên bàn đá; mắt chăm chăm nhìn kỹ đàn ngọc, tay sờ từng đường nét trên đàn đồ như kiểm tra đồ như nghĩ ngợi. Từ không đáp, thong dong rót hai chung rượu một giữ cho mình một đẩy về phía Trãi. Trãi đưa mắt tiếp chung rượu rồi khoan thai khảy những nốt nhạc đầu tiên. Tiếng đàn ngọc phát ra như hờn như tủi, lúc bổng lúc trầm. Có khi nhanh như tiếng gió lướt, có khi nhịp nhàng chậm rãi như tiếng suối reo; khi thanh thoát như nước chảy khi văng vẳng mênh mông như tiếng gió lùa lên từng ngọn núi cao, lúc lại hiu hắt như buồn như tủi lúc rộn ràng như mừng như vui. Tiếng đàn biến hóa theo từng nhịp thở của suối reo, của rừng lá, của hương hoa dịu nhẹ cũng làm tâm tình người nghe lắng đọng, say hồn. Rượu thơm nồng đến mấy cũng nào có thể làm người say, chỉ có lòng người muốn say mà thôi!
Tiếng đàn dứt, cơn say cũng tỉnh. Trãi ngưng tay, cầm chung rượu trên bàn đưa về phía Từ, kính lễ:
- Rượu hoa cúc của Côn Sơn hòa với đàn ngọc, cây cỏ, suối reo âu cũng là cái thú của kẻ nhàn hạ. Trãi tôi mời ông Từ một chung cho thỏa cái niềm tiêu miền trần tục nhé!
- Ông Trãi khách khí quá rồi. Bậc tài danh như ông thú vui cũng tao nhã hơn người ta, tôi thân dốt nát lại được ông trọng để cái tai kẻ chân lấm tay bùn được nghe tiếng đàn ngọc đã vinh hạnh bao phần rồi. Lại còn được ông xem như bạn tâm giao mà tiếp… thiệt làm tôi ngại quá!
- Tôi tiếp ông phần vì là bạn cũ phần cũng là vì quý ở tấm lòng trung quân của ông. Năm đó tôi theo phụng sự Tiên đế đã thấy Tiên đế anh minh nhưng hôm nay khi thân già rơi vào cảnh này được ông đến tìm bày tỏ tấm lòng tôi càng thấy nhận định của mình không sai. Ông Từ, ông không thẹn với cái chức Thái bảo của mình đâu.
- Ông nói chi mà quá lời. Thân nông gia dù có khoác áo gấm, đội mão cao cũng chỉ là phường áo vải. Gì chứ cái thân cái tóc đã đóng gốc đồng ruộng có muốn rửa cũng chẳng trôi đi đâu được. Nhưng dầu hèn cũng thể tôi là con dân Đại Việt, cũng sống qua bao đời, chứng kiến bao nhiêu cuộc loạn ly, bao nhiêu sự biến chuyển thay triều đổi đại nên chỉ khen mình có trí nhớ tốt thôi ông ạ. Tôi nhớ nhiều lắm. Nhớ quê tôi nghèo khó, dân mình lại bị bóc lột. Năm đó nô lệ, mình phải chịu phép của phương Bắc ngày đêm lên rừng lội biển tìm sản vật quý hiếm nào là sừng tê nào là thuốc quý nào là trân châu để tiến cống mong cái thân nô lệ đỡ chịu cực. Người già không đủ ăn, trẻ nhỏ không đủ mặc, thiếu phụ phải chịu góa bụa… Đất nước xác xơ, dân chúng lầm than… Tôi tuy cũng là dân nghèo nhưng may thay được bên Tiên đế hầu hạ, không phải quá lo cái ăn cái mặc nhưng cũng chứng kiến không ít tình cảnh người chết như ngả rạ, máu chảy thành sông, khổ thấu trời xanh. Dân an nhờ cái bụng no, dân khổ do cái bụng đói. Khốn cảnh quá thì cái khó ló cái khôn. Cùng đinh túng quẫn tự nhiên ép ra sức phản kháng rồi loạn ly tạo ra đấng anh hùng. Tiên đế cũng là anh hùng từ loạn ly mà sinh ra. Nói không ngoa, xét cái chung tôi là con dân Đại Việt chứng kiến quê cha đất tổ từ chỗ bị giày xéo đến cùng cực lại có thể trỗi mình kiêu hãnh nên không đành lòng nhìn đất nước lại thêm một lần nào nữa lâm nguy. Tính qua cái riêng, tôi khoác áo công thần, mà cha ông ta có câu “ăn cơm chúa múa tối ngày” tôi thân là thần dù gì cũng phải có chút trách nhiệm với non sông. Còn ông? So với phường áo vải dốt nát này, lòng còn mang nặng hơn lý nào ông đành dằn bụng mà quay lưng sao ông?
Trãi không đáp nhưng gương mặt như nặng nề thêm mấy phần. Hai hàng chân mày cũng co vào nhau tạo thành một đường rãnh giữa trán. Từ nhìn Trãi, nét mặt bình thản, ung dung rót thêm một chung rượu thản nhiên nốc cạn, đánh “khà” một tiếng thật sảng khoái. Từ đặt mạnh chung rượu lên bàn - khẳng khái:
- Rượu hoa cúc ngon quá ông Trãi. Uống vào một ngụm cảm giác như say đến nơi. Mà kẻ say thường hay nói thật. Thôi vậy, để lão già chân lấm tay bùn này nói lời say cho ông nghe hé. Khà khà… - Dứt lời, Từ vừa cười vừa rót thêm cho mình và Trãi mỗi người một chung rượu nữa rồi nheo nheo mắt nghĩ ngợi một lúc mới thốt lời – lúc nãy nghe ông đàn, tôi vốn dốt nát cũng không hiểu gì nhưng có nghe ông nhắc qua “lưu thủy cao sơn”, tôi tuy dốt nát nhưng cũng may mắn là được theo phụng sự Tiên đế nên có vài câu chữ nghĩa cũng nghe lỏm hiểu lỏm được. Tôi hiểu ý ông nhưng không dám nhận cái danh tâm giao được. Ông có học lại tài danh nên thấy mình như Bá Nha hay Tử Kỳ cũng không sai. Mà tôi thì vô học sao dám nhận càn. Chỉ có điều này tôi cứ giấu trong bụng mãi không dám nói ra nhưng thấy hôm nay không nói lại không được ông ạ. Chuyện của ông, Hãn và Tiên đế trước kia thôi thì cũng là chuyện đã qua nên tôi cũng không dám luận. Nhưng tôi theo hầu Tiên đế, đã chứng kiến bao nhiêu đêm thắp đèn ngồi suy tư hết đọc văn đến biểu của Tiên đế… tôi biết Tiên đế cũng nuôi giấc mộng Nghiêu Thuấn. Ở trong triều, ngoài ông ra còn có ai có chung chí hướng này? Tôi nói đến đây chắc ông hiểu rồi hé!? Làm vua, làm thần giữa thời loạn ly này ai cũng có trách nhiệm và gánh vác riêng. Có đôi chỗ làm vua cũng khó lắm. Ông là thần cũng hiểu mà. Nếu đã hiểu thì sao còn vùi chôn cái chí Nghiêu Thuấn hở ông?
Từ dứt câu nói, quan sát nét mặt của Trãi chờ phản ứng. Trãi vẫn ngồi yên ở đó, gương mặt trước sau như một không có gì thay đổi nhưng bàn tay đang đặt trên bàn của ông đã thu gọn lại thành hình nắm đấm giấu trong ống tay áo tự khi nào.
Lời cần nói đã nói tỏ, tự thấy không còn lời gì để nói nữa, Từ thong thả uống thêm một chung rượu cuối rồi cũng cung kính từ biệt Trãi - Từ đi.
Con người Ngô Từ khẳng khái cương trực, đến cũng thong dong đi cũng nhẹ nhàng. Trãi nhìn theo bóng Từ khuất dần chỉ còn tiếng huýt sáo hòa cùng tiếng suối reo của Côn Sơn yên bình, lòng cũng gợn lên một chút nỗi niềm. Cười không thành tiếng, khóc không ra nước mắt là biểu hiện của người già. Từ cũng già mà Trãi cũng già. “Làm vua làm thần giữa thời loạn ly này ai cũng có trách nhiệm và gánh vác riêng”. Lời của Từ cũng có đạo lý riêng. Núi sông Đại Việt muốn hưng vinh trường tồn cần có những đôi vai biết gánh vác. Tiên đế có gánh vác của Tiên đế, Trãi có trách nhiệm của Trãi. Và cả Ngô Từ cũng có gánh vác của riêng mình. Điều khác biệt duy nhất có lẽ là… gánh vác của Trãi là theo vua gánh giấc mộng Nghiêu Thuấn, còn gánh vác của Từ là thay núi sông gánh lòng của trung thần…
[i] Trần Nguyên Hãn thuộc tôn thất nhà Trần, là cháu nội của Tư đồ Trần Nguyên Đán, là anh em con cô con cậu với Nguyễn Trãi. Trong khởi nghĩa Lam Sơn ông cũng từng giành được nhiều chiến công hiển hách, từng giữ các chức Tư đồ, Thái úy dưới thời Lê Lợi. Năm 1929, ông cáo quan về quê nhưng xây nhiều nhà cửa bằng gạch hoa và đóng thuyền chở binh khí nên bị nội thần tố giác tội tham nhũng với vua, Lê Lợi tức giận cho người đi bắt ông về hỏi tội. Trên đường về kinh sư, thuyền giải Trần Nguyên Hãn đi đến Đông Sơn thì Hãn uất ức khấn trời rồi nhảy sông tự tử. Sau sự kiện này, Nguyễn Trãi cũng bị liên lụy, từng bị Lê Lợi nghi ngờ bắt giam một thời gian dài mới thả ra.
[ii] Theo Toàn thư và Cương mục thì tờ chiếu này ban bố vào khoảng tháng 6 năm kỷ Dậu (1429). Trong buổi đầu xây dựng lại nhà nước phong kiến, Lê Lợi một mặt phát triển chế độ khoa cử làm phương thức đào tạo quan lại chủ yếu, nhưng mặt khác vẫn sử dụng rộng rãi chế độ tiến cử, cầu hiền để kén chọn thêm quan lại. (trích ghi chú từ Nguyễn Trãi toàn tập).
[iii] “đem ngọc bán rao” được dịch ra từ câu: “Huyễn ngọc cầu thụ” (rao ngọc để cầu bán). Ý của câu này là nói về những người có tài không giấu mình mà lại đi khoe tài mình để cầu tiến dụng (trích ghi chú của Nguyễn Trãi toàn tập).
[iv] Mao Toại là thực khách của Bình Nguyên quân nước Triệu thời Chiến quốc. Khi Bình Nguyên quân đi sứ sang cầu nước Sở, Toại xin đi theo. Bình Nguyên quân từ chối nói rằng: “Hiền sĩ ở đời ví như cái dùi ở trong túi thì mũi nhọn ló ra ngay. Nay tiên sinh ở đây đã 3 năm, tả hữu chưa thấy khen có điều gì thế là tiên sinh không có gì cả”. Toại nói: “Nếu Toại được sớm ở trong túi, thì đã có có mũi nhọn ra rồi chứ không chỉ ló đầu nhọn mà thôi”. Rồi đi theo sang Sở, Bình Nguyên quân nói việc hợp tung với vua Sở từ sáng đến trưa Sở vương vẫn không quyết định. Toại liền vỗ gươm uy hiếp vua Sở phải theo. Rồi Bình Nguyên quân coi Toại là thượng khách mà trọng dụng. Nịnh Thích là người Vệ thời Xuân Thu, nhà nghèo đi dắt xe cho người. Đến nước Tề, lúc cho trâu ăn ở dưới xe Thích gõ sừng trâu mà hát. Tề Hoàn công thấy lấy làm lạ, sai Quản Trọng đón Thích về cho làm thượng khách rồi dùng làm Quốc tướng. (trích ghi chú của Nguyễn Trãi toàn tập).
[v] Trích “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.
[vi] Tiêu Hà, Ngụy Vô Tri là quan nhà Hán, rất nổi danh vì tài hoa bậc nhất (trích ghi chú của Nguyễn Trãi toàn tập).
[vii] Lấy ý từ câu ca dao “chuột chù chê khỉ rằng hôi. Khỉ kia trả lời cả họ mày thơm”.
[viii] Thời Chiến quốc, Trương Mẫn và Cao Huệ chơi thân với nhau, Mẫn nhớ Huệ nhưng đường xa không đi thăm được bèn tìm tới Huệ trong giấc mộng nhưng nửa đường lạc lối phải quay về, như thế ba lần. (trích Điển tích lạ).
[ix] Tích kể Bá Nha và Tử Kỳ là đôi bạn tâm giao. Bá Nha đánh đàn, Chung Tủ Kỳ ngồi nghe, lúc Bá Nha nghĩ tới núi cao thì Tử Kỳ đã nói: “Hay làm sao, vời vợi như núi Thái”, lúc Bá Nha nghĩ tới nước trôi, Tử Kỳ lại nói: “Hay làm sao, cuồn cuộn như nước chảy”. Người đời sau dùng tích này để chỉ tình bạn tri âm tri kỷ. (trích Điển tích lạ).
Bình luận
Chưa có bình luận